Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Gặp người phụ nữ 4 năm liền ẵm giải “Bông hồng vàng”



Với quan điểm kinh doanh “Không cần xúc tiến đầu tư quá nhiều mà hãy chăm sóc tốt cho các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, họ mới chính là nhân tố giúp chúng ta xúc tiến thương mại tốt nhất”. Phóng viên Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với chị trước thềm giải thưởng “Bông hồng vàng” Việt Nam 2010. Chị là Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID GROUP) và là đại biểu Quốc hội.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Theo chị, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VID group nói riêng và Việt Nam nói chung, họ quan ngại nhất điều gì?
Thành lập năm 2006, đến nay VID Group có 12 công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản. Các dự án được thực hiện tại 7 tỉnh và thành phố tại miền Bắc, bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định.
Hiện Tập đoàn có 350 dự án đang triển khai tại 10 khu công nghiệp của VID Group, trong đó có 150 nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài trước khi vào đầu tư vào Việt Nam, họ tìm hiểu rất kỹ về môi trường đầu tư, họ e ngại nhiều thứ, đó là các cơ chế chính sách của nước ta đối với cơ chế đầu tư nước ngoài. Trước đây để tiếp cận cơ chế đầu tư rất khó, nhưng với chính sách cởi mở đón nhận các nhà đầu tư, việc tìm hiểu thông tin về các nhà đầu tư ở Việt Nam hiện nay đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cái mà các doanh nghiệp FPI (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) họ rất sợ, đó là thủ tục hành chính, bởi nó rất phức tạp, ví dụ như thủ tục về xây dựng cơ bản, hoặc thủ tục cấp phép đầu tư, hiện nay thủ tục hành chính vẫn còn là cái rào cản cho các nhà đầu tư. Nếu như thủ tục xây dựng cơ bản, thủ tục đầu tư tiếp tục được cải thiện theo “Đề án 30 của Chính phủ” tốt hơn thì tốc độ đầu tư các dự án nước ngoài vào Việt Nam sẽ rất nhiều và tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thủ tục hành chính sẽ gọn nhẹ hơn, đặc biệt là việc kê khai thuế, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian chi phí, và mọi hoạt động kinh doanh sản xuất của họ sẽ nhanh hơn, năng động hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn và tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là khi Thủ tướng quyết định đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 256 thủ tục hành chính được cắt giảm, còn 5000 thủ tục hành chính đang được xem xét và sẽ cắt giảm trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho giới đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Khi tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ở trong và ngoài nước được Chính phủ tôn trọng và lắng nghe, các cấp, các bộ, ngành quan tâm giải quyết, môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở sẽ là cơ hội thu hút đầu tư cho đất nước và Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.




Được biết, chị đã vận động và kêu gọi nhiều dự án triệu đô đầu tư vào Việt Nam, để làm được điều đó không dễ, chị có thể chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về việc này?
Trước đây khi mới bắt tay vào đầu tư các khu công nghiệp, thời gian đó ở Miền Bắc, hầu như chưa có đơn vị nào đầu tư vào khu công nghiệp. Đến nay các khu công nghiệp đã được quy hoạch trên toàn quốc, rất nhiều các chủ đầu tư vào khu công nghiệp, vì thế việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn và khốc liệt hơn.
Điều quan trọng nhất là phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, vị trí, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải tốt như đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không, số lượng lao động địa phương, các dịch vụ phụ trợ tối thiểu kèm theo.
Cách thức làm việc phải chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả. Các nhà đầu tư nước ngoài họ thường gặp khó khăn, mình phải có cách thức giải tỏa khó khăn cho họ, phải trở nên người bạn của họ, chung tay, chung lưng đấu cật để cùng nhau vượt qua khó khăn. Cần có đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên nghiệp và thành thạo, phải nắm rõ được các quy định của pháp luật, những thay đổi chính sách của nước ta để kịp thời tư vấn cho các nhà đầu tư.
Điều quan trọng nhất là phải trở thành người bạn thực sự của các nhà đầu tư, chia sẻ thông cảm với cuộc sống, nỗi lo cũng như thành công của họ. Thực hiện phương châm:
“Không cần xúc tiến đầu tư quá nhiều mà hãy chăm sóc tốt cho các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, họ mới chính là nhân tố giúp chúng ta xúc tiến thương mại tốt nhất”




Ngoài công việc kinh doanh, chị còn đứng trên chính trường chính trị, thời gian nào chị dành cho mái ấm gia đình?
Hiện nay gia đình hai vợ chồng cùng làm doanh nghiệp, đã có 2 cháu trai, một 6 tuổi và một 8 tuổi. Mặc dù tuổi các cháu rất nhỏ, nhưng đã ý thức được về công việc của bố mẹ, ý thức về việc tự lực trong học tập cũng như trong sinh hoạt và có sự giúp đỡ từ gia đình ông bà nội. Công việc kinh doanh, cũng như tham gia các phiên họp Quốc hội rất bận rộn, nhưng chị cũng dành một khoảng thời gian cố định để chăm lo việc học hành cho các cháu, những ngày nghỉ, anh chị vẫn dành thời gian đưa các cháu đi xem phim, hay đọc một cuấn truyện cùng nhau chia sẻ, bình luận…Phụ nữ Việt Nam có bản chất kiên định, dù làm gì cũng không quên được thiên chức chăm lo con cái và gia đình.




Hoa hồng thì rất đẹp nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ, bên cạnh đó hoa hồng cũng rất nhiều gai, trong cuộc sống khi va phải những cái gai đó chị sẽ xử lý ra sao?
Chị thừa nhận rằng hoa hồng rất đẹp, và nó thể hiện cho giải thưởng rất đẹp dành cho phụ nữ. Để nhận được giải thưởng “Bông hồng vàng” chị cũng phải vượt qua những khó khăn nhất định, giải thưởng không chỉ dành cho những những phụ nữ kinh doanh giỏi mà còn gắn với vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Doanh nhân nữ ngày càng nhiều, và không ít những phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, để khẳng định được bản thân, thương hiệu doanh nghiệp phải có nhiều nỗ lực, không chỉ riêng mình mà cả tập thể cán bộ công nhân viên. Mỗi lần vượt qua gian khổ là đốt đi những cái gai để hướng tới vinh quang. Chị cũng cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên đã cùng chia sẻ gánh vác những khó khăn, giúp chị có được thành công như ngày hôm nay. Trong phong trào phụ nữ, chị mới đóng góp được một phần nhỏ bé trong cái cách mà phụ nữ vượt qua gian khó. Người phụ nữ Việt Nam với bản chất thông minh, nhanh nhẹn, dịu dàng, đảm đang và rất chu đáo, năng động, linh hoạt, điều đó giúp cho phụ nữ nói chung, giúp cho cá nhân chị vượt qua được những khó khăn và dành được những thành công nhất định.
Xin cảm ơn bà!


Minh Đức

Báo Tiền Phong

Phía sau phụ nữ thành đạt có người 'vọng thê'

Suốt 20 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, đi công tác nay đây mai đó, chị vẫn nhận được sự ủng hộ của người bạn đời mà chị âu yếm gọi là "hòn vọng thê".

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà không nói quá nhiều về việc nghiên cứu, mà tâm sự về những ngày thơ bé - quãng thời gian hình thành nên tính cách "cái gì cũng phải làm đến cùng"; và những lời biết ơn chân thành dành cho người đàn ông của mình.
Theo chị, đấy là hai cơ sở quan trọng làm nên những gì chị có được hôm nay. Thu Hà hiện là Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu. Chị là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thu Hà vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia dành tặng nhà khoa học nữ xuất sắc cuối tuần qua.
Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: H.T.
"Thu Hà có trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu", bà Hoàng Thị Ái Nhiên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét. "Ngọn lửa ấy lan tỏa đến nhiều học trò và đồng nghiệp của chị".
Sinh ra ở Thái Bình, từ nhỏ chị đã mơ ước lớn lên trở thành kỹ sư, được làm việc trong phòng thí nghiệm – công việc mà theo nhiều người phù hợp với nam giới hơn. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị về làm việc tại Viện Hóa học công nghiệp và đã chủ trì nhiều đề tài khoa học Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn thuộc các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học và vật liệu thân thiện với môi trường.
Là em út trong gia đình có hai chị em gái, ngay từ nhỏ, chị đã luôn chứng tỏ “bản thân là chỗ dựa của gia đình”. Hồi đó, bố đi bộ đội, trong nhà có ba mẹ con, chị thường tự làm những công việc của đàn ông như lắp đặt đường dây điện trong nhà, sửa xe, sửa ắc qui.
Khi mới 9 tuổi, chị đã phải sống xa nhà, trọ học ở một miền nông thôn – nơi có trường chuyên toán của huyện, nơi nước sinh hoạt đều là nước múc dưới ao lên.
“Khó mà quên những năm tháng đó, tôi và các bạn trong lớp bị ghẻ lở, đến nỗi đồng nghiệp của mẹ tôi thường đùa là tôi đi học ở trường “chuyên gãi” chứ không phải trường "chuyên toán", chị Hà nhớ lại.
Ám ảnh suốt 8 năm học chuyên toán xa nhà là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Đó là thời kỳ chị thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ và những bữa cơm không khi nào no. Những bữa cơm có mẹ thật ít ỏi. Thu Hà kể buồn nhất là chiều chủ nhật, khi phải chia tay mẹ để quay lại trường. Không muốn mẹ quay về, có lần chị ôm bụng giả vờ đau bụng làm cho mẹ, vì lo lắng quá, đã phải ở lại thêm với Hà một đêm. “Khi đó tôi rất vui vì có thêm thời gian được gần mẹ. Đó cũng là lần duy nhất, tôi nói dối mẹ", chị Hà nói.
Khoảng thời gian học xa nhà đã giúp chị rèn luyện được tính tự lập, nhanh chóng vượt qua nỗi chán nản mỗi khi gặp thất bại để tiến lên cùng bài học rút ra sau mỗi mỗi chặng đường.
Thu Hà tự nhận, từ thuở nhỏ, chị “mắc tật” thường tập trung cao độ vào những việc mình làm, những điều đang suy nghĩ, đặc biệt là những việc khó, chưa làm được. Sau này học đại học, “cái tật” ấy vẫn “đeo bám” chị khiến bạn bè thường gọi chị với cái tên thân mật là “Hà thộn”.
"Khi suy nghĩ mặt tôi thộn ra, trông rất đặc trưng", chị chia sẻ. Và cả bây giờ khi làm việc cùng đồng nghiệp tại Viện Hóa học, vẫn có những khoảng “thộn” như thế.
Dành hầu hết thời gian cho việc tìm tòi phát hiện cái mới, chị đã phải gác sở thích thông thường của người phụ nữ như mua sắm, đi du lịch. Ngoài công việc, mối quan tâm của chị chủ yếu là gia đình. Mái tóc của Thu Hà cũng để ngắn gọn, bởi chị "thích những gì đơn giản".
Theo chị, không có sự phân biệt nam nữ trong nghiên cứu khoa học, sự khác biệt chủ yếu ở đây là với phụ nữ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học sẽ bị hạn chế vì phải chia sẻ thời gian chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian sẽ làm tốt ở cả hai cương vị mà không phải đánh đổi cái này cho cái kia.
Chị kể, hồi sinh em bé thứ hai, chị chỉ nghỉ đúng 5 ngày trong bệnh viện rồi lại lao vào công việc "vì guồng máy nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm không thể dừng".
Hồi công tác ở Pháp, có lần con mới chưa đầy một tháng tuổi, chị đã phải cho bé vào trong chiếc giỏ xách đi những nơi mà chị đến để thuyết trình về các đề xuất nghiên cứu khoa học và các kết quả nghiên cứu.
Dù bản thân nỗ lực như thế, nhưng Thu Hà cũng khó có thể thành công nếu thiếu một hậu phương vững chắc, chị thừa nhận. Những khi Thu Hà về muộn, chồng chị tự giác nấu bữa tối rồi chờ chị về cùng ăn. Con trai chị nhiều khi phải chờ mẹ đến đón muộn nhưng cũng không trách móc mẹ bao giờ, "vì cháu cũng phần nào hiểu mẹ", chị nói.
"Nếu không có sự đồng cảm của chồng chắc chắn tôi khó có kết quả như bây giờ”, Thu Hà tâm sự.
Chị tiết lộ, không chỉ trong khoa học mà ngay cả chuyện yêu đương, chị cũng luôn là người hết mình. "Năm thứ hai đại học, tôi bắt đầu yêu, tình yêu đó là ông xã tôi bây giờ. Hồi đó tôi bị gia đình và bạn bè can ngăn đấy, nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn anh".
"Anh ấy là hòn vọng thê thời nay", giọng nhà khoa học nữ như mềm lại, ánh mắt long lanh. "Mùng 8/3 này chắc chắn tôi vẫn phải về muộn vì công việc còn bù đầu. Anh ấy sẽ lại căn giờ, để dành cho mẹ con tôi những món ăn nóng hổi trên bàn”.
Hương Thu

Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam


Doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến
Người phụ nữ giàu nhất Việt Nam (năm 2009)
Năm thứ hai liên tiếp, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến duy trì ngôi vị số một trong Top 50 phụ nữ giàu có trên sàn chứng khoán 2009 do VnExpress.net thống kê. Theo giá đóng cửa phiên giao dịch 31/12/2009, hơn 77 triệu cổ phiếu ITA mà bà Yến đang sở hữu có giá trị 2.697 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với tài sản của chính bà Yến một năm trước.
Bà Yến khởi nghiệp và thành danh với ý tưởng táo bạo phát triển khu công nghiệp tại vùng đất nước mặn Tân Tạo, huyện Bình Chánh, một trong những huyện nghèo nhất của TP HCM trước đây. Sau 13 năm, Tân Tạo đã phát triển thành khu công nghiệp tập trung hiện đại, đa ngành quy mô hàng trăm hecta. Vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo hiện lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Tân Tạo cũng là một trong những doanh nghiệp làm từ thiện nhiều nhất nước.
Là chị cả, bà Yến được ví như cánh chim đầu đàn của gia đình họ Đặng vốn nổi tiếng với những doanh nhân thành đạt và thiện tâm. Cả ba chị em Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm và Đặng Hoàng Phượng đều xếp thứ hạng cao trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2009 do VnExpress.net công bố hôm 31/12/2009. Người con thứ Đặng Quang Hạnh trong năm vừa rồi đã tặng hơn nửa triệu cổ phiếu ITA cho Quỹ học bổng Đại học Tân Tạo, song tài sản bằng cổ phiếu của ông vẫn lên đến gần 100 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
và bà Đặng Thị Hoàng Yến - người phụ nữ giàu nhất Việt Nam
Trong Top 50 năm 2009, ngoài cô em gái Đặng Thị Hoàng Phượng xếp thứ 6 với hơn 986 tỷ đồng cổ phiếu ITA, KBC và SGT, bà Yến còn có 2 người thân cùng nằm trong danh sách là con gái Nguyễn Phương Anh (đứng thứ 10) và em dâu Nguyễn Thị Kim Thanh (đứng thứ 14).
Không chỉ là một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp, chị còn là người có trái tim nhân hậu. Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng trên đất Mỹ chị luôn hướng về quê hương với tâm sự ấp ủ: “Mình làm được tại đất khách quê người, thì tại sao mình lại không giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người dân quê hương, cho những người nghèo khó Việt Nam giống như mình ngày trước”.
Được đến trường nhờ những thùng nước gạo
Đặng Thị Hoàng Yến sinh ngày 1/6/1959 trong một gia đình công chức nghèo và là chị cả 6 người em. Cha luôn dặn chị: “ Con là con chim đầu đàn, con bay theo hướng nào thì các em con cũng sẽ bay theo hướng đó”. Hiểu rõ được trách nhiệm lớn lao mà cha mẹ đặt vào mình, chị luôn cố gắng vượt khó vươn lên. Năm 1976, chị đỗ vào trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Do gia đình nghèo, nên con đường từ nhà đến trường dài hàng chục cây số, nhưng hàng ngày chị phải dậy từ rất sớm đi bộ đến trường.
Khi cha mẹ mua được chiếc xe đạp cho chị bằng tiền đi vay, thì hàng ngày chị lại kiêm luôn nhiệm vụ chở hai thùng đến khu tập thể để xin nước gạo, cơm thừa về nuôi heo. Chính nhờ những con heo đó mà mấy chị em Hoàng Yến được học hành. “ Có một kỉ niệm mà có lẽ không bao giờ tôi có thể quên, đó là có lần ba tôi đã cho tay vào mồm con heo để lấy cho được trái khế chặn trong cổ họng nó, mặc cho con heo cắn tới chảy máu lênh láng. Vì nếu con heo mà chết thì cả gia đình chúng tôi sẽ chẳng còn Tết nữa! Bây giờ mỗi khi nghĩ về cha, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh người cha với bàn tay đầy máu, vì cái Tết của chúng tôi”, chị Yến nghẹn ngào kể.
Chính điều đó đã đi cùng năm tháng theo chị, đốt cháy trong chị khát vọng vươn lên để đổi đời. Năm 1980, chị tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh và được phân công về làm việc cho Quận 5 ( TP Hồ Chí Minh). Sau đó, năm 1992 chị được bổ nhiệm chức vụ giám đốc đầu tư của Trung tâm Xúc tiến Đầu tự trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Ở đây, chỉ trong 2 năm, chị đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và nâng tiền đầu tư lên 1,5 tỉ USD.
Quyết chí làm giàu
Năm 1993, chị quyết định bỏ chức giám đốc đầu từ của trung tâm Xúc tiến Đầu tư, ra ngoài đi làm thuê cho các công ty nước ngoài với khát khao “ phải làm được cái gì đó tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và tạo được nhiều công ăn việc làm cho những người nghèo”. Chị đã dành dụm từng đồng lương để thực hiện khát khao ấy. Khi có một chút vốn, chị thành lập công ty riêng. Đầu tiên, chị chọn vùng đất nhiễm mặn Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh, một trong những huyện nghèo nhất TP Hồ Chí Minh để khởi nghiệp. Không ít nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát vùng đất này rồi lại lắc đầu ra đi. Chị nghĩ: người nước ngoài ra đi thì chỉ có người Việt Nam mình mới có thể đánh thức mảnh đất quê hương mình. Chị đã bắt tay vào biến vùng đất sình lầy, ngập mặn kia thành khu công nghiệp được như ngày nay.
“ Nhìn vào sự thành công của Khu công nghiệp Tân Tạo ngày hôm nay, tôi không thể không nói lên sự biết ơn của mình đối với những đồng chí lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người đã kí quyết định đầu tiên giao đất cho một công ty tư nhân để làm khu công nghiệp và không thể không kể đến chị Nguyễn Thị Hiệp, anh Tam Bảo, Chủ tịch và Bí thư của huyện Bình Chánh, giáo sư Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đỗ Quốc Sam, đồng chí Trương Tấn Sang – Bí thư thành ủy và đồng chí Thanh Hải, chủ tịch UBND TP HCM khi đó. Các đồng chí đã mạnh dạn tin tưởng cho chúng tôi một cơ hội để tự khẳng định mình", chị Hoàng Yến nói.
Tính đến thời điểm năm 2008, chỉ riêng khu công nghiệp Tân Tạo đã thu hút hơn 300 nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư thực hiện trên 600 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Không ngừng vươn xa
Mặc dù đã trở thành người phụ nữ thành công và giàu có nhất Việt Nam, nhưng lời dạy bảo ân cần của người cha vẫn thôi thúc chị. Chị quyết định bay sang nước Mỹ để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh đầy chông gai với mong muốn sẽ học được cách làm ăn chuyên nghiệp ở một cường quốc lớn nhất về kinh tế của thế giới.
Từ bỏ cuộc sống tiện nghi, chị một mình dấn thân sang nơi đất khách quê người, không người thân thích, không bạn bè. Vốn ít, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế chưa có,cơ hội làm ăn thật mong manh, xa vời. Các ngân hàng đã ví chị như người ngoài hành tinh. Vì ở Mỹ, mỗi doanh nghiệp, mỗi con người được đánh giá qua độ tín nhiệm mà người ta gọi là Credit – Credit của chị là con số 0. Có lẽ khó ai có thể hình dung ra được những khó khăn, thử thách và chông gai trùng trùng điệp điệp đối với một nữ doanh nhân đơn độc nơi đế chế của nền kinh tế thị trường đã phát triển mất trăm năm.
Làm gì đây để vượt qua thử thách này? Phải tìm ra con đường mới, phải tìm lấy một cơ hội, dù chỉ là qua khung cửa hẹp. Chị tâm sự: “Việc đầu tiên tôi phải làm là tìm hiểu các quy định về thuế, miệt mài lướt web, đọc sách báo tìm thông tin liên quan, đầu tư bất động sản là lĩnh vực mà tôi đã có ít kinh nghiệm khi đã khởi nghiệp tại Việt Nam”
Cuối cùng cánh cửa tưởng như kép kín cũng đã được chị bật tung ra và dự án đầu tiên được đầu tư bằng giấy phép đầu tư nước ngoài do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp: đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở trên diện tích 10.43 area ở Mỹ đã được khởi đầu và món nợ 500.000 USD chính là món nợ đầu tiên được ngân hàng cho vay, tiếp theo các dự án cứ lớn dần lên hàng năm. Chị đã xây dựng được chỉ số tín dụng của mình và của công ty bằng cách luôn trả lãi suất đúng hạn…
Bà tiên của người nghèo
Không chỉ là một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp , chị còn là người có trái tim nhân hậu. Công việc kinh doanh bận rộn, nhưng trên đất Mỹ chị luôn hướng về quê hương với tâm sự ấp ủ: “ Mình làm được tại đất khách quê người, thì tại sao mình lại không giúp đỡ nhiều hơn nữa cho người dân quê hương, cho những người nghèo khó Việt Nam giống như mình ngày trước”. Từ suy nghĩ đến hành động, chị đã giúp người nghèo trên quê hương mua nhà trả góp, tài trợ cho giáo dục… Hàng chục năm qua, chị và Tập đoàn Tân Tạo đã xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, xây dựng nhiều trường học, tặng nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên cả nước.
Chỉ trong 4 năm qua, Tập đoàn đã đóng góp gần 49 tỉ đồng để xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương, xây dựng trường học… để tặng cho các địa phương nghèo, tham gia tích cực vào hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt… trong nước và ở cả các nước bạn như Lào, Campuchia… Đặc biệt, tháng 5/2007,chị đã tự nguyện bỏ ra lợi nhuận làm ra được từ nước ngoài cùng tập thể Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết định sáng lập 3 quỹ từ thiện xã hội. Thứ nhất ITA-Vì tường lai (dành cho những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi). Thứ hai, ITA- Chiến thắng bệnh tật (dành cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam). Thứ ba, ITA Hàn gắn vết thương (dành cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người già không nơi nương tựa). Với mong muốn làm sao có thể đến được nhanh nhất, hiệu quả nhất với các đối tượng đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của xã hội.
Trong ngày ra mắt chính thức 30/9/2007, Qũy ITA-s đã dành số tiền hơn 21tỉ đồng cho các quỹ và chương trình từ thiện. Tháng 9 vừa qua chị và Tập đoàn đã tài trợ 1.480 suất học bổng cho “Hoa Trạng Nguyên” với niềm hy vọng các em rồi đây sẽ trở thành những cánh chim góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 21. ITA với các hoạt động mạnh trải dài trên mọi miền đất nước, đến trực tiếp với những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, không phân biệt độ tuổi, giới tính, địa phương… đã và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của nhiều đối tượng. Bên cạnh đó với lực lượng hơn 50.000 thanh niên công nhân đang công tác, Khu công nghiệp Tân Tạo là một trong những nơi có sự quan tâm chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần cho lực lượng thanh niên công nhân tốt nhất với các chương trình hội thao, các tuần lễ văn hóa, các đêm diễn văn nghệ với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng, các chương trình ngày hội việc làm, thăm và tặng quà cho công nhân ăn Tết xa nhà… được tổ chức thường xuyên, thu hút được hàng nghìn lượt thanh niên công nhân tham gia.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến (ngoài cùng, bên trái)
tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2008. Ảnh: ITA.
Cái tên Hoàng Yến không còn xa lạ gì với các em học sinh sinh viên thủ khoa trên cả nước và những công nhân nghèo. Nếu ai đã từng được nghe chị chia sẻ kinh nghiệm với học sinh sinh viên mới thấy hết được cái nhiệt huyết của chị với thế hệ trẻ. Mỗi lần đứng trước các sinh viên, chị không còn là một bà Chủ tịch tập đoàn lớn hay một người phụ nữ giàu nhất Việt Nam mà là một người mẹ, người chị cả đang truyền lại cho con em mình những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và hơn ai hết là những nghị lực và bản lĩnh mà chị đã từng trải qua để các em học tập mai sau ra đời lập nghiệp. “Khó khăn trong kinh doanh được ví như là cánh cửa đóng chặt nhưng nếu chỉ có một khe hở nhỏ đủ để một sợi tóc xuyên qua, tôi cũng sẽ bẩy tung cánh cửa đó để bước chân vào”, chị Yến chia sẻ. Còn khi được các em sinh viên và giáo sư đại học hỏi: “ Điều gì chị muốn khuyên các em sinh viên - những người chủ của tương lai nên tránh?” chị đã trả lời ngay, bởi nó đã có sẵn và đã trở thành lẽ sống của chính chị: “ Điều mà mình không muốn người khác làm với mình thì đừng nên làm”.
Hiện tại chị đang hoàn thành nốt dự án “ Xây dựng trường Đại học chất lượng cao Tân Tạo ở Long An”, chị nói: “ Đây là trường học dành cho các em học sinh, sinh viên nghèo, nhưng nó sẽ là trường Harvard riêng của Việt Nam".
Chị có sự nghiệp thành công rạng rỡ, nhưng chuyện gia đình của chị thật buồn. Nhiều năm trước, một vụ tai nạn giao thông đã cướp mất của chị người chồng thân yêu. Đến giờ khi nhắc về chồng, chị vẫn thẫn thờ: “ Mất anh là tổn thất lớn nhất trong đời tôi. Tôi đã nghĩ mình sẽ không vượt qua được nỗi đau này. Nhưng cuộc sống cứ trôi và chị phải giấu trái tim yếu đuối trong mình để gánh vác việc nhà, chăm lo dạy bảo con cái nên người.
Người mẹ dịu dàng
Hai người con gái của chị chính là động lực mạnh mẽ để chị đứng dậy và vươn lên như ngày nay. Các con gái của chị cũng luôn xứng đáng với sự hi sinh của mẹ. Cả hai đều ngoan và học giỏi. Cô con gái đầu của chị - Nguyễn Phương Anh, đã tốt nghiệp trường Đại học Oxford ( Anh) là một trong ba người được trường Kịch nghệ Hoàng gia Anh ( Royal Drama Academics School – RADA) chọn làm đạo diễn. Năm 2002, Phương Anh là một trong 10 sinh viên đạt điểm tuyệt đối về Luật của nước Anh. Đến năm 2003, Phương Anh lại đoạt giải nhì Văn chương toàn nước Anh và năm 2004 cô đoạt giải nhì cuộc thi phim danh cho các đạo diễn đang là sinh viên ở Anh. Hiện nay, cô quyết định tạm ngừng việc học để quay trở về Việt Nam tạo dựng một sự nghiệp mới còn rất non trẻ ở Việt Nam, đó chính là lĩnh vực truyền hình và công nghệ điện ảnh. Còn cô gái út năm nay cũng đã vào trường đại học và đang phấn đấu sẽ nối tiếp sự nghiệp kinh doanh của mẹ.
Đối với chị, con cái là điều quan trọng nhất. Do công việc kinh doanh, chị phải thường xuyên xa các con, nhưng khi các con cần thì chị luôn có mặt. Chị chia sẻ: "Mình không thể ở sát bên các con để đặt tay chỉ việc, mà phải biết nuôi dạy cho con có niềm đam mê, nuôi dưỡng cho con biết có một ước mơ lớn để chính các cháu tự phấn đấu theo đuổi ước mơ của đời mình. Điều quan trọng là bản thân mình phải luôn là tấm gương sáng để các con nhìn vào đó mà phấn đấu".
BTV. Vũ Thanh Nhàn – Theo nguồn PNVN

Doanh nhân tứ tuần trẻ trung như thiếu nữ đôi mươi

Bắt đầu bước sang tuổi 40, nữ doanh nhân Ngô Kim Thoa - bà chủ của một thương hiệu thời trang nổi tiếng dành cho giới trẻ Hà Nội - vẫn giữ nét trẻ trung như thiếu nữ ở tuổi đôi mươi.

Lăn lộn trên thương trường hơn một chục năm qua, chị Thoa hiện là chủ của một thương hiệu thời trang nổi tiếng dành cho giới trẻ tại Hà Nội.
Từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán đến hàng hiệu cao cấp, kể từ cuối 2007, chị Thoa bắt đầu chuyển hẳn sang kinh doanh hàng thời trang dành cho giới trẻ.
Việc chuyển hướng kinh doanh này ban đầu xuất phát từ những khó khăn kinh tế, khi hàng hiệu cần nhiều vốn, trong khi nhu cầu thưa thớt dần. Tuy nhiên, càng về sau, nữ doanh nhân càng cảm thấy việc kinh doanh thời trang "xì tin" có nhiều điều thú vị.
"Bản thân mình không mặc những đồ này, nhưng con mình cũng đang ở độ tuổi ấy. Chúng cũng hay mặc. Lựa chọn quần áo cho lứa tuổi ấy cũng khiến mình trẻ ra", chị Thoa tâm sự.
Từ một cửa hàng ban đầu trên phố Hàng Bông (Hà Nội), hiện nhãn hiệu thời trang của chị Thoa đã có 6 cửa hàng mở tại Hà Nội, Hải Phòng. Nữ doanh nhân này đang có kế hoạch "tiến quân" vào TP HCM.
Chị Thoa thừa nhận kinh doanh trong điều kiện hiên nay là rất khó khăn, dù là buôn bán trong bất cứ lĩnh vực nào.
Bận bịu với công việc nhưng nữ doanh nhân này cho biết vẫn luôn cố gắng dành thời gian tận hưởng cuộc sống và chăm sóc bản thân. Chị cho rằng đó cũng là một trong những bí quyết để trẻ lâu.
Một bí quyết khác cũng được chị chia sẻ là hạn chế hoặc trang điểm rất nhẹ nhàng. "Ở nhà tôi chắc khó tìm được một thỏi son để đánh. Thỉnh thoảng đi chụp ảnh là những lúc hiếm hoi tôi tự trang điểm cho mình", nữ doanh nhân này tâm sự.
Kỳ Duyên
Ảnh: TuArt Nguyễn

Những nữ doanh nhân khiến người khác "ngả mũ"

Họ là những nữ doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực kinh doanh bên cạnh một gia đình hạnh phúc khiến người ngoài phải ghen tị.


 
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
 
    Doanh nhân 42 tuổi hiện là Đại biểu quốc hội, chủ tịch tập đoàn đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank.
 
 
 
 
 

 
 
    Bà Hường từng là thành viên HĐQT của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng và phó chủ tịch ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trước khi tham gia vào HĐQT của Maritime Bank.
 
    Tại ngân hàng này từ tháng 2/2011 - 2/2012, bà Hường đảm nhận chức vụ phó chủ tịch thứ nhất của Maritime Bank.
 
    Nữ doanh nhân được biết đến là người có vai trò gây dựng nên một loạt khu công nghiệp lớn như KCN Quang Minh, KCN Hà Nội – Đài Tư, KCN Đồng Văn II...
 
Bà Nguyễn Thị Nga

    Năm nay 57 tuổi, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga hiện là chủ tịch Seabank, Intimex Việt Nam, BRG Group.
 
 
 
 
    Bà Nga sinh tại Hà Nội và từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2000 bà bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank. Tại đây, từ năm 2002-2005 bà giữ chức vụ phó chủ tịch của Techcombank. Từ 2005-2006, bà Nga là chủ tịch của ngân hàng này.
 
    Năm 2007, bà chuyển sang ngân hàng Seabank và giữ chức vụ chủ tịch Seabank từ đó đến nay.
 
    Ngoài ra, bà Nga cũng là người đứng đầu của BRG Group, một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf như sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, Khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Sông Nhuệ…
 
Bà Trần Thị Hường
    Bà là chủ tịch công ty TNHH Hoàn Cầu, cố vấn HĐQT ngân hàng Nam Á.
 
 
 
 
 

 
 
    Tuy năm nay đã 76 tuổi nhưng bà Trần Thị Hương (Tư Hường) được coi là một trong những doanh nhân miệt mài với hoạt động kinh doanh.
 
    Nói đến doanh nhân Trần Thị Hường, từ đầu những năm 90, giới doanh nhân đã biết đến hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD...
 
    Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản (công ty Hoàn Cầu) và ngân hàng với 31% cổ phần tại ngân hàng Nam Á. Tại ngân hàng này, các con của bà Hường là ông Nguyễn Quốc Mỹ và bà Nguyễn Thị Xuân Loan đã lần lượt giữ chức chủ tịch của Nam Á. Cá nhân bà chỉ giữ chức vụ cố vấn hội đồng quản trị.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
 
    Phó chủ tịch thường trực HDBank, chủ tịch điều hành Sovico Holdings, tổng giám đốc Vietjet Air, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, 38 tuổi.
 
 
 
 
 

 
 
    Trước khi giữ các chức vụ nói trên, bà Thảo đã từng tham sáng lập và quản trị tại ngân hàng Quốc tế (VIB) và ngân hàng Techcombank.
 
    Từ năm 2008, bà Thảo tham gia hội đồng quản trị của HDBank và giữ chức phó chủ tịch Thường trực HĐQT từ năm 2009 đến nay.
 
    Bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng – những lãnh đạo cao cấp của Sovico Holdings - trực tiếp nắm giữ gần 6% cổ phần của của HDBank.
 
Bà Thái Hương
 
    Hiện bà là phó chủ tịch/TGĐ ngân hàng Bắc Á, đồng thời được biết đến với dự án bò sữa (TH Milk).
 
 
 
 
 

 
 
    Ngoài ra, bà Hương còn được gọi là “bầu Hương” với tư cách là đại diện ngân hàng Bắc Á làm nhà tài trợ cho đội bóng đá Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, với phong cách bí hiểm, “bà bầu” này hầu như không xuất hiện mỗi khi đội nhà thi đấu. Khi bầu Hương nắm SLNA cũng không yêu cầu phải gắn tên doanh nghiệp vào tên đội bóng hoặc đòi quyền lợi về hình ảnh, kể cả việc quảng cáo trên áo đấu.
 
Theo Người đưa tin

Trò chuyện với người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk được tạp chí Forbes xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.


 
     Tạp chí này dành lời ngắn gọn ca ngợi bà Mai Kiều Liên: Sinh ra ở Pháp và được đào tạo ở Matxcơva, bà đã trở về Việt Nam sau chiến tranh, vào năm 1976, góp phần hiện đại hóa quy trình sản xuất sữa của nước nhà.
 
     Sau năm 2003, bà đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk và xây dựng nó trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á.
 
     Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Mai Kiều Liên ngay sau khi bà được tạp chí Forbes vinh danh.

 
Bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk
 
Chúc mừng bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của tạp chí Forbes. Bà có bất ngờ không và cảm xúc của bà khi đón nhận tin này, người đầu tiên mà bà gọi điện báo tin vui là ai?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi hoàn toàn bất ngờ về tin này. Cách đây mấy ngày, phóng viên tạp chí Forbes từ New York có xin ban đối ngoại một cái ảnh, lúc đó chúng tôi có hỏi mục đích xin ảnh thì được trả lời rằng họ không được tiết lộ, nhưng cứ yên tâm, là một tờ báo lớn và uy tín thì đưa ảnh doanh nhân không có việc gì phải lo ngại.
 
     Cho đến ngày hôm qua mới biết được họ dùng ảnh đó để làm gì. Tôi được một người bạn thông báo tin này qua điện thoại. Cảm xúc thì chỉ có thể nói ngắn gọn rất là vui. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là ông xã (cười).
 
     Cũng như năm 2010, khi Vinamilk được lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc năm 2010 của tạp chí Forbes thì phía tạp chí cũng không hề thông báo trước, một ngày đẹp trời họ công bố vậy thôi.
 
Theo bà, trong số những tiêu chí tạp chí Forbes đưa ra, bà đáp ứng tốt nhất tiêu chí nào?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Thứ nhất về tiêu chí vốn, họ yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu doanh thu là 100 triệu đô la thì Vinamilk có doanh thu 1 tỉ đô la.
 
     Thứ hai là công ty có lợi nhuận, hiện trên sàn chứng khoán, Vinamilk là một trong 15 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1000 tỉ đồng.
 
     Thứ ba là khả năng lãnh đạo rồi các hoạt động cộng đồng của công ty có tính nhân văn lớn, có yếu tố sáng tạo…
 
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khủng hoảng hoặc phá sản thì bà có bí quyết nào khiến cho công ty vẫn đứng vững và phát triển như vậy?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Yếu tố đầu tiên mà tôi cũng như 4000 người làm việc ở Vinamilk là phải làm việc hết sức mình, cường độ cũng như ý chí làm việc rất cao.
 
     Một điều vô cùng quan trọng nữa là phải có tính sáng tạo, không theo lối mòn, không đi theo xu hướng đám đông, nhiều khi đi ngược lại xu thế nếu mình cảm thấy tin tưởng là có hiệu quả.
 
     Trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp nào có tính sáng tạo càng nhiều thì thành công càng lớn.
 
Danh hiệu này có tạo áp lực cho bà không và mang lại thuận lợi gì cho công ty?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi nghĩ điều thuận lợi là thương hiệu Vinamilk sẽ được thế giới quan tâm, đặc biệt là giới doanh nhân.
 
     Còn áp lực thì lúc nào cũng thường trực để duy trì mức tăng trưởng của công ty, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và người tiêu dùng: chất lượng ngoại, giá nội và phong cách phục vụ phải tốt nhất!
 
Có lúc nào bà phải đối mặt với thất bại chưa và bà giải quyết ra sao?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Cách đây một thời gian thì chúng tôi có dự định mở rộng kinh doanh thực phẩm ngoài sữa. Các tập đoàn đa quốc gia cũng ít khi kinh doanh mỗi một mình sữa, mà có thêm bánh kẹo, đồ uống…
 
     Nhưng đầu tư hai năm không triển vọng nên tôi bán, không lỗ nhưng điều đó cũng thể hiện mình suy nghĩ chưa tới. Đó là một bài học và bây giờ thì tập trung chuyên sâu về mặt hàng sữa.
 
     Tuy nhiên, nếu sau này có một mặt hàng nào có thể sinh lời tốt thì Vinamilk vẫn có thể mua lại để kinh doanh.
 
Bà từng nói tâm nguyện lớn nhất của mình là làm thế nào để tạo vùng nguyên liệu cơ bản không phải nhập khẩu nữa, tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Nhưng đến giờ vẫn còn tình trạng nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài, trong khi từng có những nông dân phải rơi nước mắt đổ sữa đi vì doanh nghiệp không thu mua. Doanh nghiệp sữa như Vinamilk sẽ làm gì để đảm bảo cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Nhiều người hỏi tôi là tại sao đi chăn nuôi bò làm gì? Sản xuất sữa thì chỉ việc nhập sữa về là xong.
 
     Thực ra từ năm 1990, Vinamilk đã gắn bó với bà con nông dân rồi. Tuy nhiên người nông dân mình vốn ít, đất đai chật chội, quy mô chăn nuôi rất nhỏ, trong khi công ty phải cần quy mô sản xuất lớn thì mới cạnh tranh về giá.
 
     Hiện giờ Vinamilk vẫn chia sẻ khó khăn với người dân nuôi bò sữa bằng cách luôn mua sữa giá cao hơn so với các công ty của Mỹ, Úc, New Zealand. Cho nên, lợi nhuận của mặt hàng sữa tươi 100% không cao bằng các sản phẩm khác, nhưng vẫn chấp nhận để chia sẻ với bà con nông dân.
 
    Nếu không làm như vậy thì khi giá nguyên liệu lên cao, bà con có khi phải bán bò. Nuôi một con bò cho ra sữa phải mất 3 năm. Hiện Vinamilk ký hợp đồng trực tiếp với 5000 hộ gia đình (với 61.000 con bò sữa). Trước đây có hộ chỉ có một hai con bò nhưng giờ có hộ đã có từ 10 đến 200 con. Thông thường, để có lời cao thì mỗi hộ cần phải nuôi nhiều, ít nhất từ 10-20 con.
 
     Nguồn nguyên liệu sữa Vinamilk có được trong nước chiếm khoảng 25%, còn 75% vẫn phải nhập khẩu.
 
     Tuy nhiên, để chủ động nguồn nguyên liệu thì Vinamilk cũng phải tự nuôi bò sữa ở các trang trại. Chúng tôi cũng tuyển các cháu học giỏi ngành nông nghiệp đưa sang Nga đào tạo chuyên về ngành chăn nuôi bò sữa.
 
     Khi các cháu đi học về, cố gắng trong 7 năm nữa mở rộng trang trại nuôi bò sữa để tự túc nguyên liệu 40%.
 
Là phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà thấy phụ nữ có ưu thế gì?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Phụ nữ thì thường có tính chi tiết. Là người lãnh đạo thì bắt buộc phải có tầm nhìn rồi, nhưng cũng cần phải rất chi tiết để thực hiện được tầm nhìn đó.
 
     Nhưng tôi chỉ chi tiết trong công việc chứ không chi tiết trong quan hệ. Đối với mội người thì tôi đối xử giống nam giới nhiều hơn. Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đạo tạo họ chứ không bỏ người.
 
     Thứ hai nữa là tôi rất lo xa, nghĩ tới nghĩ lui, giả định trường hợp xấu nhất thì phải làm sao, để phòng ngừa rủi ro.
 
     Nhưng quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể.
 
Xin hỏi bà một câu riêng tư, bà cân bằng giữa công việc bận rộn và gia đình như thế nào? Nghe nói, gia đình bà không có người giúp việc?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con, con thứ nhất là bác sĩ chuyên về nhi, đang học sau tiến sĩ bên Mỹ, con thứ hai học về ngành tài chính, đã tốt nghiệp và đi làm mấy năm rồi.
 
     Về nhà tôi là ô sin (cười). Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình.
 
     Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn. Chúc bà tiếp tục lãnh đạo công ty Vinamilk trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
 
------------------------------
 
    Vinamilk đã vượt qua 12.000 doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỉ USD, để lọt vào top 151 doanh nghiệp được chọn của Forbes Asia. Về doanh số, Vinamilk đứng thứ 16 trong top, về lợi nhuận đứng thứ 18 và vốn hoá thị trường đứng thứ 31, đạt 1,56 tỉ USD.
 
    Năm 2012, Vinamilk thuộc top những doanh nghiệp dẫn đầu trong 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500). Người đứng đầu của nó được Forbes tôn vinh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
 
     Ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu chủ tịch PepsiCo khu vực Đông Dương, chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh Hội Nhập Toàn Cầu (GIBC): “Tôi thật sự ngưỡng mộ chị, người đã bền bỉ xây dựng một thương hiệu Việt có đẳng cấp trên thị trường quốc tế, với một xuất phát điểm không được ưu đãi gì nhiều. Đó là cả một quá trình sóng gió đi lên. Một người biết đột phá, rất đổi mới, cấp tiến, dám phá vỡ trật tự cũ để tìm ra những chiến lược mới cả về kinh doanh lẫn con người. Dám đầu tư xây dựng cả phần cứng lẫn phần mềm, dù trong quá trình đầu tư có những lúc phải hy sinh, nhưng rất quyết liệt. Tôi đánh giá cao chuyện chị đổi mới nguồn nhân lực, chấp nhận trả lương cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ – nhân viên phát huy vai trò của mình”.
 
     Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên:“Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.
 
Theo VietNamNet

Từ học sinh nghèo hiếu học trở thành nữ doanh nhân thành đạt

Không chỉ là doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, chị còn là Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học Nga, thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga nhưng ít ai biết rằng chị xuất thân từ một gia đình nghèo hiếu học.


 
    Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
 
“Ẵm” hàng chục giải thưởng lớn
 
    Gặp chị Nhàn, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ này, hàng chục năm qua đã có nhiều dự án kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực “khó nhằn” như xuất khẩu lao động, môi trường, y tế, giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ… Chị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương tặng huân, huy chương, bằng khen và nhiều giải thưởng như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Giải Sao đỏ, Giải Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng thương hiệu xuất sắc quốc gia…
 
    Mỗi lĩnh vực kinh doanh, chị đều có những ý tưởng mới đem lại ý nghĩa lớn cho xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xuất khẩu lao động, chị Nhàn là người đã đưa ra ý tưởng để đề xuất các chương trình hỗ trợ sinh viên, đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đưa các chương trình tuyển dụng về tận các địa phương, trường học, hỗ trợ người nghèo về vốn và trang bị các kiến thức cần thiết để họ có thể sang nước ngoài làm việc tốt. Với lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, từ nhiều năm trước đây khi người Việt Nam chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm môi trường, chị đã kiên trì cùng với các đối tác nước ngoài đến từng địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo nói về các tác hại của việc ô nhiễm môi trường, các bài học kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề môi trường và tư vấn các giải pháp để bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Chị đã đưa các công nghệ tiên tiến của thế giới vào xử lý môi trường tại Việt Nam và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực gai góc này các dự án lớn theo hình thức BT, BOT.
 
    Đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, AIC là doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai các chương trình đồng bộ như: Đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo giáo viên tại nước ngoài, cung cấp các trang thiết bị tiên tiến để giảng dạy, các phần mềm giảng dạy cũng như đưa các giáo viên nước ngoài vào Việt Nam để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường học tại Việt Nam.
 
    Để thành công trên lĩnh vực nào đó, đều đòi hỏi người đó phải có sự đam mê và cống hiến hết mình. Đối với nữ thì công việc này lại càng khó khăn hơn bao giờ hết nhất là lĩnh vực kinh doanh đầy “cạm bẫy”.
 
    “Tôi cho rằng làm công việc gì cũng vậy muốn làm tốt thì đều khó khăn và vất vả chứ không riêng gì các hoạt động mà chúng tôi đang làm. Tuy nhiên nếu các hoạt động kinh doanh mà lại có ý nghĩa xã hội thì tôi thấy rất nên làm. Các hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều là những vấn đề nóng mà xã hội chúng ta cần giải quyết ngay” - chị Nhàn cho hay.
 
    Chia sẻ về thành công mà công ty đã đạt được, chị Nhàn khiêm tốn cho biết: “Những thành công mà chúng tôi có được chỉ là bước khởi đầu mà thôi, tôi và anh em trong công ty cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tốt những việc chúng tôi cần làm và muốn làm. Để có thể làm được một công việc tốt, điều quan trong mà tôi nhận thấy đó là phải có phương pháp tốt, tổ chức bài bản, khoa học, phát huy sức mạnh tổng thể, tiến hành các giải pháp đồng bộ, không ngừng học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến và Việt nam, của những người xung quanh, có quyết tâm cao và có tâm trong công việc”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn.
 
 
Ý chí của một cô gái nghèo hiếu học
 
    Có lẽ truyền thống gia đình hiếu học đã hun đúc lên con người chị. Niềm đam mê học tập đã đưa chị từ một cô gái nghèo vùng quê Bắc Ninh trở thành một doanh nhân thành đạt với 2 bằng đại học, Thạc sỹ tốt nghiệp tại trường Latrobe của Úc. Nhưng ít ai biết rằng, chị đã có học hàm Tiến sỹ, Viện Hàn lâm khoa học Nga và sử dụng thông thạo 5 ngoại ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn, Nga.
 
    “Tôi không có hậu thuẫn từ gia đình, bạn bè hay bất cứ cơ hội tốt nào từ bước khởi nghiệp của mình, tôi tự biết điều đó và vì vậy mà tôi luôn phải tự cố gắng, cũng có lẽ chính vì điều đó mà tôi có ý trí cao trong công việc của mình là phải vượt qua mọi khó khăn. Đến bây giờ, khi xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đối tác trong và ngoài nước luôn động viên hỗ trợ tôi trong công việc nhưng tôi luôn biết điều quan trọng nhất để thành công đó phải chính là ý chí của bản thân mình và luôn phải vượt qua được chính mình trong mọi hoàn cảnh. Tôi cần phải cố gắng và luôn cố gắng” - chị Nhàn tâm sự.
 
    Hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh khỏi sự thất bại. Những thất bại đó chính là bài học kinh nghiệm cho người đam mê ngành mình theo đuổi. Chị Nhàn luôn ghi nhớ những thất bại của mình: “Đó là những bài học lớn giúp cho tôi nhìn lại mình để có thể thành công hơn trong công việc. Thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là việc sử dụng con người trong công việc”.
 
Chưa bao giờ hài lòng với chính mình
 
    Thông thường những doanh nhân thành đạt luôn bị công việc cuốn đi, ít có thời gian trau dồi kiến thức trong sách vở. Nhưng với chị Nhàn, đam mê kinh doanh, đam mê học tập luôn thường trực. Chị  Nhàn tâm sự: “Việc học tập để nâng cao kiến thức đối với tôi cũng là một công việc hết sức quan trọng. Các kiến thức mà tôi có được đều giúp cho tôi có thể triển khai điều hành các hoạt động của tôi tốt hơn. Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh có thể cố gắng thu xếp được tôi đều thu xếp để dành thời gian học tập. Bởi rất nhiều điều tôi muốn học hỏi mà tôi chưa có thời gian và cơ hội để học”.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa học Dorokhov Igor N.
Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga ký kết đào tạo.
 
    Ngoài việc đưa ý tưởng vàotổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp cho doanh nghiệp liên tục phát triển trong nhiều năm qua, chị Nhàn luôn quan tâm đến vấn đề con người. Hiện Công ty AIC có đội ngũ cán bộ trẻ hàng ngàn người được đào tạo bài bản, khoa học. Năm 2011,trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có tiền trả lương cho nhân viên nhưng Công ty AIC vẫn tăng trưởng 183% và lương của các cán bộ trong công ty đều được tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010.
 
    Song hành cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty AIC cũng luôn có các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ các địa phương bằng các hoạt động có ý nghĩa lớn như đưa các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam với nhiều dự án lớn hàng đầu Việt Nam, hỗ trợ tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương và nhiều hỗ trợ có ý nghĩa khác với giá trị nhiều tỷ đồng mỗi năm. Hiện Công ty AIC có gần 20 công ty thành viên và có quan hệ hợp tác kinh doanh với hơn 30 nước trên thế giới và có hoạt động trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc.
 
    Trong buổi ký kết giữa Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga (MASI) về đào tạo hợp tác trong các lĩnh vực Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Đào tạo nhân lực cho Việt Nam, Viện sỹ, Giáo sư, Tiến Sỹ khoa họcDorokhov Igor N. Chủ tịch Viện Hàn lâm các Khoa học Hệ thống CHLB Nga nhận xét về chị Nhàn: “Đây là người phụ nữ thông minh, làm việc có trách nhiệm cộng đồng. Chính vì điều đó Viện Hàn lâm khoa học Nga đã thực hiện hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo cán bộ tại Nga và đưa các chuyên gia sang Việt Nam đào tạo nhân lực Việt Nam thông qua bên Công ty AIC”.
 
    Được Chính phủ ghi nhận những công lao đóng góp nhưng chị vẫn chưa bằng lòng với bản thân mình. Chị cho rằng: “Cuộc sống ai cũng đều có ước vọng và mong muốn. Nếu như điều tôi tham lam mà có thể làm cho tôi tốt hơn, có thể giúp ích được cho xã hội, cho những người thân yêu và bạn bè của tôi thì tôi thấy đó không phải là điều xấu. Tôi chưa bao giờ hài lòng với chính mình cả, đó chính là động lực để tôi phải phấn đấu trong cuộc sống”.
 
Theo Dân trí
Flag Counter