Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Xử lý rắc rối trong kinh doanh

Khả năng kiếm tiền của một công ty sẽ được thể hiện khá rõ nét qua cách giải quyết những rắc rối nảy sinh đối với khách hàng. Về cơ bản, giải quyết vấn đề cũng giống như là thực hành những suy nghĩ chiến lược nghiêm túc. Chúng khác nhau ở tính tức thì, đột xuất hay dài hạn của vấn đề mà công ty đó phải đối mặt.


Do đó, sự kết hợp hai phương pháp tư duy này sẽ giúp ban lãnh đạo có được định hướng giải quyết các rắc rối phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn công ty.


Dưới đây là 5 bước sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp trở làm chủ những rắc rối, đón đầu và xử lý chúng trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn:

1. Nhận diện

Nhận diện được chính xác vấn đề để đối phó không phải là việc đơn giản thế nhưng nếu bỏ qua bước này công ty đã hoàn toàn "tự sát". Hãy suy nghĩ đến những vấn đề về doanh thu trước tiên. Có tới hàng trăm lý do để giải thích việc cần "săm soi" lĩnh vực này, bởi tính quyết định sống còn của nó đối với công ty. Và đây là điều kiện cần nhất để công việc kinh doanh tồn tại và phát triển. Một người giải quyết tốt sẽ đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất thực sự của vấn đề là gì thay vì suy đoán và ra những quyết định vội vàng.

2. Lên ý tưởng

Lãnh đạo công ty đang có một danh sách ngắn những rắc rối có thể xảy ra và suy nghĩ về tất cả những giải pháp có thể. Cách giải quyết hay nhất có thể xuất hiện từ những ý kiến nảy sinh từ người khác. Hãy tìm những người phù hợp nhất, cùng nhau tập trung lại và nghĩ về rất cả các giải pháp có thể sử dụng được. Đây không phải là thời gian để đánh giá. Quá trình đưa ra những ý tưởng chung không đồng nhất với việc đánh giá chúng. Vì vậy, đừng dập tắt việc lên ý tưởng bằng cách chuyển sang giai đoạn đánh giá.

3. Đánh giá

Đây là lúc dành để đánh giá những ý tưởng mà ban lãnh đạo đã có được trong suốt quá trình lên ý tưởng. Muốn đánh giá một ý tưởng, trước tiên phải dựa vào tác động của nó so với mục tiêu, tính khả thi dựa trên độ phức tạp khi thực hiện. Sự phức tạp ở đây được quyết định bởi yếu tố hai thứ là thời gian và tiền bạc. Tức là ý tưởng đó có mang đến thành công nhanh chóng trong thời gian giải quyết khủng hoảng của công ty không? Nó có những điều kiện để thành công trong quãng thời gian đặc biệt này không. Nó có phù hợp với ngân sách ở thời điểm đó không? Nếu công ty đang cố gắng cắt giảm 1.000 USD ngân sách mà ý tưởng đó chỉ tiết kiệm được 100 USD thì tác động của nó quá thấp. Một ý tưởng tiết kiệm được 1.000 USD là có vẻ khả quan hơn và sẽ có những tác động lớn hơn.

4. Hành động

Đây là bước mà không một người giải quyết tình huống nào bỏ qua. Bởi một ý tưởng rất hay không thể triển khai một cách bất cẩn. Người lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải thực hiện hết tất cả những ý tưởng, nhưng với tư cách là một người giải quyết rắc rối, họ có trách nhiệm đối với việc thực thi những giải pháp đã đề ra.

5. Kiểm tra lại

Đôi khi vấn đề đó vẫn tồn tại bởi vì giải pháp đưa ra không phù hợp. Đừng vội đầu hàng. Hãy trở lại bước thứ hai và thử nghiệm với giải pháp tiếp theo.

Giải quyết khó khăn là một kỹ năng rất rất cần thiết trong kinh doanh. Hãy luyện tập 5 bước kể trên để giải quyết từ những rắc rối nhỏ nhất. Hãy nhớ tính đồng bộ trong việc giải quyết rắc rối là một việc rất quan trọng. Biến những ý tưởng trở thành hành động, biến những kỹ năng trở thành thói quen, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có trong mình hành trang quan trọng nhất để đối diện với những khó khăn trên bước đường kinh doanh.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc giải quyết những rắc rối trong kinh doanh chính là những nỗ lực giữ gìn danh tiếng của công ty Johnson& Johnson khi công ty này gặp phải tai tiếng cho rằng Tylenol, một thương hiệu thuốc giảm đau gây ngộ độc chết người. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson& Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trước tình thế đó, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách. Họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà nạn nhân đã uống. Và thu được kết quả là những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm chất độc Xyanua nên mới gây đến tử vong. Tiếp theo, Tổng Giám đốc của Johnson& Johnson đã lên truyền hình xin lỗi về "tai nạn" kể trên và khẳng định sự vô hại của Tylenol. Công ty tuyên bố thu hồi tất cả những sản phẩm ở các đại lý tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín tránh những vụ tiêm độc xảy ra tương tự. Cuối cùng, công ty treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai cung cấp về thông tin kẻ gây độc.

theo thoibaokinhdoanh.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter