Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Kinh doanh hàng lạ dịp Tết

Trung chia sẻ khó khăn lớn nhất khi kinh doanh trong dịp Tết là nhân lực. Vì có nhiều thành viên ở xa nên dịp Tết, nhân lực của câu lạc bộ ít hơn nhiều. Các bạn còn lại vừa làm các sản phẩm thư pháp, vừa tham gia các hoạt động tình nguyện Tết như viết chữ tặng công nhân… nên khá vất vả.
Bánh chưng Công chúa, muối may mắn, thư pháp trên đá, tranh xếp hình cá nhân… là một số mặt hàng kinh doanh của các bạn sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán 2010.

Khác với bánh chưng truyền thống, sản phẩm của Nguyễn Thùy Linh, khoa Dịch vụ Viễn thông, Genetic Bách Khoa, Hà Nội, thu hút thực khách bởi tên gọi khác lạ - bánh chưng Công chúa. Giải thích cho tên gọi rất “kêu” của món ăn, Linh, chia sẻ: “Mình đặt tên như vậy vì nó được làm rất cầu kỳ, đỏng đảnh như mấy nàng công chúa. Chỉ cần sai một chút về quy trình là công cốc". Chiếc bánh chưng mang cái tên “đỏng đảnh” này có kích thước lớn hơn chiếc nem chua rán một chút với giá 4.000 đồng một chiếc. Công thức làm bánh được Linh tình cờ phát hiện từ một người bạn nước ngoài. Sau đó, bạn sáng tạo, cải tiến thêm để bánh phù hợp với khẩu vị người Việt. Bánh làm từ nước cốt dừa, gạo nếp cái hoa vàng, thịt gà và gói bằng lá chuối.
Mới bán, nhưng Linh đã nhận được đơn đặt hàng cho hơn 100 chiếc bánh Công chúa. Nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách nhưng toàn bộ sản phẩm đều do một tay Linh làm, thi thoảng mẹ có phụ giúp. “Em không thuê người ngoài vì chưa ưng ý ai, muốn tự tay mình làm cho yên tâm”, Linh cho biết. Cô sinh viên này chia sẻ thêm, vốn kinh doanh đều được bạn “năng nhặt chặt bị” từ những khoản tiền tiêu vặt hàng tháng bố mẹ cho. Do là năm đầu tiên kinh doanh mặt hàng Tết cổ truyền nên Linh chưa có ý định mở rộng kinh doanh. Chủ yếu là khách hàng mua lẻ sau khi thưởng thức lại “mách” thêm người đến mua bánh chưng Công chúa.
Nguyễn Vĩnh Trung - thành viên Câu lạc bộ Thư họa Việt - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp
Nguyễn Vĩnh Trung - thành viên Câu lạc bộ Thư họa Việt - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh nhân vật cung cấp
Từ niềm đam mê thư pháp, một nhóm sinh viên ĐH Quốc Gia TP HCM tập hợp thành câu lạc bộ Thư họa Việt. Hoạt động được 7 năm, mỗi dịp Tết đến, câu lạc bộ cũng có nhiều hoạt động khác nhau. Câu lạc bộ có rất nhiều các sản phẩm thư pháp độc đáo như viết chữ trên nhiều loại đá: đá thạch anh sữa, đá cuội, hay thư họa mành tre, đèn lông xuân, thẻ gỗ, bầu hồ lô… Dương Vĩnh Trung, sinh viên năm thứ 4 khoa Kinh tế, Đại học Quốc Gia, TP HCM, thành viên của câu lạc bộ Thư họa Việt, cho biết, sản phẩm viết thư pháp trên đá được nhiều khách hàng yêu thích trong dịp Tết.
Mỗi viên đá nhiều hình dáng khác nhau được viết chữ thư pháp theo yêu cầu của khách. Giá bán mỗi sản phẩm từ 5.000 đồng đến 60.000 đồng. Ngoài lượng khách từ các mối quan hệ, các bạn còn đi bán sản phẩm trực tiếp tại phố Ông Đồ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM).
Thư pháp trên đá trắng tự nhiên của câu lạc bộ Thư Họa Việt.
Trung chia sẻ khó khăn lớn nhất khi kinh doanh trong dịp Tết là nhân lực. Vì có nhiều thành viên ở xa nên dịp Tết, nhân lực của câu lạc bộ ít hơn nhiều. Các bạn còn lại vừa làm các sản phẩm thư pháp, vừa tham gia các hoạt động tình nguyện Tết như viết chữ tặng công nhân… nên khá vất vả.
Những ngày giáp Tết, Lê Đoàn Hương Trang, sinh viên năm thứ 4 khoa Tài chính ngân hàng, Học viện Ngân hàng bận rộn nhận các đơn đặt hàng sản phẩm tranh xếp hình cá nhân và kẹo tình yêu cho mùa Valentine sắp tới. Sản phẩm mang đậm chất cá nhân này được các bạn trẻ săn đón cho ngày mồng 1 Tết. Trang cho biết, đến cuối tuần này bạn đã phải khóa sổ, dừng nhận đơn đặt hàng của khách vì xưởng nghỉ Tết và số lượng khách đặt mua quá đông. Từ một tấm ảnh, hình ảnh của khách trở thành tấm tranh xếp từ 247 đến 2035 miếng xếp kích thước 26 -110 cm.
Sản phẩm tranh xếp hình cá nhân của bạn Lê Đoàn Hương Trang.
Trang chia sẻ, ý tưởng kinh doanh xuất phát từ những bộ tranh xếp bố mẹ mua cho từ lúc nhỏ. Sau này, xem phim Hàn Quốc, bạn muốn được xếp những bộ tranh mang dấu ấn cá nhân thay vì những hình mẫu có sẵn. Từ đó, Trang nghiên cứu và triển khai ý tưởng kinh doanh.
Ngoài sản phẩm tranh xếp hình cá nhân, Trang còn tự nghĩ ra bộ khuôn chữ theo bảng chữ cái in hoa cách điệu; số, ký hiệu cho sản phẩm kẹo Chocolove. Khách hàng có thể vẽ, trang trí trên khuôn trái tim với mọi yêu cầu. “Mình có dịch vụ đưa hàng nhưng khách hàng lại chịu khó lặn lội đến tận nơi lấy xem kỹ càng để có thể tự tay tặng món quà ý nghĩa cho người thân”. Dịp Tết này, Trang đã nhận được 100 đơn đặt hàng cho sản phẩm tranh xếp hình cá nhân. Cô sinh viên năm thứ 4 chia sẻ thêm, vốn kinh doanh ban đầu bạn vay của bố mẹ rồi từ tiền lãi mở rộng thêm các mặt hàng tình yêu khác như bút khắc chữ, kẹo chocolate…
Sau thành công buôn túi muối cầu may năm ngoái. Tết năm nay, bạn Nguyễn Phương Thảo, khoa Kế toán, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lại tiếp tục kinh doanh sản phẩm may mắn. Mặt hàng kinh doanh Tết này ưu điểm là không cần nhiều vốn tuy nhiên lại đòi hỏi sự tỉ mỉ. Phương Thảo cho biết, với 100.000 đồng, bạn có thể mở sạp kinh doanh lưu động trong dịp Tết. “Muối rang khô đóng vào túi nilon, hơ lửa kín để muối không chảy nước. Vải đỏ cắt miếng nhỏ sau đó khâu thành túi để vừa túi muối bên trong. Khâu đoạn cuối là thắt dây kim tuyến màu vàng, màu bạc ở ngoài cho sang”, bạn Thảo, hào hứng kể công đoạn làm muối cầu may.
Để tăng thêm không khí Tết cho các túi muối, ban đầu Thảo định in câu đối nhưng vì chi phí cao nên bạn chuyển sang viết chữ thư pháp với sự trợ giúp của cô bạn học khoa Hán - Nôm trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm trước, Thảo bán được hơn 100 túi muối giá 10.000 đồng một túi tại Bờ Hồ, chùa Quán Sứ cho người đi hái lộc đầu năm. “Năm mới ai cũng dễ tính mua hàng thậm chí có khách còn lì xì thêm 10.000 đồng lấy may”, Thảo vui vẻ kể lại. Bạn sinh viên khoa Kế toán dự tính Tết năm nay sẽ mở rộng kinh doanh với nhiều nhân lực hơn. Sau màn bắn pháo hoa, các bạn sẽ chia thành những nhóm nhỏ đi một số chùa lớn của Hà Nội như Quán Thánh, Quán Sứ, Trấn Vũ, Linh Ứng…
Theo VnExpress
Theo www.ktdt.com.vn

Không có nhận xét nào:

Flag Counter