Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011


Hãy cùng điểm lại 5 CEO gốc Việt đều được truyền thông thế giới “săm soi” bằng những ngôn từ “đẹp” nhất.

Giám đốc sách lược Thong Nguyen của Bank of America

            Kiến thức kinh doanh - 5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011
Thong Nguyen, người Mỹ gốc Việt, được đề cử làm Giám đốc sách lược của Bank of America, vào tháng 11/2011. Tờ Wall Street Journal đưa tin: Khi ông Brian Moynihan, Tổng giám đốc điều hành của Bank of America, ra trước hội đồng quản trị trong tuần qua để thảo luận về kế hoạch năm 2012 của ngân hàng, đã xuất hiện cùng với một chiến lược gia mới tinh là Thong Nguyen, khiến cho các giới chức nhà băng hết sức ngạc nhiên.
Ông Thong Nguyen (giữa), Giám đốc sách lược của Bank of America. Ảnh: Wall Street Journal.
Ông Thong Nguyen được đề nghị vào chức vụ nói trên sau khi người tiền nhiệm là Mike Lyons đột ngột từ chức vào tháng trước. Trong vai trò mới, ông sẽ trực tiếp làm việc với Tổng giám đốc điều hành của Bank of America.
Vị “sếp” gốc Việt này đã “kinh qua” các chức vụ phụ trách thương vụ, quảng cáo và phát triển kinh doanh của công ty General Electric, McKinsey & Co., IBM và U.S. Trust, trước khi gia nhập Bank of America vào năm 2004. Ông cũng từng làm việc chung với “sếp tổng” Brian Moynihan trong ban quản trị tài sản, trước khi ông này lên làm CEO của Bank of America.

Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ

                   Kiến thức kinh doanh - 5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011
Jack Truong, một người gốc Việt, đã được tập đoàn Electrolux AB của Thụy Điển bổ nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ và Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Electrolux, từ ngày 1/8/2011.
Chủ tịch Jack Truong của Electrolux Major Appliances Bắc Mỹ. Ảnh: Dow Jones
Ông Truong sẽ báo cáo trực tiếp cho Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Electrolux, Keith McLoughlin và là thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn. Trước đó, ông Truong giữ vị trí Phó chủ tịch và Tổng giám đốc công ty Phát triển nhà đất và xây dựng toàn cầu thuộc tập đoàn 3M.
Sinh năm 1962, ông Truong có bằng tiến sĩ ngành kỹ sư hóa học của Học viện Rensselaer Polytechnic ở Troy, New York.
Phát biểu trong thông báo bổ nhiệm, ông Keith McLoughlin, Chủ tịch Electrolux, cho biết: “Chúng tôi rất vui được chào mừng ông Jack Truong đến Electrolux. Tại 3M, ông đã cho thấy khả năng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách áp dụng các công nghệ và cách tiếp thị mới nhằm đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng. Kinh nghiệm của ông sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn của chúng tôi với việc tập trung vào các nhãn hàng mạnh, sản phẩm mới có tác động cao và tiết giảm chi phí, tất cả là những thành tố quan trọng trong chiến lược của Electrolux”.

Phó Chủ tịch điều hành kinh doanh toàn cầu Dzung T. Bui của Tập đoàn IBM

                Kiến thức kinh doanh - 5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011
Cho đến nay, ông Dzung T. Bùi (Bui Tien Dung) được xem là một trong những người thành công nhất trong tập đoàn tin học IBM.
Phó Chủ tịch điều hành kinh doanh toàn cầu Dzung T. Bui của Tập đoàn IBM.
Bui Tien Dung sinh ra tại làng Trình Phố, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Khi lớn lên, ông theo cha mẹ vào sống ở TP HCM. Năm 17 tuổi, Bùi Tiến Dũng sang Mỹ du học với vẻn vẹn 150 USD trong túi và không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện tử tại Đại học Minnesota, tiểu bang Minnesota (Mỹ), Dzung T. Bùi nộp đơn xin làm việc tại Tập đoàn IBM và được nhận làm ở phòng thí nghiệm Rochester. Tại đây, ông nhận thấy sở thích và năng lực bản thân phù hợp với lĩnh vực bán hàng, nên xin chuyển qua làm martketing và tiêu thụ sản phẩm (sales). Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh doanh sản phẩm của Tập đoàn IBM, từ Phó chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latin, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp công nghệ thông tin. Hiện, ông là Phó Chủ tịch phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của tập đoàn này.

