Lý do đơn giản là vì mức lãi “khủng” trong khi không bao giờ sợ ế ẩm đã thu hút những người có “máu” kinh doanh.
Dọc đường Tân Mai, từ đối diện cổng trường Tiểu học cho đến khu vực chợ Tân Mai, chỉ với đoạn đường khoảng 500 mét đã có tới 8 siêu thị mini và không dưới chục cửa hàng nhỏ lẻ bán đồ tạp hóa. Ấy vậy mà cửa hàng nào cũng tấp nập khách ra vào, chủ cửa hàng nào cũng tươi cười niềm nở.
Trong vai một người muốn mở cửa hàng tạp hóa, tôi gặp bác Yến, người quen của gia đình, cũng là một trong những chủ cửa hàng dạng siêu thị mini bán chạy nhất khu này để hỏi thăm về mối hàng và xin tham khảo các mặt hàng cần lấy để bán.
Bác Yến cho biết, về mối hàng thì không cần phải lo, chỉ cần đưa số điện thoại, bác sẽ đưa lại cho các mối cung hàng và họ sẽ tìm đến tận nơi làm việc với mình. Thậm chí chẳng cần số điện thoại, khi biết mình mở cửa hàng tạp hóa, nhân viên tiếp thị của các hãng sẽ tự động “ầm ầm kéo đến”.
Cũng theo lời bác Yến, quan trọng là diện tích cửa hàng có bao nhiêu, còn bán hàng tiêu dùng thì đa dạng, từ đồ ăn nhanh, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ dùng học tập, từ đồ trẻ con cho đến đồ người lớn…mỗi loại có đến vài, thậm chí vài chục nhãn hiệu để lựa chọn.
Theo kinh nghiệm của bác thì cứ sử dụng diện tích càng rộng càng tốt và lấy hàng nhiều loại, nhiều nhãn hiệu ngay từ đầu. "Bây giờ cửa hàng tạp hóa dạng siêu thị mini được người dân lựa chọn nhiều hơn, vì vừa tiện lợi, gần nhà, giá có khi lại còn rẻ hơn so với siêu thị lớn. Miễn là hàng của mình có đủ loại, từ cây kim, cái bánh, hộp sữa, từ gói dầu gội đầu, bao thuốc lá cho đến chai rượu xịn, thì sẽ không phải lo chuyện vắng khách", bác nói.
Có nhiều mặt hàng không tính đến lời lãi, mà chỉ cần "ăn" tiền trưng bày sản phẩm
Bán hàng cũng không nên tham lãi nhiều, mỗi món một chút, có món thậm chí gần như không có lời mà vẫn phải bán. Khi tôi thắc mắc, bán hàng mà lãi ít thì không ổn, vì còn tiền thuê mặt bằng, tiền thuế, tiền thuê người bán hàng, bác nói: “Không vấn đề gì cả. Ngoài tiền lãi mình ăn, còn có tiền trưng bày sản phẩm của nhà cung cấp nữa”.
Được biết, các sản phẩm trưng bày trong cửa hàng được nhà cung cấp trả một khoản tiền không nhỏ để có được “vị trí đẹp”, như một hình thức quảng cáo. Khoản tiền này với một số sản phẩm chẳng hạn như bim bim, giấy vệ sinh, bỉm, dầu gội đầu, kẹo mút, kẹo cao su, bút bi…thì còn cao hơn nhiều lần so với tiền lãi.
Cũng theo bác Yến, để mở một cửa hàng tạp hóa chừng 25m2 thì có thể chấp nhận giá thuê mặt bằng lên tới 20 triệu đồng, thuê 2 người bán phụ với mức lương 3 – 5 triệu đồng/tháng!(?)
Theo tính toán của người viết, chi phí thuê cửa hàng và nhân công đã là 30 triệu đồng, còn chưa kể đến tiền điện, tiền thuế…thì doanh thu mỗi tháng tối thiểu cũng phải 50 triệu đồng. Con số này tuy nhiên theo bác Yến là “quá nhỏ”. Bác không nói cụ thể doanh thu của cửa hàng bác là bao nhiêu, nhưng tiết lộ với vốn đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu đồng, hiện mức lãi mỗi ngày của cửa hàng không dưới 2 triệu đồng!
Các cửa hàng bán đồ tạp hóa như thế này đang mọc lên như nấm ở Hà Nội
Bác Yến còn bật mí, ngoài tiền lãi, tiền trưng bày sản phẩm, người bán hàng còn được “ăn” nhờ phần khác, mà phần này mới là quan trọng, đó là dám và biết “ôm” hàng dự trữ đề phòng giá lên! Các mặt hàng dễ dự trữ và không bao giờ lo giá giảm mà lại có khả năng sinh lời cao nhất là sữa, bỉm, dầu ăn, các loại rượu...
Khi hỏi làm sao để biết được giá lên mà tích trữ hàng, bác cho biết, thường các đầu mối sẽ báo cho mình trước ít nhất là 1 tuần về việc giá lên để có "phương án" trữ kịp thời. Thêm nữa, ưu điểm của kinh doanh hàng tạp hóa là không bao giờ lo chuyện hàng tồn hay quá date, vì có vấn đề gì sẽ trả lại được cho các nhà cung cấp.
Ngoài ra, khi có doanh thu cao, các sản phẩm được tiêu thụ nhiều, nhà cung cấp còn có chính sách ưu đãi riêng cho đại lý, chẳng hạn như tăng chiết khấu hoặc tặng quà...
Bác Yến cho biết thêm, đã quyết định mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa quy mô tương đối thì nên lấy hàng cả ngoại nhập, hàng xách tay để bán. "Rượu, nước hoa, mỹ phẩm, sữa xách tay... tương đối kén khách, nhưng lãi sẽ lớn. Quan trọng là lấy hàng chuẩn thì sẽ giữ được khách lâu dài".
Cũng theo bà chủ cửa hàng trên phố Tân Mai này, quan trọng nhất là số vốn bỏ ra ban đầu, còn về sau, tiền lấy hàng nhiều khi không cần phải quan tâm, mà khi nào bán hết đợt hàng mới thanh toán cho nhà cung cấp cũng được.
Tuy nhiên, kinh doanh cửa hàng tạp hóa cũng có những rủi ro nhất định, nhất là khâu quản lý. Vậy nên theo những người có kinh nghiệm, việc quản lý cửa hàng phải chặt chẽ, ngoài sử dụng phần mềm, phải có người thu ngân tin cậy, có người thường xuyên theo dõi hoạt động của cửa hàng, có người bán hàng nhanh nhẹn và trung thực. Đối với các đầu mối cung cấp hàng cũng phải cẩn thận, kiểm tra kỹ xuất xứ hàng hóa để tránh bị hàng giả, hàng kém chất lượng...
Theo TTVN