Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Giới trẻ kinh doanh


Ít ai nghĩ rằng những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường lại có mức thu nhập mỗi tháng 30-40 triệu đồng. Họ đã và đang tạo ra sự khác biệt về ý tưởng, đột phá trong kinh doanh.
Có chút tiền để dành, thay vì gửi ngân hàng hay đi học, Bảo chọn cách làm để học, học từ thực tế để có thêm nhiều kinh nghiệm”, Trần Lê Minh Bảo kể lại khởi đầu kinh doanh từ khi còn là sinh viên năm thứ tư khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương TP.HCM.

Những cơ hội tình cờ

Trong một chuyến du lịch Singapore đầu năm 2011, Bảo nhìn thấy những con thú nhồi bông Angry Birds (Đàn chim nổi giận) trưng bày tại các cửa hàng. Vào thời điểm đó, trò chơi Angry Birds trên điện thoại đang rất thịnh hành. Bảo đã nghĩ ngay đến việc nhập hàng này về phân phối tại Việt Nam, nơi chưa có cửa hàng nào bày bán. Khi trở về, Bảo kêu gọi 2 người bạn học chung lớp góp vốn kinh doanh. Ban đầu, mỗi người góp 30 triệu đồng, sau đó cùng nhau mày mò, tìm cách nhập hàng về. Trong đợt hàng đầu tiên, 3 bạn trẻ đã đưa được gần 1.500 con thú nhồi bông Angry Birds về Việt Nam. Để phân phối sản phẩm, kênh tiếp thị đầu tiên là mạng internet, các diễn đàn. Đây là nơi tập trung rất nhiều các bạn trẻ, là khách hàng mục tiêu đầu tiên 3 bạn trẻ nhắm đến. Sau một thời gian bán lẻ trên mạng, với giá bán trung bình 130.000 đồng/con, sản phẩm đã được rất nhiều người biết đến. Bảo đã mở đại lý phân phối sản phẩm tại TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội...

Cũng giống như Bảo, cơ hội kinh doanh đến với Nguyễn Lan Uyên, sinh viên năm thứ ba khoa Thiết kế trường Đại học Tôn Đức Thắng một cách tình cờ khi đang lang thang trên mạng. Đó là vào đầu năm 2006, khi trên thị trường bắt đầu rộ lên hình thức bán hàng thời trang qua mạng. Thấy trên các trang mạng hàng đẹp, Uyên sao chép hình ảnh và đăng lên blog của mình, rao cho vui. Tuy nhiên, có người lại liên hệ với Uyên để mua. Không phải chỉ một mà là rất nhiều người. Lúc này Uyên nảy ra ý định lấy hàng của những người mà Uyên sao chép trên mạng sau đó về bán với giá cao hơn khoảng 30.000-40.000 đồng/món. Cứ thế, Uyên mua hàng của những người bán và bán lại với giá cao hơn một chút trong vòng nửa năm.

Sau khi nhận thấy lượng khách hỏi mua ngày càng nhiều, Uyên bắt tay vào tìm kiếm nguồn hàng. “Chỉ như vậy thì mới có mặt hàng phong phú, đa dạng, tiết kiệm được chi phí”, Uyên cho biết. Để tạo ra một thương hiệu và tìm kiếm khách hàng, Uyên lập trang web Sarushop.tk phục vụ cho công việc kinh doanh của mình.

Quyết tâm hạ chi phí xuống mức tối thiểu, Uyên tìm nguồn hàng tận gốc mà không thông qua trung gian. Khi đó, chi phí mua hàng đã giảm được 30-50%. Về sản phẩm, có 2 sự lựa chọn cho shop vào lúc này. Một là lấy hàng sản xuất bên Trung Quốc, hàng này giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp nhưng nguồn hàng ít, đa số các shop online đều bán mặt hàng này. Hai là đặt hàng từ các trang web Taobao.com, hay Paipai.com. Đây là hai trang web rao vặt khổng lồ của Quảng Châu, tập trung hàng trăm ngàn shop, bán hàng tỉ mặt hàng và đây là một cách rất khó. Tuy nhiên, do nắm bắt được chỉ có chọn cách khó mới có nguồn hàng độc đáo để thu hút khách, Uyên đã kiên trì tìm hàng. Sau một thời gian cố gắng Uyên đã thành công, đem hàng với mẫu mã độc đáo về với số lượng lớn.

Không chỉ những khách hàng ở TP.HCM, các tỉnh lân cận và những nơi xa hơn như Hà Nội, Đà Nẵng cũng đặt hàng. Uyên phải sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh và nhận tiền của khách hàng bằng tài khoản để thực hiện giao dịch.

Kinh doanh nghệ thuật cũng là một mảnh đất tiềm năng cho những người trẻ tuổi có năng khiếu. Xuất phát từ niềm đam mê những hình xăm nghệ thuật, đang là sinh viên năm thứ tư của Đại học Kiến trúc TP.HCM nhưng Ôn Hải Đăng đã là một trong những nghệ nhân xăm có tiếng tại TP.HCM.

Đầu năm 2007, để tìm được một nơi cung cấp dụng cụ xăm chuyên nghiệp rất khó. Bằng cách đi khắp các tiệm xăm trong thành phố, tìm tòi trên mạng Đăng mới tìm ra được một nơi phân phối dụng cụ xăm. Đăng nhận dụng cụ xăm về bán. Một bộ máy xăm có giá 1,4 triệu đồng với mức sinh lời khoảng 40%. Ban đầu, với số vốn nhỏ, Đăng chỉ mua được 1-2 bộ máy về bán. Nhưng với lợi nhuận cao nên trong một thời gian ngắn phân phối hàng cho các tiệm xăm trong thành phố, Đăng đã có một số vốn đủ lớn để có thể tự mở một phòng xăm chuyên nghiệp tại nhà.

Tiếp đó, Đăng tìm kiếm khách hàng của mình bằng cách đưa thông tin lên mạng internet. Anh lập ra câu lạc bộ Saigon Tattoo Club trên mạng xã hội Facebook. Câu lạc bộ có khoảng 5.000 thành viên với các hoạt động giao lưu, giới thiệu hình xăm đồng thời tổ chức biểu diễn xăm nghệ thuật thường xuyên nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên, giúp cho lượng khách hàng ngày càng đông.

Sức trẻ át khó khăn

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện lúc nào cũng dễ dàng. Trường hợp của Bảo, lúc đầu khi giao nhận hàng thì mọi chuyện dường như rất suôn sẻ, nhưng sau một thời gian, bên cung đòi tăng giá, nhưng đầu ra thì không thể nào nâng giá lên được. Đành phải chấp nhận tăng chi phí và cắt giảm một phần lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi thuê các công ty quảng cáo, do không hiểu rõ về các điều khoản của hợp đồng nên các công ty này làm hoàn toàn trái với những gì Bảo yêu cầu. Trước những khó khăn như vậy, Bảo phải tự trấn an mình bằng cách không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Bảo xác định rằng anh có thể chấp nhận mất hết khoản tiền bỏ ra kinh doanh để học những bài học thực tế.

Giờ đây, có thể nói thành công đã đến với Bảo khi công việc kinh doanh khá ổn định, doanh thu mỗi tháng trên 100 triệu đồng và mức sinh lời 30-40%. Bảo đang có ý định mở rộng quy mô hơn nữa với những sản phẩm chưa có tại Việt Nam.

Trường hợp của Uyên, tâm lý sợ lừa đảo khi mua hàng qua mạng khiến người tiêu dùng cũng phải đắn đo suy nghĩ nên Uyên phải vất vả chứng minh tính trung thực của mình để khách yên tâm đặt hàng. Đó là chưa kể đến không ít rủi ro đến từ những khách hàng không trung thực.

Chấp nhận những điều đó, Uyên vẫn quyết tâm và còn muốn phát triển hơn nữa. Uyên dự định sẽ tiếp tục phát triển rộng thêm mô hình kinh doanh của mình trên mạng. “Kinh doanh online có một lợi thế rất lớn. Bán lúc nào cũng được, không cần phải luôn trực trên mạng hay ngồi tại cửa hàng như các cửa tiệm thời trang. Khách hàng muốn mua chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng. Do đó Uyên sẽ có quỹ thời gian rất lớn để làm việc khác”, Uyên chia sẻ. Hiện tại, doanh thu của Uyên hằng tháng có thể lên đến trên 150 triệu đồng với mức sinh lời khoảng 20%.

Những khó khăn với Đăng cũng không ít, khi việc xăm mình còn gặp nhiều định kiến và rủi ro khi thực hiện trên thân thể khách hàng không phải không có. Dù vậy, bằng năng khiếu của mình, Đăng đang đạt doanh thu hằng tháng khoảng 40 triệu đồng, chi phí khoảng 3 triệu đồng (bao gồm tiền kim, mực xăm). Mức sinh lời của hoạt động kinh doanh nghệ thuật này lên đến trên 90%. Mức giá Đăng đưa ra cho một hình xăm chỉ bằng khoảng 60% so với giá mà các tiệm xăm lớn định ra.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Flag Counter