Vừa
tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Lê Thị Thanh Hoa chọn lập nghiệp
bằng những lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu, giúp người khiếm thính hòa nhập
người cộng đồng.
Chị Lê Thị Thanh Hoa (trái) cùng một bạn học viên tại lớp học ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Xuân Ngọc |
Ngay từ khi còn là sinh viên, Lê Thị Thanh Hoa đã
thích tham gia công tác tình nguyện. Đối tượng cô đặc biệt hướng đến là
cộng đồng người khiếm thính. Gặp rào cản lớn trong việc giao tiếp với họ
nên Hoa quyết định tham gia Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, nhưng
chỉ được một buổi thì lớp đóng cửa.
Hoa tự tìm đến cộng đồng người khiếm thính trong xã
hội để học, và chỉ trong 3 ngày, cô giao tiếp được với họ. Hai tháng
sau, Hoa trở thành phiên dịch viên cho các tổ chức và hội khuyết tật.
Trong thời gian đó, cô bạn trẻ nhận thấy ở Việt Nam
mới chỉ có 4 người làm công việc như vậy, lớp học bộ môn này lại không
có, trong khi nhu cầu giao tiếp giữa người khiếm thính và cộng đồng lại
quá lớn. Từ năm 2009, cô xin mở lại Câu lạc Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội và
lên ý tưởng xây dựng một trung tâm đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ ký
hiệu chuyên nghiệp.
Hoa kể, lúc đầu gia đình cô không đồng ý cho cô theo
con đường này. "Nếu bạn có một cô con gái, học hành đàng hoàng, sau khi
ra trường lại chọn một công việc mà tương lai không rõ ràng thì bạn nghĩ
sao? Nhưng về bản chất, mình là người dám nghĩ dám làm và không bị ảnh
hưởng nhiều bởi dư luận nên mình vẫn kiên quyết theo mục tiêu đã chọn",
Hoa chia sẻ. Tốt nghiệp một trường đại học kinh tế nên Hoa còn nhìn thấy
ở lĩnh vực này một tiềm năng rộng lớn. Theo cô, một hướng đi mới thì
con đường càng rộng mở và sự cạnh tranh ít thì khả năng thành công càng
lớn.
Lê Thị Thanh Hoa, sinh năm 1988, lớn lên tại Hà Nội,
tốt nghiệp khoa Kế toán, trường Đại học kinh tế quốc dân, đang là Phó
chủ tịch Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội. Cô vừa đoạt danh hiệu
"Doanh nhân xã hội 2011" với dự án "Thành lập trung tâm đào tạo và
nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu".
Chị Lê Thị Thanh Hoa trò chuyện với một bạn học viên bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Xuân Ngọc |
Đến nay, Lê Thị Thanh Hoa đã thành lập 5 lớp dạy ngôn
ngữ ký hiệu ở Hà Nội tại Lý Thường Kiệt, Tô Hiệu, Khuất Duy Tiến, Đại
học Sư Phạm và Linh Đàm. Mỗi lớp học khoảng 20 người, 80% trong số đó là
người bình thường, muốn đi học để hiểu và hòa nhập với người khiếm
thính. Toàn bộ người khuyết tật đều được đào tạo miễn phí. Còn lại, học
phí cho một người bình thường là 150.000 đồng mỗi tháng.
Hoa chia sẻ, bằng việc mở những trung tâm này, ngoài
việc giúp cộng đồng người khiếm thính giao tiếp, hòa nhập với xã hội,
Hoa còn muốn tạo ra công ăn việc làm cho chính họ. Cô cho biết, giáo
viên đều là người khuyết tật về tai và họ được hỗ trợ 175.000 đồng mỗi
buổi dạy.
Sau gần 3 năm hoạt động, khoảng hơn 1.000 học viên đã
tốt nghiệp. Điều khiến cô mừng nhất là nhiều người từ không biết đến
ngôn ngữ này, đến nay đã giao tiếp được với người khiếm thính. Và đặc
biệt đội ngũ tình nguyện viên đến với hội khuyết tật ngày càng đông vì
họ không còn bị rào cản về ngôn ngữ.
Nhờ những đóng góp với người khiếm thính, Hoa được
Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng trao tặng danh hiệu "Doanh
nhân xã hội 2011". Bên cạnh đó, cô còn được nhận khoản vốn hỗ trợ 7.000
đôla để triển khai dự án mới. Hoa chia sẻ, cô dự định dùng một phần kinh
phí xây dựng trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu, phần còn lại cùng với
khoản tiền cô tiết kiệm được để đi tham quan một số mô hình trung tâm
đào tạo ngôn ngữ ở trong và ngoài nước vì tại Hà Nội hiện chưa có.
Nhận xét về dự án của Lê Thị Thanh Hoa, chị Phạm Kiều
Oanh, Giám đốc trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng cho rằng đây
là một ý tưởng mới mẻ và cần thiết. Theo chị Oanh, hiện nay người khiếm
thính rất khó hòa nhập với cộng đồng. Bản thân gia đình và xã hội cũng
có nhu cầu giao tiếp với họ. "Kinh doanh bằng việc mở trung tâm đào tạo
ngôn ngữ ký hiệu là một thị trường tiềm năng, rộng mở, giúp đưa người
khiếm thính gần hơn với cộng đồng nên rất hữu ích, thiết thực", chị Oanh
cho biết.
Ngôn ngữ ký hiệu là một hệ thống ngôn ngữ chuyên biệt bao gồm những từ được mã hóa bằng tay, sự biểu cảm của cơ thể. Tất cả điều đó được thể hiện bằng một loại ngữ pháp riêng. |
Theo VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét