Tạo dựng và làm chủ một doanh nghiệp là khao khát, là ước mơ của
không ít bạn trẻ ngày nay. Khởi đầu của ước mơ đó có thể là một cửa
hàng thời trang, một tiệm cà phê, một shop hoa tươi… Một số trụ được
một thời gian, phần lớn gặp phải trục trặc dưới nhiều hình thức khác
nhau và thất bại, và hầu như quá ít cuộc khởi nghiệp “đầu tay” thành
công trở thành doanh nghiệp lớn. Vì sao?
Nếu muốn đá bóng, thì bạn chỉ cần mua một quả bóng về đá để được gọi là
chơi bóng. Nhưng nếu muốn chơi trên sân cỏ chuyên nghiệp, thì đó lại
là chuyện khác. Khởi nghiệp cũng thế, nó cần ở bạn nhiều hơn một ước
mơ…
Nếu bạn mở một shop hoa tươi và nghĩ rằng mình đã là chủ doanh nghiệp
rồi, thì bạn sẽ khó lòng xây một doanh nghiệp có khả năng vươn tầm thế
giới.
Đôi khi một số bài viết trên báo chí lại đưa bạn “bay quá cao” dẫn đến những lầm tưởng về bản thân.
Nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều công cuộc khởi nghiệp thất bại do bạn
trẻ không hiểu thực sự làm chủ doanh nghiệp là làm gì. Việc khởi nghiệp
đòi hỏi khả năng “nhìn xa trông rộng”, đặc biệt là năng lực làm chủ
bản thân, hạ thấp cái “tôi” xuống mức thấp nhất có thể để doanh nghiệp
của bạn có thể to lớn hơn bạn, sống thọ hơn tuổi thọ của bạn và giúp
bạn lưu danh.
Nguyên nhân thứ hai khiến việc khởi nghiệp thất bại vì bạn không xác
định được con người của chính mình. Người thành công là người làm tốt
nhất một công việc nào đó, chứ không hẳn chỉ có làm chủ doanh nghiệp
mới là lựa chọn duy nhất. Để làm chủ doanh nghiệp, bản thân mình phải
hội đủ những phẩm chất quan trọng như dám chấp nhận rủi ro, kiên trì,
sẵn sàng “quên mình, quên cả sĩ diện” vào những thời khắc khó khăn của
doanh nghiệp, mong muốn cống hiến trước khi hưởng thụ…
Những năm gần đây, ước mơ làm chủ doanh nghiệp đã trở thành một trào
lưu trong giới trẻ, là câu “cửa miệng” của không ít sinh viên. Khi chạy
theo số đông, bạn dễ lầm tưởng rằng khao khát làm chủ, khao khát tạo
dựng doanh nghiệp xuất phát từ trái tim mình nhưng thực ra bạn đang
chạy theo tiếng gọi… của người khác. Hãy tìm hiểu về bản thân mình, đam
mê và khao khát của chính mình, tính cách và sở thích của mình, rồi
hãy xem chủ doanh nghiệp có phải là con đường dành cho mình hay không.
Có khi mong muốn khởi nghiệp của bạn xuất phát từ việc yêu thích hình
ảnh doanh nhân đang được ca ngợi quá nhiều trên các phương tiện truyền
thông. Đó là nguyên nhân thứ ba khiến bạn thất bại khi khởi nghiệp.
Chẳng ông chủ nào mặc áo thun, quần ngắn khi chụp hình lên báo! Bạn thấy
họ đi những chiếc xe đắt tiền, mặc những bộ đồ sang trọng, lịch lãm,
luôn có vệ sỹ, có mặt ở những nơi sang trọng, gặp gỡ những nhân vật tên
tuổi, khiến bạn quên rằng họ cũng chỉ là những con người bình thường,
và nguyên tắc nói chung khi xuất hiện trước công chúng là “tốt khoe,
xấu che”.
Donald Trump, tỉ phú Mỹ, đã từng có những năm tháng vô cùng gian nan
khi phải đối mặt với số tiền nợ hàng triệu đôla, đội mưa trong đêm đi
thương lượng khất nợ với các chủ ngân hàng. Người ta tính trung bình
một chủ doanh nghiệp thành công phải mất từ 4 đến 7 năm làm việc cật
lực, kiên trì, nhẫn nại.
Vì thế, tôi khuyên các bạn trẻ ngày nay muốn khởi nghiệp thành công
trước hết phải có cái đầu như một ông chủ doanh nghiệp, cách suy nghĩ
như một doanh nhân thành công. Bạn không ngừng học: học từ thực tế công
việc kinh doanh của gia đình, học từ nhà trường, từ các chương trình
hội thảo về thành công và làm giàu, học từ sách vở, học từ tiểu sử -
hồi ký của những người giàu có và thành công.
Làm chủ một doanh nghiệp không đơn thuần là thực hiện ước mơ, hoài bão
của bản thân mình, và cũng không đơn giản “giỏi chuyên môn” là đủ. Mơ
ước và ý tưởng của bạn còn phải là nhu cầu của thị trường, và lượng
khách hàng của bạn phải đủ nhiều để nuôi sống doanh nghiệp. Bạn còn
phải giỏi bán hàng, tiếp thị, tổ chức nhân sự và quản lý tài chính. Nói
chung, đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy chuyên môn của mình sẽ bị “lụt
nghề”, thay vào đó là vô số mối bận tâm khác để tìm cách duy trì và
phát triển doanh nghệp của mình. Bạn không thể ôm đồm nhiều thứ bởi bạn
không thể làm tốt mọi việc cùng lúc.
Khi tham gia khởi nghiệp những lần đầu, bạn có thể thành công hoặc thất
bại. Nhưng quan trọng là bạn học được gì cho những thành công về sau
trong đời. Hãy nhớ rằng bạn tạo lập doanh nghiệp không chỉ để làm giàu,
chứng tỏ bản thân, mà còn vì muốn đóng góp cho cuộc sống, phát triển
bản thân và đi tìm niềm vui ở đời. Đừng biến mình thành người làm công
trong chính công ty của mình, hoặc người đau khổ vì trở thành nô lệ của
tham vọng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét