Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Cà phê của người trẻ

Niches là dự án khởi nghiệp đầu tay của một nhóm sinh viên trẻ “máu” kinh doanh và đam mê với cà phê. Trong đó, Lê Hồng Hải Nhân cựu sinh viên Đại học Công nghệ thông tin, là thành viên trụ cột của nhóm từ những ngày đầu thành lập tháng 5/2011.
Nhớ lại quãng thời gian ban đầu, Hải Nhân cho biết, khó nhất là cân nhắc khi quyết định góp vốn bởi số tiền khởi nghiệp không hề nhỏ đối với các thành viên, vốn chỉ phụ thuộc kinh tế gia đình. Nhưng cả nhóm quyết tâm làm thật chứ không để ý tưởng chỉ tồn tại trên giấy.
Để thể hiện quyết tâm, theo Nhân, cách tốt nhất là để mọi người thấy được mình toàn tâm, toàn ý với nó. Do vậy, dù đang làm việc cho một công ty công nghệ thông tin, lương mỗi tháng lên đến ngàn USD nhưng Nhân vẫn nộp đơn xin nghỉ, “Nếu muốn thành công lớn thì chi phí cơ hội bỏ ra cũng lớn tương đương”, Nhân quan niệm.
Đọc được quyết tâm của Nhân và nhóm bạn, ban đầu, phụ huynh cả nhóm đều phản đối, nhưng qua quá trình thuyết phục dần dần phụ huynh cũng ủng hộ hết mình. “Chung quy niềm đam mê và quyết tâm của mình có đủ lớn để thuyết phục và tỏa sang người khác hay không”, các thành viên của Niches chia sẻ.

Niches bây giờ là điểm hẹn quen thuộc, một góc trú ẩn, một xó nhỏ để các bạn trẻ tìm thấy một nơi thật sự ấm cúng. Tầng một bài trí theo phong cách Tây có những buổi biểu diễn nhạc 2 buổi tối cuối tuần trong không gian ấm cúng, mọi người xích lại gần nhau hơn một chút trong sự hòa quyện của âm nhạc.
Lầu 2 sẽ là không gian của công nghệ với các máy móc nghe nhạc hiện đại, không gian của giải trí, lầu 3 đậm chất Nhật Bản dễ thương, khá yên tĩnh cho các nhóm sinh viên ngồi học bài.
Điểm nhấn của quán chính là luôn sẵn máy chiếu và hỗ trợ các bạn tối đa trong việc học nhóm và thuyết trình, thực sự là một nhu cầu rất thiết thực trong giới sinh viên. Các buổi hội thảo, chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh hay những buổi học tiếng Anh của quán khá bổ ích cho sinh viên.

Đặc điểm khó lẫn của quán là đội ngũ quản lý lẫn nhân viên đều là những người rất trẻ, năng động và nắm bắt tốt gu khách hàng. Những phản hồi của khách đa phần khen đội ngũ phục vụ dễ thương.
Các thành viên của Niches đều cho rằng, đây không đơn thuần là họ đang làm thêm kiếm thu nhập mà còn giao lưu, trải nghiệm cảm giác yêu thích với công việc mình làm và chia sẻ với nhau như gia đình nhỏ.

Khởi nguồn từ một ý tưởng cộng với niềm đam mê giành cho cà phê, dự án nhỏ nay có vốn lên gần 700 triệu đồng, nguồn chủ yếu vẫn là vay mượn, có nhiều giai đoạn khó khăn đến tan rã nhưng cuối cùng niềm đam mê vực dậy.
Dự án đã chiếm trọn quỹ thời gian nửa năm của cả nhóm, đến nỗi ăn “cà phê” ngủ “cà phê”, Nhân kể bạn sợ cảm giác thử hàng trăm ly cà phê để tìm loại cà phê ngon nhất.
Mọi người gầy rạc người vì xắn tay vào làm mọi thứ, trang trí, trồng hoa, thiết kế, cân đối tài chính, thu ngân... nhưng nhờ thế gặt hái nhiều trải nghiệm quý giá. “Cuộc sống trở nên thú vị hơn khi người trẻ dám thử thách chính mình, tìm được đam mê và chộp lấy nó”, họ nhấn mạnh.

KHÁNH LY

Từ cậu bé bán nước mía thành "triệu phú" hamster

Cậu bé chạy theo phụ cha mẹ bán nước mía lề đường ngày nào giờ đã là ông chủ chuỗi cửa hàng chuyên bán thú cưng nổi tiếng Sài Gòn, với thu nhập hằng tháng khoảng 100 triệu đồng.

Đó là chàng trai Trần Văn Thành, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM.
Năm 2008, cậu học sinh lớp 12 Trần Văn Thành hòa vào trào lưu nuôi thú kiểng đang sốt. Lúc đó cậu giấu bố mẹ mua một cặp hamster giá 120.000 đồng về nuôi. Vẻ đáng yêu của những chú chuột hang khiến Thành nhiều khi thức cả đêm để chơi với chúng. Vài tháng sau, cặp hamster của Thành cho ra đời 7 “em bé”.
Cứ thế, Thành nuôi đàn hamster của mình trong cái lồng phủ vải vì sợ bố mẹ biết. “Đến khi số con trong đàn vượt quá 30, Thành biết mình không còn đủ sức nuôi chúng nữa và nghĩ là: phải bán thôi”, Thành kể.
Ông chủ trẻ Trần Văn Thành khởi nghiệp từ chính những con hamster do mình tự nuôi. Ảnh: Xuân Hường
Đầu năm 2009, Thành bắt đầu tập tành lập website và rao bán những con hamster của mình trên mạng. Bán được những con đầu tiên, cậu bỗng nhận ra mình có thể kiếm được tiền từ việc này. Có vốn, cậu mua thêm con giống, thức ăn, chuồng nuôi và mọi thứ cần thiết để nuôi hamster và bổ sung vào danh sách các mặt hàng của mình. Hamster & Monkey shop của Thành ra đời từ đó.Thành bắt đầu khoác ba lô sang Thái Lan – nơi khởi phát phong trào nuôi hamster. Cậu đi vòng quanh các khu chợ để tìm nguồn hàng và mở mang tầm mắt. Có lần vì ham rẻ, Thành đã nhập thử 100 con hamster từ Trung Quốc với giá chỉ bằng phân nửa giá ở Thái Lan. Đàn hamster đó sau một tuần chỉ còn 20 con sống sót. Thành phát hoảng, sau đó tìm ra nguyên nhân là các con giống ở Trung Quốc vốn không được chăm sóc tốt, lại gặp điều kiện khí hậu không tương đồng nên chết hàng loạt.
“Mình cạch luôn, từ đó đến giờ chỉ dám nhập con giống từ Thái, giá tuy cao nhưng đảm bảo chất lượng”, Thành kể.
Không có xe máy, thời gian đầu lập nghiệp của cậu sinh viên là những chuyến xe buýt với lồng thú ôm khư khư trong tay. Nhiều đơn đặt hàng đến từ các tỉnh xa, nhưng xe khách không có dịch vụ chuyển thú mà hamster thì sẽ chết ngay nếu bị nhốt dưới hầm xe. Thế là Thành một mình ôm lồng thú đi khắp nơi để giao hàng.
“Có ngày, sáng mình ở Cần Thơ, chiều ở Vũng Tàu, về đến Sài Gòn là 10 giờ tối. Hồi ấy shop online mở ra nhiều lắm. Mình cũng không hiểu tại sao khách hàng lại tin tưởng shop mình và đặt mua rất nhiều. Nhiều bạn còn không cần giao hàng mà tự tìm đến nhà mình, leo lên tận căn gác phòng để rước hamster về”, Thành cười, nhớ lại thời gian đầu lập nghiệp.
Sau một năm bán hàng trên mạng, Thành tích cóp được chút vốn và quyết định thuê mặt bằng mở cửa hàng. Hợp đồng thuê mặt bằng đầu tiên ở đường Trần Quang Diệu bị chủ nhà đơn phương hủy bỏ sau 2 tháng vì sợ những con thú nuôi sẽ lây bệnh cho họ.
Thông tin hamster có thể lây bệnh truyền nhiễm từng khiến Thành lao đao một thời gian dài. Cuối cùng, cậu cũng thuê được một căn nhà hai lầu trên đường Trần Huy Liệu. Rút kinh nghiệm lần bị đuổi trước, cậu thuê nguyên căn. Ông chủ trẻ Trần Văn Thành bước sang một giai đoạn mới của việc kinh doanh.
Một góc cửa hàng của Thành trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Xuân Hường
Ăn nên làm ra, cứ sau một năm, Thành mở thêm một shop. Sau hơn 3 năm, chuỗi cửa hàng của Thành đã có 3 cơ sở tại quận Phú Nhuận, quận 10 và quận 8, đem lại lợi nhuận trung bình 100 triệu đồng mỗi tháng.Thành tâm sự: “Lúc còn nhỏ, chạy theo xe nước mía của ba mẹ mỗi lần bị dân phòng rượt đuổi, mình đã nuôi quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình. Thu nhập từ việc kinh doanh bây giờ đã có thể nuôi em trai mình ăn học, giúp gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn. Ba mẹ không còn phản đối mà quyết định ủng hộ con trai.”
Shop của Thành không chỉ bán thú cưng, mà còn có những mặt hàng tự chế gần như độc quyền. Chỉ vào kệ để những chiếc chuồng thú bằng mica nhiều màu sắc với đáy lót tấm tản nhiệt, Thành nói tất cả đều do cậu và những người bạn tự thiết kế, chế tạo tại nhà.
“Hamster vốn rất sợ nóng, nên mình đã nghĩ ra việc gắn miếng tản nhiệt ở đáy chuồng giúp các bé mát hơn”, Thành nói.
Chuồng được thiết kế đơn giản bằng mica, có giá rẻ hơn so với các mẫu chuồng sắt nhập từ Thái Lan phổ biến trên thị trường, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam mua hàng rồi mang sang Mỹ, Pháp để nuôi và giới thiệu cho bạn bè, thế là sản phẩm của Thành lại được giao sang tận nước ngoài.
Trần Văn Thành 'khoe' chiếc cầu thang gỗ mà cậu phải ra tận Nha Trang để tìm mua vật liệu. Ảnh: Xuân Hường
Chàng trai trẻ này còn thiết kế và đặt gia công nhiều mẫu đồ chơi cho hamster bằng các chất liệu khác nhau. Thành bảo, cậu hiểu hamster không chỉ cần ăn uống mà phải cho chúng chơi. Cậu phải ra đến tận Nha Trang mới tìm được loại gỗ thích hợp với giá rẻ để tạo nên những chiếc cầu thang gỗ gắn kẽm có thể uốn cong, những ngôi nhà nhỏ hay những tiện nghi nhỏ xíu để cho hamster có một nơi ở thoải mái nhất.Ông chủ trẻ Trần Văn Thành tư duy về việc kinh doanh bằng góc nhìn của một người nuôi hamster lâu năm. Cậu hiểu hamster cần gì, và hiều luôn các khách hàng đa số là sinh viên của mình luôn muốn chăm sóc thú cưng tốt nhất với giá rẻ nhất.
Trước đây, thức ăn của hamster là hạt ngũ cốc được nhập từ Thái Lan với giá cao. Phát hiện ra tất cả những loại hạt ấy đều có thể tìm được ở Việt Nam, Thành tự tìm đến các chợ mua về, tìm hiểu công thức và tự trộn. Thức ăn của Thành làm chỉ có giá bằng một phần ba loại hàng nhập về. Thu nhập “khủng” 100 triệu đồng mỗi tháng của Thành đến từ việc cậu luôn nghĩ về khách hàng đầy tận tâm như thế.
Bây giờ, dù đã là ông chủ của 3 cửa hàng, Thành vẫn giữ số điện thoại của mình làm “đường dây nóng” như thời kinh doanh trên mạng. Mỗi ngày, cậu nhận trên dưới 100 cuộc gọi của khách hàng hỏi về mọi thứ, từ sản phẩm đến kinh nghiệm nuôi hamster. Thành bảo, cậu chưa tự tin giao việc chăm sóc khách hàng của mình cho bất kì ai.
“Ngày xưa nhiều lúc bị stress vì nghe điện thoại nhiều quá, mấy lần phải gọi lại xin lỗi khách hàng vì lớn tiếng. Giờ thì ai cũng nói giọng mình mỗi lần nghe điện thoại nhẹ hẳn đi, chuyên nghiệp hơn nhiều”, Thành khoe.
“Mình còn rất trẻ để có thể nói đến hai chữ “thành công”, nhưng chắc chắn mình sẽ theo đuổi việc kinh doanh dịch vụ nuôi thú cưng này cho đến khi nào không còn ai muốn nuôi thú nữa. Chúng là ân nhân của cuộc đời mình”, ông chủ trẻ Trần Văn Thành nói, tay tỉ mẩn đút thức ăn cho những con hamster mới sinh.

Nguồn: VNEXPRESS
Flag Counter