Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Cô chủ chuỗi cửa hàng giá 50.000 đồng



  







Không phải mặc cả, chỉ cần 50.000 đồng trong túi, khách hàng có thể ung dung bước vào cửa hàng để mua sản phẩm thời trang. Cô chủ chuỗi cửa hàng "Một Giá" Đậu Bích Ngọc muốn xóa đi quan niệm "của rẻ là của ôi" ám ảnh tâm lý người mua hàng VN.
Một ngày đầu năm 2006, Đậu Bích Ngọc, cô gái xinh xắn thuộc thế hệ 8X bỗng bỏ công việc kế toán để mở cửa hàng kinh doanh. Sau nhiều ngày loay hoay tìm nguồn, cuối cùng Ngọc cũng khai trương được cửa hàng bày bán các sản phẩm thời trang giá rẻ mang tên "Một Giá - 50.000 đồng".
Tất cả các sản phẩm bày bán trong cửa hàng từ quần áo, giày dép, mũ kính đến thắt lưng ví da, túi xách... đều có chung giá 50.000 đồng. Điểm dễ nhận thấy nhất tại cửa hàng "Một Giá" là thuận mua vừa bán, không có chuyện mặc cả, cò kè bớt một thêm hai. Nhờ đặc điểm này, chuỗi cửa hàng "Một Giá", gồm 3 địa điểm số 325 Đê La Thành, số 2 Đặng Văn Ngữ, 169 Bà Triệu (Hà Nội)... đang chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng trẻ tuổi, kể cả cao cấp lẫn bình dân.
Từ ý tưởng 1 USD
Ngay từ hồi còn ngồi trên giảng đường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kế toán, cô gái sinh năm 1980, Đậu Bích Ngọc đã ôm giấc mộng trở thành một nhà kinh doanh giỏi.
Đầu năm 2006, sau khi đọc mẩu tin của Nhà báo Thomas Friedman (tác giả hai cuốn sách "Thế giới phẳng", "Chiếc Lexus và cây Ôliu"), giới thiệu về chuỗi cửa hàng 1USD - Wal-Mart, Ngọc mê ý tưởng kinh doanh sản phẩm giá rẻ của tỷ phú Sam Walton đến bỏ bê cả việc. Ngọc xin nghỉ chân kế toán tại công ty thuộc ngành đường sắt để thực hiện giấc mơ của mình. Ngọc tâm sự: "Cứ như có duyên nợ với thời trang vậy, ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh thôi thúc tôi ngay cả trong giấc ngủ".
Quan niệm "của rẻ là của ôi" vẫn còn đè nặng tâm lý người VN, nên khi đưa ra mô hình cửa hàng "Một Giá", Ngọc cân nhắc rất kỹ từ mẫu mã sản phẩm đến giá cả. Sau khi khảo sát thị trường, phân loại khách hàng, Ngọc quyết lấy mức 50.000 đồng để định giá cho tất cả các sản phẩm của mình và đối tượng tập trung chính vẫn là tầng lớp bình dân học sinh, sinh viên.
Ngọc đem ý tưởng đề xuất với một số hãng thời trang và xí nghiệp may trong nước. Các công ty này đều đồng ý bán sản phẩm cho cô với giá rẻ mà chất lượng, miễn là Ngọc mua với số lượng lớn và ký hợp đồng trong một thời gian dài. Yên tâm với sản phẩm trong nước, Ngọc lại sang Quảng Châu, Trung Quốc để tìm nguồn hàng. Qua những người bạn từng đi lại làm ăn buôn bán, Ngọc bắt được mối hàng. Chuỗi cửa hàng "Một Giá" của Ngọc có thêm nhiều loại hàng hóa gồm kính mắt, ví da, thắt lưng, quần áo, giày dép...
Ngọc cho hay cái khó nhất của người quản lý mô hình kinh doanh này là phải chọn được các sản phẩm đẹp, rẻ, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cách bài trí cửa hàng cũng phải đẹp, tạo sự thân thiện để khách hàng - những người chỉ cần có 50.000 đồng trong ví cũng đủ tự tin bước vào cửa hàng.

Ngày khai trương, Ngọc khấp khởi mừng thầm vì thấy khách hàng ra vào tấp nập. Tưởng rằng đã thành công, nào ngờ, kết quả kinh doanh lại trái với mong đợi. Sau một tháng hoạt động, Ngọc nhận thấy khách vào cửa hàng thì nhiều song mua lại rất ít. "Qua dò hỏi, tôi mới vỡ lẽ, chỉ vì giá các mặt hàng quá rẻ (rẻ tới 3 lần so với các cửa hàng thời trang khác) nên khách hàng sợ mua phải hàng giả. Nguy cơ phá sản thấy rõ", Ngọc nói.
Không chấp nhận thất bại, một mặt Ngọc cho người đi tìm nguồn hàng đẹp và chất lượng, mặt khác, đích thân cô tự bài trí các sản phẩm trong cửa hàng sao cho bắt mắt. Biết rằng khách hàng rất coi trọng chữ tín, chỉ cần một lần mua phải sản phẩm chất lượng kém là họ có thể bị ác cảm rất lâu. Do vậy, Ngọc thiết lập số điện thoại nóng, quảng bá website cửa hàng nhằm tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Bên cạnh đó, cô còn áp dụng chế độ bảo hành linh hoạt cho các mặt hàng. Tại bất kể cửa hàng "Một Giá" nào, Ngọc cũng áp dụng phương thức, nếu khách hàng phát hiện sản phẩm không tốt, chất lượng không ổn định thì sẽ được đổi và được đền tiền. Ngoài loại hàng có cùng giá 50.000 đồng, tùy theo từng địa bàn, Ngọc còn có thêm khu vực bày bán đồ cao cấp để thu hút khách có khả năng trả nhiều tiền hơn...
Tuy chưa làm phép thống kê xem con số lỗ lãi sau một năm hoạt động, nhưng Ngọc tự tin rằng mình đã thành công bước đầu. Tuy chỉ lãi khoảng vài nghìn đồng cho một sản phẩm, nhưng đổi lại mỗi ngày cả số lượng vài trăm sản phẩm được tiêu thụ tại cả 3 cửa hàng. Lãi ít nên Ngọc tính toán cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất. 3 cửa hàng chỉ có 6 nhân viên vừa bán vừa giao nhận hàng và làm nhiều công việc khác nhau.
"Mình đang định nhân rộng mô hình cửa hàng tại nhiều địa điểm khác của Hà Nội. Nếu thành công và cho doanh thu đều đặn, tới đây, "Một Giá" sẽ được nâng cấp lên thành những siêu thị nhỏ để có thể bày bán được nhiều sản phẩm hơn'', Ngọc tiết lộ.
Theo vnexpress

Nữ sinh khẳng định mình từ 'thương trường vỉa hè'



   












Tốt nghiệp xuất sắc nhất trường CĐ Quốc tế Kent (TP HCM), hiện đang quản lý bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty đào tạo ngoại ngữ, ít ai biết rằng cô gái Hoàng Vũ Thảo Nguyên từng là dân “đường phố”.
Thảo Nguyên (trái) đã tự tay mở cánh cửa tương lai cho chính mình

Nguyên không bao giờ phủ nhận mình là một người cứng đầu. Gia đình kinh doanh quần áo, lúc nhỏ tuy chỉ “giữ” trông hàng cho mẹ nhưng nếu mẹ… có những chính sách bán hàng không hợp lý, Nguyên sẽ phản bác ngay.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, cá tính của Nguyên bộc lộ quá mạnh cũng là nguyên nhân làm cho mối quan hệ giữa cô và mẹ rất khó thân thiết.
Gia đình Nguyên không quá đầu tư cho việc học của con, lại bận trông hàng thường xuyên, rồi có lúc buồn chán chuyện gia đình Nguyên cũng nghỉ học. Không biết bao nhiêu lần, bắt đầu từ tiểu học, Nguyên bỏ học giữa chừng. Bao nhiêu lần bỏ học, bấy nhiêu lần đi học lại.
Bố mẹ ly hôn, mẹ đi bước nữa. Cú sốc này nối tiếp cú sốc kia. Tâm lý xáo trộn mạnh, tâm tính Nguyên càng thay đổi. Nguyên quyết định rời khỏi nhà ra ngoài sống một mình khi đang học dở tại một trường cấp ba.
Phòng trọ nhỏ xíu, ẩm thấp ở quận 10 trở thành căn nhà nhỏ của Nguyên. Sống một mình đồng nghĩa với việc phải tự nuôi bản thân, Nguyên đi bán nước suối, dày dép, quần áo… ở khắp các vùng ngoại thành ở Củ Chi, Hóc Môn… để kiếm sống.
Nhiều năm ròng rã bán hàng kiếm sống như vậy, Nguyên thành “dân chợ búa”. “Tranh giành khách, chỗ bán, đi đêm về khuya… Hoàn cảnh như vậy phải tạo cho mình chút máu giang hồ chứ. Không thì sẽ bị bắt nạt ngay” - Nguyên nói.
Sau những ồn ào xô bồ chốn “thương trường vỉa hè”, trở về căn phòng trọ vào mỗi đêm là thời điểm để Nguyên chiêm nghiệm cuộc đời của mình và cả tương lai phía trước. Cô gái cứng đầu đó nhiều lần phải chảy nước mắt và thậm chí từng nghĩ đến cái chết. Không ít đêm, Nguyên một mình lang thang giữa phố như một người mất hồn, mất trí.
Không bỏ cuộc
Quá nhiều lần “nhấp nhổm” trong giằng xé như vậy, Nguyên quyết tâm đi học lại. Cô theo học hệ bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Trên đà thẳng tiến, Nguyên chọn trường CĐ Quốc tế Kent ở ngành học marketing đào tạo 2 năm. Lựa chọn liều lĩnh nhưng Nguyên biết cá tính của mình phù hợp với một trường học quốc tế.
Thảo Nguyên (phải) trong chuyến từ thiện tại mái ấm Tam Bình (Thủ Đức)

Hầu hết học viên theo học tại đây đều con gia đình khá giả. Cũng có lúc Nguyên hoang mang khi phải tự lo cho bản thân nhưng đó lại trở thành lợi thế của Nguyên.
Trong khi bạn bè đến khóa học này khóa học khác đầu tư cho ngoại ngữ thì đổi lại với Nguyên, học ngoại ngữ qua là những buổi đi bán hàng tại các trung tâm thương mại. Nơi đó, cô có điều kiện tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, khả năng nghe nói của Nguyên trở nên vượt trội.
Nguyên học không chỉ để có tấm bằng vào đời nên cô học một cách nghiêm túc. Cô quý từng giây khi ngồi ở lớp nghe giảng. Nguyên tắc của Nguyên là ghi chép chứ không dựa hết vào tài liệu có sẵn nên lề vở của cô cũng chi chít chữ.
Các bài tập, đề án của các môn học, học viên có thể hoàn thành trên cơ sở giả thuyết. Nhưng không, Nguyên lao vào thực tế, đến tận các công ty khảo sát, ghi nhận rồi tự mình vạch ra chiến lược marketing. Qua những lần như vậy, Nguyên nhận được rất nhiều lời mời tham gia các dự án về chiến lược từ nhiều doanh nghiệp.
Đến việc thuyết trình, Nguyên cũng tạo nên sự khác biệt bởi sự tự tin của một người va chạm thực tế. “Trước mỗi bài thuyết trình, mình thường đứng trước gương tự rèn cách trình bày, cách đối đáp cho đến cách thể hiện các cơ mặt, nụ cười”, Nguyên kể.
Bởi thế, không bất ngờ khi điểm các môn học của Nguyên đều cao chót vót. Cuối tháng 9 vừa rồi, khi đã bước qua tuổi 25, Nguyên trở thành sinh viên tốt nghiệp dẫn đầu trường với số điểm 92/100. Với Nguyên đó là một kết quả mà đến cô cũng không ngờ mình thực hiện được.
“Người con” của đường phố
Điều bất ngờ ít ai biết đến, Nguyên còn là “người con, người chị” của nhiều người già, trẻ em đường phố TP HCM. Nếu ai muốn tìm, muốn gặp và muốn biết về cuộc sống cũng như tâm tư của những mảnh đời “đường phố là nhà, ghế đá là giường” ở quận 1, quận 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận… cứ hỏi Nguyên.
Không chỉ ngày lễ Tết mà những ngày thường, những lúc có thể Nguyên vẫn phi xe ra thăm hỏi, trò chuyện với họ. Với Nguyên, đó như là một phần cuộc sống của mình vậy.
Nguyên kia sẻ: “Có lẽ chính những tháng ngày buôn bán ở vỉa hè đã giúp em tạo thuận lợi cho em có thể gần gũi với các em, các cụ hơn”.
Với khả năng của một chuyên viên marketing, Nguyên còn đến tận các doanh nghiệp xin tài trợ để tổ chức nhiều chương trình từ thiện vào các ngày lễ tết.
Công việc “từ thiện đường phố” ngấm vào Nguyên đến mức, dù dự định trong 5 năm tới sẽ thành lập một công ty tổ chức sự kiện chuyên về đám cưới nhưng song song đó, Nguyên sẽ tiếp tục tham gia dạy học cho trẻ đường phố.
“Dạy học là ước mơ hồi nhỏ của em. Khi nhìn thấy các em bi bô học chữ, em như tìm lại được tuổi thơ của mình”, Nguyên rưng rưng.
Theo Dân Trí
Flag Counter