Giữa năm 2010, ông xuất hiện trên báo chí trong vai trò mới: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vĩnh Tiến Land,
đơn vị có các dự án bất động sản đang và
sắp thực hiện tại TP.HCM như Bình An Apartment, khu căn hộ Saigon West,
Bình Tiên và dự án nhà cho thuê ở khu Nam Sài Gòn, Jade Dragon...
Cuộc hẹn với ông diễn ra vào một buổi chiều mưa, có lẽ vậy mà căng thẳng trong công việc cũng nhẹ bớt nên ông trò chuyện khá cởi mở. Nhìn những giọt mưa lăn trên cửa kính, ông bộc bạch: “Lâu lắm mới có dịp “nhàn rỗi” nhìn mưa rơi và nói chuyện “không cần nhìn đồng hồ” như thế này”.
* Lúc nào cũng bận rộn và căng thẳng, nhưng bây giờ trông ông lại... trẻ hơn so với những năm trước?
- Trước đây, khi mới bước vào kinh
doanh, tôi làm việc bất kể giờ giấc và ăn uống thất thường, suốt ngày
phơi mặt trên đường. Đã vậy, nhiều lúc uống vài ly với bạn bè là bỏ cơm
luôn. Thời gian cộng với cách làm việc, sinh hoạt không điều độ đã làm
sức khỏe cũng như vẻ bề ngoài của tôi nhanh chóng “xuống cấp”, nhưng tôi
không hề để ý. Một lần về thăm bà con ở nơi tôi sống từ nhỏ, thấy ai
cũng già hết, tôi mới giật mình, tự nhủ: “Tuổi già cũng đang đến với
mình rồi đây” và thấy hơi lo.
Khi sang Singapore khám bệnh, tôi được
bác sĩ cho biết sức đề kháng của tôi rất yếu nên rất dễ nhiễm bệnh. Lúc
đó, tôi mới thật sự lo lắng và bắt đầu quan tâm đến chuyện “bảo dưỡng”
sức khỏe. Tôi đọc rất nhiều sách Đông, Tây y, các chuyên mục viết về sức
khỏe trên báo chí và lên lịch tập luyện thể dục, hít thở, ăn uống theo
các bài tập dưỡng sinh để loại bỏ độc tố, thanh lọc cơ thể.
Tôi tự đưa ra thuyết “dưỡng sức khỏe”:
Dù ở tuổi nào cũng phải cố gắng giữ sự trẻ trung, tạo cho mình phong
cách khỏe khoắn, lạc quan. Trong kinh doanh có nhiều áp lực, nhưng cái
gì thấy buông bỏ được thì buông bỏ để tinh thần được thoải mái. Chẳng
hạn, có những khách hàng nợ dây dưa, khó đòi khiến tôi luôn bị nặng đầu,
bực bội, nhưng nhờ thuyết “dưỡng sức khỏe” mà tôi quyết định xóa nợ cho
họ để giải tỏa bực dọc, để tinh thần được thanh thản và nhẹ nhõm.
* Quan điểm kinh doanh của ông
là phải đi trước một bước so với đối thủ và phải làm tốt hơn. Nhưng khi
bước vào lĩnh vực bất động sản ông lại là người đến sau, đúng vào thời
điểm thị trường này gần như đóng băng. Vậy quan điểm “đi trước” của ông ở
lĩnh vực này được thể hiện như thế nào?
- Ở lĩnh vực giấy tập, tôi tự hào là
người luôn đi trước với những cải tiến mới. Khi tổ hợp sản xuất giấy
Vĩnh Tiến ra đời, dù thị trường tràn ngập các loại giấy nhập từ
Campuchia, Trung Quốc và tổ hợp chỉ có 15 người, nhưng tôi vẫn xác định
mục tiêu cho những bước đi xa hơn. Để tìm bước đột phá, tôi miệt mài
nghiên cứu nhằm tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của Vĩnh Tiến khi so
với các loại giấy tập cùng loại trên thị trường.
Ban đầu là tiên phong đổi mới chất lượng
tập vở với việc in bìa bốn màu bằng công nghệ in offset có cán OPP và
có trang lót trong, sau đó đưa vào tập hương thơm, mẫu chữ cái tiếng
Anh, những kiến thức về sức khỏe, về giáo dục học đường, ứng dụng công
nghệ phun UV trong xử lý bề mặt bìa, đồng thời thay thế dần bao bì PP
bằng màng POF không độc hại.
Ngoài những sản phẩm đạt chất lượng, tôi
còn muốn đem đến cho khách hàng những giá trị cộng thêm. Nhờ vậy mà tập
Nai nhí, Bibook... của Vĩnh Tiến được nhiều học sinh chọn mua và từng
bước chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước
Đông Nam Á.
* Khi Vĩnh Tiến bước vào lĩnh
vực bất động sản, nhiều người đã hỏi tôi: “Phải chăng lợi nhuận từ ngành
giấy không còn hấp dẫn? Và liệu Vĩnh Tiến có gặp bất lợi khi là người
đến sau?”
- Tôi khẳng định, dù mức tăng trưởng của
ngành giấy hiện nay chỉ khoảng 10%, chậm hơn so với thời kỳ trước,
nhưng giấy tập vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi của Vĩnh Tiến.
Việc chọn liên kết với nhà đầu tư nước
ngoài để kinh doanh bất động sản là chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”
của chúng tôi nhằm tăng thêm nguồn thu để hỗ trợ cho các hoạt động ngành
giấy tốt hơn, đồng thời duy trì thương hiệu trong hiện tại và hướng đến
phát triển thành tập đoàn đa ngành trong tương lai.
Trước khi “lấn sân” sang lĩnh vực này,
tôi đã có thời gian chuẩn bị gần 5 năm. Tuy ra sau nhiều dự án đang đầu
tư tại TP.HCM, nhưng tôi không cho là muộn mà ngược lại còn rút được
nhiều kinh nghiệm để tạo lợi thế “đi trước”. Hơn nữa, thị trường này còn
nhiều tiềm năng, nhu cầu của người dân về căn hộ chất lượng cao, giá cả
phù hợp là có thực.
* Ý ông là... các dự án của Vĩnh Tiến Land sẽ bán rẻ hơn nhưng vẫn đạt chất lượng cao?
- Kinh doanh là phải có lợi nhuận nhưng
tôi quan niệm, một phần lợi nhuận của doanh nghiệp phải được chia sẻ với
cộng đồng, xã hội. Suốt chặng đường 30 năm kinh doanh giấy tập gặp
không ít va vấp, thất bại, nhưng nhờ thấu hiểu điều này mà Vĩnh Tiến đã
có ngày hôm nay. Nhiều người cho rằng, ngành sản xuất tập vở rất dễ làm
nhưng thực chất đây là một ngành cạnh tranh rất khốc liệt.
Bên cạnh đó giá giấy lại liên tục biến
động, không ít công ty quốc doanh thất bại, các công ty lớn như Giấy
Viễn Đông, Cogido cũng bỏ cuộc, nhưng tôi vẫn quyết tâm bám nghề và nỗ
lực đi tìm sự khác biệt, cung cấp sản phẩm với nhiều ích lợi thiết thực
cho người tiêu dùng.
Tôi ngộ ra, khi kinh doanh với cả tấm
lòng, tâm huyết, ế cũng làm, thua cũng làm và đặt lợi ích của người tiêu
dùng trên hết thì nhất định sẽ có con đường sáng để đi. Như ở lĩnh vực
địa ốc, Vĩnh Tiến Land đã chấp nhận giảm lợi nhuận để đại đa số người
dân có nhu cầu thực sự được an cư lạc nghiệp, sở hữu những căn hộ mà họ
mơ ước. Song, giá trị lớn nhất mà tôi muốn đem đến cho xã hội là tính
nghệ thuật của những công trình của Vĩnh Tiến Land, chứ không chỉ làm để
bán thu lợi nhuận.
* Ông thường nói: “Trong kinh doanh, người đi trước hay gặp rủi ro, vậy rủi ro nào đã trải qua mà ông cho là bài học đáng giá?
- Đó là lần tôi nhập mấy nghìn tấn giấy
từ Mỹ về làm tập vở học sinh. Giấy có màu trắng ngà trong khi thị trường
đang quen với giấy màu trắng xanh nên tập của Vĩnh Tiến bị người tiêu
dùng chê là giấy hẩm, không mua. Cả tuần lễ mất ăn mất ngủ, nhưng sau đó
tìm hiểu tôi biết được nhà sản xuất cho một lượng chất phát sáng vào
bột giấy khiến giấy có màu trắng xanh và chất này có thể gây hại cho
mắt.
Lập tức trên bìa vở giấy màu trắng ngà
của mình, tôi cho in thêm dòng chữ khẳng định: “Giấy cao cấp màu trắng
sữa không gây hại cho mắt”. Thế là mấy nghìn cuốn tập nhanh chóng được
bán hết...”. Bài học sau sự cố này chính là bản lĩnh của người làm kinh
doanh. Càng khó khăn, càng phải sáng suốt, bình tĩnh thì mới có cách ứng
phó nhanh và hiệu quả.
* Là người có điều kiện đi nhiều
nước từ rất sớm, nhận thấy cơ hội làm ăn ở Việt Nam rất nhiều, thậm chí
ông cho rằng: “Đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy có thể sinh ra tiền”,
nhưng tại sao 30 năm qua, Vĩnh Tiến chỉ gắn bó với lĩnh vực giấy tập?
- Sau các chuyến đi ra nước ngoài, trở
về nước tôi thấy Việt Nam đúng là một mảnh đất màu mỡ với vô vàn cơ hội
làm ăn. Lúc đó, tôi cũng ấp ủ khá nhiều kế hoạch, nhưng cản trở lớn nhất
là thủ tục của ta còn quá rắc rối, khó khăn đơn chồng khó khăn kép,
chưa kể nộp hồ sơ rồi mà đợi dài cổ cũng chưa được trả lời. Đơn cử chỉ
một chuyện đi mua giấy Bãi Bằng về sản xuất cũng rất nhiêu khê, phiền
phức. Hầu như mọi thủ tục đều được giải quyết rất chậm chạp, cả tuần lễ
mới ký được một hợp đồng mua giấy, đã vậy số lượng giấy cũng chỉ được
mua theo hạn định.
* Ông bà xưa có câu: “Đi một
ngày đàng học một sàng khôn”, vậy sau những chuyến ra nước ngoài, ông đã
học được “sàng khôn” gì để áp dụng trong kinh doanh?
- Khi Công ty Cogido bán lại dàn máy sản
xuất giấy cho tôi, qua tìm hiểu, tôi biết họ lỗ vì khâu kỹ thuật.
Thường cuộn giấy mới sản xuất bị tích điện nên rất nóng, nếu đem cắt
ngay, giấy sẽ bị dính vào nhau gây hao hụt. Sau khi tìm ra sai sót của
họ, trước khi cắt tôi đưa cuộn giấy vào phòng lạnh để giải nhiệt nên
giấy không bị dính nữa. Bí quyết này tôi học được trong chuyến đi tham
quan các nhà máy giấy ở Malaysia.
Một bài học khác cũng là sai lầm của
nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đó là do ít vốn nên hay mua máy móc cũ.
Tưởng rẻ nhưng thực chất còn đắt hơn mua máy mới vì khi hư hỏng rất khó
khắc phục và nếu sửa thì chi phí khá cao. Khi ra nước ngoài tham quan
công nghệ, nhiều doanh nghiệp bạn cũng chứng minh điều này nên tôi chỉ
mua máy mới.
Các công ty bán máy sẽ chịu trách nhiệm
về công nghệ và bảo hành, họ hướng dẫn cho mình rất chi tiết. Có một cái
hay ở các doanh nghiệp Trung Quốc, đó là khi mua máy móc, thiết bị mới,
họ luôn tháo ra và mời các chuyên gia, viện kỹ thuật đến tìm hiểu công
nghệ để học hỏi. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao kiến thức về công
nghệ, mà còn tạo điều kiện cho công nghệ trong nước phát triển. Nhất là
khi máy móc bị hỏng hóc thì ta sẽ biết cách sửa chữa.
* Nhiều doanh nghiệp làm ăn phát
triển đều mở thêm nhà máy sản xuất với quy mô lớn, còn ông lại muốn
“dẹp” nhà máy trong khi Vĩnh Tiến chủ trương vẫn tiếp tục phát triển
mạnh mảng giấy tập. Cách làm này của ông liệu có mâu thuẫn?
- Không ít người làm kinh doanh quan
niệm, công ty càng lớn thì bộ máy càng phải cồng kềnh mới oai. Và bài
toán ngày xưa ai cũng tính là phải có nhà máy sản xuất thì giá thành sản
phẩm mới rẻ. Nhưng thực chất không phải vậy. Khi dịch vụ phát triển thì
mình nên tính toán sử dụng dịch vụ sẽ giúp giảm nhiều khoản chi phí,
vòng quay vốn cũng nhanh hơn.
Chẳng hạn, khi vận hành một nhà máy sản
xuất giấy, chi phí nhân công, vận hành cả nhà máy không nhỏ và để hiệu
quả thì phải sản xuất hết công suất. Trong khi vấn đề cốt lõi của kinh
doanh là phải đáp ứng nhu cầu cần gì, cần bao nhiêu của khách hàng, chứ
không thể chỉ bán cái mình đang có. Sai lầm này đã khiến trước đây hàng
tồn kho của chúng tôi rất nhiều.
Chưa kể mức độ gây ô nhiễm môi trường
của nhà máy giấy rất cao và việc xử lý ô nhiễm rất tốn kém, ngoài ra
việc nhập nguyên liệu, bột giấy cũng phải mở L/C rất khó khăn. Vì vậy,
tôi “dẹp” nhà máy và chuyển sang đặt mua giấy theo nhu cầu sẽ chuẩn hơn.
Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi học được từ các doanh nghiệp Trung Quốc,
họ có cả cuốn băng dạy cách điều hành công ty qua từng thời kỳ và tôi
coi đó như một cẩm nang quản lý rất hiệu quả.
* Điều ông tâm tư nhất hiện nay là gì?
- Tôi rất buồn vì không thể thực hiện
nhiều ý tưởng mới do quy chế của ta không rõ ràng. Ở lĩnh vực bất động
sản, các doanh nghiệp đã bỏ cả tiền tỷ vào các dự án, nhưng hầu hết đều
bị chôn vốn do những vướng mắc trong khâu đền bù, giải tỏa mặt bằng. Đây
là khó khăn lớn nhất của Vĩnh Tiến Land, cũng là khó khăn chung của các
nhà đầu tư bất động sản.
Nhà nước nên có chính sách nhất quán
trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, như về mức giá, thời gian hoàn
thành... để doanh nghiệp sớm có đất sạch triển khai dự án. Có như vậy
mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giúp doanh nghiệp giảm được giá
thành, từ đó giá bán căn hộ sẽ thấp hơn. Điều này góp phần không nhỏ
trong việc bình ổn giá cả trên thị trường bất động sản, tạo điều kiện
cho người dân mua nhà ở với giá hợp lý hơn.
* Từ một cậu bé mê đánh bài đến Tổng giám đốc Lâm An Dậu, ba mươi năm nhìn lại, thay đổi nào của bản thân làm ông hài lòng nhất?
- Nhớ lại ba mươi năm đã qua, trước mắt
tôi là hình ảnh một cậu bé khoảng 15, 16 tuổi, đen, gầy nhưng thích lăn
lộn trên thương trường, có lẽ tôi được thừa hưởng máu kinh doanh của
cha. Khi nhận thấy nghề giấy tập là một nhu cầu vì ai cũng phải đi học
và là một nghề khiến không ai ghét được mình, năm 1979, tôi mạnh dạn
thành lập Tổ hợp Diệu Long gia công tập học sinh, sau đó mua lại Tổ hợp
Giấy Vĩnh Tiến của người anh ruột và bỏ tiền mua đất làm xưởng. Tuy mới
16 tuổi, nhưng tôi đã có tư tưởng tích lũy đất đai xây nhà xưởng vì nghĩ
đó là cơ hội lớn về sau.
Trẻ tuổi, có tài sản và tiền bạc kiếm
được cũng rủng rỉnh nhưng tôi không “khá nổi” vì vướng vào một tật xấu:
thích đánh bài. Một đêm, đứng trước bàn thờ cha, nhớ lời cha dạy: “Dù
kinh doanh để kiếm lợi nhuận nhưng mọi việc làm của con phải tốt và
trong sạch, nhất là phải chuyên tâm làm ăn và có tư cách tốt thì mới
thành ông chủ lớn”, tôi chạy vào kéo tay mẹ và lấy ba cây nhang ra sân
khấn nguyện:
Nếu từ nay con còn chơi bài thì chỉ thua
thôi”. Và khi bỏ được tật xấu này, tôi thấy mình năng nổ, tích cực hơn,
công việc kinh doanh cũng tốt hơn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn đam mê
chuyện làm ăn lớn như thời 15, 16 tuổi, nhưng đĩnh đạc, chín chắn hơn
rất nhiều và luôn tâm niệm phải giữ phong cách thật đàng hoàng, tử tế.
* Nếu cho ông phác họa một hình ảnh cô đọng nhất về chặng đường đi của mình, ông sẽ liên tưởng đến hình ảnh nào?
- Một cậu bé ngồi trên chiếc xe đạp, không dám đạp hết một vòng vì sợ té, chỉ dám nhấp nhấp từng bước mà đi đến đích thành công.
* Hiện nay, điều gì khiến ông cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa?
- Bây giờ tôi không nghĩ là mình làm
việc cho mình nữa, mà là cho mọi người. Ba mươi năm lăn lộn trên thương
trường, tôi ngẫm ra kinh doanh không chỉ để kiếm tiền, mà còn là lẽ
sống. Bởi có những người rất chung thủy, rất gắn bó với tôi, mình nghỉ
làm họ sẽ thất nghiệp.
Hơn nữa, sống ở đời phải có tiền, vì có
tiền mới giúp được người khó, mới làm được nhiều việc tốt khi tâm mình
hướng thiện. Giá trị lớn nhất của một con người là khi sống được mọi
người tôn trọng, quý mến, khi mất đi có những thành quả để đời khiến mọi
người luôn nhớ đến mình. Vì vậy, triết lý kinh doanh của tôi là: “Phải
là người làm tốt nhất, chứ không phải là người giàu nhất”.
kienthuckinhte.com