Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Những nữ doanh nhân khiến người khác "ngả mũ"

Họ là những nữ doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực kinh doanh bên cạnh một gia đình hạnh phúc khiến người ngoài phải ghen tị.


 
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
 
    Doanh nhân 42 tuổi hiện là Đại biểu quốc hội, chủ tịch tập đoàn đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank.
 
 
 
 
 

 
 
    Bà Hường từng là thành viên HĐQT của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng và phó chủ tịch ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trước khi tham gia vào HĐQT của Maritime Bank.
 
    Tại ngân hàng này từ tháng 2/2011 - 2/2012, bà Hường đảm nhận chức vụ phó chủ tịch thứ nhất của Maritime Bank.
 
    Nữ doanh nhân được biết đến là người có vai trò gây dựng nên một loạt khu công nghiệp lớn như KCN Quang Minh, KCN Hà Nội – Đài Tư, KCN Đồng Văn II...
 
Bà Nguyễn Thị Nga

    Năm nay 57 tuổi, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga hiện là chủ tịch Seabank, Intimex Việt Nam, BRG Group.
 
 
 
 
    Bà Nga sinh tại Hà Nội và từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2000 bà bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank. Tại đây, từ năm 2002-2005 bà giữ chức vụ phó chủ tịch của Techcombank. Từ 2005-2006, bà Nga là chủ tịch của ngân hàng này.
 
    Năm 2007, bà chuyển sang ngân hàng Seabank và giữ chức vụ chủ tịch Seabank từ đó đến nay.
 
    Ngoài ra, bà Nga cũng là người đứng đầu của BRG Group, một tập đoàn chuyên về đầu tư bất động sản, sân golf như sân golf Đồng Mô, sân golf Sóc Sơn, Khách sạn 5 sao Hilton Hanoi Opera, Khách sạn Sông Nhuệ…
 
Bà Trần Thị Hường
    Bà là chủ tịch công ty TNHH Hoàn Cầu, cố vấn HĐQT ngân hàng Nam Á.
 
 
 
 
 

 
 
    Tuy năm nay đã 76 tuổi nhưng bà Trần Thị Hương (Tư Hường) được coi là một trong những doanh nhân miệt mài với hoạt động kinh doanh.
 
    Nói đến doanh nhân Trần Thị Hường, từ đầu những năm 90, giới doanh nhân đã biết đến hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó. Đó là phi vụ bà đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD...
 
    Hiện tại, gia đình bà Hường tham gia chủ yếu vào 2 lĩnh vực bất động sản (công ty Hoàn Cầu) và ngân hàng với 31% cổ phần tại ngân hàng Nam Á. Tại ngân hàng này, các con của bà Hường là ông Nguyễn Quốc Mỹ và bà Nguyễn Thị Xuân Loan đã lần lượt giữ chức chủ tịch của Nam Á. Cá nhân bà chỉ giữ chức vụ cố vấn hội đồng quản trị.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
 
    Phó chủ tịch thường trực HDBank, chủ tịch điều hành Sovico Holdings, tổng giám đốc Vietjet Air, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, 38 tuổi.
 
 
 
 
 

 
 
    Trước khi giữ các chức vụ nói trên, bà Thảo đã từng tham sáng lập và quản trị tại ngân hàng Quốc tế (VIB) và ngân hàng Techcombank.
 
    Từ năm 2008, bà Thảo tham gia hội đồng quản trị của HDBank và giữ chức phó chủ tịch Thường trực HĐQT từ năm 2009 đến nay.
 
    Bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng – những lãnh đạo cao cấp của Sovico Holdings - trực tiếp nắm giữ gần 6% cổ phần của của HDBank.
 
Bà Thái Hương
 
    Hiện bà là phó chủ tịch/TGĐ ngân hàng Bắc Á, đồng thời được biết đến với dự án bò sữa (TH Milk).
 
 
 
 
 

 
 
    Ngoài ra, bà Hương còn được gọi là “bầu Hương” với tư cách là đại diện ngân hàng Bắc Á làm nhà tài trợ cho đội bóng đá Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, với phong cách bí hiểm, “bà bầu” này hầu như không xuất hiện mỗi khi đội nhà thi đấu. Khi bầu Hương nắm SLNA cũng không yêu cầu phải gắn tên doanh nghiệp vào tên đội bóng hoặc đòi quyền lợi về hình ảnh, kể cả việc quảng cáo trên áo đấu.
 
Theo Người đưa tin

Trò chuyện với người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk được tạp chí Forbes xếp vị trí thứ 35 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.


 
     Tạp chí này dành lời ngắn gọn ca ngợi bà Mai Kiều Liên: Sinh ra ở Pháp và được đào tạo ở Matxcơva, bà đã trở về Việt Nam sau chiến tranh, vào năm 1976, góp phần hiện đại hóa quy trình sản xuất sữa của nước nhà.
 
