Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

13 tuổi xuất ngoại, mơ làm chủ trên đất khách

Đến đất khách từ năm 13 tuổi, Mitchell Pham (tên Việt là Phạm Đăng Khoa) đã xác định không làm thuê cho người bản xứ.

Doanh nhân người New Zealand gốc Việt Mitchell Pham (trái). Doanh nhân người New Zealand gốc Việt Mitchell Pham (trái).

Trong gần 5.000 ứng viên đại diện cho nhiều ngành nghề đến từ nhiều nước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh doanh 190 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu vào tháng 3.2011. Trong đó có doanh nhân người New Zealand gốc Việt Mitchell Pham (tên Việt là Phạm Đăng Khoa), nhà sáng lập và Giám đốc của Tập đoàn Công nghệ Phần mềm Augen. Để được vinh danh, ứng viên phải có thành tích nổi bật trong vai trò lãnh đạo ở tầm quốc tế và có những hoạt động phát triển xã hội.

Tập đoàn Augen của Mitchell Pham thuộc nhóm 50 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại New Zealand từ năm 2006. Mitchell Pham cũng là thành viên của mạng lưới doanh nghiệp có ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương khi anh liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các nước trong khu vực hơn chục năm qua. Năm 2011, Mitchell Pham trở thành một trong những CEO gốc Việt được truyền thông thế giới chú ý nhiều nhất.

Mitchell Phạm và Augen Software Group
• Năm 1994: Tốt nghiệp Đại học Auckland, chuyên ngành Công nghệ Thông tin, Tiếp thị và Quản lý.
• Năm 1993: Thành lập Công ty Augen cùng một số người bạn đến từ Hàn Quốc, Đức và New Zealand. Ý tưởng ban đầu là phát triển phần mềm cho ngành giáo dục.
• Cũng trong năm này, Augen có khách hàng đầu tiên là Douglas, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất của Úc. Đó là mốc đánh dấu sự thành công đầu tiên của Augen và Mitchell Pham.
• Năm 2000: Khách hàng lớn của Augen bao gồm ngân hàng, quỹ quản lý nhân lực, tập đoàn công nghiệp nặng, công ty bảo hiểm, công ty sản xuất và ngành giao thông vận tải. Augen đã làm dự án tại các thị trường New Zealand, Úc, Malaysia, Singapore và Anh.
• Tháng 11.2005: Augen mở công ty con tại TP.HCM.

Với anh, việc được vinh danh có ý nghĩa như thế nào?

Vinh dự này đôi khi thật khó tin bởi trong đợt này có khá nhiều người trẻ, theo đánh giá của tôi, là kiệt xuất. Tuy nhiên, đối với tôi, đây là cơ hội có một không hai mà tôi sẽ nắm bắt bằng cả hai tay. Tôi hy vọng trong những năm tới, mạng lưới này sẽ tạo thêm nhiều điều kiện để tôi tiếp tục phát triển cá nhân lẫn doanh nghiệp và công việc xã hội.

Tuy nhiên, niềm vui của chúng tôi là giải thưởng của Augen vừa nhận tại Hồng Kông vào tháng 10.2011 vừa qua. Đó là giải thưởng Red Herring Top 100 Asia Awards, dành cho những doanh nghiệp tiêu biểu tại châu Á-Thái Bình Dương trong lĩnh vực sáng tạo.

Trong Tập đoàn Augen, năm qua có công ty con nào được bán đi và có công ty nào được mua về như kế hoạch anh từng chia sẻ trước đây?

Mục tiêu của tôi và Tập đoàn Augen trong 3 năm qua là phát triển mạnh, bền vững, củng cố nền tảng chúng tôi đã xây dựng lên. Mục tiêu này chúng tôi đã hoàn thành. Những công ty còn lại mạnh hơn trước rất nhiều. Từ nền tảng này, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển 2012-2017, tìm kiếm cơ hội mới ở New Zealand, Úc và châu Á. Trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ có thêm một số công ty con trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch... tùy theo nhu cầu thị trường.

Có phải ngành công nghệ phần mềm đang hồi sinh?

Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, đã có những dấu hiệu lạc quan. Doanh thu công ty tăng 50-100% so với cùng kỳ năm 2011, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao hơn trước thời khủng hoảng. Trong năm nay, Công ty Augen Vietnam sẽ tăng tốc làm sản phẩm riêng cho khách hàng tại New Zealand. Trước năm 2004, Augen chỉ gia công cho khách hàng, nhưng từ sau năm 2004 đến nay, Công ty đã đủ tài lực tự làm sản phẩm mới cho khách hàng.

Châu Á có vẻ là vùng đất hứa cho các tập đoàn công nghệ đến từ châu Âu, Mỹ?

Bạn nói đúng. Tôi cho rằng Việt Nam là vị trí chiến lược để chúng tôi phát triển ra thị trường Đông Nam Á và cả Trung Quốc. Nhiều người hỏi tôi, làm thế nào để gia nhập thị trường Việt Nam tốt nhất. Tôi nói, một doanh nghiệp nhỏ, tài chính có hạn, nên nghĩ đến việc lập văn phòng đại diện, tìm hiểu thật kỹ và tận dụng mọi mối quan hệ, khả năng có thể. Hãy thường xuyên đến thăm các nước châu Á, ở lại đó vài tuần, đong đếm cảm giác của một nhà kinh doanh và chớp ngay cơ hội khi có thể. Thị trường này phong phú và luôn có sự mới mẻ nên đừng quá ngần ngại rồi đánh mất cơ hội.

Chọn đầu tư tại châu Á, anh có tiên liệu những rủi ro có thể xảy ra?

Khi vào thị trường mới lúc nào cũng có nhiều rủi ro, cho nên chúng tôi không bao giờ tự làm một thân một mình. Chiến lược cơ bản của chúng tôi là bắt tay, hợp tác, làm chung và chia sẻ lợi nhuận. Augen có khả năng làm việc được với cả hai nền văn hóa Đông và Tây, giữa châu Úc và châu Á. Đây là một sức mạnh lớn mà chúng tôi sẽ luôn tìm cách áp dụng tối đa, từ lúc nghiên cứu cho đến khi khai thác thị trường. Làm việc chặt chẽ với cả hai bên tạo cho chúng tôi nhiều điều kiện để tiên liệu và quản lý rủi ro.

Trở lại với câu chuyện ngày xưa. Anh đến New Zealand năm 13 tuổi. Theo anh, điều gì khiến một người trẻ gặp nhiều khó khăn nhất khi gia nhập một cộng đồng mới?

Tôi nói thế này có thể bạn không tin. 13 tuổi hay không 13 tuổi, tôi đã mơ làm chủ chứ không làm thuê cho người bản xứ. Tôi đã mơ như vậy dù tại thời điểm đó, tôi còn phải chạy ăn từng bữa. Tôi nghĩ tất cả những khó khăn chỉ là những thử thách ý chí của mình, miễn là bạn có quyết tâm để hòa nhập và trưởng thành.

Bí quyết nào để cậu bé 13 tuổi thực hiện giấc mơ đó?

Tính kiên cường. Chăm chú bước đi thì trước sau gì cũng sẽ đến.

Vậy khi đã trở thành ông chủ rồi, anh còn mơ gì nữa không?

Còn chứ, tôi mơ phải mang kinh nghiệm, kiến thức, khả năng và phương tiện này về làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, giấc mơ đó đến không nhanh như tôi mong muốn. Augen được thành lập tại New Zealand từ năm 1993 nhưng đến năm 2005, tôi mới mở được công ty con tại Việt Nam và xây dựng mô hình hoạt động quốc tế cho chuẩn thì chỉ mới được từ 2 năm trở lại đây.

Theo Hằng Nga 
NCĐT

Xuất ngoại làm thuê, về quê làm ông chủ

Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C. Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C.
Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Ông chủ tiệm vàng

Anh Đặng Huy Dũng, sinh năm 1974, quê xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xuất ngoại sang Hàn Quốc làm việc năm 2003. Trước khi đi, anh Dũng làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh.

Ở vùng quê nghèo Cẩm Lộc, ngoài làm ruộng, anh Dũng cũng như số đông thanh niên trong xã không biết phải làm gì để tăng thu nhập cho gia đình. Trăn trở mãi, anh quyết định đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Thời điểm 2003, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) lan về các xã, huyện trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, vì quá nghèo, hàng ngàn thanh niên ở khắp các làng quê nghèo của Hà Tĩnh đã tìm đường ra nước ngoài để làm giàu bằng con đường XKLĐ.

Người vay được nhiều tiền thì chọn thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc; người không vay được tiền chọn các thị trường chi phí thấp như Malaysia.

Sau khi quyết định lựa chọn thị trường Hàn Quốc, anh Dũng bàn với gia đình tiến hành huy động tiền trong họ hàng. “Khi sang Hàn Quốc, tôi được vào làm ở một nhà máy điện tử.

Công việc và thu nhập rất tốt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, cất giữ được khoảng hơn 1.000 USD” - anh Dũng cho biết. Quãng thời gian gần 5 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Dũng chi tiêu tiết kiệm và đã gửi về nhà được khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá, không còn túng quẫn nữa.

Sau khi về nước, anh Dũng nghĩ nếu tiếp tục không có việc làm thì tiền có nhiều mấy rồi cũng hết. Bằng kinh nghiệm học hỏi được khi còn làm việc ở Hàn Quốc, anh đầu tư thời gian đi học nghề chế tác vàng trang sức. “Nếu làm được nghề vàng thì cuộc sống gia đình mới trở nên giàu có” - anh Dũng nói.

Trong quá trình học chế tác vàng, anh Dũng đồng thời quyết định mua đất xây nhà, lấy vợ. Căn nhà hai tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ nằm ở mặt tiền đường quốc lộ giờ bán cũng bạc tỷ.

Năm 2011, anh Dũng bỏ ra gần 3 tỷ đồng đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc Dũng Thương.

“Được cơ ngơi như ngày nay là nhờ khoản tiền tích lũy khi còn làm việc ở nước ngoài. Trước đây, có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ mình sẽ xây được nhà, mở được cửa hàng vàng...” - anh Dũng vui vẻ.

Anh còn khoe rằng chị Thương - vợ anh vừa sinh một bé trai kháu khỉnh. Cửa hàng vàng Dũng Thương giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân trong xã.

“Ở xã Cẩm Lộc, không phải ai cũng làm được như anh Dũng. Tài sản bạc tỷ của anh chị Dũng - Thương là giấc mơ của nhiều người dân nghèo nơi đây khi quanh năm chỉ trông cậy vào vài sào ruộng” - chị Nguyễn Thị Mơ, một người bạn thân thiết của anh Dũng cho biết.

Đại gia cho thuê xe tự lái

Anh Đinh Viết Thành, sinh năm 1978, giờ đã thành người nổi tiếng trong giới cho thuê xe tự lái ở TP Vinh (Nghệ An). Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành của anh giờ đã trở thành địa chỉ cho thuê xe ô tô tự lái lớn vào loại nhất nhì thành phố này.

Quê ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), một vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi. Sau khi học hết cấp ba, không công ăn việc làm, anh Thành rời quê nghèo xuống TP Vinh kiếm việc làm.

Không nghề, không đồng vốn trong tay nên làm gì cũng khó. “Làm bưng bê ở quán cà phê suốt ngày mà mỗi tháng chỉ được 600 ngàn đồng” - anh Thành nói.

Trong khi đang chán nản, có người khuyên anh nên đi XKLĐ Hàn Quốc. Sau khi suy nghĩ thiệt hơn, anh về bàn với bố đi cắm sổ đỏ để có tiền ra Hà Nội ăn học. Trong đầu luôn nung nấu ý chí là phải bằng mọi giá để sang được Hàn Quốc làm việc.

Năm 2002, khi mới tròn 24 tuổi, anh Thành sang Hàn Quốc. “Làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng có thu nhập từ 1.000-1.500 USD. Ông chủ quý nên truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý trong kinh doanh” - anh Thành nói.

Từ khi còn làm việc tại Hàn Quốc, anh Thành đã ấp ủ ước mơ trở thành ông chủ. Để biến giấc mơ thành sự thật, anh Thành gửi tiền về nhà, nhờ bố mua một mảnh đất 90m2 tại đường Trần Hưng Đạo (phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An).

Với số tiền tích cóp được hơn 1,2 tỷ đồng, khi về nước, anh mua vàng và xây dựng nhà để sau này mở văn phòng công ty.

Nhận biết tại TP Vinh nhu cầu người dân đi lại rất lớn, trong khi các cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái lại đang trong tình trạng manh nha, toàn xe cũ nên không thu hút được khách hàng.

Sau khi ra Hà Nội tham khảo các mô hình cho thuê xe ô tô tự lái, anh Thanh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành. Hiện, doanh nghiệp của anh Thành có hàng chục chiếc xe ô tô cho thuê tự lái có trị giá 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng/xe.

Để làm hài lòng thượng đế, anh Thành chủ yếu mua xe mới. Xe của doanh nghiệp Hải Thành có đủ mọi chủng loại từ 4 đến 7 chỗ như: Getz, Lacetti, Innova, Kia Forte, Mercedes Benz...

Theo Phong Cầm
Tiền Phong Online
Flag Counter