Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Gặp người phụ nữ 4 năm liền ẵm giải “Bông hồng vàng”



Với quan điểm kinh doanh “Không cần xúc tiến đầu tư quá nhiều mà hãy chăm sóc tốt cho các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, họ mới chính là nhân tố giúp chúng ta xúc tiến thương mại tốt nhất”. Phóng viên Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với chị trước thềm giải thưởng “Bông hồng vàng” Việt Nam 2010. Chị là Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID GROUP) và là đại biểu Quốc hội.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Theo chị, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VID group nói riêng và Việt Nam nói chung, họ quan ngại nhất điều gì?
Thành lập năm 2006, đến nay VID Group có 12 công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản. Các dự án được thực hiện tại 7 tỉnh và thành phố tại miền Bắc, bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định.
Hiện Tập đoàn có 350 dự án đang triển khai tại 10 khu công nghiệp của VID Group, trong đó có 150 nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài trước khi vào đầu tư vào Việt Nam, họ tìm hiểu rất kỹ về môi trường đầu tư, họ e ngại nhiều thứ, đó là các cơ chế chính sách của nước ta đối với cơ chế đầu tư nước ngoài. Trước đây để tiếp cận cơ chế đầu tư rất khó, nhưng với chính sách cởi mở đón nhận các nhà đầu tư, việc tìm hiểu thông tin về các nhà đầu tư ở Việt Nam hiện nay đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cái mà các doanh nghiệp FPI (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) họ rất sợ, đó là thủ tục hành chính, bởi nó rất phức tạp, ví dụ như thủ tục về xây dựng cơ bản, hoặc thủ tục cấp phép đầu tư, hiện nay thủ tục hành chính vẫn còn là cái rào cản cho các nhà đầu tư. Nếu như thủ tục xây dựng cơ bản, thủ tục đầu tư tiếp tục được cải thiện theo “Đề án 30 của Chính phủ” tốt hơn thì tốc độ đầu tư các dự án nước ngoài vào Việt Nam sẽ rất nhiều và tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn thủ tục hành chính sẽ gọn nhẹ hơn, đặc biệt là việc kê khai thuế, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian chi phí, và mọi hoạt động kinh doanh sản xuất của họ sẽ nhanh hơn, năng động hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn và tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là khi Thủ tướng quyết định đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 256 thủ tục hành chính được cắt giảm, còn 5000 thủ tục hành chính đang được xem xét và sẽ cắt giảm trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho giới đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Khi tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ở trong và ngoài nước được Chính phủ tôn trọng và lắng nghe, các cấp, các bộ, ngành quan tâm giải quyết, môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở sẽ là cơ hội thu hút đầu tư cho đất nước và Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.




Được biết, chị đã vận động và kêu gọi nhiều dự án triệu đô đầu tư vào Việt Nam, để làm được điều đó không dễ, chị có thể chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về việc này?
Trước đây khi mới bắt tay vào đầu tư các khu công nghiệp, thời gian đó ở Miền Bắc, hầu như chưa có đơn vị nào đầu tư vào khu công nghiệp. Đến nay các khu công nghiệp đã được quy hoạch trên toàn quốc, rất nhiều các chủ đầu tư vào khu công nghiệp, vì thế việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn và khốc liệt hơn.
Điều quan trọng nhất là phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, vị trí, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải tốt như đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không, số lượng lao động địa phương, các dịch vụ phụ trợ tối thiểu kèm theo.
Cách thức làm việc phải chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả. Các nhà đầu tư nước ngoài họ thường gặp khó khăn, mình phải có cách thức giải tỏa khó khăn cho họ, phải trở nên người bạn của họ, chung tay, chung lưng đấu cật để cùng nhau vượt qua khó khăn. Cần có đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên nghiệp và thành thạo, phải nắm rõ được các quy định của pháp luật, những thay đổi chính sách của nước ta để kịp thời tư vấn cho các nhà đầu tư.
Điều quan trọng nhất là phải trở thành người bạn thực sự của các nhà đầu tư, chia sẻ thông cảm với cuộc sống, nỗi lo cũng như thành công của họ. Thực hiện phương châm:
“Không cần xúc tiến đầu tư quá nhiều mà hãy chăm sóc tốt cho các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, họ mới chính là nhân tố giúp chúng ta xúc tiến thương mại tốt nhất”




Ngoài công việc kinh doanh, chị còn đứng trên chính trường chính trị, thời gian nào chị dành cho mái ấm gia đình?
Hiện nay gia đình hai vợ chồng cùng làm doanh nghiệp, đã có 2 cháu trai, một 6 tuổi và một 8 tuổi. Mặc dù tuổi các cháu rất nhỏ, nhưng đã ý thức được về công việc của bố mẹ, ý thức về việc tự lực trong học tập cũng như trong sinh hoạt và có sự giúp đỡ từ gia đình ông bà nội. Công việc kinh doanh, cũng như tham gia các phiên họp Quốc hội rất bận rộn, nhưng chị cũng dành một khoảng thời gian cố định để chăm lo việc học hành cho các cháu, những ngày nghỉ, anh chị vẫn dành thời gian đưa các cháu đi xem phim, hay đọc một cuấn truyện cùng nhau chia sẻ, bình luận…Phụ nữ Việt Nam có bản chất kiên định, dù làm gì cũng không quên được thiên chức chăm lo con cái và gia đình.




Hoa hồng thì rất đẹp nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ, bên cạnh đó hoa hồng cũng rất nhiều gai, trong cuộc sống khi va phải những cái gai đó chị sẽ xử lý ra sao?
Chị thừa nhận rằng hoa hồng rất đẹp, và nó thể hiện cho giải thưởng rất đẹp dành cho phụ nữ. Để nhận được giải thưởng “Bông hồng vàng” chị cũng phải vượt qua những khó khăn nhất định, giải thưởng không chỉ dành cho những những phụ nữ kinh doanh giỏi mà còn gắn với vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Doanh nhân nữ ngày càng nhiều, và không ít những phụ nữ thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh, để khẳng định được bản thân, thương hiệu doanh nghiệp phải có nhiều nỗ lực, không chỉ riêng mình mà cả tập thể cán bộ công nhân viên. Mỗi lần vượt qua gian khổ là đốt đi những cái gai để hướng tới vinh quang. Chị cũng cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên đã cùng chia sẻ gánh vác những khó khăn, giúp chị có được thành công như ngày hôm nay. Trong phong trào phụ nữ, chị mới đóng góp được một phần nhỏ bé trong cái cách mà phụ nữ vượt qua gian khó. Người phụ nữ Việt Nam với bản chất thông minh, nhanh nhẹn, dịu dàng, đảm đang và rất chu đáo, năng động, linh hoạt, điều đó giúp cho phụ nữ nói chung, giúp cho cá nhân chị vượt qua được những khó khăn và dành được những thành công nhất định.
Xin cảm ơn bà!


Minh Đức

Báo Tiền Phong

Phía sau phụ nữ thành đạt có người 'vọng thê'

Suốt 20 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, đi công tác nay đây mai đó, chị vẫn nhận được sự ủng hộ của người bạn đời mà chị âu yếm gọi là "hòn vọng thê".

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà không nói quá nhiều về việc nghiên cứu, mà tâm sự về những ngày thơ bé - quãng thời gian hình thành nên tính cách "cái gì cũng phải làm đến cùng"; và những lời biết ơn chân thành dành cho người đàn ông của mình.
Theo chị, đấy là hai cơ sở quan trọng làm nên những gì chị có được hôm nay. Thu Hà hiện là Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu. Chị là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thu Hà vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia dành tặng nhà khoa học nữ xuất sắc cuối tuần qua.
Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: H.T.
"Thu Hà có trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu", bà Hoàng Thị Ái Nhiên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét. "Ngọn lửa ấy lan tỏa đến nhiều học trò và đồng nghiệp của chị".
Sinh ra ở Thái Bình, từ nhỏ chị đã mơ ước lớn lên trở thành kỹ sư, được làm việc trong phòng thí nghiệm – công việc mà theo nhiều người phù hợp với nam giới hơn. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị về làm việc tại Viện Hóa học công nghiệp và đã chủ trì nhiều đề tài khoa học Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn thuộc các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học và vật liệu thân thiện với môi trường.
Là em út trong gia đình có hai chị em gái, ngay từ nhỏ, chị đã luôn chứng tỏ “bản thân là chỗ dựa của gia đình”. Hồi đó, bố đi bộ đội, trong nhà có ba mẹ con, chị thường tự làm những công việc của đàn ông như lắp đặt đường dây điện trong nhà, sửa xe, sửa ắc qui.
Khi mới 9 tuổi, chị đã phải sống xa nhà, trọ học ở một miền nông thôn – nơi có trường chuyên toán của huyện, nơi nước sinh hoạt đều là nước múc dưới ao lên.
“Khó mà quên những năm tháng đó, tôi và các bạn trong lớp bị ghẻ lở, đến nỗi đồng nghiệp của mẹ tôi thường đùa là tôi đi học ở trường “chuyên gãi” chứ không phải trường "chuyên toán", chị Hà nhớ lại.
Ám ảnh suốt 8 năm học chuyên toán xa nhà là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Đó là thời kỳ chị thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ và những bữa cơm không khi nào no. Những bữa cơm có mẹ thật ít ỏi. Thu Hà kể buồn nhất là chiều chủ nhật, khi phải chia tay mẹ để quay lại trường. Không muốn mẹ quay về, có lần chị ôm bụng giả vờ đau bụng làm cho mẹ, vì lo lắng quá, đã phải ở lại thêm với Hà một đêm. “Khi đó tôi rất vui vì có thêm thời gian được gần mẹ. Đó cũng là lần duy nhất, tôi nói dối mẹ", chị Hà nói.
Khoảng thời gian học xa nhà đã giúp chị rèn luyện được tính tự lập, nhanh chóng vượt qua nỗi chán nản mỗi khi gặp thất bại để tiến lên cùng bài học rút ra sau mỗi mỗi chặng đường.
Thu Hà tự nhận, từ thuở nhỏ, chị “mắc tật” thường tập trung cao độ vào những việc mình làm, những điều đang suy nghĩ, đặc biệt là những việc khó, chưa làm được. Sau này học đại học, “cái tật” ấy vẫn “đeo bám” chị khiến bạn bè thường gọi chị với cái tên thân mật là “Hà thộn”.
"Khi suy nghĩ mặt tôi thộn ra, trông rất đặc trưng", chị chia sẻ. Và cả bây giờ khi làm việc cùng đồng nghiệp tại Viện Hóa học, vẫn có những khoảng “thộn” như thế.
Dành hầu hết thời gian cho việc tìm tòi phát hiện cái mới, chị đã phải gác sở thích thông thường của người phụ nữ như mua sắm, đi du lịch. Ngoài công việc, mối quan tâm của chị chủ yếu là gia đình. Mái tóc của Thu Hà cũng để ngắn gọn, bởi chị "thích những gì đơn giản".
Theo chị, không có sự phân biệt nam nữ trong nghiên cứu khoa học, sự khác biệt chủ yếu ở đây là với phụ nữ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học sẽ bị hạn chế vì phải chia sẻ thời gian chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian sẽ làm tốt ở cả hai cương vị mà không phải đánh đổi cái này cho cái kia.
Chị kể, hồi sinh em bé thứ hai, chị chỉ nghỉ đúng 5 ngày trong bệnh viện rồi lại lao vào công việc "vì guồng máy nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm không thể dừng".
Hồi công tác ở Pháp, có lần con mới chưa đầy một tháng tuổi, chị đã phải cho bé vào trong chiếc giỏ xách đi những nơi mà chị đến để thuyết trình về các đề xuất nghiên cứu khoa học và các kết quả nghiên cứu.
Dù bản thân nỗ lực như thế, nhưng Thu Hà cũng khó có thể thành công nếu thiếu một hậu phương vững chắc, chị thừa nhận. Những khi Thu Hà về muộn, chồng chị tự giác nấu bữa tối rồi chờ chị về cùng ăn. Con trai chị nhiều khi phải chờ mẹ đến đón muộn nhưng cũng không trách móc mẹ bao giờ, "vì cháu cũng phần nào hiểu mẹ", chị nói.
"Nếu không có sự đồng cảm của chồng chắc chắn tôi khó có kết quả như bây giờ”, Thu Hà tâm sự.
Chị tiết lộ, không chỉ trong khoa học mà ngay cả chuyện yêu đương, chị cũng luôn là người hết mình. "Năm thứ hai đại học, tôi bắt đầu yêu, tình yêu đó là ông xã tôi bây giờ. Hồi đó tôi bị gia đình và bạn bè can ngăn đấy, nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn anh".
"Anh ấy là hòn vọng thê thời nay", giọng nhà khoa học nữ như mềm lại, ánh mắt long lanh. "Mùng 8/3 này chắc chắn tôi vẫn phải về muộn vì công việc còn bù đầu. Anh ấy sẽ lại căn giờ, để dành cho mẹ con tôi những món ăn nóng hổi trên bàn”.
Hương Thu
Flag Counter