Hiển thị các bài đăng có nhãn Thông Tin. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thông Tin. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Thương hiệu Vinacafe là của ai?


Tổng công ty cà phê Việt Nam lấy tên giao dịch là Vinacafe. CTCP Vinacafé Biên Hòa cho rằng Vinacafé là nhãn hiệu sản phẩm thuộc sở hữu của CTCP Vinacafé Biên Hòa.
Tổng công ty cà phê Việt Nam không còn nắm quyền chi phối đối với Vinacafé Biên Hòa
Tổng công ty cà phê Việt Nam không còn nắm quyền chi phối đối với Vinacafé Biên Hòa
Trong hai doanh nghiệp trên, ai là chủ nhân đích thực của thương hiệu Vinacafe?
Tên thương mại hay nhãn hiệu sản phẩm?
Theo trang web www.vinacafe.com.vn, Tổng công ty cà phê Việt Nam thành lập năm 1995 trên cơ sở chuyển từ Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, đến năm 2010 chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty cà phê Việt Nam, tên gọi tắt là Vinacafe.
Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinacafe cho biết, hiện Vinacafe có 58 công ty thành viên và tên mỗi công ty thành viên đều có chữ Vinacafe, ví dụ CTCP Vinacafe Sơn Thành ở Phú Yên, CTCP Vinacafe Đà Nẵng ở Đà Nẵng....
Những thông tin này cho thấy, Vinacafe là tên doanh nghiệp, chỉ Tổng công ty cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên.
Thế nhưng, trong một công văn gửi tới TBKTSG Online, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Vinacafe Biên Hòa, cho biết, Vinacafé là nhãn hiệu sản phẩm đã được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ từ năm 1993, thuộc sở hữu của Nhà máy cà phê Biên Hòa, nay là CTCP Vinacafé Biên Hòa.
“Vinacafe đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và khi nhắc đến Vinacafe khách hàng cũng như độc giả thường nghĩ đến Công ty chúng tôi... Việc dùng tên gọi không chính xác và không chính thức sẽ gây nhầm lẫn và có thể ảnh hưởng đến thương hiệu Vinacafe cũng như Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa”, công văn viết.
Vậy thì Vinacafe là tên doanh nghiệp hay nhãn hiệu sản phẩm?
Ông Thiêm của Vinacafe cho biết, Tổng công ty cà phê Việt Nam được đăng ký với tên gọi là Vinacafe, chữ thẳng đứng, còn CTCP Vinacafé Biên Hòa đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê hòa tan bán trên thị trường là Vinacafé, chữ in nghiêng, chữ e cuối cùng có dấu sắc (').
Do đó, theo ông Thiêm, việc Tổng công ty cà phê Việt Nam dùng tên giao dịch là Vinacafe không ảnh hưởng đến nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa.
Cũng theo ông Thiêm, CTCP Vinacafe Biên Hòa là một doanh nghiệp thành viên của Vinacafe, hình thành trên cơ sở cổ phần hóa Nhà máy cà phê Biên Hòa năm 2004. Lúc đó, Vinacafe nắm 51% cổ phần của CTCP Vinacafe Biên Hòa, con số này hiện nay là 37%.
Nhờ luật pháp phân định?
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Đình Chướng, nguyên Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong luật sở hữu trí tuệ có hai khái niệm: thương hiệu và nhãn hiệu. Thương hiệu là tên thương mại của một công ty, doanh nghiệp xưng danh để hoạt động kinh doanh.
Trường hợp Tổng công ty cà phê Việt Nam lấy tên là Vinacafe thì Vinacafe được hiểu là tên thương mại. Còn trong trường hợp CTCP Vinacafe Biên Hòa, Vinacafe là nhãn hiệu, là tên gọi của một mặt hàng kinh doanh trên thị trường.
Nếu CTCP Vinacafé Biên Hòa đã đăng ký nhãn hiệu Vinacafé (dạng in nghiêng) với Cục sở hữu trí tuệ từ năm 1993 và muốn Tổng công ty cà phê Việt Nam không dùng tên Vinacafé để giao dịch trên thị trường để khỏi gây nhầm lẫn thì phải xem Vinacafe có trước hay sau năm 1993.
“Nếu Vinacafé Biên Hòa chứng minh được nhãn hiệu Vinacafé có trước tên gọi thương mại của Tổng công ty cà phê Việt Nam thì có thể nhờ pháp luật để yêu cầu Tổng công ty cà phê Việt Nam dùng tên gọi khác thay cho Vinacafe. Luật sở hữu trí tuệ không căn cứ trên kiểu chữ mà căn cứ bằng phát âm tên gọi”, ông Chướng nói.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tên gọi Vinacafe đã được ông đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ vào năm 1982 để làm tên giao dịch của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam khi giao dịch với các đối tác nước ngoài ở thời điểm đó, cụ thể là các công ty xuất nhập khẩu của Liên Xô (cũ).
Ngoài ra, việc nhờ pháp luật phân định ai là chủ sở hữu Vinacafe như ý kiến của ông Chướng nêu trên còn gặp một khó khăn khác: hiện thời Vinacafe vẫn là cổ đông lớn của CTCP Vinacafe Biên Hòa, và Chủ tịch HĐQT của Vinacafe, ông Đoàn Đình Thiêm, cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CTCP Vinacafe Biên Hòa và chắc chắn ông Thiêm sẽ rất khó xử nếu hai doanh nghiệp này không tự dàn xếp được với nhau.
Bất đồng về tên gọi Vinacafe giữa tập đoàn Vinacafe và CTCP Vinacafe Biên Hòa cũng đặt ra một kinh nghiệm mà các doanh nghiệp cần tham khảo khi xây dựng và định vị thương hiệu, tránh những nhầm lẫn và tổn thất không đáng có.
Theo Ngọc Hùng
TBKTSG

Ngành ngân hàng: Nhân viên đối mặt nguy cơ thất nghiệp


Trước yêu cầu tái cơ cấu hệ thống và lợi nhuận đang sụt giảm, nhiều lãnh đạo ngân hàng tin chắc sẽ phải sàng lọc và nói lời chia tay nhiều nhân sự.
Sắp tới, nhiều ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu và việc thanh lọc đội ngũ nhân sự là không tránh khỏi. Ảnh minh họa: Anh Quân.
Sắp tới, nhiều ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu và việc thanh lọc đội ngũ nhân sự là không tránh khỏi. Ảnh minh họa: Anh Quân.

Theo kết quả khảo sát về cung - cầu nhân lực ngân hàng - tài chính do Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) và Hay Group thực hiện, trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Như vậy sẽ có khoảng 12.000 sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Còn trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không được tuyển sẽ khoảng 13.000 người.

Trao đổi về những lo ngại lượng lớn nhân viên ngân hàng sẽ thất nghiệp do cung vượt cầu trong vài năm tới, giám đốc khối nhân sự tại một công ty cổ phần ở Hà Nội cho rằng có thể con số sinh viên không tìm được vị trí trong ngân hàng còn nhiều hơn cuộc khảo sát trên cung cấp. Nữ giám đốc nhân sự này nhận định: "Vài năm tới, sau một đợt tăng trưởng nóng về số lượng nhân viên ngân hàng thì chắc chắn sẽ có một lượng dư cung nhất định. Tuy nhiên, nhân sự cao cấp thì vẫn vô cùng hiếm hoi. Do đó, việc có phải sa thải một loạt nhân viên kém năng suất để đón về một hai nhân viên cấp trung - cao, chúng tôi cũng đồng tình".

Không riêng gì sinh viên mới ra trường, bản thân những nhân viên đang làm việc tại các nhà băng cũng đối mặt với nguy cơ "dừng cuộc chơi" trước yêu cầu tái cơ cấu ngân hàng và bài toán doanh thu sụt giảm. Ông Lưu Trung Thái - nguyên phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), người đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Quân đội (MBS) - thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hiện nay là doanh thu, các chỉ tiêu kinh doanh giảm, nên phải điều chỉnh kế hoạch về chi phí.

"Thậm chí, kể cả trong điều kiện kết quả kinh doanh tốt, có thể chính sách nhân sự mỗi nơi khác nhau nhưng tôi tin các tổ chức, ngân hàng đều xác định tỷ lệ sàng lọc nhất định, thường tiêu chuẩn là 5-10%", ông Thái cho biết.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cũng cho rằng, có thể một số ngân hàng sẽ tiến hành song song với quá trình chọn lọc là sắp xếp lại nhân sự phù hợp. Với tư cách là Chủ tịch Viện Nhân lực ngân hàng tài chính, ông Vinh cũng thừa nhận: "Có thể độ 'hot' của ngành ngân hàng sẽ giảm đi. Hơn nữa, ngân hàng ngày hôm nay không phải giống 10 năm trước. Nếu vẫn áp dụng, làm việc hành xử như những gì làm trong quá khứ thì không ổn".

Chia sẻ với chúng tôi, CEO của VPBank nói một cách tếu táo nhưng khá thẳng thắn: "Kể cả thế hệ như chúng tôi cũng đã già rồi, cần phải thay đổi và phải xây dựng một đội ngũ mới, trẻ trung hơn, giỏi giang hơn".

Trong tình cảnh một công ty buộc phải cắt giảm chi phí ồ ạt và đối mặt sự sống còn, câu chuyện "bỏ ai, giữ ai" cũng khiến các lãnh đạo ngân hàng đau đầu. Theo họ, việc thực thi một chính sách cắt giảm nhân sự vấp phải rất nhiều thách thức. "Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là việc sẽ mất đi những người xuất sắc", ông Thái tâm sự.

Bà Vũ My Lan - Tổng giám đốc Công ty AON Việt Nam - lại đưa ra quan điểm rất cứng rắn và có phần trái ngược: "Nếu đã có những nhân viên xuất sắc thì không bao giờ tôi để mất họ. Tái cấu trúc không có nghĩa là cắt bỏ một bộ phận không hiệu quả mà là chỉ là sàng lọc chất lượng". Tuy nhiên, bà My Lan cũng nhấn mạnh, bà sẽ còn quan tâm đến "chất của con người" để đưa ra quyết định sa thải, sàng lọc.

Nên nói gì và làm gì với các nhân viên khi sa thải họ là điều vô cùng khó khăn đối với các vị lãnh đạo ngân hàng. Do đó, bà Huỳnh Ngọc Trúc - Giám đốc nhân sự Ngân hàng HSBC - cho rằng mỗi ngân hàng cần hoạch định một kế hoạch truyền thông rõ ràng, trong đó kể cả những cách thức về mặt tình cảm trước khi thực thi kế hoạch cắt giảm.

Nguyên nhân là người Việt Nam chưa có văn hóa về cái gọi là "tái cấu trúc" và dễ "sốc" trước những thông tin về sàng lọc nhân sự. "Khi nghe đến cụm từ 'tái cấu trúc', phản ứng thông thường của họ rất tiêu cực. Với những doanh nghiệp ở Việt Nam, trước khi định tái cấu trúc thì nên hoạch định một kế hoạch về truyền thông rõ ràng để nói chuyện với họ", bà Trúc phân tích và nhấn mạnh việc phải thanh lọc đội ngũ trong bối cảnh này là bình thường.

Để việc cắt giảm nhân sự không trở nên quá nặng nề, theo ông Lưu Trung Thái, điều quan trọng nhất các lãnh đạo phải làm được với nhân viên là sự chân thành. "Một người tổng giám đốc khi tuyên bố sa thải, cắt giảm nhân sự thì cần tạo dựng một sự công bằng. Quan trọng hơn là bằng sự chân thành để họ hiểu được đây là điều phải làm. Cuối cùng, chúng ta cũng nên cố gắng hết mình để tạo được điều kiện tốt hơn cho người ra đi", ông Lưu Trung Thái chia sẻ.

5-7 năm gần đây, ngân hàng trở thành một trong những ngành được trả lương cao nhất và được chính những người trong ngành gọi là "những năm vàng của ngành ngân hàng". Tuy nhiên, bà Ngọc Trúc thì thẳng thắn cho rằng các nhân sự ngành này đang may mắn bởi họ đã được trả mức lương cao hơn giá trị hiện có. "Những người ở vị trí cao, quản lý hay chuyên viên tư vấn cho khách hàng cấp cao như ở Singapore, phải cần ít nhất 5-10 năm mới được tư vấn về tài chính cho ngân hàng. Trong khi ở Việt Nam, đa số lại chỉ cần 5 hoặc 6 tháng là đã có thể làm ở vị trí này", bà dẫn chứng.

Do đó, Giám đốc nhân sự HSBC cho rằng việc tái cấu trúc là nên làm. Theo bà, không thể phát triển mãi trong khi khả năng phát triển con người có giới hạn. Bà Huỳnh Ngọc Trúc lấy ví dụ trường hợp của ngân hàng mình: "Năm nay HSBC quyết định sẽ không phát triển về số lượng con người, thậm chí là có chiến lược sàng lọc".

Theo Thanh Thanh Lan
vnexpress

Tốt nghiệp đại học, đi làm… bù nhìn canh ruộng


Thu nhập 400 USD/tuần.

Chàng sinh viên 22 tuổi JamieChàng sinh viên 22 tuổi Jamie
Một sinh viên 22 tuổi người Anh mới ra trường đã quyết định chọn cho mình một công việc không giống ai, đó là làm bù nhìn trông ruộng.

Chàng trai Jamie Fox vừa tốt nghiệp đại học Bangor với chuyên ngành âm nhạc và tiếng Anh. Tuy nhiên trước khi tìm được công việc mình yêu thích trong ngành kinh doanh âm nhạc, Jamine lại thích thú hơn khi khoác trên mình bộ cánh màu cam và đóng giả làm một chú bù nhìn trên cảnh đồng hoa cải dầu ở hạt Norfolk, miền đông nước Anh.
Jamie thích thú chia sẻ, các bác nông dân nói với tôi: “Cháu hãy mang theo một chiếc ghế và một cuốn sách hay”.
Giờ đây, chàng trai này đang tận hưởng những giây phút thanh bình và yên tĩnh, trong bầu không khí trong lành vừa đọc sách và nghe nhạc hay chơi đàn trong suốt ca làm việc kéo dài 8 tiếng đồng hồ. “Tôi ngồi và đọc sách suốt. Tuy nhiên khi thấy con gà gô nào bén mảng tới là tôi lại đứng dậy và đuổi chúng đi”, Jamie nói.
Jamie trong bộ trang phục làm bù nhìn
Jamie trong bộ trang phục làm bù nhìn

Với việc đóng giả làm bù nhìn rơm như thế này, mỗi tuần Jamie kiếm được 250 Bảng Anh (tương đương 400$). Với mức lương như vậy, Jamie khiến cho vài người bạn của anh không khỏi phải ghen tỵ.
Ngoài ra, người nông dân thuê Jamie cũng vui hơn không kém bởi trước đây khi chưa có anh “bù nhìn di động” này, cây cối trên cánh đồng của ông luôn bị phá hoại bởi những chú gà gô. Ông nói: “Giờ thì bạn có thể thực sự nhìn thấy sự khác biệt. Jamie đã làm việc rất tốt”.
Theo Anh Khôi
Dân Trí/Odd

10 công ty có chế độ đãi ngộ hào phóng đáng ghen tị


Miễn phí các khóa học lặn, tài trợ 100% chi phí học thêm, trang bị bể bơi, trung tâm thể dục thẩm mỹ tại nơi làm việc…

Đây đang là những chiêu “độc” để thu hút người tài mà các công ty danh tiếng tại Mỹ áp dụng khiến ai cũng dễ phải ghen tị.
Những công ty được liệt vào hàng nơi làm việc đáng mơ ước nhất thường có một điểm chung đó là: chế độ đãi ngộ khiến ai cũng phải xiêu lòng. Và quả thực với những ưu đãi mà các công ty sau đây đang dành cho nhân viên, sẽ khó ai lại không ao ước được đầu quân cho họ.
1. Boston Consulting Group
Theo website của BCG, công ty này “dành tới hơn 100 giờ và hàng nghìn USD để tuyển dụng mỗi chuyên gia tư vấn”. Và do vậy họ sẵn sàng dành cho họ chế độ đãi ngộ “khủng” với việc thanh toán 100% bảo hiểm y tế cho nhân viên. 
“Thu hút những tài năng hàng đầu và duy trì môi trường làm việc trong đó mỗi người có thể phát triển nhanh chóng chính là điểm then chốt trong thành công của chúng tôi cũng như khả năng đem lại giá trị cao cho khách hàng”, Rich Lesser, chủ tịch khu vực Bắc và Nam Mỹ của BCG khẳng định.

2. Chesapeake Energy

Chesapeake Energy Corp là một trong những nhà sản xuất khí gas lớn nhất nước Mỹ. Và nếu là nhân viên của Chesapeake bạn sẽ được học lặn miễn phí. Ngoài ra một trung tâm thể dục thể thao rộng gần 6700 m2 trong đó có một bể bơi chuẩn Olympic, một sân bóng chuyền bãi biển, khu leo núi nhân tạo và một đường đi bộ dài hàng trăm met cũng là những dịch vụ bất kỳ nhân viên nào cũng có thể sử dụng. Bạn còn mong muốn gì nữa?

3. SAS Institute
Suốt 14 năm qua SAS luôn nằm trong danh sách 100 công ty đáng đầu quân nhất thế giới của tạp chí Fortune. Và công ty này khẳng định “nếu bạn đối xử với nhân viên như thể họ là người khác biệt thì họ sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt”. Bởi vậy các nhân viên của SAS được rất nhiều chế độ đãi ngộ như: được hỗ trợ khi sử dụng dịch vụ chăm sóc con nhỏ, được nghỉ ốm không giới hạn. Ngoài ra công ty còn có một trung tâm trăm sóc sức khỏe miễn phí và rất nhiều đội thể thao nội bộ.
CEO Jim Goodnight của SAS khẳng định: “chúng tôi tạo ra một văn hóa khuyến khích sự đổi mới, khuyến khích nhân viên thử sức với những lĩnh vực mới nhưng không trừng phạt họ khi họ nắm lấy cơ hội và một văn hóa quan tâm tới sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như sự nghiệp của họ”.

4. Cisco Systems
Là “gã khổng lồ” của ngành phần mềm thế giới, Cisco Systems xây dựng hẳn một trung tâm chăm sóc sức khỏe có tên LifeConnections Health Center. Đây không chỉ là một trung tâm thế dục cho nhân viên mà còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các liệu pháp về thể lực và châm cứu.

5. Google, Inc.
Suốt 6 năm qua Google luôn đứng trong Top 5 “Doanh nghiệp đáng để đầu quân nhất”. Để giữ được danh hiệu này Goolge đã không tiếc tiền chi cho các chế độ đãi ngộ, phúc lợi. Bất kỳ lúc nào các nhân viên của công ty này cũng có thể ra sân chơi bóng mềm, chơi bowling hay xuống căng-tin thưởng thức vô số loại đồ ăn. 

CEO Larry Page khẳng định: “Khi bạn đối xử tốt với nhân viên bạn sẽ nhận được năng xuất cao hơn. Thay vì quan tâm họ làm việc bao nhiêu giờ hãy chú ý tới năng suất. Chúng ta nên tiếp tục đổi mới mối quan hệ với nhân viên và tìm ra những điều tốt nhất có thể làm cho họ…”.



6. Intuit
Công ty phần mềm có trụ sở tại California luôn muốn nhân viên biết tự chăm sóc cho bản thân và có nhiều sáng kiến để đảm bảo mục tiêu này. Tại hầu hết các văn phòng của Intuit đều có một phòng tập thể dục. Ở những nơi không thể trang bị, nhân viên của Intuit sẽ được trả 650 USD/năm khi đăng ký các CLB thể dục.

Những ai muốn học cao hơn, công ty cũng sẵn sàng chi tới 5000 USD/năm cho các khóa học giúp ích cho công việc. Bạn thấy vẫn còn ít? Tùy vào địa điểm làm việc các nhân viên của Intuit có thể được hưởng các dịch vụ giặt khô, các lớp yoga, mat-xa tại chỗ hay thay dầu xe hơi ngay tại nơi làm việc.

7. J.M. Smucker Company
Ngay khi trúng tuyển vào Smucker's, nhân viên mới sẽ được nhận một giỏ quà gửi thẳng về nhà. Những nhân viên khác thì có thể tham gia các trận đấu bóng mềm hay bowling vào buổi tối. Với những ai muốn học thêm Smucker's luôn khuyến khích và sẵn sàng chi trả 100% học phí dù có tốn kém tới đâu.


8. Starbucks Coffee
Các nhân viên mới tại Starbucks ngay lập tức sẽ được gọi là đối tác và website của công ty có tới hơn 50 CLB đối tác cùng các mạng lưới giúp nhân viên chia sẻ sở thích, tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Công ty thường tổ chức các giải đấu thể thao, các CLB ngoại ngữ và cả dịch vụ dành cho cha mẹ nhân viên. Và tất nhiên bạn sẽ được nhận nửa ký cà phê mỗi tuần để thoải mái nhâm nhi.

9. Loadspring Solutions
Các nhân viên làm việc tại LoadSpring có thâm niên từ 2 năm trở lên sẽ được nhận 5000 USD tiền thưởng cộng thêm một tuần đi nghỉ để du lịch nước ngoài. “Nó gửi đi một thông điệp tới các nhân viên mới rằng công ty thực sự quan tâm đến họ và muốn họ đi đây đó để nhìn nước Mỹ từ những góc nhìn khác”, nhà sáng lập kiêm CEO Eric Leighton khẳng định.

10. Zynga
Là nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến nổi tiếng trên các mạng xã hội, Zynga luôn đảm bảo rằng các nhân viên của mình được no đủ. Bởi vậy mọi nhân viên đều được cung cấp các bữa ăn trưa, ăn tối và đồ ăn vặt hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra tại khu giải trí của công ty bạn sẽ thấy rất nhiều các máy chơi game thời thượng như Nintendo, Xbox 360 hay PS3. Và nếu bạn muốn mang theo cún cưng đến nơi làm việc thì cũng không có gì đáng ngại bởi đã có người sẵn sàng chăm sóc thú cưng cho bạn.

Theo Thanh Tùng
Flag Counter