Chuyện nông dân giàu lên và trở
thành tỉ phú nhờ nuôi cá tra ở ĐBSCL không mới, nhưng để trụ vững qua
những mùa cá mất giá và tiếp tục ăn nên làm ra thì có rất ít người. Ông Ngô Phú Thơ , (tự Hai Thơ) 61 tuổi, ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, là một trong số ít người đó. Ông từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Không
những giỏi làm ăn, ông Hai Thơ còn nhiệt tình ủng hộ cho các công tác
xã hội ở địa phương như: làm cầu đường, xây nhà tình thương...
Bí quyết làm giàu
Một ngày cuối tháng 7, tại “Trang trại nuôi trồng thủy sản liên kết cồn Đông Thị Hơi” của ông Ngô Phú Thơ, khách khứa ra vào tấp nập chúc mừng gia chủ vừa thắng lớn vụ mùa năm 2011. Ông Hai Thơ phấn khởi nói: “Năm nay trúng mùa được giá, lời nhiều hơn những năm trước nên tôi làm bữa cơm mời anh em, bạn bè đến chung vui vậy mà”.
|
Qua 3 đợt xuất bán được 2.500 tấn cá, với giá từ 24.000 đến 26.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Hai còn lời trung bình 5.000 đồng/kg. Tính sơ sơ, ông Hai Thơ thu được lợi nhuận từ 10 ao cá ở trang trại rộng 5 ha khoảng 12,5 tỉ đồng. Tôi hỏi ông bí quyết nào giúp ông vừa trúng mùa, vừa được giá ngon lành, trong khi nhiều nơi lao đao vì giá cả lên xuống thất thường hoặc khó khăn trong việc tìm đầu ra. Ông cười không giấu giếm: “Nhờ tôi liên kết với một công ty đa quốc gia, đầu tư và bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Còn nuôi cá thì tôi áp dụng những khoa học kỹ thuật qua những đợt tập huấn nuôi trồng thủy sản của các cơ quan, đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục thú y... Tôi có đứa con trai lớn đã học trung cấp thú y và thủy sản hỗ trợ nên càng thuận lợi trong khâu nuôi trồng, chăm sóc”.
Ông Hai Thơ bắt đầu nuôi cá tra từ năm 2002 với diện tích 2 ha, sau đó dần mở rộng lên 5 ha. Trung bình 2 năm, ông thu hoạch 3 vụ cá. Từ đó đến nay chỉ có lời chứ không hề lỗ. Mỗi vụ tùy theo giá cả lên xuống mà ông lời ít hay nhiều và đều lời tiền tỉ trở lên. Ông Hai chia sẻ: “Thật ra, khi bắt đầu nuôi cá, tôi có sẵn một số vốn nên chỉ vay ngân hàng phân nửa tổng số vốn đầu tư nên không chịu nhiều gánh nặng lãi suất. Thức ăn cho cá thì tôi mua từ đại lý cấp I, không qua nhiều trung gian nên giá thành thấp hơn so với thị trường. Nhờ chi phí sản xuất thấp nên tôi luôn có lời trong mỗi vụ thu hoạch”.
Tuy nhiên, cũng như nhiều người nuôi cá khác, ông Hai Thơ luôn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình nên khá bấp bênh và thu nhập không ổn định. Vì thế, ông luôn cố gắng tìm đầu ra ổn định cho con cá tra để yên tâm sản xuất lâu dài. Cơ hội đã đến vào năm 2010, khi công ty cung cấp thức ăn Con Cò tổ chức một chuyến du lịch cho những khách hàng thân thiết và ông Hai Thơ được mời tham gia chuyến đi này. Trong số khách đi du lịch, có đoàn của Công ty đa quốc gia IDI chuyên về chế biến thủy sản. Nhân dịp này, ông Hai Thơ đã làm quen và trao đổi với đại diện của Công ty IDI về việc liên kết hợp tác sản xuất- thu mua cá tra. Sau chuyến đi đó, hai bên đã cùng ký kết hợp đồng làm ăn. Ông Hai Thơ chịu trách nhiệm cung cấp cá tra còn phía công ty thì đầu tư một phần chi phí thức ăn và thu mua sản phẩm. Thế là năm 2011, năm đầu tiên liên kết đã thành công ngoài mong đợi và đây cũng là năm ông Hai thu lợi nhuận nhiều nhất từ trước đến nay.
Vươn lên từ nghèo khó
Tiếp xúc với ông Hai Thơ, người ta dễ có cảm tình với vị tỉ phú này, bởi ông rất bộc trực, gần gũi. Là “đại gia” nhưng ông ăn mặc, nói năng rất giản dị. Tôi nghĩ, có lẽ cái chất nông dân đã thấm sâu vào con người ông và quá trình vươn lên từ nghèo khó đã khiến ông luôn bình dị như bao người.
Nhắc lại những tháng ngày đã qua, vợ chồng ông Ngô Phú Thơ- bà Lê Mỹ Dung còn nhớ rất rõ cái thuở hàn vi. Năm 1975, hai vợ chồng ra riêng với 1 công đất cha mẹ cho. Không ngại vất vả, khó khăn, ông bà chăm lo cho mảnh vườn trồng cây ăn trái và làm thêm nhiều việc để kiếm sống. Nhờ siêng năng, chịu khó và tiết kiệm, ông bà cũng lo cho gia đình cuộc sống tạm ổn. Nhận thấy không thể giàu lên từ mảnh vườn ít ỏi, hai vợ chồng tích cóp vốn liếng và vay mượn thêm tiền bạc để đóng một chiếc ghe 20 tấn, chở vật liệu xây dựng đi bán khắp vùng sông nước. Gửi con cho ông bà nội chăm sóc, hai vợ chồng rong ruổi những chuyến đi có khi một tuần, nửa tháng đến khi bán hết hàng mới quay về. Lênh đênh trên sông nước khoảng 8 năm, tích lũy được một số vốn kha khá, vợ chồng ông Hai Thơ quyết định từ giã đời thương hồ để lên bờ ổn định cuộc sống và cũng để có điều kiện gần gũi, nuôi dạy con cái tốt hơn. Đầu những năm 1990, vợ chồng ông Hai Thơ mở một cây xăng và buôn bán khá thuận lợi, cuộc sống khá lên từ đó. Đến năm 2002, thấy phong trào nuôi cá tra bắt đầu phát triển, ông Hai Thơ bắt tay vào đầu tư nuôi cá tra ở cồn Đông Thị Hơi, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, cách nhà gần 2km. Ông bà phân chia nhau: bà Dung và con gái lo cây xăng, ông Hai và con trai lo nuôi cá. Nhờ biết cách làm ăn, vợ chồng con cái lại chung sức đồng lòng nên chẳng mấy chốc, gia đình ông Hai Thơ trở thành tỉ phú.
Đã trải qua những tháng ngày cơ cực nên vợ chồng ông Hai Thơ rất thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Ông Hai nhận những gia đình nghèo khó vào làm tại trang trại của mình để giúp họ có việc làm ổn định. Mỗi năm, ông Hai Thơ cất một căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Đến nay, ông đã cất được 4 căn nhà tình thương ở phường Thới An, quận Ô Môn và 1 căn ở huyện Phong Điền. Ông còn nhiệt tình ủng hộ các phong trào xã hội khác ở địa phương. Ba năm trước, ông Hai Thơ đã chi trên 60 triệu đồng để xây lại 2 cây cầu Cả Đâu và Cả Sơn thêm rộng rãi để bà con đi lại thuận tiện hơn. Mỗi mùa mưa, ông Hai đều đổ đá bụi các tuyến đường giao thông để tránh lầy lội, sình bùn, học sinh đi học dễ dàng hơn...
* * *
Chia tay ông bà Hai Thơ, tôi ra về trên
con đường trải đá bụi rợp mát bóng cây, bên tai vẫn còn nhớ lời bộc bạch
chân tình của ông Hai: “Mình có điều kiện thì chia sẻ với cộng đồng là việc nên làm. Tôi tin vào luật nhân quả, ở hiền gặp lành mà”.
Theo Baocantho.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét