Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

CEO Mobiistar Carl Ngô Nguyên Kha: Lấy nông thôn vây thành thị

Với chiến lược Smartphone thương hiệu Việt, Mobiistar đã ghi dấu ấn thành công ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt sức mua và thị trường điện thoại thương hiệu Việt đuối sức trên sân nhà hiện nay.
Cuộc trò chuyện với Carl Ngô Nguyên Kha - Giám đốc điều hành Mobile Star - DN sáng lập và sở hữu Mobiistar từ tiền thân P&T Mobile - cho thấy không hẳn điện thoại Việt đã “hết đất sống”, và những điều đang đón đợi các DN điện thoại Việt ở phía trước.
Tìm một chỗ trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu
* Xin được bắt đầu bằng một câu hỏi mà bất kỳ ai là người Việt, cũng thấy “nóng” : Tại sao một thương hiệu điện thoại của VN, nhưng nhà máy sản xuất lại đặt ở Trung Quốc, thưa anh?
- Rất đơn giản, ở Trung Quốc có “vùng nguyên liệu”, hay còn gọi là công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại di động nói riêng và các sản phẩm điện tử nói chung. Họ có những tỉnh, thành phố, khu công nghiệp chỉ chuyên sản xuất điện thoại đi động và các sản phẩm phụ trợ, bao quanh đó là các DN về cung ứng vỏ cứng, cung ứng bao vỏ hộp, làm khuôn...
Cũng cần phải nói thêm là hầu hết những thương hiệu điện thoại nổi tiếng hiện nay, đều đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Có lẽ cũng vì nguyên do này.
Tuy là sản xuất ở Trung Quốc, nhưng “đầu não” nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện của sản phẩm Mobiistar vẫn ở VN. Thiết lập hoặc ứng dụng phần mềm cho sản phẩm, thiết kế sản phẩm, khảo sát thị trường và chăm sóc khách hàng của Mobiistar đều là người VN, và của VN, đặt tại VN. Các đối tác sản xuất ở Trung Quốc là các đơn vị “outsourcing” theo đơn hàng của Mobile Star.
* Dù vậy, anh có thấy “lấn cấn” và mong muốn có một nhà máy sản xuất Mobiistar tại VN?
- Có không ít khách hàng đặt câu hỏi giống như chị. Họ tha thiết muốn có sản phẩm Việt 100%, do người Việt gia công, sản xuất. Vấn đề ở đây là chúng tôi có thể có vốn liếng, có thể đầu tư nhà máy, nhưng những khâu còn lại như đã nói ở trên, thì giải quyết ra sao?
Khi không có vùng nguyên liệu ngay sẵn bao quanh nhà máy, không có các nhân công chuyên gia công sản xuất sản phẩm điện thoại, chúng tôi sẽ phải “nhập khẩu”.
Như vậy không những tăng chi phí cơ hội mà chi phí cấu thành sản phẩm cũng tăng rất nhiều. Trong thời đại hiện nay, chúng ta vẫn hay đề cao “Just in time” - Đúng thời điểm. Nếu không đúng thời điểm thì không còn được người tiêu dùng đón nhận.
Không đúng thời điểm thì giá sản phẩm cũng có sự dao động và gia tăng rất lớn. Và không giải quyết được những vấn đề đó, cũng không còn lợi thế của Mobiistar là sản phẩm tốt nhưng giá hợp túi tiền người dân được nữa!
* Có nghĩa là trong tương lai, người Việt vẫn rất khó mơ về một thương hiệu điện thoại thuần Việt?
- Cá nhân tôi có suy nghĩ khác. Bây giờ đã là thời đại của kinh tế toàn cầu. Mọi sự phân công lao động hợp lý và bản thân mình có được sự đóng góp của mình trong một vị trí, công đoạn nào đó của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, qua đó tìm kiếm được giá trị gia tăng, tôi cho đã là rất tốt. Không nhất thiết một DN phải làm hết từ đầu đến cuối ! Và không nhất thiết phải phân biệt mọi công đoạn, xuất xứ các công đoạn một khi đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
* Nhưng có lẽ nếu không vì một ước mơ điện thoại thương hiệu Việt, hẳn anh đã không từ bỏ vị trí rất được nhiều người mơ ước trước đây - Trưởng đại diện Sony Ericsson VN - vị trí anh bắt đầu từ năm 30 tuổi?
- Giữa việc xây dựng một sản phẩm, thương hiệu của riêng Cty mình, chăm chút cho mỗi sản phẩm ngay từ những đường nét chi tiết nhất để nó long lanh, vừa ý người tiêu dùng, chắc chắn sẽ khác nhiều so với việc quảng bá - marketing về chất lượng, vẻ đẹp của một sản phẩm không phải của chính mình.
Công việc ở vế thứ nhất như vậy theo tôi cũng thú vị hơn. Đương nhiên, với mỗi người điều đó sẽ được đánh giá khác nhau, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ với đại đa số những người làm kinh doanh, ngoài kinh doanh thu lợi nhuận, ai cũng mong có được những “đứa con” của mình, được chăm bẵm nó, nhìn nó lớn lên.
Quan trọng nhất: Khách hàng muốn gì!
* Vậy là khi đặt ra việc sản xuất và xây dựng nhãn hàng Mobiistar, P&T Mobile lúc ấy cũng không chỉ tính đến chuyện thu lợi?
- Có nhiều người do sở thích hoặc năng lực, mục tiêu, ngay từ đầu và cho đến về sau, họ chỉ chọn công việc phân phối. Sự phân công lao động và lựa chọn của mỗi người và điều đó khiến bức tranh kinh doanh phong phú hơn.
Để xác định được vị trí trong một chuỗi giá trị trong kinh doanh, người làm kinh doanh bao giờ cũng phải hiểu mình muốn gì và quan trọng hơn hết, là các đối tượng khách hàng mục tiêu của mình muốn gì.
Từ đó, mới thiết lập các công việc, hoạt động, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được mong muốn của các khách hàng mục tiêu. Điều đó quyết định ta chọn tham gia công đoạn nào hay sẽ đi từ đầu đến cuối sự ra đời, vận hành guồng máy phân phối một sản phẩm.
Thật ra nếu nhìn lại công việc của P&T, tiền thân của Mobile Star hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu từ việc phân phối các sản phẩm, nhãn hàng khác. Nhờ các kinh nghiệm trong việc bán hàng, ra mắt các sản phẩm quốc tế, chúng tôi chọn con đường cho ra đời các dòng sản phẩm mới của mình hôm nay.
* Thị trường điện thoại thương hiệu Việt có khá nhiều “ông lớn”, như VNPT, FTP, Viettel... Vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của Mobile Star bên cạnh những “nhà giàu” này?
- Chúng tôi cũng không đặt nặng vấn đề phải cạnh tranh, mà chỉ quan tâm đến chuyện mình có hiểu người tiêu dùng hay không, và làm thế nào để người tiêu dùng có cảm hứng muốn mua, muốn sử dụng không chỉ vì thấy nó hợp túi tiền.
Vì lý do đó, chúng tôi cũng huy động mọi khả năng có thể từ cộng sự, nhân viên để tập trung cho ra sản phẩm tốt nhất, để những đại lý phân phối, bán hàng cũng thấy họ có lý do, có lợi ích thực sự khi lựa chọn sản phẩm của chúng tôi và mang đến cho người tiêu dùng. Đó là cách mà chúng tôi cố gắng để phát triển, và cũng phù hợp với quy mô của Mobile Star.
* Anh có thể giới thiệu đôi chút về các dòng sản phẩm của Mobiistar?
- Chúng tôi hiện có 5 dòng sản phẩm chính : Dòng 1 là các sản phẩm chuyên dùng nghe gọi đơn giản, dòng B. Dòng 2 là @ với đặc trưng là các bàn phím tiện ích cho nhắn tin message.
Dòng 3 là sản phẩm với những tiện ích dành cho người nghe nhạc - M. Dòng thứ 4 với các đặc trưng dành cho người yêu thích thời trang - Fashion. Còn mới đây chúng tôi có thêm S - Smartphone, cho làn sóng ưa chuộng các sản phẩm này vốn mới bùng nổ.
Trong mỗi dòng chúng tôi thường có những nhóm sản phẩm với các đặc trưng khác nhau. Ở giai đoạn hiện nay thì có lẽ Smartphone theo tôi vẫn sẽ là dòng sản phẩm có thể khai triển trong tương lai. Nhưng “tương lai” trong lĩnh vực kinh doanh này cần phải hiểu chỉ có ý nghĩa đôi khi rất ngắn, vì sự thay đổi và chuyển biến là không ngừng.
* Nghĩa là một DN sản xuất và kinh doanh điện thoại khó có thể xây dựng, định vị và trông cậy vào một dòng sản phẩm chính, dù đó là dòng nào?
- Cách đây một năm, chúng tôi đã dự báo sẽ có làn sóng sử dụng Smartphone tại VN. Căn cứ trên dự báo đó, chúng tôi đã đưa ra sản phẩm Pre-Smartphone (tiền smartphone), với khoảng 7 sản phẩm.
Cách đây khoảng 3 tháng chúng tôi cho ra đời sản phẩm Touch S01, ứng dụng hệ điều hành Android với 3G, giá dưới 3 triệu VND và được người tiêu dùng đón nhận, tạo ra độ nóng nhất định. Có thể nói đây là dòng sản phẩm thành công của Mobiistar hiện nay.
Ngay sau đó, chúng tôi giới thiệu điện thoại Touch S02, smartphone android với kết nối wifi, giá khoảng 1,8 triệu đồng. Chúng tôi cũng được đón nhận tốt với sản phẩm Touch Lai 5, sản phẩm “lai” giữa máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Trong tháng 9 này, chúng tôi có sản phẩm Touch S03 với màn hình 4.0, chạy HĐH Android, kết nối 3G mà giá có 2,8 triệu, Đặc biệt là sản phẩm Touch Kem 430 với phiên bản Ice Cream Sandwich (Android 4.0) giá khoảng 3,4 triệu.
Nói vậy để thấy: chưa nói đến chuyện đi đầu, đón trước, nắm bắt được xu hướng thị trường, chỉ mỗi việc bắt kịp thôi thì DN đã không thể dừng lại ở một vài sản phẩm và cứ thế sản xuất hoài. Thế giới ngày càng thông minh và bất kỳ DN nào trong ngành này muốn tồn tại, cũng phải không ngừng đón trước và thay đổi !
* Nói như vậy, có thể kỳ vọng vẫn còn có những “ngách” để các nhãn hàng điện thoại Việt phát triển?
- Tôi cho là mọi sự so sánh đều rất khó chính xác. Các nhãn hàng quốc tế đa phần đều đã định vị mình và có những dòng sản phẩm rất nổi tiếng. Các nhãn hàng trong nước tuy cũng có lợi thế riêng trên thị trường nội địa, nhưng khó khăn vẫn là chính. Chúng tôi cố gắng khai thác những lợi thế riêng trên thị trường nội địa, để làm ưu thế phát triển của mình.
Lấy ví dụ cùng là một sản phẩm điện thoại Smartphone, với thương hiệu quốc tế, người tiêu dùng phải trả tiền gấp đôi, hoặc gấp ba trong khi một sản phẩm tương tự của thị trường nội địa, chất lượng khoảng một 8 một 10, thì chỉ phải trả một cái giá rẻ bằng 1/2, thậm chí 1/3. Để làm được như vậy, chúng tôi tiết giảm mọi chi phí.
Chúng tôi tiết kiệm thay cho khách hàng để cùng một đồng chi phí bỏ ra, khách hàng được “tận hưởng nhiều hơn” như slogan của chúng tôi.
Nhưng rất khó để có thể nói rằng liệu đó có phải ngách cho nhãn hàng điện thoại Việt cùng tìm đường hay không.
* Vậy Mobiistar sẽ tiếp tục đối mặt với những ngả đường phía trước, bằng “kim chỉ nam hành động” nào?
- Đẹp. Độc. Đã. – đó là những ”từ khóa” chúng tôi đã đề ra khi giới thiệu dòng sản phẩm điện thoại xem phim 3D không cần đeo kính. Đây là kim chỉ nam Mobiistar hướng tới để khách hàng của mình “tận hưởng nhiều hơn”.
* Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

"Đứa con trai đi lạc của Singapore"

Trở thành triệu phú ở tuổi 29 và nhận bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bước qua tuổi 30, ít ai ngờ được Leong Kaiwen từng là nạn nhân bị lạm dụng tình dục trước khi đạt đến đỉnh cao thành công.
Giáo sư kinh tế tại đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vừa ra mắt cuốn tự truyện hôm 1/10, với nhan đề "Đứa con trai đi lạc của Singapore".Ở tuổi 31, Leong là người đàn ông thành đạt và giàu có. Tuy nhiên, cuốn sách kể về hành trình cuộc đời của anh lại tiết lộ một khía cạnh khác, đó là những cuộc đấu tranh cá nhân, những thất bại trong học hành và cả chuyện bị lạm dụng tình dục từ khi chỉ mới là cậu bé 10 tuổi.

Trong cuộc phỏng vấn với Straits Times hồi đầu tuần, Leong nhớ lại thử thách kéo dài hơn một năm, khi anh bị một huấn luyện viên võ thuật mà anh rất tin tưởng tấn công tình dục.Võ sư này thường xuyên yêu cầu anh đến lớp sớm để giúp kê đồ đạc, rồi lợi dụng để động chạm vào những phần nhạy cảm trên cơ thể Leong. Cứ thế hơn một năm, Leong suy sụp.

"Kể từ sau chuyện đó, tôi rất khó lòng tin ai. Tôi cảm thấy tất cả mọi người đều có động cơ bí mật", Leong nói.
Khi Leong kể chuyện này với bố mẹ, họ không tin anh và cho rằng con trai bịa chuyện để bỏ học. Điểm thi tốt nghiệp tiểu học của Leong chỉ đạt 200, một trong những điểm thấp nhất toàn Singapore năm đó. 6 năm sau, anh vẫn không thể tập trung vào học hành. Lên cấp hai, Leong thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, đánh đập chỉ vì dáng người nhỏ con.
Tuy nhiên, anh tự động viên bản thân mình cứng rắn và trở nên ngạo mạn khi bước chân vào trường cao đẳng.
"Tôi đứng cách xa giáo viên khi họ nói chuyện với tôi. Khi họ lăng mạ tôi và chê tôi là tầm thường, tôi vặn lại rằng họ là những người mất trí", Leong kể.
Thái độ thách thức và việc nghỉ học thường xuyên khiến Leong nhanh chóng bị đuổi học chỉ chưa đầy một tháng sau khi bước vào năm nhất. Nhờ mẹ giúp đỡ, Leong được một trường cao đẳng khác nhận vào học. Tuy nhiên, một lần nữa anh bị đuổi khỏi trường chỉ vài tuần sau đó.
"Tôi cố gắng thích nghi nhưng không thể. Không giáo viên nào có thể biết được tôi đến từ đâu", anh nói. Anh bỏ học thêm hai lần nữa với lý do tương tự. Sau khi bị đuổi khỏi 4 trường cao đẳng chỉ trong vòng nửa năm, Leong thử xin học ở một trường tư.
Ở đó, một cô giáo đã khiến anh thức tỉnh. Anh viết trong cuốn sách của mình rằng những lời nói của cô ấy đã làm thay đổi thái độ của anh: "Em còn yếu lắm. Và em biết điều đó. Em ồn ào và ngạo mạn, nhưng đó không phải là sức mạnh. Sức mạnh thực sự chính là sự im lặng".

"Cuộc phiêu lưu mùi hương"

Leong rời trường tư và quyết định tự học. Anh vượt qua tất cả các môn và được đại học Boston, Mỹ nhận vào học. Leong trải qua những ngày tháng nặng nề ở nước Mỹ, khi bố mẹ anh thua lỗ nặng vì bị người chú lừa đảo về giá cổ phiếu của công ty. Bố mẹ của Leong đầu tư rất mạnh vào cổ phiếu. Mẹ anh phải bán hết đồ trang sức để trả tiền học phí năm đầu cho con trai.
Quyết tâm chứng minh với bản thân và gia đình rằng mình không phải là một kẻ thất bại, Leong quyết định hoàn thành hai bằng cử nhân về kinh tế và toán học, cùng hai bằng thạc sĩ, trong vòng 4 năm, chỉ bằng một nửa so với thời gian thông thường.
Để làm được điều đó, Leong chỉ ngủ 4 giờ một đêm. "Tôi không cần cà phê. Tôi không cần bất cứ loại thuốc nào", anh viết.
Anh cũng không có tiền vì bố mẹ đang ở bên bờ vực phá sản. Leong sống bằng cách ăn một củ khoai tây luộc mỗi ngày. Anh kể lại những "cuộc phiêu lưu mùi hương" của mình khi đứng ké bên bếp để ngửi mùi thức ăn và nhai củ khoai tây của mình.
"Đó là cách tôi ăn thịt nướng và tôm hùm, trí tưởng tượng của tôi như một con dao và ý chí của tôi là một cái nĩa", anh viết. Sau đó, những cơn đói được xoa dịu phần nào khi anh được phép ăn những chiếc bánh sandwich người ta để lại trên bàn.
Mọi thứ dần bình thường trở lại khi anh nhận được học bổng đại học vào năm thứ hai, nhưng Leong vẫn tiếp tục đi dạy kèm và đầu tư vào cổ phiếu. Trong cuốn tự truyện, Leong gọi việc anh tốt nghiệp năm 2007 là "sự chuộc lỗi của tôi". Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất mẹ sang Boston thăm anh, do chi phí đi lại tốn kém.
Anh viết rằng bà không hay biết gì về thành tích học tập của con trai. "Tôi đã nuôi dưỡng mỗi thành công, kể cả lớn hay nhỏ, coi như một kho báu vật".
Leong cho biết ngoại trừ vợ, mẹ là "người duy nhất động viên anh, không bao giờ dùng những lời lẽ cay nghiệt với anh, kể cả khi học hành chẳng ra gì ở trường. "Mẹ là thế giới của tôi. Vợ tôi biết rằng mẹ tôi luôn là số một".
Sau khi tốt nghiệp, anh dành một năm đầu tư vào thị trường bất động sản ở Trung Quốc, với hy vọng giảm bớt cơn khủng hoảng tài chính của gia đình. "Tôi đã mua thấp và bán lại cao. Rất cao. Đó là cách tôi làm ra những triệu đôla đầu tiên của mình", anh nói.
Từ năm 2008 đến năm ngoái, Leong hoàn thành chương trình học bổng tiến sĩ toàn phần tại đại học Princeton, chuyên ngành kinh tế. Anh hiện làm việc với vai trò một nhà kinh tế tại một cơ quan thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.
"Cuối cùng, tôi cũng có thể quay về nước phục vụ. Tôi không còn là đứa con trai đi lạc nữa rồi", anh viết. Những mất mát và thất bại trước khi đạt đến thành công là những gì Leong muốn nhấn mạnh trong cuốn sách của mình. Anh hy vọng nó sẽ đốt cháy niềm hy vọng vào cuộc sống của những con người đang cảm thấy mình bị chối bỏ và cô độc.
"Tôi đã bước đi trên con đường ấy, và bạn cũng có thể", anh viết.

Nguồn: VNEXPRESS

Làm giàu từ món ăn Việt ở Mỹ

Đặt chỗ ở nhà hàng Slanted Door của Charles Phan là một thử thách, bởi ở đây luôn chật kín khách đến thưởng thức những món ăn Việt không xa lạ nhưng được chế biến thành những tuyệt phẩm.
Dường như để khắc phục việc thực khách phải chờ hàng tuần để có cơ hội thưởng thức món mình nấu, ông chủ gốc Việt Charles Phan, 50 tuổi, đã ra mắt cuốn sách mang tựa đề "Vietnamese Home Cooking".
Phan cho biết cuốn sách gồm 226 trang, có giá 35 USD, đơn giản là sách hướng dẫn cách nấu món ăn Việt tại nhà, cung cấp hiểu biết chung về nền ẩm thực Việt Nam, cách thưởng thức món ăn.Đặc biệt, cuốn sách tiết lộ những câu chuyện thú vị đằng sau những món ăn có trong thực đơn của Slanted Door từ khi mở cửa năm 1995 và kỹ thuật nấu nướng khiến những món ăn ở đây trở nên đặc biệt.
Cấu trúc cuốn sách của Phan không sắp xếp theo món ăn mà theo kỹ thuật nấu. Anh cho rằng mọi người chỉ thường mua sách để biết một công thức nấu ăn mà không hiểu được những quy tắc cơ bản và cách kết hợp các nguyên liệu.
"Nếu bạn học cách chiên, xào, om, nướng, cách kiểm soát ngọn lửa, bạn có thể làm bất cứ điều gì", San Joe Mercury News dẫn lời anh. "Về cơ bản cuốn sách tương tự những gì chúng tôi đang làm ở Slanted Door, quảng bá ẩm thực Việt với những nguyên liệu địa phương", anh nói.
Anh bắt đầu đi làm ở nhà hàng khi đang học cấp ba. Mỗi tuần Phan làm việc 3 buổi tối, cho đến tận hai giờ sáng và nấu bữa ăn 6 món cho 5 người bạn trong phòng ký túc xá. "Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi", anh kể.
Anh trải qua nhiều công việc nhưng không thành công và quyết định đi du lịch một thời gian. Tuy nhiên, trong tâm trí anh, ước mơ về một nhà hàng vẫn luôn day dứt.Bước ngoặt của cuộc đời Phan là khi anh đến châu Á năm 1994 và quyết định rằng "mình phải làm việc cho chính mình". Thế rồi nhà hàng Việt Nam Slanted Door ra đời một năm sau đó.
Đây là nhà hàng Việt Nam đầu tiên chuyên phục vụ các món ăn Việt chất lượng cao trong vùng, với các nguyên liệu địa phương tươi ngon nhập trực tiếp từ trang trại.
"Thừa thắng xông lên" sau Slanted Door, ông chủ Phan phát triển một "đế chế nhà hàng" nhỏ ở vùng vịnh San Francisco với những nhà hàng như Heaven's Dog, Academy Cafe hay Wo Hing General Store.
Năm 2004, anh giành giải Đầu bếp Giỏi nhất của Quỹ James Beard, giải thưởng được xem là "Oscars của Ẩm thực" Mỹ.
Phan cho biết bí quyết để nấu ngon là trước hết phải học cách ăn.
"Khi bạn thưởng thức nhiều món ăn ngon, bạn bắt đầu xây dựng cho mình vốn từ vựng về hương vị. Bạn hình dung ra hình ảnh món ăn và cách để làm chúng", anh nói.
"Đừng chỉ đến và nói với tôi rằng thức ăn rất tuyệt. Tôi nói thế với tụi trẻ con nhiều rồi. Mục tiêu của tôi là thực sự khiến mọi người nghiện thức ăn ngon. Có nhiều thứ gây nghiện, nhưng tôi nghĩ nghiện thức ăn thì tốt hơn, vì chúng ta tìm thấy niềm vui trong đó".

Nguồn: VNEXPRESS

Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May thêu Giày An Phước: "Còn sức khỏe là còn đam mê"

Từ cơ sở may chỉ có vài chục người, An Phước đã trở thành công ty lớn với hàng ngàn công nhân và là thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Đó là chặng đường không ít truân chuyên, bao lần con thuyền doanh nghiệp chòng chành trước sóng gió thương trường. Nhưng dưới sự lèo lái tài ba và bản lĩnh của người nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Điền, con thuyền ấy không những vượt qua giông bão mà còn thẳng tiến về phía trước một cách vững chãi.
Bà Nguyễn Thị Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty May thêu Giày An Phước
Từng ước mơ làm thẩm phán nhưng cuối cùng cuộc đời bà lại gắn chặt với nghề kinh doanh như là duyên nợ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, bà công tác tại Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp TP.HCM trong vai trò cán bộ kế hoạch.
Đến năm 1992, trước xu thế “mở cửa” của nền kinh tế đất nước, máu kinh doanh trong cô nhân viên đã trổi dậy. Gom góp số tiền dành dụm được, bà mạnh dạn thành lập cơ sở may thêu chuyên làm hàng gia công xuất khẩu sang Nhật.
Với bản tính cẩn trọng và tỉ mỉ, bà đã chinh phục được thị trường khó tính này. Theo đó, công việc kinh doanh “thuận buồm xuôi gió” và từ cơ sở đã phát triển thành công ty.

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá


Năm 1997, kinh tế khu vực Đông Nam Á rơi vào thời kỳ khủng hoảng nên các đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng rõ rệt. Đời sống của 1.200 công nhân là nỗi lo lớn khiến bà bao đêm trăn trở.
Cuối cùng, bà đưa ra một quyết định táo bạo mang tính “sống còn”: Đó là quay về“ao nhà” khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và mua bản quyền, khai thác thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng - Pierre Cardin.
Thực tế, trước khi đàm phán, tập đoàn thời trang đến từ nước Pháp đã làm việc với nhiều công ty may mặc lớn của Việt Nam nhưng không thành.
Cuối cùng, họ chọn công ty An Phước vì tin vào khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm cao của doanh nghiệp này.

Ở thời điểm đó, mức sống của người dân chưa cao, việc đầu tư như vậy của một doanh nghiệp nhỏ là rất mạo hiểm. Nhưng ngược lại, bà rất tự tin với quyết định của mình.
Bởi bà xác định “không khai thác đại trà mà định vị phân khúc thị trường tiêu dùng trung và cao cấp”. Quyết định táo bạo của bà đã tạo ra bước ngoặt phát triển thương hiệu thời trang Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế lẫn kỹ thuật.
Tuy khai thác thương hiệu nước ngoài nhưng bà biết cách “bước ra từ cái bóng khổng lồ” của thương hiệu nước Pháp bằng cách đàm phán được song hành khai thác nhãn hàng của công ty.Vậy là cùng một cửa hiệu lại tồn tại hai thương hiệu tây và ta.

Với quan điểm “thà chậm mà chắc”, “chất lượng là số một” nên sản phẩm do công ty bà tạo ra có sự chăm chút tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Thời gian đầu, bà không ồ ạt mở cửa hàng mà rất thận trọng từng cửa hàng một để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các dịch vụ hậu mãi.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian, sản phẩm mang thương hiệu Việt thể hiện sự sang trọng, lịch lãm đã lấn át được thương hiệu đến từ nước Pháp. Đến nay, công ty của bà là đơn vị may mặc duy nhất không có bất cứ đại lý nào. Hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc đều do chính công ty mở với sự thống nhất về giá cả và chất lượng hậu mãi.

Nhưng không dám nản lòng

Năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng, tiêu thụ hàng hóa giảm... Cũng như những lần đối diện thách thức trước đây, bà vẫn tự tin và bản lĩnh tìm cách vượt qua.
Lần này, cách bà chọn là tiết kiệm, không sản xuất đại trà mà tập trung hơn nữa vào chất lượng và dịch vụ hậu mãi. Khó khăn nhưng bà vẫn quyết định mở thêm một xưởng ở Hóc Môn và đào tạo thêm hàng trăm công nhân để đảm bảo cung cấp hàng cho hệ thống cửa hàng của công ty.
Với những thành tích cống hiến cho ngành dệt may Việt Nam, bà từng được ghi nhận với những danh hiệu như “Nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2008”, cúp “Bông hồng vàng”... Nhưng với bà, niềm vui lớn nhất có lẽ là thương hiệu ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng.
Từ cô nhân viên đến tạo dựng sự nghiệp riêng, nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Điền đã chinh phục nhiều sóng gió thương trường bằng sự tận tâm, nhiệt huyết và bản lĩnh. Giờ ở ngoài ngũ tuần, bà vẫn chưa tắt đam mê với công việc. Bà vẫn tất bật như con thoi với công việc quản lý, những lần xuôi ngược Nam Bắc và đi nước ngoài để tìm cách giữ cho doanh nghiệp sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Đồng thời, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bà luôn tìm cách đổi mới mình. Hiện bà đang tích cực mở rộng khâu khai thác nguyên liệu để có thêm các loại vải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó là thỏa thuận để phía đối tác từ nước Pháp có thể rút ngắn thời gian chuyển giao mẫu thiết kế.

Theo nghiệp kinh doanh, khó khăn thử thách chắc chắn là không tránh khỏi, nhưng trong hoàn cảnh nào, người ta đều thấy bà điềm tĩnh, sẵn sàng đối diện để tìm cách vượt qua.
Bà tâm sự: “Kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Làm lãnh đạo phải kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền doanh nghiệp chở biết bao nhiêu cộng sự, nếu người chèo lái nản lòng buông xuôi thì con thuyền sẽ dễ chìm. Vì vậy, tôi không cho phép mình ngừng. Ngày nào còn sức khỏe, tôi còn làm việc và còn đam mê”.
Bà cũng chia sẻ thêm bí quyết thành công: “Người đầu tàu phải làm gương. Bản thân mình không cưỡi ngựa xem hoa mà phải lao động vất vả cùng công nhân. Đồng thời phải có sự quan tâm chia sẻ và đồng cam cộng khổ với công nhân. Khi công nhân thấy mình quan tâm đến họ thì họ mới “sống chết” với công ty”.

TRẦN ĐÌNH

Giáo sư giàu nhất thế giới và đam mê "lập công ty"

Có rất nhiều tỷ phú không có bằng đại học và có rất ít tỷ phú có học vị giáo sư. Với tài sản 1,3 tỷ USD, David Cheriton có lẽ là vị giáo sư đại học giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống như những tỷ phú khác, du thuyền, máy bay riêng không phải là sở thích của ông.
Vị giáo sư ngành khoa học máy tính của trường ĐH Stanford tự coi mình là "gàn". Món đồ xa xỉ nhất mà ông đã từng mua là một chiếc Honda Odyssey "cho bọn trẻ". Tuy nhiên, ông có một niềm đam mê tốn kém khác là "lập công ty". Hai công ty đầu tiên do ông tham gia thành lập được bán cho Cisco Systems và Sun Microsystems với giá hàng trăm triệu USD. Hơn 50 triệu USD kiếm được từ giao dịch đó ông tiếp tục đầu tư vào 17 công ty khác nhau, từ VMware cho đến gần đây nhất là Arista Networks.
Tuy nhiên, vụ đầu tư đáng nhớ nhất của ông là khi ký tờ séc 100.000 USD cho hai cậu sinh viên ĐH Stanford, Larry và Sergey năm 1998. Tờ séc đó giờ đây trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo giá trị cổ phiếu Google. Ông nói: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn trong đầu tư".
Thời gian là tất cả
Giáo sư Cheriton, 61 tuổi, là một người rất kín tiếng. Kết quả search Google về ông chỉ ra vài trang web đơn sơ, với phông chữ Times New Roman, không hề có LinkedIn, Facebook hay thậm chí Twitter, như người ta thường thấy ở dân Thung lũng Silicon. Khi hỏi sinh viên của Stanford, cũng chẳng mấy người biết về ông.
David Cheriton là một trong số ít tỷ phú có học vị giáo sư
Đó là cách sống mà Cheriton ưa thích. Ông vẫn đi lại bằng chiếc Volkswagen Vanagon 1986 mua từ thủa hàn vi, vẫn sống trong ngôi nhà giản dị ở Palo Alto từ 30 năm nay, và thậm chí tự cắt tóc, cạo râu cho mình. "Đó không phải là vì tôi tiết kiệm hay khó tính, mà chỉ là vì tôi thấy cắt tóc cho mình rất dễ và đỡ mất thời gian".
Với một người làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, Cheriton hiểu rằng thời gian là tất cả. Công cụ tìm kiếm Google mà ông đầu tư vào cho phép hàng tỷ người trên thế giới tiếp cận với thông tin họ cần nhanh nhất có thể. 
Công ty mới nhất của ông, Arista Networks, tạo ra bộ chuyển dữ liệu có thể giảm thiểu thời gian chờ giữa các máy chủ, tốc độ bit dưới 500 nanoseconds (một phần tỷ của giây), nhanh gấp hai lần tốc độ chuyển dữ liệu tốt nhất hiện của Cisco và Juniper Networks. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán thực hiện giao dịch nhanh hơn đối thủ trong vài phần tỷ của giây và cho phép các bác sĩ kết hợp bộ gen của bệnh nhân ngay lập tức.
Thông minh và tự lập
Là con thứ ba trong gia đình có 6 người con, ông lớn lên trong thời kỳ sau cuộc đại duy thoái. Bố mẹ ông, hai kỹ sư người Canada, đã luôn khuyến khích con tự tìm con đường đi riêng của mình. 
Cheriton được các anh chị miêu tả là một cậu bé độc lập, tự tin. Khi còn đi học, cậu không thích tham gia các đội thể thao của trường mà dành thời gian xây cho mình một căn nhà gỗ riêng trong vườn của gia đình để tránh xa những đứa trẻ khác. 
Cậu bé thông minh đã rời khỏi trường trung học từ năm lớp 11 bởi cậu thấy chương trình học quá "thấp" so với mình. Bố cậu nói: "Nó đã luôn tự tìm con đường riêng của mình, chúng tôi không can thiệp vào quyết định của con".
Là một cậu bé thông minh và ham tìm hiểu, Chariton đã không hề bị mắng mỏ khi chọn theo học chương trình ghi ta cổ điển và nghệ thuật trình diễn, đam mê lớn nhất của cậu khi còn là sinh viên. 
Sau khi bị trượt khoa âm nhạc của Đại học Alberta, Chariton lại tìm được mối quan tâm khác, đó là toán học và sau đó là khoa học máy tính. Ông theo học tại Đại học British Columbia và sau đó lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Waterloo.
Năm 1981, trong khi tìm vốn tài trợ nghiên cứu, Cheriton đến Stanford khi Thung lũng Silicon mới bắt đầu hình thành. Tại đây, ông đã gặp Andy Bechtolsheim, một nghiên cứu sinh người Đức rất xuất sắc, người đã thiết lập mạng máy tính Stanford University Network, gọi tắt là SUN. Bechtolsheim mời Cheriton tham gia phát triển phần mềm cho máy tính nối mạng. Cheriton đã không chỉ tham gia viết phần mềm mà còn bắt tay vào cả thiết kế phần cứng.
Năm 1982, Bechtolsheim rời Stanford để thành lập Sun Microsystems nhưng Cheriton vẫn tiếp tục sự nghiệp dạy học. Ông hầu như tránh xa trào lưu bỏ học, bỏ dạy để đi mở công ty như nhiều sinh viên và đồng nghiệp của mình. Nhiều người trong số họ đã trở thành tỷ phú, như cựu giáo sư Stanford Jim Clark, người sáng lập Netscape.
Khi Bechtolsheim rời SUN năm 1995, ông bắt đầu tìm kiếm ai đó hiểu về những vấn đề phần mềm cơ bản phía sau những kết nối Ethernet. Ông gọi điện cho Chertion và hai người thành lập ra Granite Systems, một công ty chuyển mạch Ethernet. Chỉ sau 14 tháng thành lập, hai người đã bán công ty này cho Cisco với giá 220 triệu USD. 
Năm 2001, hai người lại gặp nhau và lập nên công ty mạng lưới Kealia, rồi bán lại cho Sun với giá 120 triệu USD. Trong những lần hợp tác đó, cả hai đã cùng làm vụ đầu tư thành công nhất của họ, đó là mỗi người đầu tư 100.000 USD cho hai chàng sinh viên sáng lập Google.
Page và Brin không phải là hai sinh viên của Cheriton, nhưng họ tìm đến ông sau khi biết về thành công của ông với Granite, với hy vọng ông sẽ cho truyền họ kinh nghiệm về việc thương mại hoá thuật toán PageRank. Đang thắng lớn với Granite (sở hữu 10% công ty này, sau khi bán, ông thu được hơn 20 triệu USD), ông đã sẵn lòng giúp họ.
Bechtolsheim cũng có suy nghĩ tương tự. Ông đã mất một thời gian để hiểu về sự phổ biến của công cụ tìm kiếm cũng như ý đồ thu tiền trên mỗi đường link của người sáng lập. Ông nhớ lại: "Tôi đã nghĩ nếu họ có 1 triệu hit mỗi ngày, và 5 cent mỗi đường link, ít nhất họ sẽ không phá sản".
Cheriton và Bechtolsheim tự nhận họ là "nhà đầu tư vô tình" vào Google. Tuy nhiên, Ron Conway, một nhà đầu tư có mặt ở khắp Thung lũng Silicon, người mà Cheriton đã giới thiệu đầu tư vào Google nói: "Họ là những người cực kỳ thông minh, vì thế họ thu hút được nhiều kỹ sư thông minh khác để cùng chia sẻ ý tưởng với mình".
Phải nghĩ lớn
Rất nhiều sinh viên khác đã tìm đến văn phòng của Cheriton để tìm kiếm lời khuyên và cả tiền bạc. Sam Liang, một cựu sinh viên của Cheriton, sau khi rời khỏi Google đã đến gặp giáo sư cũ của mình để chia sẻ về ý tưởng một nền tảng cho di động có thể theo dõi trực tuyến vị trí và thói quen của người dùng. Liang đã nhận được nhiều hơn 100.000 USD từ Chariton để thành lập công ty Alohar Mobile.
"Tiêu chuẩn của ông cực kỳ cao", Liang nói. Những cuộc họp nghiên cứu với Chariton là thời gian căng thẳng nhất trong tuần của anh. "Ông bảo tôi: Phải nghĩ lớn. Cậu phải tạo được tác động đối với cả thế giới", Liang nhớ lại.
Siddharth Batra, cựu sinh viên cao học của Stanford, người từng nhận tài trợ của Cheriton cho công ty của mình năm 2009, rất ngưỡng mộ thầy cũ của mình ở sự chú ý đến chi tiết. "Các kỹ sư công nghệ rất dễ chia sẻ ý tưởng với David, bởi vì ông hiểu rất nhanh vấn đề họ trình bày. Nếu tôi đến gặp một vị chủ tịch hay giám đốc quỹ đầu tư, chắc chắn họ sẽ rất khó hiểu những gì chúng tôi đang làm".
Cheriton cho biết ông luôn tránh xa những trào lưu thị trường, mạng xã hội được coi là một trong số đó. Ông chỉ tập trung vào những ý tưởng góp phần cải thiện cuộc sống con người, như cách mà Google giúp các sinh viên hoàn thành bài viết của mình vào lúc 3 giờ sáng. 
"Tôi có một niềm tin rằng nếu bạn mang đến giá trị thực sự cho thế giới và thực hiện theo cách hiểu biết , thị trường sẽ không quên bạn", Cheriton nói.

Nguồn: Vnmedia

Khát vọng 1 tỷ USD của ông chủ NovaAds

Sân chơi tiếp thị trực tuyến dạy cho Nguyễn Minh Quý - CEO của NovaAds, hiểu thế nào là sự trả giá, nhưng cũng lại truyền cho anh khát vọng đưa doanh nghiệp mình đạt ngưỡng doanh số 1 tỷ USD.
Khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 20 và nhanh chóng thất bại ở nhiều dự án. Giờ đây, sau 6 năm, Nguyễn Minh Quý khiến người ta hồ nghi khi anh tuyên bố: NovaAds sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD vào năm 2030 với quy mô công ty lên tới 10.000 người. Sự tự tin thái quá của tuổi trẻ hay một chiêu PR? Cả hai đều có thể!
"Tôi đã từng khóc nấc lên như đứa trẻ mất món đồ quý giá nhất"
* Anh từng khởi nghiệp kinh doanh rất sớm?
- Tôi học Đại học Ngoại thương, vốn dĩ không liên quan gì đến lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng vì tình yêu và thật không ngờ tôi lại có duyên kinh doanh sớm đến thế.Thời sinh viên, chỉ vì muốn được trò chuyện với người yêu đi du học mà tôi đã vay mượn mở 1 quán net. Thời điểm đó, tôi đã thu về mỗi ngày 1,5 triệu đồng bằng "tiền tươi thóc thật".
Có lẽ thành công ban đầu khá dễ dàng này đã khiến khi ra trường tôi hào hứng muốn tạo dựng ngay cho mình một sự nghiệp riêng.
Bố mẹ tôi không giàu, quan hệ của tôi không nhiều mà tôi lại muốn thành công nhanh thì chỉ có cách kinh doanh một cái gì đó mới mẻ, tiềm năng, ít vốn. Tôi bắt tay vào kinh doanh như vậy với viễn cảnh toàn màu hồng.
* Và chắc anh cũng sớm nếm mùi thất bại?
- Quả đúng là khi nhập cuộc rồi thì mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Đã có hàng chục dự án bị thất bại liên tiếp mà nguyên nhân chính là vì tôi không có kinh nghiệm và năng lực quản lý.
Cuối năm 2007, trang web Top 1 của tôi đã lọt top 30 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam với 150 nghìn khách ghé thăm mỗi ngày.
Đã có rất nhiều khách hàng lớn như: Ponds, V-Rohto, các công ty game… đặt quảng cáo trên website của tôi. Giá trị của website lúc đó được định giá khoảng 4-5 tỷ đồng.
Tôi đã từng ngất ngây vì những gì mình đạt được. Vậy mà, sau đó website này đã bị chia tách làm 2 và mọi thứ dần sụp đổ. Từ 30 nhân viên với doanh số vài trăm triệu/tháng, tôi bỗng chốc trắng tay và chỉ còn 3 nhân viên thử việc.
Nói thật là lúc đó tôi không nghĩ được bài học mình cần rút ra ở đây là gì mà chỉ biết khóc nấc lên như một đứa trẻ vừa bị mất đi một món đồ chơi quý giá nhất.
* Anh có nghĩ, trong một thế giới kinh doanh bằng quan hệ và tiềm lực vốn, sự thất bại của một doanh nghiệp trẻ "ba không" như anh là hoàn toàn có thể hiểu được?
- Tôi thì không nghĩ như vậy đâu. Bình tĩnh lại tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do tôi không đủ năng lực quản lý, ôm đồm quá nhiều và bản lĩnh còn non kém. Đó là những gì mà tôi có thể nhận ra để sửa sai.
* Có thể hiểu "sửa sai" đồng nghĩa với việc tiếp tục dấn thân thay vì từ bỏ?  
- Vào thời kỳ khó khăn nhất đó, tôi có hai lựa chọn: dẹp bỏ tất cả để đi xin việc như các bạn cùng trang lứa hoặc cố gắng gây dựng lại từ đầu. Cuối cùng tôi quyết định, liều thêm một lần nữa. Ngã ở đâu thì đứng lên từ đó!
Tôi bắt đầu lại bằng số vốn ít ỏi nhờ bố mẹ vay giúp. Tôi đã từng nghĩ rằng, công ty mình còn bé, chưa có nguồn thu nên cái gì cũng phải làm để có tiền hoạt động. Và nguyên nhân về cái chết của những dự án mà tôi làm đều là do xuất phát từ lối tư duy truyền thống đó.
Sau khi ngã lên ngã xuống, vùi dập thêm nhiều dự án nữa tôi mới nhận ra rằng, mình chỉ nên tập trung vào một thứ mà thôi. Và marketing online là cái đích cuối cùng mà tôi đã chọn.
Đến giờ NovaAds đã có hơn 140 nhân viên, 1.000 khách hàng và doanh thu trong 2 năm vừa qua tăng 100%/năm.
Khát vọng 1 tỷ USD
* Khai phá một lĩnh vực mới mẻ có thể ít đối thủ cạnh tranh hơn, nhưng lại không hề dễ dàng? Với một "CV" hầu như toàn những thất bại, kinh nghiệm thực tế về quảng cáo trực tuyến gần như bằng không, tại sao anh vẫn dấn thân?
- Tháng 7/2006 khi tôi chính thức gia nhập thị trường, quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm 0,5% doanh thu (khoảng 50 tỷ) của toàn bộ ngành quảng cáo.
Đến nay tốc độ tăng trưởng của ngành này đã đạt mức 60-70%/năm và doanh thu năm 2011 đã tăng 20 lần so với 5 năm trước đó. Như vậy có thể nói là cơ hội cho NovaAds vẫn còn rất lớn.
* Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, chiến lược kinh doanh của NovaAds lần này có gì khác biệt?
Tôi xác định NovaAds hoạt động trong ngành quảng cáo trực tuyến, nhưng phải chọn một lĩnh vực chuyên sâu. Tôi đã từng có dự định làm các trang thông tin với mục đích mở kênh truyền thông để quảng cáo hiển thị, sau đó không thành công.
Cuối cùng tôi quyết định tập trung vào quảng cáo tìm kiếm, bởi trên thế giới loại hình này chiếm tới 47 - 48% trong quảng cáo trực tuyến, trong khi ở Việt Nam con số mới chỉ dừng lại ở mức 20%.
Hiện tại Việt Nam, NovaAds đứng trong top 2 công ty quảng cáo tìm kiếm lớn nhất. Năm 2010, NovaAds chính thức trở thành đối tác của Google tại Việt Nam để khai thác hoạt động quảng cáo tìm kiếm trên website này.
* Một công ty lớn như Google khi lựa chọn đối tác ắt hẳn sẽ phải đưa ra những tiêu chí rất khắt khe. Anh có thể chia sẻ bí quyết?
Tôi không có bí quyết nào ngoài sự nỗ lực và cố gắng hết sức. Do mình còn non yếu nên việc đứng trên vai người khổng lồ sẽ là một sự lựa chọn hợp lý cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển.
Để trở thành đối tác của Google, công ty của bạn phải đạt vài trăm khách hàng, doanh số yêu cầu có thể không cao, nhưng phải thi qua các chứng chỉ của Google và đơn vị này sẽ đánh giá xem độ hài lòng dịch vụ của khách hàng ra sao…Nếu mình làm tốt, ắt hẳn sẽ được công nhận. Tôi tin là như thế.
* Anh có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đưa NovaAds "ra biển lớn"?
-Tôi cũng đã có ý định đó. Nhưng trước mắt mục tiêu của NovaAds vẫn là cho ra đời những sản phẩm phục vụ thị trường trong nước vì cơ hội ở đây vẫn còn nhiều.
Tôi nghĩ quan trọng nhất là sản phẩm của mình có tốt hay không mà thôi. Mục tiêu của tôi là tới năm 2030, NovaAds sẽ đạt 1 tỷ USD về doanh thu, nhân sự lên tới 10.000 người.
* Mọi thứ đều có thể thay đổi và không ai có thể nói trước về tương lai, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Con số 1 tỷ USD mà anh đưa ra tôi thấy nó giống một chiêu PR hơn là một kế hoạch?
- (Cười) Đó là cách nghĩ riêng của bạn. Với tôi đó là một khát khao có định lượng hẳn hoi. Tôi không nói là chắc chắn tôi sẽ được như thế mà đó là mục tiêu mà tôi phải đạt được. Để hiện thực hóa điều đó, tôi có các lộ trình ngắn hạn cho mình.
Trước mắt là từ nay tới hết năm 2015 NovaAds sẽ có 10.000 khách hàng và doanh số đạt được là 20 triệu USD. Nhiều người cũng đã tỏ ra hoài nghi và đặt ngay câu hỏi tương tự như bạn khi tôi nói về khát vọng của NovaAds.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân gốc của đợt khủng khoảng kinh tế này là do thế hệ các doanh nhân trước đó đã phụ thuộc quá nhiều vào các mối quan hệ để đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực mà mình không mạnh.
Bài học này tôi đã "ngấm" ngay từ khi khởi nghiệp. Và đến giờ tôi chỉ kiên quyết đi theo duy nhất một con đường mà mình đã chọn: marketing online.
Doanh nhân 3.0
* Thị trường như anh nói đã định danh những doanh nhân có tiềm lực tài chính và phát triển dựa vào mối quan hệ. Anh có lo ngại vì lẽ đó mà cánh cửa dành cho những doanh nhân trẻ như anh sẽ hẹp hơn?
- Thời kỳ làm việc dựa vào mối quan hệ, đầu cơ theo tôi đã qua dần. Biểu hiện rõ ràng nhất trong giai đoạn hiện nay là quyền lực đã thuộc về người mua, giá cả đã dần quay về đúng với giá trị. Và đó là cơ hội của những người mong muốn được kinh doanh để tạo ra giá trị thực cho xã hội như chúng tôi.
* Liệu những người mong muốn được kinh doanh để tạo ra giá trị thực cho xã hội mà anh đề cập có đủ sức tạo lập nên một thế hệ kinh doanh mới, đủ sức đối trọng với lớp kinh doanh theo quan hệ?
- Tự tin là một trong những sức mạnh của tôi mà (cười). Gần đây có một số người đưa ra khái niệm doanh nhân 3.0 để chỉ thế hệ doanh nhân mới có năng lực, khát vọng và văn hóa mới.
Ở đây tôi không bàn về khái niệm mà muốn nói đến bản chất của sự việc. Đây là thời kỳ mà các doanh nhân, doanh nghiệp phải dựa vào thực lực của mình để vươn lên chứ không chỉ đơn thuần là các mối quan hệ vốn có.
Thực lực ở đây được hiểu là tổng hợp nhiều yếu tố như: năng lực quản lý của anh có tốt không, thương hiệu tốt hơn, giá trị mang lại cho xã hội bền vững hơn chứ không phải mang tính chất ngắn hạn.
* Trong khủng hoảng người ta cũng đang nói nhiều về sức mạnh nội tại của mỗi doanh nghiệp mà việc tạo dựng tinh thần doanh nghiệp là một điểm không thể thiếu. Với anh và với NovaAds có gì thú vị để chia sẻ?
- Ở các công ty khác thế nào thì tôi không biết, nhưng ở NovaAds tôi tạo ra một môi trường thân thiện và có chế độ đãi ngộ nhân tài ít nơi sánh kịp.
Tôi sẵn sàng chi trả mức lương 50 - 60 triệu đồng cho một trưởng phòng trẻ có năng lực. Tôi cũng bỏ không ít công sức để chiêu mộ nhân tài. Có trưởng phòng tôi phải mất 1,5 năm đi lại nhiều lần mới mời về được. Với các nhân sự đang có, tôi luôn dành sự quan tâm hết mực…
Nếu mình không tôn trọng nhân viên thì ra đường mình chỉ là "thằng sếp" trong mắt họ thôi. Mới đây, tôi đã chính thức "ban chiếu cầu hiền" để chiêu mộ hiền tài.
* Một ý tưởng rất hay và không giống ai. Sau khi ban chiếu cầu hiền, đã có bao nhiêu hiền tài đến với anh? 
- Tôi là cháu của ông đồ và vì vậy mà cũng có chút khiếu thơ văn nên đã tự sáng tác ra "chiếu". Nhưng tôi làm việc này không phải để chứng tỏ gì cả, mà chỉ muốn mọi người biết tôi thực sự cầu thị, muốn chiêu mộ được các nhân tài thực sự.
Có nhiều người bạn đã hỏi tôi: "Có phải mày đi thuê PR làm cái "chiếu" này để đánh bóng tên tuổi không? Nếu là PR thì tao không về NovaAds, còn nếu là tâm sức của mày thì tao sẽ về cùng đồng cam cộng khổ với nhau".
Sức ảnh hưởng của vị thủ lĩnh cũng không nhỏ, phải không? Nếu có tâm thì tự khắc người hiền sẽ đến với mình thôi.
* Người ta thường nói, tìm người tài không khó, giữ người tài khó hơn. Đã có rất nhiều nhân viên kinh doanh ở các công ty khác bỏ ra ngoài làm riêng và kéo theo toàn bộ khách hàng. Anh có lo ngại điều này khi mình đang áp dụng chính sách "thả gà ra đuổi"?
- Hai năm nay doanh số trực tiếp đến từ tôi là 0%. Chuyện này có thể là khó tin, nhưng đó lại là sự thật 100%. Tôi chia công ty ra làm nhiều phòng ban khác nhau, tất cả đều làm theo một quy trình theo tiêu chuẩn ISO.
Tôi giao toàn quyền ký, quản lý hợp đồng cho nhân viên và mình chỉ đóng vai trò là người tạo môi trường để họ phát triển. Mọi thứ đã có quy trình, quy chuẩn rồi thì cứ thế mà chạy, không có gì đáng lo nữa cả.
* Trong ngành công nghệ, nhiều giám đốc thành đạt chủ yếu là đi du học ở nước ngoài. Còn anh, tốt nghiệp đại học trong nước và tại vị luôn ở đó đến giờ. Anh có lo ngại mình sẽ "tụt hậu" so với nhiều doanh nhân cùng thời?
- Du học ư? Tôi cũng rất thích và đã chấp nhận bảo lưu 1 năm ở đại học để học tiếng Anh. Sau khi xin được học bổng ở Mỹ tôi không xin được visa nên đành quay trở lại trường học tiếp. Nhưng tôi không coi đó là một thiệt thòi. Tôi không được đi du học thì sẽ học lại của những người đi du học về vậy.
Tôi rất chịu học và sẵn sàng học ở bất cứ đâu, bất cứ ai có lòng chia sẻ. Chẳng hạn như mới đây nhất, khi anh Đỗ Hoài Nam của Emotiv về nước, tôi đã đến xin được anh chỉ bảo cho 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều kiến thức bổ ích. Như vậy thì đâu cứ phải là đi ra bên kia biên giới mới học được điều hay, phải không?
* Nhưng lắm thầy thì nhiều ma. Anh có sợ mình sẽ giống chàng trai trong câu chuyện dân gian "Đẽo cày giữa đường"?
- Bạn hỏi xoáy quá. Tôi là người cầu thị, nhưng không phải cái gì tôi cũng nghe theo. Sau khi học xong tôi thường chia sẻ với đội ngũ tư vấn của mình xem cái gì hay thì làm, dở thì thôi. Mà không phải bạ ai tôi cũng học mà có chọn lọc.
Khi công ty ở tầm 50 người thì tôi học của một người quản lý tốt một công ty có 50 người, đến khi lên đến 100 thì tìm người có công ty tầm 100 người hoạt động tốt…
Cứ như thế tôi sẽ học dần dần, học cái mình cần chứ không vươn tới cái gì quá cao siêu, vượt ngoài tầm tay của mình vì như vậy sẽ rất khó kiểm soát.
Nguyễn Minh Quý cho biết tuổi của anh ứng với chữ "Hòa". Vì lẽ đó mà anh không thích cạnh tranh, không ham đấu đá. Quý chỉ muốn được làm thật tốt công việc của mình và tạo môi trường để mọi người cùng phát triển. Và chính chữ "Hòa" ấy là chìa khóa giúp anh thành công trên thương trường khốc liệt này.

Nguồn: DĐDN

Nên chuyện từ 20 triệu đồng

Xuất hiện thường xuyên tại các sự kiện công nghệ thông tin (CNTT), chị Phùng Thị Thu Thủy, Giám đốc Điều hành TabViet, luôn được chú ý bởi từ trước đến nay CNTT thường được “mặc định” là “lãnh địa” của giới mày râu. Nhìn vào sự thành công của TabViet hôm nay, ít ai biết chị có một khởi đầu chật vật với số tiền khiêm tốn.
Trong suy nghĩ của nhiều người, việc giới nữ đảm nhiệm các chức vụ điều hành trong lĩnh vựcCNTT vẫn còn là điều khá lạ lẫm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các tập đoàn hoặc công ty về CNTT tăng lên từng năm. Trong số đó có chị Thủy, người đã đặt nền móng và đồng hành với sự phát triển lớn mạnh của TabViet.

Sinh ra tại Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống về lĩnh vực phân phối nước giải khát nhưng chị Thủy lại ôm giấc mơ CNTT để tìm ngã rẽ cho mình. Tốt nghiệp đại học, chị ở lại TP.HCM, đầu quân cho một vài công ty chuyên về CNTT. Áp lựccủa phụ nữ làm trong lĩnh vực CNTT không nhỏ, khiến chị đôi lúc cảm thấy hoài nghi về con đường mình đang đi.
Nói như các nhà nghiên cứu, phụ nữ ngành này thường thay đổi công việc do áp lực bị đồng nghiệp nam giới bỏ xa và chưa có được sự cân bằng giữa công việc và đời sống. Ngược lại, niềm đam mê CNTT trong chị cứ lớn dần, và chẳng để mất nhiều thời gianở vị trí làmthuê, chị biến giấc mơ thành lập công ty riêng về CNTT thànhhiện thực vào năm 2003 với số vốn hơn 20 triệu đồng.
Công ty ẤnTrà, tiền thâncủaTabViet rađời, tập trung vào lĩnh vực tư vấn, thiết kế và cung cấp các gói giải pháp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp. Ban đầu, không có kinh phí cho quảng cáo, marketing, chị tiếp cận các doanh nghiệp bằng phương pháp “thủ thỉ”, đảm bảo khách hàng có thể tin vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm của Công ty. Năm 2004, Ấn Trà ký được gói hợp đồng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Sau thành công đầu tay, chị nghiệm ramột điều: “Năng lực thực sự của công ty và chất lượng dịch vụ, sản phẩm mới là điều có khả năng thuyết phục khách hàng tốt nhất”. Thành công không bao lâu, chị Thủy phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và việc kinh doanh của công ty không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm chi phí đầu tư cho CNTT.

Để vượt qua khó khăn, chị và Ban Quản trị (lúc này đổi thành Công ty Cổ phần TabViet) quyết định thay đổi định hướng, xây dựng giải pháp dựa trên mã nguồn mở (open - source) vốn được cộng đồng thế giới phát triển và sử dụng rộng rãi. Ở thời điểm đó,dù có lợi thế là sử dụng tài nguyên sẵn có của thế giới, TabViet chỉ cần điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Namvà đưa ra giá rất cạnh tranh, nhưng cái khó của Công ty cũng rất lớn.

Đó là làm sao thuyết phục giới IT, vốn đã gắn bó với phần mềm của các tập đoàn nổi tiếng thế giới, thay đổi thói quen sử dụng. Để gỡ khó, chị đích thân đến từng doanh nghiệp, gặp người phụ trách IT để giải thích về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin doanh nghiệp và giới thiệu về tính ưu việt của giải pháp xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở.

Trải qua thách thức, một lần nữa chị lại rút thêm bài học trong kinh doanh là phụ nữ muốn làm IT thành công cần phải quyết đoán, mềm dẻo và chịu dấn thân. Đến nay, danh sách khách hàng của TabViet đã dài thêm, trong số đó có nhiều công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Công ty Tư vấn xây dựng SPCC, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Biti’s, Công ty Nhựa Long Thành, Công ty Nhựa Duy Tân, Công ty Nhựa Bình Minh, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam... Năm 2009, Công ty “bén duyên” với SAP, một trong những tập đoàn số 1 thế giới về giải pháp ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).

Quyết định hợp tác với SAP để thực hiện việc cung cấp hạ tầng ERP của chị một lần nữa khiến giới chuyên môn phải thừa nhận sự nhạy bén của người phụ nữ này. Bởi thời điểm đó SAP đang khẳng định vị trí quán quân tại thị trường ERP Việt Nam. Cùng với SAP, TabViet đã giành thắng lợi ở khá nhiều dự án quy mô lớn như: SPCC, Biti’s, Hoàng Anh Gia Lai, Pinaco... Dễ thấy, tâm huyết với nghề, nhạy bén với thời cuộc và giữ uy tín với khách hàng chính là bí quyết "gối đầu giường" để thành công.

VŨ HOÀNG

Để tránh thất bại khi khởi nghiệp

Khởi nghiệp là đoạn đường khó khăn và chông gai nhưng hầu như không một doanh nhân thành công nào không phải trải qua.
Theo một thống kê, có đến 65% trong tổng số 10.350 doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động trong quý I-2012 là những doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 1 đến 2 năm.
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu kỹ năng mềm, thiếu mối quan hệ, thiếu kỹ năng quản lý tài chính…, và còn nhiều cạm bẫy, rủi ro tiềm ẩn khác mà các doanh nhân trẻ sẽ gặp và phải đương đầu trên con đường khởi nghiệp.
Khóa huấn luyện "Khởi nghiệp thành công" - do Thaihabooks tổ chức vào Chủ nhật 21/10/2012, tại Phòng 203, Tòa nhà Itaxa, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - với mục tiêu cung cấp cho người tham gia nhận thức đúng về khởi nghiệp để giảm thiểu rủi ro, thất bại trên đoạn đường này.
Trong khóa học này, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà sẽ chia sẻ các nội dung:
1. Tư duy đúng của người khởi nghiệp
2. Tạo lập ý tưởng khởi nghiệp
3. Nghiên cứu sản phẩm (dịch vụ), thị trường
4. Lập kế hoạch kinh doanh
5. Biến kế hoạch kinh doanh thành doanh nghiệp thực thụ
6. Các kỹ năng cơ bản của doanh nhân khởi nghiệp
7. Nhận biết những khó khăn tiềm ẩn, những vướng mắc cần lưu ý, những thế mạnh cần phát huy
8. Cách phát triển công ty: Tìm nguồn trợ giúp bên ngoài, xây dựng chương trình phát triển (đặc biệt dành cho những bạn đã có doanh nghiệp và muốn phát triển mạnh hơn).

Làm liều thắng lớn

Không chỉ đưa doanh nghiệp trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nước uống đóng chai tại thị trường TP.HCM, mới đây, Trần Ngọc Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Trần, vừa hoàn thiện nhà xưởng sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm phân phối. Đó là những thành quả “ông chủ trẻ” đạt được sau 7 năm gầy dựng sự nghiệp.

Tập tành kinh doanh khi còn là sinh viên năm 3 khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trần Ngọc Bình khởi đầu bằng việc cung cấp nước uống đóng chai cho các bạn sinh viên ở cùng dãy trọ. Lợi nhuận mỗi tháng thu về khoảng 300.000 đồng, số tiền không lớn nhưng cũng giúp Bình trang trải sinh hoạt phí. Ước mơ xây dựng hệ thống phân phối và cung cấp nước uống đóng chai cho toàn thành phố cũng từ đó nhen nhóm trong chàng trai trẻ.

Một năm sau, năm 2006, Trần Ngọc Bình đã mở rộng quy mô kinh doanh thành đại lý cung cấp nước uống đóng chai với tổng vốn đầu tư là 7 triệu đồng (bản thân tự tích cóp được 2 triệu và xin thêm gia đình 5 triệu), đặt trụ sở tại Bình Triệu (Q. Thủ Đức). Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hoàng Trần do Trần Ngọc Bình làm chủ cũng chính thức được thành lập vài tháng sau đó, khi đại lý chuyển địa điểm từ Thủ Đức về Ngã tư Hàng Xanh (Q. Bình Thạnh) với đội ngũ nhân sự gồm... ba người: giám đốc kiêm tiếp thị, giao hàng và giao dịch viên.


Thời gian đầu, chưa có nhiều khách hàng, không tên tuổi, Hoàng Trần bắt đầu bằng cách gõ cửa từng nhà tiếp thị, thậm chí cho khách hàng dùng thử sản phẩm miễn phí. Tất nhiên, nước uống đóng chai của Hoàng Trần lúc đó thuộc loại “không thương hiệu”, nên chi phí vẫn nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Sau thời gian triển khai bằng cách tiếp thị trực tiếp, chấp nhận tốn khá nhiều tiền, danh sách khách hàng cũng dần dài ra. Và lúc đó Bình mới bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho Hoàng Trần.


Hơn ba năm hoạt động liên tục (2006 - 2009), cũng là giai đoạn thị trường nước uống đóng chai bị “càn quét” do vi phạm những quy định về an toàn thực phẩm nên mức lợi nhuận thời điểm này không đáng kể. Thế nên, chàng trai trẻ Trần Ngọc Bình bắt đầu xây dựng dự án “hệ thống phân phối và cung cấp nước uống”, với mục đích xốc lại hệ thống phân phối của Hoàng Trần, cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Sau 3 - 4 năm vun trồng, rồi cũng đến lúc Hoàng Trần hái những quả ngọt đầu tiên. Tuy nhiên, “Dù kinh doanh đã có lãi, song do chưa biết tính toán, cân đối trong thu chi, cụ thể là thu ít, chi nhiều, chủ yếu là các khoản chi cho hoạt động tiếp thị, lương nhân sự, nên Hoàng Trần lại rơi vào tình trạng lỗ lã”, Bình chia sẻ.


Sau những lần thất bại, Bình mới “sáng ra”: “Thấy tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống, tôi bắt đầu lập lại kế hoạch kinh doanh một cách nghiêm túc hơn. Đặt ra mục tiêu rõ ràng cần phải đạt được trong thời gian cụ thể”. Nhờ cách làm đó, Hoàng Trần đã được vực dậy.

Sau gần 7 năm hoạt động, giờ đây, ngoài cơ ngơi khá khang trang tại đường Mê Linh (Q. Bình Thạnh), Hoàng Trần đã xây dựng được cửa hàng trưng bày sản phẩm tại quận 3 và 5 chi nhánh phân phối nước đóng chai của trên 10 thương hiệu nổi tiếng có mặt tại thị trường Việt Nam, với đội ngũ gần 50 cán bộ, công nhân viên, phục vụ trên 12.000 khách hàng...

Đến nay, doanh thu của doanh nghiệp đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Hoàng Trần còn cung cấp máy làm nước nóng, lạnh của các thương hiệu cả ngoại lẫn nội như: Sukara, CNC, Aquapower... và dịch vụ bảo hành - bảo trì đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng sử dụng nước uống đóng chai. Hoàng Trần vừa mới hoàn thiện nhà xưởng sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm phân phối và đang nhập thêm máy làm nước nóng, lạnh để phân phối ra thị trường...

Nhìn lại quãng đường đã qua, Trần Ngọc Bình, chia sẻ: “Bây giờ khi xem lại dự án “hệ thống phân phối và cung cấp nước uống” mới thấy có nhiều điều thú vị. Bởi, định hướng “hệ thống” vẫn còn đó, nhưng so sánh những gì mình viết và những gì đã làm thì thấy khác nhau nhiều. Mặc dù học quản trị kinh doanh, song những kinh nghiệm tích lũy được từ kinh doanh chủ yếu do tự học”.

Giờ đây, khi sự nghiệp đã tương đối ổn định, “ông chủ trẻ” Trần Ngọc Bình lại hoạch định tiếp kế hoạch của đời mình. Trong đó, “sở hữu 1 triệu đô la vào năm 30 tuổi” đang là mục tiêu thúc đẩy Bình bước tiếp. Liệu hai năm nữa có đủ cho Bình chinh phục mục tiêu?

NAM AN

Lập“sàn”cho hàng“handmade”

Sở hữu giải II tại Hội trại Khởi nghiệp VYE2012, Mintown, nhóm chủ nhân của mô hình sàn thương mại đồ thủ công, chỉ ra hướng đi chiến lược cho ngành hàng giàu tiềm năng nhưng lại ít phát triển nhất Việt Nam hiện nay: hàng thủ công.
Mintown là tên gọi của nhóm bốn sinh viên Hà Nội. Nghiêm Minh Hoàng, cựu sinh viên vừa tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, cho biết, ý tưởng lập sàn giao dịch đồ thủ công của nhóm hình thành trong thời gian cả nhóm thử kinh doanh một số mặt hàng thời trang và tham gia các hội chợ của các bạn trẻ.

Đam mê lĩnh vực thương mại điện tử, Hoàng đã dành thời gian tìm hiểu khá nhiều mô hình của nước ngoài. Theo đánh giá của Hoàng về thị trường Việt Nam, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng luôn ưu tiên các mặt hàng giá cả hợp lý. “Điều này tạo nên chiều đi lên của thương mại điện tử, nhất là khi niềm tin vào phương thức mua bán này tăng dần”, Hoàng nhấn mạnh. Từ điểm thuận lợi này của thị trường, cả nhóm nảy ra ý tưởng về một sàn giao dịch đồ thủ công.
Đối tượng Mintown nhắm tới trước hết là những mặt hàng“handmade”hiện tại của các bạn trẻ. Sau khi ổn định được phân khúc này sẽ phát triển nhánh các mặt hàng có giá trị cao hơn, như sản phẩm nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ...
“Mong muốn của chúng tôi là giúp được các cá nhân nhỏ lẻ có thể bán được những món đồ do mình sáng tạo ra, vì thực tế có nhiều bạn thích làm đồ thủ công nhưng hầu hết không thể coi nó là nghề vì không có nơi “dụng võ”, các thành viên Mintown cho biết. Theo Minh Hoàng, tính khả thi và khả năng cạnh tranh của dự án này khá cao là bởi vì thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự phát triển, do đó vẫn còn các thị trường ngách cho các công ty nhỏ đầu tư.

Đồng thời, yếu tố “trẻ” giúp Mintown gần gũi và hiểu các “chủ xưởng” làm đồ “handmade” hơn so với công ty chuyên nghiệp, bởi rất khó để làm được những hội chợ mang tính sinh viên. Hoàng tự tin: “Mô hình của chúng tôi có khả năngmở rộng rất cao do nhu cầu về quà tặng và thời trang vẫn rất lớn”. Điểm đặc biệt của dự án này là lượng vốn bỏ ra không quá lớn, do vậy, sau khi kết thúc Hội trại VYE, Mintown đã bắt tay chuẩn bị thực hiện, bắt đầu từ việc tìm chỗ làm văn phòng và tiến hành dần các công việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin thị trường.

“Ngày 14/10 tới sẽ là thời điểm Hội chợ Handmade đầu tiên của Mintown ra đời tại Hà Nội”, Hoàng tiết lộ. Bắt tay vào hiện thực hóa dự án, Mintown cũng không tránh được khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Theo các thành viên, Mintown gặp khó khăn về kiến thức công nghệ thông tin do họ đều là sinh viên ngành kinh tế. “Nếu có thêm nhà đầu tư và người hướng dẫn thì tuyệt vời, con đường phát triển của chúng tôi sẽ tiết kiệm được thời gian hơn”, Hoàng chia sẻ.

Kêu gọi đầu tư như vậy nhưng trước mắt cả nhóm vẫn miệt mài tự học, tự tìm hiểu để làm chủ những bước đi của mình. Biết trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng Mintown vẫn xác định dự án này là con đường dài của các thành viên. “Chúng tôi tin vào khả năng phát triển của dự án. Đó chính là lý do khiến tôi quyết định dừng công việc tại công ty cũ và tạm gác chuyện du học để tập trung vào dự án”, Hoàng tự tin.

Quý Yên

Lí do khiến bạn thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp

Hãy cùng nghe chia sẻ của Martin Zwelling, cố vấn khởi nghiệp dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, về những bài học khởi nghiệp đắt giá, nhưng hoàn toàn có thể tránh được.

Doanh nhân – đặc biệt là những người mới bắt đầu khởi nghiệp– thành công có mà thất bại cũng không ít. Tôi đã thấy điều này khi làm cố vấn, cũng như doanh nhân. 50% số công ty mới thành lập không thể tồn tại quá 5 năm, chủ yếu vì người khởi nghiệp đã không đánh giá đúng về những gì họ cần học.

Chúng tôi đã tổng kết được 10 lý do hàng đầu khiến khởi nghiệp thất bại – và cách để vượt qua những cản trở này:1. Không hoạch định cụ thể: Hãy dẹp bỏ quan niệm sai lầm là kế hoạch kinh doanh chỉ cần những “phút giây lóe sáng” của trí óc bạn. Viết ra kế hoạch kinh doanh cụ thể là cách tốt nhất để có thể áp dụng ý tưởng của bạn vào kinh doanh.
2. Khả năng thu nhập nghèo nàn: Kể cả các tổ chức phi lợi nhuận cũng cần phải có thu nhập (hoặc nhận tiền ủng hộ) để bù lại chi phí hoạt động. Không có mô hình thu nhập cụ thể, doanh nghiệp của bạn sẽ không thể tồn tại lâu được. Bạn cần phải tính toán đến thu nhập của doanh nghiệp của bạn.
3. Không làm nghiên cứu thị trường: Không phải ý tưởng hay nào cũng có thể trở thành một công việc kinh doanh phát đạt. Niềm tin mãnh liệt và đam mê vào sản phẩm của bạn chưa đủ để khiến mọi người sẽ mua nó. Không gì có thể thay thế được nghiên cứu thị trường.

4. Không chú trọng việc thực hiện ý tưởng: Khi những doanh nhân trẻ gặp tôi với những “ý tưởng hàng triệu đô”, tôi phải nói với họ rằng chỉ ý tưởng thôi thì ko đáng một xu. 99% đến từ nỗ lực thực hiên. Bạn sẽ phải sẵn sàng đưa ra những quyết định khó khăn và mạo hiểm.

5. Quá nhiều đối thủ cạnh tranh: Không có bất kì đối thủ cạnh tranh nào có tốt không? Đó là một dấu hiệu nguy hiểm – rất có thể thị trường đó không tồn tại. Nhưng nếu bạn làm một phép tra cứu đơn giản trên Google và tìm ra 10 đối thủ cạnh tranh hay hơn, thì thị trường này quá khắc nghiệt. Những gã khổng lồ ngủ quên có thể thức dậy bất cứ lúc nào, và hất cẳng bạn ra khỏi cuộc đua. Đã có rất nhiều người thử tung ra sản phẩm cạnh tranh với những “ông lớn chậm chạp” như Microsoft hay P&G và thất bại thảm hại.

6. Không đăng kí sở hữu trí tuệ: Nếu bạn muốn tìm kiếm nhà đầu tư, hay muốn duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài với các ông lớn trong lĩnh vực của bạn, bạn cần phải đăng kí bằng sáng chế, tên thương mại và tác quyền, cũng như xin được giấy phép cấm sao chép và cấm tiết lộ thông tin. Sở hữu trí tuệ cũng là yếu tố quyết định giá trị của những công ty mới thành lập trong con mắt của các nhà đầu tư.

7. Đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm: Trên thực tế, các nhà đầu tư xem xét nhân lực, không phải ý tưởng. Họ tìm kiếm con người với kinh nghiệm thực tế trong số những người khởi nghiệp. Hãy tìm một người nào đó đã từng có kinh nghiệm khởi nghiệp để cân bằng với sự đam mê của bạn, và mang đến kinh nghiệm cho đội ngũ.
8. Những yêu cầu về nguồn lực bị đánh giá thấp: Nguồn lực quan trọng nhất là dòng tiền đầu tư, nhưng các nguồn lực khác như quan hệ trong ngành hay kênh quảng bá cũng rất quan trọng cho việc kinh doanh của bạn. Đừng chỉ chú trọng đến vốn mà bỏ quên việc thiết lập những nguồn lực khác.
9. Không quảng bá đủ lực: Có được chiến lược quảng bá truyền miệng hấp dẫn chưa đủ để thương hiệu của bạn được ghi nhận trong thời đại thông tin không ngừng hiện nay. Kể cả quảng bá kiểu lan truyền (viral marketing – tạo sản phẩm quảng bá khiến mọi người thích thú và muốn chia sẻ trên mạng xã hội) cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nếu không có nỗ lực và sự đột phá trong quảng bá hình ảnh thương hiệu, bạn sẽ không có khách hàng, và dĩ nhiên doanh nghiệp của bạn không thể tồn tại.
10. Bỏ cuộc quá sớm: Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên nhân phổ biến nhất khiến khởi nghiệp thất bại là vì người khởi nghiệp trở nên chán chản, bỏ cuộc và giải thể công ty. Bất chấp những khó khăn, rất nhiều doanh nhân như Steve Jobs hay Thomas Edison vẫn giữ vững niềm tin vào khả năng của họ cho đến khi họ thành công. Đừng bỏ cuộc khi còn dang dở!


 

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com

Gõ cửa quỹ đầu tư: Người đồng hành khó tính

Các quỹ đầu tư vẫn đang tìm kiếm những dự án có tính khả thi để hợp tác thực hiện; người trẻ thì ấp ủ nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng nguồn vốn hạn chế. Vậy làm thế nào để hai nhu cầu này gặp nhau?
Có mặt tại Hội thảo “Khởi nghiệp, những điều cần biết” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhiều bạn trẻ không khỏi bất ngờ khi biết có những quỹ đầu tư đang nỗ lực tìm kiếm những dự án khả thi để “bơm tiền” vào nhằm hiện thực hóa chúng.

Trong tình hình kinh tế khó khăn chung, các quỹ đầu tư ngoại vẫn sẵn sàng rót tiền vào những dự án khả thi, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử vì thị trường ở Việt Nam rất tiềm năng. Anh Phạm Anh Khoa, Giám đốc Điều hành Học viện Yola, cho biết, hiện các quỹ đầu tư khá cởi mở, không cần những bản trình bày dự án quá chi tiết, mà chỉ cần chuẩn bị đội ngũ, những bước khởi đầu cụ thể bằng hành động...

Ví dụ, nếu dự án là ý tưởng liên quan đến thương mại điện tử, chưa nhất thiết phải xây dựng trang web, nhưng người khởi nghiệp phải có những hoạt động bán hàng thử nghiệm, khảo sát trên các mạng xã hội như Facebook, ZingMe... “Nghĩa là phải có hành động và những biểu hiện tích cực. Các quỹ đầu tư “tiền đầy túi” nhưng thuyết phục được họ đồng hành cùng những ý tưởng kinh doanh lại không đơn giản”, anh Khoa chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, theo anh Nhan Thế Luân, Giám đốc Điều hành Nhaccuatui.com, các bạn trẻ phải nhìn thẳng vào dự án của mình, phân công công việc hợp lý, xác định dự án phục vụ cho đối tượng nào, cách triển khai ra sao, lợi thế cạnh tranh là gì... Anh Luân tiết lộ: “Quan trọng nhất là vẽ được viễn cảnh cho thị trường một cách chính xác và trung thực để giữ uy tín với nhà đầu tư.

Đừng bao giờ nghĩ phải làm mọi cách để lấy được tiền từ quỹ đầu tư, mà phải hiểu chữ tín rất quan trọng để họ ủng hộ dự án của mình không chỉ một lần”.

Theo anh Khoa, thời gian tiếp xúc với các nhà đầu tư không nhiều nên phải biết cách tiếp thị bản thân trong thời gian ngắn nhất. “Phải đi thẳng vào vấn đề, nói ra điểm mạnh và ưu thế của mình”, anh Khoa tư vấn. Bên cạnh đó, công việc lên kế hoạch chi tiết, thuyết phục nhà đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do vậy, cách tốt nhất là “cắt nhỏ” công việc để giải quyết từng phần một thay vì ôm đồm làm một lúc.

Cân nhắc tính khả thi

Đến từ Trung tâm Phát triển và Khởi nghiệp Legatum, Học viện MIT, Hoa Kỳ, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết, ý tưởng khởi nghiệp không hiếm, quan trọng là cân nhắc thêm tính khả thi của dự án trong môi trường và thời điểm kinh doanh cụ thể. “Các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến ý tưởng có tính thích nghi nhất thay vì ý tưởng hay, đột phá. Bởi, ý tưởng hay trước tiên phải “thở”, phải “sống” và thích nghi tốt trong môi trường cạnh tranh”, bà Trang chia sẻ.

Câu chuyện của Tiki book, địa chỉ chuyên bán sách tiếng Anh qua mạng, là một ví dụ. Ngày đầu khởi nghiệp, “công ty” chỉ có mỗi anh Trần Ngọc Thái Sơn. Là Giám đốc kiêm nhân viên, nhưng Sơn đã thuyết phục được các công ty chịu rót tiền đầu tư. Tuy khó khăn, ít vốn nhưng ít ra anh đã dám làm thật, trải nghiệm thật với dự án khởi nghiệp của mình, chính điều đó đã giúp Tiki ghi được điểm cộng.

Theo bà Trang, đây là thời đại của ý tưởng nhưng điều tạo nên sự khác biệt vẫn là hành động. Một ví dụ cụ thể dễ thấy nhất là Facebook tạo nên sự khác biệt bởi ý tưởng gắn kết mọi người. Dù rằng đây là điều đã có nhiều người nghĩ tới, nhưng quan trọng là Mark Zuckerberg đã hành động và gặt hái thành công thay vì để nó nằm im trên giấy.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong quỹ đầu tư, bà Kiều Trang tiết lộ, khi xem xét một dự án, nhà đầu tư không đánh giá kế hoạch kinh doanh được trình bày chỉ trong một trang giấy A4 hay cả một xấp giấy dày, mà quan tâm đến sức nặng của ý tưởng nằm ở đội ngũ nhân lực sẽ thực hiện chúng. “Nhà đầu tư tinh ý sẽ nhìn vào những ông chủ dự án, xem xét những trải nghiệm và cách họ chạy dự án này ra sao. Do vậy, bản kế hoạch chỉ là chiếc áo khoác làm tăng tính chuyên nghiệp”, bà Trang cảnh báo.

Có nhiều “cửa” để đến với quỹ đầu tư, nhưng đây không phải là “cửa” duy nhất để hành trình khởi nghiệp tiến về đích đến và không phải lúc nào cũng có thể nhận được cái gật đầu của những người “bơm vốn”. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư, kinh nghiệm mà các diễn giả tham dự chương trình truyền đạt là kiên nhẫn chờ, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện dự án của mình thay vì lao vào như con thiêu thân, quyết định khởi nghiệp bằng mọi giá.

HÀ MY

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Mở tiệm tạp hóa: Loại hình kinh doanh phù hợp với mọi khả năng tài chính




Trong thời kỳ khủng hoảng, để khởi nghiệp kinh doanh với điều kiện tài chính còn eo hẹp là rất khó khăn. Tuy nhiên, có một số loại kinh doanh lại không quá “kén” về tài chính, dù trong tay bạn có nhiều vốn hay chỉ có tầm trăm triệu đổ lại, bạn vẫn có thể bắt đầu kinh doanh với quy mô phù hợp. Mở tiệm tạp hóa là một trong những hướng đi như vậy.
Kinh doanh tiệm tạp hóa đòi hỏi chủ tiệm phải có khả năng quản lý sát sao
cũng như cung cách phục vụ khách hàng tốt
Lợi ích của kinh doanh tiệm tạp hóa

So với mô hình cửa hàng tiện lợi của các nước tiên tiến, các cửa hàng bán hàng tạp hóa ở Việt Nam có những đặc thù và lợi thế khác biệt dù mục đích phục vụ giống nhau. Với đặc điểm điều kiện kinh tế chưa cao (ngoại trừ ở các thành phố lớn), đa phần người dân vẫn có thói quen mua bán là tạt ngang vào tiệm tạp hóa ven đường hoặc gần nhà để mua các vật dụng thiết yếu chứ không mấy khi đi siêu thị, các kiốt tạp hóa có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với cửa hàng tiện lợi cao cấp.

Nhiều người lựa chọn mở tiệm tạp hóa tại nhà vì “một công đôi việc”, vừa kiếm kế sinh nhai vừa tiện trông coi nhà cửa, chăm sóc con cái và gia đình.

Nhiều người lựa chọn mở tiệm tạp hóa tại nhà vì “một công đôi việc”, vừa kiếm kế sinh nhai
vừa tiện trông coi nhà cửa, chăm sóc con cái và gia đình

Kinh doanh hàng tạp hóa tuy số lãi trên từng mặt hàng không nhiều, có khi chỉ vài trăm đồng lẻ nhưng “tích tiểu thành đại”, lợi nhuận từ cửa tiệm tạp hóa có thể giúp bạn trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Với những tiệm quy mô lớn, đông khách, nhận làm đại lý cho các thương hiệu hàng hóa lớn thì số lãi còn gấp nhiều lần.

Đưa ra lời khuyên cho những người muốn kinh doanh loại hình này, nickname iloveu trên website az24.vn chia sẻ: “Kinh doanh mặt hàng này không bao giờ bị ế, nhất là vào mùa vụ như tết, trung thu thì kiếm bộn tiền. Hơn nữa, ngày nào cũng có người mua, ra vào tấp nập rất vui, không bị nản chí như một số nghề khác”.

Những thử thách khi khởi nghiệp

Tuy đây là một trong những hình thức kinh doanh có thể thu vốn nhanh, nhưng lại có một số khó khăn, thử thách nhất định.

Thứ nhất, do mặt hàng phong phú, phải nhập nhiều hàng để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng nên chủ hàng luôn phải có sự sáng suốt trong quản lý hàng hóa, nhớ giá cả các mặt hàng, đề phòng kẻ gian, cách bài trí sao cho khách hàng dễ tìm, dễ lựa chọn hàng hóa… Tất cả đều đòi hỏi mỗi chủ tiệm phải có một cái đầu sáng suốt của nhà quản lý, một trí nhớ tốt và linh hoạt trong xử lý những yêu cầu về giá cả của khách hàng.

Một trong những khó khăn của kinh doanh hàng tạp hóa là luôn phải lưu tâm
đến chất lượng sản phẩm, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng

Thứ hai, đây là một trong những loại hình có tính cạnh tranh cao, thậm chí có nơi tiệm tạp hóa nằm san sát nhau. Khó khăn ấy đòi hỏi mỗi cá nhân khi kinh doanh cần đề ra một chiến lược rõ ràng, chú ý đến các phương pháp marketing, dịch vụ ưu đãi… Các cửa hàng ra sau tất nhiên sẽ có những thiệt thòi nhất định nhưng không hẳn đi sau là không có lợi. Có những nhà bán lẻ vẫn sống và phát triển mạnh dưới cái bóng của các nhà bán lẻ khổng lồ. Bạn có thể mua và tham khảo cuốn "Để cạnh tranh với những người khổng lồ", trong đó có rất nhiều ví dụ về cửa hàng nhỏ phát triển mạnh tương đương với các cửa hàng lớn, thậm chí là phát triển khi nằm ngay cạnh các cửa hàng thuộc hạng “đại gia”.

Nếu không có chiến lược rõ ràng và lại không biết cách điều hành thì việc quản lý một cửa tiệm tạp hóa nhỏ cũng sẽ khiến bạn phải đau đầu, thậm chí điêu đứng vì lỗ. Chia sẻ trên webtretho.com, nickname xita_hn cho biết: “Hai vợ chồng em vừa mới mở cửa hàng tạp hóa được mấy tháng nhưng đã lỗ hơn nửa tỷ rồi. Tiền đầu tư thì nhiều nhưng lãi thì lắt nhắt 500, 1.000 đồng. Hồi đầu chưa bán em tưởng lãi ghê gớm lắm vì nhìn nhiều người bán đắt hàng là ham nhưng có bán rồi mới biết. Mình bán rẻ thì hầu như không có lãi, còn bán đắt thì chả ai mua, thà người ta vào siêu thị còn hơn”.

Vậy làm sao để tránh được những rủi ro trên. Dưới đây là một vài bước cơ bản để bạn có thể yên tâm đầu tư cho loại hình kinh doanh này.

Trước khi mở tiệm, bạn nên lưu ý các điểm sau:

1. Lựa chọn địa điểm:

Đối với những cá nhân có ý định mở cửa hàng tạp hóa với quy mô lớn, đây là một trong những yếu tố khá quan trọng. Thường thì tiệm tạp hóa phù hợp với tất cả các địa điểm bởi sản phẩm của loại hình này tương đối đa dạng, cần thiết và gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân. Nhưng khi xác định mở một cửa hàng tạp hóa lớn, bạn nên chọn địa điểm dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. Tại những địa điểm như vậy, nhu cầu mua các mặt hàng chất lượng, có thương hiệu sẽ nhiều hơn, tương xứng với những sản phẩm chất lượng cao mà một cửa tiệm tạp hóa có quy mô cần phải có.

Đối với trường hợp mở tiệm tạp hóa nhỏ, lẻ tại gia, bạn không cần quá chú trọng nhiều đến yếu tố này.

2. Khảo sát về nhân khẩu học:

Trước khi mở tiệm, bạn cũng nên tiến hành khảo sát khu vực dân cư nơi bạn định mở tiệm: mật độ, đối tượng dân cư, thu nhập,… Đối với những tiệm buôn bán nhỏ tại nhà, bạn nên xác định đối tượng dân cư tại nơi bạn sinh sống chủ yếu là công nhân, trung lưu hay thượng lưu… để lựa chọn các mặt hàng kinh doanh cho phù hợp. Đây là điều tối quan trọng, bởi lẽ, nếu bạn nhập những mặt hàng không hợp thị hiếu, khách hàng không chuộng, thì bạn chỉ còn cách “ôm” và dùng dần. Các sản phẩm như: mì gói, bột ngọt, xà phòng, bột giặt, nước mắm, nước tương v.v... đều có nhãn hiệu ưa chuộng cho từng vùng, từng đối tượng khách hàng.

Đối với những tiệm buôn bán nhỏ tại nhà, bạn nên xác định đối tượng dân cư tại nơi bạn sinh sống
để lựa chọn các mặt hàng kinh doanh cho phù hợp 

Ví dụ, nếu khu vực bạn mở tiệm tập trung đông công nhân, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên thì bạn nên bán với giá rẻ và chịu khó cho nợ, đây là một trong những là ưu tiên hàng đầu. Bạn cũng cần lưu ý nghiên cứu so sánh giá cả của một số cửa hàng lân cận vì đôi khi hơn nhau vài ba trăm đồng người ta cũng bỏ quán bạn mà đi. Còn nếu đối tượng khách của bạn chủ yếu công nhân viên chức, dân văn phòng thì chất lượng, mẫu mã và cách trưng bày hàng hóa lại là yếu tố quyết định.

Để tránh được những rủi ro trong bước này, đầu tiên bạn hãy quan sát những cửa hàng gần mình nhất xem họ bán gì, giá bao nhiêu, so với giá buôn họ lãi như thế nào và tham khảo nhận xét của người dân trong khu vực về thái độ phục vụ, những mặt hàng còn thiếu, những điểm hạn chế là gì. Ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất như cây kim, sợi chỉ cũng phải đưa vào danh sách mặt hàng cần phục vụ.

Là ông chủ một cửa tiệm tạp hóa khi mới 21 tuổi, bạn Nguyễn Thắng, 122 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Khởi đầu kinh doanh hãy đặt mục đích bán được nhiều hàng, phục vụ được nhiều đối tượng hơn là lãi nhiều, miễn sao không lỗ và có lãi đủ tiêu dùng cho gia đình là được. Khi đã có khách quen thuộc, doanh số tăng đều, lãi nhỏ ban đầu sẽ tích lũy ngày một nhiều hơn”.

3. Tìm nguồn hàng: 

Bạn có thể lấy sỉ của những tiệm tạp hóa lớn khác. Nên tham khảo nhiều chỗ, chỗ nào rẻ hơn thì lấy ở đó, không nhất thiết phải lấy một chỗ. Với các bạn ở TP. Hồ Chí Minh, chợ đầu mối Kim Biên sẽ cung cấp cho các bạn rất nhiều mặt hàng. Đồng thời, bạn có thể liên hệ các nhà sản xuất để được cung cấp giá sỉ và nhận trực tiếp các ưu đãi về giá, các chương trình quảng cáo, khuyến mại cụ thể.

Dựa vào những yếu tố trên, bạn tiếp tục xây dựng một kế hoạch cụ thể gồm các phần:

1. Tài chính 

Đây là nguồn máu nuôi sống công việc kinh doanh của bạn. Bạn nên tính toán giá nhập hàng, chi phí vận chuyển, nếu bạn phải đi thuê cửa hàng, bạn cần cộng cả chi phí thuê hàng tháng để từ đó đưa ra giá bán phù hợp.

Mô hình tiệm tạp hóa nhỏ lẻ phục vụ cho một số dân cư trong khu vực thì mức độ hoành tráng của cửa hàng, các tiện ích phục vụ như máy lạnh,... không phải là điểm cần ưu tiên. Cái cần nhất chính là sự đa dạng về hàng hóa, giá bán hợp lý, lấy lãi nhỏ khi khách hàng mua với số lượng lớn, luôn đáp ứng những mặt hàng thiết yếu.


Anh Nguyễn Văn Định - chủ cửa hàng tạp hóa Tâm Định, Phai Vệ, Lạng Sơn chia sẻ: “Nếu bạn chịu khó thức khuya dậy sớm, chấp nhận tích tiểu thành đại, chi tiêu tiết kiệm và đặc biệt là hi sinh thời gian để quản lý nó thì bạn có thể kinh doanh loại hình này. Có ít vốn làm nhỏ thì chỉ mất tầm 500 triệu đổ lại, còn nhiều vốn thì bao nhiêu cũng được”.

2. Mặt hàng kinh doanh

Dựa vào bản điều tra nhân khẩu mà bạn đã tiến hành trước đó và nhà cung cấp, bạn có thể dễ dàng xác định các mặt hàng bạn sẽ tập trung kinh doanh. Đối với loại hình kinh doanh này mặt hàng phải phong phú, đa chủng loại, đặc biệt lưu ý đến các sản phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như: xà phòng, gia vị, bánh, kẹo, sữa tươi,…

Đối với các cửa hàng tạp hóa lớn thì cần nhiều các sản phẩm có thương hiệu uy tín, các sản phẩm chất lượng cao như: sữa bột, bánh kẹo cao cấp, rượu vang… Khi nhập hàng, bạn nhớ chú trọng số lượng, sao cho đủ tiêu chuẩn để hưởng khuyến mại và chiết khấu của nhà cung cấp.

3. Hình thức bán 

Bạn có thể sử dụng hình thức ký gửi hay mua hàng dự trữ. Khi mua dạng ký gửi bạn sẽ nhận được hoa hồng, tại các siêu thị thường sử dụng hình thức này.

4. Quản lý cửa hàng 

Quản lý cửa hàng bao gồm các mảng: quản lý bán hàng, quản lý kho, quản lý tài chính. Bạn nên sử dụng phần mềm để quản lý chặt chẽ các mảng này. Đồng thời, bạn phải cẩn thận với kẻ gian. Đó là những kẻ giả danh tiếp thị để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, những kẻ lừa đảo giả làm người mua hàng vào trộm cắp (những kẻ này thường vào hỏi mua, rồi đổi tới đổi lui, lợi dụng lộn xộn để trộm hàng).

Bạn nên tham khảo cách trưng bày sản phẩm của các cửa hàng tiện lợi trong và ngoài nước
để khách hàng khi lựa chọn sản phẩm không bị rối mắt

Bạn Nguyễn Thắng cho biết: “Mối lo ngại lớn nhất khi mở cửa hàng là quản lý các khoản thu chi, hàng tồn, hàng bán ra nhưng không biết lãi bao nhiêu. Vì thế, nếu muốn quản lý tốt, bạn nên dùng phần mềm quản lý bán hàng. Tuy nhiên, đầu tư cho nó cũng kha khá. Ngoài mua phần mềm hết tầm 5 triệu, bạn còn phải đầu tư thêm máy tính, máy đọc mã vạch 1,7 triệu, máy in 2,2 triệu, máy in tem tầm 6,5 triệu; ngót nghét cũng gần 20 triệu, nhưng đổi lại nó giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề mà không phải đau đầu”.

Cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà cần phải có bản vẽ thiết kế để đảm bảo chi phí trong tầm kiểm soát, tránh rủi ro và đảm bảo tính bền vững, khi bắt tay vào kinh doanh cũng vậy, bạn nên chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch. Với ngành bán lẻ, các bạn cần phải có kế hoạch từ 2 năm trở lên vì đặc thù ngành này cạnh tranh cao và yêu cầu thời gian để xây dựng uy tín.

5. Phương pháp marketing, thu hút khách hàng 

Bạn cần đặt câu hỏi: "Nếu có một điều duy nhất mà khách hàng cần nhớ về bạn thì đó là gì?" Trong marketing có một thuật ngữ là "Định vị" (Positioning). Định vị đúng sẽ tạo sự khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ. Ví dụ: khi nói đến chuỗi siêu thị Walmart, người ta nghĩ ngay đến "Giá rẻ"; nói đến chuỗi cửa hàng 7-Eleven, người ta nghĩ ngay "cửa hàng cạnh nhà" và bán "24 giờ"... Vì vậy, bạn cần xác định rõ yếu tố định vị của mình. Khi nói đến cửa hàng của bạn, khách hàng sẽ nghĩ điều gì: "giá rẻ nhất", "dịch vụ tốt nhất" hay "khuyến mãi nhiều nhất"...?

Chia sẻ về phương pháp “hút khách”, anh Nguyễn Văn Định cho biết: “Cách giao tiếp với khách hàng cũng hết sức quan trọng vì mô hình tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trong một khu dân cư sẽ chỉ sống được bằng lượng khách nhất định ở cộng đồng dân cư đó. Nó khác với những cửa hàng phục vụ khách qua đường, lượng khách không gói gọn trong một khu vực nhỏ. Vì thế, khi giao tiếp, phục vụ khách hàng, chủ tiệm hoặc người bán phải hết sức khéo léo, gần gũi để tạo mối liên hệ tốt”.


Một lưu ý nhỏ nữa là cách đặt tên cho cửa hàng. Bạn phải đặt tên cửa hàng sao cho thật dễ gọi, dễ nhớ, tạo được thiện cảm với khách. Thông thường, các tiệm tạp hóa nhỏ thường lấy theo tên chủ tiệm hoặc một đặc điểm dễ nhớ của quán. Thậm chí có cửa hàng chẳng có tên trên biển hiệu nhưng vẫn được khách hàng nhớ tới bằng những cái tên thân thương như quán bà Bảy, quán ông Ba, quán Cây mít,…

6. Trưng bày

Đối với loại hình kinh doanh này, bạn nên bố trí hàng hóa một cách khoa học, thuận tiện trong việc tìm kiếm và lấy hàng. Bạn phải làm kệ để trưng bày sản phẩm. Bạn có thể mua sắt về thuê thợ gia công hoặc đóng kệ gỗ, tận dụng các loại bàn ghế cũ để trưng bày hàng hóa.

Trong dịp tết sắp tới, bạn nên trang trí những giỏ quà tết thật đẹp mắt để thu hút khách hàng

Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi mở tiệm tạp hóa. Trưng bày hiệu quả cũng là cách giúp bạn tăng doanh số. Đó cũng là lý do tại sao các siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện đại luôn được trưng bày rất bắt mắt, hấp dẫn. Ví dụ: ngay mặt tiền cần trưng bày những sản phẩm đang bán chạy, đang khuyến mãi hấp dẫn hoặc những mặt hàng mà người ta thường mua cùng nhau có thể đặt cạnh nhau...

Trên đây là một vài gợi ý cơ bản giúp bạn có những bước đi vững chắc hơn khi có ý định kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Hy vọng với những gợi ý trên, mỗi cá nhân sẽ tiếp tục củng cố và phát triển thành công ý tưởng kinh doanh này.

Bán hàng tạp hóa, kiếm lời 2 triệu đồng/ngày là ít!

Lý do đơn giản là vì mức lãi “khủng” trong khi không bao giờ sợ ế ẩm đã thu hút những người có “máu” kinh doanh.

Dọc đường Tân Mai, từ đối diện cổng trường Tiểu học cho đến khu vực chợ Tân Mai, chỉ với đoạn đường khoảng 500 mét đã có tới 8 siêu thị mini và không dưới chục cửa hàng nhỏ lẻ bán đồ tạp hóa. Ấy vậy mà cửa hàng nào cũng tấp nập khách ra vào, chủ cửa hàng nào cũng tươi cười niềm nở.

Trong vai một người muốn mở cửa hàng tạp hóa, tôi gặp bác Yến, người quen của gia đình, cũng là một trong những chủ cửa hàng dạng siêu thị mini bán chạy nhất khu này để hỏi thăm về mối hàng và xin tham khảo các mặt hàng cần lấy để bán.

Bác Yến cho biết, về mối hàng thì không cần phải lo, chỉ cần đưa số điện thoại, bác sẽ đưa lại cho các mối cung hàng và họ sẽ tìm đến tận nơi làm việc với mình. Thậm chí chẳng cần số điện thoại, khi biết mình mở cửa hàng tạp hóa, nhân viên tiếp thị của các hãng sẽ tự động “ầm ầm kéo đến”.

Cũng theo lời bác Yến, quan trọng là diện tích cửa hàng có bao nhiêu, còn bán hàng tiêu dùng thì đa dạng, từ đồ ăn nhanh, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ dùng học tập, từ đồ trẻ con cho đến đồ người lớn…mỗi loại có đến vài, thậm chí vài chục nhãn hiệu để lựa chọn.

Theo kinh nghiệm của bác thì cứ sử dụng diện tích càng rộng càng tốt và lấy hàng nhiều loại, nhiều nhãn hiệu ngay từ đầu. "Bây giờ cửa hàng tạp hóa dạng siêu thị mini được người dân lựa chọn nhiều hơn, vì vừa tiện lợi, gần nhà, giá có khi lại còn rẻ hơn so với siêu thị lớn. Miễn là hàng của mình có đủ loại, từ cây kim, cái bánh, hộp sữa, từ gói dầu gội đầu, bao thuốc lá cho đến chai rượu xịn, thì sẽ không phải lo chuyện vắng khách", bác nói.


Có nhiều mặt hàng không tính đến lời lãi, mà chỉ cần "ăn" tiền trưng bày sản phẩm


Bán hàng cũng không nên tham lãi nhiều, mỗi món một chút, có món thậm chí gần như không có lời mà vẫn phải bán. Khi tôi thắc mắc, bán hàng mà lãi ít thì không ổn, vì còn tiền thuê mặt bằng, tiền thuế, tiền thuê người bán hàng, bác nói: “Không vấn đề gì cả. Ngoài tiền lãi mình ăn, còn có tiền trưng bày sản phẩm của nhà cung cấp nữa”.

Được biết, các sản phẩm trưng bày trong cửa hàng được nhà cung cấp trả một khoản tiền không nhỏ để có được “vị trí đẹp”, như một hình thức quảng cáo. Khoản tiền này với một số sản phẩm chẳng hạn như bim bim, giấy vệ sinh, bỉm, dầu gội đầu, kẹo mút, kẹo cao su, bút bi…thì còn cao hơn nhiều lần so với tiền lãi.

Cũng theo bác Yến, để mở một cửa hàng tạp hóa chừng 25m2 thì có thể chấp nhận giá thuê mặt bằng lên tới 20 triệu đồng, thuê 2 người bán phụ với mức lương 3 – 5 triệu đồng/tháng!(?)

Theo tính toán của người viết, chi phí thuê cửa hàng và nhân công đã là 30 triệu đồng, còn chưa kể đến tiền điện, tiền thuế…thì doanh thu mỗi tháng tối thiểu cũng phải 50 triệu đồng. Con số này tuy nhiên theo bác Yến là “quá nhỏ”. Bác không nói cụ thể doanh thu của cửa hàng bác là bao nhiêu, nhưng tiết lộ với vốn đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu đồng, hiện mức lãi mỗi ngày của cửa hàng không dưới 2 triệu đồng!


Các cửa hàng bán đồ tạp hóa như thế này đang mọc lên như nấm ở Hà Nội


Bác Yến còn bật mí, ngoài tiền lãi, tiền trưng bày sản phẩm, người bán hàng còn được “ăn” nhờ phần khác, mà phần này mới là quan trọng, đó là dám và biết “ôm” hàng dự trữ đề phòng giá lên! Các mặt hàng dễ dự trữ và không bao giờ lo giá giảm mà lại có khả năng sinh lời cao nhất là sữa, bỉm, dầu ăn, các loại rượu...

Khi hỏi làm sao để biết được giá lên mà tích trữ hàng, bác cho biết, thường các đầu mối sẽ báo cho mình trước ít nhất là 1 tuần về việc giá lên để có "phương án" trữ kịp thời. Thêm nữa, ưu điểm của kinh doanh hàng tạp hóa là không bao giờ lo chuyện hàng tồn hay quá date, vì có vấn đề gì sẽ trả lại được cho các nhà cung cấp.

Ngoài ra, khi có doanh thu cao, các sản phẩm được tiêu thụ nhiều, nhà cung cấp còn có chính sách ưu đãi riêng cho đại lý, chẳng hạn như tăng chiết khấu hoặc tặng quà...



Bác Yến cho biết thêm, đã quyết định mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa quy mô tương đối thì nên lấy hàng cả ngoại nhập, hàng xách tay để bán. "Rượu, nước hoa, mỹ phẩm, sữa xách tay... tương đối kén khách, nhưng lãi sẽ lớn. Quan trọng là lấy hàng chuẩn thì sẽ giữ được khách lâu dài".

Cũng theo bà chủ cửa hàng trên phố Tân Mai này, quan trọng nhất là số vốn bỏ ra ban đầu, còn về sau, tiền lấy hàng nhiều khi không cần phải quan tâm, mà khi nào bán hết đợt hàng mới thanh toán cho nhà cung cấp cũng được.

Tuy nhiên, kinh doanh cửa hàng tạp hóa cũng có những rủi ro nhất định, nhất là khâu quản lý. Vậy nên theo những người có kinh nghiệm, việc quản lý cửa hàng phải chặt chẽ, ngoài sử dụng phần mềm, phải có người thu ngân tin cậy, có người thường xuyên theo dõi hoạt động của cửa hàng, có người bán hàng nhanh nhẹn và trung thực. Đối với các đầu mối cung cấp hàng cũng phải cẩn thận, kiểm tra kỹ xuất xứ hàng hóa để tránh bị hàng giả, hàng kém chất lượng...



Theo TTVN



Flag Counter