Toyota nổi tiếng không chỉ nhờ những sản phẩm có thương hiệu
mà trước hết bởi phương cách làm ra những sản phẩm đó. Bí quyết thành
công của Toyota không có gì bí mật và khó hiểu, nhưng lại không dễ được
sao chép và ứng dụng.
Từ máy dệt đến ôtô
Ngày nay, mỗi khi nghe nói đến Toyota, gần như ai cũng chỉ liên tưởng
ngay tới một thương hiệu về ôtô. Thật ra, khởi nguồn của thương hiệu
này là máy dệt, đặc biệt là máy dệt tự động. Toyota là một trong những
thương hiệu được coi là hình ảnh và uy danh của Nhật Bản. Như những thương hiệu nổi tiếng khác của Nhật Bản, quá trình hình thành và phát triển của thương hiệu này cũng phản ánh và là một phần của lịch sử Nhật Bản.
Người sáng lập ra tập đoàn Toyota Industries Corporation, Ltd. ngày
nay là Toyoda Sakichi (1867-1930). Là con của một người thợ mộc, Toyoda
Sakichi đã bền chí học tập và lao động sáng tạo để rồi về sau được công
nhận là nhà phát minh vĩ đại nhất của Nhật Bản. Sự nghiệp phát minh sáng
tạo của ông bắt nguồn từ khao khát cải tiến máy dệt vải để những nữ
công nhân dệt vải bớt vất vả và máy dệt vải tự động cũng được coi là
phát minh lớn nhất, có giá trị thực tiễn lâu bền nhất của ông. Sau này,
ôtô mang nhãn hiệu Toyota chinh phục được cả nước Nhật lẫn thế giới nhờ
cái gọi là “Hệ thống sản xuất Toyota” (TPS) thì chính TPS cũng lại xuất
xứ từ chiếc máy dệt tự động kia: Nó không chỉ là chiếc máy dệt tự động
hoàn toàn, mà còn tự ngừng hoạt động mỗi khi xảy ra lỗi hoặc trục trặc
trong mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Đó là thời kỳ đầu thế kỷ 20.
Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 30 trong thế kỷ trước, Toyoda
Sakichi đã nhận ra được tầm quan trọng và triển vọng của ngành chế tạo
ôtô trong tương lai. Ông bán một số phát minh sáng chế của mình cho nước
ngoài để có vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo ôtô. Chiếc xe tải
đầu tiên dòng GG và xe ôtô con dòng A1 được ông cho chế tạo năm 1935 ở
ngay trong xưởng sản xuất máy dệt của mình. Ngày 28/8/1937, ông thành
lập công ty Toyota Motors Corporation. Chữ cái “d” trong tên của ông
được đổi thành “t” trong tên của công ty vì như vậy dễ viết ra hơn trong
tiếng Nhật. Thương hiệu Toyota ra đời từ đó.
Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, công ty của ông chế tạo
xe vận tải cho quân đội Nhật Bản. Nước Nhật bị bom đạn chiến tranh tàn
phá, nhưng nhà xưởng và tài sản của công ty lại gần như không bị suy
xuyển gì. Từ năm 1947, công ty lại sản xuất ôtô các loại và sự thăng hoa
của thương hiệu này kể từ đó khiến cho hậu thế đồng hóa Toyota với ô tô
mà quên mất cội nguồn xa xưa là những chiếc máy dệt tự động góp phần
tăng năng suất lao động và giúp biết bao nữ công nhân ngành dệt đỡ vất
vả.
Theo xếp hạng của “BrandZ Top 100″ của tập đoàn Millward Brown Optimor, vốn được coi là có uy tín nhất thế giới về xếp hạng giá trị thương hiệu,
được công bố tháng 5 vừa qua, Toyota là thương hiệu có giá nhất trên
lĩnh vực ôtô với 24,2 tỷ USD và đứng thứ 27 trong danh sách các thương
hiệu hàng đầu thế giới.
Năm lần hỏi “vì sao” và “Con đường Toyota”
Bí quyết thành công của thương hiệu này là hệ thống sản xuất và
phương cách quản lý tiên tiến nhất được bên ngoài gọi chung là “Con
đường Toyota”. Thực chất đó là triết lý kinh doanh hướng tới chất lượng
cao nhất và đáp ứng tốt nhất, đầy đủ nhất và kịp thời nhất nhu cầu của
khách hàng. Đó là nỗ lực không bao giờ ngừng để có được sự hoàn hảo, cải
tiến sáng tạo liên tục mọi phương pháp và quy trình sản xuất và tiêu
thụ, từ công đoạn đầu tiên cho tới thành phẩm là chiếc ôtô, từ khi xuất
xưởng cho tới dịch vụ chăm sóc khách hàng, duy tu bảo dưỡng, bảo hành
sản phẩm.
Hệ thống sản xuất Toyota TPS là bí quyết thành công nổi tiếng nhất
của thương hiệu này, được Toyota áp dụng rộng rãi ở tất cả các công
xưởng và chi nhánh trên khắp thế giới. Lỗi trong quy trình sản xuất và
nguy cơ kém chất lượng sản phẩm được phòng tránh ngay từ đầu để đảm bảo
chất lượng ổn định và hạn chế tối đa công việc, chi phí và thời gian cho
việc phải khắc phục những lỗi sản xuất và kém chất lượng sau này. Một
khi xảy ra trục trặc thì trước hết đặt 5 lần câu hỏi vì sao sau đó tiến
hành nghiên cứu và phân tích nguyên nhân ngay lập tức để những chuyện
như vậy không còn có thể xảy ra nữa trong tương lai. Sản phẩm và quy
trình sản xuất luôn được cải tiến và tiếp tục phát triển. Nhu cầu của
khách hàng được coi là tiêu chí quyết định tất cả. Bao trùm lên tất cả
là triết lý kinh doanh và kỳ vọng biến cả tập đoàn thành một công cụ làm
ra được giá trị cho khách hàng, cho xã hội và cho chính những người làm
việc trong tập đoàn.
Bí quyết thành công của Toyota là một dạng văn hóa kinh doanh đặc
thù. Ngăn ngừa trục trặc trong quy trình sản xuất, sai lầm trong quản
lý, rủi ro trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và phụ kiện cũng như
khích lệ người lao động gắn bó với tập đoàn, toàn tâm toàn ý làm việc
trong tập đoàn giúp tập đoàn giảm thiểu được tối đa mọi chi phí và phụ
phí không cần thiết, đảm bảo mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả
và ổn định, quản lý và điều hành đồng bộ, thống nhất, khiến cả tập đoàn
lớn mà hài hòa như một chiếc đồng hồ mà lại có thể được thường xuyên cải
tiến để tốt hơn, hoàn hảo hơn và hiệu quả hơn.
Văn hóa kinh doanh trong tập đoàn cũng còn là một bản sắc của thương
hiệu. Người lao động được đảm bảo công ăn việc làm, nhưng phải chăm chỉ,
mẫn cán và tiết kiệm như có thể được, kỷ luật lao động và quy tắc ứng
xử trong tập đoàn chẳng khác gì như trong quân đội, trật tự quyền lực
rất rõ ràng, thái độ cầu thị ở tất cả mọi cấp và sự tự tin vào khả năng
lao động sáng tạo của chính mình luôn được đề cao. Mối quan hệ giữa giới
thợ và giới chủ luôn cởi mở và thẳng thắn với nhau, tin cậy và tôn
trọng lẫn nhau.
Bí quyết thành công của Toyota chỉ có vậy, dễ được nhận ra và tiếp
thu, nhưng lại khó có thể sao chép và việc áp dụng thành công ở nơi khác
lại càng khó hơn vì không phải ở nơi nào cũng đều thành công được trong
việc vừa giữ nguyên tắc lại vừa đảm bảo linh hoạt đủ mức để có thể phản
ứng kịp thời và hiệu quả tới những thay đổi ở trong cũng như ngoài tập
đoàn.
Ngay cả một bí quyết thành công khác nữa của Toyota cũng rất khó sao chép và vận dụng thành công ở nơi khác là định hướng sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Toyota đã nhanh chóng phát hiện ra xu thế sản xuất hàng loạt trên lĩnh vực ôtô đã hết thời, mà phải liên tục đổi mới, cải tiến và hiện đại hóa để cho ra đời những dòng sản phẩm mới kịp thời chứ không chậm so với trào lưu, đi trước đối thủ cạnh tranh chứ không bị bỏ rớt.
Ngay cả một bí quyết thành công khác nữa của Toyota cũng rất khó sao chép và vận dụng thành công ở nơi khác là định hướng sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Toyota đã nhanh chóng phát hiện ra xu thế sản xuất hàng loạt trên lĩnh vực ôtô đã hết thời, mà phải liên tục đổi mới, cải tiến và hiện đại hóa để cho ra đời những dòng sản phẩm mới kịp thời chứ không chậm so với trào lưu, đi trước đối thủ cạnh tranh chứ không bị bỏ rớt.
Toyota không đi theo những con đường thành công của các thương hiệu
khác trên cùng lĩnh vực mà rồi còn thành công hơn thế, cho dù không phải
không có lần thăng trầm và thất bại. Thương hiệu này là bằng chứng sinh
động nhất cho thấy giá trị vô hình của thương hiệu quan trọng như thế
nào đối với giá trị chung của chính thương hiệu ấy.
Theo dddn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét