Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Những tỷ phú ở làng bán xôi xuyên Việt

Hàng nghìn người Hoàng Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) tỏa đi khắp các tỉnh thành trong nước bán xôi. Nhiều người đã thoát nghèo, thậm chí trở thành tỷ phú nhờ nghề bán xôi độc đáo này.

Cả làng bán xôi        

Khi nhắc đến xôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng Kẻ Gạ (ở Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhưng ít ai biết rằng, ở trung du miền núi Bắc Bộ còn có một làng làm xôi thậm chí còn lớn hơn Kẻ Gạ, đó chính là làng Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Nếu như ở Kẻ Gạ, làm xôi như một nghề truyền thống và chủ yếu phục vụ thực khách trong địa bàn Hà Nội thì Hoàng Xá lại khác. Như bao vùng quê Bắc bộ khác, xôi vẫn là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và cả ma chay của người Hoàng Xá. Nhưng phải tới thời điểm khoảng 5 năm trước thì người Hoàng Xá mới coi xôi là một “món hàng” để kinh doanh.

Người Hoàng Xá ít khi bán xôi trên địa bàn làng xã mà chủ yếu là tỏa ra các thành phố lớn để bán. Hiện nay, họ đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam để hành nghề. Cũng chính vì lý do này mà nhiều người vẫn hay trêu đùa rằng, người Hoàng Xá bây giờ đi đến đâu trên đất nước Việt Nam đều không sợ chết đói, vì ở đâu cũng có người làng bán xôi ở đó.
Với những chiếc xe đẩy như thế này, người Hoàng Xá đã có mặt khắp các thành phố lớn trong nước để bán xôi. 
Đến Hoàng Xá vào một ngày giáp Tết Nguyên Đán để tìm hiểu về nghề bán xôi nơi đây, chúng tôi được những người dân trong làng giới thiệu ngay đến nhà anh Nguyễn Hồng Tam ở khu 3. Anh Tam là chủ sở hữu một đại lý chuyên cung cấp các đồ nghề và các nguyên liệu làm xôi, từ xe đẩy, bếp than, xoong nồi cho đến gạo, ruốc, đỗ, lạc… Ngoài ra, anh Tam còn kiêm luôn công việc dạy và tư vấn cách làm xôi sao cho nhanh chín, lại thơm ngon… cho những người mới vào nghề và có nhu cầu học hỏi.

Cơ sở kinh doanh của anh Tam được thành lập từ những ngày đầu tiên nghề bán xôi xuất hiện ở đất Hoàng Xá, nên chẳng có điều gì về cái nghề này mà anh không biết. Theo anh Tam cho biết thì vào thời điểm khoảng 5 năm trước, có một số người Hoàng Xá sang đất Hà Tây cũ (nay là Hà Nội – PV), thấy nhiều người ở đó đi bán xôi dạo và có thu nhập cao nên đã học theo cách làm ăn này. Họ trở về làng để sắm đồ nghề rồi cũng ra Hà Nội, ngược Lào Cai, Yên Bái… hành nghề bán xôi. Một thời gian sau, những người này trở về làng và trở nên giàu có, xây được nhà cao cửa rộng.
Bán xôi dạo có thể giúp một người Hoàng Xá bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.
Từ đó, bán xôi dạo bỗng nhiên trở thành một nghề “hot”, người Hoàng Xá cứ ùn ùn sắm sửa đồ nghề, dẫn theo vợ con, kêu gọi bàn bè, người thân… ra thành phố để bán xôi với mong ước được “đổi đời”. Bây giờ về làng Hoàng Xá, người ta dễ thấy cảnh nhiều gia đình chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều căn nhà quanh năm suốt tháng cứ đóng cửa im ỉm vì người nhà đã ra hết thành phố để bán xôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: “Xã Hoàng Xá có 22 thôn xóm thì hầu như thôn nào cũng có người đi bán xôi. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng hiện nay có khoảng gần 3000 người (trong tổng dân số gần 13000 người) trong xã đi bán xôi dạo ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bán xôi là một trong những nghề giúp cho người Hoàng Xá thoát khỏi đói nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu. “Sau một hai năm đi bán xôi, nhiều gia đình trở về làng và xây được những ngôi nhà 3, 4 tầng khang trang lộng lẫy”, ông Thái nói.

Bán xôi xây nhà lầu

Đúng như lời ông chủ tịch xã, khi chúng tôi dạo một vòng quanh đường làng ngõ xóm Hoàng Xá thì đâu đâu cũng thấy mọc lên những căn nhà 3, 4 tầng, thậm chí là nhiều căn biệt thự sang trọng trị giá hàng tỷ đồng. Phần lớn những căn nhà này là của các “đại gia” bán xôi.
Theo những người dân địa phương cho biết thì chỉ khoảng 5 năm trước đây, Hoàng Xá vẫn còn là một xã nghèo nàn. Khi đó, ngoài con đường trung tâm chạy qua UBND xã thì đi khắp làng Hoàng Xá chỉ toàn thấy những căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Một người Hoàng Xá đang bán xôi trên đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội.
Chính nghề bán xôi đã góp phần làm cho người Hoàng Xá thoát nghèo, có của ăn của để. Chẳng vậy mà nhiều người Hoàng Xá coi bán xôi là nghề “hái ra tiền” ở mảnh đất nghèo khó này. “Với những người nông dân không được ăn học đến nơi đến chốn thì chẳng có công việc gì nhàn hạ mà lại có thu nhập cao như nghề bán xôi. Nếu không có nghề này thì chẳng biết bao giờ người Hoàng Xá mới có thể thoát nghèo được” - ông Đặng Văn Thông, trưởng khu 1 xã Hoàng Xá nhận định.
Theo ông Thông cho biết thì khu 1 do ông quản lý là một trong những khu có ít người đi bán xôi dạo nhất của xã Hoàng Xá. Mặc dù vậy cũng có đến hơn 10 cặp vợ chồng đã rời làng, kéo theo con cái ra ngoài bán xôi và hầu hết những gia đình này đã xây được nhà cửa đàng hoàng.
Bản thân ông Thông cũng có hai người con trai đang đi bán xôi ngoài thành phố. Chỉ vào căn biệt thự khang trang tiền tỷ sắp hoàn thiện ngay trước ngõ, ông thông bảo: “Đấy là căn nhà của vợ chồng đứa cả của tôi (tên Đặng Vũ Kha – PV). Hai đứa bán xôi ở Thái Bình được 3 năm nay. Căn nhà khang trang này cũng nhờ đi bán xôi mà chúng mới xây dựng được.”

Ngôi biệt thự khang của một “đại gia” làng xôi Hoàng Xá.
Cách nhà ông Thông không xa, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Biên ở khu 7. Bà Biên có con là Nguyễn Văn Mùi đang cùng với vợ bán xôi ở Mộc Châu, Sơn La. Trò chuyện với bà biên thì chúng tôi được biết, trước đây anh Mùi vẫn còn là một thợ mộc, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhưng 3 năm trước, anh Mùi đã bỏ nghề mộc, cùng với vợ theo anh rể lên Sơn La bán xôi dạo. Cuộc sống của vợ chồng anh đã thay đổi kể từ đó. Sau hơn 2 năm đi bán xôi, giữa năm 2012, vợ chồng anh Mùi đã xây được căn biệt thự 2 tầng lộng lẫy nổi bật giữa làng Hoàng Xá.
Gia đình ông Thông, bà Mùi chỉ là một trong rất nhiều người giàu lên từ nghề bán xôi dạo. Đến Hoàng Xá, chúng tôi còn biết đến chuyện gia đình ông Hoàng Văn Chúc, người có 10 đứa con thì 8 đứa đi ra ngoài bán xôi và ai cũng trở nên khá giả. Bên bạnh đó là gia đình ông Đặng Văn Đức (khu 2), bà Nguyễn Thị Lai (khu 7)… đã xóa bỏ được những căn nhà tranh vách đất, thay vào đó là những căn nhà ống vài ba trăm triệu…

Có thể nói, nghề bán xôi dạo đang từng bước làm giàu cho quê hương Hoàng Xá.
Đã 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Biên và 2 đứa cháu nội (một cháu gái 12 tuổi, và cháu còn lại lên 8) vẫn phải ở nhà chăm sóc lẫn nhau vì con trai và con dâu đi bán xôi tận Sơn La.

 “Nghề này lãi lớn mà vốn đầu tư lại không nhiều nên rất thích hợp với những người nông dân Hoàng Xá. Thông thường, một người đi bán xôi chỉ cần đầu tư một chiếc xe đẩy trị giá khoảng 5 triệu đồng và khoảng 5 triệu nữa cho các vật dụng khác như xoong nồi và nguyên liệu như gạo, ruốc… là có thể đi bốn phương bán xôi,” anh Nguyễn Hồng Tam cho biết.  
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu may mắn chọn được địa điểm đông khách, mỗi ngày chủ một xe xôi có thể bán được khoảng 300 gói xôi. Với mức giá trung bình 10.000đ/ gói, trừ các chi phí thì người bán có thể thu về từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ là chuyện bình thường.

Chính nhờ mức thu nhập cao như vậy mà nhiều người Hoàng Xá mới trở nên giàu có. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền từ nghề bán xôi dạo, người Hoàng Xá cũng phải lao động cật lực và gặp phải nhiều khó khăn mà ít ai biết đến.

Họ không chỉ phải thức khuya dậy sớm đồ xôi để kịp giờ đem bán lúc sáng sớm, mà đôi khi còn đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các quán ăn uống nơi họ hành nghề. “Việc bị tung tin bỏ thuốc phiện vào xôi để hút khách, rồi chuyện bị côn đồ đuổi đánh, đập phá xe hàng là chuyện vẫn thường xảy ra với những người đi bán xôi,” anh Đỗ Hồng Quân, một thợ bán xôi mới “giải nghệ” vì lý do gia đình cho biết.

Khó khăn nhọc nhằn là vậy, nhưng do không được học hành đầy đủ, người Hoàng Xá vẫn phải bám lấy nghề bám xôi và coi đó như một giải pháp cứu rỗi cuộc đời nghèo khó của họ. Đi bán xôi dạo, họ phải xa gia đình, xa mẹ già con thơ nhưng bù lại, họ sẽ có tiền xây nhà xây cửa, có tiền nuôi con cái học hành tử tế, cha mẹ họ cũng sẽ có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn…

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Kinh doanh hàng lạ dịp Tết

Trung chia sẻ khó khăn lớn nhất khi kinh doanh trong dịp Tết là nhân lực. Vì có nhiều thành viên ở xa nên dịp Tết, nhân lực của câu lạc bộ ít hơn nhiều. Các bạn còn lại vừa làm các sản phẩm thư pháp, vừa tham gia các hoạt động tình nguyện Tết như viết chữ tặng công nhân… nên khá vất vả.
Bánh chưng Công chúa, muối may mắn, thư pháp trên đá, tranh xếp hình cá nhân… là một số mặt hàng kinh doanh của các bạn sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán 2010.

Khác với bánh chưng truyền thống, sản phẩm của Nguyễn Thùy Linh, khoa Dịch vụ Viễn thông, Genetic Bách Khoa, Hà Nội, thu hút thực khách bởi tên gọi khác lạ - bánh chưng Công chúa. Giải thích cho tên gọi rất “kêu” của món ăn, Linh, chia sẻ: “Mình đặt tên như vậy vì nó được làm rất cầu kỳ, đỏng đảnh như mấy nàng công chúa. Chỉ cần sai một chút về quy trình là công cốc". Chiếc bánh chưng mang cái tên “đỏng đảnh” này có kích thước lớn hơn chiếc nem chua rán một chút với giá 4.000 đồng một chiếc. Công thức làm bánh được Linh tình cờ phát hiện từ một người bạn nước ngoài. Sau đó, bạn sáng tạo, cải tiến thêm để bánh phù hợp với khẩu vị người Việt. Bánh làm từ nước cốt dừa, gạo nếp cái hoa vàng, thịt gà và gói bằng lá chuối.
Mới bán, nhưng Linh đã nhận được đơn đặt hàng cho hơn 100 chiếc bánh Công chúa. Nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách nhưng toàn bộ sản phẩm đều do một tay Linh làm, thi thoảng mẹ có phụ giúp. “Em không thuê người ngoài vì chưa ưng ý ai, muốn tự tay mình làm cho yên tâm”, Linh cho biết. Cô sinh viên này chia sẻ thêm, vốn kinh doanh đều được bạn “năng nhặt chặt bị” từ những khoản tiền tiêu vặt hàng tháng bố mẹ cho. Do là năm đầu tiên kinh doanh mặt hàng Tết cổ truyền nên Linh chưa có ý định mở rộng kinh doanh. Chủ yếu là khách hàng mua lẻ sau khi thưởng thức lại “mách” thêm người đến mua bánh chưng Công chúa.
Nguyễn Vĩnh Trung - thành viên Câu lạc bộ Thư họa Việt - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Vĩnh Trung - thành viên Câu lạc bộ Thư họa Việt - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp
Từ niềm đam mê thư pháp, một nhóm sinh viên ĐH Quốc Gia TP HCM tập hợp thành câu lạc bộ Thư họa Việt. Hoạt động được 7 năm, mỗi dịp Tết đến, câu lạc bộ cũng có nhiều hoạt động khác nhau. Câu lạc bộ có rất nhiều các sản phẩm thư pháp độc đáo như viết chữ trên nhiều loại đá: đá thạch anh sữa, đá cuội, hay thư họa mành tre, đèn lông xuân, thẻ gỗ, bầu hồ lô… Dương Vĩnh Trung, sinh viên năm thứ 4 khoa Kinh tế, Đại học Quốc Gia, TP HCM, thành viên của câu lạc bộ Thư họa Việt, cho biết, sản phẩm viết thư pháp trên đá được nhiều khách hàng yêu thích trong dịp Tết.
Mỗi viên đá nhiều hình dáng khác nhau được viết chữ thư pháp theo yêu cầu của khách. Giá bán mỗi sản phẩm từ 5.000 đồng đến 60.000 đồng. Ngoài lượng khách từ các mối quan hệ, các bạn còn đi bán sản phẩm trực tiếp tại phố Ông Đồ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM).
Thư pháp trên đá trắng tự nhiên của câu lạc bộ Thư Họa Việt.
Trung chia sẻ khó khăn lớn nhất khi kinh doanh trong dịp Tết là nhân lực. Vì có nhiều thành viên ở xa nên dịp Tết, nhân lực của câu lạc bộ ít hơn nhiều. Các bạn còn lại vừa làm các sản phẩm thư pháp, vừa tham gia các hoạt động tình nguyện Tết như viết chữ tặng công nhân… nên khá vất vả.
Những ngày giáp Tết, Lê Đoàn Hương Trang, sinh viên năm thứ 4 khoa Tài chính ngân hàng, Học viện Ngân hàng bận rộn nhận các đơn đặt hàng sản phẩm tranh xếp hình cá nhân và kẹo tình yêu cho mùa Valentine sắp tới. Sản phẩm mang đậm chất cá nhân này được các bạn trẻ săn đón cho ngày mồng 1 Tết. Trang cho biết, đến cuối tuần này bạn đã phải khóa sổ, dừng nhận đơn đặt hàng của khách vì xưởng nghỉ Tết và số lượng khách đặt mua quá đông. Từ một tấm ảnh, hình ảnh của khách trở thành tấm tranh xếp từ 247 đến 2035 miếng xếp kích thước 26 -110 cm.
Sản phẩm tranh xếp hình cá nhân của bạn Lê Đoàn Hương Trang.
Trang chia sẻ, ý tưởng kinh doanh xuất phát từ những bộ tranh xếp bố mẹ mua cho từ lúc nhỏ. Sau này, xem phim Hàn Quốc, bạn muốn được xếp những bộ tranh mang dấu ấn cá nhân thay vì những hình mẫu có sẵn. Từ đó, Trang nghiên cứu và triển khai ý tưởng kinh doanh.
Ngoài sản phẩm tranh xếp hình cá nhân, Trang còn tự nghĩ ra bộ khuôn chữ theo bảng chữ cái in hoa cách điệu; số, ký hiệu cho sản phẩm kẹo Chocolove. Khách hàng có thể vẽ, trang trí trên khuôn trái tim với mọi yêu cầu. “Mình có dịch vụ đưa hàng nhưng khách hàng lại chịu khó lặn lội đến tận nơi lấy xem kỹ càng để có thể tự tay tặng món quà ý nghĩa cho người thân”. Dịp Tết này, Trang đã nhận được 100 đơn đặt hàng cho sản phẩm tranh xếp hình cá nhân. Cô sinh viên năm thứ 4 chia sẻ thêm, vốn kinh doanh ban đầu bạn vay của bố mẹ rồi từ tiền lãi mở rộng thêm các mặt hàng tình yêu khác như bút khắc chữ, kẹo chocolate…
Sau thành công buôn túi muối cầu may năm ngoái. Tết năm nay, bạn Nguyễn Phương Thảo, khoa Kế toán, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lại tiếp tục kinh doanh sản phẩm may mắn. Mặt hàng kinh doanh Tết này ưu điểm là không cần nhiều vốn tuy nhiên lại đòi hỏi sự tỉ mỉ. Phương Thảo cho biết, với 100.000 đồng, bạn có thể mở sạp kinh doanh lưu động trong dịp Tết. “Muối rang khô đóng vào túi nilon, hơ lửa kín để muối không chảy nước. Vải đỏ cắt miếng nhỏ sau đó khâu thành túi để vừa túi muối bên trong. Khâu đoạn cuối là thắt dây kim tuyến màu vàng, màu bạc ở ngoài cho sang”, bạn Thảo, hào hứng kể công đoạn làm muối cầu may.
Để tăng thêm không khí Tết cho các túi muối, ban đầu Thảo định in câu đối nhưng vì chi phí cao nên bạn chuyển sang viết chữ thư pháp với sự trợ giúp của cô bạn học khoa Hán - Nôm trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm trước, Thảo bán được hơn 100 túi muối giá 10.000 đồng một túi tại Bờ Hồ, chùa Quán Sứ cho người đi hái lộc đầu năm. “Năm mới ai cũng dễ tính mua hàng thậm chí có khách còn lì xì thêm 10.000 đồng lấy may”, Thảo vui vẻ kể lại. Bạn sinh viên khoa Kế toán dự tính Tết năm nay sẽ mở rộng kinh doanh với nhiều nhân lực hơn. Sau màn bắn pháo hoa, các bạn sẽ chia thành những nhóm nhỏ đi một số chùa lớn của Hà Nội như Quán Thánh, Quán Sứ, Trấn Vũ, Linh Ứng…
Theo VnExpress
Theo www.ktdt.com.vn
Flag Counter