Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Quyết chí “đào sông, vét động” làm giàu

Kinh doanh không phải là con đường bằng phẳng được trải thảm nhung. Để thành công, người chủ doanh nghiệp nhiều khi phải “nếm mật nằm gai”, phải trải qua những vấp váp, gian khổ mà một người bình thường có thể không chịu đựng nổi. Xuất thân từ một người không có gì đặc biệt trở thành ông chủ kinh doanh 2 khu du lịch sinh thái đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình là một chặng đường đầy chông gai, nhiều mồ hôi, nước mắt để vượt qua chính mình của doanh nhân Hà Huy Lợi. Hơn 20 năm làm kinh doanh của anh là minh chứng cho cuộc hành trình đi trước đón đầu làm giàu cho quê hương, đất nước.
Doanh nhân Hà Huy Lợi và cháu ngoại

Không chạy theo số đông

Doanh nhân Hà Huy Lợi sinh năm 1960 trong một gia đình có sáu anh chị em tại mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. 

Học hết phổ thông, anh không theo con đường học hành khoa cử để làm cán bộ như nhiều bạn bè khác. Lý do là vì từ nhỏ, anh chỉ làm những gì mình thích, không thích là bỏ luôn dù công việc có thể mang lợi. Thời trẻ, bạn bè cứ rủ anh vào làm cái nọ cái kia trong cơ quan nhà nước nhưng anh không vào vì không thích làm cái xã hội đang ào ào chạy theo. Với bản tính “khác người” ấy, anh lập nghiệp bằng con đường làm nghề tự do như sửa xe máy, bán đồ nội thất… để trang trải cuộc sống.

Trưởng thành, cũng như bao thanh niên đến tuổi lập gia đình, năm 23 tuổi, anh kết hôn với một cô bạn học cùng. Cả hai vợ chồng anh đều có sở thích giống nhau là đi du lịch. Do vậy, từ khi mới cưới đến lúc có con, thậm chí con còn nhỏ, năm nào cũng thế, mặc dù cũng không giàu có gì nhưng vợ chồng anh đều bỏ tiền, thậm chí vay tiền đi du lịch các tỉnh như: Đà Lạt, Sài Gòn, Lái Thiêu… Có lần đi Sài Gòn, tiêu gần hết tiền, vợ chồng anh đã phải tính đến từng đồng sao cho đủ tiền vé tàu về nhà. Dường như sở thích này là cơ sở hình thành nên con đường kinh doanh du lịch của anh về sau, đúng với cái thiên hướng từ hồi trẻ. 

Bén duyên kinh doanh từ sự nhanh nhạy với thời cuộc 

Cũng nhờ đi du lịch nhiều tỉnh  miền Nam, những năm đầu thập kỷ 80, anh nhận thấy sự cách biệt rõ rệt giữa miền Nam và miền Bắc từ cái nhà tắm, nhà vệ sinh: Trong Nam hiện đại, sạch sẽ thì miền Bắc vẫn còn lạc hậu, thô sơ. Vì thế, sau khi tách tỉnh Ninh Bình từ Hà Nam Ninh (cũ), năm 1993, nhận thấy nhu cầu xây dựng nhà cửa, cơ quan công sở rất lớn, anh chuyển sang buôn bán thiết bị nội thất, vệ sinh, ống nước… 

Những ngày đầu làm nghề còn rất mới mẻ và sơ khai, bán ống nước cho khách anh còn phải đến tận nhà khách, hướng dẫn khách gắn keo, lắp ống... Đáp ứng đúng nhu cầu xây dựng đang lên nhanh của tỉnh lúc đó, hơn nữa anh lại là người mạnh dạn làm đầu tiên nên công việc buôn bán tương đối phát đạt. 

Sau khi các trụ sở, cơ quan xây dựng xong, nhu cầu thiết bị vệ sinh chững lại cũng là lúc tỉnh nhà mở cửa cho khách du lịch vào. Nhận thấy đây là một cơ hội mới, anh chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn để đón các đoàn khách thăm quan. Để triển khai, anh đã mua đất nằm ở vị trí trung tâm của Thị xã, tiến hành xây khách sạn để đón khách. Kinh doanh mảng khách sạn, anh cũng là một trong những người đi tiên phong. 

Khi đã có khách sạn, nhận thấy ngay nhu cầu vận chuyển hành khách là rất lớn nên anh đã kết hợp khai thác vận chuyển hành khách từ Hà Nội, Ninh Bình đi Huế. Lợi thế là người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn - du lịch nên thành công đến với anh rất sớm. 

Thăng trầm mở đường cho du lịch sinh thái

Một thời gian kinh doanh khách sạn, đón nhiều đoàn khách từ khắp nơi, anh nhận thấy nhu cầu thăm quan của khách rất đa dạng trong khi Ninh Bình lại thiếu những điểm đến đáp ứng được nhu cầu, chỉ loanh quanh vài địa điểm quen thuộc như Tam Cốc - Bích Động, Nhà thờ Đá,... Suy nghĩ nung nấu trong đầu, anh nghĩ đến việc làm thế nào để tạo ra những điểm thăm quan mới mẻ cho khách. 

Nhiều đêm thức trắng và vắt óc tư duy, anh đã vác xe máy đi suốt ngày thăm quan xem Ninh Bình có điểm nào có thể khai thác được. Nhiều ngày đi khảo sát, anh nhận thấy tại tỉnh mình tiềm năng du lịch thiên nhiên phong phú và nguyên sơ nên tạo ra các địa điểm du lịch sinh thái sẽ là hướng đi phù hợp. Đã hình thành trong đầu định hướng đó, anh đến vùng rừng núi tại huyện Nho Quan, Gia Viễn để đánh giá tiềm năng và về nghĩ cách làm. 

Khó khăn đầu tiên đến từ việc không ai nghĩ là sẽ có thể kinh doanh du lịch được ở mảnh đất rừng núi heo hút này. Không nao núng, dao động, anh lên gặp và đề xuất với UBND tỉnh để thuê đất, xin phép kinh doanh. Lúc đó, UBND tỉnh không hiểu anh sẽ làm gì vì từ trước đến giờ chưa có ai thuê đất làm du lịch nên không ủng hộ. Vấp phải hàng rào, anh đã trực tiếp gặp Phó chủ tịch tỉnh chuyên trách mảng du lịch để trình bày. Bị thuyết phục bởi ý tưởng của anh, vị phó chủ tịch này đã chỉ đạo các phòng ban của Sở Du lịch cho doanh nghiệp của anh làm, thủ tục thiếu đến đâu thì bổ sung đến đó vì đây là mô hình đầu tiên, thí điểm nên không thể chờ hết văn bản pháp lý ra mới triển khai được. Thuận lợi đến, anh mạnh dạn và bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. 

Năm 2000, anh thuê 2 héc-ta đất tại xã Gia Vân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Đây là một xã nghèo nhất nhì tỉnh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do ruộng đất chỉ cấy hái được một vụ. Khác với con mắt của người khác, anh nhìn thấy ở đây có thể khai thác du lịch khi lên thăm đầm Vân Long – đầm ngập nước lớn nhất Việt Nam. Nhìn thấy tiềm năng đó, anh đã quyết định đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng mô  hình du lịch sinh thái đầu tiên ở Ninh Bình. Để có tiền, anh vác sổ đỏ mấy căn nhà đi thế chấp vay tín dụng ngân hàng.

Trong đầu anh lúc đó, mô hình du lịch sinh thái gồm khu nhà sàn nghỉ chân kết hợp sản phẩm du lịch điền dã, trải nghiệm, du khảo đồng quê như: cho khách đi làm nông dân, mò cua, bắt ốc, thổi cơm bếp rơm bếp rạ, đi xe trâu, xe bò, đi đò trên đầm… đã hiện hình rõ ràng. Việc còn lại là bắt tay vào triển khai. 

Khi xây dựng mô hình nhà sàn, mục đích của anh là tái tạo hình ảnh văn hóa cổ truyền của dân tộc Mường nên anh đã xin phép mua lại các ngôi nhà sàn có sẵn ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa… rồi thuê thợ tại các tỉnh này tháo ra vận chuyển về Ninh Bình, sau đó lắp lại. Khu nhà sàn Vân Long được xây với chất liệu bằng gỗ, rất gần gũi với tự nhiên về sau đã tạo sự tò mò, thích thú cho du khách nước ngoài. 

Một trong những ngôi nhà sàn ở khu Vân Long

Du khách đến Vân Long 80% là khách nước ngoài

Trong quá trình thực hiện mô hình du lịch sinh thái ở Vân Long, không ít ý kiến đến từ chính quyền như “cho khách đi xe bò, xe trâu là bôi xấu hình ảnh Việt Nam”. Những ý kiến đó anh biết là do họ chưa hiểu nên cứ miệt mài, lặng lẽ làm cho đến khi có kết quả. 

Sau 3 năm xây dựng, khu du lịch sinh thái Vân Long đã được hoàn thành và đi vào đón khách trong nước và nước ngoài. Năm đầu tiên, lượng khách du lịch về tỉnh là 800.000 lượt. Từ đó, mô hình của anh mới được tỉnh đánh giá thành công và đem đi quảng bá, giới thiệu với các hãng lữ hành. Các cụ già trong làng khi đến thăm quan cũng bất ngờ khi nhìn thấy cùng lúc có đến hàng trăm người nước ngoài đến làng. Từ khi có khách du lịch, người dân ở đây có thêm công ăn việc làm nhờ việc chèo đò. Đến nay, số lượng đò cho du lịch đầm Vân Long đã lên đến 300 số, người dân đã biết tiêu tiền đô la, Euro. 

Một số hình ảnh về sản phẩm du lịch đồng quê tại khu Vân Long được rất nhiều khách nước ngoài yêu thích vì sự mới lạ, độc đáo và dân dã:

Úp nơm

Tát nước gầu sòng

Xay lúa

 Đi xe bò, xe trâu

Tìm hiểu làng quê bằng xe đạp

Khách du lịch người Hàn Quốc lên đò đi thăm đầm Vân Long

Tour du lịch đầm Vân Long mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ đi đò

Dám nghĩ dám làm để biến những điều không thể thành có thể

Khu Vân Long đi vào kinh doanh, vận hành suôn sẻ, mang lại doanh thu, anh lại nung nấu làm một khu mới, dịch vụ du lịch tốt và hoàn hảo hơn trên chính quê hương mình. Lúc đó, anh nghĩ: “Làm một cái mới có quy mô lớn hơn Vân Long để có thêm điểm thăm quan mới cho du khách”. 

Lần này, anh đã thuê vùng đất rộng 35 héc ta gồm cả rừng núi, đầm lầy, bến bãi, sông suối… tại xã Sơn Hà, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Trong đầu anh đã hình thành mô hình du lịch trọn gói từ lữ hành, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên, non nước, hang động. 

Ý tưởng trong đầu là thế nhưng khi đứng trước vùng đất mênh mông, anh cũng choáng ngợp và chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Vì đây là vùng đất núi non, đầm lầy không thể trồng lúa được, chăn trâu không khéo là mất trâu vì trâu có thể bị lút bùn. Do vậy, đầm lầy này còn có tên gọi là “bềnh trâu ẩn”. Nhiều lần đi xuống khảo sát, các cụ già 80-90 tuổi ở làng đều khẳng định là không thể làm gì được ở đây đâu để nhắc anh về kết quả khó có thể tốt đẹp.

Nhưng lúc đó, trong anh như có một niềm tin dẫn lối là mình có thể làm được một cái gì đó tại chính nơi này. Niềm tin đã tạo cho anh một sự quyết tâm, quyết bỏ công sức để làm. Trước đó để chuẩn bị tư tưởng cho vợ, anh bảo: “Lần này, anh quyết định làm thêm khu sinh thái trên Sơn Hà, vốn đầu tư gấp khoảng 3 lần Vân Long, em cũng xác định trước là có thể sẽ thất bại, sẽ mất cả khách sạn…”. 

Nhiều lần một mình lội ruộng vào thăm khu rừng núi, anh thấy cứ đi qua một đoạn gần vách núi thì cảm thấy mát, anh thầm nghĩ bụng: “Dứt khoát trong đó phải có hang động nên mới có gió”. Tò mò và không hề sợ hãi, anh rẽ đám cây cối che lấp chỗ đó đi thì phát hiện ra một hốc nhỏ gần bằng miệng giếng khoan, một người chui lọt. Thả dây, cầm đèn pin chui xuống hốc đá nhỏ tối om đó, anh phát hiện ra đây là một hang động tương đối lớn. Sau phát hiện này, bước đầu anh thử moi bùn ra thì lộ ra một lớp nhũ đá rất đẹp, có hình thù lạ mắt và anh nhận định có thể khai thác du lịch hang động được. 

Vấn đề đầu tiên sau phát hiện kỳ thú đó là làm thế nào để moi hết khối bùn đầy ắp trong động ra vì lớp bùn và trần hang chỉ cách nhau có 40 phân, chỉ đủ chỗ cho một người chui lọt. Để đảm bảo giữ nguyên bản nhũ đá trong hang thì không thể dùng thuốc nổ, chỉ có cách là chuyển bùn từ trong hang ra ngoài.
Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, anh đã nghĩ ra cách làm và thuê nhân công thực hiện. Vì bùn trong động rất nhão, lún nên để có thể nổi trên bùn, ban đầu nhân công đã phải nẹp 2 đầu gối và 2 khuỷu tay bằng 4 thanh tre làm phao để bò được trên lớp bùn rồi mới lôi bùn ra. Cứ thế, có thời điểm gần trăm nhân công hàng ngày từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều liên tục đưa bùn ra khỏi hang động. Kết quả là sau gần 2 năm trời, khối lượng 13.000 mét khối bùn được nạo vét tạo khoảng không rộng trong lòng động. Kỳ tích khơi thông bùn trong động này đã khiến nhiều anh em nhân công làm việc quanh năm trong hang có nước da trắng như người Tây. 

Đúng như nhận định, sau khi thông bùn, nhũ đá lộ ra toàn bộ với tiềm năng khai thác rõ ràng. Anh đã dành thời gian đi khảo sát tất cả các hang động đẹp trên cả nước như Hạ Long, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, Phong Nha, Kẻ Bàng… và tự rút ra kinh nghiệm cho mình là làm phải có nét riêng, không lặp lại các nơi đó. Hơn nữa, nét riêng đó phải đảm bảo sở thích của du khách chứ không theo cái mình thích. 

Sau khi tìm hiểu từ các chuyên gia hang động, điều đặc biệt là hang động ở Sơn Hà là hang động sống với thạch nhũ đang hình thành, các khoáng chất vẫn đang nhỏ xuống, các tinh thể muối trắng bám vào nhũ gặp ánh sáng lấp lánh rất đẹp, điều này ít hang động có. Hơn nữa, động này lại gồm 200 mét động cạn giống động Thiên Cung (Hạ Long) và 500 mét động nước giống động Phong Nha (Quảng Bình). Như vậy, động này có sự kết hợp của 2 loại động là di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam.
 

Khi khảo sát trở về để thi công, anh mất 6 tháng để đánh giá toàn bộ khu động của mình. Anh cùng với một đội quân vào động quay phim, chụp ảnh, ghi chép tỉ mỷ rồi về xem đi, xem lại từng chi tiết như nhũ đá, lối lên, lối xuống để có thể bố trí vị trí đặt bóng đèn, bậc đá lên xuống, phong thủy… Công việc này, không giống như xây một ngôi nhà nên anh phải tự tìm tòi, suy nghĩ, mày mò thiết kế sao cho hợp lý. Có những việc anh tự tay làm trực tiếp như khoan lỗ mắc dây điện, lắp bóng đèn, bắt ốc vít trần hang… 

Nhằm tạo thành một tour du lịch hang động hoàn chỉnh, anh đã chọn địa thế để xây khu nhà sàn thứ hai (giống Vân Long) và tạo một con đường sông vào động. Thay vì xây một con đường bê tông, anh đã tạo thành đường sông nhằm tái tạo lại hình ảnh bến thuyền nhà Lê trong lịch sử ngày xưa (Nơi có sông lấp từ bao đời và theo truyền thuyết vua Đinh đã đi thuyền qua đây và bị chìm một thuyền châu báu, chưa ai tìm thấy). 

Khu nhà sàn gần động Thiên Hà thấp thoáng sau rặng cây xanh

Khách du lịch nghỉ chân tại khu nhà sàn trước khi xuống bến đò vào động Thiên Hà

Mục tiêu đề ra là làm đường sông, một núi công việc lại hiện ra trước mắt anh. Làm thế nào để cải tạo khu đất ngập nước, không thể trồng lúa thành dòng sông là việc không hề đơn giản. Ban đầu, anh thuê người đào đất bùn nhưng cứ đào lên được mét khối nào thì hôm sau bùn lại chảy xuống bấy nhiêu. Sau nhiều lần đào đi đào lại mãi không được, những người dân được thuê đào sông cũng xót xa cho anh vì họ được trả công để đào những cứ đào được bao nhiêu thì lại về như cũ. Cuối cùng, anh đã nghĩ ra cách là dùng các cọc tre buộc cỏ vào và cắm xuống đất để giữ. Sau mấy tháng, rễ cỏ mọc bám vào đất, se dần thì công việc đào sông mới có kết quả, đất bùn mới được giữ lại không chảy xuống nữa. Nhiều tháng ròng rã, dòng sông dài gần 2 cây số đi vào động đã hình thành. Từ đây mọi người có thể đi đò vào động và khu đầm lầy giờ đây đã trồng được một vụ lúa. 

Một đoạn sông khi đi đò vào động Thiên Hà

Sau ba năm rưỡi thi công, khu du lịch sinh thái gồm nhà sàn, đi đò và khám phá hang động đã cơ bản hoàn thành. Giữa năm 2011, anh đã cho tuyến du lịch này đi vào đón khách song song với việc hoàn thiện nốt các hạng mục khác. Năm 2011, anh cũng mới nghĩ ra tên Thiên Hà để đặt cho động của mình. Cái tên này bắt nguồn từ việc động thuộc xã Sơn Hà, trong động có hình giống dải thiên hà và anh mang họ Hà.

Sợ và không có đam mê sẽ không thể làm nên những điều lớn lao

Hơn 20 năm làm kinh doanh, đối với doanh nhân Hà Huy Lợi, đó là những trải nghiệm đặc biệt. Đó là cuộc hành trình khám phá, thử thách và vượt qua chính bản thân mình. Anh chia sẻ: “Thời gian thi công khu động Thiên Hà, mỗi ngày đi đi về về 87 cây số từ thành phố. Nhưng cứ lên đó lại cảm thấy như là được sống với đam mê nên không cảm thấy vất vả, thấy xa, thấy mệt”. Anh kể: “Khi bà nội (mẹ anh) lên thăm động Thiên Hà, cụ đã bảo: “Đẹp như thế này thì con tôi chả bỏ thành phố mà vào trong này”

Rất ấn tượng với việc phát hiện ra hang động và kỳ tích thi công vét bùn, đào sông, tôi hỏi anh có kỷ niệm nào đặc biệt, anh bộc bạch thêm: “Sau khi phát hiện ra động và suốt thời gian thi công, mình biết là nếu nói rõ thì bố mẹ, các con sẽ cản vì quá sợ nên cứ thầm lặng tiến hành. Mãi đến khi xong rồi, động vào được rồi mới cho bà cụ, vợ và các con vào xem”. 

Dự định của anh trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các hang mục của khu du lịch Thiên Hà và sẽ khai thác thêm những thắng cảnh của vùng đất này (còn nhiều hang động chưa khai thác) và đưa khu này trở thành một thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn du khách. 

Khi tôi hỏi về bí quyết thành công, anh chia sẻ: “Nếu không có say mê và kiên trì thì không thể làm được. Kinh doanh du lịch không giống như nhiều ngành khác nên không thể đòi hỏi có lợi luôn. Vì đây là ngành đầu tư tương đối nhiều tiền của và công sức nên phải từ 5-7 năm mới có kết quả. Hơn nữa, mình phải làm chu đáo tất cả mọi thứ từ môi trường, cảnh quan đến dịch vụ. Có như vậy mới kinh doanh lâu dài, hấp dẫn khách. Nếu không làm tốt, thì có thể tan vỡ, thất bại”. 

Sau một ngày đi thăm quan hai khu Vân Long và Thiên Hà được tạo dựng nhờ bàn tay, khối óc của doanh nhân Hà Huy Lợi, tôi thầm nhận ra con người ta có thể biến những điều không thể thành có thể nhờ ý chí, quyết tâm và đam mê cháy bỏng. Nếu không có những điều cốt lõi đó, thành quả sẽ không đến với bất cứ ai. 

Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter