Là một sinh viên đến từ Đăk Nông-Đăk Lăk, bố
mẹ không thể hỗ trợ về vật chất, sau khi tốt nghiệp đại học với hai bàn
tay trắng lập nghiệp ở thủ đô, bạn phải làm gì để sau sáu năm có nhà
riêng trị giá 6 tỷ VND, có ôtô trị giá 2 tỷ VND, có công việc đem lại
thu nhập đều đặn hàng tháng 300 triệu VND, có một hướng kinh doanh nhiều
hứa hẹn? Cách làm giàu gần gũi với số đông của chị Phạm Ngọc Hương sẽ
giúp bạn tìm lời giải đáp cho câu hỏi hóc búa trên.
Chị Phạm Ngọc Hương, chủ quán nhẩm trà fast food Omely Dimsum tại Trung tâm Thương mại Parkson, Hà Nội
Từ xuất phát điểm không có gì đặc biệt…
Là chị lớn trong gia đình, từ 5-6 tuổi, Hương đã phải đảm nhiệm việc nấu cơm giúp bố mẹ. Công việc bắt đầu là nhiệm vụ, sau thành thói quen và chuyển thành đam mê của Hương lúc nào không hay.
Bất cứ công thức nấu ăn nào lọt vào tay, cô bé đều thích thử nghiệm. 10 tuổi, Hương làm bánh gatô vị chanh khi chưa từng được ăn thử loại bánh này bao giờ. Để trứng bông lên, Hương mất cả ba tiếng đồng hồ đánh trứng liên tục. Bánh được nướng trong chảo gang đổ cát. Kết quả, sản phẩm làm ra ăn rất ngon nhưng… cứng như bánh nướng. Nếu không được người lớn mô tả lại, chắc Hương đã nghĩ rằng bánh của mình làm rất thành công. Không ngờ, thói quen trở thành đam mê này đã góp phần không nhỏ cho thành công tài chính sau này của chị.
Hết thời bao cấp, cơ quan cắt giảm biên chế, mẹ chị nghỉ hưu non. Bố là bác sĩ, thu nhập không đủ nuôi gia đình gồm 5 miệng ăn, mẹ chị bắt đầu buôn bán lặt vặt để lo kinh tế cho gia đình. Hương luôn trực tiếp giúp mẹ trong những công việc kinh doanh nho nhỏ đó. Có lẽ chính từ những trải nghiệm này, ham muốn kiếm tiền và được làm những việc liên quan đến kinh doanh đã sớm hình thành trong chị.
Tốt nghiệp phổ thông, Hương thi vào Đại học Kinh tế, năm thứ nhất trượt, năm thứ hai cũng trượt tiếp nhưng trúng nguyện vọng hai vào trường Sư phạm Ngoại ngữ (nay là trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Quốc gia) khoa Trung-Anh. Chị hoàn toàn không hứng thú với ngành sư phạm, nhưng do sự thúc giục của gia đình, chị đã nhập học. Kết quả, mặc dù tốt nghiệp đại học, nhưng chị phải thừa nhận, nếu không vì danh dự và trách nhiệm đối với bố mẹ, chị đã bỏ học nửa chừng.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, chị lấy chồng người Hà Nội và bước vào cuộc sống gia đình giống như rất nhiều người con gái khác. Gia đình chồng chị cũng là một gia đình công nhân viên chức, cuộc sống vật chất không có gì nổi trội. Vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng trong một căn hộ chung cư chật. Vợ tìm được việc làm trong một công ty tư nhân, chồng làm kế toán trong một công ty nhà nước. Lương tháng nhận đều đặn. Cuộc sống của họ sẽ tiếp tục trôi vào quỹ đạo giống như của bố mẹ cả hai bên nếu như… Hương chấp nhận an phận và không dám dấn thân.
…Khởi nghiệp với 1,5 triệu VND
Sau khi đi làm được sáu tháng, Hương có một chị bạn, do không biết cách quản lý nên kinh doanh thua lỗ và muốn nhượng lại cửa hàng bưu điện công cộng với giá 30 triệu VND vào cuối năm 2004.
Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì với cơ hội này, khi chỉ có 1,5 triệu VND với một cuộc sống được coi là tạm ổn trong mắt mọi người? Chắc chắn, 90% trong chúng ta để cho nó trôi đi vì cái tặc lưỡi thôi chờ cơ hội khác hợp với sức mình hơn!
Còn Hương, sau khi tìm hiểu kỹ các nguồn thu/chi của cửa hàng, chị nhận thấy, nếu quản lý tốt công việc này có thể đem lại thu nhập 7-8 triệu VND/tháng, cộng với triển khai thêm việc lắp điện thoại thu nhập có thể lên tới 12-13 triệu VND/tháng. Con số đó tuy không lớn hơn nhiều mức lương hàng tháng vào lúc đó của hai vợ chồng cộng lại, nhưng đổi lại, Hương có thể làm chủ công việc, làm chủ cuộc sống của mình, không phải phụ thuộc vào người khác.
Vấn đề đặt ra lúc đó là làm sao có được 30 triệu. Được sự ủng hộ của chồng, chị quyết định vay tiền người thân. Chị vay nhiều khoản nhỏ, có khoản 1-2 triệu VND, khoản nhiều nhất là 10 triệu của một người bạn thân làm ở VTC. Có thể nói, việc mạnh dạn sử dụng đòn bẩy tài chính, mặc dù ở mức sơ khai nhất, đã giúp Hương khởi nghiệp thành công. Và đây cũng là điểm khác biệt tưởng nhỏ, nhưng thực ra không nhỏ giữa những người thành công và những người còn đang tìm kiếm thành công về tài chính.
Thực tế, bất kể là ai, chúng ta đều có khả năng không ít thì nhiều dùng uy tín của mình để huy động vốn. Vấn đề không nằm ở chỗ, thuyết phục khó hay dễ, mà lại nằm ở chỗ, liệu chúng ta có đủ dũng cảm để đi vay và có đủ tự tin vào sự hoàn trả tiền đúng hạn của mình hay không? Chị Hương đã có cả hai điều đó.
Khi tiếp quản cửa hàng, chị thuê một nhân viên bán hàng. Hai vợ chồng thay phiên nhau trông cửa hàng và không dám bỏ công việc cũ của mình ngay. Chị như quay chong chóng giữa hai công việc từ 7h sáng đến 11h đêm trong khi đang mang thai đứa con đầu tiên. Triển khai thêm việc lắp điện thoại, vợ chồng chị phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến nhà khách hàng lắp đặt cho họ, nên hầu như suốt 15h đồng hồ, chị làm việc không nghỉ. Đây cũng là điểm khác biệt tưởng nhỏ nhưng không nhỏ thứ hai. Chúng ta, hầu như ai cũng khao khát sự giàu có, nhưng ít người dám cam kết hết mình cho mục tiêu đó.
Sau nửa năm tiếp quản cửa hàng, nợ đã trả hết, tích góp được khoảng 50 triệu VND và vừa sinh đứa con đầu lòng đầu năm 2006, thì một cơ hội mới lại mở ra trước mắt chị Hương…
Nghiệp trời định
Gần cửa hàng dịch vụ điện thoại có một cửa hàng giải khát phải đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ phải trả địa điểm cho chủ nhà. Tuy nhiên, cửa hàng lại có vị trí rất đẹp, nằm ở ngã tư nơi cắt nhau của hai phố đông dân cư, trước cửa là vỉa hè rộng còn hơn cả diện tích bên trong của quán. Chị Hương quyết định thuê, mặc dù chưa định hình rõ mình sẽ kinh doanh gì ở đó, mở quán cà phê hay cửa hàng quần áo?
Khi đang ngồi chờ rửa xe máy và nghĩ miên man xem phải làm gì với địa điểm mới, ánh mắt chị dừng lại ở cửa hàng bán sữa chua bên cạnh. Chị Hương nghĩ, tại sao lại không tận dụng sở trường của mình? Chị quyết định mở quán giải khát bán kèm các loại đồ ăn tự làm như kem, sữa chua, caramen, thạnh dừa… Nghĩ là làm, vợ chồng chị lại tính toán và đầu tư vào cửa hàng 100 triệu VND trong khi chỉ mới có trong tay 50 triệu VND. Số tiền còn lại đi vay người thân và vay lãi.