Chủ tịch Mitchell Pham của Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen

              Kiến thức kinh doanh - 5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011
Ủy ban tuyển chọn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, do Nữ hoàng Jordan Rania Al Abdullah làm Chủ tịch, đã lựa chọn doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ phần mềm Augen (New Zealand ), là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, vào ngày 9/3/2011.
Chủ tịch Mitchell Pham của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen.
“Được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là một điều thật khó tin vì tổ chức này bao gồm những người kiệt xuất trên toàn cầu. Đây là cơ hội có một không hai, mà tôi sẽ nắm bắt bằng cả hai tay”, doanh nhân Mitchell Pham phát biểu.
Mitchell Pham sinh ra tại Việt Nam, trong một gia đình cả bố mẹ và mấy anh chị em đều là kỹ sư. Năm 12 tuổi, anh theo gia đình sang định cư ở New Zealand, với cái tên Việt là Pham Đang Khoa. Khi đặt tên mới là Mitchell Phạm, ba mẹ anh đã gửi theo mong muốn con của mình sau này sẽ thành đạt về học vấn cũng như trong cuộc đời. Mitchell nghĩ mình đã thực hiện được phần nào tâm nguyện của đấng sinh thành. Khi được hỏi về bí quyết thành công trong sự nghiệp ở xứ người, Mitchell Pham chia sẻ: “Tính kiên cường chính là bí quyết thành công của tôi”. Và để minh chứng điều này, Mitchell đã nỗ lực học tập tại trường phổ thông và sau đó là trường đại học, làm thêm buổi tối và cuối tuần để kiếm tiền trả học phí. Năm 1993, với vốn đầu tư ban đầu 4.000 NZD (1 NZD tương đương14.500 đồng), Mitchell cùng 4 người bạn thành lập công ty phát triển phần mềm máy tính Augen, với quyết tâm phải làm bằng được một sản phẩm công nghệ thông tin.
Năm 2000, các thành viên bắt đầu tách ra hoạt động độc lập. Mitchell ở lại duy trì mọi hoạt động và tiếp tục phát triển Augen, với doanh thu mỗi năm khoảng 10 triệu USD; đồng thời, mở thêm 11 công ty con tại New Zealand, chuyên kinh doanh phần mềm và làm dịch vụ công nghệ thông tin trong lĩnh vực thể thao, phần mềm giao dịch tài chính cho ngân hàng. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015, theo doanh nhân gốc Việt này, tại New Zealand và trên thế giới, Tập đoàn Augen sẽ chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ” để thâm nhập thị trường, nghĩa là tập trung khai thác và làm tốt dịch vụ công nghệ thông tin cho các công ty phần mềm lớn có thị trường tại nhiều nước. Thông qua họ, Augen có thể rút ngắn con đường mở rộng thị trường. Riêng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập đoàn sẽ chỉ làm phần mềm ở 2 mảng bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và đầu tư làm dịch vụ phục vụ ngành năng lượng xanh – sạch.

Giám đốc điều hành Jimmy Pham của tổ chức phi lợi nhuận KOTO

                Kiến thức kinh doanh - 5 CEO gốc Việt được thế giới ngưỡng mộ trong năm 2011
Cùng với doanh nhân kiều bào Mitchell Pham, thì Jimmy Pham, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận mang tên KOTO, cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Jimmy Pham (giữa hàng sau cùng) được vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.
Khi nhận được giải thưởng này, Jimmy Phạm, cho biết, anh cảm thấy vô cùng vinh dự trước giải thưởng mà World Economic Forum dành cho và coi đây là niềm khích lệ với những công việc mình đang làm.
Jimmy Pham sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Sydney, Australia. Với tấm lòng nhân hậu và khả năng lãnh đạo tuyệt vời của mình, Jimmy đã giúp hàng trăm trẻ em lang thang trở thành những đầu bếp giỏi, những nhân viên nhà hàng chuyên nghiệp tại nhiều khách sạn và nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam thông qua việc thành lập tổ chức KOTO, một tổ chức đào tạo nghề nhà hàng phi lợi nhuận.
Gửi lời chúc mừng tới Jimmy, đại sứ Astralia tại Việt Nam nói: “Những việc anh đã làm được không chỉ là niềm tự hào của bất cứ một người Việt cũng như người Australia nào, mà còn là một điển hình khuyến khích mọi người dân và tổ chức có điều kiện quan tâm hơn đến việc giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi trong xã hội”.
Theo doanhnhan.net

Không có nhận xét nào:

Flag Counter