Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Thành công của “ngài” giám đốc đi… xe đạp

Nếu muốn kiếm tiền, nhưng chưa có kinh nghiệm, chưa có vốn, hàng ngày vẫn còn phải lên giảng đường đại học, không thể làm việc fulltime, bạn sẽ làm gì? Trong tình cảnh đó, nếu xin một lời khuyên, 99,99% những người được hỏi sẽ nói: Hãy tìm một việc làm thuê bán thời gian. Và sự thực, 99,999% những người rơi vào hoàn cảnh này đã đi theo con đường đó.
Đinh Khắc Tuấn

Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu với các bạn một người đặc biệt - nằm trong nhóm thiểu số khi rơi vào trường hợp trên. Anh là Đinh Khắc Tuấn – Giám đốc Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN (www.dichthuatcnn.com). Người đã quyết định thành lập công ty để làm… giám đốc nhằm giải quyết vấn đề thời gian khi rơi vào tình huống trên.

Hiếu học ăn vào trong máu

Sinh ra trong gia đình tại Hải Phòng có tới 7 anh chị em, Đinh Khắc Tuấn là con út và cũng là người duy nhất trong nhà tốt nghiệp đại học. Bố anh là giáo viên dạy toán tại một trường xa nhà, mẹ suốt ngày bận bịu buôn bán ngoài chợ, không có nhiều thời gian dành cho con. Bù lại, Tuấn lại là đứa trẻ hiếu học và biết tự quan sát cuộc sống xung quanh để định hướng cho các hành động của mình.

Anh cho biết, suốt thời gian học cấp I và đầu cấp II, anh học chưa giỏi. Năm lớp 6, Tuấn dự một buổi lễ khen thưởng 2 học sinh giỏi cùng trường, một trong số 2 bạn đó lên chia sẻ về quá trình học tập của mình. Chợt nhận thấy, những gì bạn làm là không khó, anh quyết tâm noi gương bạn và sau đó anh luôn là học sinh đứng đầu lớp. Động lực và quyết tâm đã làm cho con người thay đổi, đặc biệt nếu có mục tiêu rõ, hành động sẽ đến với bạn rất tự nhiên.

Một lần, nhìn thấy một chị ngồi đọc một cuốn sách nước ngoài trong sân trường, nhìn chữ thấy lạ, Tuấn đến gần làm quen và mượn cuốn sách để xem. Lần đầu tiên, đứa trẻ ở một huyện nhỏ, biết trên đời còn có một ngôn ngữ nữa ngoài tiếng Việt. Phần tò mò, phần bị những chữ viết không quen đó cuốn hút, cậu học sinh lớp sáu tự tìm hiểu và xin tiền bố mẹ để đăng ký vào một khóa học tiếng Anh. Tính tò mò đã giúp anh rất nhiều trong quá trình kinh doanh sau này. Cá tính đó “buộc” anh luôn cải tiến trong công việc và giúp anh trở thành một trong số những người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Sáng đi học ở trường, chiều đạp xe 15km vào thành phố Hải Phòng để học thêm tiếng Anh và một số môn học khác. Tối sau bữa ăn, không bị ai thúc ép, tự ngồi vào bàn làm bài tập là chu trình khép kín của Tuấn những năm cấp II, cấp III. Quá trình tìm lớp và liên hệ với thày cô giáo để xin học thêm, đều do Tuấn tự chủ động, không hề có sự can thiệp hay hướng dẫn của bố mẹ. Kiến thức thu nhận được luôn là niềm đam mê của anh từ nhỏ cho đến tận bây giờ.

Anh cho biết, 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, anh vẫn… rất thích học. Riêng năm ngoái, anh đã chi tới 250 triệu VND cho các khóa học trong và ngoài nước. Đây là các khóa học nhằm thay đổi tư duy và nâng cao khả năng lãnh đạo trên mọi lĩnh vực dành cho một chủ doanh nghiệp.

Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để kết nối các mối quan hệ và tạo ra xung quanh mình một môi trường thành công để giữ lửa đam mê.

Có khả năng marketing trời phú

Khả năng kinh doanh của anh sớm bộc lộ ngay từ thời còn là một sinh viên. Mặc dù rất bận rộn với việc học (anh học 2 ngành cùng một lúc biên/phiên dịch tiếng Trung và quản trị kinh doanh, trong đó quản trị kinh doanh học hoàn toàn bằng tiếng Anh) nhưng cứ có cơ hội là anh lại tổ chức những “phi vụ” kinh doanh ngay trong trường.

Vụ ấn tượng nhất là kinh doanh Earphone. Anh cho biết, về mặt tổ chức, vụ này tốt không thua kém gì so với… Công ty CNN hiện tại. Tất cả các sinh viên ngoại ngữ đều phải dùng Earphone cho công việc học tập của mình. Đồ xịn thì đắt, đồ Tàu thì chóng hỏng. Một lần Tuấn ra chợ Sắt nơi bán đồ second-hand nhập từ Nhật về ở Hải phòng. Anh mua được một cái Earphone, về dùng thử thấy rất tốt.

Nhận thấy đây là cơ hội tốt để kinh doanh, Tuấn nằm vắt trán, thức thâu đêm để suy nghĩ cách tiếp thị tới các bạn sinh viên trong trường. Mặc dù, chưa từng học qua một khóa học nào về marketing, nhưng anh đã đưa ra một phương án mà dưới con mắt của một người đã 5 năm lăn lộn trên thương trường và kinh qua nhiều khóa đào tạo là anh-bây-giờ phải thấy “nể”.

Anh đặt tên đó là chiếc earphone tình yêu, được minh họa bằng hình trái tim nằm ngay giữa tờ giấy khổ A4. Từ trái tim tỏa ra những tính chất hấp dẫn như: Êm ái; Theo bạn trên khắp chặng đường …Tất cả được thực hiện trên file word, in ra rồi copy thành nhiều bản để dán ở những nơi có thể đập được vào mắt các bạn sinh viên. Ngoài ra, anh còn liên hệ với lớp trưởng các lớp để nhờ tiếp thị hộ có chiết khấu % đàng hoàng. Thậm chí, Tuấn còn đến các buổi sinh viên học trên các giảng đường lớn, chờ đến giờ giải lao để giới thiệu “tình yêu” của mình.

Hệ thống phân phối cũng được tổ chức bài bản, mỗi khu nhà sinh viên ở, Tuấn đều “cài” các đại lý của mình và có chế độ hoa hồng rất rõ ràng. Công việc kinh doanh rất tiến triển, mỗi chiếc earphone giá 15.000 VND được bán với giá 45.000VND, trừ phần tiền cho các đại lý, Tuấn vẫn còn được lãi 25.000 VND. 2 tuần/1 lần anh phải về Hải Phòng để “nhập hàng”, mỗi lần ít nhất 200 cái, “phi vụ” kéo dài gần nửa năm, số tiền Tuấn thu về không nhỏ so với mức chi tiêu 500.000 VND/1 tháng của các sinh viên thời bấy giờ.

“Tiếng lành đồn xa”, sau đó các bạn sinh viên khác có mối kinh doanh nào nhưng lúng túng không biết tổ chức “buôn bán” ra sao đều đến mời Tuấn hợp tác. Tiếp theo là các vụ kinh doanh từ điển tiếng Trung và copy bán tạp chí tiếng Trung mang về từ Trung Quốc khiến Tuấn nổi tiếng là một sinh viên năng động không những trong trường Đại học Hà Nội (trước là Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân, Hà Nội) mà còn lan cả sang các trường khác.

Kinh nghiệm thu lượm được từ những phi vụ này thực sự hữu ích đối với anh trong những ngày đầu thành lập công ty.

Nhân viên duy nhất trong công ty đi xe đạp là…ngài giám đốc

Tháng 06/2005, Tuấn tốt nghiệp Khoa tiếng Trung Đại học Hà Nội, nhưng vẫn còn là sinh viên năm thứ 3 Khoa Quản trị Kinh doanh, đã đến lúc phải tìm một công việc ổn định để tự nuôi thân, nhưng do vẫn còn bó buộc bởi những giờ học ở trường, để có thể làm chủ thời gian của mình, Tuấn quyết định mở công ty… làm giám đốc.

Trong thời gian còn học ở khoa ngoại ngữ với không ít lần đi làm phiên dịch, Tuấn đã nhận thấy đây là thị trường tiềm năng. Vì vậy, khi quyết định mở công ty, anh chọn ngay lĩnh vực này để khởi nghiệp mà không phải trăn trở nhiều.

Thời gian làm việc trước cũng tích lũy được một số vốn nho nhỏ, Tuấn vay thêm được 15 triệu VND, cộng với số tiền của một người bạn cùng hợp tác là 15 triệu VND, tổng cộng là hơn 50 triệu VND. Đây là toàn bộ vốn đầu tư ban đầu của Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN – được thành lập vào 19/08/2005, chưa đầy 2 tháng sau khi Tuấn tốt nghiệp đại học.

Trả 3 tháng tiền thuê văn phòng, mua 2 cái máy tính, 1 máy in với vài đồ lặt vặt khác là vừa hết vốn. Tuấn là giám đốc, bạn góp vốn là phó, cùng với 2 nhân viên là cơ cấu nhân sự ban đầu của công ty. Thời gian đầu, do dồn hết tiền để đầu tư vào công ty và không được gia đình ủng hộ, nên anh là nhân viên duy nhất trong công ty không có xe máy, phương tiện di chuyển của anh là xe đạp. Khi có việc phải đi gặp đối tác/khách hàng, Tuấn mượn xe của các nhân viên khác trong công ty. Tuy nhiên, “ngài” giám đốc trẻ 22 tuổi luôn giữ được phong thái tự tin.

Ngay từ lúc đó, anh đã nhận thức được, đối với người đứng đầu, thì công việc tổ chức mới là quan trọng. Vì thế, mặc dù giỏi chuyên môn, Tuấn không “tiếc tiền” lao vào làm các công việc dịch thuật như nhiều giám đốc khác trong cùng trường hợp sa vào. Các nhân viên trong công ty, phần lớn cũng chỉ làm kinh doanh và quản lý đội ngũ dịch giả. Với tư tưởng đó, Tuấn bắt tay vào xây dựng mạng lưới cộng tác viên ngay từ những ngày đầu thành lập công ty. Tới nay, CNN đã có mạng lưới hơn 1.000 công tác viên.

Vốn có khả năng marketing, việc tìm khách hàng đối với Tuấn không quá khó. Anh dán tờ rơi quảng cáo trên phố Nguyễn Trường Tộ, nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống (thời mới thành lập mũi nhọn của CNN là dịch thuật tiếng Trung, đến nay CNN là đơn vị dịch thuật  35  ngôn ngữ với 58 chuyên ngành khác nhau. Ngoài ra còn cung cấp các dịch vụ gia tăng cho người nước ngoài tại Việt Nam); quảng cáo trên 1080 và cuốn Những trang vàng Việt Nam. Tiếp thị trên internet cũng là hướng Tuấn sử dụng triệt để.

Nhìn lại quãng đường đã đi của mình, Tuấn khẳng định cái khó hơn đối với anh vẫn là việc quản lý và định hướng cho sự phát triển của công ty, chứ marketing chưa bao giờ là vấn đề cấp bách phải đặt ra.

Thành quả và hướng phát triển sắp tới

Sau hơn 5 năm phát triển, hiện tại, CNN đã có danh tiếng và định vị được thương hiệu trên thị trường Việt Nam. Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, và các đại lý tại Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Mục tiêu đến hết năm 2010 sẽ mở được 10 chi nhánh trên toàn quốc.

Quỹ lương trả cho nhân viên và cộng tác viên một tháng của CNN hiện tại xấp xỉ 400 triệu VND. Doanh thu của công ty năm 2009 là 9 tỷ VND, dự tính năm nay sẽ là 14 tỷ VND.

Trên cơ sở CNN, sắp tới Tuấn sẽ phát triển các trung tâm chuyên đào tạo luyện thi TOEFL, TOEIC, IELTS, tiếng Anh chất lượng cao với người bản xứ. Với phương châm “Tiếng Anh trên mọi nẻo đưởng”,  anh muốn góp phần vào việc giúp người dân Việt Nam tự tin khi sử dụng tiếng Anh trong công việc, đồng hành cùng chương trình ''Ngoại ngữ Quốc gia 2020'. Hiện tại, một trung tâm như thế đã được triển khai tại Nam Định. Với kế hoạch này, anh kỳ vọng doanh thu năm 2011 của CNN sẽ là 50 tỷ VND.

Tuy nhiên, anh cho biết thị trường dịch thuật tại Việt Nam về quy mô quá nhỏ, chưa đủ rộng để anh thỏa sức thể hiện năng lực của mình, anh dự định cuối năm nay sau khi đã đào tạo được một giám đốc điều hành để thay thế, anh sẽ rút ra và dồn sức vào những lĩnh vực kinh doanh khác. Bước đầu tiên sẽ là việc thành lập một tổng đài tư vấn cho mọi người nước ngoài tới Việt Nam, cũng như mọi người Việt Nam khi ra nước ngoài. Khi có vấn đề cần thắc mắc, 2 loại đối tượng này có thể gọi điện đến tổng đài để xin giải đáp. Mọi việc đã chuẩn bị xong, đầu năm tới tổng đài sẽ được khai trương.

Sau một số thất bại, do đầu tư dàn trải mà không chuyên tâm vào hướng kinh doanh mới mở vào năm 2007, Tuấn rút ra bài học, chỉ có thể thành công được khi để tâm vào đó, giống như anh đã từng làm như thế đối với CNN. Đối với mọi công việc phải kiên trì hành động, khi kiên trì chắc chắc kỳ tích sẽ xuất hiện. Anh xác định, đối với mỗi mảng kinh doanh, sau khi ổn định, mọi việc chạy đều theo quy trình, bàn giao được cho người khác, anh mới bắt tay khai mở một hướng mới. Và đó sẽ là con đường mà anh sẽ còn gắn bó nhiều năm nữa.

Ngoài CNN, hiện tại Tuấn còn tham gia một số hoạt động đầu tư. Anh được bạn bè đánh giá cao khi luôn đưa ra được những phương án tốt nhất giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của họ. Điều này đã khiến anh quyết định sẽ bước chân vào lĩnh vực kinh doanh mới là hoạt động M&A trong tương lai gần.

Tuấn cho biết hiện nay thu nhập của anh vào khoảng 20 nghìn USD/tháng. Hướng phấn đấu của anh, trong 2 năm tới sẽ nâng con số này lên mức 100 nghìn USD/tháng.

Tiễn tôi ra thang máy, anh tâm sự: mọi thứ đối với em mới chỉ là bắt đầu, chưa có gì đáng nói. Điều quý nhất mà em đã thu nhận được trong những năm qua chính là những mối quan hệ vô giá và trang bị được cho bản thân tư duy của một người giàu có.
 
Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter