Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Chúng ta không thể tồn tại nếu không phải cạnh tranh trên toàn cầu


Kiến thức kinh doanh - Chúng ta không thể tồn tại nếu không phải cạnh tranh trên toàn cầu
Đến buổi phỏng vấn do CNN tổ chức, nhà sáng lập kiêm CEO của Gree, công ty kinh doanh trò chơi và mạng xã hội trên mạng Internet, mặc một chiếc áo phông giản dị, quần jean bạc và đi giầy thể thao đỏ. Đang nắm khối tài sản khoảng 2,2 tỷ USD, anh hoàn toàn có đủ tiền để mặc bất kỳ thứ gì anh muốn.
Công ty Gree đã phát triển từ một dự án do Tanaka bỏ tiền riêng ra để phát triển thành một công ty có giá trị thị trường khoảng 7 tỷ USD. Giá cổ phiếu của công ty hiện gấp 7 lần so với khi công ty tiến hành IPO vào năm 2008.
Hiện công ty đang hợp tác với Tencent, một trong những công ty mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc; đến năm 2011, công ty thâu tóm OpenFeint, công ty sở hữu hệ thống trò chơi lớn có trụ sở tại Mỹ.
Tanaka hiện hy vọng sẽ đưa được Gree vào châu Âu, Mỹ và nhóm thị trường mới nổi như Braxin để tăng số lượng người dùng lên khoảng 1 tỷ người, gấp 5 lần con số hiện tại.
Tanaka thành công bởi anh xây dựng được công việc kinh doanh thành công, đi ngược lại với xu thế khó khăn của doanh nghiệp Nhật hiện nay.
Hiện nay, kinh tế Nhật đã bắt đầu thập kỷ tăng trưởng kém thứ 3, nhóm công ty lớn của Nhật như Sony, Panasonic và Toyota đang khốn khổ do thua lỗ kỷ lục hoặc bê bối tại nước ngoài. 3 cú sốc trong năm 2011 bao gồm động đất, sóng thần và vụ rò rỉ hạt nhân tại lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã khiến triển vọng kinh tế Nhật trở nên u ám hơn.
Trong khi doanh nghiệp lớn nhất của Nhật khó khăn, cho đến nay rất ít công ty vươn lên đủ mạnh để có tầm thay thế họ.
Doanh nhân Tanaka tin rằng điểm yếu nhất của doanh nghiệp Nhật nằm chính ở tầm nhìn thiển cận của họ: “Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ quá nhiều người không chấp nhận được sự thật rằng chúng ta không thể tồn tại nếu không phải cạnh tranh trên toàn cầu.”
Anh hy vọng Gree sẽ có thể tạo ra được ảnh hưởng lên nhóm doanh nghiệp mới tại Nhật: “Nhiều người cho rằng hiện không tồn tại thứ văn hóa đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ từ con số không ở Nhật thế nhưng trên thực tế trò chơi xã hội và công ty Gree của chúng tôi đã thành công chỉ trong 7 năm.”
Tanaka luôn biết người ta thường so sánh anh với Mark Zuckerberg của Facebook, không phải chỉ dựa trên cách ăn mặc của hai người.
Cả hai doanh nhân trẻ khởi nghiệp đều vào năm 2004 và tiếp tục vươn lên thành doanh nhân toàn cầu.
Cả hai đều tin trong hoạt động kinh doanh, con người ta có nhiều mục tiêu hơn việc chỉ biết làm hùng hục kiếm tiền.
Tanaka nói về Gree của anh: “Facebook hiện đã trở nên cực kỳ vĩ đại, vĩ đại đến mức có thể thay đổi được xã hội của chúng ta. Thế nhưng tôi tin chúng tôi có thể thay đổi xã hội theo cách riêng của mình.”
Anh cho biết anh không dám khẳng định chắc chắn ngành công nghiệp trò chơi có cứu được giới doanh nghiệp Nhật hay không, thế nhưng anh tin còn nhiều lĩnh vực khác có triển vọng phát triển sáng sủa tại đất nước Nhật vốn đang thực sự u ám.

Xây dựng Gree từ con số 0

Từ khi còn là một học sinh cấp 2, Yoshikazu Tanaka đã rất thích thú, đam mê với ý tưởng phát triển mạng xã hội thông tin.
Yoshikazu Tanaka ban đầu làm việc tại Sony và sau này về hợp tác cùng với tỷ phú Hiroshi Mikitani xây dựng trang web đấu giá trực tuyến Rakuten. Ở Rakuten, anh chịu trách nhiêm thiết kế web và nhiều đoạn banner quảng cáo. Anh đồng thời thiết kế ra blog và lập ra mạng xã hội riêng chỉ vì anh cảm thấy thích.
Năm 2004, anh ra đi để thành lập Gree, trang web này sau đã phát triển thành một trang game trực tuyến nổi tiếng. Anh khởi đầu bằng việc xây dựng một hệ thống mạng lưới bạn bè trực tuyến.
Không phải đến khi rời khỏi Rakuten anh mới có ý tưởng về Gree, anh đã nung nấu ý định này từ khi còn làm việc dưới quyền tỷ phú giàu thứ 6 nước Nhật, ông Hiroshi Mikitani.
Năm 2006, sự hợp tác với công ty viễn thông KDDI đã mang đến bước ngoặt lớn cho Gree. Số lượng người dùng Gree đã tăng lên nhanh chóng nhờ kết nối với trang chủ chuyên về điện thoại di động của KDDI. Sự kết hợp với công ty NTT Docomo và tập đoàn đầu tư Softbank cũng mang đến lượng khách hàng lớn cho Gree. Người dùng di động Nhật bản nhanh chóng ưa thích dịch vụ mà Gree cung cấp bởi họ thích chơi game trên điện thoại di động để giết thời gian.
Gree phát triển nhiều sản phẩm game để cạnh tranh với PSP của Sony và DS của Nintendo. Có một đặc tính mà trò chơi của Gree vượt trội hơn so với các đối thủ: người sử dụng có thể chơi game với nhiều hành khách trên các chuyến tàu khác nhau của Nhật.
Gree dễ sử dụng và dung lượng không lớn. Bắt đúng xu thế thích truy cập từ điện thoại di động của người tiêu dùng Nhật để vào mạng xã hội, tìm thông tin và chơi game, Gree đã thành công. Ngoài ra còn phải kể đến sự hỗ trợ không nhỏ từ công nghệ điện thoại băng thông rộng hàng đầu của Nhật.
Năm 2009, cổ phiếu Gree tăng gấp đôi, đưa tài sản của anh tăng trưởng chóng mặt.

Nguồn gomm.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Flag Counter