Phong cách đơn giản, mái tóc
ngả bạc khiến ông Nguyễn Thanh Mỹ trông già hơn tuổi và có vẻ từng trải.
Dù sống ở nước ngoài, làm việc cho các công ty lớn trên thế giới, nhưng
cách ăn mặc và lối nói chuyện dân dã của ông khiến người đối diện quên
đi cảm giác đang trò chuyện với một doanh nhân thành đạt và một nhà khoa
học nổi tiếng.
Cậu bé bán cà rem trở thành tiến sĩ
* Giữa thời kỳ Trà
Vinh còn là một trong những tỉnh nghèo bậc nhất ở Việt Nam, các doanh
nghiệp ngó lơ, còn người lao động trong tỉnh cứ lao về TP.HCM kiếm
sống..., thì ông lại ôm hàng chục triệu USD về đầu tư. Có phải ông “giàu
quá” không?
- Ngay cả vợ tôi còn nói là sớm muộn gì cô ấy cũng xin Nhà nước cho tôi giấy chứng nhận “doanh nhân dũng cảm”.
Ngày
trở về nước năm 2004, tôi đã nói với mọi người là tôi kinh doanh tại
Việt Nam không phải vì lợi nhuận, mà đơn giản vì vùng đất này chính là
quê hương của tôi và ước mơ lớn nhất trong đời tôi là trở về quê hương
để đầu tư, giúp quê hương phát triển.
Không có gì to tát ở đây, chỉ là một tình cảm tự nhiên như bao người con xa quê khác.
Ba
dự án đầu tư của tôi tại Trà Vinh gồm: hóa chất, vật liệu quang điện tử
và vật tư ngành in (sản xuất bản kẽm theo công nghệ CTP), với tổng vốn
đầu tư đến nay đã là 20 triệu USD (hơn 4.000 tỷ đồng) và tôi chưa mang
được đồng lãi nào về Canada.
Tuy
nhiên, công sức bỏ ra đang đưa giấc mơ của tôi trở thành hiện thực, đó
là Trà Vinh đã trở thành một địa phương có ngành công nghiệp công nghệ
cao vào loại hiện đại của thế giới.
Trên
thế giới hiện chỉ có 11 nhà máy sản xuất vật liệu quang điện tử thì nhà
máy thứ 12 chính là dự án đầu tư của tôi vào Tập đoàn Mỹ Lan nằm tại
Khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh.
* Ông nói đây là giấc mơ của cả cuộc đời ông, vậy nguyên cớ nào khiến ông quyết tâm đến vậy?
-
Tôi là con cả trong một gia đình nghèo có 5 anh em, sinh sống tại làng
Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm tôi lên 9 tuổi, cha bỏ mẹ
và anh em chúng tôi, lấy vợ mới rồi đi biệt xứ. Tết Mậu Thân 1968, căn
nhà nhỏ ở quê bị đại bác lạc bắn sập, 6 mẹ con tôi mất nhà...
Cả
tuổi thơ tôi phải sống trong cơ cực ở vùng quê nghèo nhất nước, mưu
sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì,
thời gian còn lại thì đi học lóm. Năm 1978, tôi tốt nghiệp Trường Đại
học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM), nhưng vẫn không thoát
được cái nghèo.
Vì vậy, năm 1979,
tôi tìm cách đi nước ngoài với hy vọng kiếm đủ miếng ăn cho mình, cho mẹ
và mấy đứa em nhỏ. Ký ức về sự nghèo khổ của quê hương luôn thôi thúc
tôi làm được điều gì đó để giúp những cậu bé, cô bé ở đây không phải bán
cà rem kiếm sống vất vả như tôi ngày nào... Có lẽ sự thôi thúc đó lớn
hơn đối với một người xa quê hương, xa gia đình đằng đẵng.
* Vậy ông đã đổi đời ngay sau khi sang được Canada?
-
Không có màu hồng như vậy đâu. Hơn 12 năm đầu sống tại vùng đất mới,
tôi phải làm đủ thứ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn... ở nhà hàng, chỉ
để làm được một việc là kiếm sống. Chỉ đến lúc gặp được Nhàn, bà xã tôi
bây giờ, thì cuộc đời tôi mới sang trang. Hồi cưới Nhàn, tôi đã hứa với
gia đình vợ sẽ trở thành kỹ sư để xứng với vị thế của gia đình cô ấy.
Trong
7 năm đi học, tôi giành được một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo
vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về
“Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.
Sau
đó, tôi được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như: IBM,
Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics. Đến năm 1997, tôi chính thức
ra ngoài tự mở hãng và kinh doanh cho đến bây giờ.
*
Phải thừa nhận là sự nghiệp khoa học của ông rất rực rỡ: nào là TS.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học năng lượng và vật liệu INRS - Energie et
Materiaux, Varennes, Quebec (Canada), rồi các giải thưởng IBM -
Invention Achievement Award (1994), Sun Chemical - Inventor Award (1995,
1996, 1997), Dianippon Ink and Chemicals - Silver Award for CTP
Technology (1997), và cả trăm bằng sáng chế được thế giới công nhận. Vậy
tại sao ông không chăm chút cho sự nghiệp nghiên cứu mà lại bước ra thị
trường để kinh doanh?
-
Về lĩnh vực kinh doanh, tôi thừa nhận mình không được học hành, đào tạo
bài bản, mà chỉ là một “thợ đụng”, tức đụng đâu làm đó. Tuy nhiên, máu
kinh doanh có lẽ đã ngấm vào tôi từ nhỏ, khi còn đi bán cà rem, bánh mì.
Nhưng
nguyên nhân chính khiến tôi có bước rẽ lại bắt đầu từ một câu chuyện
lúc tôi còn làm tại IBM: Một buổi sáng đến công ty, tôi thấy một nhà
khoa học rất giỏi buồn bã bước ra từ phòng của người điều hành, tìm hiểu
thì được biết ông ta bị cho thôi việc.
Ngay
lập tức tôi cảm thấy hoang mang: nhà khoa học đó rất giỏi, có nhiều
cống hiến nhưng cuối cùng cũng phải ra đi, vậy thì đến một lúc nào đó
cũng sẽ tới lượt mình.
Từ đó tôi bắt
đầu thấy chán phận làm thuê. Sau IBM, tôi cũng rời bỏ công việc tại
Kodak với mức lương 100.000USD/năm, để mở hãng riêng mang tên American
Dye Source, Inc. (ADS) chuyên nghiên cứu, sản xuất những vật liệu hữu cơ
dùng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ, tạo hình ba chiều,
màng biến đổi năng lượng Mặt trời hữu cơ, chống hàng giả... với vốn
liếng hầu như chỉ là mấy cái bằng sáng chế.
Thời đó, số tiền đầu tiên tôi kiếm được là 25.000 USD khi bán bằng sáng chế và mua ngay một chiếc xe tặng vợ (cười).
Thay đổi tư duy doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư
* Trở về Việt Nam đầu tư khi đã rất giàu, vậy chắc việc kinh doanh của ông tại Việt Nam không có khái niệm “khó khăn”?
-
Tôi chỉ không gặp khó khăn về nguồn vốn chứ những chuyện khác khi tiến
hành đầu tư thì phải gọi là từ “khổ đến khổ”. Nhớ những ngày đầu về nước
xin giấy phép đầu tư, Nghị quyết 36 chưa được thực hiện thì người Việt ở
trong nước nghĩ về Việt kiều không được tốt lắm.
Nhiều
người có thái độ cảnh giác đối với tôi và nói Việt kiều về nước chỉ vơ
vét, kiếm một mớ tiền rồi về nước. Suy nghĩ này của họ buộc tôi phải
chứng minh cho họ thấy tôi xây dựng nhà máy thật, đầu tư thật và quyết
tâm phát triển thật.
Có lẽ cũng từ
những suy nghĩ tiêu cực đó mà giai đoạn đầu làm hàng xuất khẩu, hải quan
hành tôi “lên bờ xuống ruộng” khi làm thủ tục. Có những lần tôi tức
phát khóc, đá bàn, đá ghế ở hải quan và bảo: “Có bị bỏ tù tôi vẫn phải
nói”...
Có lúc tôi đã muốn bỏ cuộc,
trở về Canada sống cho khỏe, nhưng khi thấy những bạn trẻ không có việc
làm, vùng quê không có cơ hội phát triển thì tôi lại nhẫn nhịn. Mãi đến
năm 2007, khi Luật Doanh nghiệp ra đời thì việc kinh doanh mới bớt khổ.
Nhưng
còn rất nhiều việc phải làm để môi trường đầu tư của chúng ta thực sự
thu hút đầu tư. Những điều cần hoàn thiện thì nhiều lắm, từ chính sách,
thủ tục đến cả cách cư xử của các nhà chức trách.
Chẳng
hạn, như ngày 3/8 vừa qua, tự nhiên có khoảng mười mấy người của Phòng
Cảnh sát chống tội phạm về môi trường tỉnh kiểm tra nhà máy đột xuất.
Kiểm tra là chuyện thường nhưng họ la lối, quát tháo như kiểu đi bắt tội
phạm khiến tôi rất thất vọng.
Sự
thiếu đồng bộ trong xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức của các
doanh nghiệp ở trong khu công nghiệp đang trở thành rào cản lớn. Hiện
chúng tôi phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tự xây dựng quy trình xử lý nước
thải, nhưng vẫn bị cơ quan chức năng hạch sách đủ điều...
* Khó khăn vậy nhưng hằng năm Mỹ Lan vẫn có lợi nhuận, điều này chứng tỏ ông đã kinh doanh rất hiệu quả?
-
Hiện nay Công ty Mỹ Lan (95% xuất khẩu) lợi nhuận hằng năm 50%, Công ty
sản xuất vật tư (40% xuất khẩu, hơn 10% sản xuất trong nước) lợi nhuận
60%/năm, còn Công ty Quang điện tử Mỹ Lan sẽ bắt đầu hoạt động vào năm
2012. Nhưng so với Canada, việc kinh doanh tại Việt Nam có nhiều điểm
khác biệt.
Để kinh doanh “hiệu quả”
thì ngoài thực lực, bạn phải vất vả hơn. Chẳng hạn như in ấn là ngành
khá đặc thù và các công ty in thường là của Nhà nước. Công ty của tôi là
công ty tư nhân, khó có thể bán hàng trực tiếp, vậy nên tôi chọn cách
bán hàng qua đại lý.
Bớt những phiền
nhiễu gây ức chế như tôi vừa kể, tôi nghĩ các nhà đầu tư như tôi có thể
làm tốt hơn, đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
*
Ông nói kinh doanh không phải để kiếm lợi nhuận, nhưng những con số lợi
nhuận ông đưa ra lại chứng tỏ ông “làm chơi ăn thật”. Vậy ông có nghĩ
rằng kinh doanh trong nước đang rất dễ dàng?
-
Lợi thế của tôi là có thể sử dụng những phát minh của mình để kiếm
tiền, nên lợi nhuận hằng năm của Công ty được duy trì là chuyện đương
nhiên. Mỗi môi trường kinh doanh có cái khắt khe riêng, không thể nói ở
nơi này dễ dàng hơn nơi kia.
Như đã
nói, tôi đầu tư về Việt Nam không phải để kiếm tiền. Giàu có thì biết
thế nào cho đủ. Mục đích chủ yếu của tôi là tạo cho người lao động Việt
Nam môi trường làm việc với chất lượng, mức lương như ở Canada (35.000
CAD/năm).
Tôi và gia đình tìm thấy ý
nghĩa của cuộc sống là nỗ lực giúp những người xung quanh mình, để họ
cũng có cuộc sống đầy đủ, có việc làm tốt hơn. Tôi luôn đối xử tốt với
nhân viên, đổi lại họ cũng hết lòng với Công ty và chính họ đã có những
phát minh giúp Công ty có được lợi nhuận.
Lấy công việc làm niềm vui riêng
* Sau mười mấy năm bước ra kinh doanh và thành công, theo ông, ông là người chọn nghề hay chính nghề đã chọn ông?
-
Trước đây, tôi là người chọn kinh doanh, nhưng bây giờ nghĩ lại có lẽ
nghề kinh doanh đã chọn tôi. Tôi cảm thấy kinh doanh là cái nghiệp,
trước sau gì tôi cũng phải làm. Nói như thế vì ngay từ nhỏ tôi đã nung
nấu chuyện kiếm tiền, mà chỉ có kinh doanh mới dễ kiếm tiền thôi.
Giống
như nghiên cứu, kinh doanh không chỉ cần có tiền, có kinh nghiệm, có
mánh lới, mà còn phải có cả đam mê. Tôi dám nghĩ, dám làm, đam mê công
việc, lấy công việc làm niềm vui trong cuộc sống nên đã vượt qua mọi khó
khăn, thử thách để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Tuy
vậy, con người ai không có tuổi già, suốt cuộc đời tôi rong ruổi kiếm
tiền nên bây giờ cũng là lúc bắt đầu nghỉ ngơi để tập trung đào tạo
người kế thừa.
* Khi trò
chuyện với bà Nhàn, tôi thấy bà luôn rạng ngời mỗi khi nhắc đến ông. Có
lẽ trong mắt vợ con, ông là người chồng, người cha hoàn hảo, vậy đã bao
giờ ông làm buồn lòng những người trong gia đình mình chưa?
-
Dù làm bất cứ chuyện gì tôi cũng được vợ ủng hộ, nên đó chính là động
lực buộc tôi phải làm tốt mọi chuyện. Bằng chứng là mỗi sự thay đổi
trong cuộc đời tôi đều có nguyên nhân là vì vợ con, gia đình và quê
hương. Tên công ty Mỹ Lan là tên của con gái tôi đấy!
Năm
2004, tôi trở về Việt Nam một mình để xây dựng nhà máy, vợ ở lại Canada
chăm sóc các con. Bà xã nói rằng tin tưởng tôi 100% và tôi luôn cảm ơn
và chịu ơn vợ vì điều này.
* Ông nói đang chuẩn bị người kế thừa, vậy chắc các con của ông cũng sẽ sớm trở về quê hương như ông?
-
Hiện con trai lớn của tôi đang điều hành Công ty ADS tại Canada, con
gái Mỹ Lan thì theo ngành luật sư, con trai út đang theo học ngành kinh
tế. Các con tôi có trở về hay không tôi cũng không chắc.
Tôi
mong muốn sản xuất các sản phẩm quang điện tử với công nghệ tiên tiến,
đào tạo đội ngũ kỹ sư hóa học chất lượng để góp phần vào sự nghiệp phát
triển khoa học và kinh tế của Trà Vinh trong tương lai.
Tôi
cũng hợp tác với Trường Đại học Trà Vinh để thành lập khoa Hóa học ứng
dụng, đào tạo hai chuyên ngành: Hóa học ứng dụng chất dẻo linh hoạt và
Vật liệu nano - công nghệ in. Tôi nhận tất cả các sinh viên đang học và
ra trường về làm tại Mỹ Lan, tôi cũng trực tiếp đào tạo các em và nếu em
nào giỏi thì cũng có quyền kế thừa Mỹ Lan.
Tôi
từng rửa chén để bước vào khoa học thì không có lý do gì những người
trẻ có điều kiện ăn học lại không thành công. Hãy tạo môi trường và cơ
hội cho những thanh niên ở đây thể hiện khả năng và cùng ước mơ chúng
tôi có hàng trăm, hàng ngàn bằng phát minh.
* Cơ hội của ông đang trải đều cho những nhân viên của mình và điều đó trước hết được thể hiện qua văn hóa quản trị?
-
Đúng vậy, tôi đã đề ra ba tiêu chí cho Mỹ Lan là chú trọng đào tạo kỹ
năng mềm cho nhân viên, tập trung sản xuất các sản phẩm quang điện tử có
giá trị cao và nơi làm việc phải luôn tiện nghi, sang trọng. Ở Mỹ Lan,
chỉ có khác nhau về cấp bậc chứ không khác nhau về cách đối xử.
Nơi
làm việc của tôi và nhân viên đều như nhau. Thậm chí, khu vực nhà vệ
sinh dành cho nhân viên cũng phải đạt tiêu chuẩn khách sạn 4 sao. Bữa
trưa cho nhân viên được nấu bởi những người có tay nghề nấu nhà hàng.
Phòng ăn sạch sẽ và hiện đại như trong một khách sạn lớn. Vợ chồng tôi
và khách đến công ty đều ngồi ăn cùng nhân viên trong nhà ăn này...
* Thời gian của ông là thời gian của nhà khoa học hay của nhà kinh doanh?
-
Từ nhiều năm nay, tôi có thói quen thức dậy vào 2g30 sáng. Tôi có nhiều
việc phải làm nên thời gian với tôi rất quan trọng. Nhớ hồi còn làm ở
nhà hàng, một tuần làm 7 ngày, từ 2g chiều đến 2g sáng, tự học đến 4g30.
Học ở trường từ 8g45 sáng tới 1g trưa.
Khi
đó, mơ ước thường trực nhất của tôi là một ngày được ngủ đủ 8 tiếng.
Hiện nay, tôi thấy tinh thần mình vẫn rất tốt, thậm chí tôi có thể nhớ
tên 500 nhân viên và vị trí của từng người một. Đã từ rất lâu tôi lấy
công việc làm thú vui riêng rồi mà.
* Vâng, đấy là một thú vui đáng giá cho ông và cho nhiều người khác!
Theo: cafef