Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Những ông chủ không ý thức vai trò chủ nhân

Khi tổ chức ĐHCĐ, ban tổ chức thường có ý nghĩ mình là chủ, các cổ đông là khách. Trong khi đây là phiên họp của các ông chủ công ty, ban điều hành lẫn ban tổ chức chỉ là khách hay người làm thuê.

Cuối tháng 4 vừa rồi công ty tôi tổ chức phiên họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông, thường được gọi tắt là Đại hội cổ đông.

Trong phiên họp có một tình tiết thế này. Một cổ đông, sau khi tự giới thiệu mình là nhà đầu tư chuyên nghiệp, suốt ngày bám sàn, lên tiếng chất vấn ban điều hành công ty là tại sao lãi "khủng" thế mà chia cổ tức không tương xứng? Cổ đông đó nhấn mạnh, đây không phải lần đầu công ty làm thế, mà đã mấy năm rồi, năm nào lợi nhuận cũng rất cao nhưng chia cổ tức có tí ti, khiến các cổ đông như ông ta rất lấy làm bất mãn.

Và ông ta quy kết đây chính là một trong các nguyên nhân khiến cho giá cổ phiếu công ty bị kìm ở mức thấp, trong khi mọi thông số về kết quả kinh doanh đều rất tốt. Điều này càng khiến cho các nhà đầu tư như ông ta thêm phần bức xúc. Ông nói thẳng, là nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi đầu tư vào cổ phiếu công ty, ông mong muốn được công ty đền đáp lại bằng cách chia cổ tức cao, và làm sao cho giá của cổ phiếu tăng trưởng, nhưng công ty đã không đáp ứng được cả hai điều đó.

Lắng nghe ý kiến của cổ đông, ban điều hành công ty đã có lời giải đáp rất thấu đáo, có tình có lý về vấn đề này, đại khái tỷ lệ chia cổ tức thực ra không hề thấp, cỡ 40% lợi nhuận, còn phần lợi nhuận chưa chia đã có kế hoạch đầu tư để mang lại lợi nhuận cho các cổ đông, vân vân.

Ở đây chúng ta xem xét ý kiến của cổ đông nọ trên một khía cạnh khác.

Khi gọi mình là nhà đầu tư chuyên nghiệp, và khi trách móc công ty không chia cổ tức thật cao, cổ đông nọ đã đối lập bản thân với doanh nghiệp, mà không ý thức được rằng mình chính là ông chủ của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ là tài sản, là công cụ làm giàu của mình. Trong mắt ông ta, công ty là một chủ thể hoàn toàn độc lập với ông ta, cái chủ thể này làm một việc rất đáng ghét là không chịu chia cổ tức cho ông nhiều nhiều một chút, qua đó giúp ông có thêm tí tiền tiêu, và giúp cho cổ phiếu tăng giá, cũng tức là mang lại thêm phần lợi nhuận bổ sung cho khoản đầu tư của ông.

Ông ta không hiểu một điều rằng công ty chỉ là một pháp nhân, là một con ma vô hình vô tướng. Con ma này chẳng biết làm gì hết. Nó chẳng sản xuất, chẳng kinh doanh, chẳng chia cổ tức cho ai cả. Mọi việc đều do những con người bằng xương bằng thịt đại diện cho nó làm hết. Trách tội con ma là một việc làm vô nghĩa lý.

Cũng có thể hiểu rằng ở đây ông không trách móc con ma kia, mà trách móc ban điều hành công ty. Nhưng ngay cả khi đó ông ta cũng trách móc sai địa chỉ. Ban điều hành công ty, bao gồm cả hội đồng quản trị lẫn ban giám đốc, chỉ là người làm thuê. Họ không có quyền quyết định chia chác số lợi nhuận do công ty làm ra như thế nào. Cùng lắm họ chỉ có thể đề xuất phương án phân chia lợi nhuận: chi thưởng cho cán bộ công nhân viên bao nhiêu, giữ lại để dự phòng bao nhiêu, đầu tư phát triển bao nhiêu, chia cổ tức bao nhiêu, vân vân. Quyền quyết định hoàn toàn thuộc về các ông chủ công ty, tức là các cổ đông, trong đó có “nhà đầu tư chuyên nghiệp” kia, vì lợi nhuận là tiền của họ. Nếu muốn trách móc ai thì nhà đầu tư chuyên nghiệp nọ nên trách móc các cổ đông khác, những người đồng ý phương án phân chia lợi nhuận thế này hay thế nọ, mới đúng!

Vấn đề giá cổ phiếu cũng thế. Giá cổ phiếu là sự đánh giá của chính các cổ đông trong khi mua bán với nhau, chứ doanh nghiệp chẳng liên quan gì ở đây. Việc của doanh nghiệp, hay nói đúng hơn là ban điều hành và tập thể người lao động của doanh nghiệp, là làm sao để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất. Còn cái việc vì sao làm ăn tốt thế mà giá cổ phiếu vẫn thấp thì các cổ đông nên hỏi nhau mới phải! Đi chất vấn ban điều hành công ty về chuyện này thì rõ là không hợp lý.

Lối suy nghĩ của vị cổ đông nọ rất phổ biến trong giới các “nhà đầu tư” hiện nay. Họ không ý thức sâu sắc vị thế, vai trò chủ nhân doanh nghiệp của mình. Họ xử sự như người dưng vậy. Họ dò xét tình hình các công ty và cổ phiếu của chúng, xem cái nào có vẻ ngon ăn thì bỏ tiền ra mua, rồi ngồi chờ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, và nhăm nhăm chờ giá cổ phiếu tăng là bán liền để ăn chênh lệch giá, hay nói một cách hoa mỹ là “hiện thực hóa lợi nhuận”. Họ không hề có sự gắn bó với “công ty của mình”, như lẽ ra phải thế!

Nói cho chính xác, họ là các nhà đầu cơ.

Không chỉ các nhà đầu cơ mới có lối tư duy đăt mình đối lập với doanh nghiệp, mà chính các chuyên gia, các nhà báo cũng thường xuyên có cái nhìn như thế. Ta rất hay bắt gặp trên báo chí các cách viết kiểu như “doanh nghiệp cần phải tăng cường quan hệ với cổ đông”, “việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu vào lúc này khiến các cổ đông bức xúc”, “thông tin doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ đã khiến các cổ đông rất phấn khởi”, “cổ đông thích được doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt hơn là bằng cổ phiếu thưởng”, “thị trường chứng khoán suy giảm khiến doanh nghiệp rất khó huy động thêm vốn từ các cổ đông ” v.v… là những thí dụ về lối nhìn đó.

Bản thân các doanh nghiệp nhiều khi cũng bị lây cái bệnh đó. Như khi tổ chức đại hội cổ đông, những cán bộ, công nhân viên của công ty được cử vào ban tổ chức thường có ý nghĩ rằng mình là chủ, còn các cổ đông là khách, được ban tổ chức gửi giấy mời dự sự kiện này. “Khách mời” được đón tiếp chu đáo, được “chủ nhà” tặng quà, vân vân. Cứ như một hội nghị khách hàng vậy. Trong khi đây là phiên họp của các ông chủ công ty, và ban điều hành công ty lẫn ban tổ chức phiên họp chỉ là khách hay người làm thuê mà thôi.

Khổng phu tử mà sống lại, nhìn thấy cảnh này chắc phải lắc đầu than: “Chủ không ra chủ, khách không ra khách, loạn quá, loạn hết cả rồi!”

Theo Đoàn Quốc Quân
  Chuyên viên Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí 
TBKTS

Không có nhận xét nào:

Flag Counter