Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Nội lực mạnh mẽ tạo nên sức bật vượt trội của nữ doanh nhân

Khi đứng trước một sự lựa chọn an toàn và một con đường mạo hiểm, chưa biết tương lai ở đâu, hẳn nhiều người sẽ chọn cách thứ nhất. Số ít còn lại chọn cách thứ hai để trải nghiệm và vươn lên bằng chính nội lực, quyết tâm mạnh mẽ của mình. Thành quả vượt trội và xứng đáng mà họ đạt được là minh chứng thuyết phục cho con đường đã lựa chọn. Chị Phạm Thùy Dương – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Việt Nam (Santa Vietnam) là một người phụ nữ như thế!
Chị Phạm Thùy Dương – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Truyền thông Việt Nam (Santa Vietnam)
Con đường của một viên chức không có sự đột phá
Chị Phạm Thùy Dương sinh năm 1969 trong một gia đình cả bố và mẹ đều là cán bộ thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế, bộ Giao thông Vận tải. Bố chị đã học tại Đại học Nhân dân khóa I và có thời gian đi dạy ở nước Nga. Ông rất yêu thích vẻ đẹp của cây thùy dương nên đặt tên con gái đầu lòng là tên của loài cây này. Nhà chỉ có 2 chị em gái nên cuộc sống thưở nhỏ của chị diễn ra êm ả, chỉ lo ăn học và được bố mẹ chăm sóc, bao bọc, yêu thương từ nhỏ đến lớn.
Tốt nghiệp phổ thông, chị nghe lời khuyên của bố theo học ngành y vì đây là một nghề cao quý, có thể giúp được nhiều người. Sau khi tốt nghiệp, chị xin vào công tác tại Bệnh viện nhi Trung Ương và làm việc tại Phòng cấp cứu. Công việc chính của chị là tiếp nhận bệnh nhân từ các nơi chuyển đến và hướng dẫn chăm sóc ban đầu.
Sau đó chị được chuyển sang làm ở Khoa sơ sinh đảm nhận công việc tiêm ven cho trẻ sơ sinh, tắm và cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sỹ. Không chỉ chuyên tâm vào việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh, chị còn tranh thủ thời gian học thêm tiếng Anh ở bên ngoài. Đây là môn học chị yêu thích và có khiếu nên chị học rất tốt.
Nhờ vốn ngoại ngữ, một lần chị đã phiên dịch và làm thủ tục cho một gia đình người Thụy Điển đến viện Nhi xin con nuôi là các bé bị bỏ rơi. Sau đó, chị còn hỗ trợ lãnh đạo Viện công tác đối ngoại khi có khách nước ngoài đến thăm, làm việc tại Viện. Nhờ thế, sau một thời gian, chị được quyết định chuyển sang công tác tại Phòng đối ngoại của Viện. Công việc của chị chủ yếu là tổ chức các sự kiện, hội thảo, xin viện trợ… Dường như công việc này đúng sở trường của chị hơn, chị tham gia nhiệt tình và khuấy động các hoạt động của Đoàn thanh niên rất sôi nổi.
Để có thêm thu nhập ngoài khoản lương viên chức ít ỏi, buổi tối chị tranh thủ dạy thêm tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ ở Cát Linh. Thu nhập từ việc dạy thêm còn gấp mấy lần lương tại Viện nhi.
Trong một buổi dạy, do lo tổ chức sự kiện của Viện và không kịp ăn, chị bị hạ đường huyết, ngất xỉu ngay trên lớp. Trong số 2 cậu học trò lớn tuổi ở lại đưa chị về nhà, có một anh đã rất tận tình giúp đỡ cô giáo. Ban đầu anh nghĩ  là chị đã có gia đình do thấy cô giáo dạy ở trên lớp khá chững chạc. Nhưng khi đưa về nhà, anh mới biết cô giáo chưa có gia đình. Sau 4 năm lặng lẽ quan tâm, ân cần, chăm sóc cô giáo từ những việc nhỏ như sửa hộ xe máy… trái tim chị đã rung động và chị quyết định kết hôn với anh. Anh không chỉ là người chồng mà còn là người chia sẻ, thông cảm và ủng hộ trong suốt con đường kinh doanh của vợ về sau. Quãng thời gian 4 năm nói trên, chị cũng quyết tâm đi học và tốt nghiệp 2 trường: Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Luật Hà Nội.
Bứt ra khỏi môi trường được nhiều người mơ ước
Công việc tại Viện nhi tiến triển tốt, năng lực của chị được lãnh đạo ghi nhận nhưng bên trong chị có những giằng xé nội tâm mạnh mẽ về con đường mình sẽ đi, về cuộc sống cơm áo, về việc sẽ làm một cái gì đó của riêng mình.
Đúng thời gian nghỉ sinh cậu con trai đầu lòng, chị tình cờ biết một cơ hội việc làm mới. Như có một điều gì thôi thúc và không thể ngồi yên ở nhà trông con, chị đã đến phỏng vấn tuyển dụng vào vị trí nhân viên quảng cáo cho tạp chí Heritage (Dự án của Thời báo kinh tế Việt Nam). Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng đã giúp vị Phó Tổng biên tập nhận ra tố chất của chị có thể đảm đương công việc, ngoài khả năng ngoại ngữ  tốt. Chị được tuyển dụng. Tuy không phải lĩnh vực được đào tạo nhưng chị vẫn muốn thử sức với công việc mới và cũng dự phòng phương án nếu thử việc không được thì chị cũng hết thời gian nghỉ sinh, quay lại Viện cũng không muộn. Tuy nhiên dự định trở lại Viện nhi đã không xảy ra mặc dù trước mắt chị lúc đó công việc mới còn rất mông lung.
Khi quyết định xin nghỉ việc tại Viện nhi, chị đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình, đặc biệt là bố. Ông không hiểu nổi tại sao công việc đang ổn định, vị trí của chị được nhiều người mơ ước mà con gái mình lại muốn ra đi. Ông tỏ ra rất khổ tâm và mở màn cuộc “chiến tranh lạnh” với đứa con gái không chịu nghe lời. Trước tình huống khó xử của hai bố con, chị trăn trở, đấu tranh với chính bản thân mình rất nhiều nhưng vẫn quyết định dấn thân với công việc mới.
Giống một người đi tìm đường, loay hoay, mò mẫm, giai đoạn đầu đối với chị không hề đơn giản. Để mời quảng cáo, những ngày đầu tiên chị gọi điện đến các công ty theo số điện thoại trong cuốn “Niên giám điện thoại những trang vàng”. Đó là những ngày mà chị ôm máy điện thoại, gọi điện liên tục đi khắp nơi đến mất cả giọng nhưng không có khách hàng nào đồng ý quảng cáo.
Sau khi thấy cách này không hiệu quả, chị định vị lại cách xác định đối tượng khách hàng có triển vọng quảng cáo trên tạp chí Heritage sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp về khách sạn, nhà hàng, các phòng tranh hoặc Souvernir shop... Khi đã xác định được đối tượng nhắm đến, vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, chị gửi con cho bà ngoại, vác xe máy đi lượn phố để thu thập thông tin khách hàng trọng tâm đó. Đi các phố, cứ thấy có phòng tranh, khách sạn, nhà hàng khai trương hoặc Souvernir shop là chị dừng lại xin name card. Công việc thủ công nhưng đã dần giúp chị focus được đối tượng khách hàng và có hợp đồng qua việc tiếp xúc và mời quảng cáo. Đối với chị, công việc này cũng lắm phen dở khóc dở cười và mất thời gian khi nhiều khách hàng rất thích gặp chị để nói chuyện nhưng không phải để quảng cáo.
Mất 6 tháng loay hoay, đến khi chị biết cách định vị rõ ràng với từng loại khách hàng (nhà hàng khách sạn cần làm như thế nào, phòng tranh thì làm ra sao…), công việc của chị như thăng hoa, bùng nổ. Làm tốt, mấy tháng sau, chị được đề bạt lên phụ trách quảng cáo của Tạp chí. Doanh thu mỗi năm từ mảng quảng cáo của chị đạt 9 tỷ đồng. Ngoài quảng cáo, khi tiếp xúc khách hàng, chị còn năng động tham gia tổ chức sự kiện, truyền thông, PR. Từ đây, chị có thêm niềm yêu thích công việc truyền thông.
Vẫn tiếp tục vị trí chủ chốt trong Dự án tạp chí Heritage, chị là những viên gạch đầu tiên được chuyển sang xây dựng công ty Truyền thông Dolphin Media (Công ty khởi đầu từ dự án). Vị trí chị đảm nhận tại công ty truyền thông này là Giám đốc kinh doanh. Với kinh nghiệm, sự nhạy bén và thái độ làm việc nhiệt huyết, coi công ty như là của mình, chị là người thực thi, triển khai hiệu quả các ý tưởng của sếp và chốt doanh thu cho công ty đạt lợi nhuận vượt bậc. Nhờ những đóng góp và cống hiến xuất sắc, sếp đã tặng chị 5% cổ phần của công ty. Thu nhập của chị ở thời điểm năm 2004 đã vào khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Cuộc sống tương đối dư dả, hàng năm gia đình chị đều đi du lịch ở nước ngoài.
Mặc dù mức thu nhập cao, sự nghiệp của chị đang rất thành công nhưng với bản tính của một người mạnh mẽ, trong lòng vẫn khát khao làm một cái gì đó của riêng mình, một lần nữa chị lại dứt áo ra đi khỏi công ty truyền thông sau 8 năm gắn bó. Để thực hiện khát vọng đó, chỉ có cách là xây dựng, làm chủ doanh nghiệp của riêng mình.
Thất bại nặng nề trong năm đầu mở nghiệp
Tích cóp được một số vốn kha khá khoảng vài trăm triệu đồng trong tay, năm 2006 chị quyết định mở công ty kinh doanh bất động sản và văn phòng cho thuê lấy tên là Công ty Đầu tư nhà Hà Nội.
Lý do chọn kinh doanh lĩnh vực này một phần là chị yêu thích mảng bất động sản, một phần nữa là trên phương diện tâm linh thì tuổi của chị thuộc mạng Thổ, kinh doanh bất động sản sẽ tốt, thuận và hợp. Chân ướt chân ráo mở doanh nghiệp, cùng với sự tin tưởng người sếp cũ, chị đã đồng ý cho anh có cổ phần trong công ty của mình và để anh tham gia vào hội đồng quản trị.
Với bản tính nhiệt tình, chị tin tưởng, hăm hở kinh doanh và đón bắt cơ hội. Khi đưa ra các ý tưởng và phương án triển khai, chị thấy rất khả thi và quyết tâm làm. Tuy nhiên, lần nào cũng thế, cứ mỗi lần phải ra quyết định, chị lại gặp một “tảng đá lớn” từ chính người sếp cũ. Anh với vai trò cổ đông trong hội đồng quản trị, cũng là người chị tôn trọng, kính nể luôn tư vấn “Không ổn, không làm được đâu” là nguyên nhân chính cản trở những quyết định của chị. Lý do là trong thâm tâm, anh mong chị quay trở lại công ty cũ để làm việc.
Mất một năm trời quay cuồng trong vòng luẩn quẩn với sự cản trở tưởng như rất hợp lý đó, công ty của chị đã không thể triển khai được gì và bị lỗ nặng, cả năm làm việc không xuất một hóa đơn nào. Cuối cùng, công ty phải giải thể, chị tay trắng. Nhưng chị không đầu hàng, trong chị vẫn cháy bỏng khát khao kinh doanh. Chị quyết tâm làm lại từ đầu.
Đứng dậy sau vấp ngã và những dấu ấn khó quên trên thương trường
Năm 2007, chị cùng với một anh bạn (vốn là khách hàng cũ trong thời gian chị làm việc ở tạp chí Heritage) thành lập công ty Cổ phần Truyền thông và Đầu tư Santa Vietnam. Công ty được mở ra kinh doanh mảng bất động sản và mảng truyền thông. Lý do, anh bạn này góp vốn và chung sức làm cùng chị vì cũng rất thích ý tưởng, mô hình kinh doanh và mảng bất động sản. Anh không chỉ là một người bạn mà còn là một người cộng sự tận tâm đồng hành lâu dài với chị trong sự nghiệp kinh doanh đến tận bây giờ.
Vụ đầu tiên khi thành lập Công ty Cổ phần, chị đối diện ngay với việc tìm thêm một thành viên Hội đồng quản trị cho đủ 3 người. Làm sao tìm được một người vừa góp vốn, vừa chèo lái con thuyền là không hề đơn giản. Qua mối quan hệ thân thiết của người bạn đồng hành với mình, chị mời một anh là cán bộ nhà nước tham gia Hội đồng Quản trị với vai trò tư vấn. Tuy nhiên, bất lợi đến từ việc anh là cán bộ nhà nước nên thời gian anh có thể đến công ty họp thường vào tối vào đêm. Mà chị là phụ nữ, chị không thể triền miên về nhà quá muộn trong khi các con còn nhỏ. Hơn nữa, vai trò tư vấn của anh không thực sự có ý nghĩa với công việc kinh doanh hiện tại.
Đau đầu, khó xử, cân nhắc và bàn bạc với người bạn đồng sáng lập công ty, anh bảo chị tự quyết. Mất mấy đêm suy nghĩ đến không ngủ, chị đã viết một bức thư giãi bày suy nghĩ của mình gửi cho anh cán bộ nhà nước. Chị viết: “Anh ạ, em biết là anh rất yêu quý chúng em nên mới đến hợp tác với chúng em. Hơn ai hết, tất cả mọi người phải ngồi chung trên một con thuyền và cùng chèo lái. Em thật sự mong muốn có một người cùng với con thuyền Santa này chèo lái đi chứ không cần lắm một người tư vấn…”. Bức thư có tình, có lý của chị đã đặt một “đường lui” khéo léo cho sự hợp tác không mấy hiệu quả giữa hai bên mà lại không làm phật lòng anh cán bộ này. Về sau, chị đưa bức thư đó cho chồng đọc, anh cũng nghẹn ngào xúc động vì không ngờ vợ mình học văn không giỏi, chưa viết thư cho ai mà lời lẽ thấm thía đến vậy. Đồng thời, chị còn vận động một người bạn khác đang là Tổng Giám đốc của FPT Media về làm thành viên Hội đồng Quản trị vì cũng thích mô hình kinh doanh của chị. Anh đã đồng ý mua lại cổ phần, trả chi phí cơ hội cho anh trước và tham gia chèo lái công việc của Santa.
Vụ việc thứ hai, chị bắt tay vào thuê  địa điểm để kinh doanh mảng khách sạn. Khi đã xem một địa điểm rất ưng ý và phù hợp trên phố Bùi Thị Xuân, chị cũng lấn cấn chưa quyết vì dịp đó đúng vào tháng 7 ngâu, hơn nữa anh bạn cộng sự đang đi công tác nước ngoài nên không bàn bạc với nhau được. Có một mình, chị nghĩ là tháng người âm, không ai thuê bất động sản cả. Qua tháng 7, chị đến hỏi thuê thì chủ nhà đã cho người khác thuê mất. Chị học được bài học đắt giá về việc mất cơ hội do những suy nghĩ chủ quan của mình.
Không để mất cơ hội lần thứ hai, chị đi xem địa điểm khác là một khách sạn trên phố Triệu Việt Vương. Bằng kinh nghiệm và một có sự linh cảm mách bảo, buổi trưa đi xem thì buổi chiều chị ôm ngay khoản tiền 100 triệu đồng trong két của nhà đi đặt cọc. Lúc đó chị chỉ nghĩ là cần làm ngay không sẽ mất cơ hội. Việc quyết định đem tiền đi đặt cọc quá nhanh chóng khiến anh bạn chị run đến toát mồ hôi khi lái ô tô nên bảo chị lái xe (tính cách của anh rất cẩn thận, chi tiết khác với chị). Buổi làm việc với chủ nhà để thuê và làm hợp đồng được tiến hành ngay tối hôm đó.
Sau khi đã thuê được địa điểm, cần một khoản vốn đầu tư là 4 tỷ đồng nhằm cải tạo, sửa chữa, nâng cấp khách sạn, chị đã quyết định thế chấp căn nhà của hai vợ chồng để vay tiền ngân hàng (Đây là căn nhà vợ chồng chị tích cop mới mua được từ trước). Đối diện với sự việc này, chồng chị đã gọi hai cậu con trai lớn ra rồi ý nhị bảo: “Hai con ra đây ba bảo. Ngày hôm nay, mẹ cầm sổ đỏ nhà mình đi thế chấp vay tiền ngân hàng để kinh doanh. Nếu mẹ kinh doanh phát đạt thì ba con mình có nhà đẹp để ở, còn nếu mẹ kinh doanh không phát đạt thì ba con mình dựng túp lều ở ngoài đê để ở. Hai con ra đây, ba chỉ cho chỗ dựng lều”. Câu nói đùa thâm thúy của chồng với các con lúc đó như nhắc nhở chị trách nhiệm của sự liều lĩnh này.
Có tiền, có địa điểm, chị bắt đầu triển khai công việc thì chướng ngại lại ập đến. Theo giới thiệu của người chủ cho thuê nhà, chị đã mời một ông thầy xem ngày và tiến hành động thổ. Mọi việc hoàn tất, không ngờ chị nghe được bà hàng nước lâu năm trên vỉa hè nói lại: “Trước cửa có một cây đa to và thiêng lắm, nhiều đời chủ không thể kinh doanh được”, khiến chị hoang mang lo lắng “Nếu họ kinh doanh được thì đã không đến lượt mình”. Trấn tĩnh lại và thấy mình đang ở thế “trèo lưng hổ”, không thể dừng được nữa, chị mời một thầy khác xem ngày để động thổ lần thứ hai với hy vọng sẽ tốt đẹp. 
Cuối cùng, mọi việc cũng được suôn sẻ. Khách sạn Santa với tiêu chuẩn 3 sao được nâng cấp, cải tạo rồi đưa vào kinh doanh gần 30 phòng. Trước ngày khai trương, do chuẩn bị tốt công tác truyền thông và tài trợ cho một sự kiện, chị đã đón đoàn khách đầu tiên ở kín tất cả số phòng là đội tuyển bóng đá Thái Lan sang Việt Nam thi đấu. Đó là sự khởi đầu suôn sẻ. Nhưng sau khi đội tuyển Thái Lan về nước, khách sạn vắng khách. Mấy tháng sau, nhờ sự phối hợp ăn ý giữa chị và anh bạn đồng hành, cùng với tài ngoại giao, sự tin tưởng của những mối quan hệ cũ, khách sạn bắt đầu thu hút đông khách. 
Vị khách hàng đầu tiên ở Santa
Đội ngũ lễ tân trẻ trung tại khách sạn Santa
Một vấn đề thiếu may mắn chị gặp phải từ khi thành lập Santa đến giờ là nhân sự mảng Tài chính kế toán. Các nhân sự được chị tuyển đều gặp các sự cố bất ngờ về sức khỏe, gia đình… nên không kịp bàn giao công việc, việc tuyển nhân sự mới phù hợp lại khó khăn. Có lúc, chị dùng chính sự phiêu linh của mình để tính toán và định hướng.
Song song với việc kinh doanh khách sạn Santa, chị vẫn chạy mảng truyền thông (làm PR cho tất cả các khách hàng cần đến chị) để có tiền ngay. Bên cạnh đó, chị và anh bạn đồng sáng lập còn làm quản lý thuê cho nhiều khách sạn khác với mức lương 50 – 70 triệu đồng/tháng để xoay tiền cho mảng khách sạn và trả lương nhân viên. Thời điểm khó khăn, chị và người bạn đồng hành làm việc không có lương. 
Ngay từ đầu, chị đã xác định đối tượng cho thuê là khách nước ngoài. Nhờ có dịch vụ tốt, không gian khách sạn được thiết kế ấm cúng như gia đình, nhiều khách Nhật đã đến thuê và giới thiệu khách khác đến. Tỷ lệ khách Nhật ở tại khách sạn của chị là 80%  và tỷ lệ khách nước ngoài  là 95%. Vì thế, sau khi khai trương được một năm, khách sạn của chị đã trả hết tiền đầu tư và có doanh thu. Năm 2011 vừa qua, mặc dù bất động sản trầm lắng nhưng doanh thu của công ty chị tăng trưởng 20% so với năm 2010, trung bình tỷ lệ khách thuê phòng đạt gần full (90%).
