Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Xuất ngoại làm thuê, về quê làm ông chủ

Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C. Anh Thành (giữa) đang trao đổi với khách hàng có nhu cầu thuê xe. Ảnh: P.C.
Nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về đã tạo dựng cơ đồ bạc tỷ, trở thành những ông chủ thực sự giàu có ở các vùng quê nghèo.

Ông chủ tiệm vàng

Anh Đặng Huy Dũng, sinh năm 1974, quê xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xuất ngoại sang Hàn Quốc làm việc năm 2003. Trước khi đi, anh Dũng làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh.

Ở vùng quê nghèo Cẩm Lộc, ngoài làm ruộng, anh Dũng cũng như số đông thanh niên trong xã không biết phải làm gì để tăng thu nhập cho gia đình. Trăn trở mãi, anh quyết định đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Thời điểm 2003, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) lan về các xã, huyện trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, vì quá nghèo, hàng ngàn thanh niên ở khắp các làng quê nghèo của Hà Tĩnh đã tìm đường ra nước ngoài để làm giàu bằng con đường XKLĐ.

Người vay được nhiều tiền thì chọn thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc; người không vay được tiền chọn các thị trường chi phí thấp như Malaysia.

Sau khi quyết định lựa chọn thị trường Hàn Quốc, anh Dũng bàn với gia đình tiến hành huy động tiền trong họ hàng. “Khi sang Hàn Quốc, tôi được vào làm ở một nhà máy điện tử.

Công việc và thu nhập rất tốt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, cất giữ được khoảng hơn 1.000 USD” - anh Dũng cho biết. Quãng thời gian gần 5 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Dũng chi tiêu tiết kiệm và đã gửi về nhà được khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá, không còn túng quẫn nữa.

Sau khi về nước, anh Dũng nghĩ nếu tiếp tục không có việc làm thì tiền có nhiều mấy rồi cũng hết. Bằng kinh nghiệm học hỏi được khi còn làm việc ở Hàn Quốc, anh đầu tư thời gian đi học nghề chế tác vàng trang sức. “Nếu làm được nghề vàng thì cuộc sống gia đình mới trở nên giàu có” - anh Dũng nói.

Trong quá trình học chế tác vàng, anh Dũng đồng thời quyết định mua đất xây nhà, lấy vợ. Căn nhà hai tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ nằm ở mặt tiền đường quốc lộ giờ bán cũng bạc tỷ.

Năm 2011, anh Dũng bỏ ra gần 3 tỷ đồng đầu tư, mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc Dũng Thương.

“Được cơ ngơi như ngày nay là nhờ khoản tiền tích lũy khi còn làm việc ở nước ngoài. Trước đây, có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ mình sẽ xây được nhà, mở được cửa hàng vàng...” - anh Dũng vui vẻ.

Anh còn khoe rằng chị Thương - vợ anh vừa sinh một bé trai kháu khỉnh. Cửa hàng vàng Dũng Thương giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân trong xã.

“Ở xã Cẩm Lộc, không phải ai cũng làm được như anh Dũng. Tài sản bạc tỷ của anh chị Dũng - Thương là giấc mơ của nhiều người dân nghèo nơi đây khi quanh năm chỉ trông cậy vào vài sào ruộng” - chị Nguyễn Thị Mơ, một người bạn thân thiết của anh Dũng cho biết.

Đại gia cho thuê xe tự lái

Anh Đinh Viết Thành, sinh năm 1978, giờ đã thành người nổi tiếng trong giới cho thuê xe tự lái ở TP Vinh (Nghệ An). Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành của anh giờ đã trở thành địa chỉ cho thuê xe ô tô tự lái lớn vào loại nhất nhì thành phố này.

Quê ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), một vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi. Sau khi học hết cấp ba, không công ăn việc làm, anh Thành rời quê nghèo xuống TP Vinh kiếm việc làm.

Không nghề, không đồng vốn trong tay nên làm gì cũng khó. “Làm bưng bê ở quán cà phê suốt ngày mà mỗi tháng chỉ được 600 ngàn đồng” - anh Thành nói.

Trong khi đang chán nản, có người khuyên anh nên đi XKLĐ Hàn Quốc. Sau khi suy nghĩ thiệt hơn, anh về bàn với bố đi cắm sổ đỏ để có tiền ra Hà Nội ăn học. Trong đầu luôn nung nấu ý chí là phải bằng mọi giá để sang được Hàn Quốc làm việc.

Năm 2002, khi mới tròn 24 tuổi, anh Thành sang Hàn Quốc. “Làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng có thu nhập từ 1.000-1.500 USD. Ông chủ quý nên truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý trong kinh doanh” - anh Thành nói.

Từ khi còn làm việc tại Hàn Quốc, anh Thành đã ấp ủ ước mơ trở thành ông chủ. Để biến giấc mơ thành sự thật, anh Thành gửi tiền về nhà, nhờ bố mua một mảnh đất 90m2 tại đường Trần Hưng Đạo (phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An).

Với số tiền tích cóp được hơn 1,2 tỷ đồng, khi về nước, anh mua vàng và xây dựng nhà để sau này mở văn phòng công ty.

Nhận biết tại TP Vinh nhu cầu người dân đi lại rất lớn, trong khi các cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái lại đang trong tình trạng manh nha, toàn xe cũ nên không thu hút được khách hàng.

Sau khi ra Hà Nội tham khảo các mô hình cho thuê xe ô tô tự lái, anh Thanh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hải Thành. Hiện, doanh nghiệp của anh Thành có hàng chục chiếc xe ô tô cho thuê tự lái có trị giá 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng/xe.

Để làm hài lòng thượng đế, anh Thành chủ yếu mua xe mới. Xe của doanh nghiệp Hải Thành có đủ mọi chủng loại từ 4 đến 7 chỗ như: Getz, Lacetti, Innova, Kia Forte, Mercedes Benz...

Theo Phong Cầm
Tiền Phong Online

Vị giám đốc từng làm thuê và bán xôi kiếm sống

Vào Nam với vỏn vẹn 72.000 đồng, làm đủ thuê, rồi ngã bệnh nặng, phải đi bán xôi kiếm sống, anh Phạm Văn Trai đã trở thành giám đốc bằng chính nghị lực và lòng ham học.

Sản xuất hàng mỹ nghệ cũng là thế mạnh của Công ty Như Ngọc Trai. Sản xuất hàng mỹ nghệ cũng là thế mạnh của Công ty Như Ngọc Trai.

Tháng 5-1992, Phạm Văn Trai (làng Mông Lãnh, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) xuất ngũ về lại địa phương. Gia đình Trai có tới 9 anh chị em, nhưng chỉ mỗi Trai học hết lớp 12. Ba mẹ già yếu, cả nhà quẩn quanh với 3 sào ruộng và mấy hàng sắn, gia đình thuộc diện hộ nghèo hằng năm hợp tác xã phải cứu tế. Với khát vọng thay đổi vận mệnh, Phạm Văn Trai quyết định hành hương vào Nam.

Vào cuộc mưu sinh

Lên đường vào TP. Hồ Chí Minh mà trong túi chỉ vỏn vẹn có 72 nghìn đồng. Điểm đến đầu tiên của Trai là bến xe Miền Đông. Trả tiền xe hết 70 nghìn đồng, trong túi chỉ còn 2 nghìn đồng. Hỏi giá cuốc xe về Đầm Sen phải mất 20 nghìn đồng, Trai đành nói thiệt với bác xích lô: “Cháu về cơ sở đá mài ở Đầm Sen để làm thuê kiếm sống nhưng trong túi không còn tiền”.

Anh lục trong ba lô ra 2 bộ đồ lính rồi thưa: “Bác lấy đỡ 2 bộ đồ này, không thì bác cho địa chỉ, khi nào làm có tiền cháu sẽ đến trả cho bác”. Không ngờ bác xích lô vui vẻ bảo: “Không sao, bác chở giúp thôi”. Chiếc xích lô khuất dần sau ngọn đèn đường vàng, lòng Trai nặng trĩu, thương cho bác đạp xích lô và thương cả cái phận nghèo khốn khó…

Nhờ sức thanh niên, Trai lao vào làm việc bất kể đêm ngày, nặng nhọc vất vả, cần mẫn mài đá, ráp ghế, làm bia mộ... Thấy Trai làm khỏe, lại khéo tay, chủ trả tiền công cho anh mỗi ngày 3 nghìn đồng, bao cơm trưa và tối. Cuộc sống của Trai chớm nhen nhóm hy vọng thì tai nạn ập đến. Một lần khiêng bia mộ, vì rướn quá sức nên anh bị chấn thương cột sống, đành phải bỏ nghề, sống bằng số tiền chung góp của bạn bè cùng làm thuê.

Không thể nương nhờ mãi bạn bè vì họ còn lo cho vợ con gia đình ở quê, Trai quyết định nấu xôi bán. Mỗi sáng Trai thu tiền bán xôi gần 70 nghìn đồng, gần bằng 1 tháng lương ở cơ sở đá mài. Bán xôi hơn 3 tháng anh tích lũy được gần 2 lượng vàng, số tiền mà anh không thể tưởng với cái cảnh nghèo khó của mình.

Lưng vẫn quặn thắt từng cơn nhưng Trai kiên trì bán xôi buổi sáng. Buổi chiều anh mượn xe đi khắp thành phố tìm thầy chữa bệnh, đông y có, tây y có, rồi đông tây y kết hợp mà bệnh chẳng thuyên giảm. Tình cờ điện về anh Trương Văn Lý - kế toán Hợp tác xã 1 Quế Xuân hỏi thăm gia đình, Trai nói về bệnh tình của mình, thật may mắn lúc đó anh Lý đang theo học nghề đông y.

Theo lời anh, Trai viết thư về nói rõ bệnh tật, vẽ hình lưng người và chấm bút đỏ các điểm đau trên đó. Nhận thư, anh Lý lên Lương y Võ Xuân Đào, chợ Bà Rén (Quế Sơn) bốc liền 2 thang thuốc tức tốc gửi vào. Uống hết 2 thang thì bệnh tình của Trai khỏi hẳn, anh mừng quýnh điện về cám ơn và xin gửi lại tiền thuốc nhưng anh Lý không nhận.

Đổi thay phận người

Bệnh khỏi, Trai nghĩ không lẽ suốt đời mình bán xôi, anh quyết định chuyển sang học nghề trang trí cây kiểng, hoa viên cho anh Nguyễn Vui - Giám đốc Công ty Vĩnh Cửu. Vốn con nhà nông, lại cần cù chịu khó nên ngày đêm Trai mày mò thiết kế, bố trí khuôn viên cây xanh, bồn hoa cây cảnh cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… Đến đâu anh cũng để lại ấn tượng tốt cho khách hàng, tạo được uy tín cho công ty.

Một lần Trai ký và thi công hợp đồng lớn về trang trí cây kiểng, hoa viên cho khách sạn Ngôi Sao tại Dĩ An (Bình Dương), giám đốc công ty rất hài lòng, thưởng nóng cho Trai 500 nghìn đồng, tương đương 1 chỉ vàng hồi đó.

Trên đường về thành phố, nghe Thương - người bạn ở quê điện vào tin anh Lý (người giúp Trai chữa bệnh) đang mổ tiết niệu ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Không chần chừ, Trai vào Bưu điện Thủ Đức gửi về số tiền vừa được thưởng nhờ Thương mang ra trao cho anh Lý.

Vị giám đốc từng làm thuê và bán xôi kiếm sống (1)
Anh Trai kiểm tra trang trí nội ngoại thất bằng thạch cao.Ảnh: T.T

Say mê với nghề trang trí hoa viên, Trai có cơ hội gặp được nhiều khách nước ngoài. Một hôm Trai bắt gặp sản phẩm điêu khắc của người Pháp mang qua chào hàng. Làm quen với người bạn Pháp và được đồng ý anh mượn mang về nhà ra khuôn, sản xuất. Sản phẩm này được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, Công ty Vĩnh Cửu cũng phất lên từ đó.

Với vốn ngoại ngữ ít ỏi cộng với lòng kiên trì tự học, quan hệ của Trai ngày càng rộng và có nhiều đối tác làm ăn nước ngoài. Anh dần dà tìm hiểu và nắm được cách thức thi công trần la phông, vách ngăn, trang trí nội ngoại thất bằng chất liệu thạch cao ngoại nhập. Với ý nghĩ táo bạo, Trai triển khai thi công công trình đầu tiên tại số nhà 124, đường Nguyễn Trãi, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh). Thi công chỉ có 3 tuần, trừ tiền công, chi phí vật tư, anh lãi gần lượng vàng.

Nhờ công sức đóng góp của Trai mà Công ty Vĩnh Cửu càng ăn nên làm ra. Anh nói với ông chủ ý định mở cơ sở riêng để tiêu thụ lại sản phẩm của công ty. Cửa hàng 553 - chuyên tiêu thụ hàng điêu khắc, trang trí nội ngoại thất bằng sản phẩm thạch cao tại bến xe Miền Đông ra đời.

Về bến xe Miền Đông, anh luôn mong tìm lại bác xích lô ngày nào đã chở anh trong cái đêm vừa đặt chân đến Sài Gòn. Ngày ngày buôn bán qua lại, anh để mắt kiếm tìm và hỏi tông tích bác xe thồ nhưng chẳng ai hay biết, anh còn nhờ mấy người tìm giúp mà vẫn không được…

Trai ký được một công trình do người Hàn Quốc làm chủ đầu tư tại Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) trên 3.000m2 với kinh phí gần nửa tỷ đồng. Được sự hỗ trợ vốn của ông Dũng - Giám đốc Công ty Sông Thu (người gốc Đà Nẵng) - nhà cung cấp vật tư, nên công trình bảo đảm được tiến độ và chất lượng. Chủ đầu tư công trình người Hàn Quốc sang kiểm tra thấy ưng ý liền thưởng nóng cho Trai 200 USD.

Tích lũy được số vốn kha khá, tháng 6.2004, Trai bắt đầu thành lập Công ty Xây dựng, thương mại, dịch vụ Như Ngọc Trai, trụ sở tại An Phú Tây, quận Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Danh tiếng ngày càng bay xa, công ty anh đảm nhận khá nhiều công trình xây dựng lớn, đặc biệt là các trần nhà, vách ngăn của các siêu thị Metro trên toàn quốc. Hiện công ty anh có gần 200 kỹ thuật, công nhân, hầu hết là con em người Quảng Nam.

Từ người bán xôi ngày xưa nay thành giám đốc, một chàng trai xứ Quảng đã đi lên bằng sự nhẫn nại kiên trì, không chịu cúi đầu trước mọi khó khăn. Trai đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thanh niên xứ Quảng, dịp tết năm nào anh cũng tổ chức đưa công nhân về quê ăn tết rồi đón họ vào làm việc. Giám đốc Trai cũng thường hay tham gia các hoạt động từ thiện, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, bởi anh rất thấm thía cái nghèo khó đã đeo bám mình thuở thiếu thời.

Theo THANH TƯỜNG 
Quảng Nam Online
Flag Counter