Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Gieo hạt cho mùa sau


 Trong kinh doanh, việc hoàn tất một thương vụ mua bán với một khách hàng mà không có trục trặc gì có thể coi là thành công. Nhưng bản chất của kinh doanh không phải là giành được một mức lợi ích nhất định rồi nghỉ ngơi. Kinh doanh là không ngừng gia tăng giá trị.

Theo đó, một người bán hàng giỏi không chỉ giúp tiêu thụ hết hàng hóa đã sản xuất ra, mà còn góp phần thúc đẩy việc sản xuất gia tăng sản lượng.

Vậy nên, khi bán hàng cho một khách hàng nào đó cũng chính là lúc người bán nghĩ tới các khách hàng kế tiếp của mình với những câu hỏi như: họ là những ai, bằng cách nào để đến được với họ…

Quan niệm rằng khi khách hàng cẩm sản phẩm rời khỏi cửa hàng thì việc mua bán coi như chấm dứt là hết sức sai lầm. Đó là lúc mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Bạn mới chỉ phục vụ cho một khách hàng, còn rất nhiều khách hàng tiềm năng phía trước nữa, và việc của bạn là phải tìm ra những khách hàng này.

Chăm sóc khách hàng sau khi bán là một cách để người bán tìm được những khách hàng mới. Gọi điện và hỏi thăm khách hàng về việc sử dụng sản phẩm là một việc làm cần thiết.

Nhiều khi, khách hàng không hài lòng về sản phẩm, nhưng vì người bán đã chủ động hỏi trước nên tâm lý bực bội của họ được giảm bớt phần nào. Trong trường hợp này, họ sẽ dễ thông cảm và sẵn lòng hợp tác để giải quyết vấn đề.

Những trục trặc về sản phẩm, dịch vụ đôi khi vẫn xảy ra; nhưng khách hàng sẽ cảm thấy yên lòng hơn nếu người bán vẫn thể hiện trách nhiệm của mình ngay cả khi hàng đã được giao.

Trường hợp khách hàng không có phàn nàn gì sau khi mua hàng, họ sẽ càng hài lòng hơn khi nhận được sự quan tâm của người bán. Lời hỏi thăm của người bán sẽ cho họ thấy rằng qua việc mua bán trên, người bán thực sự quan tâm tới lợi ích của người mua chứ không phải chỉ chú ý tới doanh số bán của doanh nghiệp.

Khi khách hàng thực sự hài lòng, nếu người bán có đề nghị họ giới thiệu sản phẩm tới những người khác cũng đang có nhu cầu, họ sẽ dễ dàng chấp nhận, bởi đơn giản, họ cũng muốn những người thân của mình có được sự hài lòng như họ.

Không những thế, việc chăm sóc khách hàng sau bán còn cho người bán hàng cơ hội nhận diện được những mong muốn mới của khách hàng về sản phẩm. Từ đó có sự điều chỉnh để thỏa mãn khách hàng tốt hơn cho những lần sau.

Công việc bán hàng giống như việc trồng cây - có được hạt giống trong tay, nếu biết cách gieo trồng, chăm bón, tưới tiêu, bạn sẽ có được cả một vụ bội thu với số lượng hạt ngon lành tăng lên gấp bội.

Theo Doanh nhân Sài gòn


Bạn có phải là người giao tiếp chuyên nghiệp?

Giao tiếp là công cụ thiết yếu trong cuộc sống công sở. Cách bạn giao tiếp với sếp và đồng nghiệp có thể phát triển hoặc phá vỡ sự nghiệp của bạn. Liệu bạn có tự tin rằng mình là người giao tiếp chuyên nghiệp? 


Hãy thực hiện bài trắc nghiệm dưới đây bằng cách chọn đáp án thích hợp nhất với bạn: 

