Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

7 cách khởi nghiệp kinh doanh với vốn dưới 10 triệu đồng

Cách tốt nhất để tiến hành kinh doanh với vốn dưới 500 USD (khoảng 10 triệu đồng) là chọn những việc mình thích làm mà người khác sẽ trả tiền nếu mình làm việc đó cho họ. Quan trọng là bạn phải có tài lẻ!

      

Bạn có yêu thích công việc sửa chữa trong gara ô tô, thích làm bánh, chế tác đồ trang sức hay tổ chức các sự kiện đặc biệt? Nếu bạn đang nung nấu dự định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp để biến những sở thích nói trên thành công việc kinh doanh phát triển, ngay cả khi chỉ với số vốn khởi đầu ít ỏi.

Clyde Anderson, chuyên gia tư vấn tài chính kiêm cộng tác viên của tờ CNN cho biết “Cách tốt nhất để khởi nghiệp với với số vốn ít hơn 500 đô la là tìm ra một hướng đi để kiếm lời từ những sở thích của bạn. Một điều rất quan trọng đối với những ai có dự định kinh doanh là xác định xem họ có những tài năng nào nổi trội làm nền tảng cho công việc của mình.”
1. Bánh nướng
Bánh ngọt và bánh nướng là những cái tên không thể thiếu trong thực đơn của bất cứ một bữa tiệc nào. Hơn thế nữa, những chương trình truyền hình thực tế về các loại đồ ăn như Cupcake Wars đã biến công việc làm bánh vốn rất phổ biến trở thành một ý tưởng kinh doanh mới mẻ. 
      
Nichelle Stephens, một blogger kiêm chuyên gia về bánh nướng bật mí chỉ với 500 đô la, hay thậm chí ít hơn là bạn đã có thể kinh doanh mặt hàng này. Stephens còn chia sẻ trên trang blog của cô rằng khi mới khởi nghiệp kinh doanh bánh nướng, bạn sẽ tiêu tốn nhiều thời gian hơn chứ không phải tiền bạc. 
Trước tiên, bạn cần tìm một địa điểm kinh doanh phù hợp nơi có ít mặt hàng này và tạo nên điểm khác biệt riêng có của thương hiệu mình. 
Bước tiếp theo, bạn sẽ phải đầu tư thêm máy trộn bột, chảo nướng và vỉ lưới. Nhân viên sẽ chính là những người cho ý kiến về sản phẩm và quảng bá thương hiệu tới đông đảo khách hàng.
2. Văn phòng công chứng di động
Dù cho khoa học có phát triển thế nào đi chăng nữa thì những giấy tờ quan trọng như giấy sở hữu nhà đất, di chúc hay giấy cho vay vẫn cần được đóng dấu và công chứng. Nhiều ngân hàng và công ty bất động sản được cấp giấy phép công chứng, song xu thế thịnh hành hiện nay là công chứng di động – nhân viên công chứng sẽ đến tận nhà hay công ty bạn để làm việc. 
    
Nếu muốn biến xu thế này thành ý tưởng kinh doanh, bạn cần ghi nhớ những nguyên tắc sau: 
Bạn cần phải dự một khóa học về công chứng và thi để lấy giấy phép. Sau khi đã hoàn thành bước đầu tiên rất quan trọng này, bạn nên thông báo với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp về công việc kinh doanh mới. 
Tiếp đó, bạn nên lập một website để khách có thể tìm hiểu những thông tin cần thiết. Một điều nữa cũng không kém phần quan trọng là tạo nên nét riêng biệt cho chính mình. Dany Victory, ông chủ của website công chứng mobilenotarypublic.com cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên công chứng các giấy tờ vay vốn. Chính điều này đã mang lại cho công ty nhiều khách hàng như các nhà môi giới bất động sản và các công ty xác minh quyền sở hữu.” 
Với văn phòng công chứng di động, bạn chỉ phải bỏ ra chi phí thấp nhưng thu về không ít lợi ích như được đi lại, kết giao với nhiều người và hưởng tiền lãi từ việc cung cấp dịch vụ tới tận nhà.
3. Huấn luyện viên riêng
Với nhiều người có số cân nặng không như mong muốn, việc giảm cân ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, điều này kéo theo nhu cầu tìm những huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn bài tập giảm cân. Nếu bạn là một chuyên gia thể hình hay vận động viên chạy, bạn đã có thể kiếm được một khoản không nhỏ dựa trên những gì bạn được học bằng cách hướng dẫn những bài tập thể lực, chạy marathon, tập yoga hay nhảy Zumba. 
           
