Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

DN nhỏ và vừa đang tạo động lực cho phát triển


Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam Philipp Rosler, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông.
Theo Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân, việc trao bằng tiến sỹ danh dự là sự ghi nhận đối với những đóng góp nổi bật của ông Roesler trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và CHLB Đức trong thờ gian vừa qua.

Sau lễ trao bằng, Tiến sĩ Philipp Rosler đã có buổi nói chuyện với sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mở đầu bài phát biểu, ông Philipp Rosler cho biết để xây dựng nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay cần có sự tham gia của nhiều nước cùng với mối quan hệ được duy trì bền chặt trên toàn thế giới. Việt Nam và CHLB Đức cần tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Ông Rosler cho rằng, chính là các DN vừa và nhỏ đang tạo ra động lực cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn. Ở những nước có tỷ lệ lạm phát cao, chính phủ phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, khiến DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những đơn vị mới thành lập. Vì vậy phải duy trì được các DN vừa và nhỏ mới thành lập. DN muốn hoạt động tốt cần thoát khỏi vòng tay nhà nước, tự tồn tại và phát triển.
Theo ông Roesler, trong quá trình phát triển kinh tế thế giới, khó thể chọn ra một mô hình kinh tế được gọi là tối ưu. Chỉ con người mới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định một nền kinh tế tốt.

Ông Rosler nói : "Chúng tôi sang Việt Nam với một chuyên cơ chật ních các doanh nhân. Nếu có chuyên cơ thứ hai, thứ ba, thứ tư thì chắc chắn vẫn sẽ chật ních các doanh nhân Đức. Nhưng vấn đề chính là hành lang pháp lý phải dược đảm bảo. Chúng tôi ký hợp đồng và mong muốn các bên sẽ thực hiện đúng các điều khoản trong đó. Các bạn cần phải nhận thực được vấn đề này. Nền kinh tế thị trường cần phải dựa trên sự tin cậy lẫn nhau trong giao dịch với sự đảm bảo về pháp lý.

Kết thúc bài nói chuyện của mình, TS Rosler nói: Chìa khóa dẫn đến thành công là học tập, là giáo dục và đào tạo. Một điều hết sức quan trọng nữa là đào tạo nghề, cũng ngang tầm với giáo dục Đại học vì tạo được nền tảng tốt cho người lao động thành lực lượng mạnh trong xã hội. Học tập và đào tạo chính là tương lai phát triển của kinh tế, ông Philipp Roesler nhấn mạnh.

Nữ CEO thành danh nhờ cây kim, sợi chỉ


Tô Thị Kim Loan đã biến một tiệm may nhỏ trên đường Đặng Dung, quận 1, TP HCM trở thành công ty với chuỗi 3 cửa hàng khác nhau nhờ tài lẻ với cây kim, sợi chỉ.
Oci Fashion là thương hiệu Loan gây dựng, sở hữu, với hệ thống bán hàng qua mạng chuyên nghiệp, quản lý bán hàng bằng phần mềm... dù cô thợ may ấy trước đây chẳng có chút kiến thức về công nghệ. Hơn mười năm với cây kim sợi chỉ, đến tận bây giờ Tô Thị Kim Loan vẫn chưa có một lần hối tiếc về quyết định làm thợ thay vì làm thầy như bạn bè đồng trang lứa.
Học xong chương trình phổ thông trung học, phần vì gia đình không có điều kiện, phần do có sẵn năng khiếu may vá, Loan quyết định rời quê, lên TP HCM học nghề may rồi mở một cửa hiệu nho nhỏ. Chân thành với khách hàng, lại có nhiều “tài lẻ” như chỉ cần nhìn dáng khách là có thể cắt may chính xác mà không cần đến thước đo, nhất là áo dài, Loan có được lượng khách hàng trung thành khá lớn.
CEO Oci Fashion có biệt tài may áo dài không dùng thước đo, chỉ ngắm bằng mắt.
CEO Oci Fashion có biệt tài may áo dài không dùng thước đo, chỉ ngắm bằng mắt.
Mối quan hệ thân tình với khách mang đến cho Loan cơ hội tiếp cận những hợp đồng may đồng phục cho các ngân hàng, hợp đồng gia công cho các thương hiệu lớn. Loan cho biết, lợi nhuận từ những hợp đồng ấy không cao nhưng cũng đủ thắp lên ước mơ trong cô chủ nhỏ. “Tôi bắt đầu nghĩ đến việc lập xưởng may, làm hàng may mặc với dây chuyền chuyên nghiệp thay vì làm thủ công như hiện tại”, Loan kể.
Loan quyết định mở xưởng ở tỉnh để tận dụng nguồn nhân công rẻ. Tây Ninh là nơi Loan chọn vì không quá xa TP HCM và người thân ở đó có thể giúp cô quản lý thường trực.
Xưởng ra đời tinh tươm với dàn máy hiện đại, 40 công nhân được Loan đào tạo lành nghề... Nhưng thật đáng tiếc, bước ra thương trường khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu lan rộng nên Loan không tránh khỏi nếm trái đắng. Cô tâm sự: “Gia công hàng xuất khẩu không dễ ăn như mình tưởng”. Chi phí đầu tư cao, khoản tiền “nuôi quân”... khiến toàn bộ tài sản tích cóp được của cô thợ trẻ gần như tan biến. Không để nỗi thất vọng làm nhụt chí, Loan tìm cơ hội ở thị trường trong nước.
Vốn liếng còn lại không nhiều, Loan thử độ đón nhận của thị trường bằng thương mại điện tử. Cô kể: “Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng trẻ. Trao đổi với họ tôi mới biết họ thích mua sắm trên mạng để tiết kiệm thời gian”. Tìm tòi mô hình bán hàng trên mạng, thuê người lập web..., Loan bắt tay gây dựng lại sự nghiệp. “Cũng may là chồng tôi rất thích và đã tìm hiểu mô hình kinh doanh này từ lâu nên tôi có được sự hậu thuẫn rất lớn”, Loan chia sẻ.
Biết vợ đang khó khăn, anh chấp nhận bỏ công việc của mình, giúp vợ quản lý mảng bán hàng qua mạng. Cái tên Oci - viết tắt của ba chữ: Online - Chip - Interested - ra đời từ đó. Sản phẩm phù hợp, giá cả tương đối mềm cộng với phương thức bán hàng hiện đại..., chỉ sau ba năm, Oci nhanh chóng trở nên quen thuộc với nhiều người.
Và từ những tín hiệu vui này, Loan mạnh dạn mở thêm các cửa hàng trưng bày, vừa để đón khách hàng truyền thống, vừa làm nơi giao dịch. Biết được thế mạnh của công nghệ, Loan không ngần ngại ứng dụng phần mềm quản lý để có thể điều hành việc bán hàng, quản lý việc sản xuất ở xưởng. Loan nhận xét, cái khó nhất trong kinh doanh thời trang tại Việt Nam hiện nay là khâu thiết kế.
Bởi đội ngũ nhân lực thiết kế chuyên nghiệp thiếu, nên đành phải chấp nhận “học hỏi” các mẫu của nước ngoài rồi điều chỉnh cho phù hợp với người Việt. Nhằm khắc phục nhược điểm này, Loan đang đầu tư cho khâu thiết kế để có thể tạo thế mạnh riêng. Theo nhận định của cô chủ Oci, thị trường may mặc tại Việt Nam vẫn loãng, thương hiệu nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ và cơ hội vẫn còn cho doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, cần phải kiên trì và có chiến lược riêng mới có thể chinh phục được thị trường. Do vậy, thời gian tới, Oci sẽ phải phát triển theo hướng riêng biệt. Cụ thể, Loan vẫn duy trì mô hình kinh doanh thời trang công sở, dạ hội... như hiện tại, nhưng với mảng áo dài, “đặc sản” của Loan, cô sẽ mở chuỗi cửa hàng mới chuyên về sản phẩm này. “Áo dài Oci chắc chắn sẽ phát triển chậm hơn những sản phẩm đã có của Oci, bởi áo dài không phổ biến bằng thời trang công sở, nhưng khi đã tạo được uy tín với khách hàng, đây sẽ là mảng sản phẩm chủ lực”, Loan tiết lộ.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)
Flag Counter