Hãy tìm hiểu nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm và xem tiềm năng phát triển ở những nước đang phát triển như Việt Nam như thế nào?
Bạn có ý tưởng kinh doanh rất hay và đang từng bước triển khai thực
hiện ý tưởng đó. Nhưng bạn thực sự lúng túng trước một núi công việc của
một công ty mới thành lập (start-up) như quản lý, tài chính, kế toán,
marketing...? Kế hoạch kinh doanh của bạn tuyệt hay nhưng đi kèm với đó
là vô cùng mạo hiểm, bạn không muốn trút hết hầu bao của mình và gia
đình vào kế hoạch này?
Công ty của bạn đang trên đà phát triển, số lượng hợp đồng, doanh số
ngày càng tăng. Nhu cần mở rộng kinh doanh tỏ ra cấp thiết để sản phẩm
dịch vụ của bạn có thể khẳng định được vị trí trên thị trường. Tuy nhiên
để thuê thêm địa điểm, nhân lực, chi phí quảng cáo, marketing...rất lớn
mà vốn của công ty không thể đáp ứng được. Mặt khác ngân hàng không thể
cho công ty vay một số tiền lớn như vậy vì bạn không có đủ số tài sản
thế chấp cần thiết. Làm sao để có được tiền đầu tư đây? Bạn muốn niêm
yết Công ty mình trên thị trường chứng khoán (IPO), tuy nhiên điều kiện
được niêm yết khó khăn ví dụ như để niêm yết ở sàn chứng khoán HCM
(HoSe) thì số vốn tối thiểu là 20 tỷ; ở sàn NewYork là vài ba triệu đô.
Vậy làm sao có thể mở rộng kinh doanh, tăng thêm vốn để ước mơ IPO trở
thành hiện thực?
Trong vòng đời kinh doanh và đặc biệt là với các công ty mới thành
lập (start-up company) thì những tình huống này xảy ra khá thường xuyên.
Và khi nào bạn rơi vào các tình huống trên thì hãy nghĩ tới các công ty
đầu tư mạo hiểm như là một lựa chọn để giải quyết!
Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) là gì?
Trước hết, đây là một trong các hình thức của đầu tư vốn tư nhân
(Private Equity), là chiến thuật đầu tư vốn vào các công ty tư nhân có
tiềm năng phát triển với mục tiêu làm tăng giá trị doanh nghiệp thông
qua tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu hoạt động.
Các bước đầu tư vốn tư nhân bao gồm: xác định doanh nghiệp mục tiêu
-> tăng trưởng giá trị doanh nghiệp mục tiêu (tư vấn chiến lược, tư
vấn quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp) -> thoái vốn (niêm yết
doanh nghiệp mục tiêu trên thị trường chứng khoán hay IPO; chuyển
nhượng cho bên thứ ba; giải thể doanh nghiệp)
Tại Mỹ, hoạt động đầu tư mạo hiểm đang ngày một phát triển và hiện
nay có gần 100.000 công ty chuyên về lĩnh vực này đang hoạt động. Còn
theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh, gần như tất cả trong số ba triệu
người làm việc trong các công ty Anh nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn
vốn đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều công ty có thể đã không tồn tại nếu thiếu
sự trợ giúp quý giá của các nhà đầu tư mạo hiểm, cụ thể là bằng tiền
mặt và tư vấn về quản lý cho các công ty.
Vậy các nhà đầu tư mạo hiểm đã làm những gì?
Các công ty đầu tư mạo hiểm thường được thành lập dưới hình thức công
ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ một số ít theo mô hình công ty cổ phần, do
công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ linh hoạt hơn trong việc quyết định các
khoản đầu tư, trong khi ở công ty cổ phần thì những quyết định kiểu này
phải được Hội đồng quản trị hay Hội đồng cổ đông thông qua. Vốn của các
công ty mạo hiểm có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ những nhà
đầu tư cá nhân ưa thích hoạt động đầu tư mạo hiểm, ngân hàng, đến các
những quỹ trợ cấp, quỹ hưu trí,...Các dạng đầu tư của các nhà đầu tư mạo
hiểm có thể là một trong các hình thức sau:
- Cung cấp vốn cho các doanh nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển để cùng thực hiện chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
- Đầu tư vào các doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu dài và ở giai đoạn trưởng thành của chu kỳ phát triển
- Đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng để trở thành một doanh nghiệp đầu ngành
- Hoặc cứu vớt doanh nghiệp khó khăn đang đứng bên bờ vực phá sản
Sau đó, với kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình, họ có thể trợ
giúp các công ty này trong hoạt động kinh doanh với hy vọng một ngày nào
đó, các công ty này trở thành "những chú khủng long" thực sự. Lúc đó,
khoản tiền đầu tư trước kia sẽ được thu về với số lượng lớn hơn gấp
nhiều lần.
Đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư phải chấp nhận vòng
quay vốn trung hạn hay dài hạn, thường là từ 5 đến 7 năm. Người ta có
thể đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, tuy nhiên, vốn đầu tư mạo
hiểm thường xuyên được tập trung vào các khu vực tăng trưởng nhanh nhất
của nền kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ sinh học, internet
hay lĩnh vực công nghệ cao.
Vai trò quản lý trong hoạt động đầu tư mạo hiểm
Vai trò quản lý ở đây rất quan trọng, bởi vì các nhà đầu tư không chỉ
đơn thuần là người cung cấp vốn, mà vai trò của họ còn lớn hơn thế nữa
khi họ là người đưa ra những lời khuyên hữu ích trong quản lý và điều
hành hoạt động kinh doanh. Hiệp hội đầu tư mạo hiểm Anh cho biết, khoảng
50% nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là nhằm mục đích mở rộng thị trường, đặc
biệt là giúp các hoạt động kinh doanh hiện tại tăng trưởng và nâng cao
tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đối với nhiều công ty, tất cả
những gì họ cần từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm là những khoản tiền mặt kịp
thời và lời khuyên dành cho cấp quản lý.
Một số tập đoàn nổi tiếng hiện nay tại Anh được xây dựng từ những
nguồn vốn đầu tư mạo hiểm như Lastminute.com, National Express Group,
Trafficmaster và Whittards of Chelsea. Còn tại Mỹ, những cái tên như
Apple, Federal Express, Compaq, Sun Microsystems, Intel và Microsoft
được biết đến như những công ty ngay từ đầu đã chủ động đón nhận dòng
vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển.
Đầu tư mạo hiểm không phải không có mặt trái
Cùng với chiều hướng tăng dần của các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm,
những rắc rối cũng đã bắt đầu nảy sinh từ việc nhiều người cho rằng đầu
tư mạo hiểm chỉ là thủ đoạn mua rẻ bán đắt, về bản chất là một sự đầu cơ
trục lợi. Trong nhiều cuộc thảo luận đầu tư vào các công ty nhỏ, những
nhà đầu tư mạo hiểm bị buộc tội lợi dụng giá rẻ để kiếm lời, chỉ quan
tâm đến vòng quay đồng tiền mà không quan tâmđến tương lai của các nhân
viên. Và một hoạt động đầu tư mạo hiểm nào thất bại thì lại là cái cớ
cho những người phản đối phương thức đầu tư này lên tiếng chỉ trích.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đã ra sức bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng
họ hành động không chỉ vì lợi nhuận. Theo họ, những người chỉ trích đã
không hiểu hết những ích lợi mà hoạt động mạo hiểm đem lại cho nền kinh
tế. Tình trạng thiếu hụt tài chính sẽ là trở ngại lớn trên con đường
phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào, trong khi hệ thống ngân hàng
không đủ khả năng hỗ trợ vốn đã khiến các công ty gặp rất nhiều khó khăn
trong cố gắng đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao năng lực kinh
doanh. Do vậy, các công ty chỉ còn giải pháp là tìm ra mọi nguồn vốn đầu
tư có thể.
Theo khảo sát của các nhà đầu tư mạo hiểm, đại đa số các công ty đã
phát triển nhanh chóng sau khi chấp nhận các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm,
trong khi con số thất bại và gian lận là nhỏ hơn rất nhiều.
Chúng ta thử tưởng tượng sẽ là như thế nào nếu cách đây 26 năm, hai
chàng sinh viên Bill Gates và Paul Allen phát minh ra phần mềm máy tính,
nhưng họ lại không nhận được những khoản đầu tư mạo hiểm để tiếp tục
nghiên cứu và phát triển. Nếu quả thật như vậy thì chắc hẳn ngày nay
chúng ta không thể được hưởng thụ những thành quả mà các phần mềm của
Microsoft mang lại cho toàn thế giới.
Các công ty mới thành lập hiện có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hay,
đồng thời rất cần vốn để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Nắm bắt
được yếu tố này, những nhà đầu tư mạo hiểm đã không bỏ lỡ cơ hội, bởi họ
nhìn thấy được, khi những ý tưởng kinh doanh này thành công thì lợi
nhuận thu về sẽ gấp hàng trăm lần lượng số tiền bỏ ra ban đầu, mà lợi
nhuận cuối cùng chính là phần thưởng cho những người có hiểu biết, có
kinh nghiệm và dám mạo hiểm.
Ở Việt Nam, theo Dynasty Investment, Mekong Capital có 3 quỹ trị giá
181 triệu USD, VinaCapital dành 232 triệu USD vào đầu tư mạo hiểm, IDG
Ventures hiện có 1 quỹ trị giá 100 triệu USD và đang thành lập thêm 2
quỹ mới trị giá 400 triệu USD, BankInvest có 1 quỹ tập trung vào thị
trường mới nổi trị giá 100 triệu USD, Công ty quản lý quỹ Prudential đã
đầu tư 130 triệu vào các công ty tư nhân, BVIM (liên doanh giữa Ngân
hàng BIDV và Vietnam Partners LLC) cũng có 1 quỹ trị giá 95 triệu USD.
Một số các công ty quản lý quỹ khác cũng dành một phần trong danh mục
đầu tư của mình cho hình thức đầu tư này là VietFund Management,
Vietcombank Fund Management, Deutsche Asset Management với lần lượt 22,
45 và 42 triệu USD. Tổng cộng các quỹ này đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào
các công ty tư nhân, cùng với những khoản đầu tư chưa được tiết lộ khác
thì thị trường này ở Việt Nam có tổng trị giá khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD.
Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam năm 1991.
Năm 1995 là năm then chốt của hoạt động quỹ mạo hiểm khi có tới 5 quỹ
với tổng số vốn đầu tư cam kết lên tới 303 triệu USD cho 56 công ty. Đến
nay, Việt Nam hiện có các quỹ đầu tư mạo hiểm như Mekong Capital,
VinaCapital, IDG Ventures, Dragon Capital và đang được xem là một thị
trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.
Là một hình thức đầu tư hứa hẹn nhưng trên thực tế, việc triển khai quỹ mạo hiểm ở Việt Nam không phải là đơn giản và dễ dàng.
- Khó khăn thứ nhất là ở Việt Nam thị trường chứng khoán hoạt động
chưa thực sự hiệu quả. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam bắt đầu từ
năm 1996. Tuy nhiên, đến tháng 7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam
mới bắt đầu đi vào hoạt động. Sau hơn 10 năm, thị trường chứng khoán đã
từng bước phát triển nhưng không thực sự ổn định đã gây khó khăn rất lớn
cho các nhà đầu tư mạo hiểm muốn đổ tiền vào các công ty thông qua vấn
đề niêm yết công ty.
- Khó khăn thứ hai là về chất lượng doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhiều
doanh nghiệp đã tiếp cận được với các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng lại
không đáp ứng được các tiêu chuẩn của quỹ. Đó cũng là lý do để một quỹ
đầu tư mạo hiểm đã phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1998.
- Khó khăn thứ ba đến từ môi trường pháp lý còn chưa đầy đủ. Nghị
định 99 của Chính phủ ban hành quy chế Khu công nghệ cao cũng chỉ mới đề
cập chung về định nghĩa và chức năng của Quỹ đầu tư mạo hiểm mà thiếu
những quy định về cấu trúc pháp lý cũng như các ưu đãi cho các nhà đầu
tư khi thiết lập quỹ mạo hiểm tại Việt Nam dẫn đến trường hợp của IDG
phải lựa chọn hình thức quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thay vì một
quỹ được thiết lập ngay tại Việt Nam.
- Khó khăn thứ tư đối với loại hình đầu tư mạo hiểm là việc các nhà
đầu tư nước ngoài chỉ được phép góp vốn, mua cổ phần trong các doanh
nghiệp Việt Nam với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ doanh nghiệp Việt
Nam. Trong khi đối tượng tiếp nhận đầu tư mạo hiểm lại cần vốn lớn. Sự
khống chế đó cũng không cho phép nhà đầu tư được can thiệp vào các quyết
định chiến lược phát triển kinh doanh vốn là một điểm yếu của các doanh
nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp khởi sự.
- Khó khăn thứ năm đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm là cách thu hồi
vốn chưa rõ ràng. Thu hồi vốn nhanh nhất trong đầu tư mạo hiểm là thị
trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển đến
mức độ là công cụ để thu hút vốn cho doanh nghiệp.
Tất cả những khó khăn trên lý giải tại sao các quỹ đầu tư mạo hiểm
tại Việt Nam được đánh giá là các quỹ chấp nhận tỉ lệ rủi ro "thấp". Đa
số tìm đến những doanh nghiệp đã thành công trên thương trường, khẳng
định được tên tuổi và uy tín. Các chuyên gia cho rằng thị trường đầu tư
mạo hiểm Việt Nam hấp dẫn, nhưng vẫn chưa đủ lớn để các nhà đầu tư mạnh
dạn đầu tư.
Ngoài ra, các quỹ hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa đủ tầm vóc, hay nói
cụ thể hơn là không đủ mạnh về nguồn vốn. Qua thực tế cho thấy không
phải tham gia vào bất cứ dự án nào, các quỹ cũng thành công. Những lần
thất bại ít ỏi cũng khiến các quỹ đầu tư phải thận trọng hơn.
Một trong những lĩnh vực được các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam quan
tâm hiện nay là lĩnh vực công nghệ. Thời gian qua, trong lĩnh vực công
nghệ và truyền thông Việt Nam, xuất hiện các thương vụ đầu tư lớn của
nước ngoài như hãng viễn thông Nhật Bản NTT Docomo đầu tư vào Công ty cổ
phần Truyền thông VMG với mức định giá 18 triệu USD, IDG Ventures và
hai quỹ đầu tư khác là Rebate Networks và Ru-net Global đầu tư vào MJ
Group với mức định giá 60 triệu USD. Ngoài ra, còn có các thương vụ đầu
tư vào Vatgia.com và Punch Entertainment – một công ty chuyên sản xuất
trò chơi cho thiết bị di dộng với vài chục triệu USD. Các quỹ đầu tư mạo
hiểm đang hoạt động ngày một tích cực, và nhiều doanh nghiệp công nghệ
đang cố gắng xây dựng sản phẩm, mô hình kinh doanh và gọi vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Arthur Trueger, Chủ tịch Công ty quản lý Quỹ
Berkeley International Capital củaMỹ nhận định "Việt Nam có nhiều tiềm
năng hơn Singapore trong việc kết nối với các nhà đầu tư công nghệ ở
Thung lũng Silicon, nhưng lại chậm chân hơn trong các công việc cụ thể".
Hiện tại Việt Nam mới có 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong khi thị trường lại
rất lớn và chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này còn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan đã có các cơ quan đại
diện chính phủ được thiết lập tại Thung lũng Silicon để tư vấn trực tiếp
cho nhà đầu tư và kết nối họ với doanh nghiệp trong nước.
Quá trình thoái vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam
Một khi quỹ bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì vừa phải có trách
nhiệm với doanh nghiệp, vừa chịu áp lực với các nhà đầu tư góp vốn vào
quỹ. Khi quỹ cảm thấy giá trị của công ty tăng lên, họ sẽ bắt đầu rút
vốn. Ngoài ra, việc thoái vốn còn do quỹ cần tái cấu trúc danh mục đầu
tư, hoặc cần tập trung đầu tư vào một ngành, một lĩnh vực cụ thể, hoặc
khi quỹ nhận thấy tình trạng bão hòa trong ngành nghề của doanh
nghiệp...Do vậy, khi đạt được kỳ vọng, chuyện thoái vốn của quỹ là đương
nhiên.
Về lý thuyết, việc thoái vốn của các VC sẽ áp dụng theo hai hình thức
là IPO, bán cổ phần cho nhà đầu tư khác, bán lại cổ phần cho doanh
nghiệp và bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác. Thường thì khi triển
vọng doanh nghiệp và thị trường không tốt như kỳ vọng ban đầu, hay doanh
nghiệp không niêm yết kịp theo kế hoạch thì quỹ VC thường quyết định về
việc thoái vốn qua các hình thức bán lại cổ phần cho lãnh đạo doanh
nghiệp, cổ đông lớn khác, các tổ chức liên quan trong ngành có nhu cầu
M&A hoặc các tổ chức muốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân khác. Thời
gian vừa qua tại Việt Nam, các quỹ thường thoái vốn bằng hình thức bán
lại cổ phần cho các công ty có nhu cầu M&A.
Thực tế việc thoái vốn của VC ở Viêt Nam rất khó khăn. Thị trường
chứng khoán chưa thực sự phát triển và thời điểm hiện tại không hề thuận
lợi cho việc niêm yết các công ty. Việc tìm kiếm các cổ đông và công ty
trong ngành có nhu cầu mua bán lại cũng không dễ dàng. Tất cả dẫn tới
khung thời gian đầu tư VC ở Việt Nam khá dài, thông thường phải khoảng
10 năm thay vì 3-5 năm như ở các nước khác.
Tiềm năng của thị trường
Ở Việt Nam, có khoảng 200 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 90%).
Các doanh nghiệp nhỏ thường khó có khả năng tiếp cận vốn do thị trường
vốn chưa hoàn thiện, lãi suất cho vay cao,.... Đối với những công ty mới
khởi nghiệp thì thiếu cả vốn lẫn kinh nghiệm tổ chức, quản lý, kinh
doanh. Vì vậy, khả năng thành công cũng tương đương với khả năng thất
bại dù rằng việc chọn lựa doanh nghiệp đầu tư được thực hiện hết sức sát
sao và kỹ càng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ không chỉ giúp cung cấp vốn
cho các công ty được đầu tư mà còn cùng với ban lãnh đạo công ty này
phát triển, cải thiện sản xuất bằng cách tái cấu trúc tài chính, đề ra
chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kiềm chế rủi ro.
Đầu tư mạo hiểm khác với đầu tư truyền thống. Đầu tư mạo hiểm hướng
tới việc tạo ra công ty, và do đó có khả năng tạo việc làm mới. Điều đó
giải thích tại sao vốn đầu tư mạo hiểm rất hữu ích đối với Việt Nam.
Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhận thấy triển vọng về nguồn nhân lực
chất lượng cao cũng như nhận thức của chính phủ Việt Nam về sự phát
triển của khu vực kinh tế tư nhân. Và họ cho đây là thời điểm thích hợp
để đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế cho thấy IDG Ventures tại Việt Nam có nhiều thành tích nổi
bật khi tăng trưởng tới 30-40% mỗi năm. Theo ông Patric McGovern, Chủ
tịch tập đoàn IDG, quỹ đầu tư mạo hiểm của IDG đã đầu tư vào hơn 40 công
ty ở Việt Nam và có lợi nhuận gấp khoảng 75 lần.
Giải pháp phát triển thị trường
Một trong những tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người.
Nguồn lực này đã tạo thành một thị trường công nghệ vô cùng hấp dẫn, xét
cả ở góc độ phát triển lẫn tiêu thụ. Trong khoảng hơn 10 năm tới, các
chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng
để phát triển công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ là đầu tư mạo
hiểm, thời gian thu hồi vốn dài và xác suất thất bại cao, nên các chính
phủ rất ít khi tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, để tạo được một
Google, Facebook của Mỹ hay Vinagame tại Việt Nam, thì quỹ đầu tư mạo
hiểm phải cân nhắc rất kỹ mọi vấn đề pháp lý, công nghệ, nhân lực... và
yêu cầu về lợi nhuận thông thường gấp 20 lần số vốn bỏ ra.
Vốn đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích
các tổ chức, cá nhân có tinh thần mạo hiểm và sáng tạo tham gia vào quá
trình đổi mới công nghệ. Để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế,
Chính phủ Việt Nam nên miễn giảm thuế đối với phần thu nhập phát sinh
khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc thương vụ. Ngoài ra, cũng cần khuyến
khích các kênh tín dụng khác hỗ trợ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, nhằm
gia tăng lượng cung vốn trên thị trường.
Bên cạnh các kế hoạch, ý tưởng kinh doanh tốt, các doanh nghiệp Việt
Nam còn phải thể hiện sự minh bạch về tài chính như hoàn thiện hệ thống
kế toán phù hợp với chuẩn mực quốc tế, khuyến khích thanh toán không
dùng tiền mặt, liên kết chặt chẽ với các tổ chức, định chế tài chính,
doanh nghiệp trong ngành nhằm tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, Chính phủ cần thành lập riêng một ban quản lý hoạt động đầu
tư vốn mạo hiểm và tiến tới ban hành một đạo luật riêng cho hoạt động
này và thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam.
Một số quỹ đầu tư mạo hiểm tiêu biểu trong thời gian qua:
Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, thành lập năm 2001, có ba quỹ con
gồm Mekong Enterprise Fund (thành lập năm 2002), Mekong Enterprise Fund
II (thành lập năm 2006) và Quỹ Vietnam Azalea Fund (thành lập năm
2007). Tổng vốn đầu tư của ba quỹ là 168,5 triệu USD, thời gian hoạt
động dự kiến của mỗi quỹ từ 5-8 năm hoặc có thể dài hơn tùy từng trường
hợp. Mekong Capital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Phát triển đô thị
Kinh Bắc, Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng, Công ty cổ phần Chế biến gỗ
Đức Thành, Công ty cổ phần Sài Gòn Gas. Mekong Capital đang đầu tư vào
một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Thực phẩm Masan (tổng vốn đầu tư
9,4 triệu USD), Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế (hơn 6 triệu
USD), Công ty cổ phần Đầu tư – Kinh doanh nhà Intresco (hơn 14 triệu
USD), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (hơn 12 triệu USD),...
Quỹ IDG Ventures Vietnam, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ
tại Việt nam, quản lý số vốn 100 triệu USD, đang đầu tư vào Công ty Giải
pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame,
Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC
Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt, MJ Group,...
Vina Capital hiện có 4 quỹ đầu tư tại Việt Nam: Quỹ đầu tư cơ sở hạ
tầng (2007), Vietnam Opportunity Fund (VOF), VinaLand (2006) và DFJ Vina
Capital L.P (2006) – với tổng vốn trên 1 tỷ USD. Quỹ Đầu tư VinaCapital
đang đầu tư vào Phở 24 (4 triệu USD, chiếm 30% vốn), Công ty mobizCom
(chiếm 30% vốn), Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Toàn Cầu (chiếm 49% vốn),
Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí (3.905.283 cổ phần, chiếm 1,6%
vốn). VinaCapital đã thoái vốn ở Công ty cổ phần Công nghiệp Thương mại
Masan (13,1 triệu USD), mới đây nhất là thoái 70% vốn tại khách sạn
Hilton Hanoi Opera.
Quỹ đầu tư Dragon Capital của Anh này là quỹ lớn nhất và nhiều kinh
nghiệm nhất tại Việt Nam (1994) với tổng tài sản lên tới 1,3 tỷ USD với 5
quỹ thành viên đang quản lý là VEIL, VGF, VDeF, VPF và VRI. Dragon
Capital đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có hơn 40 thương vụ đầu tư với
các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, đa số là doanh nghiệp đã niêm yết
trên thị trường chứng khoán, có đường hướng phát triển ổn định.
1 nhận xét:
Ok so, did you create this yourself since saw this on twitter already.
..
my web site ... holidayblog3.webnode.Com
Also see my site: Thomson voucher code
Đăng nhận xét