Chăm chút chất lượng sản phẩm và quản lý chặt chẽ là bí quyết tăng % lãi suất một cách hợp lý nhất của chị Hương.
Xác định đây là mô hình quán giải khát không có gì đặt biệt, nên đồ ăn kèm phải ngon hơn ở các quán khác mới có thể giữ được khách, chị quyết định không mua sẵn mà phải tự làm để đảm bảo chất lượng ngon như chị vẫn nấu trong gia đình mình. Và đây cũng là cách tăng % lãi xuất một cách hợp lý nhất. Sự say mê nấu ăn, cách quán xuyến công việc và quản lý thu chi của một người phụ nữ nội trợ được tận dụng tối đa. Cả nhà chị trở thành một xưởng sản xuất gia đình nhỏ. Nhân viên ăn ngủ ngay tại nhà, ngày bán hàng, chiều tối chuẩn bị các sản phẩm cho ngày mai. Phương thức nấu từ gia đình chuyển sang “công nghiệp” là cả một quá trình thử nghiệm và đầy sáng tạo. Có những lúc nửa đêm, chị còn dựng chồng dậy để nếm thử sản phẩm sản xuất “đại trà” của mình xem đã đạt chất lượng chưa…
Việc quản lý con người cũng không hề đơn giản. Đặc biệt là giám sát việc ăn bớt tiền của khách và sự “nhảy việc” liên tục của nhân viên. Cuối cùng mọi việc được giải quyết bằng một bản hợp đồng chặt chẽ. Mọi nhân viên đều được chu cấp ăn ở đầy đủ, nên không được quyền mang tiền theo người, tiền lương nhận được phải gửi về cho người thân hoặc gửi vào két chung, nếu phát hiện thấy có tiền trong người sẽ bị tịch thu. Nhân viên phải ký hợp đồng cam kết làm việc ít nhất 6 tháng, nghỉ phải báo trước 1 tháng, nếu không 20% tiền lương chưa trả của 3 tháng làm việc đầu tiên sẽ không được nhận…
Chỉ nhờ vào những việc chăm chút chất lượng sản phẩm và sự quản lý chặt chẽ tưởng như rất nhỏ đó mà cửa hàng của chị Hương từ một địa điểm thua lỗ đem lại hàng chục triệu lợi nhuận mỗi tháng.
Tự tin với khả năng kinh doanh hàng quán của mình, đầu năm 2009, khi biết có người muốn nhượng lại một quầy ăn nhanh ở Vincom, chị đã không ngại ngần đầu tư 2 tỷ VND tiền mua chỗ để kinh doanh. Và lần này 40% tiền vốn là do vợ chồng chị kêu gọi các cổ đông đầu tư cùng, số tiền còn lại là tiền vay ngân hàng từ thế chấp nhà riêng.
Với kinh nghiệm quản lý và sự say mê nghệ thuật ẩm thực, chị đã tìm ra công thức chế biến một loại kem lai giữa kem Mỹ và Việt. Khắc phục được nhược điểm xốp và quá béo so với khẩu vị người Việt của kem Mỹ và cảm giác trơ của đá của kem Việt. Đặc biệt, chị còn tự sản xuất được vỏ ốc quế, chất lượng Pháp cho kem của mình. Và tất nhiên, đây là kem Việt nên giá thành rất phải chăng. Sự nỗ lực của chị đã giúp cho quầy ăn nhanh tại Vincom có lãi xuất cao ngay từ tháng đầu tiên. Từ đó đến nay, các cổ đông luôn hài lòng với % thu nhập hàng tháng từ số tiền đầu tư vào đây của họ.
Dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà
Câu chuyện hai lần mua nhà của vợ chồng chị cũng là một bài học thú vị. Năm 2006, với cửa hàng dịch vụ bưu điện và giải khát, mặc dù có thu nhập hàng tháng 60-70 triệu nhưng ước mơ có nhà riêng của vợ chồng chị vẫn còn xa vời nếu anh chị không có những quyết định táo bạo.