     Sau năm 2003, bà đã trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk và xây dựng nó trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á.
 
     Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Mai Kiều Liên ngay sau khi bà được tạp chí Forbes vinh danh.

 
Bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Vinamilk
 
Chúc mừng bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của tạp chí Forbes. Bà có bất ngờ không và cảm xúc của bà khi đón nhận tin này, người đầu tiên mà bà gọi điện báo tin vui là ai?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi hoàn toàn bất ngờ về tin này. Cách đây mấy ngày, phóng viên tạp chí Forbes từ New York có xin ban đối ngoại một cái ảnh, lúc đó chúng tôi có hỏi mục đích xin ảnh thì được trả lời rằng họ không được tiết lộ, nhưng cứ yên tâm, là một tờ báo lớn và uy tín thì đưa ảnh doanh nhân không có việc gì phải lo ngại.
 
     Cho đến ngày hôm qua mới biết được họ dùng ảnh đó để làm gì. Tôi được một người bạn thông báo tin này qua điện thoại. Cảm xúc thì chỉ có thể nói ngắn gọn rất là vui. Người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là ông xã (cười).
 
     Cũng như năm 2010, khi Vinamilk được lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc năm 2010 của tạp chí Forbes thì phía tạp chí cũng không hề thông báo trước, một ngày đẹp trời họ công bố vậy thôi.
 
Theo bà, trong số những tiêu chí tạp chí Forbes đưa ra, bà đáp ứng tốt nhất tiêu chí nào?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Thứ nhất về tiêu chí vốn, họ yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu doanh thu là 100 triệu đô la thì Vinamilk có doanh thu 1 tỉ đô la.
 
     Thứ hai là công ty có lợi nhuận, hiện trên sàn chứng khoán, Vinamilk là một trong 15 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1000 tỉ đồng.
 
     Thứ ba là khả năng lãnh đạo rồi các hoạt động cộng đồng của công ty có tính nhân văn lớn, có yếu tố sáng tạo…
 
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khủng hoảng hoặc phá sản thì bà có bí quyết nào khiến cho công ty vẫn đứng vững và phát triển như vậy?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Yếu tố đầu tiên mà tôi cũng như 4000 người làm việc ở Vinamilk là phải làm việc hết sức mình, cường độ cũng như ý chí làm việc rất cao.
 
     Một điều vô cùng quan trọng nữa là phải có tính sáng tạo, không theo lối mòn, không đi theo xu hướng đám đông, nhiều khi đi ngược lại xu thế nếu mình cảm thấy tin tưởng là có hiệu quả.
 
     Trong xu thế hiện nay, doanh nghiệp nào có tính sáng tạo càng nhiều thì thành công càng lớn.
 
Danh hiệu này có tạo áp lực cho bà không và mang lại thuận lợi gì cho công ty?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Tôi nghĩ điều thuận lợi là thương hiệu Vinamilk sẽ được thế giới quan tâm, đặc biệt là giới doanh nhân.
 
     Còn áp lực thì lúc nào cũng thường trực để duy trì mức tăng trưởng của công ty, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và người tiêu dùng: chất lượng ngoại, giá nội và phong cách phục vụ phải tốt nhất!
 
Có lúc nào bà phải đối mặt với thất bại chưa và bà giải quyết ra sao?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Cách đây một thời gian thì chúng tôi có dự định mở rộng kinh doanh thực phẩm ngoài sữa. Các tập đoàn đa quốc gia cũng ít khi kinh doanh mỗi một mình sữa, mà có thêm bánh kẹo, đồ uống…
 
     Nhưng đầu tư hai năm không triển vọng nên tôi bán, không lỗ nhưng điều đó cũng thể hiện mình suy nghĩ chưa tới. Đó là một bài học và bây giờ thì tập trung chuyên sâu về mặt hàng sữa.
 
     Tuy nhiên, nếu sau này có một mặt hàng nào có thể sinh lời tốt thì Vinamilk vẫn có thể mua lại để kinh doanh.
 
Bà từng nói tâm nguyện lớn nhất của mình là làm thế nào để tạo vùng nguyên liệu cơ bản không phải nhập khẩu nữa, tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Nhưng đến giờ vẫn còn tình trạng nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài, trong khi từng có những nông dân phải rơi nước mắt đổ sữa đi vì doanh nghiệp không thu mua. Doanh nghiệp sữa như Vinamilk sẽ làm gì để đảm bảo cân bằng lợi ích trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Nhiều người hỏi tôi là tại sao đi chăn nuôi bò làm gì? Sản xuất sữa thì chỉ việc nhập sữa về là xong.
 
     Thực ra từ năm 1990, Vinamilk đã gắn bó với bà con nông dân rồi. Tuy nhiên người nông dân mình vốn ít, đất đai chật chội, quy mô chăn nuôi rất nhỏ, trong khi công ty phải cần quy mô sản xuất lớn thì mới cạnh tranh về giá.
 
     Hiện giờ Vinamilk vẫn chia sẻ khó khăn với người dân nuôi bò sữa bằng cách luôn mua sữa giá cao hơn so với các công ty của Mỹ, Úc, New Zealand. Cho nên, lợi nhuận của mặt hàng sữa tươi 100% không cao bằng các sản phẩm khác, nhưng vẫn chấp nhận để chia sẻ với bà con nông dân.
 
    Nếu không làm như vậy thì khi giá nguyên liệu lên cao, bà con có khi phải bán bò. Nuôi một con bò cho ra sữa phải mất 3 năm. Hiện Vinamilk ký hợp đồng trực tiếp với 5000 hộ gia đình (với 61.000 con bò sữa). Trước đây có hộ chỉ có một hai con bò nhưng giờ có hộ đã có từ 10 đến 200 con. Thông thường, để có lời cao thì mỗi hộ cần phải nuôi nhiều, ít nhất từ 10-20 con.
 
     Nguồn nguyên liệu sữa Vinamilk có được trong nước chiếm khoảng 25%, còn 75% vẫn phải nhập khẩu.
 
     Tuy nhiên, để chủ động nguồn nguyên liệu thì Vinamilk cũng phải tự nuôi bò sữa ở các trang trại. Chúng tôi cũng tuyển các cháu học giỏi ngành nông nghiệp đưa sang Nga đào tạo chuyên về ngành chăn nuôi bò sữa.
 
     Khi các cháu đi học về, cố gắng trong 7 năm nữa mở rộng trang trại nuôi bò sữa để tự túc nguyên liệu 40%.
 
Là phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp, bà thấy phụ nữ có ưu thế gì?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Phụ nữ thì thường có tính chi tiết. Là người lãnh đạo thì bắt buộc phải có tầm nhìn rồi, nhưng cũng cần phải rất chi tiết để thực hiện được tầm nhìn đó.
 
     Nhưng tôi chỉ chi tiết trong công việc chứ không chi tiết trong quan hệ. Đối với mội người thì tôi đối xử giống nam giới nhiều hơn. Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đạo tạo họ chứ không bỏ người.
 
     Thứ hai nữa là tôi rất lo xa, nghĩ tới nghĩ lui, giả định trường hợp xấu nhất thì phải làm sao, để phòng ngừa rủi ro.
 
     Nhưng quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể.
 
Xin hỏi bà một câu riêng tư, bà cân bằng giữa công việc bận rộn và gia đình như thế nào? Nghe nói, gia đình bà không có người giúp việc?
 
     Bà Mai Kiều Liên: Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con, con thứ nhất là bác sĩ chuyên về nhi, đang học sau tiến sĩ bên Mỹ, con thứ hai học về ngành tài chính, đã tốt nghiệp và đi làm mấy năm rồi.
 
     Về nhà tôi là ô sin (cười). Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình.
 
     Cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn. Chúc bà tiếp tục lãnh đạo công ty Vinamilk trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
 
------------------------------
 
    Vinamilk đã vượt qua 12.000 doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch với doanh thu dưới 1 tỉ USD, để lọt vào top 151 doanh nghiệp được chọn của Forbes Asia. Về doanh số, Vinamilk đứng thứ 16 trong top, về lợi nhuận đứng thứ 18 và vốn hoá thị trường đứng thứ 31, đạt 1,56 tỉ USD.
 
    Năm 2012, Vinamilk thuộc top những doanh nghiệp dẫn đầu trong 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500). Người đứng đầu của nó được Forbes tôn vinh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
 
     Ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu chủ tịch PepsiCo khu vực Đông Dương, chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh Hội Nhập Toàn Cầu (GIBC): “Tôi thật sự ngưỡng mộ chị, người đã bền bỉ xây dựng một thương hiệu Việt có đẳng cấp trên thị trường quốc tế, với một xuất phát điểm không được ưu đãi gì nhiều. Đó là cả một quá trình sóng gió đi lên. Một người biết đột phá, rất đổi mới, cấp tiến, dám phá vỡ trật tự cũ để tìm ra những chiến lược mới cả về kinh doanh lẫn con người. Dám đầu tư xây dựng cả phần cứng lẫn phần mềm, dù trong quá trình đầu tư có những lúc phải hy sinh, nhưng rất quyết liệt. Tôi đánh giá cao chuyện chị đổi mới nguồn nhân lực, chấp nhận trả lương cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ – nhân viên phát huy vai trò của mình”.
 
     Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng giám đốc công ty cà phê Trung Nguyên:“Một nữ tướng hiếm hoi của thời nay, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết chơi và biết thắng. Một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà cả những đấng mày râu phải nể phục”.
 
Theo VietNamNet
Flag Counter