1. Khi công việc khiến bạn buồn bã, chán nản, bạn sẽ: 
A. lặng lẽ khóc trong nhà vệ sinh 
B. cho mọi người xung quanh biết bạn đang buồn, dù điều này có thể khiến họ tranh luận hoặc căng thẳng 
C. chờ cho tới khi cảm xúc ổn định lại, sau đó nói chuyện với người có thể giúp đỡ bạn giải quyết vấn đề 
2. Khi tham gia vào các dự án chung, bạn thường: 
A. làm theo ý kiến của những người khác. Bạn không thường đóng góp kể cả khi bạn nghĩ rằng mình có ý tưởng hay. 
B. đảm bảo rằng ý kiến của bạn sẽ được mọi người áp dụng. Bạn thích là người lãnh đạo và khá giỏi trong việc thuyết phục mọi người làm theo cách của mình. 
C. đóng góp ý kiến, đồng thời lắng nghe những người khác. Bạn muốn nhóm thực hiện ý kiến tốt nhất, dù cho đó không phải là ý kiến của bạn. 
3. Nếu có mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn sẽ: 
A. cố gắng phớt lờ mâu thuẫn và tìm mọi cách khiến người đó thích bạn 
B. không ngại đối đầu với người đó. Bạn xứng đáng được đồng nghiệp tôn trọng. 
C. thảo luận với đồng nghiệp để tìm cách khiến mọi việc tốt đẹp hơn, không ngại thừa nhận phần lỗi của mình và đề nghị sự trợ giúp từ sếp đáng tin cậy. 
4. Nếu khách hàng giận dữ một cách vô lý và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn, bạn sẽ: 
A. xin lỗi và cứ để họ “xả” bực bội dù những điều họ nói/ hành động rất bất lịch sự, thậm chí xúc phạm bạn vì dù sao, “khách hàng là thượng đế”. 
B. nói với họ rằng bạn không có lỗi gì và bạn không thể chấp nhận khi bị đối xử như vậy. Bạn nghĩ công ty không cần làm việc kiểu khách hàng đó. 
C. bình tĩnh giải thích điều bạn có thể làm để cải thiện tình hình. Bạn sẽ cố gắng hết sức để duy trì cuộc nói chuyện một cách chuyên nghiệp và không để cảm xúc riêng của mình làm ảnh hưởng tới cách xử sự. 
5. Khi bị sếp phê bình vì bạn mắc lỗi, bạn: 
A. cảm thấy xấu hổ, thậm chí muốn khóc 
B. nói với anh/ cô ấy rằng đó không phải là lỗi của bạn, sau đó chia sẻ với đồng nghiệp về sếp “xấu tính” và bạn ghét sếp ra sao. 
C. xin lỗi và lắng nghe góp ý của sếp. Ghi nhớ những nhận xét của sếp và trình bày bài học bạn rút ra từ kinh nghiệm lần này để không lặp lại sai lầm đó trong tương lai. 

Và dưới đây là kết quả: 
- Nếu hầu hết câu trả lời của bạn là A: 

Bạn có vẻ là người rất nhạy cảm và thường để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Hãy nhớ giao tiếp chuyên nghiệp đòi hỏi bạn phải biết kiểm soát cảm xúc của mình. Hãy mạnh mẽ hơn, đừng sợ phát biểu ý kiến, suy nghĩ của mình. Trốn vào một góc và để những người khác quyết định tất cả không phải là giải pháp hữu ích. Và đừng quên bạn đáng được tôn trọng. Nếu mọi người lợi dụng hoặc “chà đạp” bạn, hãy lên tiếng. Bằng sự giao tiếp chuyên nghiệp, bạn sẽ thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm giác và mối quan tâm của mình với sếp, đồng nghiệp. 
- Nếu hầu hết câu trả lời của bạn là B: 
Bạn không sợ nói lên suy nghĩ và cảm giác của mình. Nhưng mặt khác, đôi khi đó là điều không hay. Cách tiếp cận vấn đề của bạn có thể được coi là chống đối, kiêu ngạo, thiếu chuyên nghiệp. Hãy nhớ có tiếng nói là điều quan trọng nhưng phải sử dụng tiếng nói đó một cách thông thái. Giao tiếp công sở hiệu quả nhất khi song song với nó là sự tôn trọng và cân nhắc cảm nhận của người khác. Bạn nên trau dồi kỹ năng giao tiếp nhiều hơn. 


- Nếu hầu hết câu trả lời của bạn là C: 


Xin chúc mừng! Bạn có kỹ năng giao tiếp rất xuất sắc. Bạn biết cách tách biệt cảm xúc cá nhân ra khỏi tình huống và giải quyết vấn đề một cách thực tế. Bạn thoải mái nói lên ý kiến của mình mà không gượng ép. Bạn cũng biết cách lắng nghe cho dù đó là những nhận xét tiêu cực. Phong cách giao tiếp chuyên nghiệp này sẽ giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp. Hãy tiếp tục mài giũa và hoàn thiện kỹ năng này trong tương lai. 


Theo Báo Dân trí
Flag Counter