Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Kiên định mục tiêu – Bí quyết thành công của CEO Buzz Digital

Tài sản thực sự của mỗi con người không phải địa vị, danh tiếng, hay tiền bạc mà chính là quá trình người đó đã vượt qua mọi gian nan, thử thách để vươn tới thành công. Nếu bạn không chịu đầu hàng trước mọi khó khăn, thì cuối cùng mọi vật cản sẽ biến thành tấm thảm hoa đưa bạn lên đỉnh vinh quang. Đó chính là chân lý đơn giản của cuộc sống. Và chính tính kiên định là viên gạch nối chuỗi hành động kéo dài nhiều năm tháng của mỗi con người thành một quá trình đẹp đẽ và đáng tự hào. Câu chuyện về CEO Buzz Digital – Nguyễn Văn Phương là một minh chứng cho đức tính đáng quý đó.

CEO Nguyễn Văn Phương tại Văn phòng làm việc

Lửa kinh doanh được thắp lên từ thời thơ ấu

Nguyễn Văn Phương là con út trong gia đình có 2 chị em tại mảnh đất Tân Yên, Bắc Giang. Cả bố và mẹ đều làm nghề buôn bán. Bố làm thầu xây dựng và mẹ trải qua nhiều hoạt động buôn bán khác nhau như đầu mối cung cấp động vật, bán tạp hóa, kinh doanh bất động sản… Sống trong môi trường ấy, cậu đã được tiếp xúc với công việc kinh doanh của bố mẹ từ rất sớm.
Ngay từ thời học cấp 1, thấy mẹ thường xuyên dậy sớm từ 4-5 giờ sáng để làm việc, kể cả những ngày trời giá rét dưới 10 độ C, Phương không ngủ mà dậy hỗ trợ mẹ các việc nhỏ và thầm lặng quan sát công việc buôn bán của mẹ. Phương hiểu rằng nghiệp kinh doanh không hề nhàn nhã như mọi người vẫn tưởng mà ngược lại rất vất vả, hao tâm tổn trí mới có thể kiếm được tiền. Nhưng cũng nhờ thế, niềm đam mê cùng những tố chất kinh doanh dần được nuôi dưỡng và hun đúc trong người cậu con trai út từ lúc nào không hay.
Năm học lớp 8, cũng giống như các bạn bè đồng trang lứa, Phương rất mến mộ và thần tượng các ca sỹ nổi tiếng thời bấy giờ như Lam Trường, Đan Trường… Cậu trò nhỏ đã tích góp tiền mua một chiếc đài catsette nhỏ để nghe và hát theo các bài hát do các ca sỹ thể hiện. Vốn thích hát và hay hát, Phương còn tham gia và giành giải Nhất đơn ca nam cuộc thi giọng hát hay của trường. Thành tích đó giúp Phương được nhiều bạn bè trong trường biết đến. Với tố chất kinh doanh sẵn có trong người, Phương đã biết phát hiện ra cơ hội, biến niềm đam mê âm nhạc thành hoạt động kinh doanh đầu tiên của mình. Nhận thấy các bạn học ở trường cũng có nhu cầu mua đài catsette nghe băng, Phương đã lên thành phố Bắc Giang (cách nhà khoảng 15 km) để mua những chiếc đài catsette bán lại cho các bạn trong lớp, trong trường. Phương liên tục nhận được đơn đặt hàng từ các bạn, cứ  vài  tuần lại có bạn nhờ mua. Cứ thế, trong suốt 2 năm học đó, cậu học trò đã bán được gần 30 chiếc đài cùng với nhiều băng catssette. Mỗi chiếc đài lúc đó có giá từ 50.000 đến 80.000, Phương chỉ lãi từ 5.000 – 10.000 VNĐ/1 chiếc. Số lãi tuy không nhiều nhưng đem lại cho Phương niềm vui mới ngoài học tập. Việc kinh doanh đầu tiên đã nhen nhóm hình thành nên trong cậu học trò những công việc kinh doanh khác lớn hơn sau này.
Bước vào học cấp 3, song song với việc học tập, Phương cùng ba người bạn thân thành lập nên một nhóm để kinh doanh thường xuyên và chuyên nghiệp hơn. Nắm bắt được nhu cầu vào các dịp lễ như ngày 20-10, 20-11, 8-3, Noel…, các bạn học sinh đều mua hoa tươi, bưu thiếp, tranh ảnh tặng cho thầy cô giáo, người thân, bạn bè, nhóm của Phương đã hiện thực hóa nhu cầu đó bằng việc kinh doanh các sản phẩm vào dịp lễ. Sản phẩm kinh doanh rất đa dạng như: hoa tươi, thiệp chúc mừng, tranh ảnh, poster… Để có được nguồn hàng ổn định, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, Phương và nhóm bạn đã xây dựng quan hệ với một đầu mối cung cấp hàng trên thành phố. Và cứ đến mỗi dịp lễ, công việc của nhóm Phương trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, người thì xoay tiền vốn, người thì đạp xe lên chợ Thương để lấy hàng và chở về, người thì trang trí gian hàng tại chợ,… Ngoài các dịp lễ, nhóm Phương lúc nào cũng sẵn sàng các sản phẩm như tranh ảnh, thiệp để bán cho các bạn tặng sinh nhật.
Hoạt động kinh doanh này được nhóm Phương duy trì suốt ba năm học cấp 3. Công việc kinh doanh không bao giờ lỗ vì hàng thường xuyên bán hết, hàng tồn không đáng kể, đem lại nguồn thu nhập thêm cho cả nhóm. Tên tuổi nhóm kinh doanh của Phương đã trở thành “thương hiệu” được nhiều bạn bè biết đến.
Cú trượt nhớ đời trong kỳ thi “vượt vũ môn”
Đam mê các hoạt động kinh doanh, khi học cấp 3, Phương đã xác định chỉ thi vào hai trường thuộc khối ngành kinh tế với ưu tiên số một là Đại học Ngoại thương và thứ hai là Học viện Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội.
Mục tiêu trở thành người làm kinh doanh đã vạch ra, năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, Phương chọn thi vào Đại học Ngoại thương – Khoa Kinh tế Đối ngoại. Bản thân học tốt các môn học khối A nên Phương rất kỳ vọng vào kỳ thi này để hiện thực hóa ước mơ sự nghiệp.
Song năm đó, Phương thi được 22,5 điểm trong khi điểm chuẩn đầu vào khoa này là 24,5. Trượt đại học, tâm lý có hơi thất vọng vì chưa thực hiện được mục tiêu đề ra nhưng Phương không nản. Căn cứ theo điểm thi, Phương được gọi chuyển sang học khoa Luật cùng trường. Trước tình huống “băn khoăn đứng giữa hai dòng nước” là theo học ngành luật hay ở nhà ôn thi thêm một năm, Phương đã đối thoại với chính mình, xác định rõ con đường mình muốn đi là trở thành người kinh doanh chứ không phải thành luật sư. Do đó, cậu học trò đã quyết tâm dùi mài kinh sử để năm sau thi lại khoa Kinh tế đối ngoại – Đại học Ngoại thương.
Xác định mục tiêu rõ ràng, năm sau Phương đã thi đỗ Đại học Ngoại thương với điểm số gần tuyệt đối 28,5 điểm/3 môn. Kết quả đó như minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm đạt đến mục tiêu đã đặt ra từ đầu.
Hành trình tích lũy và kỳ tích dày đặc trong bốn năm Đại học
Sau khi thi đỗ đại học theo đúng nguyện vọng, Phương đối diện ngay với việc chọn học một trong ba ngoại ngữ là Anh, Trung, Nhật. Cân nhắc với suy nghĩ: “Tiếng Anh phổ thông rồi, học lúc nào cũng được nên học tiếng Nhật để có thêm 1 ngoại ngữ mới nữa. Khi có 2 ngoại ngữ thì có thể đi bất cứ nước nào trên thế giới”, Phương quyết định học tiếng Nhật để có thể thực hiện được mong ước đó của mình.
Với niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng, cậu sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào trường đã thiết lập mục tiêu tiếp theo cho mình: Tập trung học tập để có kiến thức và tham gia trải nghiệm tất cả các công việc liên quan đến kinh doanh. Mục đích làm việc là để trải nghiệm thực tế chứ không phải để kiếm tiền.
Bắt tay ngay vào thực hiện mục tiêu đã định, kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, Phương tham gia làm nghiên cứu thị trường cho Tổng cục Thuế và chăm sóc khách hàng cho Công ty Viễn thông quân đội Viettel. Hai cơ hội làm thêm này đều do Phương chủ động tìm kiếm từ các anh/chị học khóa trên.
Với công việc khảo sát thị trường cho Tổng cục Thuế, Phương mượn xe máy đi đến các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh để khảo sát các trưởng phòng tài chính với bản survey dài 5 trang A4. Kinh nghiệm làm khảo sát thị trường được Phương tích lũy từ đây. Song song với việc đi khảo sát thị trường, cậu sinh viên trẻ còn đảm nhiệm công việc của một nhân viên chăm sóc khách hàng để rèn kỹ năng giao tiếp qua điện thoại với khách hàng.
Năm thứ 2, bản đồ sự nghiệp được Phương vạch ra rõ ràng hơn với mục tiêu trở thành chuyên gia Marketing và thương hiệu. Để đạt được mục tiêu này, Phương xác định phải trải qua tất các các công việc như: nghiên cứu thị trường, thương hiệu, PR, tổ chức sự kiện, bán hàng, quảng cáo… Lúc đó Phương đã tự nhủ với mình: “Khi vẽ ra bản đồ như vậy thì cần phải trải nghiệm qua tất cả các công việc để am hiểu tất cả các công cụ, mới trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này được”.
Sang năm thứ 2, tuy không đặt nặng việc kiếm tiền nhưng Phương đã có tiền để mua một chiếc xe máy dream cũ làm phương tiện đi lại từ việc làm thêm. Năm học này, Phương cùng một số thành viên học tại trường Đại học Ngoại thương đồng sáng lập ra CLB Marketing với tên viết tắt là MaC (Marketing Club). Phương tham gia ban điều hành CLB, kiêm trưởng ban chuyên môn, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo, seminar, training về Marketing cho thành viên CLB, sinh viên các khóa và các trường ĐH khác trên địa bàn Hà Nội… CLB Marketing do nhóm Phương điều hành đã trở thành một trong top những CLB hoạt động sôi nổi nhất trường ĐH Ngoại thương từ đó đến bây giờ. Phát triển CLB, Phương đã tích lũy cho mình kỹ năng lãnh đạo, điều hành, kết nối công việc trong một tổ chức.
Ngoài dành thời gian cho học tập và CLB MaC, Phương không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để tham gia các hội thảo, cuộc thi về Marketing. Phương coi đây là mảng yêu thích nên thường xuyên nghiên cứu và tiếp cận chuyên sâu. Phương đã tham dự các cuộc thi về Marketing như “Đọ sức anh tài Marketing”do nhãn hàng Rexona – Unilever tổ chức, “Tập làm giám đốc Marketing” do Tạp chí Marketing tổ chức và đều lọt vào vòng trong.
Năm học thứ 3, Phương vẫn tham gia CLB MaC đều đặn và duy trì các hoạt động hội thảo, sự kiện thường xuyên. Đồng thời, để có kiến thức về mảng PR, sự kiện, Phương đã tự tìm kiếm cơ hội thực tập tại công ty T&A Ogilvy, công ty thuộc tập đoàn truyền thông WPP là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới. Thời gian thực tập tuy ngắn nhưng đã cho Phương kinh nghiệm, kỹ năng chuyên nghiệp khi làm việc với đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, Phương còn thu nhận được các kỹ năng hoạch định kế hoạch tổ chức sự kiện, thiết kế nội dung sự kiện, triển khai và làm việc với các bộ phận liên quan, làm việc với các Supplier Agency tổ chức sự kiện.
Năm học cuối, tuy chưa ra trường nhưng nhiều cơ hội việc làm đã tìm đến Phương. Qua cuộc thi “Ứng viên tài năng của ĐH Ngoại thương”, CV của Phương là một trong những CV sáng giá với nhiều thành tích và kinh nghiệm nên được giới thiệu đến nhiều tập đoàn tuyển dụng. Lựa chọn đầu tiên Phương thử sức với vị trí trợ lý Giám đốc tại công ty Vận tải Dầu khí. Công việc đa – di – năng từ làm hành chính, văn phòng đến tiếp khách, quản lý dự án, marketing… khá thú vị nhưng lại không tập trung nhiều đến Marketing. Do đó Phương xin nghỉ để tiếp tục trải nghiệm công việc quảng cáo, kiên định hướng tới mục tiêu trở thành chuyên gia Marketing của mình.
Và ngay sau đó, Phương trúng tuyển vào công ty Quảng cáo GoldSun. Sau 1 tháng thử việc, Phương ký hợp đồng làm việc chính thức với vị trí là nhân viên tư vấn quảng cáo. Nhờ sự sắc bén, năng nổ, các kế hoạch tư vấn và bán quảng cáo (quảng cáo ngoài trời, quảng cáo thang máy) Phương đã tư vấn và triển khai thành công cho một số khách hàng lớn như Diana, Ford, Double A… Làm việc ở GoldSun được 8 tháng, Phương nhận thấy đã học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm về quảng cáo trong bước đi đến mục tiêu của mình nên quyết định dừng công việc ở đây và tìm kiếm những thử thách khác.
Đúng thời điểm đó, một anh bạn thân quen biết từ hội Marketing, người biết rõ tố chất, năng lực, kinh nghiệm của Phương đã mời Phương về làm Giám đốc Marketing thương hiệu cho Công ty CTC Communications kinh doanh trong lĩnh vực giá trị gia tăng trên điện thoại đi động (VAS). Công tác tại đây một năm, bằng những kiến thức đã học được cùng kinh nghiệm thực tế, Phương đã góp phần đẩy doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần.
Cũng trong thời gian này, Phương nhận được khá nhiều lời mời làm Giám đốc thương hiệu, Marketing từ nhiều đơn vị khác và Phương đã tư vấn về mảng này cho nhiều công ty bạn bè.
Hai năm sau khi ra trường, tự nhận thấy đã sẵn sàng cho việc kinh doanh riêng, Phương quyết định thành lập công ty, theo đuổi lĩnh vực mà mình say mê – đó là Marketing, cụ thể hơn là xây dựng thương hiệu và tiếp thị số.
Vượt chướng ngại vật để khởi nghiệp kinh doanh
Tháng 8/2010, Phương thành lập Buzz Digital với số vốn khởi nghiệp khoảng 100 triệu đồng. Phương xác định rõ ràng 6 tháng đầu chủ yếu là dành thời gian setup. Việc đầu tiên là Phương thuê văn phòng và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho công ty mình.
Xuất phát từ quá trình làm việc tại các công ty quảng cáo, truyền thông, Phương nhận thấy Internet phát triển như vũ bão và nhận định đó là kênh Marketing hiệu quả, đón đầu xu hướng. Do đó, Phương xác định ngay đây sẽ là mảng tập trung trong giai đoạn đầu. Công ty Buzz Digital ra đời và lấy slogan là “buzz your brand” (lan truyền thương hiệu của bạn), còn logo là hình ảnh biểu trưng cho nhiều khuôn mặt nói vào tai nhau, rỉ tai nhau, lan truyền thương hiệu của khách hàng. Màu sắc nhận diện là màu cam thể hiện sự trẻ trung, năng động, sáng tạo, đồng thời rất phù hợp với những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường Internet và công nghệ.
Logo Buzz Digital với biểu trưng nhiều khuôn mặt thể hiện thông điệp “rỉ tai nhau” lan truyền thương hiệu của khách hàng.
Thành lập doanh nghiệp chưa được bao lâu, Phương đã phải đau đầu trước “chướng ngại vật” đầu tiên, đó là vấn đề nhân sự. Do chọn lọc không kỹ lưỡng, nên doanh nghiệp của Phương đã tuyển dụng nhầm người cho nhiều vị trí, nhiều người ra đi, mất chi phí đào tạo, trả lương, công sức, cơ hội. Xác định nhân sự là yếu tố then chốt của doanh nghiệp,  Phương đã định vị lại vấn đề nhân sự: công ty mới thành lập, còn non trẻ nên đội ngũ nhân sự cần phải là những người nhiệt huyết và đam mê với lĩnh vực này. Vì thế, Phương bắt tay ngay vào xây dựng quy trình tuyển dụng để có thể chọn ra những ứng viên phù hợp: test, phỏng vấn đến khi không còn đắn đo nữa mới tuyển. Ngoài ra, Phương còn xây dựng tiêu chí cho từng vị trí, nấc thang đóng góp và thăng tiến. Sau khi đưa quy trình vào áp dụng, Phương đã tuyển chọn được những nhân sự phù hợp, hiện tượng nhân sự ra vào liên tục không còn tái diễn.
Củng cố được đội ngũ nhân sự, do công ty bắt đầu có tên tuổi trên thị trường và do có nhiều mối quan hệ từ trước, Phương dễ dàng có những hợp đồng lớn nhỏ. Việc tìm kiếm khách hàng không phải là vấn đề quá khó khăn.
Chia sẻ với tôi sau gần một năm rưỡi thành lập công ty, Phương cho biết: “Năm 2011 vừa qua doanh thu của Buzz Digital là hơn 1 tỉ đồng, mục tiêu doanh thu năm 2012 là 4 tỉ”. 
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó vẫn chưa làm hài lòng chàng giám đốc trẻ nhiều tham vọng. Phương bày tỏ: “Mình thấy chưa thực sự hài lòng vì nếu biết huy động các thành viên HĐQT không chỉ góp vốn mà còn tham gia phát triển công ty và khâu tuyển nhân sự, huấn luyện chặt chẽ ngay từ đầu thì tốc độ phát triển đã đẩy được nhanh hơn, thành công hơn”. 
Hiện tại, Phương đã lên kế hoạch cụ thể cho 3-5 năm tới và đang từng bước triển khai, nhân rộng quy mô. Phương bảo: “Lộ trình đã được xây dựng như một cái cây rất cụ thể các nhánh, việc phát triển chỉ còn là vấn đề thời gian”. 
Trong những năm tới, Phương dự định phát triển Công ty thành một Group các công ty thuộc lĩnh vực như sau:
-    Branding (Công ty Tư vấn thương hiệu)
-    Marketing and Communications (Công ty Marketing và truyền thông)
-    Event & Activations (Công ty Sự kiện và hoạt động kích hoạt thương hiệu)
-    Công ty Digital Marketing (Truyền thông số Buzz Digital là mảng công ty đang tập trung phát triển trong giai đoạn đầu).

Đồng thời với việc phát triển thành tập đoàn truyền thông, Phương đã lên kế hoạch cùng bạn bè xây dựng trường đào tạo chuyên sâu về Marketing và thương hiệu tại Việt Nam. Trường sẽ là nơi kết nối các chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động đào tạo với sứ mệnh cung cấp kiến thức thực hành và ứng dụng cho cộng đồng marketing. Dự án sẽ bắt đầu được khởi động trong năm 2012 . Phương cho biết thêm: “Hai mục tiêu này mình đã lên kế hoạch phải đạt được trong những năm tới. Dự định xa hơn là sau này sẽ trở thành một trong những nhà tư vấn và diễn giả hàng đầu về Marketing và thương hiệu tại Việt Nam”. 
Phương còn bật mí: “Năm 2010, mình cũng đã đi học các lớp học ngắn hạn về Marketing ở Singapore. Đi học nước ngoài là để học hỏi những kiến thức mới nhất và tạo cơ hội kết nối với các chuyên gia nước ngoài, nhằm phát triển những mục tiêu trên”. Ngoài ra Phương còn tham gia các hoạt động ngoại khóa như: CLB Millionaire House với vai trò đồng sáng lập và phó chủ tịch CLB. Millionaire House là nơi coaching những CEO trẻ từ quản trị chiến lược, nhân sự, tài chính… đến sức khỏe với sứ mệnh “Happier & Weathier”. Bên cạnh đó, chàng giám đốc trẻ còn là người sáng lập CLB VMCC (Vietnam Marketing & Communications Club) – là nơi kết nối và giao lưu kiến thức chuyên môn về marketing & truyền thông.
Nguyễn Văn Phương (đứng thứ tư từ trái sang) tại sự kiện Hội thảo do CLB VMCC tổ chức
 
Nguyễn Văn Phương trẻ trung, tự tin trong một buổi dã ngoại của CLB Millionaire House
Tôi biết đằng sau mong muốn ấy của Phương là một hoạch định đã rõ ràng cho tương lai. Bài học thành công lớn nhất của chàng trai trẻ này là luôn chủ động tìm đến cơ hội, lộ trình rõ ràng chứ không thụ động chờ đợi cơ hội tìm đến mình và kiên trì đến cùng với mục tiêu đã đề ra.
Tiễn tôi ra cửa công ty, trong đầu tôi rất ấn tượng với con số 300 khách hàng lớn nhỏ sau một năm rưỡi thành lập của Buzz Digital, trong đó phải kể đến các khách hàng có tên tuổi như: Unilever, Mobifone, Diana, MB Bank, Vinaphone, VDC, Language Link, Hilton Hotel… Tôi tin là con số sẽ không dừng ở đó.
hoclamgiau

Cầm đồ trực tuyến-mô hình kinh doanh mới của người cựu chiến binh

– Hình ảnh vốn không mấy tốt đẹp của những người chủ cầm đồ đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực với mô hình kinh doanh đầy sáng tạo của người cựu chiến binh Todd Hills
Todd Hills
todd hills
Miêu tả sơ lược về doanh nghiệp
Năm 2009, khi kênh truyền hình về Lịch sử bắt đầu trình chiếu chương trình “Ngôi sao Cầm đồ” lần đầu tiên, khán giả đã hoàn toàn bị lôi cuốn và thuyết phục. Hình ảnh vốn không mấy tốt đẹp của những người chủ cầm đồ đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chương trình nói về người cựu chiến binh Todd Hills và Pawngo, cửa hiệu cầm đồ trực tuyến của ông.
Cũng giống như bất cứ cửa hiệu cầm đồ truyền thống đã được cấp phép nào khác, Pawngo cho phép khách hàng vay bằng các tài sản cầm cố có giá trị hoặc Pawngo sẽ mua lại hoàn toàn tài sản đó. Tuy vậy, Hills còn ứng dụng công nghệ thông tin vào doanh nghiệp của mình bằng cách thành lập cửa hiệu cầm đồ trực tuyến. Khi người dùng miêu tả mặt hàng của họ trên trang web, đội ngũ chuyên gia của Pawngo sẽ nhận định và  trả giá dựa trên giá trị ước tính của món đồ. Nếu người dùng chấp nhận mức giá được đưa ra, anh hoặc cô ấy sẽ cung cấp bằng chứng nhận dạng và chuyển món đồ đó đến trụ sở ở  Denver của công ty. Ngay sau khi công ty nhận được món đồ, người bán sẽ nhận được tiền thông qua  tài khoản ngân hàng của mình.
Khởi đầu
Hills đã tham gia vào ngành công nghiệp cầm đồ được 25 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, ông đã dày công xây dựng và bán một số cửa hàng riêng. Ông sớm nhận ra rằng khi thị trường tín dụng cạn kiệt trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các cá nhân và doanh nghiệp thường có nhu cầu giữ tiền mặt nhiều hơn.
Pawngo.com
Trụ sở: Denver
Số lượng nhân viên: 25
Kỷ lục về số lượng người truy cập trong một tháng: 78.285 lượt
Số lượt truy cập (từ khi ra mắt vào tháng 6 năm 2011): 850.000
Kỷ lục về số lượng người truy cập kể từ khi ra mắt: 400.000
Số người theo trên các phương tiện truyền thông xã hội: 23,000
Giao diện trang web Pawngo.com

“Chúng tôi đã bắt đầu để ý đến những người chưa bao giờ ghé thăm bất kỳ cửa hàng cầm đồ nào trước đây, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp nhỏ – những người cần khoản vay lên đến 50.000 đô la Mỹ mà không thể vay được từ ngân hàng”, Hills chia sẻ.
Ông quyết định dùng các phương tiện trực tuyến nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn hơn rất nhiều mà không cần băn khoăn về khoảng cách địa lý cũng như việc xây dựng và phát triển một cửa hiệu cầm đồ. Năm 2007, ông tìm kiếm công ty chuyên thành lập trang web và ra mắt trang web đầu tiên của ông – InternetPawn.com trong năm 2009. Cái tên “vô cùng thuần tục” này cũng được dùng cho Pawngo, cửa hàng được ra mắt vào tháng 6 năm 2011.
Chiếc đàn ghi ta “Cowboy fancy” có chữ ký của Bob Weir của ban nhạc Grateful Dead được bày bán trên Pawngo với giá trị ước tính: 9.000 đô la Mỹ.
Chiếc đàn ghi ta “Cowboy fancy” 

Chỉ tính đến năm 2010, doanh nghiệp của Hill đã thu hút được vô số các khoản đầu tư: 800.000 đô la từ Access Venture Partners và Daylight Partners, 200 triệu đô la từ quỹ đầu tư Chicago và vô số thành công khác
Mô hình kinh doanh
Kể từ khi được ra mắt, Pawngo đã trả số tiền gần 2 triệu đô la cho các khách hàng đến từ 46 tiểu bang khác nhau. Các khoản vay dao động từ 250 đến 50,000 đô la (với mức trung bình là 1,800). Công ty tính mức lãi suất từ 3 đến 6%, tùy thuộc vào mục tiêu và lượng tiền vay. Trong tháng chín, Pawngo đã phát động một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ với khoản vay lên đến  1 triệu đô la (thường trực 24/24) mà không cần kiểm tra tín dụng. Công ty cũng chỉ thu tiền lãi khi kết thúc thời hạn cho vay.
Tương lai của Pawngo
Về dài hạn, công ty tập trung vào đồng hồ, thiết bị máy ảnh cao cấp và vàng, nhưng danh sách các mặt hàng của cửa hàng vẫn tiếp tục được mở rộng. Khi xây dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ, Pawngo cũng nhận thức được sự khác biệt giữa việc mua và bán lại những sản phẩm cầm đồ.
(Dịch từ Entrepreneur)
Người gửi Lê Chung
Flag Counter