Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Xu hướng làm việc tại nhà lên ngôi trong năm 2013

Thay vì tuyển nhân sự làm dài hạn, nhiều công ty tìm cộng tác viên vào mùa cao điểm sản xuất kinh doanh để giảm bớt chi phí "nuôi quân" hàng tháng.


Kế toán viên có thể làm sổ sách cho nhiều công ty khác nhau. Đây là một trong những việc làm bán thời gian, tại nhà phổ biến hiện nay.

Đặc điểm chính của thị trường lao động năm 2013 là công việc bán thời gian, làm việc tại nhà (qua mạng thông tin điện tử và tự tạo việc với mô hình cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ) sẽ tăng nhanh so với năm 2012.

Nhận định được đưa ra sau khảo sát do Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM thực hiện ở 27.247 doanh nghiệp, phỏng vấn trực tiếp 2.080 công ty về nhu cầu tuyển lao động năm 2013.

Xu hướng làm việc tại nhà đã manh nha từ nhiều năm nay, song theo Phó giám đốc thường trực Trần Anh Tuấn, trào lưu này sẽ bùng phát mạnh mẽ ở năm tới. Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tái cấu trúc, thu hẹp hoạt động nên rất hạn chế tuyển dụng. Công nghệ thông tin, tổ chức sự kiện, giúp việc nhà, kế toán, may gia công… là những việc làm tại gia phổ biến hiện nay.

Lãnh đạo trung tâm đánh giá, dạng công việc này giúp người lao động linh hoạt trong thời gian biểu. Những ai có năng lực vẫn có thể "chạy sô" ở nhiều chỗ. Trong tình hình khó khăn, mục tiêu của doanh nghiệp là hiệu quả cao nhất nhưng chi phí phải thấp nhất. Hình thức thuê đội ngũ bên ngoài để xử lý công việc do vậy sẽ phát triển ở năm 2013.

Theo đại diện một trang web tuyển dụng, số lao động tìm việc tại nhà năm nay khoảng 10.000 người, tăng 27,2 % so với năm ngoái. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân viên bán thời gian, cộng tác viên tăng tới 34,2% so với năm ngoái, với hơn 7.000 đơn vị và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.

Trên website tìm việc khác, tháng 12, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 977 vị trí cho các công việc làm việc tại nhà, bán thời gian, tăng 12% so với cùng kỳ. Lãnh đạo website này tiết lộ, số ứng viên đăng ký làm bán thời gian, tại gia từ đầu năm đến nay là 46.934 người, tăng 17% so với năm 2011.

Với xu hướng này, nhà tuyển dụng không trả lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, y tế và các loại phí khác cho người làm thời vụ. Bà Hoàng Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc công ty Phần mềm Số một (Somotsoft) cho biết, tùy theo nhu cầu của từng dự án mà công ty sẽ tuyển chuyên viên hỗ trợ. Các công việc như bảo mật, viết chương trình... có thể mang về nhà làm.

"Chỉ cần xong dự án nào thì trả tiền ngay cho người lao động và không ràng buộc vào điều khoản hợp đồng lao động theo hình thức dài hạn", bà Hà nói.

5 năm chỉ chuyên nhận làm dự án cho các công ty nước ngoài, anh Thanh Hải, quận 7, TP HCM chia sẻ: “Do chủ động về thời gian nên tôi dễ phân bổ công việc và có khi tham gia nhiều dự án, thu nhập hàng tháng trên 20 triệu đồng”.

Anh Hải cho biết cái lợi của hình thức này là “tiền trao cháo múc”, tức làm xong dự án nào sẽ nhận được tiền ngay, không có chuyện nợ lương như khi còn là nhân viên chính thức ở công ty công nghệ cách đây 5 năm. Tuy nhiên, áp lực cũng không nhỏ vì công ty nước ngoài yêu cầu cao và phải hoàn thành dự án đúng tiến độ, nếu không sẽ bị phạt hợp đồng, mất uy tín.

Còn anh Danh, quận 3, TP HCM đang là cộng tác viên, chuyên chạy event kinh doanh phân tích: “Trước đây tôi đầu quân cho công ty tổ chức sự kiện, có tháng chẳng có sô nào, chỉ nhận lương cơ bản và không có thời gian làm thêm vì công ty quy định khắc khe về giờ giấc làm việc. Do đó, lúc rảnh rỗi muốn kiếm thêm việc làm cũng khó, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ". Chính vì vậy, anh quyết định nghỉ việc và nhờ các mối quan hệ sẵn có để bắt mối làm ăn.

Theo Vnexpress

Vận hành hiệu quả doanh nghiệp mua nhượng quyền

Một khi đã chọn được thương hiệu nhượng quyền, ký kết hợp đồng, thiết lập nguồn tài chính và tham gia các chương trình đào tạo, bạn còn phải quan tâm thực hiện nhiều việc khác. Đó là:



- Chọn loại hình kinh doanh
- Đàm phán việc thuê mặt bằng
- Mua trang thiết bị và hàng hóa
- Giám sát các thay đổi cấu trúc công trình và xây dựng
- Tuyển chọn nhân viên
- Lên kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Mỗi công đoạn đều có tác động lên sự thành công của giai đoạn khởi nghiệp.
Lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp
Bạn sẽ phải chọn trong số ba loại hình kinh doanh trước khi tiến hành khởi sự kinh doanh: đơn vị kinh doanh cá thể, đơn vị hợp tác kinh doanh và công ty. Do mỗi mô hình có khác nhau về chi phí thành lập, thuế và trách nhiệm pháp lý, bạn nên hỏi ý kiến cả luật sư và kế toán trước khi ra quyết định.

Đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng
Một khi bạn đã lựa chọn cơ cấu doanh nghiệp, bạn có thể tiếp tục với những quyết định liên quan đến việc điều hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại. Nếu bạn đang kinh doanh bán lẻ, rất có thể bạn đã ổn định được vị trí kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ khó khăn hơn cần phải giải quyết là đàm phán để thuê một mặt bằng với chủ đầu tư hay đơn vị phát triển khu trung tâm mua sắm.

Tất cả các hợp đồng thuê đều có những điều khoản cơ bản như giá trị tiền thuê, thời hạn thuê, ngày thực hiện, mô tả về tòa nhà/mặt bằng và các tùy chọn trong việc gia hạn hợp đồng thuê. Ngoài ra, các hợp đồng thuê còn bao gồm những nhu cầu và yêu cầu chi tiết của chủ cho thuê. Điều quan tâm lớn nhất của bạn cùng với luật sư là xem xét hợp đồng thuê một cách cẩn thận và đàm phán những điều khoản có vấn đề.

Đừng nên nóng vội trong quá trình đàm phán. Những cuộc đàm phán thường không dễ dàng hoặc vui vẻ gì, nhưng mất thời gian để có được một hợp đồng tốt nhất cho việc kinh doanh mới là điều quan trọng. Thường thì những người mua quyền thương mại nào ký hợp đồng thuê mặt bằng một cách nhanh chóng sẽ sớm lâm vào hoàn cảnh không có lợi nhuận hoặc thậm chí đối mặt với nguy cơ thất bại.

Bên cạnh các câu hỏi về chi phí và quyền lợi của các điều khoản thuê, hãy chú ý những điểm sau:

- Cân đối thời hạn của hợp đồng thuê nhà với thời hạn của hợp đồng nhượng quyền. Ví dụ, nếu hợp đồng nhượng quyền là 5 năm thì hợp đồng thuê cũng ký 5 năm.
- Yêu cầu chủ cho thuê viết thêm các tùy chọn gia hạn hợp đồng.
- Chú ý ngày thực hiện hợp đồng thuê. Nếu được, hãy cố gắng làm sao để không phải trả tiền thuê trước khi mặt bằng sẵn sàng cho việc sử dụng.
- Hãy yêu cầu miễn phí tiền thuê một vài tháng nếu ký hợp đồng thuê dài hạn.
- Phải đảm bảo có một điều khoản cho phép bạn quyền sang, cho thuê lại mặt bằng trong trường hợp bạn bán lại quyền kinh doanh cho người khác.
- Thương lượng với chủ cho thuê để cùng tham gia công việc làm biển hiệu quảng cáo và công việc xây dựng.

Lắp đặt máy móc thiết bị bên trong
Sau khi giải quyết ổn thỏa việc thuê và các hợp đồng thuê, bạn phải quyết định tiến hành việc thiết kế cửa hàng, lắp đặt trang thiết bị và mua sắm hàng hóa. Bên nhượng quyền thường đưa ra những giới hạn và quy định về kỹ thuật. Để làm đúng các nguyên tắc, họ đưa ra và thỏa mãn nhu cầu công việc kinh doanh của mình, bạn có thể sửa chữa lại cấu trúc của cơ ngơi thuê trước khi khai trương.

Thời gian cần thiết để bạn chọn lựa và lắp đặt đồ đạc, trang thiết bị phù hợp nhất sẽ tương ứng gián tiếp với tuổi đời và sự phức tạp của hệ thống mà bạn mua. Những hệ thống nhượng quyền lâu năm hơn, lớn hơn thường trang bị hệ thống máy móc thiết bị một cách khoa học. Mọi thứ phải được vạch ra một cách rõ ràng bao gồm các trang thiết bị tốt nhất, bố trí chúng chỗ nào, và lắp đặt chúng ra sao. Ngược lại, một trong những hệ thống nhượng quyền hoặc cơ sở nhượng quyền mới khởi nghiệp sẽ không có được những gợi ý đúng đắn và có hiệu quả như vậy.

Quản lý việc “xây dựng”
Khi nói về việc xây dựng hay thay đổi cấu trúc ngôi nhà, gọi chung là “xây dựng”, chúng ta thường nghe các từ như “kinh khủng” và “ác mộng”. Những phản ứng đó là kết quả của những vấn đề bất ổn như:

Các chi phí xây dựng ước tính của bên nhượng quyền dựa trên chi phí hàng bán, dịch vụ và nhân công trong khu vực giá rẻ. Hãy chú ý đến biên độ thay đổi về giá tại những khu vực khác nhau.

Không tiên liệu trước các quy định của chính quyền địa phương có thể làm phát sinh chi phí đối với người mua quyền thương mại.

Đội ngũ thợ xây dựng do quản lý lỏng lẻo hoặc không có nguyên tắc làm ra những sản phẩm tệ hại có thể làm phát sinh đột biến các chi phí.

Nhân viên - trái tim của doanh nghiệp

Thật lý tưởng, nếu bạn thuê được những nhân viên không chỉ thạo việc – có khả năng, nhiệt huyết, tận tâm – mà còn là những người mà bạn quý mến. Nếu cùng làm việc 40-60 giờ mỗi tuần với những người mà mình quý mến thì điều này sẽ thực sự mang lại nhiều lợi ích.

Mỗi doanh nghiệp có một chút khác biệt về cách tuyển chọn, tuyển dụng và giữ chân nhân viên, nhưng nhìn chung, tất cả những vấn đề liên quan đến nhân sự đều xoay quanh tỷ lệ thay mới nhân viên cao, động viên, đào tạo nhân viên và tìm được những người có kỹ năng đặc biệt.

Những người mua quyền thương mại thường tìm cách giúp cho nhân viên cấp thấp thể hiện phẩm chất tốt nhất của họ.

Lập kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Khi bạn khai trương một doanh nghiệp mới, bạn muốn mọi người biết về nó. Ở mức độ cao hơn, bạn còn muốn có nhiều người sử dụng thử sản phẩm hay dịch vụ của mình. Để đạt được mức độ đó, tùy thuộc vào sự lựa chọn thương hiệu nhượng quyền, bạn có thể phải thực hiện ít nhiều công tác chiêu thị.

Tìm ra biện pháp tốt nhất để quảng bá và chiêu thị sản phẩm và dịch vụ về cơ bản là một quá trình dò dẫm thử nghiệm. Chắc chắn, bạn sẽ phạm sai lầm lúc ban đầu. Việc lựa chọn thời điểm quảng cáo nhằm gây được ấn tượng mạnh và hiệu quả cao nhất cũng là một thách thức.

Theo nhuongquyenvietnam.com

Xử lý rắc rối trong kinh doanh

Khả năng kiếm tiền của một công ty sẽ được thể hiện khá rõ nét qua cách giải quyết những rắc rối nảy sinh đối với khách hàng. Về cơ bản, giải quyết vấn đề cũng giống như là thực hành những suy nghĩ chiến lược nghiêm túc. Chúng khác nhau ở tính tức thì, đột xuất hay dài hạn của vấn đề mà công ty đó phải đối mặt.


Do đó, sự kết hợp hai phương pháp tư duy này sẽ giúp ban lãnh đạo có được định hướng giải quyết các rắc rối phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn công ty.


Dưới đây là 5 bước sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp trở làm chủ những rắc rối, đón đầu và xử lý chúng trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn:

1. Nhận diện

Nhận diện được chính xác vấn đề để đối phó không phải là việc đơn giản thế nhưng nếu bỏ qua bước này công ty đã hoàn toàn "tự sát". Hãy suy nghĩ đến những vấn đề về doanh thu trước tiên. Có tới hàng trăm lý do để giải thích việc cần "săm soi" lĩnh vực này, bởi tính quyết định sống còn của nó đối với công ty. Và đây là điều kiện cần nhất để công việc kinh doanh tồn tại và phát triển. Một người giải quyết tốt sẽ đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất thực sự của vấn đề là gì thay vì suy đoán và ra những quyết định vội vàng.

2. Lên ý tưởng

Lãnh đạo công ty đang có một danh sách ngắn những rắc rối có thể xảy ra và suy nghĩ về tất cả những giải pháp có thể. Cách giải quyết hay nhất có thể xuất hiện từ những ý kiến nảy sinh từ người khác. Hãy tìm những người phù hợp nhất, cùng nhau tập trung lại và nghĩ về rất cả các giải pháp có thể sử dụng được. Đây không phải là thời gian để đánh giá. Quá trình đưa ra những ý tưởng chung không đồng nhất với việc đánh giá chúng. Vì vậy, đừng dập tắt việc lên ý tưởng bằng cách chuyển sang giai đoạn đánh giá.

3. Đánh giá

Đây là lúc dành để đánh giá những ý tưởng mà ban lãnh đạo đã có được trong suốt quá trình lên ý tưởng. Muốn đánh giá một ý tưởng, trước tiên phải dựa vào tác động của nó so với mục tiêu, tính khả thi dựa trên độ phức tạp khi thực hiện. Sự phức tạp ở đây được quyết định bởi yếu tố hai thứ là thời gian và tiền bạc. Tức là ý tưởng đó có mang đến thành công nhanh chóng trong thời gian giải quyết khủng hoảng của công ty không? Nó có những điều kiện để thành công trong quãng thời gian đặc biệt này không. Nó có phù hợp với ngân sách ở thời điểm đó không? Nếu công ty đang cố gắng cắt giảm 1.000 USD ngân sách mà ý tưởng đó chỉ tiết kiệm được 100 USD thì tác động của nó quá thấp. Một ý tưởng tiết kiệm được 1.000 USD là có vẻ khả quan hơn và sẽ có những tác động lớn hơn.

4. Hành động

Đây là bước mà không một người giải quyết tình huống nào bỏ qua. Bởi một ý tưởng rất hay không thể triển khai một cách bất cẩn. Người lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải thực hiện hết tất cả những ý tưởng, nhưng với tư cách là một người giải quyết rắc rối, họ có trách nhiệm đối với việc thực thi những giải pháp đã đề ra.

5. Kiểm tra lại

Đôi khi vấn đề đó vẫn tồn tại bởi vì giải pháp đưa ra không phù hợp. Đừng vội đầu hàng. Hãy trở lại bước thứ hai và thử nghiệm với giải pháp tiếp theo.

Giải quyết khó khăn là một kỹ năng rất rất cần thiết trong kinh doanh. Hãy luyện tập 5 bước kể trên để giải quyết từ những rắc rối nhỏ nhất. Hãy nhớ tính đồng bộ trong việc giải quyết rắc rối là một việc rất quan trọng. Biến những ý tưởng trở thành hành động, biến những kỹ năng trở thành thói quen, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có trong mình hành trang quan trọng nhất để đối diện với những khó khăn trên bước đường kinh doanh.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc giải quyết những rắc rối trong kinh doanh chính là những nỗ lực giữ gìn danh tiếng của công ty Johnson& Johnson khi công ty này gặp phải tai tiếng cho rằng Tylenol, một thương hiệu thuốc giảm đau gây ngộ độc chết người. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson& Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trước tình thế đó, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách. Họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà nạn nhân đã uống. Và thu được kết quả là những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm chất độc Xyanua nên mới gây đến tử vong. Tiếp theo, Tổng Giám đốc của Johnson& Johnson đã lên truyền hình xin lỗi về "tai nạn" kể trên và khẳng định sự vô hại của Tylenol. Công ty tuyên bố thu hồi tất cả những sản phẩm ở các đại lý tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín tránh những vụ tiêm độc xảy ra tương tự. Cuối cùng, công ty treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai cung cấp về thông tin kẻ gây độc.

theo thoibaokinhdoanh.vn

"Triết lý Sushi" của ông chủ nhà hàng 50m2 nổi tiếng khắp Nhật Bản

Thực đơn sushi ngon nhất thế giới tại nhà hàng 50m2 này cần được đặt trước ít nhất 3 tháng.

Chân dung "nghệ sĩ sushi"

Jiro Ono Sushi, một quán sushi nhỏ với diện tích chỉ hơn 50 mét vuông đã trở thành một nhà hàng nổi tiếng của cả Nhật Bản với thực đơn sushi được cho là ngon nhất thế giới.

Để được thưởng thức tại nhà hàng này, khách hàng cần đặt chỗ trước ít nhất 3 tháng. Jiro Ono, người chủ nhà hàng 85 tuổi được vinh danh là nghệ sĩ sushi hàng đầu Nhật Bản đã có 70 năm làm việc với thực đơn chỉ là sushi.

Đài truyền hình CNBC đã sản xuất một bộ phim tài liệu về cuộc đời và “sự nghiệp sushi” của Jiro Ono mang tên “Jiro Dreams of Sushi” được rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới đón nhận nhiệt tình. Họ bị chinh phục bởi một triết lý khởi nghiệp đầy nhân văn và văn hóa làm việc của người Nhật Bản. Từ một cửa hàng sushi nhỏ, Jiro trở thành một biểu tượng và niềm tự hào ẩm thực của Nhật Bản.

Triết lý khởi nghiệp của Jiro được gọi là “triết lý sushi” đã gợi ý cho chúng ta những bài học quan trọng sau:

Bạn phải yêu công việc của bạn

Jiro tâm sự: “Một khi đã quyết định về nghề nghiệp của mình, bạn phải nhấn chìm chính mình vào công việc, bạn phải yêu say đắm và không bao giờ được phàn nàn về nó. Bạn phải hiến dâng cả cuộc sống của mình để biết hết và làm chủ tất cả mọi kỹ năng cần thiết. Đó là bí quyết của thành công và là chìa khoá của sự vinh danh”.

Có một điều cần ghi nhớ rằng, Jiro không nói “hãy tìm công việc bạn yêu thích”, mà ông nhấn mạnh “bạn phải yêu công việc bạn đã chọn”.

Điều này có nghĩa là với công việc, bạn phải ý thức và nuôi dưỡng tình yêu giống như trong hôn nhân vậy. Điều này hoàn toàn khác sự yêu thích của tuổi trẻ bồng bột, một sáng thức dậy thấy háo hức muốn thực hiện một điều gì đó thế rồi vỡ mộng và chán chường sau đó vài tuần khi va chạm những thử thách. Tình yêu công việc đòi hỏi một sự cống hiến gần như trọn đời.

Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến hai cụm từ phổ biến “làm việc vì tiền” và “làm việc vì lòng say mê”. Niềm đam mê công việc là hành trình thực hiện một ước mơ, có đôi lúc chúng ta phải chịu đựng những điều kiện làm việc cực nhọc, để rồi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống khi thành công.

Không quá tệ nếu chúng ta bị trách là chỉ biết “làm việc vì tiền”, nhưng “làm việc bằng lòng say mê” là một cuộc cách mạng trong mối quan hệ giữa chúng ta và công việc, là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chuyên môn hóa và đơn giản hóa

Sushi được định nghĩa như một món ăn đơn giản, nhỏ gọn. Nhưng chính Jiro đã đưa món ăn này lên một cấp độ mới. Khác với những nhà hàng khác, Jiro không phục vụ các món ăn như khai vị hay tráng miệng, thay vào đó thực khách được phục vụ với 20 món sushi đầy đủ mùi vị, và chỉ sushi mà thôi.

Điều đặc biệt, nhà hàng của Jiro chỉ có 10 chỗ ngồi, điều này giúp cho các nhân viên của ông được tập trung để làm ra các món sushi ngon nhất. Họ cũng có thể giúp họ quan sát chi tiết tính tình của từng khách hàng và phục vụ tốt nhất.

Không gian nhỏ của nhà hàng giúp nhân viên có thể quan sát hiểu hiện của từng khách hàng để có thể phục vụ tốt nhất

Yoshikazu, con trai đầu của Jiro - người hiện nay được kế thừa quản lý nhà hàng cho biết, các nhân viên trong nhà hàng làm công việc lặp đi lặp lại hàng ngày như nhau, điều đó tạo điều kiện họ làm chủ đầy đủ các kỹ năng nhỏ nhất và tạo ra các món sushi có chất lượng rất ổn định.

Jiro cũng làm đi làm lại công việc của ông hàng ngày trong suốt 70 năm, điều đó giúp cho ông hiểu rõ tất cả mọi điều về thế giới sushi. Sự sáng tạo của ông cũng chỉ tập trung trong ngành hẹp là sushi thay vì đi theo chiều rộng. Ông đã đưa món sushi của mình thành một môn nghệ thuật đầy hấp dẫn.

Sự hy sinh

Khi các bạn quyết định chọn kịch bản cho cuộc đời mình là “làm công việc mình yêu thích” thì cần chú ý rằng, kịch bản này có chi phí rất cao, đặc biệt là trong thời gian đầu. Một khi bạn chọn con đường này thì phải sẵn sàng trả học phí cho việc nhập học. Vì có thể bạn phải làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được ít tiền hơn so với những người xung quanh.

Ông Jiro OnoJiro là một người thợ làm sushi hạnh phúc, ông yêu công việc và thực hiện nó hầu như suốt cả cuộc đời

Jiro đã phải chấp nhận xa gia đình, xa những đứa con đang lớn của mình để tập trung toàn bộ thời gian vào công việc học hỏi và sản xuất sushi. Có lúc ông phải chống chọi với sự đói nghèo. Những đứa trẻ của ông phải tiết kiệm hàng tháng trời mới đủ tiền mua được một lon coca-cola.

Cuộc sống của Jiro hôm nay lại khác, ông trở thành giàu có và nổi tiếng với chính niềm đam mê của mình. Mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết khi hai con trai của ông quyết định nối nghiệp sushi của cha. Ông kiên trì lót những viên đá thành con đường thành công từ chính cái bếp sushi nhỏ của mình.

Jiro đã thấy được ước mơ của ông không thể thực hiện được qua những giải pháp nhanh chóng, mà là một sự khổ luyện thậm chí đôi khi là đau đớn để hoàn thành.

Khi bạn "kết hôn" với công việc, sống với nó, phần thưởng bạn nhận được luôn luôn xứng đáng.

Theo Nhượng quyền Việt Nam

Soi mình để tiến bước

"Soi mình" hay "phản quang tự kỷ” là một trong những năng lực quan trọng của bất kỳ nhà quản trị hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong mắt thế hệ đi trước như chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, TS. Vũ Minh Khương, nhạc sĩ Dương Thụ..., hình ảnh của người trẻ nói chung và thế hệ doanh nhân tương lai nói riêng vừa "tròn" lại vừa "méo".
Nỗi sợ không thành công
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, thế hệ trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, năng động và có những điều kiện mà thế hệ trước không có được. Thế nhưng, điểm yếu lại là không biết sử dụng sự nhanh nhạy, năng động này vào những việc gì, hay nói cách khác là mất phương hướng trong hành động.
Giới trẻ hiện nay rất khát khao thể hiện bản thân, nhưng lại thiếu tư duy độc lập, thế nên thường a dua, bắt chước. Họ không hề sợ thất bại, trái lại còn đủ bản lĩnh để đón nhận thất bại, vậy nhưng, cái mà họ sợ nhất là "không thành công", đặc biệt là không thành công như những bạn bè cùng trang lứa.
"Cũng chính vì tâm lý này mà đa phần giới trẻ hiện nay chưa thể làm được những điều to lớn. Thực sự, đi phượt, ca hát, nhảy múa... không phải là sức sống, mà sức sống thật sự phải là những gì cháy bỏng tự bên trong mỗi người để tạo nên giá trị cho xã hội", nhạc sĩ nhận xét.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận xét giới trẻ bằng hai tính từ ngắn gọn: "nhạt nhẽo và dữ dội". Dữ dội là thái độ dám dấn thân, là quyết tâm tạo nên những điều to lớn, còn nhạt nhẽo là do thiếu một lý tưởng, một định hướng cho cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, không ít bạn trẻ dám dấn thân nhưng chưa thật sự tìm ra một lý tưởng, một định hướng cho mình, và chưa thể thuyết phục cộng đồng cùng đi theo lý tưởng ấy.
"Thế hệ của chúng tôi cũng không thể gọi là dữ dội, bởi nếu dữ dội thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã có thể sánh vai với các dân tộc như Singapore hay Hàn Quốc rồi", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, giáo sư giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Viện Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ, những khác biệt giữa thế hệ trưởng thành và thế hệ trẻ thể hiện ở ba yếu tố: xúc cảm, tư duy và năng lực hành động.
"Soi" vào giới trẻ hiện nay, TS. Khương cho biết, các bạn đang thua thế hệ già về mặt xúc cảm, hơn về năng lực tư duy và tương đồng về năng lực hành động, tức tư duy chiến lược còn yếu, thừa thực dụng nhưng thiếu thực tế và hợp tác kém.
Khoảng cách hai thế hệ
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết, thế hệ những người đi trước như ông không có tuổi trẻ, bởi ai cũng già trước tuổi. Trong khi đó, thế hệ hiện nay sẽ không có tuổi già bởi các bạn cứ trẻ mãi mà không chịu lớn.
Theo ông, một người trẻ cần hội đủ hai yếu tố: cái đầu dám suy nghĩ độc lập, tin và theo đuổi chân lý đến cùng; và trái tim dám ước mơ, sống cống hiến, dám theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn lại giới trẻ hiện nay, đa phần các bạn thích chọn con đường dễ dàng, thích làm giàu nhanh chóng, thích có bằng cấp mà không chịu khó "thực học", thiếu tinh thần sánh vai và chưa tìm thấy hệ giá trị thực nâng đỡ cho mọi hành động.
Cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên Đại học Stanford, hiện là Giám đốc Chiến lược của Viện Yola, và nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế của thế hệ mình như lời chia sẻ của những người đi trước.
Quả thật, thế hệ trẻ hiện nay thừa thông minh, giỏi giang, nhưng vẫn còn thiếu một tiếng nói chung, lý tưởng chung để ra sức phấn đấu, cống hiến.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ, dù có những điểm vượt trội nhưng thế hệ đi trước cũng có những sai lầm, chẳng hạn như cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, điều mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang đấu tranh để khắc phục.
Như vậy, khoảng cách thế hệ thật sự hiện hữu, nhưng làm thế nào để lấp đầy khoảng cách này, để các thế hệ hiểu được nhau thì mới có sự giao thoa về tri thức giữa các thế hệ, để cùng nhau tạo nên những giá trị mới cho cuộc sống mới là chuyện quan trọng nhất.
Mượn hình ảnh trẻ trung của nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia Giản Tư Trung cho biết, nhà văn hiện đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lướt web, sử dụng iPad thành thạo và có thể nói chuyện "tâm đầu ý hợp" với một sinh viên 20 tuổi bằng chính "ngôn ngữ hiện đại" của họ.
"Vậy vấn đề ở đây không phải là tuổi tác, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng để hiểu những người thuộc thế hệ khác với mình hay không?", ông Trung nhấn mạnh.
Rõ ràng, "sống đậm" hay "sống nhạt" thực ra không phải là bản chất, thuộc tính của giới trẻ, mà chỉ là những biểu hiện tại thời điểm hiện nay. Và, điều quan trọng là người trẻ có quyền lựa chọn lối sống cho chính mình và thế hệ của mình.



TRUNG ĐẶNG

Giới trẻ táo bạo khởi nghiệp dù 'khát' vốn

Nhiều bạn trẻ quyết từ bỏ việc làm thuê để ra kinh doanh, không ngại ba lần bốn lượt khởi nghiệp bất thành dù hành trình tìm vốn rất gian nan. Thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp cũng lập dự án kinh doanh để thử sức mình.

