Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Ông chủ đặc sản Đà Nẵng Trần khởi nghiệp từ bán chiếc laptop mới mua

Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại.

Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên Đặc sản nổi tiếng của Trần - bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu mỡ và ông chủ 32 tuổi thành công từ đồng vốn 8,5 triệu đồng (ảnh nhỏ) - Ảnh: Bảo Nguyên
Ý tưởng trên bàn ăn
Ít ai biết rằng món đặc sản bánh tráng cuốn thịt heo rất giản dị đã lan rộng ra ngoài phạm vi của quốc gia lại bắt đầu từ việc mẹ Tuấn làm cho gia đình thưởng thức món này, vốn là sở trường của bà. Không có chút vốn liếng, Tuấn quyết định bán chiếc laptop mới mua với giá 8,5 triệu đồng lấy tiền khởi nghiệp.
Sau đó, anh xây dựng nguyên một "dự án" cho quán ăn của mình để thuyết phục những nơi cung cấp bàn ghế, vật dụng bếp, nguyên liệu chế biến món ăn cho... nợ với cam kết sẽ thanh toán đầy đủ trong vòng 1 năm. Dự án của Tuấn đã thuyết phục họ.
Món thịt heo vốn ngon ở nước chấm, đã có tay nghề khéo léo và bí quyết pha nước chấm độc đáo của mẹ. Nhưng để phục vụ số lượng khách lớn và tạo ấn tượng riêng thì chưa đủ. Tuấn bỏ thời gian tìm hiểu cách làm miếng thịt heo luộc khi cắt có được 2 đầu mỡ như đặc trưng của món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng.
Rồi mò mẫm thức dậy từ sáng sớm xuống chợ đầu mối tìm nguồn rau sạch, giá gốc để phục vụ việc kinh doanh của mình. Quan trọng nhất, theo anh, là tìm được nguồn thịt heo sạch, nếu muốn phát triển lâu dài.
Quán bánh tráng cuốn thịt heo thành công ngoài mong đợi. Với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, bài bản, mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng đã kéo khách đến với bánh tráng cuốn thịt heo Trần đông nghịt. Nhanh chóng lấy lại vốn và thanh toán nợ nần, Tuấn thừa thắng xông lên, cho ra đời quán Trần 2, việc kinh doanh phát triển đến không ngờ.
Khách du lịch bắt đầu biết tiếng đến Trần, là tiền đề để cho Tuấn tiếp tục Trần 3. Và giờ, với chuỗi 4 nhà hàng đặc sản Trần tại những địa điểm trung tâm nhất của Đà Nẵng, Trần đã trở thành món đặc sản của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến Đà Nẵng.
Ấp ủ đưa "Trần" xuất ngoại
Theo Tuấn, thành công của anh là nhờ biết áp dụng đúng và đủ chiến lược marketing hiện đại. Tất cả ngày lễ, tết Trần đều có những chương trình đặc biệt chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Tuấn đã xây dựng thành công một đội ngũ nhân viên người miền Trung chuyên nghiệp và mềm mỏng để chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Anh bảo, việc nghe đơn giản nhưng rất khó bởi tính cách đặc trưng của người miền Trung vốn "ăn to, nói lớn".
Từ thành công của đặc sản Trần, rất nhiều người làm kinh doanh ở các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội tìm đến Tuấn và ngỏ ý nhượng quyền thương hiệu với giá trị hấp dẫn, nhưng Tuấn đã từ chối. "Cho dù cam kết nhượng quyền có chi tiết đến đâu, cũng không tránh khỏi việc người chủ khác vì quyền lợi mà kinh doanh không đúng như mục tiêu mình đặt ra. Ở Trần, những thực phẩm qua ngày đều không được sử dụng lại mà phải mang về kho hủy để đảm bảo uy tín. Nhưng khi nhượng quyền họ có đảm bảo điều đó cho mình không? Vì vậy, tôi quyết định không nhượng quyền dù lúc ấy thấy người ta trả nhiều tiền cũng... ham thiệt!", Tuấn quả quyết.
Thay vì nhượng quyền, Tuấn chọn cách Nam tiến để mở rộng quy mô. "Sau miền Nam, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dự án của hai đối tác tại Singapore và Mỹ. Họ muốn Trần có mặt tại những nơi đó. Đó là kế hoạch lớn của tôi trong chặng đường chinh phục mới!", ông chủ trẻ chia sẻ.
Theo Diệu Hiền
Thanh niên

Khởi nghiệp từ rắc rối với bạn cùng phòng

Chỉ vài tuần sau khi dọn vào sống ở ký túc xá Trường ĐH Pittsburgh (Mỹ), Justin Mares (22 tuổi) đã nghĩ đến việc chuyển chỗ. Nguyên nhân chính là... người bạn cùng phòng.

“Bạn ấy chẳng vui vẻ chút nào và sống cô độc. Rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến việc học của tôi” - Mares nhớ lại. Cậu nhận ra những câu hỏi khảo sát dành cho tân sinh viên quá mơ hồ để có thể tìm được người bạn cùng phòng hợp ý nhau. Mares cho rằng các trường có thể dùng công nghệ thông tin để tìm hiểu chuyện trên như cách các website hẹn hò trực tuyến đã làm. Cậu thử nghiệm bằng cách gửi phần mềm trực tuyến RoommateFit đến 100 nhà quản lý các trường cao đẳng. Và kết quả phản hồi rất khả quan. “Các trường rất quan tâm đến phần mềm này. Đó là công cụ giúp tăng mức độ hài lòng của sinh viên” - Mares nói.

Được hỗ trợ giải thưởng 2.000USD từ Hội Doanh nhân Collegiate, Mares đã hợp tác với một nhà tâm lý học để hoàn thiện phần mềm, chi tiết hóa các câu hỏi khảo sát để có thể đánh giá tính cách tiêu biểu của từng người tham gia khảo sát.

Năm 2011, Trường ĐH Ohio đã đồng ý thí điểm dự án này. Ông Jneanne Hacker, phó giám đốc phụ trách nhà ở của trường, cho biết: “Sinh viên đặc biệt quan tâm đến ai sẽ là bạn cùng phòng của mình và mức độ tương hợp. Với 8.000 sinh viên, chúng tôi không thể liệt kê tiểu sử của từng em, rồi kết hợp các em với nhau một cách thỏa đáng nhất. RoommateFit đã giúp sắp xếp chỗ ở khoảng 1.000 tân sinh viên của trường dựa trên đặc tính chung về giao tiếp, quan niệm về các vấn đề xã hội và thói quen cá nhân”. Cuối năm học, Mares khảo sát những sinh viên đã dùng phần mềm và nhận thấy 40% trong số đó dự tính tiếp tục chung sống với bạn cùng phòng của mình vào năm tới. Kết quả này cho cậu thêm động lực tin tưởng vào dự án kinh doanh của mình.

Mares gửi kế hoạch kinh doanh đến Trường ĐH Pittsburgh và nhận được tài trợ 30.000USD cùng văn phòng làm việc. Sáu tháng sau, cậu đã ký hợp đồng với ba trường đại học: Ohio, Bách khoa miền Nam và Kentucky miền Bắc. Cả ba trường đã dùng RoommateFit để sắp xếp chỗ trọ cho 7.000 tân sinh viên năm học 2012-2013. Mỗi sinh viên trả phí từ 2-3USD.
Mares hiện đang tìm cách mở rộng ý tưởng của mình ra ngoài phạm vi trường đại học, với việc phát triển phần mềm dành cho khách hàng có nhu cầu tìm bạn cùng phòng ở TP New York và San Francisco.

Bản thân Mares cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm ra giải pháp đơn giản cho vấn đề mà nhiều người đối mặt. Cậu tâm sự: “Khi nghe những phản hồi như: Tôi rất mến bạn cùng phòng của mình/ Thật hạnh phúc khi được sống cùng nhau... tôi thấy mình đã làm việc đáng làm, nhất là với những rắc rối chính mình đã trải qua”.
Theo TT
Flag Counter