Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Đại gia công nghệ vào Nhà Trắng "săn đầu người"

Việc thuê những chính trị gia có nhiều kinh nghiệm, có mối quan hệ với chính phủ được coi như bước thành công trong việc quảng bá hình ảnh và tăng cường tầm ảnh hưởng của các hãng công nghệ.


Nhân viên cao cấp    

Sự xuất hiện của chính trị gia trong vai trò lãnh đạo tại các hãng công nghệ đã không còn là điều hi hữu.

Ông Jared Cohen hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Google Ideas - nhóm cố vấn chuyên nghiên cứu về các thách thức toàn cầu và ứng dụng những giải pháp công nghệ. Ông từng là cố vấn thân cận với cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Ngoại trưởng Hillary Clinton. 

Sau khi rời Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao (dưới thời Tổng thống Obama), bà Katie Stanton đã trải qua nhiều vị trí cao cấp tại Yahoo và Google trước khi giữ chức Giám đốc Chiến lược của Twitter.

Hãng AT&T cũng không bỏ lỡ cơ hội khi mời được chính trị gia giàu kinh nghiệm Jim Cicconi, người từng là Trợ lí đặc biệt cho Tổng thống Ronald Reagan và Phó chánh văn phòng Tổng thống Bush. 

Tuy nhiên, tính tới nay, Facebook mới là hãng tích cực nhất trong việc lôi kéo những cựu chính trị gia hàng đầu. Có thể kể tới những nhân vật lớn ở Facebook như cựu Phó trợ lí Tổng thống Bush, Theodore Ullyot, cựu Thư kí báo chí của Tổng thống Clinton, Joe Lockhart hay bà Sheryl Sandberg, cựu Chánh văn phòng Giám đốc kho bạc dưới thời ông Clinton …

Vận động hành lang

Theo Facebook, các cuộc điều tra hay các vụ kiện về bản quyền và độc quyền luôn là những trở ngại lớn cho sự phát triển của công ty. 

Ông Bill Allison, chủ biên Sunlight Foundation, một tổ chức ủng hộ sự minh bạch về chính trị, giải thích: “Tới thời điểm mà các hãng công nghệ nhỏ trở nên lớn mạnh, Washington bắt đầu để ý tới họ. Đó là lí do vì sao Microsoft, Goolge, Apple và nay là Facebook đều đối phó bằng cách vận động hành lang”. 

Dù không phải là một phương pháp mới, nhưng việc thuê những chính trị gia có nhiều kinh nghiệm cũng như có mối quan hệ với chính phủ vẫn tỏ ra rất hữu ích, đặc biệt là với những công ty đang phải tìm cách ứng phó với các chính sách trong nước và trên toàn cầu. Nó được coi như một bước thành công trong việc quảng bá hình ảnh, tăng cường tầm ảnh hưởng của mình với các chính phủ cũng như những đối thủ khác. 

Thậm chí, trong một phát biểu của mình, chính Facebook cũng thừa nhận việc thành lập nhóm các chính trị gia trong nội bộ công ty “là điều bắt buộc, giúp chúng tôi có nguồn lực để chứng minh cho những nhà hoạch định chính sách thấy rằng chúng tôi là những người đi đầu trong lĩnh vực bảo mật, an ninh và an toàn Internet”. 

Nguồn: bee.net

Không có nhận xét nào:

Flag Counter