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Hồng Đức - sinh viên năm ba trường Đại học Bách Khoa TP HCM, vẫn háo hức muốn thử sức với công việc kinh doanh mà bạn chưa từng có một ngày kinh nghiệm. Học chuyên ngành xây dựng cầu đường, nhưng cậu sinh viên năm ba lại muốn dấn thân vào lĩnh vực dịch vụ giải khát ăn uống. Đức còn băn khoăn có nên tạm dừng việc học để thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hay không.
Đức chia sẻ đã lập dự án mở một quán cà phê có tên "Lặng", phổ biến ngôn ngữ ký hiệu, theo mô hình khác với những quán cà phê thông thường. Đây là ý tưởng kinh doanh hướng đến cộng đồng, vừa tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng vừa là sân chơi cho những bạn trẻ ưa thích ngôn ngữ ký hiệu. Không có vốn, cậu đang trình bày dự án này để tìm kiếm nhà đầu tư.
"Tôi muốn dùng dự án này tham dự cuộc thi Lương Văn Can. Mục đích nhằm thông qua hội đồng phản biện của cuộc thi để làm bài test cho chính mình trước khi bước vào môi trường kinh doanh thực thụ", Đức nói.
Các bạn trẻ đang phát biểu, đặt câu hỏi trong chương trình Câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thanh
Không phải là lính mới như sinh viên Lê Hồng Đức, mới ngoài 30 nhưng anh Hưng đã nhiều lần lăn lộn với không ít ngành nghề khác nhau. Hưng chia sẻ: "Tôi đã 4 lần khởi nghiệp, thành công và thất bại đều đã từng nếm trải nhưng chắc chắn tôi sẽ không bỏ cuộc".
Hưng chia sẻ đang khởi động một dự án phần mềm, đến giai đoạn thử nghiệm áp dụng vào thực tiễn nhưng gặp khá khó khăn ở khâu tìm vốn. Theo anh Hưng, rào cản của những người trẻ khởi nghiệp chính là các nhà đầu tư luôn yêu cầu dự án phải chứng minh được tính hiệu quả ngay từ khi còn nằm trên giấy hoặc chỉ là kế hoạch. "Tôi hy vọng trong thời gian tới thị trường có thêm nhiều quỹ đầu tư, kênh tài chính sẵn sàng bảo trợ, nâng đỡ cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ", Hưng nói.
Có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong tập đoàn Hoa Sen rồi ra gây dựng sự nghiệp riêng, Giám đốc Công ty thép Tuấn Kiệt, Nguyễn Tuấn Khanh đồng quan điểm với anh Hưng về câu chuyện "đói vốn".
Anh Khanh phân tích, ai cũng muốn khởi nghiệp nhưng khó khăn lớn nhất chính là nền tảng tài chính cho giai đoạn đầu tiên của dự án. Các doanh nghiệp trẻ hiện nay vướng mắc ở chỗ họ không có kênh hỗ trợ tài chính đa dạng để làm tiền đề cho những dự án mới. Ngoài ngân hàng, các hiệp hội, doanh nghiệp trẻ hầu như không tiếp cận được với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh táo bạo của họ.
Chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong bước đầu khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, Phạm Phú Ngọc Trai nói: "Những ý tưởng kinh doanh táo bạo và tinh thần vượt khó của các bạn trẻ trong giai đoạn hiện nay là điều đáng quý. Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn eo hẹp nhưng các bạn đã không lùi bước và vẫn giữ được ngọn lửa đam mê".
Tuy nhiên theo chuyên gia này, các bạn trẻ không nên nghĩ khởi nghiệp là bỏ cái cũ để làm cái mới với số tiền vốn vượt khả năng chi trả, cũng đừng ép buộc bản thân phải chuyển đổi sang một công việc khác để bắt đầu sự nghiệp. Quá trình khởi nghiệp được tính từ giai đoạn các bạn trẻ còn ngồi ở giảng đường đại học cho đến lúc tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc rồi sau đó tích lũy vốn, nắm bắt cơ hội bứt phá sang giai đoạn tự làm chủ.
Ông Trai cho biết, trường hợp các doanh nghiệp trẻ, các bạn sinh viên chưa tiếp cận được với các kênh hỗ trợ vốn cho những dự án mới khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp để giới trẻ khắc phục điểm yếu này. Theo ông Trai, đầu tiên, người đề xuất ý tưởng và dự án kinh doanh cần tìm đúng nhà đầu tư thực sự quan tâm đến dự án. Đây là hành trình gian nan, đòi hỏi tính nhẫn nại, kiên trì và sáng tạo của các bạn trẻ. Khi đã tìm được nhà đầu tư, kế đến là công việc thuyết phục nhà đầu tư bằng cách chứng minh hiệu quả của suất đầu tư, khảo sát nhu cầu của thị trường và tính toán được khả năng thu hồi vốn...
"Nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn để rót vốn. Trong khi đó, người đang có dự án kinh doanh lại có rất ít sự lựa chọn. Vì thế, các ý tưởng, dự án kinh doanh phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để giành được suất đầu tư", ông Trai nhận xét.
Vũ Lê

Chàng trai 29 tuổi và công ty 400 triệu USD

Drew Houston, sáng lập viên công ty Dropbox đã nói không với những lời đề nghị mua lại từ Google và Apple. Anh hiện đang điều hành một trong các công ty mới nổi tăng trưởng nhanh nhất trong ngành Internet.



Drew Houston
Drew Houson xuất hiện tại sân khấu của chương trình SXSW như những chàng thanh niên 29 tuổi khác: quần jeans, áo hoodie có mũ và giầy bata. Nhưng sự khiêm nhường này của Drew Houston lại rất hiếm thấy – bởi anh là CEO và sáng lập viên của Dropbox, một công ty dịch vụ lưu trữ trực tuyến ra đời năm 2007 và hiện có giá trị khoảng 4 triệu USD.

Vào tháng 10/2011, công ty này đã giành được một khoản tiền khủng lên đến 250 triệu USD cấp bởi Series B, được tài trợ bởi quỹ đầu tư Index Ventures và những doanh nghiệp đại gia hàng đầu như Benchmark Capital, Greylock Partners và Institutional Venture Partners. Và với khoảng 50 triệu người dùng, trang web này đang cho thấy sự tăng tốc rất mạnh mẽ.

Trong cuộc đối thoại với Kara Swisher, nhà báo - biên tập viên công nghệ trang AllThingsD, Houston đã lý giải làm cách nào để né sự thâu tóm từ các ông lớn, phát triển công ty và tìm ra những cơ hội tiềm ẩn:

1. Tìm đúng người đồng sáng lập

Các nhà đầu tư mạo hiểm có xu hướng quan tâm đến giá trị của "đội nhóm". Với Houston, điều này chính là: tìm người đồng sáng lập Arash Ferdowsi, đó là nhân tố then chốt mở khóa thành công của anh.

Nhưng trong quá trình bắt tay khởi nghiệp, Houston lại chưa từng lên kế hoạch cho việc có thêm một đồng sáng lập. Trên thực tế, điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi anh nhận được lời khuyên từ Paul Graham, nhà điều hành Y-combinator (công ty mà Houston đăng ký chương trình cấp vốn cho các công ty mới khởi nghiệp), rằng anh cần có một cộng sự.

Houston cho biết, Graham đã nài nỉ để tạo ra "cuộc hôn nhân được sắp xếp" và nói với Houston rằng "chúng tôi sẽ không cấp vốn cho anh nếu anh không có ai đồng sáng lập với mình". Theo anh, "Người ta cảm thấy các công ty có đội nhóm hoạt động hiệu quả hơn các công ty chỉ có một sáng lập viên".

Thông qua một người bạn chung, Houston đã liên hệ được với Arash, từng học tại MIT (học viện công nghệ Massachusetts - nơi Houston vừa mới tốt nghiệp). "Chúng tôi làm quen qua email và gặp nhau ở sảnh chờ sinh viên", Houston nhớ lại, "Và sau hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã thống nhất về cơ bản là sẽ hợp tác cùng nhau đến cuối đời".

2. Giải quyết vấn đề mà mọi người cũng không biết là mình có

Hai câu hỏi xuất hiện trong mọi cuộc gặp gỡ lần đầu với các quỹ đầu tư mạo hiểm là: "Công ty bạn đã giải quyết vấn đề nào và độ lớn của vấn đề đó ra sao?".

Điều đặc biệt đáng lưu ý về Dropbox là công ty này đã giải quyết vấn đề mà mọi người chưa từng biết là họ đang gặp phải.

"Không có thị trường cho lĩnh vực này", Houston cho hay, "Không ai tìm kiếm nó cả. Mọi người đang làm việc tốt và tiếp tục sử dụng ổ cứng của họ. Nếu bạn không biết bạn có vấn đề gì thì bạn sẽ chẳng tìm đến nó".

Nhưng Houston đã bị thuyết phục là dịch vụ lưu trữ đám mây (cloud storage) rất cần thiết, ngay cả với người chưa biết đến nó. Việc tự gửi email hoặc lưu trữ dữ liệu vào ổ cứng là những cách lưu trữ thông tin sẽ sớm lạc hậu, đặc biệt là khi Wi-Fi ngày càng trở nên phổ biến hơn.

"Giúp đỡ mọi người giải quyết một vấn đề mà họ không biết họ đang gặp phải, sẽ mở ra cho bạn rất nhiều cánh cửa", anh nói thêm.

3. Khước từ khi gặp lời mời đem bán lúc mới thành lập

Chắc hẳn, một lối thoát là mơ ước của nhiều doanh nhân. Nhưng không phải với Houston, người đã từ chối một đề nghị từ Apple với giá 100 triệu USD.

Houston kể về cuộc gặp với Steve Jobs đã trở nên rất tệ khi anh từ chối bán công ty:

"Bạn sẽ gặp một Steve lạnh lùng hoặc một Steve khó ưa", Houston nhớ lại, "Tôi đã nín thở và chờ đợi những chiếc ghế bị ném đi. Ông ấy nói với chúng tôi: Các anh chỉ là một tính năng chứ không phải là một sản phẩm. Các anh sẽ không bao giờ truy cập sâu được vào hệ điều hành OS của điện thoại đâu!".

Houston nhếch mép cười khẩy.

"Giống như tất cả các doanh nghiệp mới khởi nghiệp đang bị lôi kéo, bạn sẽ nhận được những lời đề nghị", Houston nói, "Chúng tôi đã cho thấy rõ ràng rằng công ty này không phải để đem bán. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn trò chuyện với Steve. Tôi nói rằng chúng tôi thực sự hãnh diện vì được chú ý, nhưng chúng tôi muốn xây dựng công ty này. Đó là một trải nghiệm lớn và là một công việc độc đáo đáng làm trong cuộc đời".

Theo DNSG

Hình thức đầu tư mạo hiểm – Tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Hãy tìm hiểu nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm và xem tiềm năng phát triển ở những nước đang phát triển như Việt Nam như thế nào?


Bạn có ý tưởng kinh doanh rất hay và đang từng bước triển khai thực hiện ý tưởng đó. Nhưng bạn thực sự lúng túng trước một núi công việc của một công ty mới thành lập (start-up) như quản lý, tài chính, kế toán, marketing...? Kế hoạch kinh doanh của bạn tuyệt hay nhưng đi kèm với đó là vô cùng mạo hiểm, bạn không muốn trút hết hầu bao của mình và gia đình vào kế hoạch này?

Công ty của bạn đang trên đà phát triển, số lượng hợp đồng, doanh số ngày càng tăng. Nhu cần mở rộng kinh doanh tỏ ra cấp thiết để sản phẩm dịch vụ của bạn có thể khẳng định được vị trí trên thị trường. Tuy nhiên để thuê thêm địa điểm, nhân lực, chi phí quảng cáo, marketing...rất lớn mà vốn của công ty không thể đáp ứng được. Mặt khác ngân hàng không thể cho công ty vay một số tiền lớn như vậy vì bạn không có đủ số tài sản thế chấp cần thiết. Làm sao để có được tiền đầu tư đây? Bạn muốn niêm yết Công ty mình trên thị trường chứng khoán (IPO), tuy nhiên điều kiện được niêm yết khó khăn ví dụ như để niêm yết ở sàn chứng khoán HCM (HoSe) thì số vốn tối thiểu là 20 tỷ; ở sàn NewYork là vài ba triệu đô. Vậy làm sao có thể mở rộng kinh doanh, tăng thêm vốn để ước mơ IPO trở thành hiện thực?

Trong vòng đời kinh doanh và đặc biệt là với các công ty mới thành lập (start-up company) thì những tình huống này xảy ra khá thường xuyên. Và khi nào bạn rơi vào các tình huống trên thì hãy nghĩ tới các công ty đầu tư mạo hiểm như là một lựa chọn để giải quyết!

Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) là gì?

Trước hết, đây là một trong các hình thức của đầu tư vốn tư nhân (Private Equity), là chiến thuật đầu tư vốn vào các công ty tư nhân có tiềm năng phát triển với mục tiêu làm tăng giá trị doanh nghiệp thông qua tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu hoạt động.

Các bước đầu tư vốn tư nhân bao gồm: xác định doanh nghiệp mục tiêu -> tăng trưởng giá trị doanh nghiệp mục tiêu (tư vấn chiến lược, tư vấn quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp) -> thoái vốn (niêm yết doanh nghiệp mục tiêu trên thị trường chứng khoán hay IPO; chuyển nhượng cho bên thứ ba; giải thể doanh nghiệp)

Tại Mỹ, hoạt động đầu tư mạo hiểm đang ngày một phát triển và hiện nay có gần 100.000 công ty chuyên về lĩnh vực này đang hoạt động. Còn theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh, gần như tất cả trong số ba triệu người làm việc trong các công ty Anh nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều công ty có thể đã không tồn tại nếu thiếu sự trợ giúp quý giá của các nhà đầu tư mạo hiểm, cụ thể là bằng tiền mặt và tư vấn về quản lý cho các công ty.

Vậy các nhà đầu tư mạo hiểm đã làm những gì?

Các công ty đầu tư mạo hiểm thường được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ một số ít theo mô hình công ty cổ phần, do công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ linh hoạt hơn trong việc quyết định các khoản đầu tư, trong khi ở công ty cổ phần thì những quyết định kiểu này phải được Hội đồng quản trị hay Hội đồng cổ đông thông qua. Vốn của các công ty mạo hiểm có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ những nhà đầu tư cá nhân ưa thích hoạt động đầu tư mạo hiểm, ngân hàng, đến các những quỹ trợ cấp, quỹ hưu trí,...Các dạng đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm có thể là một trong các hình thức sau:

  • Cung cấp vốn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển để cùng thực hiện chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.

  • Đầu tư vào các doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài và ở giai đoạn trưởng thành của chu kỳ phát triển

  • Đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng để trở thành một doanh nghiệp đầu ngành

  • Hoặc cứu vớt doanh nghiệp khó khăn đang đứng bên bờ vực phá sản

Sau đó, với kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình, họ có thể trợ giúp các công ty này trong hoạt động kinh doanh với hy vọng một ngày nào đó, các công ty này trở thành "những chú khủng long" thực sự. Lúc đó, khoản tiền đầu tư trước kia sẽ được thu về với số lượng lớn hơn gấp nhiều lần.

Đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư phải chấp nhận vòng quay vốn trung hạn hay dài hạn, thường là từ 5 đến 7 năm. Người ta có thể đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, tuy nhiên, vốn đầu tư mạo hiểm thường xuyên được tập trung vào các khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ sinh học, internet hay lĩnh vực công nghệ cao.

Vai trò quản lý trong hoạt động đầu tư mạo hiểm

Vai trò quản lý ở đây rất quan trọng, bởi vì các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần là người cung cấp vốn, mà vai trò của họ còn lớn hơn thế nữa khi họ là người đưa ra những lời khuyên hữu ích trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh. Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh cho biết, khoảng 50% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là nhằm mục đích mở rộng thị trường, đặc biệt là giúp các hoạt động kinh doanh hiện tại tăng trưởng và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đối với nhiều công ty, tất cả những gì họ cần từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là những khoản tiền mặt kịp thời và lời khuyên dành cho cấp quản lý.

Một số tập đoàn nổi tiếng hiện nay tại Anh được xây dựng từ những nguồn vốn đầu tư mạo hiểm như Lastminute.com, National Express Group, Trafficmaster và Whittards of Chelsea. Còn tại Mỹ, những cái tên như Apple, Federal Express, Compaq, Sun Microsystems, Intel và Microsoft được biết đến như những công ty ngay từ đầu đã chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển.

Đầu tư mạo hiểm không phải không có mặt trái

Cùng với chiều hướng tăng dần của các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, những rắc rối cũng đã bắt đầu nảy sinh từ việc nhiều người cho rằng đầu tư mạo hiểm chỉ là thủ đoạn mua rẻ bán đắt, về bản chất là một sự đầu cơ trục lợi. Trong nhiều cuộc thảo luận đầu tư vào các công ty nhỏ, những nhà đầu tư mạo hiểm bị buộc tội lợi dụng giá rẻ để kiếm lời, chỉ quan tâm đến vòng quay đồng tiền mà không quan tâmđến tương lai của các nhân viên. Và một hoạt động đầu tư mạo hiểm nào thất bại thì lại là cái cớ cho những người phản đối phương thức đầu tư này lên tiếng chỉ trích.

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã ra sức bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng họ hành động không chỉ vì lợi nhuận. Theo họ, những người chỉ trích đã không hiểu hết những ích lợi mà hoạt động mạo hiểm đem lại cho nền kinh tế. Tình trạng thiếu hụt tài chính sẽ là trở ngại lớn trên con đường phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào, trong khi hệ thống ngân hàng không đủ khả năng hỗ trợ vốn đã khiến các công ty gặp rất nhiều khó khăn trong cố gắng đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao năng lực kinh doanh. Do vậy, các công ty chỉ còn giải pháp là tìm ra mọi nguồn vốn đầu tư có thể.

Theo khảo sát của các nhà đầu tư mạo hiểm, đại đa số các công ty đã phát triển nhanh chóng sau khi chấp nhận các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, trong khi con số thất bại và gian lận là nhỏ hơn rất nhiều.

Chúng ta thử tưởng tượng sẽ là như thế nào nếu cách đây 26 năm, hai chàng sinh viên Bill Gates và Paul Allen phát minh ra phần mềm máy tính, nhưng họ lại không nhận được những khoản đầu tư mạo hiểm để tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Nếu quả thật như vậy thì chắc hẳn ngày nay chúng ta không thể được hưởng thụ những thành quả mà các phần mềm của Microsoft mang lại cho toàn thế giới.

Các công ty mới thành lập hiện có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hay, đồng thời rất cần vốn để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Nắm bắt được yếu tố này, những nhà đầu tư mạo hiểm đã không bỏ lỡ cơ hội, bởi họ nhìn thấy được, khi những ý tưởng kinh doanh này thành công thì lợi nhuận thu về sẽ gấp hàng trăm lần lượng số tiền bỏ ra ban đầu, mà lợi nhuận cuối cùng chính là phần thưởng cho những người có hiểu biết, có kinh nghiệm và dám mạo hiểm.

Ở Việt Nam, theo Dynasty Investment, Mekong Capital có 3 quỹ trị giá 181 triệu USD, VinaCapital dành 232 triệu USD vào đầu tư mạo hiểm, IDG Ventures hiện có 1 quỹ trị giá 100 triệu USD và đang thành lập thêm 2 quỹ mới trị giá 400 triệu USD, BankInvest có 1 quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD, Công ty quản lý quỹ Prudential đã đầu tư 130 triệu vào các công ty tư nhân, BVIM (liên doanh giữa Ngân hàng BIDV và Vietnam Partners LLC) cũng có 1 quỹ trị giá 95 triệu USD.

Một số các công ty quản lý quỹ khác cũng dành một phần trong danh mục đầu tư của mình cho hình thức đầu tư này là VietFund Management, Vietcombank Fund Management, Deutsche Asset Management với lần lượt 22, 45 và 42 triệu USD. Tổng cộng các quỹ này đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào các công ty tư nhân, cùng với những khoản đầu tư chưa được tiết lộ khác thì thị trường này ở Việt Nam có tổng trị giá khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD. 
Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam năm 1991. Năm 1995 là năm then chốt của hoạt động quỹ mạo hiểm khi có tới 5 quỹ với tổng số vốn đầu tư cam kết lên tới 303 triệu USD cho 56 công ty. Đến nay, Việt Nam hiện có các quỹ đầu tư mạo hiểm như Mekong Capital, VinaCapital, IDG Ventures, Dragon Capital và đang được xem là một thị trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Là một hình thức đầu tư hứa hẹn nhưng trên thực tế, việc triển khai quỹ mạo hiểm ở Việt Nam không phải là đơn giản và dễ dàng.

- Khó khăn thứ nhất là ở Việt Nam thị trường chứng khoán hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1996. Tuy nhiên, đến tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu đi vào hoạt động. Sau hơn 10 năm, thị trường chứng khoán đã từng bước phát triển nhưng không thực sự ổn định đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư mạo hiểm muốn đổ tiền vào các công ty thông qua vấn đề niêm yết công ty.

- Khó khăn thứ hai là về chất lượng doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được với các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn của quỹ. Đó cũng là lý do để một quỹ đầu tư mạo hiểm đã phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1998.

- Khó khăn thứ ba đến từ môi trường pháp lý còn chưa đầy đủ. Nghị định 99 của Chính phủ ban hành quy chế Khu công nghệ cao cũng chỉ mới đề cập chung về định nghĩa và chức năng của Quỹ đầu tư mạo hiểm mà thiếu những quy định về cấu trúc pháp lý cũng như các ưu đãi cho các nhà đầu tư khi thiết lập quỹ mạo hiểm tại Việt Nam dẫn đến trường hợp của IDG phải lựa chọn hình thức quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thay vì một quỹ được thiết lập ngay tại Việt Nam.

- Khó khăn thứ tư đối với loại hình đầu tư mạo hiểm là việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đối tượng tiếp nhận đầu tư mạo hiểm lại cần vốn lớn. Sự khống chế đó cũng không cho phép nhà đầu tư được can thiệp vào các quyết định chiến lược phát triển kinh doanh vốn là một điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp khởi sự.

- Khó khăn thứ năm đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm là cách thu hồi vốn chưa rõ ràng. Thu hồi vốn nhanh nhất trong đầu tư mạo hiểm là thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển đến mức độ là công cụ để thu hút vốn cho doanh nghiệp.

Tất cả những khó khăn trên lý giải tại sao các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam được đánh giá là các quỹ chấp nhận tỉ lệ rủi ro "thấp". Đa số tìm đến những doanh nghiệp đã thành công trên thương trường, khẳng định được tên tuổi và uy tín. Các chuyên gia cho rằng thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam hấp dẫn, nhưng vẫn chưa đủ lớn để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư.

Ngoài ra, các quỹ hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa đủ tầm vóc, hay nói cụ thể hơn là không đủ mạnh về nguồn vốn. Qua thực tế cho thấy không phải tham gia vào bất cứ dự án nào, các quỹ cũng thành công. Những lần thất bại ít ỏi cũng khiến các quỹ đầu tư phải thận trọng hơn.

Một trong những lĩnh vực được các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam quan tâm hiện nay là lĩnh vực công nghệ. Thời gian qua, trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông Việt Nam, xuất hiện các thương vụ đầu tư lớn của nước ngoài như hãng viễn thông Nhật Bản NTT Docomo đầu tư vào Công ty cổ phần Truyền thông VMG với mức định giá 18 triệu USD, IDG Ventures và hai quỹ đầu tư khác là Rebate Networks và Ru-net Global đầu tư vào MJ Group với mức định giá 60 triệu USD. Ngoài ra, còn có các thương vụ đầu tư vào Vatgia.com và Punch Entertainment – một công ty chuyên sản xuất trò chơi cho thiết bị di dộng với vài chục triệu USD. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ngày một tích cực, và nhiều doanh nghiệp công nghệ đang cố gắng xây dựng sản phẩm, mô hình kinh doanh và gọi vốn đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Arthur Trueger, Chủ tịch Công ty quản lý Quỹ Berkeley International Capital củaMỹ nhận định "Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn Singapore trong việc kết nối với các nhà đầu tư công nghệ ở Thung lũng Silicon, nhưng lại chậm chân hơn trong các công việc cụ thể". Hiện tại Việt Nam mới có 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong khi thị trường lại rất lớn và chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan đã có các cơ quan đại diện chính phủ được thiết lập tại Thung lũng Silicon để tư vấn trực tiếp cho nhà đầu tư và kết nối họ với doanh nghiệp trong nước.

Quá trình thoái vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam

Một khi quỹ bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì vừa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, vừa chịu áp lực với các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ. Khi quỹ cảm thấy giá trị của công ty tăng lên, họ sẽ bắt đầu rút vốn. Ngoài ra, việc thoái vốn còn do quỹ cần tái cấu trúc danh mục đầu tư, hoặc cần tập trung đầu tư vào một ngành, một lĩnh vực cụ thể, hoặc khi quỹ nhận thấy tình trạng bão hòa trong ngành nghề của doanh nghiệp...Do vậy, khi đạt được kỳ vọng, chuyện thoái vốn của quỹ là đương nhiên.

Về lý thuyết, việc thoái vốn của các VC sẽ áp dụng theo hai hình thức là IPO, bán cổ phần cho nhà đầu tư khác, bán lại cổ phần cho doanh nghiệp và bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác. Thường thì khi triển vọng doanh nghiệp và thị trường không tốt như kỳ vọng ban đầu, hay doanh nghiệp không niêm yết kịp theo kế hoạch thì quỹ VC thường quyết định về việc thoái vốn qua các hình thức bán lại cổ phần cho lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn khác, các tổ chức liên quan trong ngành có nhu cầu M&A hoặc các tổ chức muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân khác. Thời gian vừa qua tại Việt Nam, các quỹ thường thoái vốn bằng hình thức bán lại cổ phần cho các công ty có nhu cầu M&A.

Thực tế việc thoái vốn của VC ở Viêt Nam rất khó khăn. Thị trường chứng khoán chưa thực sự phát triển và thời điểm hiện tại không hề thuận lợi cho việc niêm yết các công ty. Việc tìm kiếm các cổ đông và công ty trong ngành có nhu cầu mua bán lại cũng không dễ dàng. Tất cả dẫn tới khung thời gian đầu tư VC ở Việt Nam khá dài, thông thường phải khoảng 10 năm thay vì 3-5 năm như ở các nước khác.

Tiềm năng của thị trường

Ở Việt Nam, có khoảng 200 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90%). Các doanh nghiệp nhỏ thường khó có khả năng tiếp cận vốn do thị trường vốn chưa hoàn thiện, lãi suất cho vay cao,.... Đối với những công ty mới khởi nghiệp thì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm tổ chức, quản lý, kinh doanh. Vì vậy, khả năng thành công cũng tương đương với khả năng thất bại dù rằng việc chọn lựa doanh nghiệp đầu tư được thực hiện hết sức sát sao và kỹ càng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ không chỉ giúp cung cấp vốn cho các công ty được đầu tư mà còn cùng với ban lãnh đạo công ty này phát triển, cải thiện sản xuất bằng cách tái cấu trúc tài chính, đề ra chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kiềm chế rủi ro.

Đầu tư mạo hiểm khác với đầu tư truyền thống. Đầu tư mạo hiểm hướng tới việc tạo ra công ty, và do đó có khả năng tạo việc làm mới. Điều đó giải thích tại sao vốn đầu tư mạo hiểm rất hữu ích đối với Việt Nam. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhận thấy triển vọng về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nhận thức của chính phủ Việt Nam về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Và họ cho đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy IDG Ventures tại Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật khi tăng trưởng tới 30-40% mỗi năm. Theo ông Patric McGovern, Chủ tịch tập đoàn IDG, quỹ đầu tư mạo hiểm của IDG đã đầu tư vào hơn 40 công ty ở Việt Nam và có lợi nhuận gấp khoảng 75 lần.

Giải pháp phát triển thị trường

Một trong những tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người. Nguồn lực này đã tạo thành một thị trường công nghệ vô cùng hấp dẫn, xét cả ở góc độ phát triển lẫn tiêu thụ. Trong khoảng hơn 10 năm tới, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng để phát triển công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ là đầu tư mạo hiểm, thời gian thu hồi vốn dài và xác suất thất bại cao, nên các chính phủ rất ít khi tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, để tạo được một Google, Facebook của Mỹ hay Vinagame tại Việt Nam, thì quỹ đầu tư mạo hiểm phải cân nhắc rất kỹ mọi vấn đề pháp lý, công nghệ, nhân lực... và yêu cầu về lợi nhuận thông thường gấp 20 lần số vốn bỏ ra.

Vốn đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tinh thần mạo hiểm và sáng tạo tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ. Để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, Chính phủ Việt Nam nên miễn giảm thuế đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc thương vụ. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích các kênh tín dụng khác hỗ trợ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, nhằm gia tăng lượng cung vốn trên thị trường.

Bên cạnh các kế hoạch, ý tưởng kinh doanh tốt, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải thể hiện sự minh bạch về tài chính như hoàn thiện hệ thống kế toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, liên kết chặt chẽ với các tổ chức, định chế tài chính, doanh nghiệp trong ngành nhằm tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ cần thành lập riêng một ban quản lý hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm và tiến tới ban hành một đạo luật riêng cho hoạt động này và thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam.

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm tiêu biểu trong thời gian qua:

Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, thành lập năm 2001, có ba quỹ con gồm Mekong Enterprise Fund (thành lập năm 2002), Mekong Enterprise Fund II (thành lập năm 2006) và Quỹ Vietnam Azalea Fund (thành lập năm 2007). Tổng vốn đầu tư của ba quỹ là 168,5 triệu USD, thời gian hoạt động dự kiến của mỗi quỹ từ 5-8 năm hoặc có thể dài hơn tùy từng trường hợp. Mekong Capital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, Công ty cổ phần Sài Gòn Gas. Mekong Capital đang đầu tư vào một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm Masan (tổng vốn đầu tư 9,4 triệu USD), Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế (hơn 6 triệu USD), Công ty cổ phần Đầu tư – Kinh doanh nhà Intresco (hơn 14 triệu USD), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (hơn 12 triệu USD),...

Quỹ IDG Ventures Vietnam, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ tại Việt nam, quản lý số vốn 100 triệu USD, đang đầu tư vào Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame, Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt, MJ Group,...

Vina Capital hiện có 4 quỹ đầu tư tại Việt Nam: Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng (2007), Vietnam Opportunity Fund (VOF), VinaLand (2006) và DFJ Vina Capital L.P (2006) – với tổng vốn trên 1 tỷ USD. Quỹ Đầu tư VinaCapital đang đầu tư vào Phở 24 (4 triệu USD, chiếm 30% vốn), Công ty mobizCom (chiếm 30% vốn), Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Toàn Cầu (chiếm 49% vốn), Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí (3.905.283 cổ phần, chiếm 1,6% vốn). VinaCapital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại Masan (13,1 triệu USD), mới đây nhất là thoái 70% vốn tại khách sạn Hilton Hanoi Opera.

Quỹ đầu tư Dragon Capital của Anh này là quỹ lớn nhất và nhiều kinh nghiệm nhất tại Việt Nam (1994) với tổng tài sản lên tới 1,3 tỷ USD với 5 quỹ thành viên đang quản lý là VEIL, VGF, VDeF, VPF và VRI. Dragon Capital đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có hơn 40 thương vụ đầu tư với các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, đa số là doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, có đường hướng phát triển ổn định.


Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Ông chủ đặc sản Đà Nẵng Trần khởi nghiệp từ bán chiếc laptop mới mua

Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại.

Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên
Ý tưởng trên bàn ăn
Ít ai biết rằng món đặc sản bánh tráng cuốn thịt heo rất giản dị đã lan rộng ra ngoài phạm vi của quốc gia lại bắt đầu từ việc mẹ Tuấn làm cho gia đình thưởng thức món này, vốn là sở trường của bà. Không có chút vốn liếng, Tuấn quyết định bán chiếc laptop mới mua với giá 8,5 triệu đồng lấy tiền khởi nghiệp.
Sau đó, anh xây dựng nguyên một "dự án" cho quán ăn của mình để thuyết phục những nơi cung cấp bàn ghế, vật dụng bếp, nguyên liệu chế biến món ăn cho... nợ với cam kết sẽ thanh toán đầy đủ trong vòng 1 năm. Dự án của Tuấn đã thuyết phục họ.
Món thịt heo vốn ngon ở nước chấm, đã có tay nghề khéo léo và bí quyết pha nước chấm độc đáo của mẹ. Nhưng để phục vụ số lượng khách lớn và tạo ấn tượng riêng thì chưa đủ. Tuấn bỏ thời gian tìm hiểu cách làm miếng thịt heo luộc khi cắt có được 2 đầu mỡ như đặc trưng của món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng.
Rồi mò mẫm thức dậy từ sáng sớm xuống chợ đầu mối tìm nguồn rau sạch, giá gốc để phục vụ việc kinh doanh của mình. Quan trọng nhất, theo anh, là tìm được nguồn thịt heo sạch, nếu muốn phát triển lâu dài.
Quán bánh tráng cuốn thịt heo thành công ngoài mong đợi. Với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, bài bản, mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng đã kéo khách đến với bánh tráng cuốn thịt heo Trần đông nghịt. Nhanh chóng lấy lại vốn và thanh toán nợ nần, Tuấn thừa thắng xông lên, cho ra đời quán Trần 2, việc kinh doanh phát triển đến không ngờ.
Khách du lịch bắt đầu biết tiếng đến Trần, là tiền đề để cho Tuấn tiếp tục Trần 3. Và giờ, với chuỗi 4 nhà hàng đặc sản Trần tại những địa điểm trung tâm nhất của Đà Nẵng, Trần đã trở thành món đặc sản của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Nẵng.
Ấp ủ đưa "Trần" xuất ngoại
Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại. Tất cả ngày lễ, tết Trần đều có những chương trình đặc biệt chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Tuấn đã xây dựng thành công một đội ngũ nhân viên người miền Trung chuyên nghiệp và mềm mỏng để chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Anh bảo, việc nghe đơn giản nhưng rất khó bởi tính cách đặc trưng của người miền Trung vốn "ăn to, nói lớn".
Từ thành công của đặc sản Trần, rất nhiều người làm kinh doanh ở các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội tìm đến Tuấn và ngỏ ý nhượng quyền thương hiệu với giá trị hấp dẫn, nhưng Tuấn đã từ chối. "Cho dù cam kết nhượng quyền có chi tiết đến đâu, cũng không tránh khỏi việc người chủ khác vì quyền lợi mà kinh doanh không đúng như mục tiêu mình đặt ra. Ở Trần, những thực phẩm qua ngày đều không được sử dụng lại mà phải mang về kho hủy để đảm bảo uy tín. Nhưng khi nhượng quyền họ có đảm bảo điều đó cho mình không? Vì vậy, tôi quyết định không nhượng quyền dù lúc ấy thấy người ta trả nhiều tiền cũng... ham thiệt!", Tuấn quả quyết.
Thay vì nhượng quyền, Tuấn chọn cách Nam tiến để mở rộng quy mô. "Sau miền Nam, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án của hai đối tác tại Singapore và Mỹ. Họ muốn Trần có mặt tại những nơi đó. Đó là kế hoạch lớn của tôi trong chặng đường chinh phục mới!", ông chủ trẻ chia sẻ.
Theo Diệu Hiền
Thanh niên

Khởi nghiệp từ rắc rối với bạn cùng phòng

Chỉ vài tuần sau khi dọn vào sống ở ký túc xá Trường ĐH Pittsburgh (Mỹ), Justin Mares (22 tuổi) đã nghĩ đến việc chuyển chỗ. Nguyên nhân chính là... người bạn cùng phòng.

“Bạn ấy chẳng vui vẻ chút nào và sống cô độc. Rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến việc học của tôi” - Mares nhớ lại. Cậu nhận ra những câu hỏi khảo sát dành cho tân sinh viên quá mơ hồ để có thể tìm được người bạn cùng phòng hợp ý nhau. Mares cho rằng các trường có thể dùng công nghệ thông tin để tìm hiểu chuyện trên như cách các website hẹn hò trực tuyến đã làm. Cậu thử nghiệm bằng cách gửi phần mềm trực tuyến RoommateFit đến 100 nhà quản lý các trường cao đẳng. Và kết quả phản hồi rất khả quan. “Các trường rất quan tâm đến phần mềm này. Đó là công cụ giúp tăng mức độ hài lòng của sinh viên” - Mares nói.

Được hỗ trợ giải thưởng 2.000USD từ Hội Doanh nhân Collegiate, Mares đã hợp tác với một nhà tâm lý học để hoàn thiện phần mềm, chi tiết hóa các câu hỏi khảo sát để có thể đánh giá tính cách tiêu biểu của từng người tham gia khảo sát.

Năm 2011, Trường ĐH Ohio đã đồng ý thí điểm dự án này. Ông Jneanne Hacker, phó giám đốc phụ trách nhà ở của trường, cho biết: “Sinh viên đặc biệt quan tâm đến ai sẽ là bạn cùng phòng của mình và mức độ tương hợp. Với 8.000 sinh viên, chúng tôi không thể liệt kê tiểu sử của từng em, rồi kết hợp các em với nhau một cách thỏa đáng nhất. RoommateFit đã giúp sắp xếp chỗ ở khoảng 1.000 tân sinh viên của trường dựa trên đặc tính chung về giao tiếp, quan niệm về các vấn đề xã hội và thói quen cá nhân”. Cuối năm học, Mares khảo sát những sinh viên đã dùng phần mềm và nhận thấy 40% trong số đó dự tính tiếp tục chung sống với bạn cùng phòng của mình vào năm tới. Kết quả này cho cậu thêm động lực tin tưởng vào dự án kinh doanh của mình.

Mares gửi kế hoạch kinh doanh đến Trường ĐH Pittsburgh và nhận được tài trợ 30.000USD cùng văn phòng làm việc. Sáu tháng sau, cậu đã ký hợp đồng với ba trường đại học: Ohio, Bách khoa miền Nam và Kentucky miền Bắc. Cả ba trường đã dùng RoommateFit để sắp xếp chỗ trọ cho 7.000 tân sinh viên năm học 2012-2013. Mỗi sinh viên trả phí từ 2-3USD.
Mares hiện đang tìm cách mở rộng ý tưởng của mình ra ngoài phạm vi trường đại học, với việc phát triển phần mềm dành cho khách hàng có nhu cầu tìm bạn cùng phòng ở TP New York và San Francisco.

Bản thân Mares cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm ra giải pháp đơn giản cho vấn đề mà nhiều người đối mặt. Cậu tâm sự: “Khi nghe những phản hồi như: Tôi rất mến bạn cùng phòng của mình/ Thật hạnh phúc khi được sống cùng nhau... tôi thấy mình đã làm việc đáng làm, nhất là với những rắc rối chính mình đã trải qua”.
Theo TT

Làm giàu từ vỏ trấu

Với 60 triệu đồng, khởi nghiệp với thứ tưởng chừng như bỏ đi là vỏ trấu, giờ đây anh Lương Văn Minh đã trở thành giám đốc của một công ty.

Anh là Lương Văn Minh (42 tuổi, trú tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh chuyên sản xuất củi trấu.

Anh Minh kể: “Tình cờ, một lần ngồi nói chuyện với anh bạn thời còn đi học hiện là chủ một công ty tư nhân, tôi được biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường chất đốt đang tăng giá. Và tôi chợt nhớ lại vỏ trấu ở quê, người ta vẫn hay vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, sao mình không tận dụng?”. Ý tưởng làm củi trấu đến với anh từ đó. Nhiều đêm liền, anh Minh thức để đọc tài liệu, tìm hiểu qua mạng. Rồi anh vào tận Vũng Tàu để học hỏi cách sản xuất củi trấu sau đó về quê mở xưởng vào năm 2009.

Anh gom góp tất cả tiền bạc có được trong nhà để đầu tư một chiếc máy ép trấu trị giá hơn 60 triệu đồng. Hằng ngày, anh đến các điểm xay xát gạo để mua vỏ trấu rồi đem về đúc, ép thành củi. Thành công chỉ đến với anh sau hàng tháng trời mày mò vừa chạy máy vừa sửa chữa, tốn cả mấy tấn vỏ trấu. Anh Minh cho biết: “Củi trấu tôi làm ra được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tìm mua vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt trong các nồi hơi công nghiệp. Củi trấu có nhiều ưu điểm như nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C, đạt yêu cầu nhưng lại rẻ hơn 35% so với than đá. Các xưởng xay xát lúa lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp vỏ trấu cho mình”. Loại củi trấu này được các nhà máy ưa chuộng vì góp phần hạn chế việc sử dụng gỗ, củi khai thác trong tự nhiên, hạn chế khí thải độc hại ra môi trường. Hiện mỗi tháng, công ty anh xuất ra thị trường khoảng 200 tấn củi trấu.

Anh Minh cho biết cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) làm được 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập rất “khủng” đối với nhiều người dân ở đây.

“Cái khó nhất của nghề là tìm được thị trường ổn định. Nhưng khi mình kiên trì tạo được uy tín với bạn hàng thì có khi cung không đủ cầu”, anh Minh nói. Cao điểm là hồi năm 2011, mỗi ngày anh xuất bán vào Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (H.Điện Bàn), Khu kinh tế mở Chu Lai (H.Núi Thành) đến 400 - 500 tấn củi trấu, anh phải nhập thêm hàng về để bán.

Anh Minh cho biết nghề làm củi trấu không khó nhưng để củi đạt chất lượng cao thì người làm phải để ý đến khâu nén vỏ trấu. Thường thì vỏ trấu đem về từ các nhà máy xay xát có thể ép ngay được. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ẩm, lẫn tạp chất nhiều thì phải phơi mới có thể ép được. Tại công ty, quy trình sản xuất gồm trấu được đùn qua máy xay ở nhiệt độ 250 độ C, sau đó được nén lại nhờ chất keo có sẵn trong vỏ trấu. Củi trấu đạt chuẩn phải dài 40 cm, đường kính 8,5 cm, cứng và nặng gần 3 kg/thanh.

“Làm củi trấu, theo tôi, sự kiên trì phải là hàng đầu. Nhiều lúc máy móc hỏng, không biết sửa khiến người theo nghề phải mệt mỏi, dễ bỏ ngang. Nhưng khi làm đã quen, có thị trường ổn định thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho những ai muốn làm nghề này”, anh Minh chia sẻ. Được biết, hiện công ty của anh có 4 máy ép trấu, anh đặt 2 máy ở Quảng Nam và 2 máy khác ở Quảng Ngãi để mở rộng thị trường, chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu.
Theo Thanh niên

Độc, lạ: Thuê 'chú rể'… giá 100 triệu đồng

Thuê…chú rể, làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Độc, lạ: Thuê chú rể… giá 100 triệu đồng
Xu hướng làm bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, vì thế để dễ dàng “qua mặt” người thân, bạn bè, nhiều cô gái đã tìm đến dịch vụ thuê…chú rể, rồi làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Do đây là dịch vụ khá mới mẻ và hơi “tế nhị” nên chủ yếu phải được môi giới thông qua người quen thì các chủ tiệm dịch vụ cưới hỏi mới nhận lời giúp. Ngay cả trên mạng internet, các “cò” môi giới dịch vụ cũng chỉ cung cấp địa chỉ email, không có số điện thoại hay địa chỉ liên lạc cụ thể.

Theo lời giới thiệu của một anh bạn thân tên Chinh, chúng tôi tới một cửa hàng chuyên cung cấp các dịch vụ cưới hỏi trọn gói trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một cửa hàng nhỏ, nằm trong ngõ, diện tích khoảng 10m2, của vợ chồng anh Tuấn – chị Hiền (quê ở huyện Ý Yên, Nam Định), bên ngoài chỉ có một tấm biển nhỏ đề “Dịch vụ cưới hỏi trọn gói” và một trái tim màu đỏ lớn cùng một mâm trầu cau (làm bằng nhựa) được bày trên bàn ở ngay trước cửa ra vào.

Do có người quen giới thiệu, nên anh chị khá cởi mở và thân thiện. Vừa thấy tôi bước vào, chị Hiền liền hỏi: “Mấy tháng rồi em?”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu ý chị, thì anh bạn tôi đã nhanh nhảu: “Mới thôi, nhưng cần gấp”.

Thì ra, đa số các khách hàng tìm đến dịch vụ thuê chú rể đều là những cô gái “trót dại” mang bầu hoặc muốn làm “single mom”, nhưng do lo sợ sự đàm tiếu của dư luận và làm “mất mặt” bố mẹ với bà con làng xóm vì quan niệm “chưa chồng mà chửa”, nên nhiều người đã tìm đến dịch vụ này để làm đẹp lòng các bậc sinh thành.

Theo chị Hiền, nếu chỉ thuê chú rể không thì mất khoảng 5 triệu đồng, còn trọn gói thì hơi cao, tầm khoảng 30 triệu đồng bao gồm: bố mẹ chú rể, họ hàng nhà trai, các mâm lễ vật,….tiền trang phục, đi lại cho những người này, khách phải tự lo. Còn việc tập huấn thông tin cho khớp giữa nhà trai và nhà gái sẽ do cửa hàng đảm nhiệm.

Việc tổ chức ăn uống và các chi phí khác cho đám cưới, tất nhiên cũng là do khách hàng phải tự lo. Nếu nhờ cửa hàng thì mức giá sẽ phụ thuộc vào quy mô tổ chức. Việc đặt mâm cỗ nhà hàng sẽ đảm nhận và đưa ra mức giá cụ thể, còn các công việc khác như: Trang trí nhà đám cưới, Mâm quả trọn gói, Cho thuê xe cưới hỏi, Cho thuê bàn ghế, Cổng hoa cưới, Nhà bạt và các trang thiết bị sự kiện, Dịch vụ hoa tươi, Hoa cưới, Hoa sự kiện, Người bê quả, Lễ Tân, Nhóm múa, Người đại diện hai họ, Cắt chữ Mốp Xốp, Phụ kiện cưới, Quà Tặng,…sẽ mất thêm khoảng 10 triệu đồng.

Tóm lại, tổng chi phí khoảng 50 – 100 triệu đồng tùy theo quy mô của buổi đám cưới.

Tuy nhiên, đấy chỉ là tiền thuê các nhân vật cho 1 ngày, còn nếu muốn thuê chú rể cho lễ ra mắt, hay lại mặt, thì phải trả thêm 1 triệu đồng/ngày. Nếu cần thuê thêm nhà trai thì khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tất cả đều phải thỏa thuận từ trước vì mỗi người mỗi ngành, nghề, nên sau khi kết thúc đám cưới, rất khó tập hợp mọi người đông đủ.

“Đa số những người tìm đến dịch vụ đều là những người có kinh tế khá, nhưng vì nhiều lý do buộc phải sinh con một mình nên để “qua mặt” gia đình và người thân, họ không ngại phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để tổ chức một đám cưới giả”, chị Hiền cho hay.

Tuy nhiên, theo chị Hiền, không phải là đám cưới nào cũng mất một khoản chi phí lớn như vậy, có nhiều khách hàng là sinh viên, do không có điều kiện kinh tế khá giả, nên họ chỉ chấp nhận thuê chú rể và gia đình chú rể trong vòng 1 ngày, số tiền chưa đến 10 triệu đồng.

Chị Hiền kể, tuy đã được lên kế hoạch khá chỉnh chu, nhưng tại các đám cưới vẫn không ít các sự cố có thể xảy ra.

Xinh đẹp, giỏi giang, nhưng Giang (33 tuổi, quê ở Hà Tây), hiện đang làm kế toán cho một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội vẫn chưa tìm được một đấng mày râu thích hợp để làm chồng.

Điều kiện kinh tế của Giang khá ổn định, nên cô quyết định tự sinh một đứa con để bồng ẵm như bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù có khá nhiều “vệ tinh” vây quanh nhưng cô không muốn kết hôn bất cứ một ai, vì sợ cuộc sống vợ chồng phức tạp.

Tuy nhiên, do bố mẹ cô là những người khá “cổ hủ”, nên việc con gái “không chồng mà chửa” là điều không thể chấp nhận được. Chính vì thế, qua lời giới thiệu của bạn bè, Giang đã tìm đến dịch vụ cho thuê…chú rể để “qua mặt” gia đình và người thân.

Trong đám cưới, mặc dù đã được thống nhất về các thông tin, nhưng họ nhà trai vẫn mắc phải rất nhiều sự cố. Khi được hỏi về chú rể, bên họ nhà trai, ông bác thì nói làm trưởng phòng kế hoạch của một công ty kiểm toán, còn cậu em trai chú rể nói như “đinh đóng cột” là làm trưởng phòng marketing của một ngân hàng.

Sự nhầm lần này dù không phải là lớn, nhưng cũng khiến họ nhà gái tỏ ra ngạc nhiên, nghi ngờ, đặt dấu hỏi về công việc hiện tại của chú rể.

Đặc biệt, sau đám cưới, sự “mất tăm” của chú rể luôn khiến cho nhà gái khó hiểu. Mặc dù, Giang lấy lý do là làm đám cưới gấp vì chồng tương lai sắp phải đi công tác nước ngoài những 2 – 3 năm, nhưng cũng không thể khiến cho bố mẹ cô an tâm và nghi ngờ về thân phận thực sự của chú rể.

Theo Ngọc Vy
VTC News
Flag Counter