Khi đó, vợ chồng chị chỉ có trong tay 150 triệu VND và đã quyết định mua căn chung cư 35m2 ở phố Nguyên Hồng với giá 600 triệu VND. Anh chị vay được của bạn bè và người thân 150 triệu VND không lãi xuất, 300 triệu VND còn lại là tiền vay ngân hàng sau khi thế chấp chính căn hộ đó. Hai cửa hàng chính là nguồn chứng minh thu nhập tài chính đáng tin cậy của chị trước ngân hàng.
Mới ở căn hộ mới được bốn tháng, cũng ở trên phố Nguyên Hồng, có hai căn hộ liền nhau rộng hơn 100m2 rao bán với giá 1,15 tỷ VND. Hai vợ chồng chị lại quyết định “liều” một lần nữa, bán căn hộ đang ở với giá 700 triệu VND (lãi 100 triệu VND sau bốn tháng) và vay thêm 450 triệu VND nữa để mua căn hộ mới. Nguồn thu nhập tài chính đã được dùng để chứng minh cho khoản vay trước, nên lần này không thể vay tiền ngân hàng, hai vợ chồng chị đã phải vay ngoài với lãi xuất cao hơn. Hiện tại căn hộ rộng hơn 100 m2 của anh chị có thể dễ dàng bán với giá 6 tỷ VND.
Chị tâm sự: việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã góp phần tới 50% thành công ngày hôm nay. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen, là khi đó đồng tiền đã thay cho sức lực có giới hạn của bản thân để rút ngắn con đường đi đến thành công. Nghĩa bóng, là khi có món nợ thúc đằng sau, đáng lẽ bạn chỉ nỗ lực một thì khi đó tự khắc bạn sẽ phải nỗ lực hơn gấp 10 lần.
Từ bản năng đến bài bản
Chị Hương đã xây dựng thành công Omely Dimsum, một thương hiệu cho riêng mình.
Sau khi thành công với hai quán cà phê và ăn nhanh một cách hết sức bản năng, từ nửa cuối năm 2010, chị Hương bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một quán ăn đặc trưng mang thương hiệu riêng của mình.
Bắt đầu từ việc chọn sản phẩm kinh doanh. Vốn là người mê ẩm thực, đi tới đâu chị cũng rất chú ý tới các món ăn ở vùng miền đó. Khi sang Trung Quốc, chị rất mê những quán nhẩm trà (Yuma-cha) của Trung Quốc. Đây là các món ăn cung đình, cầu kỳ về chế biến mang đậm nét truyền thống Trung Hoa và chỉ dành cho giới vua chúa Trung Hoa thời xưa. Không gian của quán thường rất rộng, thoáng, đẹp và thư giãn. Bạn có thể đến với cả gia đình hoặc một nhóm bạn để vừa nhâm nhi uống trà, thưởng thức các món ăn từ 9h sáng đến 1-2h chiều, vừa nói chuyện hoặc chơi mạt chược.
Mê nhưng không nghĩ đến chuyện đem vào Việt Nam vì nếu tổ chức theo đúng phong cách Trung Hoa, thì quán phải rất rộng và đầu tư nhiều cả về tài chính lẫn công sức. Một lần chị sang Hong Kong chơi, tình cờ nhìn thấy một quán nhẩm trà nhỏ tổ chức theo dạng quán fast food mà vẫn rất đông khách, chị Hương mới nảy ra ý định xây dựng thương hiệu của mình gắn liền với nhẩm trà tại Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu thị trường tại Hà Nội, thấy chỉ có một số khách sạn cao cấp như Sofitel, Horison… có tổ chức những buổi buffet nhẩm trà với giá 35 USD/1 thực khách, chị quyết định tạo nên sự khác biệt bằng cách biến món ăn dành cho giới thượng lưu thành bình dân hơn để phục vụ số đông.
Há cảo tôm, một trong những món ăn đặc trưng của Omely Dimsum.
Đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chị Hương sang tận Trung Quốc mời “sư phụ” về nhẩm trà, đầu bếp chính của một quán ở Thượng Hải, sang Việt Nam 6 tháng trực tiếp truyền nghề cho chị. Tất cả các món ăn sau khi nấu thành thục chị đều lên quy trình chi tiết để đảm bảo chất lượng 100 lần như một.
Và quán nhẩm trà fast food Omely Dimsum đầu tiên của chị được khai trương tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội. Món ăn ngon, lạ, đẹp với giá rất phải chăng đã nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng. Đáng tiếc, do việc tổ chức và quản lý ở Grand Plaza kém nên khách viếng thăm rất thưa thớt, sau 6 tháng hoạt động lỗ gần 700 triệu VND, chị Hương quyết định đầu tư thêm và chuyển địa điểm sang Trung tâm Thương mại Parkson, Hà Nội.
Menu của Omely Dimsum có khoảng 40 món với giá trung bình từ 30-40.000
VND/món.
Quán có lãi ngay từ tháng đầu tiên ở địa điểm
mới. Hiện tại menu của Omely Dimsum có khoảng 40 món với giá trung bình
từ 30-40.000 VND/món. Tên thương hiệu và logo của quán đều đã được đăng
ký bản quyền. Chị Hương có kế hoạch triển khai Omely Dimsum thành một
hệ thống các cửa hàng. Các tòa nhà sắp khánh thành như Keangnam, The
Manor… là những địa điểm mà chị đang cân nhắc. Việc franchine thương
hiệu cũng sẽ là một hướng phát triển kinh doanh của chị.
Trong kế hoạch franchine, để đảm bảo chất lượng sản phẩm 100%, chị dự định sẽ mở xưởng sản xuất và đóng gói món ăn đã chế biến, khi đến cửa hàng chỉ cần sơ chế thêm là có thể đem ra phục vụ khách.
Tới thời điểm hiện tại, các cửa hàng đã đem lại cho chị thu nhập không dưới 300 triệu VND/tháng. Và kinh doanh ẩm thực sẽ không phải hướng đi duy nhất đối với chị Hương trong thời gian tới. Để tận dụng được dòng tiền của ba cửa hàng, chị quyết định tìm hiểu thêm về đầu tư bất động sản và tài chính để tối đa hóa thu nhập.
Có thể nói, những sinh viên sau sáu năm ra trường mà đạt được thành công về tài chính như chị Hương thật sự không nhiều. Con đường mà Hương đã đi qua là con đường rất nhiều người đã lựa chọn để khởi nghiệp nhưng ít người thành công. Điểm khác biệt của chị nằm ở chỗ:
Trong kế hoạch franchine, để đảm bảo chất lượng sản phẩm 100%, chị dự định sẽ mở xưởng sản xuất và đóng gói món ăn đã chế biến, khi đến cửa hàng chỉ cần sơ chế thêm là có thể đem ra phục vụ khách.
Tới thời điểm hiện tại, các cửa hàng đã đem lại cho chị thu nhập không dưới 300 triệu VND/tháng. Và kinh doanh ẩm thực sẽ không phải hướng đi duy nhất đối với chị Hương trong thời gian tới. Để tận dụng được dòng tiền của ba cửa hàng, chị quyết định tìm hiểu thêm về đầu tư bất động sản và tài chính để tối đa hóa thu nhập.
Có thể nói, những sinh viên sau sáu năm ra trường mà đạt được thành công về tài chính như chị Hương thật sự không nhiều. Con đường mà Hương đã đi qua là con đường rất nhiều người đã lựa chọn để khởi nghiệp nhưng ít người thành công. Điểm khác biệt của chị nằm ở chỗ:
- Dám vượt ra khỏi vùng an toàn;
- Tận dụng được tối đa điểm mạnh của bản thân;
- Đạt hiệu quả hơn người trong từng công việc mình làm;
- Sớm biết tận dụng sức mạnh của công cụ đòn bẩy tài chính.
Bài học rút ra từ chị để
thành công không nhất thiết phải khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo
không ai có mà hãy làm tốt hơn mọi người những việc mà ai cũng làm.
Nguồn: Hoclamgiau.vn
Nguồn: Hoclamgiau.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét