Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia Sẻ Thành Công. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia Sẻ Thành Công. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Phía sau phụ nữ thành đạt có người 'vọng thê'

Suốt 20 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, đi công tác nay đây mai đó, chị vẫn nhận được sự ủng hộ của người bạn đời mà chị âu yếm gọi là "hòn vọng thê".

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà không nói quá nhiều về việc nghiên cứu, mà tâm sự về những ngày thơ bé - quãng thời gian hình thành nên tính cách "cái gì cũng phải làm đến cùng"; và những lời biết ơn chân thành dành cho người đàn ông của mình.
Theo chị, đấy là hai cơ sở quan trọng làm nên những gì chị có được hôm nay. Thu Hà hiện là Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu. Chị là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thu Hà vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia dành tặng nhà khoa học nữ xuất sắc cuối tuần qua.
Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: H.T.
"Thu Hà có trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu", bà Hoàng Thị Ái Nhiên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét. "Ngọn lửa ấy lan tỏa đến nhiều học trò và đồng nghiệp của chị".
Sinh ra ở Thái Bình, từ nhỏ chị đã mơ ước lớn lên trở thành kỹ sư, được làm việc trong phòng thí nghiệm – công việc mà theo nhiều người phù hợp với nam giới hơn. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị về làm việc tại Viện Hóa học công nghiệp và đã chủ trì nhiều đề tài khoa học Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn thuộc các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học và vật liệu thân thiện với môi trường.
Là em út trong gia đình có hai chị em gái, ngay từ nhỏ, chị đã luôn chứng tỏ “bản thân là chỗ dựa của gia đình”. Hồi đó, bố đi bộ đội, trong nhà có ba mẹ con, chị thường tự làm những công việc của đàn ông như lắp đặt đường dây điện trong nhà, sửa xe, sửa ắc qui.
Khi mới 9 tuổi, chị đã phải sống xa nhà, trọ học ở một miền nông thôn – nơi có trường chuyên toán của huyện, nơi nước sinh hoạt đều là nước múc dưới ao lên.
“Khó mà quên những năm tháng đó, tôi và các bạn trong lớp bị ghẻ lở, đến nỗi đồng nghiệp của mẹ tôi thường đùa là tôi đi học ở trường “chuyên gãi” chứ không phải trường "chuyên toán", chị Hà nhớ lại.
Ám ảnh suốt 8 năm học chuyên toán xa nhà là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Đó là thời kỳ chị thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ và những bữa cơm không khi nào no. Những bữa cơm có mẹ thật ít ỏi. Thu Hà kể buồn nhất là chiều chủ nhật, khi phải chia tay mẹ để quay lại trường. Không muốn mẹ quay về, có lần chị ôm bụng giả vờ đau bụng làm cho mẹ, vì lo lắng quá, đã phải ở lại thêm với Hà một đêm. “Khi đó tôi rất vui vì có thêm thời gian được gần mẹ. Đó cũng là lần duy nhất, tôi nói dối mẹ", chị Hà nói.
Khoảng thời gian học xa nhà đã giúp chị rèn luyện được tính tự lập, nhanh chóng vượt qua nỗi chán nản mỗi khi gặp thất bại để tiến lên cùng bài học rút ra sau mỗi mỗi chặng đường.
Thu Hà tự nhận, từ thuở nhỏ, chị “mắc tật” thường tập trung cao độ vào những việc mình làm, những điều đang suy nghĩ, đặc biệt là những việc khó, chưa làm được. Sau này học đại học, “cái tật” ấy vẫn “đeo bám” chị khiến bạn bè thường gọi chị với cái tên thân mật là “Hà thộn”.
"Khi suy nghĩ mặt tôi thộn ra, trông rất đặc trưng", chị chia sẻ. Và cả bây giờ khi làm việc cùng đồng nghiệp tại Viện Hóa học, vẫn có những khoảng “thộn” như thế.
Dành hầu hết thời gian cho việc tìm tòi phát hiện cái mới, chị đã phải gác sở thích thông thường của người phụ nữ như mua sắm, đi du lịch. Ngoài công việc, mối quan tâm của chị chủ yếu là gia đình. Mái tóc của Thu Hà cũng để ngắn gọn, bởi chị "thích những gì đơn giản".
Theo chị, không có sự phân biệt nam nữ trong nghiên cứu khoa học, sự khác biệt chủ yếu ở đây là với phụ nữ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học sẽ bị hạn chế vì phải chia sẻ thời gian chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian sẽ làm tốt ở cả hai cương vị mà không phải đánh đổi cái này cho cái kia.
Chị kể, hồi sinh em bé thứ hai, chị chỉ nghỉ đúng 5 ngày trong bệnh viện rồi lại lao vào công việc "vì guồng máy nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm không thể dừng".
Hồi công tác ở Pháp, có lần con mới chưa đầy một tháng tuổi, chị đã phải cho bé vào trong chiếc giỏ xách đi những nơi mà chị đến để thuyết trình về các đề xuất nghiên cứu khoa học và các kết quả nghiên cứu.
Dù bản thân nỗ lực như thế, nhưng Thu Hà cũng khó có thể thành công nếu thiếu một hậu phương vững chắc, chị thừa nhận. Những khi Thu Hà về muộn, chồng chị tự giác nấu bữa tối rồi chờ chị về cùng ăn. Con trai chị nhiều khi phải chờ mẹ đến đón muộn nhưng cũng không trách móc mẹ bao giờ, "vì cháu cũng phần nào hiểu mẹ", chị nói.
"Nếu không có sự đồng cảm của chồng chắc chắn tôi khó có kết quả như bây giờ”, Thu Hà tâm sự.
Chị tiết lộ, không chỉ trong khoa học mà ngay cả chuyện yêu đương, chị cũng luôn là người hết mình. "Năm thứ hai đại học, tôi bắt đầu yêu, tình yêu đó là ông xã tôi bây giờ. Hồi đó tôi bị gia đình và bạn bè can ngăn đấy, nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn anh".
"Anh ấy là hòn vọng thê thời nay", giọng nhà khoa học nữ như mềm lại, ánh mắt long lanh. "Mùng 8/3 này chắc chắn tôi vẫn phải về muộn vì công việc còn bù đầu. Anh ấy sẽ lại căn giờ, để dành cho mẹ con tôi những món ăn nóng hổi trên bàn”.
Hương Thu

Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, chị còn là Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga nhưng ít ai biết rằng chị xuất thân từ một gia đình nghèo hiếu học.


 
    Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
“Ẵm” hàng chục giải thưởng lớn
 
    Gặp chị Nhàn, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ này, hàng chục năm qua đã có nhiều dự án kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực “khó nhằn” như xuất khẩu lao động, môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ… Chị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải Sao đỏ, Giải Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng thương hiệu xuất sắc quốc gia…
 
    Mỗi lĩnh vực kinh doanh, chị đều có những ý tưởng mới đem lại ý nghĩa lớn cho xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xuất khẩu lao động, chị Nhàn là người đã đưa ra ý tưởng để đề xuất các chương trình hỗ trợ sinh viên, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đưa các chương trình tuyển dụng về tận các địa phương, trường học, hỗ trợ người nghèo về vốn và trang bị các kiến thức cần thiết để họ có thể sang nước ngoài làm việc tốt. Với lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm trước đây khi người Việt Nam chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, chị đã kiên trì cùng với các đối tác nước ngoài đến từng địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nói về các tác hại của việc ô nhiễm môi trường, các bài học kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề môi trường và tư vấn các giải pháp để bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Chị đã đưa các công nghệ tiên tiến của thế giới vào xử lý môi trường tại Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực gai góc này các dự án lớn theo hình thức BT, BOT.
 
    Đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, AIC là doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai các chương trình đồng bộ như: Đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên tại nước ngoài, cung cấp các trang thiết bị tiên tiến để giảng dạy, các phần mềm giảng dạy cũng như đưa các giáo viên nước ngoài vào Việt Nam để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường học tại Việt Nam.
 
    Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”.
 
    “Tôi cho rằng làm công việc gì cũng vậy muốn làm tốt thì đều khó khăn và vất vả chứ không riêng gì các hoạt động mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên nếu các hoạt động kinh doanh mà lại có ý nghĩa xã hội thì tôi thấy rất nên làm. Các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều là những vấn đề nóng mà xã hội chúng ta cần giải quyết ngay” - chị Nhàn cho hay.
 
    Chia sẻ về thành công mà công ty đã đạt được, chị Nhàn khiêm tốn cho biết: “Những thành công mà chúng tôi có được chỉ là bước khởi đầu mà thôi, tôi và anh em trong công ty cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tốt những việc chúng tôi cần làm và muốn làm. Để có thể làm được một công việc tốt, điều quan trong mà tôi nhận thấy đó là phải có phương pháp tốt, tổ chức bài bản, khoa học, phát huy sức mạnh tổng thể, tiến hành các giải pháp đồng bộ, không ngừng học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến và Việt nam, của những người xung quanh, có quyết tâm cao và có tâm trong công việc”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn.
 
 
Ý chí của một cô gái nghèo hiếu học
 
    Có lẽ truyền thống gia đình hiếu học đã hun đúc lên con người chị. Niềm đam mê học tập đã đưa chị từ một cô gái nghèo vùng quê Bắc Ninh trở thành một doanh nhân thành đạt với 2 bằng đại học, Thạc sỹ tốt nghiệp tại trường Latrobe của Úc. Nhưng ít ai biết rằng, chị đã có học hàm Tiến sỹ, Viện Hàn lâm khoa học Nga và sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga.
 
    “Tôi không có hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè hay bất cứ cơ hội tốt nào từ bước khởi nghiệp của mình, tôi tự biết điều đó và vì vậy mà tôi luôn phải tự cố gắng, cũng có lẽ chính vì điều đó mà tôi có ý trí cao trong công việc của mình là phải vượt qua mọi khó khăn. Đến bây giờ, khi xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước luôn động viên hỗ trợ tôi trong công việc nhưng tôi luôn biết điều quan trọng nhất để thành công đó phải chính là ý chí của bản thân mình và luôn phải vượt qua được chính mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cần phải cố gắng và luôn cố gắng” - chị Nhàn tâm sự.
 
    Hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh khỏi sự thất bại. Những thất bại đó chính là bài học kinh nghiệm cho người đam mê ngành mình theo đuổi. Chị Nhàn luôn ghi nhớ những thất bại của mình: “Đó là những bài học lớn giúp cho tôi nhìn lại mình để có thể thành công hơn trong công việc. Thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc sử dụng con người trong công việc”.
 
Chưa bao giờ hài lòng với chính mình
 
    Thông thường những doanh nhân thành đạt luôn bị công việc cuốn đi, ít có thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Nhưng với chị Nhàn, đam mê kinh doanh, đam mê học tập luôn thường trực. Chị  Nhàn tâm sự: “Việc học tập để nâng cao kiến thức đối với tôi cũng là một công việc hết sức quan trọng. Các kiến thức mà tôi có được đều giúp cho tôi có thể triển khai điều hành các hoạt động của tôi tốt hơn. Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh có thể cố gắng thu xếp được tôi đều thu xếp để dành thời gian học tập. Bởi rất nhiều điều tôi muốn học hỏi mà tôi chưa có thời gian và cơ hội để học”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa học Dorokhov Igor N.
Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga ký kết đào tạo.
 
    Ngoài việc đưa ý tưởng vàotổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp cho doanh nghiệp liên tục phát triển trong nhiều năm qua, chị Nhàn luôn quan tâm đến vấn đề con người. Hiện Công ty AIC có đội ngũ cán bộ trẻ hàng ngàn người được đào tạo bài bản, khoa học. Năm 2011,trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả lương cho nhân viên nhưng Công ty AIC vẫn tăng trưởng 183% và lương của các cán bộ trong công ty đều được tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010.
 
    Song hành cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty AIC cũng luôn có các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ các địa phương bằng các hoạt động có ý nghĩa lớn như đưa các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án lớn hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và nhiều hỗ trợ có ý nghĩa khác với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Hiện Công ty AIC có gần 20 công ty thành viên và có quan hệ hợp tác kinh doanh với hơn 30 nước trên thế giới và có hoạt động trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.
 
    Trong buổi ký kết giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga (MASI) về đào tạo hợp tác trong các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa họcDorokhov Igor N. Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga nhận xét về chị Nhàn: “Đây là người phụ nữ thông minh, làm việc có trách nhiệm cộng đồng. Chính vì điều đó Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo cán bộ tại Nga và đưa các chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua bên Công ty AIC”.
 
    Được Chính phủ ghi nhận những công lao đóng góp nhưng chị vẫn chưa bằng lòng với bản thân mình. Chị cho rằng: “Cuộc sống ai cũng đều có ước vọng và mong muốn. Nếu như điều tôi tham lam mà có thể làm cho tôi tốt hơn, có thể giúp ích được cho xã hội, cho những người thân yêu và bạn bè của tôi thì tôi thấy đó không phải là điều xấu. Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính mình cả, đó chính là động lực để tôi phải phấn đấu trong cuộc sống”.
 
Theo Dân trí

Dạ Thảo - người phụ nữ tiên phong đưa thời trang Hàn vào đất Việt

15 năm gắn bó với công việc kinh doanh thời trang, đến nay Dạ Thảo đã là một nữ doanh nhân thành đạt và có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với nam diễn viên Quyền Linh.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về kinh doanh nên cái máu kinh doanh đã “ngấm” vào Dạ Thảo từ bé. Sau khi tốt nghiệp đại học, Dạ Thảo "đầu quân" vào một công ty Hàn Quốc chuyên kinh doanh văn phòng phẩm. Nhưng ngoài việc yêu thích kinh doanh thì thời trang cũng là một cái đam mê dường như đã ăn sâu vào "máu" và từ đó thôi thúc Dạ Thảo bước sang một lĩnh vực kinh doanh mới mới mẻ- kinh doanh về thời trang Hàn Quốc.
Cũng chính từ những cái duyên với nghề mà hiện nay, Dạ Thảo đã là một trong số những nữ doanh nhân vô cùng thành đạt trong lĩnh vực hấp dẫn này. Không chỉ thành công trong công việc mà Dạ Thảo còn là một người phụ nữ giỏi vun vén việc nhà. Cuộc hôn nhân hạnh phúc của Dạ Thảo và nam diễn viên Quyền Linh cho đến nay đã khiến không ít người phải tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ. Nhân dịp 20/10, hãy cùng lắng nghe Dạ Thảo tâm sự và chia sẻ về công việc cũng như về cuộc sống gia đình.
Dạ Thảo - mẫu người phụ nữ thành công trong cuộc sống  hiện đại

Chị có thể chia sẻ cho độc giả biết cái duyên nào đã đưa chị đến với công việc hiện tại không?

Thật ra lúc đầu Thảo làm việc cho một công ty Hàn Quốc chỉ chuyên về các mặt hàng văn phòng phẩm thôi. Nhưng cái "máu" yêu thích thời trang thì đã theo Thảo từ lâu lắm rồi. Tình cờ lúc đấy, trên tivi lại đang chiếu bộ phim Người mẫu của Hàn Quốc, nhìn thấy trong phim diễn viên mặc đồ đẹp quá nên từ đó quyết định kinh doanh thêm về lĩnh vực thời trang. Sau khi nói với công ty về ý tưởng đó thì công ty cũng ủng hộ Thảo lắm. Thảo cũng trình bày rõ ràng với công ty là sẽ sang Hàn Quốc để khảo sát thị trường và xem xét về nguồn hàng thế nào. Sau chuyến đi đầu tiên sang Hàn Quốc về cùng một số nguồn hàng, thì cảm thấy công việc này hoàn toàn có thể phát triển ở Việt Nam nên Thảo tin tưởng lắm.

Bước đầu đến với lĩnh vực thời trang này chị có gặp phải những khó khăn gì không?

Không biết do số Thảo may mắn hay sao mà từ khi bước vào nghề đến giờ Thảo chưa bị trục trặc hay bị khó khăn gì hết. Chắc cũng do mình có duyên với nghề nên khi làm thì thuận lợi lắm. Cứ lấy hàng về 2,3 hôm sau là hết sạch hàng chứ không bị tồn động lại. Trước đây, mỗi tháng Thảo sẽ phải vài lần sang Hàn Quốc đặt hàng và nhập về, một phần cũng vì đó là khâu khó khăn nhất và quan trọng nhất nên Thảo phải dành toàn bộ thời gian cho nó. Những lúc đó chỉ thấy mệt thôi vì sang rất ít ngày nên chỉ biết tranh thủ mà lo giải quyết công việc nhưng bù lại là Thảo cảm thấy rất hứng thú với công việc đó.
Gia đình hạnh phúc của Dạ Thảo - Quyền Linh luôn nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè và đồng nghiệp
Từ đâu mà chị quyết định tách ra làm riêng và với quyết định ra làm riêng như hiện nay chị có gặp những trở ngại gì không?

Mỗi lần sang Hàn Quốc mất rất nhiều thời gian và công sức mà cứ làm công ty mãi thì Thảo cảm thấy không ổn tí nào. Chính vì vậy mà chị đã quyết định tách ra để làm riêng sau khi đã làm với công ty được hai năm. Với lại lúc đó Thảo phải đi nhiều quá nên Thảo cũng thật sự cảm thấy không thích. Làm riêng như vậy Thảo sẽ có thể chủ động được về thời gian. Mình có thể đi ít hơn nhưng bù lại số lượng hàng mỗi lần mình mang về như vậy sẽ phải nhiều hơn.  Mặc dù lúc đó làm cho công ty nhưng mọi thứ đều do chị quyết định từ việc chọn nguồn hàng, chất liệu thế nào, sản phẩm ra sao, giá bán,... chị đều tự làm hết nên hai năm làm với công ty chị đã đúc kết cho mình khá là nhiều kinh nghiệm. Mà cái ngành thời trang này nó cũng một phần tuỳ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người nữa nên cũng thấy may mắn là khách hàng thường rất thích cái gu chọn đồ của Thảo. Mình yêu thích cái đẹp, thích làm đẹp nên đến với thời trang như vậy vừa tự làm đẹp mình lại vừa làm đẹp cho người khác nên cảm thấy vui nhiều lắm.

 Những chuyến sang Hàn Quốc như vậy có để lại trong chị những ấn tượng hay kỉ niệm gì không?

Nói thật là mỗi lần Thảo sang đó thì chỉ biết có mỗi việc là lấy hàng sao cho nhanh chóng rồi quay về lại Việt Nam thôi chứ cũng không có nhiều thời gian để thăm thú Hàn Quốc. Chỉ ấn tượng về Hàn Quốc là lần nào sang cũng nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình từ những đối tác làm ăn nên cũng có phần nào thấy vui. Mà tính mình thì làm việc lẹ làng, nhanh chóng nên ai cũng quý.

Công việc hiện tại của chị vẫn sẽ thường xuyên sang Hàn Quốc vậy làm sao chị cân đối được với việc chăm sóc cho hai bé?
Với Dạ Thảo, công việc rất quan trọng nhưng gia đình quan trọng hơn rất nhiều


Trước đây thì mình sẽ đi nhiều nhưng còn bây giờ có gia đình rồi, lại có hai con nhỏ nữa nên giờ mỗi tháng Thảo chỉ sang đó một lần để lấy hàng. Mà những lần đi như vậy Thảo đều "canh me" vào lịch trống của anh Linh chứ Thảo không an tâm khi để hai bé ở nhà mà không ai chăm sóc.
Chị có thể chia sẻ đôi điều về duyên nợ giữa chị và anh Quyền Linh?

Vợ chồng đến với nhau một phần cũng do duyên nợ (cười)! Lúc đó, anh Linh cùng bạn mở một studio chụp ảnh, Trong một lần Thảo tình cờ đến đấy để làm lịch tặng cho khách hàng thì gặp anh Linh. Từ đấy hai đứa quen biết nhau, rồi đi chơi, rồi tìm hiểu nhau,... Yêu nhau được 4, 5 năm thì mới quyết định kết hôn với nhau nên Thảo với anh Linh cũng hiểu nhau nhiều lắm.

Trước đây, gia đình chị cũng đã từng phản đối việc chị kết hôn với nghệ sỹ?

Nói phản đối thật ra cũng không phải. Chỉ là gia đình lo lắng cho Thảo thôi vì nghĩ là nghệ sỹ thì tính tình sẽ "trăng hoa" này nọ,... Nhưng sau một thời gian tiếp xúc với anh Linh thì gia đình chị cũng hiểu anh Linh là người thế nào. Anh ấy là người đàn ông rất biết chăm lo cho gia đình, cho vợ con nên bây giờ gia đình Thảo ai cũng quý mến anh Linh.


Bản thân chị đã là một doanh nhân thành đạt và là vợ của một người nổi tiếng, cuộc sống của chị có gặp phải những lúc căng thẳng, áp lực hay mất cân bằng gì không?
 Thảo thấy mình thật sự may mắn vì anh Linh tuy là người nổi tiếng nhưng lại có một cuộc sống rất giản dị. Hầu như cuộc sống của Thảo không có gì xáo trộn hay thay đổi kể từ khi tôi kết hôn với anh Linh. Chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau công việc nhà, chăm sóc con cái,... Nhưng công việc của anh Linh thì giờ giấc lại không cố định và đôi khi chiếm rất nhiều thời gian, vì thế, Thảo cũng tự cân đối lại công việc của mình để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho con cái. Công việc với Thảo rất quan trọng nhưng gia đình vẫn quan trọng hơn rất nhiều!

Hai cô công chúa nhà chị có vẻ rất tinh nghịch ?
Hai cô công chúa đáng yêu sống rất tình cảm của Dạ Thảo và Quyền Linh

 Hai bé mặc dù là bé gái nhưng rất hiếu động, cứ mỗi khi ba có ở nhà là hai bé quấn lấy ba và chơi đùa với ba suốt. Được cái anh Linh thương con và thích chơi với con lắm. Mỗi lần được anh Linh cho đi chơi là hai bé vui lắm, cười nói líu lo suốt cả ngày khiến Thảo với anh Linh cảm thấy hạnh phúc lắm. Hai bé từ nhỏ cũng hay được ba mẹ cho ra ngoài tiếp xúc với rất nhiều người nên cũng dạn dĩ lắm. Nhưng một điều mà khiến Thảo và anh Linh cảm thấy tự hào hơn cả là cả hai bé đều sống rất tình cảm, tuy còn nhỏ nhưng cũng đã rất biết thương và nghĩ cho ba mẹ!(cười)
Xin được cám ơn chị về buổi trò chuyện này và nhân dịp 20/10, ngày phụ nữ Việt Nam, xin được gởi đến chị những lời chúc sức khoẻ tốt đẹp nhất. Chúc chị sẽ ngày càng thành công hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống!

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Nữ giám đốc công ty thời trang "bén duyên" với nấm


Hai lĩnh vực có vẻ không mấy liên quan đến nhau lại được một nữ giám đốc duyên dáng và nhạy bén điều hành thành công với bí quyết độc đáo.
Một số món ăn từ nấm tại cửa hàng Nấm Việt (76 Lò Đúc - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội)
So với “tay phải” trong ngành thiết kế, có lẽ sẽ khá sớm khi nói về thành công bước đầu với nghề “tay trái” kinh doanh nấm sạch của chị Nguyễn Thị Ngọc Lan – giám đốc công ty thời trang Lan Việt.
Chị Lan hiện đang điều hành môt doanh nghiệp nhỏ với hơn 50 nhân công chuyên sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ lụa, mây tre, gốm sứ (sử dụng phẩm màu, men hữu cơ thân thiện với môi trường), xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản. Năm 2011, chị đạt giải doanh nhân sáng tạo của Hội đồng Anh và được tham dự Tuần lễ thời trang London.
Chừng ấy kinh nghiệm, thành công, những tưởng chị sẽ “đóng đinh” với các bộ thiết kế cùng cái nghiệp thời trang thì mọi người đều ngạc nhiên khi chị cho biết ý tưởng kinh doanh nấm và các món ăn từ nấm.
Nấm sạch: Làm chơi, ăn thật
Mấy năm gần đây, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên đáng báo động, vợ chồng chị Lan nảy ra ý tưởng sản xuất nấm sạch, mục đích phục vụ trước hết là cho gia đình và bạn bè. Bởi vậy mà khởi động trồng nấm bắt đầu từ 7 – 8 tháng trước, bán nấm sạch trực tuyến cũng đã 4 – 5 tháng chị mới chuyển sang… mở thử cửa hàng kinh doanh.
Khi bán hàng online, chị Lan nhận thấy hầu hết khách hàng đều gửi phản hồi là không biết cách sử dụng và chế biến các món ăn từ nấm. Vì vậy chị quyết định thử nghiệm với các món nấm ở cửa hàng mini đầu tiên rộng chừng 19m2, mang tên Nấm Việt tại số 76 phố Lò Đúc, Hà Nội. 
Tuy mới bán nhưng khách đông chật quán, hết chỗ là chuyện thường xuyên, dù bà chủ đã “cơi nới” thêm cỡ 20 – 25 m2 ngoài vỉa hè để phục vụ. Chính chị Lan cũng không ngờ, chỉ sau tháng đầu tiên, đã phải tìm đến cửa hàng thứ 2 vì lượng khách quá tải (!)

Một số loại nấm mà Nấm Việt cung cấp (Ảnh: Facebook Nấm Việt)

Người mua rỉ tai nhau tìm đến ngày một đông vì sự phong phú, đa dạng của các loại nấm: nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm dạ dày, nấm hương, nấm Đà Lạt... Các món ăn ở đây cũng được khách hàng đánh giá là “ngon, độc, lạ” và chưa thấy ở Hà Nội như xôi ruốc nấm, bún nấm, cháo nấm, súp nấm, nấm xào, pizza nấm, kem nấm…
Chị Lan cho biết, hiện tại với quy mô này, trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị tiêu thụ hết khoảng 1 tạ nấm tươi và là đầu ra chính cho hơn 1,5 ha trang trại ở Sóc Sơn và Hòa Bình. Ngoài ra, nấm sạch của công ty có mức tiêu thụ khá ổn định tại một số cửa hàng, đại lý kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội.
Công thức: Sạch, ngon, lạ và… Facebook
Kể về 2 trang trại trồng nấm rộng gần 2 ha ở Sóc Sơn và Hòa Bình, chị Lan cho hay đó là sản phẩm mồ hôi và tâm huyết của hơn 20 con người. Việc nuôi trồng, bảo quản và chế biến nấm phải theo quy trình kỹ thuật khắt khe và nghiêm ngặt, chỉ sơ suất nhỏ có khi làm hỏng cả trại nấm.
Nhà trồng nấm sạch tại trang trại Nấm Việt (Ảnh: Facebook)
Chị nói vui: “Mọi người thường nói đùa, nước tưới cho nấm còn “sạch” hơn nước uống của người. Thuê xe chở nấm cũng cần giữ lạnh liên tục, thời tiết nóng quá cũng làm nấm hỏng, thành đồ bỏ đi”.
Theo quan sát, giá nấm tươi bán tại cửa hàng của chị Lan dao động từ 70.000 – 200.000 đồng/kg, hầu hết có giá trên 100.000 đồng/kg. Mức giá này theo chị Lan là “gấp 1,2 – 1,5 giá nấm bán ở chợ” nhưng chi phí sản xuất, bảo quản cũng đội lên gấp rưỡi so với cách làm truyền thống.
Một bí quyết nữa được bà chủ trẻ tuổi tận dụng khai thác tối đa chính là mạng xã hội. Bí quyết này chị Lan sử dụng từ những ngày bán hàng online. Nếu ghé qua page Nấm Việt của chị Lan, mọi người có thể thấy sự năng động và “xì tin” của chủ page hút khách đến thế nào. 
Chị Lan bật mí, các món như xôi ruốc nấm, bún nấm, pizza nấm hay kem nấm… được đánh giá cao đều được chế biến theo “công thức” riêng, nhờ những người thân đi nước ngoài về thực hiện. 
"Món ăn đánh vào trực diện cảm quan nên thu hút khách hàng đông đảo hơn. Ví như trên Facebook, chỉ 10 phút sau khi post ảnh món ăn đã có nhiều người like, trong khi để cả ngày mới có 1 người like ảnh túi nấm tươi thôi", chị hóm hỉnh chia sẻ.
Lợi nhuận: Tăng trưởng gấp đôi dù chưa đong đếm
Khá bận rộn với việc kinh doanh chính ở công ty thời trang, chị Lan chỉ có thể chia bớt thời gian để quản lý cửa hàng nấm. Chị tâm sự, “ban đầu chị chỉ định mở ra và thuê người quản lý. Nhưng rồi không yên tâm, vì công việc mới bắt đầu cần mình bắt tay vào xây dựng hình ảnh và quy trình để mọi thứ vào guồng. Ngay cả nhân viên cửa hàng cũng là những người thân trong gia đình giúp đỡ”.
Theo quan sát cách phục vụ khách hàng tại đây, “nhân viên” hầu hết là những phụ huynh lớn tuổi trong gia đình, nhưng chăm sóc khách hàng rất tận tâm và chu đáo. Chị Lan cho biết, gia đình chị thích văn hóa bán hàng của người miền trong, vì vậy mọi người luôn tâm niệm và chú trọng văn hóa phục vụ khách hàng.
Quy trình sản xuất pate gan gà sạch tại cửa hàng Nấm Việt được bà chủ đăng tải lên Facebook, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm 
Khi được hỏi về lợi nhuận, bà chủ vui vẻ cho hay, “vì cửa hàng mới mở nên công việc khá bề bộn, chị chưa đong đếm được hết, thậm chí “card visit” cũng chưa kịp in. Mình chỉ lo không làm xuể vì công việc chính cũng bắt đầu vào mùa cho bộ sưu tập mới”.
Theo tính toán sơ bộ của người viết, trong tháng đầu tiên, riêng 1 tạ nấm tươi tiêu thụ mang về doanh thu gần 20 triệu đồng/ngày, tương đương 600 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng tìm đến cửa hàng vì sự đa dạng và ngon miệng của các món ăn từ nấm, vì thế mà doanh thu từ món ăn lại nhỉnh hơn.
Ví như món xôi nấm - 1 trong 3 món chính của cửa hàng, lượng tiêu thụ mỗi ngày là 200 suất, giá mỗi suất khoảng 30.000 – 35.000 đồng, doanh số xôi là 6 – 7 triệu đồng/ngày. 
Các món chính khác như bún nấm giá 40.000 đồng/suất, cháo nấm giá 20.000 đồng/suất. Giả định lượng tiêu thụ 3 món như nhau thì tổng doanh số tháng đầu tiên ở đây đạt khoảng 20 triệu đồng/ngày. Tính chung cả tháng doanh số món ăn đạt cỡ 600 triệu đồng. 
Doanh số bán nấm tươi tương đương doanh số từ món ăn, nghĩa là tổng doanh thu từ cả hai đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng/tháng, chưa kể doanh thu từ các món theo ngày (bánh tét, bánh giò, pizza…) hay đồ uống.
Tất nhiên, đó là phép tính “thủ công” chưa kể đến các chi phí bỏ ra ban đầu của gia chủ. Nhưng trong thời buổi kinh tế hiện nay, mức doanh thu cho nghề "tay trái" như vậy lại không nhỏ chút nào. Chị Ngọc Lan giới thiệu, qua tháng thứ 2 bán hàng, chị sẽ mở thêm cửa hàng thứ 2 rộng rãi, khang trang tại số 1B phố Lê Ngọc Hân - Hà Nội.
Một số hình ảnh đăng tải trên FanPage Nấm Việt:

Xôi nấm ruốc
Bún nấm sườn chua
Cháo nấm gà ta 
Pizza nấm thịt bò 
Kem nấm

Bánh tét, bánh giò nấm
Kỳ Anh
Theo TTVN

"Lười" để sáng tạo



Nỗi sợ là một trong những rào cản lớn nhất khiến con người không dám hành động để đạt được mục tiêu.


Không sợ hãi là một trong những tính cách nổi bật của anh Nguyễn Tất Đắc – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vnext. Nhờ tính cách này mà anh đã nhiều lần đánh bại đối thủ giỏi hơn mình chỉ trong gang tấc. 

Anh Nguyễn Tất Đắc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vnext

Chơi nhiều hơn học

Anh Nguyễn Tất Đắc sinh năm 1980 trong một gia đình trí thức tại thành phố Hải Phòng. Bố anh học ngành không quân ở Nga, mẹ anh tốt nghiệp bằng đỏ ở Nga về ngành kỹ thuật thực phẩm. Ông nội anh là cán bộ phản gián cao cấp thời chống Pháp, ông ngoại làm trong UBND thành phố. Môi trường gia đình là một nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính của anh. 

Ngay từ bé, ai gặp anh cũng đều buông một câu: “Tai to sau này lớn lên chắc chắn sẽ làm quan”. Câu cửa miệng được lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu đã hằn sâu vào tâm trí anh về hình ảnh tương lai “làm sếp là chuyện đương nhiên”. Dù chưa trở thành hiện thực nhưng cái ngẫu nhiên này đã định vị việc sau này anh sẽ “trở thành ai”.

Về mặt học hành, suốt thời gian đi học cấp 1 và 2, anh chơi nhiều hơn học. Vì vậy, kết quả học tập thường không cao nhất nhưng thành tích ham chơi thì luôn đứng số 1. 

Một sự việc tình cờ anh được chứng kiến khi đang học cấp 2: Ở gần nhà anh có một hàng đánh đề hoạt động rất mạnh, thường xuyên bị công an đuổi, nhiều lần chủ đề phải chạy trốn sang nhà anh. Lúc đó dù chưa biết gì về cờ bạc nhưng trong suy nghĩ, anh thấy chuyện cờ bạc cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Và anh hiểu biết về cờ bạc từ sớm khi qua các sới bạc hàng xóm để xem họ sát phạt. 

Một trong những kỷ niệm khó quên thời học cấp 2 của anh là những trận đánh bài cực kỳ căng thẳng, cân não, gay cấn với các nhóm bạn trong lớp vì giá trị ván bài tương đối lớn, có khi lên đến vài triệu. Điều lạ lùng là lúc đánh bài, anh không hề cảm thấy lo lắng khi đối diện với đối thủ. Điểm cốt lõi nhất mà anh nhận thấy khi chơi bài là phải lạnh lùng, năng lực của hai bên chênh nhau không đáng kể nhưng chiến thắng tùy thuộc vào sự tỉnh táo của mỗi bên. Nhờ thế, nhóm bài của anh liên tục thắng. Sau này, các thành viên của nhóm anh đều trở thành những người giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ngân hàng lớn tại Việt Nam. Điều anh nghiệm ra được là đánh bạc không xấu nếu biết khai thác khía cạnh tích cực của nó, đó là: Rèn luyện khả năng ra quyết định không đâu tốt hơn chiếu bạc vì mỗi trận đánh bạc có hàng nghìn quyết định được đưa ra ngay lập tức và cái đầu phải tư duy liên tục. 

Học hết cấp 2, với bản tính khát khao tìm tòi cái mới, anh thấy mảnh đất Hải Phòng đã hết nơi để khám phá nên chủ động đề nghị bố mẹ cho thi vào cấp 3 ở Hà Nội. Mặc dù ban đầu, bố mẹ anh không chấp thuận nhưng anh đã thể hiện để bố mẹ tin tưởng rồi tự đi thi và đỗ vào lớp chuyên Tin - Khối chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và bắt đầu cuộc sống đi học xa nhà. 

Chơi để trải nghiệm

Dù bắt đầu cuộc sống xa nhà từ sớm nhưng anh không bị mất thời gian để thích nghi với hoàn cảnh mới. Ngay khi mới lên học ở Thủ đô, ngược với nhiều bạn còn nhút nhát, lo sợ, nhớ nhà, anh không biết lạ là gì mà còn đi khám phá khắp các ngóc ngách Hà Nội.

Đi học cấp 3, có một nghịch lý là thời gian anh đầu tư cho học không nhiều như các bạn khác nhưng kết quả tương đối tốt. Với những kiến thức thày giáo giảng trên lớp, anh hệ thống lại, phân chia thành các dạng cơ bản và chỉ mất ít thời gian làm tốt các bài Toán tiêu biểu của mỗi dạng là vượt qua các kỳ thi một cách dễ dàng. Do đó, anh học không thuộc dạng thông minh nhưng kết quả thường đạt gần điểm tối đa. 

Năm lớp 12, anh đoạt giải Nhì Quốc gia môn Tin học. Tổng kết lại kinh nghiệm thi cử, anh rút ra bí quyết như sau:


• 
Chọn thầy mà học: Đây là một yếu tố quan trọng vì khi trước tham gia các cuộc thi, người thầy dạy rất có ý nghĩa. Vì vậy phải biết chọn thầy có kiến thức chuyên môn cao, tâm huyết với học trò. Muốn học được thày tốt phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về các thày.


• 
Học sâu chứ không học nhiều: Phải biết hệ thống hóa các kiến thức của thày dạy thành các vấn đề chính, thông thường trong một môn học thì quy về khoảnh 10 vấn đề. Khi đã hệ thống được rồi, chỉ ôn thật chắc các bài tiêu biểu là khả năng đỗ rất cao.


• 
Kỹ năng thi: Khi làm bài thi, điều quan trọng nhất là biết phân chia thành các phần, phần dễ làm trước, phần khó làm sau, phần quá khó thì bỏ, không phải tư duy. Khi xác định làm bài theo hướng trên, năng lượng tập trung hoàn toàn vào phần dễ nên sẽ đạt điểm tối đa của phần đó. Do vậy, xác suất bị mất điểm, bị tiếc nuối ở phần bài dễ và chắc chắn làm được không xảy ra. Thời gian còn lại, suy nghĩ cách kiếm điểm từ phần khó. 

Với việc đoạt giải Quốc gia, anh được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. 5 năm học Đại học đối với anh cũng là quãng thời gian “chơi và trải nghiệm” là chính. Bản tính tò mò, thích khám phá những điều chưa biết đã dẫn dắt anh tìm cách trải nghiệm các thú chơi từ chơi guitar, organ, nhảy đến cờ vua, cờ tướng… Cái gì chưa biết, anh sẵn sàng tìm cách học và trải nghiệm bằng được. 

Có một kỷ niệm đáng nhớ khi là sinh viên năm thứ 3, anh tình cờ gặp lại và có dịp đấu cờ vua với cô bạn học cùng lớp chuyên Toán hồi cấp 2 ở Hải Phòng . Cô bạn này là thành viên của đội tuyển thi cờ vua quốc gia. So sánh về trình độ chơi cờ thì anh kém xa cô bạn nhưng kết quả ván cờ, anh giành chiến thắng. Bí mật ở đây là anh biết chơi trò tâm lý trước đối thủ, cộng với sự lạnh lùng đã được tập luyện từ trước làm đối phương mất năng lượng trước khi thắng cuộc.

Một trong những trò chơi đỉnh cao thời sinh viên của anh là điện tử. Ngoài chơi cùng các bạn mê điện tử ở lớp, cuộc thi nào anh cũng tham gia và luôn giành giải Nhất. Khi đi tìm được một quán Games mới nổi, anh đều đến thi để thắng cuộc rồi đi về. Chơi điện tử, dù đánh đôi hay đánh đơn, anh vẫn thể hiện biệt tài chơi trò tâm lý với đối thủ (đoán được suy nghĩ của đối thủ) và không hề lo sợ. Thông thường, anh sẽ chủ động nói một câu gì đó khiến đối thủ sốc, hoang mang, bất an, mất bình tĩnh dẫn đến yếu đi và thua. Mọi trận games, chiến thắng anh giành được đều không tốn nhiều công sức. Đối với anh, các trò chơi đều có giá trị trở thành cơ hội luyện tập khả năng tư duy. 

Chiến thắng nhờ “lội ngược dòng”

Năm 1999, anh thi đỗ vào Trung tâm Tài Năng Trẻ của Công ty FPT (FYT). Cũng như các lần trước, anh vượt qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng. Anh trở thành 1 trong 35 thành viên Khóa 1 Trung tâm FYT. 

Khi thi đỗ vào môi trường toàn thành viên từng đoạt giải quốc gia, quốc tế và điểm tổng kết cao khối ngành CNTT, anh cũng thấy rất nể các bạn vì biết đây là những bộ óc có “sạn”. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, khoảng cách bị xóa dần, anh cảm thấy rất tự tin “mình cũng phải có gì đặc biệt mới thi đỗ vào đây”. Sự tự tin sau đó càng được củng cố khi anh thấy mình và các bạn trong FYT không có nhiều khác biệt và anh vẫn ham chơi nhiều như trước.
Tuy học ít nhưng anh lại khiến nhiều người bất ngờ khi giành giải Ba cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam. Sản phẩm tham gia cuộc thi của nhóm anh là hệ thống website cho Sea Games 22. Nhóm của anh gồm 3 người, một người rất giỏi về lập trình và một người có chỉ số IQ rất cao. Một lỗi kỹ thuật xảy ra trước giờ thi, nếu không sửa được thì cả hệ thống bị lỗi, không chạy được. Tình huống cực kỳ căng thẳng khiến 2 người bạn trong nhóm lo lắng đến toát mồ hôi vì không sửa được lỗi coi như sản phẩm dự thi thất bại. Do đã được luyện tinh thần thi đấu qua nhiều năm, nhiều lần và với tâm lý không sợ thất bại, thái độ của anh rất bình tĩnh. Anh quyết định cắt bỏ phần lỗi mà hệ thống vẫn chạy bình thường. Kết quả, sản phẩm dự thi đoạt giải Ba cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam. Sau này, anh tổng kết lại: Những trận đánh bài, chơi games căng thẳng… ngày nào đã luyện cho anh khả năng ra quyết định và phản ứng kịp thời trước các tình huống bất ngờ xảy ra. 

Sự thất vọng khi đi làm thuê và khát vọng làm chủ

Tốt nghiệp Đại học, anh công tác tại FPT Software. Tính tự tin sẵn có, anh nghĩ mình có thể làm tốt công việc một cách hoành tráng. Tuy nhiên, mấy tháng đầu đi làm, kết quả trái ngược với sự tự tin của anh, dự án be bét, anh mới nhận thấy lỗ hổng của mình là thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa đi làm khác với đi học ở chỗ kinh nghiệm làm việc. Do đó, chưa có kinh nghiệm lại là rào cản với anh. Vì thế anh đã phải tập trung tư tưởng để bắt kịp công việc. 

Sau vài tháng, anh cùng với 6 trưởng nhóm khác được cử sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm làm việc, đồng thời làm cầu nối đưa công việc về Việt Nam. Sự tự tin, không biết sợ của anh một lần nữa được thể hiện: Mặc dù lần đầu tiên xuất ngoại, không học trước tiếng Nhật ở nhà nhưng khi đặt chân lên đất Nhật, anh thấy như ở nhà mình và đi du lịch khám phá khắp nơi.
Sau 6 tháng ở Nhật về nước, anh tiếp tục công việc tại FSoft. Do bản tính không thể chăm chỉ được như các đồng nghiệp nhóm Nhật, nên anh chuyển sang làm ở nhóm phụ trách mảng khách hàng Mỹ. Tuy chuyển nhóm nhưng công việc không khiến anh cảm thấy thỏa mãn với phương pháp làm việc hiện tại. Suy nghĩ đó cứ đau đáu trong anh và anh cảm thấy không yên tâm về cách quản lý dự án đang làm, cho nên với anh kết quả các dự án chưa thực sự được coi là thành công. Nguyên nhân đến từ các khuôn mẫu của công việc hiện tại khác với cá tính thích khám phá, tìm kiếm cái mới ở anh.
Vì lẽ đó, anh chuyển sang làm ở Phòng nhân sự của FPT với mục đích “thay đổi không khí”. Ở mảng nhân sự, chỉ có anh duy nhất là dân công nghệ nên công việc tuyển dụng được anh thực hiện tương đối hiệu quả. Trong vòng 4 tháng, anh phỏng vấn khoảng 1000 người, mỗi buổi phỏng vấn từ 20-30 người, mỗi người chỉ cần 3 phút. Thời gian này, anh tự học được bài học về logic nhân sự, khả năng nhận biết ứng viên phù hợp với công việc chỉ trong thời gian rất ngắn. 

Công việc ở phòng nhân sự cũng không làm anh thoải mái vì thế anh xin nghỉ việc. Trong thời gian đó, anh cũng thực hiện được một việc đáng kể là thi một loạt các chứng chỉ trong vòng 1 buổi sáng với kết quả cao nhất. Ý muốn mở doanh nghiệp riêng bắt đầu nảy sinh trong tâm trí và thôi thúc anh hành động bất chấp câu hỏi lo lắng của một số đồng nghiệp khác khi anh rủ ra ngoài làm riêng: “Không biết ra ngoài thì sẽ thế nào?”. 

Khát vọng đổi đời

Năm 2005, anh mở công ty với tổng vốn 200 triệu. Lúc đó, anh không có đồng nào nhưng dám vay 100 triệu để khởi nghiệp cộng với vốn của bạn bè góp vào. Mở công ty một thời gian thì công việc làm ăn thua lỗ, chậm trả tiền lương nhân viên, dự án lộn xộn, nhân viên bỏ việc. Lí do đến từ việc anh không quản lý được vấn đề tài chính do quá tin tưởng người khác làm. Điều này khiến một ngày đẹp trời, anh phải vào viện vì bị stress rất nặng. 

Sau khi ra viện thì anh bị giảm 50% thính lực. Đây là giai đoạn khó khăn nhất với anh từ trước đến giờ. Sau đó, anh bình tĩnh dần trở lại và thấy rõ ràng “muốn đứng vững được thì cần phải tự mình”. Anh xem lại sách vở, tài liệu, review tất cả mọi thứ thì tự nhiên cân bằng trở lại. Anh rút ra thất bại của mình đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng cái căn bản nhất là làm kinh doanh khác với làm công nghệ ở chỗ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà làm kinh doanh thì cần biết cả núi vấn đề như tài chính, đàm phán, hợp đồng…

Năm 2008, anh khởi động lại sự nghiệp kinh doanh. Qua một người bạn học cấp 2 (sau này là đồng sáng lập Vnext), anh kết nối với một đối tác Nhật. Sau khi tiếp xúc, đối tác Nhật nhận thấy ở anh có năng lực lãnh đạo, điều hành một công ty sản xuất ra phần mềm với tính khả thi cao. Vì vây, mặc dù chưa có sản phẩm nhưng bên đối tác Nhật đã quyết định góp vốn để anh phát triển công ty và tặng 10% vốn. 

Lần thứ 2 gây dựng sự nghiệp với sự thận trọng và kỹ lưỡng về các mảng tài chính, tổ chức, cơ cấu..., anh đã khắc phục được các lỗ hổng của lần mở công ty trước. Về mảng nhân sự, anh trực tiếp phỏng vấn và đánh giá cao là những ứng viên bộc lộ tự tin và bật ra câu trả lời ngay khi được hỏi. Nhờ vào phương pháp tuyển dụng này, anh lựa chọn được những ứng viên phù hợp, có cùng “style” với mình thì sức mạnh tập thể sẽ được đẩy lên.

Đội ngũ nhân sự trẻ trung, năng động của Vnext
Anh chị em nhân viên Vnext trong chuyến dã ngoại tại Quan Lạn

Sau 4 năm, hiện nay Vnext đã được vận hành một cách trơn tru và các dự án cũng chạy suôn sẻ. Đối với các dự án về phần mềm, do quan sát trong thời gian làm việc tại FPT, anh biết cải tiến, sáng tạo ở khâu quản lý, các dự án tiến triển tốt và sớm có lợi nhuận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, anh cũng thất bại ở một vài dự án nhỏ khi đang ở giai đoạn thử nghiệm. 

Hiện nay Vnext đang phát triển 2 mảng chính là: Sản xuất phần mềm xuất khẩu ra nước ngoài và Phân phối vé sự kiện. Ở mảng sản xuất phần mềm, anh đã có kinh nghiệm 10 năm nên vận hành tương đối nhẹ nhàng. Mảng phân phối vé sự kiện là mảng mới và rất có tương lai phát triển mạnh ở Việt Nam. Dự kiến của anh Đắc vẫn là đẩy mạnh phát triển về sản xuất phần mềm và sau này sẽ tập trung sâu hơn việc ứng dụng CNTT trong các service (dịch vụ) tại Việt Nam. 

Bí quyết của doanh nhân trẻ

Va vấp trên con đường kinh doanh và đã vực dậy, phát triển doanh nghiệp, anh Đắc chiêm nghiệm thành công là khi biết vượt qua nỗi sợ hãi: “Khi làm bất cứ việc gì đó, anh đều không thấy ngại ngùng và lo sợ gì cả, thậm chí kể cả thất bại, anh cũng không sợ nên nhìn thất bại là cái rất bình thường. Có lẽ vì thế hành động dứt khoát mà không lo lắng. Sợ hãi có thể vượt qua bằng cách luyện tập thành thói quen”.

Là doanh nhân tư duy nhiều, dám hành động nên khi tôi hỏi thêm anh về nguồn gốc của điều này đến từ đâu, anh cho tôi câu trả lời thú vị: “Anh luôn muốn làm mọi việc một cách hoàn hảo mà không cần tốn nhiều công sức. Nghe có vẻ buồn cười đúng không, nhưng thực ra là anh muốn trải cái việc đó ra để càng nhiều người làm càng tốt. Lúc đó, năng lượng của mình càng nhiều và được tập trung để suy nghĩ tiếp các việc khác. Cái đó, không phải là mình đi chơi mà mình dùng năng lượng để tư duy. Nhìn bề ngoài thì thấy là lười nhưng thực ra cái đầu lúc nào cũng phải làm việc, sự sáng tạo xuất hiện từ đó”.

Cuộc trò chuyện của tôi với anh Đắc diễn ra khoảng 1 tiếng rưỡi, tôi đã thu nạp được nhiều kinh nghiệm có ích về chuyện học hành, thi cử, kinh doanh. Tôi chợt nhận ra rằng, con người ta hoàn toàn có cách giảm nhẹ công sức, thay đổi cuộc sống của mình nhờ một thứ mỗi người có sẵn, đó chính là “Tư duy”.
 Hoclamgiau.vn

5 cách thắp lại ngọn lửa đam mê kinh doanh trong bạn




Nếu bạn bắt đầu cảm thấy hết hứng thú với công việc thì đây là 5 cách giúp bạn thắp lại niềm đam mê của mình:

Sau bốn năm vận hành Blue Orchid Design, công ty tổ chức sự kiện và cưới hỏi của mình, Liene Stevens thấy chán ốm công ty mà chính cô tạo dựng lên. Cô làm việc tối ngày. Thời gian rảnh thì cô lại phải dành cho bạn bè và gia đình và không có giây phút nào dành riêng cho bản thân. Buổi tối trước khi đi ngủ, cô đọc sách kinh doanh. Cô cho hay “Đây là công việc do chính tôi tạo ra cho bản thân và tôi đã từng yêu thích, nhưng rồi tôi thấy công việc chẳng còn chút thú vị gì.  Nếu tôi nổ tung thì công việc kinh doanh cũng bốc hơi theo tôi luôn”. 

Đầu tiên, Stevens thuê một người đảm nhận mảng bán hàng tại công ty có trụ sở thành phố New York, một công việc hàng ngày đã lấy đi quá nhiều năng lượng sáng tạo của cô. Sau đó cô bắt đầu làm việc với một huấn luyện viên kinh doanh để giúp cô tập trung trở lại và cuối cùng quyết định chuyển từ tổ chức sự kiện sang tư vấn cưới hỏi cho các khách hàng- một bước chuyển cho phép cô được làm những gì mà mình thích nhất. Cô chia sẻ: “Tôi muốn tìm ra cách phát triển công việc kinh doanh của mình và vẫn cảm thấy hạnh phúc”.

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy hết hứng thú với công việc như  Stevens thì đây là 5 cách giúp bạn thắp lại niềm đam mê của mình:

1) Vạch ra thời gian riêng để “sạc” lại năng lượng. Stevens bắt đầu dành thời gian cho bản thân – học nấu ăn, tập thể dục thường xuyên và đọc tiểu thuyết thay vì sách kinh doanh trước khi đi ngủ. Cô bắt đầu sử dụng dịch vụ trả lời để chuyển các cuộc gọi làm ăn sang dạng thư thoại thay vì chuyển trực tiếp tới điện thoại di động của cô vào lúc 6 giờ chiều, điều này giúp cô rút khỏi các trách nhiệm trong công việc. Mark Sanborn, một chuyên gia tư vấn phát triển kỹ năng lãnh đạo có trụ sở tại Denver, bang Colorado và cũng là tác giả của cuốn sách The Fred Factor: How Passion in Your Work and Life Can Turn the Ordinary into the Extraordinary (xuất bản năm 2004) cho rằng : Thường thì chủ doanh nghiệp không có thời gian dành cho riêng họ dù là chỉ thư giãn chứ chưa nói đến có nhiều niềm vui. Theo ông bạn nên tự hỏi mình, "Có việc gì mà mình luôn muốn làm nhưng lại chưa bao giờ làm được không? Trước đây, mình thấy vui nhất khi được làm việc gì?”. 

2) Tìm kiếm một cố vấn giàu kinh kinh nghiệm. “Dù bạn đang ở độ tuổi nào và có bao nhiêu thâm niên làm việc, luôn có ai đó biết nhiều hơn bạn. Mọi người thường bế tắc khi tìm một cố vấn giàu kinh nghiệm. Bạn có thể thuê một huấn luyện viên kinh doanh như Stevens đã làm, tìm kiếm ai đó trong mạng lưới của bạn mà bạn luôn ngưỡng mộ hoặc kết nối với những người thuộc lĩnh vực của bạn thông qua các cuộc hội thảo nghề hoặc truyền thông xã hội. Thiết lập một mối quan hệ với một cố vấn giàu kinh nghiệm cũng đơn giản như sắp xếp một cuộc họp thông qua một chầu cà phê hoặc trao đổi qua thư điện tử”,  Phil Cousineau, người đứng ra tổ chức show Global Spirit của PBS và tác giả của cuốn sách Stoking the Creative Fires: 9 Ways to Rekindle Passion and Imagination (do nhà xuất bản Conari phát hành năm 2008) cho hay. 

3) Phân quyền một số mảng trong công việc kinh doanh của bạn. Hãy cân nhắc giao việc bạn không thích cho ai đó làm thay. Điều đó có nghĩa bạn thuê nhân viên đảm nhiệm một số nhiệm vụ như bán hàng hay kế toán. Nếu bạn không đủ tiền thuê thêm một nhân viên làm việc toàn thời gian nữa, bạn có thể thuê ai đó làm việc theo hợp đồng thời vụ hoặc bán thời gian hoặc thuê ngoài trả công theo thỏa thuận. Stevens cho biết : "Điều đó sẽ dễ dàng hơn là chỉ tự mình làm và ghánh chịu hậu quả lâu dài là nổ tung vì quá tải”.

4) Tập trung vào các mối quan hệ của bạn. Khi bạn bắt đầu đánh mất cảm giác yêu thích đối với công việc của mình, bạn có thể chọn cách tạm lánh mọi người xung quanh. Nhưng đó là điều tồi tệ nhất mà bạn làm, Sanborn cho hay. Chính những mối quan hệ đó sẽ giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và có thêm cảm hứng đối với công việc của mình. "Những người biết rõ chúng ta có thể giúp nhắc nhở chúng ta về mục đích của mình”, Sanborn chia sẻ.  Ông cũng giữ một danh sách những người quan trọng nhất trong cuộc đời ông- từ vợ con, bạn bè cho tới các khách hàng chủ chốt trên bàn làm việc để nhắc nhở rằng ông cần dành thời gian cho họ. “ Khi là thành viên của một cộng đồng, chúng ta sẽ có được năng lượng từ những người khác”, ông nói.  

5) Trình làng những phát kiến đổi mới.  Sự đơn điệu nhàm chán thường làm mất đi sự đam mê. Nếu bạn cứ làm mãi công việc của mình theo một cách nhất định từ khi mới khởi nghiệp, hãy nghĩ đến cách đổi mới nó theo những hướng  đi mới. Dành thời gian xem xét kỹ từng phần công việc kinh doanh của bạn và tự hỏi bản thân: "Lần cuối cùng mình làm một điều khác biệt tại đây là lúc nào?” Bạn có thể cố gắng tiếp thêm sức mạnh cho bản thân và doanh nghiệp của mình bằng cách mở một blog, khám phá một hình thức quảng cáo mới hoặc tham gia một khóa học về một lĩnh vực mà bạn đang muốn tìm hiểu. Sau cùng thì ai cũng say mê sáng tạo cả.  
(Dịch từ Entrepreneur)

15 học thuyết kinh doanh có thể cải thiện cuộc đời bạn




Giáo sư trường kinh doanh Harvard Clay Christensen được nhiều người biết đến với học thuyết đổi mới mang tính đột phá được Steve Jobs và nhiều nhân vật biết nhìn xa trông rộng khác sử dụng để vạch ra những chiến lược thành công cho công ty của họ


Giáo sư Clay Christensen

Vài tuần trước đây, chúng tôi đã nói chuyện với Christensen về cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề How Will You Measure Your Life (Bạn sẽ đánh giá cuộc đời mình như thế nào) trong đó có nói rõ làm thế nào để chúng ta áp dụng các nghiên cứu trường hợp điển hình thành công (ví dụ như cách Netflix tạo đột phá trong ngành công nghiệp bán lẻ băng hình) vào cuộc đời mình.

"Chúng ta bị buộc phải nhìn về tương lai trong khi lại chẳng có sẵn dữ liệu nào về nó cả”, gần đây Christensen đã nói với các nhân viên của LinkedIn như vậy. "Điều này có nghĩa là hoặc chúng ta phải theo đuổi một con đường khó lường như cái xúc xắc hoặc phải nhìn vào thuyết nguyên nhân hệ quả: cái gì gây ra cái gì và tại sao lại như vậy”.


1.Con người hưởng ứng mạnh mẽ nhất đối với thuyết tạo động lực 

 

Nhiều công ty hoạt động dựa trên “tác nhân lãnh đạo” hoặc là “thuyết khen thưởng”. Nó dựa trên một nghiên cứu do chuyên gia kinh tế  Michael Jensen và William Meckling thực hiện. Theo họ, mọi người sẽ làm việc chăm chỉ tùy theo số tiền mà bạn trả cho họ. Đó là lý do tại sao các giá trị của những người nắm giữ cổ phiếu thường đi kèm với quyền lực quản lý.  

Tuy nhiên khen thưởng không giống như động lực. Khen thưởng dựa trên những yếu tố sạch sẽ liên quan đến địa vị và an toàn công việc. Các yếu tố tạo động lực bao hàm những mục đích rộng hơn.

Nếu bạn chọn một công việc dựa trên các yếu tố tạo động lực, nhiều khả năng bạn sẽ được thưởng công bằng những yếu tố sạch sẽ vì bạn sẽ làm tốt công việc của mình- thực chất bạn đã có động lực.

Các yếu tố sạch sẽ trên sẽ chỉ đến một mức độ nào đó thôi và hoạt động dựa trên thuyết tác nhân lãnh đạo cuối cùng sẽ dẫn tới sự bùng nổ.

2. Các chiến lược thận trọng cân bằng và nổi bật 

Chiến lược tốt nhất là một sự cân bằng giữa việc có một chiến lược thận trọng và một chiến lược rõ nét và linh hoạt.

Công ty Honda đã tình cờ tiếp quản thị trường Mỹ với sản phẩm xe máy Super Cub. Chiến lược của công ty là bán được những chiếc mô tô lớn, nhưng các nhân viên của Honda lại thấy việc lái những chiếc xe máy cỡ nhỏ vòng quanh thành phố Los Angeles thú vị hơn. Một người mua tới từ chuỗi cửa hàng Sears đã tình cờ biết đến những chiếc mô tô này và phần còn lại của câu chuyện đã đi vào lịch sử. Honda đã thành công vì họ có một chiến lược linh hoạt: họ sẵn sàng thay đổi kế hoạch kinh doanh và các ưu tiên của mình. 

Trong cuộc sống, chúng ta cần phải có một chiến lược thận trọng, nhưng cũng cần có đủ nguồn lực và sự linh hoạt để thay đổi tình hình và tạo đường cho những chiến lược nổi bật và thậm chí là tốt hơn.

3. Phân bổ các nguồn lực một cách khôn ngoan 

Hồi những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi Steve Jobs bị buộc phải ra khỏi công ty Apple, công ty này đã mất đi tầm nhìn chiến lược giới thiệu những sản phẩm tốt nhất của công ty ra thế giới. Đã không còn sự gắn kết giữa những gì các nhà lãnh đạo của Apple nghĩ rằng mọi người muốn và những gì thị trường thực sự muốn. Họ đã rót các nguồn lực vào không đúng chỗ.

Khi Steve Jobs trở lại năm 1997, ông đã “ngay lập tức đặt kế hoạch làm việc để giải quyết vấn đề cơ bản về phân phối nguồn lực”   — điều này có nghĩa là “bất cứ thứ gì không tạo ra được những sản phẩm tốt nhất cho thế giới sẽ bị loại bỏ”.

Chúng tôi quyết định những giá trị của chính chúng tôi và sau cùng là số phận của chúng tôi bằng những lĩnh vực mà chúng tôi đã rót năng lượng và nguồn lực vào.

4. Biết điều gì sẽ mang tới những đổi mới mang tính đột phá 

Đây chính là học thuyết đã làm Christensen nổi tiếng. Theo ý tưởng này thì các đối thủ nhỏ hơn, yếu hơn nhưng giàu sáng kiến hơn sẽ xâm nhập các thị trường và cuối cùng sẽ phá vỡ và hoàn toàn áp đảo các đối thủ khác của họ.

Steve Jobs đã sử dụng học thuyết này trong kế hoạch kinh doanh của Apple. Đó cũng là cách mà Netflix phá vỡ các nhà bán lẻ đầu phát băng hình như Blockbuster.

Trong cuộc sống, chúng ta không thể chờ để có được tất cả các dữ liệu trước khi đưa  ra quyết định. Đó là giá trị của những học thuyết đã được chứng minh như thuyết sáng tạo đột phá. Chúng ta có thể biến mình thành những hình mẫu đã từng có trong quá khứ (những thứ mà chúng ta chưa từng trải qua) bằng cách cân nhắc nguyên nhân và kết quả.

5. Cân nhắc tiền lương ngắn hạn và dài hạn 

Với sức ép từ những cổ đông và Wall Street, nhiều công ty ưu tiên nhiều hơn cho những công việc nhận lương ngắn hạn.

Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường ưu tiên những thứ ngay lập tức cho lợi nhuận hơn những thứ phải mất nhiều năm mới cho ra kết quả. Chúng ta được trao nhiều nguồn tài nguyên khác nhau như thời gian, năng lượng, tài năng và tài sản để phát triển “những doanh nghiệp” của riêng chúng ta trong cuộc sống cá nhân và các chiến lược của chúng ta bao gồm hàng trăm quyết định được đưa ra hằng ngày.

Christensen viết rằng “nhiều người trong số chúng ta có khao khát thành tích và sự nghiệp của bạn chính là cách nhanh nhất để theo đuổi điều này”.

Tuy nhiên sao lãng các mối quan hệ cá nhân sẽ gây ra những hậu quả bất lợi và không thể thay đổi được.

6. Xác định vốn xấu và tốt 

Giáo sư Amar Bhide đã viết trong cuốn sách "Origin and Evolution of New Business" (Nguồn gốc và sự tiến hóa của doanh nghiệp mới) rằng 93% các công ty thành công phải từ bỏ các chiến lược ban đầu của họ. Họ phải có khả năng chuyển đổi các chiến lược của mình vì họ phải có sẵn tiền và các nguồn lực để tạo ra sự thay đổi.