Muốn kinh doanh bằng nghề này, trước tiên bạn cần được cấp chứng chỉ huấn luyện viên. Tiếp theo, bạn cần trang bị một số “đồ nghề” cơ bản như máy chạy CD, bóng tập thể hình, đệm thể thao...
Muốn thuyết phục khách hàng tìm đến mình, hãy kể cho họ nghe câu chuyện giảm cân của chính bạn và cũng đừng ngần ngại chia sẻ những bức ảnh trước và sau khi giảm cân trên website riêng hay Facebook. 
Để tìm kiếm khách hàng, bạn có thể bắt đầu với những mối quan hệ quen biết tại phòng tập trước đây, thông báo với bạn bè, đồng nghiệp, những người hoặc không có thời gian đến phòng tập hoặc ngại đến những phòng tập đông người. Bạn cũng nên đề nghị được trở thành huấn luyện viên tại trung tâm để có thời gian học những kinh nghiệm cần thiết. 
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, bạn vẫn có thể trở thành huấn luyện viên thể hình như trường hợp của John Leber. Sau vài tháng tham dự một vài khóa học và hội thảo, ông đã thi lấy chứng chỉ tại Học viện Y học Thể thao quốc gia (NASM). Khách hàng của Leber thường ở độ tuổi trên 50 và muốn phục hồi sau chấn thương.
4. Chuyên gia quản lý công việc
Không ít người trong số chúng ta cảm thấy đau đầu và áp lực khi sắp xếp công việc cá nhân. Nắm bắt xu thế này, một ý tưởng kinh doanh mới đã ra đời, đó là giúp những người quá bận rộn với công việc sắp xếp việc nhà cửa, cơ quan và những vấn đề khác trong cuộc sống đi vào quy củ. Đây là một công việc phù hợp cho những ai có tính cẩn thận, gọn gàng và khả năng tổ chức. Bạn có thể ra giá theo giờ, nửa ngày hay cả ngày cho dịch vụ này. 
        
Một lời khuyên bổ ích dành cho những người mới bước chân vào nghề là chỉ nên chuyên về một lĩnh vực như dọn dẹp gara ô tô, lên kế hoạch cho giám đốc hay giúp những người phụ nữ thành đạt hoàn thành việc nhà. 
Câu chuyện sau đây của Debbie Lillard, một chuyên gia trong nghề, đồng thời cũng là chủ trangAbsolute Organized có thể là một gợi ý hay cho những người muốn thử sức với công việc này. Sau nhiều năm chỉ ngồi không ở nhà, Lillard đã bắt tay vào nghề chuyên về quản lý công việc bán thời gian. Cô đã liên lạc với bạn bè, những người thường đau đầu với công việc nhà cửa, công sở bộn bề, sau đó, cho in thiệp và tờ rơi phát tại những cửa hàng rau củ. Lillard đã viết một bức thư giải thích những ai cần đến dịch vụ này cùng những tiện ích của nó rồi gửi đến những người quen biết. Chính việc làm này đã mang về cho cô khách hàng đầu tiên, và từ đó tiếng lành đồn xa, không ít người đã tìm đến với dịch vụ của Lillard. 
Chỉ sau vài tháng, cô đã mở một website, cho ấn bản hai cuốn sách tư vấn về cách thức quản lý công việc. Còn bạn thì sao, nếu cảm thấy có khả năng và yêu thích công việc này thì đừng ngần ngại thử sức, biết đâu vận may sẽ gõ cửa.
5. Trợ lý marketing truyền thông
Với sự phát triển vũ bão của ngành truyền thông thế giới, không ít ông chủ cảm thấy khó lòng mà bắt kịp được với những xu hướng mới. Nếu sở hữu kỹ năng viết lách, biên tập cừ khôi và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng và marketing, bạn nên nghĩ đến việc phát triển những khả năng đó thành một nghề kinh doanh hái ra tiền, đó là trợ lý marketing truyền thông. 
    
Công việc của bạn sẽ là giúp khách hàng phát triển chiến lược truyền thông, lập blog, Facebook Fan Pages, tài khoản Twitter, LinkedIn hay Google+. Câu chuyện của Cathy Larkin, chủ công ty quan hệ công chúng Web Savvy có thể cho bạn một vài ý tưởng hay trước khi khởi nghiệp với công việc mới mẻ này. 
Cách mà Cathy làm là cung cấp những dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Điều đầu tiên Cathy làm đó là học thành thạo những kỹ năng cơ bản, sau đó chọn lấy một lĩnh vực chuyên sâu đối với những khách hàng mà cô nhắm tới. 
Khi mới bắt tay vào công việc này, bạn phải luôn sẵn sàng làm việc không công để chứng tỏ rằng bạn nắm rõ những gì đang làm, dần dần bạn sẽ có những lời mời làm việc đầu tiên. 
Chìa khóa dẫn tới thành công đối với công việc trợ lý marketing truyền thông là luôn cập nhật những thông tin mới nhất trong lĩnh vực vốn biến động không ngừng này.
6. Chế tác đồ trang sức
Đối với những người thích tỉ mẩn làm những đồ handmade, họ hoàn toàn có thể phát triển sở thích này thành một công việc kinh doanh tại gia. 
    
Điều trước tiên bạn cần làm là tạo nên nét đặc biệt riêng có đối với các sản phẩm của mình, dù cho là vòng cổ, trang sức bạc hay thép không rỉ. Bạn cũng cần đặt tên cho thương hiệu của mình, chế tác các món hàng mẫu, chuẩn bị những bức ảnh về sản phẩm để bắt đầu công việc quảng bá thương hiệu. Patricia Miller, bà chủ của thương hiệu trang sức Velvet Box in Flint đã bắt đầu yêu thích với công việc này khi giúp một người bạn đặt hàng trang sức. 
Miller đã bắt đầu công việc kinh doanh của cô với một số sản phẩm vòng tay, sau đó lập trang web bán hàng trực tuyến Etsy.com. 98% các sản phẩm của Miller được các khách hàng quen đặt hàng và giới thiệu cho bạn bè, người thân đến mua. Thông thường, những người kinh doanh các sản phẩm trang sức thường mở các gian hàng bán lẻ tại các hội chợ để quảng bá sản phẩm. 
Đây cũng là một gợi ý hay để bạn thử liên kết với các phòng trưng bày nghệ thuật địa phương hay các cửa hàng thời trang. Và không ai khác, chính bạn cũng có thể góp phần quảng bá sản phẩm bằng sách đeo các loại trang sức do mình chế tác đến các sự kiện lớn hay bất cứ nơi đâu.
7. Chuyên viên tư vấn hình ảnh cá nhân/thương hiệu
Bạn có thuộc tuýp người khiến không ít người phải dừng lại, ngoái nhìn và thốt lên “Woa, bạn trông tuyệt quá! Bạn có phiền đi mua sắm với tôi không?” Nếu câu trả lời là có thì bạn không chỉ là một người nhanh nhạy với những xu hướng mới nhất mà còn sở hữu những kỹ năng để trở thành một chuyên viên tư vấn hình anh cá nhân hay thương hiệu. 

Tracey Reed, chủ hãng tư vấn hình ảnh Tracey Evelyn Beatiful You có trụ sở đặt tại Philadelphia chia sẻ “Cả nam giới và nữ giới đều cần phải trau chuốt hình ảnh bản thân, và tôi là người giúp sáng tạo và làm mới hình ảnh của họ, từ những bài học trang điểm đến mua sắm.” 
Nếu bạn muốn kiếm tiền bằng nghề này, bạn phải am tường các kiến thức về màu sắc, các phối màu, các chất liệu vải và các mốt trang phục. Những khách hàng tiềm năng của bạn chính là những người phụ nữ thành đạt, người quá bận rộn để mua sắm, những cô dâu cần trang điểm trước ngày trọng đại và cả những quý ông muốn hình ảnh của mình tại công sở trở nên ấn tượng hơn. 
Bạn nên lập một trang blog để chia sẻ những mẹo nhỏ về phong cách, thử Facebook và các mạng xã hội khác để tìm kiếm khách hàng. Nếu có website, bạn cũng có thể giới thiệu những gói dịch vụ đặc biệt, chia sẻ kinh nghiệm và những trải nghiệm của khách hàng trước và sau khi đến với công ty của bạn.
Những gợi ý trên đây đều vô cùng hữu ích để bạn tham khảo và chọn lựa. Tuy nhiên, một điều nên ghi nhớ là bạn vẫn cần kế hoạch marketing và kế hoạch kinh doanh để theo sát công việc, quản lý vốn và các chi phí khác.

Theo TTVN/Entrepreneur

Không có nhận xét nào:

Flag Counter