Lao động tạo ra của cải, tiền bạc và những
giá trị không thể cân đong, đo đếm. Để biến công sức lao động thành
những giá trị ấy, con người phải vật lộn, lao tâm, nhọc nhằn và đổ mồ
hôi, nước mắt. Đặc biệt, đối với những chủ doanh nghiệp xuất thân từ
hoàn cảnh nghèo khó thì cuộc hành trình càng nhiều gian nan; nếu đem so
sánh, thành công mà họ đạt được có sự khác biệt rất lớn so với khởi đầu.
Anh Vũ Ngọc Toản - Tổng giám đốc Công ty CP kỹ thuật Môi Trường Việt là
một doanh nhân như thế. Từ một cậu bé vùng quê nghèo khó, kiếm sống và
đi học bằng bắt cua, đánh cá, anh đã vươn lên thành chủ một doanh nghiệp
về môi trường với doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nhân Vũ Ngọc Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Môi Trường Việt
Nhà nghèo nhưng quyết không bỏ học
Anh
Vũ Ngọc Toản (sinh năm 1979), là con thứ 2 trong một gia đình bần nông,
đông con, nghèo khó (bố là bệnh binh, mẹ làm ruộng, nhà có 4 anh em).
Tuổi thơ của anh thời gian đi làm nhiều hơn đi học vì cái nghèo, cái
khổ, cái thiếu thốn tồn tại thường trực. Gia cảnh khó khăn đến mức, việc
bố mẹ nuôi đồng thời hai con đi học cấp 3 ở quê là cả một vấn đề lớn
chưa nói gì đến chuyện nuôi học Đại học.
Chính
cuộc sống khó khăn, nghèo khổ đã thúc bách anh phải bươn chải, kiếm
tiền đỡ đần gia đình từ rất sớm. Ngay từ khi là một cậu học sinh cấp 1,
khi ấy địa phương thỉnh thoảng có đoàn văn công về biểu diễn, anh đã nảy
ra ý định kiếm tiền bằng cách mua các đồ ăn vặt (bưởi, ổi, bỏng, quế…)
để bán ngay trước cổng khu biểu diễn kiếm chút lãi. Thế là một câu bé
con với một cái mẹt kê trên một cái thúng và một cái bao đựng đồ đã biết
kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng việc bán hàng cho người đi xem văn
nghệ. Các dịp Lễ hội, Trung thu, anh cũng làm như vậy để đỡ thêm cho bố
mẹ.
Lớn
hơn một chút khi lên cấp 2, anh kiếm tiền bằng nghề đi bắt cua và đánh
cá điện. Bắt cua thì chỉ cần cái giỏ, còn đánh cá điện thì phải có bộ đồ
nghề và anh đã tích cóp tiền bắt cua để mua. Hàng ngày, không như phần
đông bạn bè cùng trang lứa, anh dậy từ 4h30 sáng ra đồng bắt cua, đến
6h30 mang cua đi bán rồi mới về nhà ăn sáng và đi học. Buổi chiều anh đi
đánh cá điện. Số tiền kiếm được từ nghề bắt cua, đánh cá cũng đủ chi
phí học hành cho anh và còn hỗ trợ bố mẹ trang trải cuộc sống.
Tuy
phải đầu tắt mặt tối, lao động vất vả nhưng anh học không đến nỗi nào,
các môn Toán - Lý - Hóa, anh tiếp thu và học rất nhanh. Biến cố xảy đến
khi học hết cấp 2, thấy khả năng gia đình không thể nuôi được 2 con học
cấp 3, bố định hướng cho anh làm nghề mổ lợn thay vì đi học. Đứng trước
nguy cơ sẽ phải chấm dứt học hành, đó là điều anh không hề muốn nên anh
đã tìm lối thoát cho mình bằng việc nhờ bạn nộp hồ sơ và bí mật đi thi.
Ngày thi, anh vẫn ra đồng làm như bình thường rồi mới lẻn ra đầu làng,
gửi đồ ở nhà bà ngoại, mượn xe đạp của cậu và đạp xe 11 cây số đi thi.
Bất ngờ trước kết quả con trai thi đỗ trong khi nhiều người thi trượt, bố anh bảo: “Bố không nuôi được cả 2 anh em đi học nên con đi học thì phải cố gắng”. Và
anh đã thực hiện lời hứa với bố bằng 3 năm vừa học vừa làm quần quật.
Anh học hết cấp 3 là nhờ số tiền có được từ việc bắt cua, đánh cá điện
và còn tự trang bị thêm cho mình một chiếc xe đạp (chiếc xe sau này dùng
làm phương tiện cho những năm đầu học Đại học).
Những
năm tháng học cấp 3, chủ yếu lội ruộng, sông ngòi bắt cua, đánh cá,
chân thường xuyên bị ngứa, anh đã ấp ủ mong muốn làm gì đó cho nước
sạch, từ đó anh kết ngành môi trường từ lúc nào.
Nỗ lực tự nuôi thân giữa Thủ đô
Học
lớp 12, một lần nữa bố không muốn anh đi thi Đại học vì thực sự ông
thấy gia cảnh không đủ khả năng nuôi đồng thời hai anh em (lúc này anh
trai của anh đang học ĐH Tổng hợp mỗi năm tốn khoảng 7 triệu). Mong muốn
đi học tiếp của anh trở thành áp lực lớn với gia đình. Đấu tranh giữa
tình thương con và điều kiện kinh tế, bố đồng ý cho anh thi Đại học
nhưng yêu cầu phải thi vào Đại học Sư phạm và Đại học An ninh vì hai
trường này không phải đóng học phí. Thế nhưng anh lại tự động làm thêm
một bộ hồ sơ thi vào trường Đại học Bách Khoa.
Dịp thi Đại học, anh bỏ thi trường Sư phạm, đi thi trường Bách Khoa mà không cho gia đình biết.
Ngược
với niềm vui của nhiều nhà có con thi đỗ đại học, tin anh đỗ trường
Bách Khoa là một “tai họa” với bố khiến ông bần thần mấy ngày vì không
biết sẽ xoay xở như thế nào. Giấy gọi đại học của anh trở thành niềm vui
xen lẫn mối lo của cả gia đình. Cuối cùng, ông đành bấm bụng, cắn răng
cho anh đi nhập học rồi tính tiếp. Tháng đầu tiên ở Hà Nội, anh tiêu
bằng tiền họ hàng mừng tân sinh viên và tự biết mức chi tiêu của mình
nên tháng thứ 2 thì chỉ xin bố đúng 300.000 đồng/tháng, bằng nửa số tiền
cung cấp cho anh trai. Với số tiền ít ỏi này, không họ hàng thân thích,
anh buộc phải tằn tiện hết mức suốt 2 năm đầu học đại cương.
Năm
học thứ 3, sau khi học xong Đại cương, chuyển sang chuyên ngành, anh
thấy mình có thể bắt đầu kiếm tiền được bằng nghề mình học. Vì thế,
không khó khăn anh xin vào làm partime cho một Công ty xử lý nước sạch
gia đình với mức lương 450.000đ/1 tháng. Ngày ngày, anh đạp xe đến công
ty rồi cùng các anh/chị đi lắp thiết bị lọc nước cho các hộ gia đình
(khách hàng của Công ty). Thiết bị lọc nước phần đa được lắp đặt trên
tầng thượng hoặc mái nhà của các hộ, mỗi bộ có 6 bao cát - sỏi lọc, mỗi
bao 30 cân. Để hoàn thành công việc, bắt buộc anh phải bê vác các bao
cát - sỏi đi bộ lên cầu thang 2-5 tầng. Việc vận chuyển các bao cát nặng
nhọc đến mức khát quá thì anh chỉ uống nước trực tiếp trong bể nhà
khách hàng chứ không thể đi bộ xuống cầu thang xin nước uống. Cứ thế,
anh miệt mài làm việc cật lực cả ngày thường lẫn ngày nghỉ, ngày thường
anh lắp đặt từ 1-2 bộ, thứ 7 và Chủ nhật được nghỉ học anh lắp đặt được
2-3 bộ. Nhờ thế từ kỳ học thứ 2 của năm thứ 3, anh đã không phải xin
tiền của gia đình nữa mà tự trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học
và cũng tích lũy được khá kinh nghiệm xử lý nước sạch sinh hoạt (nước
cấp).
Đến
năm học cuối, nỗ lực lao động, học hỏi của anh đã được đền đáp, anh
được đề bạt làm phó phòng kỹ thuật của công ty với mức lương 1,2 triệu
đồng/tháng và có thu nhập thêm từ 1-2 triệu đồng khi được giao làm chủ
nhiệm một số công trình xử lý nước. Năm học cuối, anh tự lo tiền làm tốt
nghiệp và mua được chiếc xe máy Dream (Trung Quốc) để đi.
Học
xong, với mong muốn thử sức ở công việc xử lý nước thải để lấy kinh
nghiệm, anh xin dừng công việc tại công ty này. Tiếp đó, anh chỉ nghĩ là
sẽ đi làm thuê ở công ty về xử lý nước thải với mức lương 2 triệu đồng
thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được một ít tiền. Trớ trêu là mong muốn đó
không được thỏa mãn, anh chỉ được trả lương 1,5 triệu đồng/tháng làm
full time. Không chấp nhận nổi mức lương thấp so với kinh nghiệm đã có,
anh bỏ không làm và cũng không đi xin việc ở nơi khác nữa. Đây chính là
lối rẽ đưa anh chuyển hướng sang kinh doanh.
Cú “khuynh gia bại sản” vì… cả nể
Từ
đây, anh có động lực thôi thúc bản thân và động não tìm cách kiếm tiền
khác nên dành 2 tháng đi khảo sát thị trường xung quanh Hà Nội. Hành
trang là chiếc xe máy, từ sáng đến tối, anh đi khảo sát khắp các khu vực
ven Hà Nội, Hà Tây (cũ) để tìm hiểu, xem xét, đánh giá hiện trạng sử
dụng nước và chất lượng nước giếng khoan ô nhiễm và sự bức thiết của
người dân. Triền miên những ngày đi khảo sát thị trường là những ngày
anh chỉ ăn mỳ tôm bánh và phóng xe trên đường mỗi ngày đổ 30.000 tiền
xăng (xăng lúc đó chỉ 12.000/lít). Sau thời gian này, anh đã có thực tế
và cơ sở dữ liệu đánh giá nhu cầu xử lý nước của các khu vực và quyết
định đi kinh doanh.
Qua
khảo sát, anh thấy khu vực ven thị xã Hà Đông là khu vực có nền kinh tế
khá mới lên, chưa có nước máy, toàn bộ người dân dùng nước giếng khoan,
nhu cầu sử dụng bộ lọc nước rất lớn. Vì thế, với kinh nghiệm xử lý nước
hộ gia đình đã tích lũy được, anh mở cửa hàng cung cấp thiết bị lọc
nước giếng khoan lấy tên “Trung tâm nước sạch Bách Khoa” (vì học trường
Bách Khoa) tại Ba La, Hà Đông.
Mở
cửa hàng, anh đã tự mày mò, thiết kế bộ lọc nước theo tiêu chuẩn của
mình và đặt bên cơ khí làm thiết bị, đồng thời định ra mức giá rất hợp
lý (một bộ lọc nước giá 2-5 triệu đồng tùy vào công suất). Anh cũng đánh
giá được ngay là với thiết bị này, gia đình nào cũng cần và có khả năng
mua về sử dụng là rất khả quan.
Đáp
ứng được nhu cầu dùng nước sạch của các hộ dân nên ngay trong 3 tháng
đầu tiên mở cửa hàng, anh đã bán được hơn 100 bộ. Kỷ niệm đáng nhớ với
anh là mỗi tối đi làm về thì cả 2 túi quần đầy chặt tiền giấy đủ các
mệnh giá buộc bằng sợi rơm.
Dần
dà, cửa hàng bán thiết bị lọc nước của anh ngày càng đắt hàng nhờ cung
cấp cho một thị trường rộng lớn và khá ổn định. Công việc kiếm tiền từ
cửa hàng tương đối thuận lợi. Đó là những năm hoàng kim của chàng trai
mới ra trường.
Công
việc làm ăn tốt, kiếm được tiền cộng với tính cách hết mình với bạn bè,
anh có nhiều mối quan hệ công việc mà không lường hết được hệ lụy từ
nó. Vụ việc lớn anh gặp phải là quen biết với em trai của Tổng giám đốc
một công ty lớn trong lĩnh vực kim khí tiêu dùng, được giao quản lý các
dự án mới của Công ty. Anh đã kết hợp làm ăn với cậu này và nhận làm hệ
thống xử lý nước cấp cho 3 nhà máy ở Hà Tây vì anh đã dày dặn kinh
nghiệm xử lý nước cấp, cộng với chuyên môn vững. Tuy nhiên kinh nghiệm
thương trường chưa có nên anh đã vô tư ký vào bản hợp đồng làm hệ thống
nước cấp với công suất 15m3/giờ nhưng thực tế chỉ làm có 8m3/giờ để cắt
bớt cho “cậu ấm” này một khoản dựa trên tình cảm anh em làm ăn với
nhau.
Hậu
quả đến ngay sau đó khi nhà máy đi vào vận hành thì thiếu nước, vụ việc
được phanh phui, anh bị công an triệu tập để làm rõ vấn đề. Giấy trắng,
mực đen đã ký, anh phải đền bù thiệt hại bằng việc làm bổ sung 3 bộ xử
lý nước cho đủ công suất 15m3/giờ. Tự mình bỏ tiền túi ra đền bù công
trình, anh phá sản hoàn toàn, phải đóng cửa hàng cung cấp thiết bị lọc
nước, cộng với khoản nợ khá lớn. Như vậy công sức suốt 3 năm mở cửa hàng
kinh doanh trở thành con số không, anh đã phải trả giá đắt cho mối quan
hệ xuất phát từ lòng tham và học được một bài học xương máu.
Gây dựng cơ nghiệp sau phá sản
Tay
trắng nhưng lúc đó anh không lo, không sợ mà tiếp tục vượt khó bằng
việc nghĩ cách khác để kiếm tiền trả nợ. Nhờ có mối quan hệ với các
phòng thí nghiệm về hóa chất nên anh đã kết hợp với 2 người bạn thành
lập công ty kinh doanh hóa chất.
Đồng
thời, anh đi làm thêm tại công Công ty Cổ phần nước quốc tế ở vị trí
Trưởng phòng dự án. Mới vào công ty, anh đã ký thành công 2 hợp đồng với
đối tác Nhật trị giá 1,2 và 1,7 tỉ đồng mà chỉ sau vài buổi làm việc.
Bí kíp ở đây là giải pháp xử lý nước thải cho nhà máy của đối tác được
anh đưa ra một cách khoa học, hợp lý, có tính linh hoạt cao nên đã
thuyết phục được họ. Mặc dù khi trao đổi, anh không biết tiếng Nhật, mà
chỉ bằng mô hình trên giấy. Lợi nhuận được hưởng sau 2 hợp đồng, anh
hoàn trả được một phần khoản nợ trên.
Minh họa mô hình hệ thống xử lý nước cấp dùng cho sinh hoạt
Sau
khi góp vốn mở công ty hóa chất được 8 tháng, anh xin rút vì nhiều lí
do và dự tính sẽ tách ra làm chủ nên không tiếp tục công tác tại Công ty
Cổ phần nước quốc tế.
Cuối
năm 2006, anh thành lập Công ty CP kỹ thuật Môi Trường Việt. Cận thời
điểm đó, đầu năm 2007, anh được mời về làm việc tại Sở Tài nguyên - Môi
trường tỉnh Hà Tây. Vậy là “tay trong tay ngoài”, anh từng bước gây dựng
lại sự nghiệp đã mất. Nhờ có kinh nghiệm, chuyên môn vững và thông qua
các mối quan hệ tại các hội thảo, ngay khi mới mở công ty (chưa có hóa
đơn), anh đã mang về cho công ty nhiều hợp đồng lớn nhỏ.
Từ
đó, công việc cứ phát triển theo nhịp và đi lên từng bước, anh tiếp cận
được nhiều công trình xử lý nước ở các tỉnh. Nhờ làm thi công dày dặn,
đội ngũ chuyên môn giỏi, công việc vào guồng và đào tạo bài bản, công
việc kinh doanh của anh thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Liên tục trong
trong 3 năm 2008 - 2009 - 2010, doanh thu công ty đạt xấp xỉ 20 tỷ
đồng/năm, lãi khoảng 15-20% tổng doanh thu. Năm 2011, do ảnh hưởng của
khủng hoảng kinh tế, doanh thu chững lại và giảm xuống 11 tỷ. Trong bối
cảnh nền kinh tế khủng hoảng, không ngại khó, để có thêm thị trường ổn
định mang tính bền vững, tháng 4/2011, anh đã mở văn phòng đại diện tại
Nam Định.
Anh Vũ Ngọc Toản (thứ 2, từ phải sang) tại lễ khởi công công trình xử lý nước ngầm
Một số công trình xử lý nước thải, khí thải Môi Trường Việt đã thực hiện:
Hệ thống xử lý nước thải giặt là Công ty TNHH Maxturn Apparel
Thi công xử lý nước thải sinh hoạt Công ty TNHH UNIVERSAL CANLE VN
Hệ thống xử lý nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp - Công ty TNHH Phú Thái
Trong
kế hoạch năm 2012, anh mở thêm văn phòng đại diện tại Quảng Ninh,… để
hưởng ứng phong trào phát triển ngành công nghiệp Xanh - Không khói.
Dự định trong thời gian tới, Môi Trường Việt sẽ phát triển mảng xử lý khí thải vì theo anh Toản “Xử
lý khí thải hiện tại chưa nhiều nhưng đây là ngành sẽ phát triển trong
tương lai gần. Do đó, công nghệ xử lý khí thải đã được anh xây dựng. Đó
là cẩm nang, là định hướng phát triển, là dữ liệu tương đối tốt với
thiết kế, công nghệ, bài toán ứng dụng đã được chuẩn bị để sẵn sàng đáp
ứng nhu cầu”.
Mong
muốn của anh Toản là xây dựng để Môi Trường Việt trở thành một thương
hiệu uy tín, hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải tại Việt
Nam.
Một số giải thưởng Công nghệ Xanh của Môi trường Việt
Đam mê và chuyên tâm là yếu tố cốt lõi làm nên thành công
Mặc
dù thừa nhận kinh doanh ngành môi trường là một ngành vượng nhưng với
anh điều cốt lõi làm nên thành công lại là sự đam mê với nghề mình làm.
Khi anh đã ngồi vào bàn làm việc thì mọi thứ bên ngoài không thể tác
động và không ai có thể chen vào. Anh tâm sự: “Khi đầu tư chuyên môn,
anh thường làm việc vào ban đêm. Làm kỹ thuật tư duy mà không thông
suốt, giải pháp kỹ thuật mà không kín kẽ thì hậu quả của nó vô cùng lớn.
Ví dụ anh thi công một công trình nước thải, nếu so sánh trạm nước thải
là cái cốc nước thì chỉ cần sai một ly thiết kế thôi sẽ không ra được
cái cốc đấy, và như thế thì phải mang bom mìn ra mà nổ, tức là phá hủy
toàn bộ, nếu có chỉ tận dụng được duy nhất máy móc thiết bị, còn hệ
thống ngầm là phá hết. Vì vậy cần tập trung cao độ, khi nào làm chuyên
môn thì duy nhất anh chỉ quan tâm đến chuyên môn thôi, không sẽ đổ vỡ
ngay”.
Tôi có hỏi anh là niềm đam mê này xuất phát từ đâu, anh chia sẻ: “Đam
mê này xuất phát từ ngày bé khi bắt cua, cá; cứ đến cuối mùa gặt là rất
ngứa. Cái ngứa đó vì rơm rạ thối, nước ô nhiễm do chăn thả vịt, nước
sinh hoạt thải ra, nên ra ruộng chân sầy sủi hết cả. Lúc đó, anh đã có
mong muốn là làm cái gì cho sạch môi trường, sạch nguồn nước rồi. Nên
năm học lớp 11, anh đã mê cái ngành này kinh khủng. Đó cũng là lí do anh
tự nộp hồ sơ thi vào Bách Khoa chứ không vào Sư phạm như bố muốn”.
Ngoài
công việc kinh doanh, anh Toản cũng rất quan tâm và đóng góp cho các
hoạt động phúc lợi xã hội ở quê hương. Hiện tại, anh đã xây dựng quỹ
khuyến học mang tên Môi Trường Việt, hàng năm phát học bổng cho trường
khối cấp 2, cấp 3 (của quê hương) để hỗ trợ, khuyến khích các em học
sinh nghèo học giỏi và bỏ tiền riêng ra xin dự án nước sạch nông thôn
cho địa phương - hiện nhân dân trong xã (100%) đã được sử dụng nước sạch
từ dự án. Với anh, khi đã trưởng thành và thành công, người doanh nhân
cần chia sẻ những điều mình làm được cho mọi người xung quanh.
Đối
với tôi, cuộc trò chuyện hơn 3 tiếng đồng hồ với anh Toản làm tôi rất
khâm phục nghị lực vượt khó vươn lên của anh. Cảm xúc tôi có về cuộc
hành trình đi lên của anh cũng giống như một cái cây mọc trên đá, phát
triển và tỏa bóng mát trên chính nơi nó sống.
Hoclamgiau .vn