Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Vận hành hiệu quả doanh nghiệp mua nhượng quyền

Một khi đã chọn được thương hiệu nhượng quyền, ký kết hợp đồng, thiết lập nguồn tài chính và tham gia các chương trình đào tạo, bạn còn phải quan tâm thực hiện nhiều việc khác. Đó là:



- Chọn loại hình kinh doanh
- Đàm phán việc thuê mặt bằng
- Mua trang thiết bị và hàng hóa
- Giám sát các thay đổi cấu trúc công trình và xây dựng
- Tuyển chọn nhân viên
- Lên kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Mỗi công đoạn đều có tác động lên sự thành công của giai đoạn khởi nghiệp.
Lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp
Bạn sẽ phải chọn trong số ba loại hình kinh doanh trước khi tiến hành khởi sự kinh doanh: đơn vị kinh doanh cá thể, đơn vị hợp tác kinh doanh và công ty. Do mỗi mô hình có khác nhau về chi phí thành lập, thuế và trách nhiệm pháp lý, bạn nên hỏi ý kiến cả luật sư và kế toán trước khi ra quyết định.

Đàm phán với chủ cho thuê mặt bằng
Một khi bạn đã lựa chọn cơ cấu doanh nghiệp, bạn có thể tiếp tục với những quyết định liên quan đến việc điều hành hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại. Nếu bạn đang kinh doanh bán lẻ, rất có thể bạn đã ổn định được vị trí kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ khó khăn hơn cần phải giải quyết là đàm phán để thuê một mặt bằng với chủ đầu tư hay đơn vị phát triển khu trung tâm mua sắm.

Tất cả các hợp đồng thuê đều có những điều khoản cơ bản như giá trị tiền thuê, thời hạn thuê, ngày thực hiện, mô tả về tòa nhà/mặt bằng và các tùy chọn trong việc gia hạn hợp đồng thuê. Ngoài ra, các hợp đồng thuê còn bao gồm những nhu cầu và yêu cầu chi tiết của chủ cho thuê. Điều quan tâm lớn nhất của bạn cùng với luật sư là xem xét hợp đồng thuê một cách cẩn thận và đàm phán những điều khoản có vấn đề.

Đừng nên nóng vội trong quá trình đàm phán. Những cuộc đàm phán thường không dễ dàng hoặc vui vẻ gì, nhưng mất thời gian để có được một hợp đồng tốt nhất cho việc kinh doanh mới là điều quan trọng. Thường thì những người mua quyền thương mại nào ký hợp đồng thuê mặt bằng một cách nhanh chóng sẽ sớm lâm vào hoàn cảnh không có lợi nhuận hoặc thậm chí đối mặt với nguy cơ thất bại.

Bên cạnh các câu hỏi về chi phí và quyền lợi của các điều khoản thuê, hãy chú ý những điểm sau:

- Cân đối thời hạn của hợp đồng thuê nhà với thời hạn của hợp đồng nhượng quyền. Ví dụ, nếu hợp đồng nhượng quyền là 5 năm thì hợp đồng thuê cũng ký 5 năm.
- Yêu cầu chủ cho thuê viết thêm các tùy chọn gia hạn hợp đồng.
- Chú ý ngày thực hiện hợp đồng thuê. Nếu được, hãy cố gắng làm sao để không phải trả tiền thuê trước khi mặt bằng sẵn sàng cho việc sử dụng.
- Hãy yêu cầu miễn phí tiền thuê một vài tháng nếu ký hợp đồng thuê dài hạn.
- Phải đảm bảo có một điều khoản cho phép bạn quyền sang, cho thuê lại mặt bằng trong trường hợp bạn bán lại quyền kinh doanh cho người khác.
- Thương lượng với chủ cho thuê để cùng tham gia công việc làm biển hiệu quảng cáo và công việc xây dựng.

Lắp đặt máy móc thiết bị bên trong
Sau khi giải quyết ổn thỏa việc thuê và các hợp đồng thuê, bạn phải quyết định tiến hành việc thiết kế cửa hàng, lắp đặt trang thiết bị và mua sắm hàng hóa. Bên nhượng quyền thường đưa ra những giới hạn và quy định về kỹ thuật. Để làm đúng các nguyên tắc, họ đưa ra và thỏa mãn nhu cầu công việc kinh doanh của mình, bạn có thể sửa chữa lại cấu trúc của cơ ngơi thuê trước khi khai trương.

Thời gian cần thiết để bạn chọn lựa và lắp đặt đồ đạc, trang thiết bị phù hợp nhất sẽ tương ứng gián tiếp với tuổi đời và sự phức tạp của hệ thống mà bạn mua. Những hệ thống nhượng quyền lâu năm hơn, lớn hơn thường trang bị hệ thống máy móc thiết bị một cách khoa học. Mọi thứ phải được vạch ra một cách rõ ràng bao gồm các trang thiết bị tốt nhất, bố trí chúng chỗ nào, và lắp đặt chúng ra sao. Ngược lại, một trong những hệ thống nhượng quyền hoặc cơ sở nhượng quyền mới khởi nghiệp sẽ không có được những gợi ý đúng đắn và có hiệu quả như vậy.

Quản lý việc “xây dựng”
Khi nói về việc xây dựng hay thay đổi cấu trúc ngôi nhà, gọi chung là “xây dựng”, chúng ta thường nghe các từ như “kinh khủng” và “ác mộng”. Những phản ứng đó là kết quả của những vấn đề bất ổn như:

Các chi phí xây dựng ước tính của bên nhượng quyền dựa trên chi phí hàng bán, dịch vụ và nhân công trong khu vực giá rẻ. Hãy chú ý đến biên độ thay đổi về giá tại những khu vực khác nhau.

Không tiên liệu trước các quy định của chính quyền địa phương có thể làm phát sinh chi phí đối với người mua quyền thương mại.

Đội ngũ thợ xây dựng do quản lý lỏng lẻo hoặc không có nguyên tắc làm ra những sản phẩm tệ hại có thể làm phát sinh đột biến các chi phí.

Nhân viên - trái tim của doanh nghiệp

Thật lý tưởng, nếu bạn thuê được những nhân viên không chỉ thạo việc – có khả năng, nhiệt huyết, tận tâm – mà còn là những người mà bạn quý mến. Nếu cùng làm việc 40-60 giờ mỗi tuần với những người mà mình quý mến thì điều này sẽ thực sự mang lại nhiều lợi ích.

Mỗi doanh nghiệp có một chút khác biệt về cách tuyển chọn, tuyển dụng và giữ chân nhân viên, nhưng nhìn chung, tất cả những vấn đề liên quan đến nhân sự đều xoay quanh tỷ lệ thay mới nhân viên cao, động viên, đào tạo nhân viên và tìm được những người có kỹ năng đặc biệt.

Những người mua quyền thương mại thường tìm cách giúp cho nhân viên cấp thấp thể hiện phẩm chất tốt nhất của họ.

Lập kế hoạch chiêu thị và quảng cáo
Khi bạn khai trương một doanh nghiệp mới, bạn muốn mọi người biết về nó. Ở mức độ cao hơn, bạn còn muốn có nhiều người sử dụng thử sản phẩm hay dịch vụ của mình. Để đạt được mức độ đó, tùy thuộc vào sự lựa chọn thương hiệu nhượng quyền, bạn có thể phải thực hiện ít nhiều công tác chiêu thị.

Tìm ra biện pháp tốt nhất để quảng bá và chiêu thị sản phẩm và dịch vụ về cơ bản là một quá trình dò dẫm thử nghiệm. Chắc chắn, bạn sẽ phạm sai lầm lúc ban đầu. Việc lựa chọn thời điểm quảng cáo nhằm gây được ấn tượng mạnh và hiệu quả cao nhất cũng là một thách thức.

Theo nhuongquyenvietnam.com

Xử lý rắc rối trong kinh doanh

Khả năng kiếm tiền của một công ty sẽ được thể hiện khá rõ nét qua cách giải quyết những rắc rối nảy sinh đối với khách hàng. Về cơ bản, giải quyết vấn đề cũng giống như là thực hành những suy nghĩ chiến lược nghiêm túc. Chúng khác nhau ở tính tức thì, đột xuất hay dài hạn của vấn đề mà công ty đó phải đối mặt.


Do đó, sự kết hợp hai phương pháp tư duy này sẽ giúp ban lãnh đạo có được định hướng giải quyết các rắc rối phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn công ty.


Dưới đây là 5 bước sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp trở làm chủ những rắc rối, đón đầu và xử lý chúng trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn:

1. Nhận diện

Nhận diện được chính xác vấn đề để đối phó không phải là việc đơn giản thế nhưng nếu bỏ qua bước này công ty đã hoàn toàn "tự sát". Hãy suy nghĩ đến những vấn đề về doanh thu trước tiên. Có tới hàng trăm lý do để giải thích việc cần "săm soi" lĩnh vực này, bởi tính quyết định sống còn của nó đối với công ty. Và đây là điều kiện cần nhất để công việc kinh doanh tồn tại và phát triển. Một người giải quyết tốt sẽ đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất thực sự của vấn đề là gì thay vì suy đoán và ra những quyết định vội vàng.

2. Lên ý tưởng

Lãnh đạo công ty đang có một danh sách ngắn những rắc rối có thể xảy ra và suy nghĩ về tất cả những giải pháp có thể. Cách giải quyết hay nhất có thể xuất hiện từ những ý kiến nảy sinh từ người khác. Hãy tìm những người phù hợp nhất, cùng nhau tập trung lại và nghĩ về rất cả các giải pháp có thể sử dụng được. Đây không phải là thời gian để đánh giá. Quá trình đưa ra những ý tưởng chung không đồng nhất với việc đánh giá chúng. Vì vậy, đừng dập tắt việc lên ý tưởng bằng cách chuyển sang giai đoạn đánh giá.

3. Đánh giá

Đây là lúc dành để đánh giá những ý tưởng mà ban lãnh đạo đã có được trong suốt quá trình lên ý tưởng. Muốn đánh giá một ý tưởng, trước tiên phải dựa vào tác động của nó so với mục tiêu, tính khả thi dựa trên độ phức tạp khi thực hiện. Sự phức tạp ở đây được quyết định bởi yếu tố hai thứ là thời gian và tiền bạc. Tức là ý tưởng đó có mang đến thành công nhanh chóng trong thời gian giải quyết khủng hoảng của công ty không? Nó có những điều kiện để thành công trong quãng thời gian đặc biệt này không. Nó có phù hợp với ngân sách ở thời điểm đó không? Nếu công ty đang cố gắng cắt giảm 1.000 USD ngân sách mà ý tưởng đó chỉ tiết kiệm được 100 USD thì tác động của nó quá thấp. Một ý tưởng tiết kiệm được 1.000 USD là có vẻ khả quan hơn và sẽ có những tác động lớn hơn.

4. Hành động

Đây là bước mà không một người giải quyết tình huống nào bỏ qua. Bởi một ý tưởng rất hay không thể triển khai một cách bất cẩn. Người lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải thực hiện hết tất cả những ý tưởng, nhưng với tư cách là một người giải quyết rắc rối, họ có trách nhiệm đối với việc thực thi những giải pháp đã đề ra.

5. Kiểm tra lại

Đôi khi vấn đề đó vẫn tồn tại bởi vì giải pháp đưa ra không phù hợp. Đừng vội đầu hàng. Hãy trở lại bước thứ hai và thử nghiệm với giải pháp tiếp theo.

Giải quyết khó khăn là một kỹ năng rất rất cần thiết trong kinh doanh. Hãy luyện tập 5 bước kể trên để giải quyết từ những rắc rối nhỏ nhất. Hãy nhớ tính đồng bộ trong việc giải quyết rắc rối là một việc rất quan trọng. Biến những ý tưởng trở thành hành động, biến những kỹ năng trở thành thói quen, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có trong mình hành trang quan trọng nhất để đối diện với những khó khăn trên bước đường kinh doanh.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc giải quyết những rắc rối trong kinh doanh chính là những nỗ lực giữ gìn danh tiếng của công ty Johnson& Johnson khi công ty này gặp phải tai tiếng cho rằng Tylenol, một thương hiệu thuốc giảm đau gây ngộ độc chết người. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson& Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trước tình thế đó, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách. Họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà nạn nhân đã uống. Và thu được kết quả là những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm chất độc Xyanua nên mới gây đến tử vong. Tiếp theo, Tổng Giám đốc của Johnson& Johnson đã lên truyền hình xin lỗi về "tai nạn" kể trên và khẳng định sự vô hại của Tylenol. Công ty tuyên bố thu hồi tất cả những sản phẩm ở các đại lý tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín tránh những vụ tiêm độc xảy ra tương tự. Cuối cùng, công ty treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai cung cấp về thông tin kẻ gây độc.

theo thoibaokinhdoanh.vn
Flag Counter