Những vị khách nước ngoài rất thoải mái và vui vẻ khi ở tại khách sạn Santa
Không dừng ở đó, năm 2011, chị tiếp tục đầu tư khách sạn thứ hai với số vốn 5 tỷ đồng trên phố Triệu Việt Vương để đáp ứng những đoàn khách lớn hơn. Hiện nay khách sạn Santa 2 mới khai trương nhưng số lượng phòng đặt trước đã đạt 80% và 2 căn hộ đã được bán. Chị Dương cho biết: “Do đã vận hành khách sạn Santa 1 có kinh nghiệm và quy trình bài bản nên khách sạn Santa 2 đi vào hoạt động cũng thuận lợi hơn so với trước”. Dự định của chị trong thời gian tới là sẽ kinh doanh một chuỗi khách sạn tại các tỉnh thành trên cả nước. Kế hoạch năm 2012 là chị sẽ triển khai mở khách sạn tại Đà Nẵng, TP. HCM…
Khi tôi hỏi về mảng truyền thông sẽ phát triển như thế nào, chị chia sẻ: “Mảng truyền thông, chị sẽ làm chuyên sâu cho các khách hàng bất động sản, nhà hàng, khách sạn chứ không làm cho nhiều đối tượng như trước. Đây là mảng mình có thế mạnh nhất vì đã và đang kinh doanh nên tư vấn cho khách hàng sẽ thực tế, hiệu quả mà không tốn kém”.
Cuộc sống đời thường của nữ doanh nhân
Việc kinh doanh của chị đã có nhiều khởi sắc so với những ngày đầu loay hoay nhưng chị chưa thấy đó là thành công. Chị chỉ tự nhận mình là người thích làm việc, cứ làm việc là thấy vui và không thấy mệt. “Tâm thế này, chị có từ khi còn làm việc ở Viện nhi, chị cảm thấy cứ có một khát khao cháy bỏng được làm việc, đơn giản thế thôi”, chị Dương tâm sự. Và với chị, thành công có được ngày hôm nay là công sức chung của những người cộng sự có cùng đam mê, chí hướng và đồng cam cộng khổ bởi lẽ chị quan niệm:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Hàng ngày, chị dậy từ 5 giờ sáng, ngồi bật máy tính để nghĩ và tính toán các công việc. Chị bảo: “Có lẽ kinh doanh là nghiệp của chị”. Và khi đã làm kinh doanh thì làm chuẩn và chỉnh, coi công ty như là đứa con đẻ của mình và chăm sóc cho nó. Trong những năm kinh tế khó khăn như hiện nay, muốn kinh doanh bền vững thì doanh nghiệp phải có cam kết cao và chủ doanh nghiệp phải có đam mê cháy bỏng. Không chỉ có thế, với chị kinh doanh không phải là để giàu, để kiếm nhiều tiền mà làm kinh doanh và trở thành doanh nhân vì những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng nhờ những trải nghiệm, nhờ nền kiến thức có được.
Hiện tại, chị tham gia Hiệp hội nữ doanh nhân (HNEW) và tích cực với công tác từ thiện, giúp đỡ phụ nữ khó khăn và trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Năm 2011, chị đã cùng với chị em HNEW đến Mường nhé Điện Biên khảo sát để xây dựng trường Nacosa với kinh phí 140 triệu đồng, dự kiến ngôi trường sẽ được hoàn thành trong năm 2012 này. Hàng năm vào ngày 29 Tết âm lịch chị cùng HNEW đến Viện Nhi TƯ để phát quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Lần nào cũng vậy, chị cho con trai lớn đi cùng để cháu biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, chị còn có một tổ ấm hạnh phúc bên chồng cùng ba con, hai con trai và một con gái. Chồng chị cũng có sự nghiệp kinh doanh riêng nhưng vẫn luôn ủng hộ, chia sẻ với vợ trong công việc. Chị chia sẻ thêm: “Buổi tối chị thường đi làm về muộn nhưng vẫn dành thời gian dạy các con học bài và đạt kết quả cao. Con trai lớn của chị biết mẹ vất vả nên rất tự lập, biết nấu cơm và tự chế biến bữa ăn trưa. Nhà chị không thuê giúp việc”. Không những thế, con trai lớn của chị 3 năm đạt giải Nhất cuộc thi Piano không chuyên Thành phố Hà Nội.
Tổ ấm hạnh phúc của chị Dương
Kết thúc cuộc nói chuyện với chị Phạm Thùy Dương sau những câu chuyện ngoài lề khác về gia đình, con cái, hành xử… , tôi cảm nhận được một dòng năng lượng mạnh mẽ tỏa ra từ bên trong chị. Điều đó lý giải tại sao chị đã dám bước qua “vùng an toàn” của một viên chức nhà nước ổn định trở thành nữ doanh nhân thành đạt. 
Chị Phạm Thùy Dương nhận Cup Bông hồng vàng thủ đô








 
Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter