Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Chân dung đại gia thưởng Tết nhân viên hậu hĩnh nhất

Không ầm ĩ như nhiều ông lớn khác nhưng Tập đoàn C.T Group mới là doanh nghiệp để lại ấn tượng mạnh nhất trong năm 2012.

Kinh tế khó khăn, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp đều sụt giảm, thậm chí có không ít trường hợp lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Vì vậy, từ nhiều tháng trước, mối lo thưởng Tết thấp, thậm chí là không có đã giành được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.

Chính vì vậy, khoản tiền thưởng lên tới 8 tỉ 200 triệu đồng mà Tập đoàn đưa ra được xem là một trong những sự kiện "sốc" nhất, ấn tượng nhất trong năm 2012. Dư luận xã hội "sốc" bởi số tiền quá lớn nhưng cũng vì cái tên C.T Group quá lạ lẫm! Vậy, "hình dạng" Tập đoàn C.T Group như thế nào?
Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch HĐQT C.T Group.

C.T Group đã có bề dày lịch sử 20 năm và tham gia hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ cao cấp, đầu tư tài chính, ẩm thực, giải trí, y tế, giáo dục, khai khoáng, du lịch,… C.T Group hiện có 36 công ty thành viên trên khắp cả nước với hơn 2.000 nhân viên.
Năm 2007, Tập đoàn C.T Group đã được tạp chí "The Wall Street Journal" của Mỹ bình chọn là "Móng vuốt của con rồng Việt Nam". Như vậy, những lĩnh vực hoạt động của C.T Group đều là "hàng nóng" của nền kinh tế Việt Nam những năm qua. Và đằng sau con số thưởng khủng trên đã cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ trong khó khăn thì vẫn có thể gặt hái được thành công.
Điều này cũng từng được ông chủ của C.T Group là ông Trần Kim Chung khẳng định khi đã ví von rằng: Vì sao hàng triệu trái tim người hâm mộ trên khắp thế giới yêu thích và có cảm giác an tâm với bóng đá Đức? Họ không tấn công ồ ạt như "cơn lốc màu da cam" Hà Lan để khi đối thủ phản đòn, hàng phòng ngự của "cơn lốc" bị xé tan, mà với lối đá từ tốn, có trật tự, chiến thuật phòng thủ, tấn công rất rõ ràng và đặc biệt là tinh thần đồng đội, người Đức luôn chứng tỏ được đẳng cấp của mình.
Ông Trần Kim Trung là một người có vẻ ngoài rất lịch lãm, trẻ trung, cho dù đã có gần 30 năm lăn lộn trên thương trường. Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông cho biết khi mới 14 tuổi, giữa lúc kinh tế nước nhà đang trong thời bao cấp, đồng lương công chức và nhà giáo ít ỏi của bố mẹ ông không đủ trang trải chi tiêu cho cả gia đình. Ông quyết định liên kết với xưởng sản xuất kem của ông chú để mở một cơ sở nhỏ làm bánh kem. "Vạn sự khởi đầu nan", ông một mình hì hụi vừa tự sản xuất bánh, vừa tự đóng gói và kiêm luôn nhiệm vụ đi bán.
Ông kể, thời gian đầu, nhiều đêm quay về nhà với thùng bánh vẫn còn nguyên, ngẫm mà buồn đến phát khóc. Dần dà, sự kiên trì của "ông chủ nhỏ" đã nhận được phản hồi tốt từ thị trường, khi khách hàng tìm đến tận nhà để mua hàng. Ấy vậy, công việc tưởng suôn sẻ lại bỗng dưng dậy sóng, khi một đối thủ mạnh đã xuất hiện với kỹ thuật tốt và vốn mạnh hơn, khiến ông ngậm ngùi đóng cửa cơ sở sau 2 năm hoạt động. Đó bài học đầu đời về sự cạnh tranh trên thương trường.
Ấp ủ hy vọng tiếp tục giấc mơ kinh doanh dang dở, ngay năm đầu tiên trở thành sinh viên Khoa Ngoại thương Trường đại học Kinh tế TP.HCM, ông đã cùng nhóm bạn chắt góp chút vốn mở nhà hàng và cung cấp suất ăn công nghiệp. Đây là thời kỳ "lưu dấu" những kỷ niệm gian khó của ông , vì nền kinh tế Việt Nam khi đó trong giai đoạn giao thời từ bao cấp sang định hướng thị trường.

Thành tỷ phú từ 1 triệu đồng buôn bán kim chỉ

Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng...
Để có được tài sản lên đến 1,5 tỷ đồng, hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng như hiện nay là quá trình lập nghiệp thật không dễ với chàng thanh niên Tẩn A Sếnh (bản Sèng Làng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu).
Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Ở xã vùng cao Tả Phìn, người dân ai cũng nghèo. Giao thông từ bản này đến bản khác chủ yếu là đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn. Năm 2006, vợ chồng dành dụm được vẻn vẹn 1 triệu đồng, Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng.
Khu sản xuất gạch bi của Tẩn A Sếnh
Vợ chồng Sếnh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng. Có số tiền kha khá, Sếnh không buôn bán nữa mà mua 10 con bò để chăn thả. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các anh, chị Phòng Nông nghiệp huyện, Sếnh đã có kiến thức chăn nuôi đàn bò. Nhờ đó, đàn bò lớn nhanh và bắt đầu sinh sản. Sếnh bán một số bò lấy tiền mua thêm 5 con ngựa và 12 con dê về nuôi. Thu nhập của gia đình Sếnh ngày càng ổn định.
Ở Sìn Hồ, từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã vùng thấp tới 30-60km. Đi xe máy cũng phải mất một ngày mới tới nơi, mà số hàng hóa vận chuyển cũng chẳng được là bao. Năm 2010, Sếnh bán hết bò, ngựa, dê được 150 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng NNPTNT 150 triệu đồng nữa để mua một chiếc ô tô tải chở hàng phục vụ bà con.
Chăm chỉ làm việc cũng là cơ hội để Sếnh được tiếp xúc với nhiều người, được đi đây đi đó. Nhìn lại thấy thanh niên cùng trang lứa với mình còn khổ lắm, Sếnh nghĩ cần phải làm gì đó để giúp đỡ những gia đình trong bản còn khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, Sếnh bàn với vợ vay thêm tiền để mua máy đóng gạch bi về mở cơ sở sản xuất tại nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Cơ sở làm gạch bi của anh bước đầu giải quyết việc làm cho 10 thanh niên trong bản, với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng Sếnh, mỗi năm sau khi trừ đi các chi phí cũng thu về trên 200 triệu đồng.
Năm 2012, Tẩn A Sếnh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng. Tẩn A Sếnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình với mọi người, đặc biệt là các bạn thanh niên. Điện thoại của A Sếnh: 01647811485.
Flag Counter