Chủ nhân của ngôi chợ này thuê hẳn
hàng nghìn m2 để trưng bày sản phẩm. Còn khách hàng mỗi lần đến đây dễ
quên đường về bởi "ma trận" đồ cũ với đủ thứ trên đời.
“Siêu thị” đồ cũ
"Siêu thị" đồ cũ ở chợ đầu mối Thăng Long, ngay phía dưới chân cầu
Thăng Long (xã Hải Bối - Đông Anh - Hà Nội). Nhìn bề ngoài, khu chợ
trông không có gì đặc biệt, phía bên ngoài là nơi bán hàng nông sản của
các tiểu thương ở chợ đầu mối và ngổn ngang các loại đồ cũ nằm phơi
nắng.
"Những cái này đang chờ để được phục chế và lên đời", tỏ ra là người
thông thạo, Quân đưa chúng tôi thăm quan khu chợ có một không hai ở Hà
thành.
Một góc chợ đồ cũ (ảnh lớn).
Chân dung "lão gàn đồng nát" Nguyễn Văn Thưởng (ảnh nhỏ).
"Chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) có khi không nhiều hàng bằng ở đây", một
ông bạn tôi nhận xét. Quả thật, khi đã lạc vào "ma trận" hàng hóa đồ cũ ở
đây thì khó dứt mắt ra được. Quan sát toàn bộ hàng hóa trưng bày tại
chợ, chúng tôi choáng ngợp bởi sự phong phú, đa dạng của nó.
Gian hàng "điện tử điện lạnh" với đầy đủ các loại điều hòa, tủ lạnh,
loa, các thiết bị âm thanh với nhiều chủng loại, kích cỡ và cả tuổi đời
của nó. Tất nhiên chúng đều là hàng second hand. Ấn tượng nhất vẫn là
khu vực bán đồ gia dụng, ở đây có rất nhiều sản phẩm có từ trước thời
bao cấp, trông rất cũ nhưng vẫn sử dụng tốt. Mấy chiếc quạt cóc, quạt
tai voi khi cắm điện vẫn chạy ro ro.
Độc đáo nhất là mấy chiếc ti vi "nội địa" (thực chất là ti vi "xách
tay" từ Nhật về những năm trước đổi mới người dân vẫn quen gọi là ti vi
nội địa) với chiếc ăn ten râu nhưng vẫn thu hình ngon lành.
Vừa dừng chiếc ô tô hiệu Camry, anh Hùng (Ba Đình - Hà Nội) thong thả
lượn một vòng trong chợ đồ cũ vừa ngắm vừa chọn đồ. Anh Hùng chia sẻ:
"Tôi mới biết đến chợ đồ cũ này được mấy tháng, nhưng hầu như chủ nhật
nào tôi cũng qua đây tìm mua cho mình vài món đồ. Lúc thì cái ghế độc,
hôm thì vài ba cái bát sứ, có hôm chả mua gì nhưng tôi cũng lượn qua đây
xem có gì hay không".
Chị Mai (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) một trong những khách ruột của chợ đồ
cũ cho biết: "Tháng trước tôi xây nhà nghỉ, được một người bạn bảo xuống
đây sắm đồ đạc vừa nhiều lại vừa rẻ. Ở đây tuy là đồ cũ nhưng nhiều thứ
vẫn dùng tốt, giá lại rẻ, thời buổi này tiết kiệm được đồng nào hay
đồng ấy em ạ".
Đồng nát thời @
Sau khi nhắm được một số sản phẩm ưng ý, Quân dẫn chúng tôi gặp "lão
gàn" là ông chủ của "siêu thị" đặc biệt này. Khác với tưởng tượng ban
đầu của chúng tôi về một "dị nhân", ông Nguyễn Văn Thưởng - chủ chợ
trông thư sinh và hiền lành đến bất ngờ.
Từng là một quân nhân, sau khi giải ngũ, ông Thưởng lao vào làm kinh
tế, lúc đầu mở cây xăng, sau lại mở nhà máy nấu bia. Nhưng thế thời thay
đổi, bia tư nhân không cạnh tranh được với các hãng bia lớn, ông Thưởng
bán nhà máy ở quê (Tân Yên - Bắc Giang) để xuống Hà Nội lập nghiệp.
"Mỗi người có một cách nhìn khác nhau, tôi quan niệm không có thứ gì
là bỏ đi cả. Một viên gạch vỡ nếu để đúng chỗ nó vẫn có giá trị và có
lợi, còn nếu để không đúng chỗ thì nó là thứ vứt đi, thậm chí là có
hại", ông Thưởng nói.
Sau khi đóng cửa nhà máy bia ở Bắc Giang, ông Thưởng về Hà Nội mở
dịch vụ vận chuyển, dọn dẹp nhà. Trong quá trình làm, ông thấy nhiều gia
đình thay đổi đồ dùng rất lãng phí, trong khi đó nhiều người khác lại
không có mà dùng.
Thế là ông cùng với nhân viên đề nghị gia chủ trả công bằng... hiện
vật, nghĩa là không lấy tiền công mà xin lấy đồ cũ gia chủ thải ra để
mang về tu sửa lại và đem bán.
"Khi quyết định buôn đồ cũ và lập ra khu chợ này, tôi muốn thay đổi
suy nghĩ của một bộ phận người dân từ người nghèo cho tới người giàu. Đó
là không có thứ gì là vứt đi, tôi muốn đây sẽ là địa điểm trung gian để
những người có mang ra bán hoặc trao đổi cho người cần. Nếu vứt đi thậm
chí còn gây ô nhiễm môi trường, còn nếu mang đi bán biết đâu lại mang
đến niềm vui cho người khác, ông bà ta vẫn thường bảo "cũ người mới ta"
mà", ông Thưởng cho biết.
Sau mấy năm tồn tại, chờ đồ cũ của lão gàn đồng nát đã thu hút hàng
vạn người đến mua sắm. Đặc biệt thời gian gần đây, kinh tế càng khó khăn
thì những ai mở văn phòng, quán ăn, cà phê... đều rỉ tai nhau đi chợ đồ
cũ của lão gàn đồng nát.
Với giới kinh doanh thì thế, người bình dân cũng muốn tìm đến đây để
có cơ hội mua được những sản phẩm tốt với giá mềm mà nếu mua mới họ
không đủ tiền. Nhiều khách hàng đi mua đồ mới nếu có hỏng hóc mà cần đến
bảo hành nhiều khi cũng phải khóc dở mếu dở bởi dịch vụ bảo hành.
Dù là đồ cũ nhưng trước khi bán cho khách hàng ông Thưởng luôn chỉ
đạo nhân viên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bàn giao và cũng bảo hành
như... hàng mới.
"Làm nghề bán đồ cũ này phải giữ chữ tín thì mới sống được, chứ
không thể chụp giật được, nếu khách hàng quay lưng thì chỉ còn cách đứng
ôm mớ đồ cũ mà khóc", "đại gia đồng nát" hóm hỉnh chia sẻ.
Theo NĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét