Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Doanh nghiệp Việt Nam đang "ngủ quên trong chiến thắng"

Bất chấp thời tiết lạnh mưa lâm râm của Brussels, sáng 24/4, hoà vào dòng người đông nghịt, vali kéo, tay xách lỉnh kỉnh, chúng tôi tiến về Trung tâm hội chợ của Bỉ.
Xe đậu kín cả khu vực bán kính hơn cây số. Nhìn về phía trước sảnh toà nhà hội chợ, thấy lá cờ Việt Nam phấp phới bay ngay vị trí trung tâm, niềm kêu hãnh dân tộc dâng trào dâng.
Bên trong, qua mấy lần kiểm soát, một không gian choáng ngợp hiện ra, các gian hàng triển lãm của hơn 1.600 công ty từ 80 quốc gia được trang trí ấn tượng trong khu vực rộng đến 34.000m2.
Mặc dù nền kinh tế khu vực Châu Âu đang trong thời kỳ báo động, nhưng hình như ngành công nghiệp thực phẩm ở đây vẫn đang chuyển mình trỗi dậy. 230 gian hàng lấp đầy 3.614m2 sảnh số 5, điều mà trước đây chưa hề xảy ra.

Người tham dự dễ dàng nhận ra màu cờ sắc áo của các quốc gia. Gian hàng của Việt Nam được thiết kể giản dị bên cạnh sự hiện đại với sắc màu rực đỏ lá phong của Canada.
Việt Nam là nước có nền công nghiệp chế biến thuỷ sản được xếp vào top đầu của khu vực châu Á, nhưng khi đến hội chợ lần này, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy gian hàng của các nước trong khu vực lân cận thể hiện bước chuyển mình ngoạn mục.
Gian hàng của Ấn Độ được thiết kế sang trọng, mang đậm nét văn hoá truyền thống của người Ấn, tất cả tạo nên một khối đồng nhất vững chắc. Mười năm về trước, Ấn Độ còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam.
Gian hàng Việt Nam
Thời bấy giờ Việt Nam đã đi đến giai đoạn sản xuất hàng tinh chế, trong khi một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Indonesia, Philippines còn ở giai đoạn sơ chế, bán nguyên liệu thô. Nhưng hôm nay trong giai đoạn kinh tế còn đầy khó khăn, ngay tại hội chợ này, họ đã vươn lên, nắm bắt cơ hội.
Khi mang quân đi đánh xứ người, các công ty của họ đã có bước chuẩn bị khá kỹ càng, hàng hoá trưng bày đã chuyển sang hàng tinh chế, bao bì đóng gói đẹp mắt và bài bản; đặc trưng văn hoá dân tộc được thể hiện trên những vật lưu niệm, màu cờ sắc áo.
Nhân viên của họ đon đả chào mời khách hàng với những cái bắt tay thân thiện, ví như khi bạn đến gian hàng của Ấn Độ, nếu bạn muốn tìm một mặt hàng mài người đang tiếp bạn không sản xuất mặt hàng đó, họ sẽ nhiệt tình nắm tay bạn dắt đến giới thiệu cho một bạn hàng Ấn Độ khác.
Gian hàng Ấn Độ
Và tôi cũng nhìn thấy đâu đó sự quyết tâm đồng lòng nắm bắt thị phần trong thị trường thế giới của các quốc gia trong khu vực châu Á thể hiện qua giá cả mềm hơn của Việt Nam, Thái Lan...
Chúng ta không thể lý giải mãi cái lý do là giống tôm của Việt Nam lúc nào cũng ngọt và ngon hơn so với nước khác trong khu vực nên bán đắt hơn, hoặc Việt Nam đang là nước có công nghệ chế biến cao so với các nước trong khu vực nên giá cao hơn.
Gian hàng Malaysia
Lần đầu tiên sau nhiều năm tham gia hội chợ, tôi đã thấy rất nhiều đại gia tên tuổi trong ngành của Việt Nam vắng mặt, thay vào đó là các công ty mới ra đời, công ty thương mại. Hàng hoá trưng bày đa phần là mấy mẫu cá tra phi lê các loại, ai cũng như ai, rất ít mặt hàng tinh chế, các tủ đông trưng bày còn bỏ trống vì đơn vị tham gia mang hàng mẫu rất ít hoặc không mang.
Ngoại trừ gian hàng của Cầu Tre có sự chăm chút về bao bì, đa phần đóng gói mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Chúng ta không có thương hiệu riêng của mình. Đây cũng là điểm nóng đưa đến việc dễ cạnh tranh lẫn nhau.
Điều này dẫn đến việc các nhà nhập khẩu có thể mua của bất kỳ công ty Việt Nam nào, miễn là giá cả và chất lượng hợp lý. Và họ sẵn sàng thay đổi nhà cung cấp, dẫn đến sự cạnh tranh ngay trên sân nhà của các công ty trong nước. Đây quả là một thực trạng đáng buồn.
Gian hàng Canada
Tôi tự hỏi, phải chăng vì các công ty Việt Nam đã có đủ tự tin cho thị phần của mình nên không cần tham gia hội chợ nữa, hay là quá quen thuộc việc khách hàng tìm đến mình nên cắt giảm chi phí marketing trong gian đoạn khó khăn này?
Cho dù lý do gì thì sự xuất hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp của các quốc gia trong cùng khu vực cũng đã nhắc nhở chúng ta không nên ngủ quên trong chiến thắng, vì "khi bạn đứng lại đồng nghĩa là bạn đã thụt lùi".
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc hơn, và cần phải làm thương hiệu hàng hoá riêng cho mình nhằm tránh sự cạnh tranh lẫn nhau và để cạnh tranh trên thế giới.
Rời khỏi khu vực hội chợ, tôi lang thang cuốc bộ dọc đoạn đường đầy hoa tulip, hoa anh đào. Sắc hoa sặc sỡ mà lòng tôi trĩu nặng tâm trạng của người thất trận, cho dù trận đánh chỉ mới bắt đầu...

ĐÔNG XUÂN (Ghi nhận từ Hội chợ Triển lãm Thuỷ sản Thế giới - Brussels)
 
Doanh Nhan Sai Gon

Không có nhận xét nào:

Flag Counter