Công ty Motorola đã mạo hiểm đầu tư 6 tỷ đô la vào Iridium và cuối cùng đã thất bại, phải bán tống bán tháo công ty này với giá 25 triệu đô la. Đây là vụ đầu tư tồi  và số tiền đầu tư càng lớn thì càng khó đảo ngược tình hình.

Vốn đầu tư tốt là đầu tư vào những thứ có nhiều khả năng thu về lợi nhuận tốt hay ít nhất cũng chừa lại cho bạn một chút nguồn lực để xoay sở.

Trong cuộc sống riêng của mình, chúng ta dễ dàng lưu luyến những vụ trao đổi ngắn hạn. Nhưng nếu bạn không đầu tư vào những thứ quan trọng như các mối quan hệ bạn bè từ sớm thì sẽ đến lúc bạn cần họ nhất cũng là lúc bạn nhận ra đã quá muộn.

7. Đừng liên tục đầu tư 


Trong kinh doanh, các công ty có thể mắc những lỗi lớn do chậm trễ mở rộng qui mô hay phản ứng chậm trễ trước một đối thủ cạnh tranh lợi hại. Hãy trông vào những chiến lược thất bại của những ông lớn như Blockbuster và Best Buy để rút ra kinh nghiệm cho mình.

Xã hội cố gắng thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có thể tính toán thời gian cho các khoản đầu tư của mình bằng cách trước tiên dành năng lượng cho một công việc và sau đó tập trung vào hôn nhân và cuối cùng là con cái. Nhưng thường thì mọi thứ không diễn ra tuần tự như vậy. "Nếu bạn trì hoãn đầu tư thời gian và năng lượng cho tới khi bạn nhận ra là mình cần phải làm như vậy thì mọi sự thay đổi sẽ là quá muộn”, Christensen viết.

8. Cẩn thận với cái bẫy đến từ những suy nghĩ ngoài lề 

Suy nghĩ ngoài lề về cơ bản là những suy nghĩ ngắn hạn. Đó cũng là lỗi mà các nhà bán lẻ lớn và những doanh nghiệp khủng hay mắc phải.

"Chẳng công ty nào lại muốn bị các đối thủ nuốt chửng cả. Thay vào đó, họ đưa ra những quyết định vô thưởng vô phạt đã có từ trước nhiều năm và đã đưa họ tới bước đường kinh doanh hiện nay",  Christensen viết tiếp.

Cuối cùng, kiểu gì bạn cũng phải trả giá đầy đủ.

Thay vì lờ đi những đối thủ nguy hiểm mới, các công ty đã từng một lần thống trị nên dùng tiền để nâng cấp hệ thống, trang bị lại các mô hình kinh doanh và đáp trả các đối thủ cạnh tranh trước khi quá muộn.

Trong cuộc sống của chính chúng ta, "suy nghĩ ngoài lề có thể rất, rất nguy hiểm”- chúng có thể dẫn chúng ta tới những sai lầm lớn theo thời gian. Suy nghĩ ngoài lề là nguồn gốc của những vụ bê bối nội gián trong kinh doanh.

9. Hiểu rõ khách hàng muốn gì  

IKEA đã trở thành  một trong những nhà bán lẻ thành công nhất thế giới do đã quan tâm đúng tới những gì khách hàng muốn chứ không phải những gì họ nghĩ nghĩ khách hàng cần.

"Hầu hết các nhà bán lẻ đều được tổ chức dựa trên một phân khúc khách hàng hoặc  một kiểu  sản phẩm. Cơ sở khách hàng có thể phân chia theo nhân khẩu học mục tiêu”, Christensen viết. "IKEA đã có một cách làm hoàn toàn khác biệt”. 

Chúng ta thường cố gắng làm theo những gì người khác mong muốn chúng ta làm. Nhưng thay vào đó, chúng ta nên thực hiện theo cách chỉ phù hợp với chính cuộc đời mình.

10. Kiểm tra các giả định trước khi hành động 

Trước khi đưa ra một quyết định lớn, kiểm tra các giả định là một việc quan trọng cần làm. Đó chính là giá trị của nghiên cứu thị trường.

Các công ty thường mắc nhiều lỗi lớn vì họ đã không đánh giá đúng thị trường trước khi ra nhập. Ví dụ,  công ty Best Buy đã không nhận ra được rằng thị trường Châu Âu không thích các nhà bán lẻ lớn, họ thích các cửa hàng nhỏ hơn. 

Và Disney cũng mắc một sai lầm lớn tại thị trường châu Âu. Công viên Theme Park Paris đã trở thành thảm họa vì nó chỉ có 15 khu vui chơi trong khi các công viên khác trên khắp thế giới lại có tới 45. Những người lập kế hoạch đã tính toán sai về số lượng khách họ có thể có và khoảng thời gian các vị khách muốn lưu lại.

Trong cuộc sống, chúng ta phải lập kế hoạch trước và phác họa mọi thứ thật cụ thể trước khi đưa ra các quyết định lớn— nhưng điều này chỉ giúp ích nếu chúng được dựa trên những giả định hợp lý. Hãy luôn nghĩ “liệu điều này có chính xác không”? 

11. Không bao giờ thuê gia công bên ngoài trong tương lai 

Dell đã từng là một công ty đột phá hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước một phần vì họ đã thuê công ty cung ứng Asus đến từ Đài Loan gia công linh kiện.

Wall Street đã phản ứng lại một cách nồng nhiệt. Nhưng dần dần Dell thuê luôn Asus quản lý chuỗi cung ứng của họ và bản thiết kế máy vi tính nữa, và cuối năm 2005, Asus đã công bố thương hiệu máy tính của riêng mình. "Trong  nhiều năm, Dell đã dần trở nên tầm thường trong mắt người tiêu dùng".

Hiện nay Now Dell đã chuyển sang một phân khúc thị trường khác nhưng câu chuyện trên vẫn còn nguyên tính cảnh báo. "Theo thời gian, các ưu tiên của một công ty phải  tương thích với cách kiếm tiền của chính nó”, Christensen viết.

Ví dụ, chúng ta có thể thuê người ngoài làm thay bổn phận làm cha mẹ, nhưng sẽ phải mất nhiều năm thì những hậu quả của việc “thuê ngoài” này mới trở nên rõ rệt. Thành công và hạnh phúc đích thực không đến từ những nguồn lực dồi dào. Nó Chúng chỉ tới khi bạn có thể sống độc lập và chinh phục được mọi thử thách.
12. Có một bàn tay vô hình đằng sau mọi thứ  


Trong kinh doanh, "bàn tay vô hình" chính là cái điều khiển các doanh nghiệp và thị trường. Theo học thuyết của nhà kinh tế học Adam Smith thì một khi các hệ thống đã được được đặt vào đúng chỗ trong một xã hội tự do, mọi người sẽ tìm ra cách hay nhất để đạt tới sự thịnh vượng. 

Cũng như vậy,  Edgar Schein, một trong những học giả hàng đầu thế giới về văn hóa tổ chức tới từ trường Đại học công nghệ Massachustte cho rằng chỉ có các qui định và hướng dẫn không thôi thì không thể tạo ra một nền văn hóa công sở. Cần phải có những hành động và thông điệp mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo để tạo ra phương hướng cho toàn công ty. Pixar chính là một trong số hiếm hoi các công ty có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Chúng ta không thể chỉ đơn giản sống dựa trên các quy tắc. Các quy tắc đó cũng cần phải đi kèm với những hành động và có tính thuyết phục.  

13. Cam kết dành 100% thay vì 98% thời gian

Vấn đề đối với suy nghĩ ngoài lề chính là bạn tin rằng nó chẳng ảnh hưởng gì đến các quyết định quan trọng cả. Nhưng thật ra nó cũng có sự ảnh hưởng nhất định.   

"Hầu hết chúng ta đều tự thuyết phục chính mình là mình có thể phá vỡ các qui tắc cá nhân với câu “chỉ một lần này thôi”, Christensen viết. "Trong suy nghĩ của mình, chúng ta có thể biện minh những lựa chọn nhỏ đó. Khi lần đầu tiên những việc này xảy ra, chúng ta sẽ không thấy chúng là những quyết định làm thay đổi cuộc sống. Các chi phí ngoài lề hầu như luôn thấp”. 

Bạn phải thấy được những thứ ẩn sau những con số: “Cách duy nhất để tránh những hậu quả do đi ngược lại các qui tắc trong cuộc sống là đừng bao giờ thực hiện những hành động đó”.

14. Ngăn chặn sai lầm bằng một lời tuyên bố chỉ mục đích  


Mọi câu tuyên bố chỉ mục đích đều có ba phần:  chân dung, cam kết và các số liệu.

Chân dung là hình ảnh mà công ty sẽ trở thành. Cam kết và  các số liệu là phương tiện để công ty đạt được hình ảnh đó.

"Mục đích phải được lựa chọn và hiểu rồi sau đó là thực hiện đến cùng,"  Christensen viết.

15. Kiểm tra các học thuyết bằng cách tìm ra những điểm bất thường 


Cách hay nhất để kiểm tra bất cứ học thuyết nào là hãy tìm kiếm những điều bất thường hay những điều mà học thuyết không thể giải thích được.    
                                                                           
Trong khoa học và thế giới kinh doanh, những điều bất thường có sức mạnh đảo ngược hoàn toàn cách suy nghĩ của chúng ta và cách hoạt động của thị trường.

(Dịch từ Businessinsider)

Flag Counter