Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Sự phát triển kinh tế tập đoàn và đặc điểm của nó ở Việt Nam

Bước vào thế kỷ 21, nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ đang gây sức ép cấu trúc lại mô hình kinh tế và hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và Doanh nghiệp.

Sự phát triển các hình thức tổ chức kinh tế ở Việt Nam cùng gắn liền với không gian và thời gian nhất định trong quá trình lịch sử phát triển kinh tế thị trường thế giới. Nước ta bước vào kinh tế thị trường vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 khi mà kinh tế thế giới đang chuyển từ nền kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức, do đó đang diễn ra sự thay đổi có ý nghĩa bước ngoặt trong hướng phát triển kinh tế, xã hội; văn hoá và chính trị. Chính kinh tế tri thức đòi hỏi những thay đổi ấy và đồng thời cũng tạo ra những điều kiện, những khả năng đề giải quyết những vấn đề ấy.

Để tìm hiểu sự phát triển kinh tế Tập đoàn ở nước ta, rất cần nhìn lại lịch sử hình thành và những đặc điểm của Tập đoàn kinh tế, làm rõ những đặc điểm hình thành kinh tế Tập đoàn ở nước ta và những vấn đề đang đặt ra.

Lịch sử hình thành Tập đoàn kinh tế và đặc điểm của nó

Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại cho đến nay đã hơn 300 năm, bắt đầu từ cuộc cách mạng kỹ thuật chuyển tử sản xuất thủ công là sản xuất cơ khí hoá ở đầu thế kỷ 18.

Cuộc cách mạng kỹ thuật này đã cơ khí hoá phổ biến các doanh nghiệp tư bản tư nhân, nên đã đẩy nhanh quá trình tích luỹ vốn, quá trình mở rộng sản xuất và thị trường, đồng thời tạo ra sức cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp.

Quá trình tăng trưởng quy mô và chất lượng kéo dài suốt thế kỷ 18, nền kinh tế thị trường đứng trước những đổi mới:

Thứ nhất, cần thay đổi hình thức tổ chức Doanh nghiệp cho phù hợp với thị trường ngày càng mở rộng về phạm vi và nâng cao chất lượng và chủng loại sản phẩm.

Thứ hai, đòi hỏi đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo lợi thế trong cạnh tranh.

Quá trình các Doanh nghiệp lớn giải quyết hai vấn đề nói trên kéo dài từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, đưa đến sự ra đời một hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh mới là Tập đoàn kinh tế với một lực lượng sản xuất mới do vận dụng những thành tựu cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới.

Nhìn vào lịch sử ra đời Tập đoàn kinh tế có thể rút ra mấy đặc điểm của sự hình thành Tập đoàn kinh tế:

a. Tập đoàn kinh tế chỉ hình thành khi các doanh nghiệp đã phát triển về chiều sâu, đã tích luỹ vốn và mở rộng thị trường đồng thời đứng trước sức ép của cạnh tranh. Do đó có nhu cầu liên kết, hợp tác để phát triển.

Đặc điểm này phản ánh xu hướng khách quan của kinh tế thị trường, khác với cách tổ chức Tập đoàn một cách duy ý chí của quản lý Nhà nước.

b. Tập đoàn kinh tế là hình thức tổ chức kinh doanh mới nên nó chỉ tồn tại và phát triển dựa trên vận dụng những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, tạo ra lực lượng sản xuất mới (về lao động và công nghệ) có thế mạnh trong cạnh tranh và không ngừng cải tiến tổ chức và quản lý theo yêu cầu của công nghệ sản xuất và thị trường là sức sống bền vững của Tập đoàn.

c. Động lực chủ yếu của phát triển Tập đoàn là tính hợp lý của phân phối lợi ích giữa các chủ thể đầu tư và với người lao động. Chính vì vậy, Tập đoàn kinh tế là hình thức đầu tiên của xu hướng "Cổ phần hoá" các Doanh nghiệp giai đoạn đầu, các cổ đông là những người chủ Doanh nghiệp thành viên, còn sau này, từ giữa thế kỷ 20, cổ đông còn bao gồm những người lao động trong Tập đoàn. Ngày nay, cổ đông còn được mở rộng ra những người dân ngoài Doanh nghiệp.

Nhìn sâu hơn, quá trình hình thành Tập đoàn kinh tế và cổ phần hoá đã làm biến đổi sâu sắc về mặt sở hữu qua một tiến trình phát triển kinh tế khách quan (chứ không phải do quyết định chính trị chủ quan). Bước đi đầu tiên, do thúc đẩy của thị trường và động lực tăng lợi nhuận, nên các chủ Doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nhau để đầu tư cho có lợi. Vì vậy đã có bước chuyển sở hữu tư bản tư nhân lên sở hữu tư bản tập thể, hay tư bản xã hội. Bước tiếp theo cũng do nhu cầu thu hút vốn đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế, nên sở hữu Tập đoàn mở rộng đến những người lao động chuyên gia trong Tập đoàn (những người này hiện đã có mức sống cao hơn trước). Cũng do nhu cầu và động lực nói trên, mấy thập kỷ gần đây đã bắt đầu có bước tiến mở rộng cổ đông ra người dân ngoài Doanh nghiệp.

d. Mỗi bước chuyển biến về sở hữu, đều đi đôi với mỗi bước cải tiến tổ chức và quản lý Tập đoàn kinh tế. Đây là một đòi hỏi có tính khách quan của phát triển và cạnh tranh. Khâu then chốt trong mỗi bước cải tiến tổ chức là các cổ đông lựa chọn những người điều hành Tập đoàn phù hợp, có đủ tầm nhìn cả hệ thống và năng lực quản lý cả hệ thống, chứ không nhất thiết phải là cổ đông có vốn lớn nhất.

Ở khâu then chốt này phản ánh một xu thế mới trong mối quan hệ giữa người đầu tư và người quản lý. Nếu trước đây chủ Doanh nghiệp đồng thời là người quản lý, đóng vai trò "nhạc trưởng'' của một dàn nhạc hoạt động lao động tập thể trong Doanh nghiệp, thì ngày nay ở giai đoạn Tập đoàn và cổ phần hoá Doanh nghiệp, chủ sở hữu tách rời hoạt động quản lý. Chức năng quản lý được giao những nhà quản lý chuyên nghiệp, được tuyển chọn theo yêu cầu cạnh tranh và phát triển nhằm tối ưu hoá chuỗi giá trị trong hệ thống sản xuất kinh doanh.

Khâu quan trọng trong mỗi bước cải tiến quản lý là xác định hợp lý Quỹ tích luỹ đầu tư của Tập đoàn với phần lợi nhuận để phân phối cho các cổ đông, trong đó phương hướng đầu tư của Tập đoàn với lợi nhuận của cổ đông có quan hệ gắn bó với nhau.

Mỗi bước phát triển về sở hữu và quản lý nói trên có một ý nghĩa sâu sắc về kinh tế và xã hội của một quá trình lịch sử - tự nhiên, hoàn toàn khác với cách điều hành duy ý chí tập thể của cơ quan Nhà nước.

Trong lịch sử kinh tế thị trường, quá trình cổ phần hoá là một bước ngoặt về chế độ sở hữu: từ sở hữu tư bản tư nhân ban đầu, sau một quá trình phát triển lực lượng sản xuất khá dài và cổ phần hoá Doanh nghiệp đã chuyển thành sở hữu cá nhân của cổ đông (khác sở hữu tư nhân) và sở hữu xã hội hay sở hữu tập thể (khác sở hữu Nhà nước).

Sự hình thành sở hữu cá nhân sẽ là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người (khác với người vô sản và người lao động làm công ăn lương), còn sự hình thành sở hữu xã hội là điều kiện, là cơ sở cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng (khác với kiểu bao cấp của Nhà nước, kiểu ban ơn và chịu ơn).

Chỉ khi hình thành sở hữu cá nhân và sở hữu xã hội thì người dân mới thật sự làm chủ. Nền dân chủ mới sẽ được hình thành trên những cơ sở ấy. Đó là nền tảng bền vững của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hay một xã hội "hậu tư bản".

Những chuyển biến nói trên là xu thế lịch sử. Các nước XHCN trong thế kỷ 20 dã đi ngược lại bằng cách Nhà nước hoá, kế hoạch hoá toàn bộ nền kinh tế, nên đã thất bại về kinh tế - xã hội, đưa đến kết thúc về chính trị.

e. Mối quan hệ giữa Tập đoàn kinh tế với Nhà nước. Đây là mối quan hệ tác động trực tiếp đến ổn định phát triển hay khủng hoảng kinh tế và xã hội trong các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt giai đoạn hiện nay. Ở nước phát triển nhất như Mỹ thì đây là mối quan hệ này tác động lớn nhất đến Nhà nước ở mỗi nhiệm kỳ tổng thống. Nhìn chung thì ở tất cả các nước đã và đang phát triển kinh tế thị trường (không kể theo định hướng nào) vấn đề lợi ích trong mối quan hệ giữa Tập đoàn kinh tế với Nhà nước vẫn có sức chi phối lớn, ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của nền kinh tế (đây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu riêng).

Đặc điểm phát triển kinh tế Tập đoàn ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra


Đặc điểm 1:
về xu thế khách quan, sự phát triển kinh tế thị trường và Tập đoàn kinh tế ở nước ta phải phát triển theo con đường rút ngắn đầu thế kỷ 21. Nội hàm của khái niệm "Phát triển rút ngắn" là sớm hiện đại hoá lực lượng sản xuất và tổ chức quản lý bảo đảm phát triển bền vững, nghĩa là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đó là định hướng cho mỗi Doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế và hoạt động quản lý Nhà nước.

Mở đầu cho hướng phát triển rút ngắn thành công cuối thế kỷ 20 là Hàn Quốc. Chỉ khoảng 30 năm, từ một nước kém phát triển như nước ta, đã vươn tới một nước công nghiệp phát triển. Bài học chung rút ra từ thành công của Hàn Quốc là tiếp cận và vận dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến và tổ chức quản lý, trước hết nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với phát triển nền giáo dục tiên tiến, xây dựng đội ngũ khoa học và công nghệ và quản lý ngang tầm cạnh tranh thế giới. Đầu tư của Nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài phải hướng vào những mục tiêu ấy.

Đặc điểm 2: ở Việt Nam, kinh tế Tập đoàn không hình thành từ sự phát triển lên nấc thang cao hơn của Doanh nghiệp, mà hình thành từ chính sách giải quyết vấn đề kinh tế quốc doanh - một vấn đề tồn tại từ mô hình kinh tế Nhà nước hoá, kế hoạch hoá trước đây, được coi là hướng chủ đạo của phát triển kinh tế thị trường. Vì vậy, các Tập đoàn kinh tế này đòi hỏi đầu tư Nhà nước càng lớn thì hiệu quả càng thấp do trình độ tổ chức, quản lý kém và thiếu cơ chế minh bạch.

Đặc điểm 3:
thực trạng và triển vọng kinh tế Tập đoàn. Đây là những vấn đề cần "nhìn thẳng vào sự thật" mới có lối ra. Do tình trạng thấp kém của kinh tế Nhà nước và bệnh thành tích của các cấp quản lý, các địa phương, nên sau 25 năm đổi mới kinh tế, Việt Nam chỉ đạt mức "một nền kinh tế bán thị trường" (như Chuyên gia kinh tế quốc tế Vũ Quang Việt nhận định) và "nền kinh tế quốc gia bị phân mảnh thành 63 nền kinh tế nhỏ, kém hiệu quả" (Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright).

Bước vào thế kỷ 21, nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ đang gây sức ép cấu trúc lại mô hình kinh tế và hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và Doanh nghiệp. Sức ép này thể hiện rõ trong khủng hoảng kinh tế, biến động xã hội, và thảm hoạ môi trường ở phạm vi toàn cầu. Đây là cơ hội lớn cho sự phát triển theo con đường rút ngắn và cũng là thách thức lớn nhất đối với Nhà nước.

Muốn nắm chắc cơ hội để vượt qua thách thức thì những người lãnh đạo quản lý phải bắt đầu từ nhận thức một cách biện chứng: "Khi lịch sử đặt ra vấn đề gì, thì lịch sử cũng chuẩn bị khả năng giải quyết vấn đề ấy".
Tầm nhìn và tư duy biện chứng ấy là cứu cánh của chúng ta.

Theo Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter