Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Tôi đã lựa chọn đúng

Gặp bà trong giờ nghỉ trưa, khuôn mặt có vẻ thoáng mệt vì công việc nhưng chuyện bà kể với tôi không vì thế mà mất đi sự cuốn hút. Bằng chất giọng miền Nam ngọt và ấm, bà tạo cho người tiếp chuyện cảm giác gần gũi như nói chuyện với người thân.

Trong gian phòng, văng vẳng bài hát với những câu hát “Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa. Cho tôi được cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người...”. Đó cũng là tâm niệm của người phụ nữ nhỏ bé này trong cuộc sống và kinh doanh.

* Nhiều người mong muốn được chen chân vào thế giới tài chính, vậy tại sao một người thành công như bà lại tìm cách thoát ra?
- Nhớ lại, trước đây khi mới ra trường, chân ướt chân ráo, tôi xin vào làm cho Sacombank, khi đó tôi chỉ là một nhân viên tín dụng. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, tôi trở thành phó tổng giám đốc kinh doanh của Sacombank.
Nếu hỏi vì sao tôi lại rời bỏ vị trí đó để bắt đầu lại từ đầu ở một môi trường mới thì quả thực có quá nhiều lý do. Gần 13 năm làm việc tại ngân hàng thời gian đủ dài để tôi trải nghiệm và có được nhiều kinh nghiệm.
Có thể trước đây tôi từng là người làm ở khâu tuyển dụng nhân sự nên cảm thấy trăn trở về những người trẻ bây giờ. Tuy họ được đào tạo chính quy song vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Những nhân viên trẻ khi được ngân hàng nơi tôi làm nhận vào đa số đều được đào tạo lại từ kiến thức chuyên môn đến cách ứng xử...
Hoặc là tôi cũng cảm thấy rằng mình quá may mắn, được nhiều người giúp đỡ trong sự nghiệp nên nghĩ đã đến lúc phải trả lại điều đó cho những người cần giúp. Có lẽ bởi thế mà tôi coi kinh doanh giáo dục là con đường. Từ đó, tôi quyết định tìm hiểu, nghiên cứu về giáo dục và chú tâm bước sang lĩnh vực “trồng người”.
Theo DoanhnhanSaigon

* Ở tuổi 37, từ bỏ tất cả những thành công hiện hữu để bắt đầu lại từ đầu, cảm xúc của bà lúc bấy giờ ra sao?
- Có thể khi tôi còn trẻ, thành công là phải đạt một vị trí cao nhất trong công việc mình đang làm. Nhưng rồi định nghĩa về thành công của tôi đã thay đổi, tôi muốn một sự bình an trong tâm hồn, tôi muốn giúp đỡ những con người còn rất trẻ như chính những đứa con của tôi vậy. Và với định nghĩa đó tôi đã bắt đầu một công việc mới với một niềm tin mạnh mẽ, một niềm đam mê mãnh liệt, và một sức chiến đấu bền bỉ.

* Như vậy, bà đã thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình chưa?
- Theo tôi, không có một chuẩn mực nào làm thước đo thỏa mãn, chỉ biết rằng mỗi người phải biết như thế nào là thỏa mãn cho riêng mình. Tôi có một gia đình hạnh phúc, những việc tôi đang làm hiện nay có một giá trị sống của nó đối với tôi, và tôi hiểu được triết lý “sống hạnh phúc để thành công”.
Tất cả những điều ấy đối với tôi như thế là quá đủ để tôi cảm nhận cuộc sống thật kỳ diệu. Vì thế mà tôi luôn tâm đắc câu hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh”.

* Vậy tiền không phải là mục đích sống của bà?
- Nếu ai đó trên cõi đời này có mục đích sống là tiền thì quả thật cuộc đời người đó rất là đau khổ, không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Bởi vì, tiền không bao giờ là đủ cả nếu nó là mục đích sống. Trước đây tôi làm việc tại ngân hàng, chồng làm việc cho một công ty chứng khoán, nên tài chính có thể nói là khá ổn.
Có thời điểm, tôi thấy mình có “quá nhiều tiền” đến mức ngạc nhiên. Rồi cũng thời gian đó, tôi cảm thấy mệt mỏi với công việc và quyết định mở trường học với số tiền đó. Tôi suy nghĩ rằng, tiền mình có được như thế là đủ nên tiếp tục bán nhà, bán mọi thứ có giá để dồn tâm huyết vào ngôi trường này.
Theo tôi tiền chỉ là một trong số rất nhiều công cụ, phương tiện, nguồn lực giúp cho chúng ta đạt được mục đích sống mà thôi. Chẳng hạn, nếu tôi muốn giúp đỡ nhiều trẻ em khó khăn được cắp sách đến trường thì tôi phải nổ lực hết sức cho dự án Vstar School thành công. Tôi không thể nói suông khi trong túi tôi không có tiền.

* Như bà nói, bà làm vì niềm đam mê nhưng lại lập một ngôi trường chỉ dành cho “con nhà giàu”, liệu suy nghĩ và hành động ấy có quá mâu thuẫn?
- Tôi là người kinh doanh. Một khi đã kinh doanh thì phải tính toán làm sao để đảm bảo được lợi nhuận. Trong một dự án, phân khúc thị trường là quan trọng nhất, và tôi đang chọn phân khúc bậc trung. Hiện nay, đa phần các em lớn lên trong một hoàn cảnh rất đầy đủ về vật chất nhưng hơi thiếu thốn về mặt tình cảm.
Trẻ nhỏ cũng giống như chồi non mới nhú, rất cần sự quan tâm chăm sóc đúng cách, đủ liều lượng thì cây mới phát triển tốt được. Và Vstar School ra đời để giúp các em hoàn thiện nhân cách thông qua những hành vi yêu thương, niềm tin mãnh liệt vào các em.
Kết quả là chúng tôi có thể giúp các em có niềm tin trong cuộc sống, chúng cảm nhận mình được yêu thương, được quan tâm, được chia sẻ. Và chúng cũng sẽ đáp trả lại cuộc đời bằng những hành vi tương tự.

* Được biết, bà có tuổi thơ không hạnh phúc, có phải chính điều đó đã khiến quyết tâm của bà được nhân lên bội phần?
- Tôi không muốn nói nhiều đến tuổi thơ của mình, nhưng với riêng mình, tôi chỉ mong muốn có một cuộc sống bình yên, để có thể yên tâm cống hiến hết mình, dẫn dắt ngôi trường phát triển hơn nữa, thành công hơn nữa trong nền giáo dục Việt Nam.
Tôi luôn khao khát được đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của xã hội, để qua đó, có thể giúp các em nhỏ học được kỹ năng sống trước khi vào đời. Tôi muốn những đứa trẻ sau này lớn lên không phải trải qua những gian nan thử thách như tôi đã phải trải qua. Tôi chỉ biết rằng, nếu còn có thể làm được ngày nào tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình.

* Dồn hết tâm trí vào công việc, thời gian nào bà dành cho gia đình?
- Là một người đam mê công việc, trước đây tôi chưa tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Mười ba năm làm việc tại ngân hàng, công việc kéo tôi vào vòng xoáy không thể tách ra. Dù được chồng, bố mẹ chồng ủng hộ, giúp đỡ nhưng tôi vẫn biết rằng các con của tôi thiếu sự chăm sóc của mẹ.
Tôi không hối tiếc về việc mình đã làm, nhưng lâu lâu nhìn con tôi lại thấy mình có lỗi. Tôi chọn việc kinh doanh trường học một phần cũng vì tôi tin vào luật nhân quả. Tôi tin rằng khi tôi giúp đỡ những đứa trẻ không phải con mình thì một lúc nào đó, con cái của tôi cũng sẽ được người khác đối xử tốt như vậy.

* Doanh nhân hiện nay trở thành một giá trị “thời thượng” đối với nhiều người. Theo bà, làm doanh nhân có khó không?
- Theo quan niệm của riêng tôi, làm doanh nhân không dễ. Vì khi đã là doanh nhân thì tâm phải sáng, đức phải tốt. Nếu chạy theo đồng tiền mà làm tất cả thì sẽ mất đi ý nghĩa của hai chữ doanh nhân. Đó cũng là lý do vì sao sau những nỗ lực, tôi vẫn đọc đi đọc lại quyển sách “Đắc nhân tâm” để biết mình nên làm thế nào và phải cư xử ra sao.

* Còn giáo dục lại là một chuyện khác. Nếu giá trị và chất lượng giáo dục đi xuống thì “kinh doanh giáo dục” có phải là lĩnh vực rủi ro?
- Không phải chỉ bản thân tôi mà bất cứ ai cũng nhận thấy rằng, nền giáo dục của nước ta đang có nhiều vấn đề. Những vấn đề này được biểu hiện ra bên ngoài qua các hiện tượng như giáo viên mở lớp dạy thêm, chất lượng giáo dục thấp, kỹ năng làm việc của sinh viên kém, rồi chuyện tham nhũng khi giáo viên được thăng chức hay chuyển đổi nơi dạy...
Đó là bề nổi, còn vấn đề quan trọng hơn là hiện nay ai cũng thấy rằng hệ thống giáo dục đang cản trở phát triển tư duy của học sinh. Theo cách nhìn của riêng tôi, nếu không loại bỏ được cách giáo dục cũ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để trở thành nền kinh tế tri thức.
Đầu tư vào giáo dục là đầu tư lâu dài và có chiều sâu cho một sản phẩm đặc biệt là con người. Nó chỉ thực sự rủi ro khi bạn không hiểu về nó, không có tâm huyết để giữ đúng chất lượng cam kết.

* Bận rộn với công việc, bà có dành nhiều thời gian cho riêng mình?
- Nhiều chứ. Tôi quan niệm rằng, trong cuộc sống, bạn phải tham gia hết mình vào tất cả các hoạt động, có như thế bạn mới không lạc hậu và sẽ có được cộng đồng của riêng mình.

* Sau ba năm vất vả, bà nhìn nhận khởi đầu của mình là quả ngọt hay trái đắng?
- Cho đến thời điểm này, tôi cho rằng mình đã nhận được quả ngọt ngay từ khi bắt đầu. Ngôi trường được xây dựng với sự góp sức của rất nhiều bạn bè, người thân. Những bạn bè này không chỉ cùng góp vốn mà còn cùng điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều người làm việc sẽ đem lại sự sáng tạo trong kinh doanh. Cho dù sau này chúng tôi có mở hay không mở rộng doanh nghiệp nhưng tôi luôn có suy nghĩ là tôi đã lựa chọn đúng công việc trong đời.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này!

Chủ tịch HĐQT VCFM: “Nên làm nhiều, nói ít”


Sức trẻ toát ra từ gương mặt, nụ cười, cách phục sức sành điệu. Ở tuổi 27, chị đã kịp tích lũy vào hồ sơ của mình thành tích học tập và kinh nghiệm làm việc khá ấn tượng.

Tôi muốn Phượng của ngày mai, của năm sau phải thật sự khác Phượng của ngày hôm nay” - cô gái hiện là chủ tịch HĐQT Công ty quản lý quĩ đầu tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management - VCFM) nói.

- Chị được xem là doanh nhân trẻ nhất trong giới lãnh đạo các quĩ đầu tư tài chính chuyên nghiệp ở VN hiện nay. Đó là lợi thế hay khó khăn khi chị tiếp xúc với các đối tác để mời gọi họ góp vốn đầu tư?

Trong công việc, cái luôn thiếu nhất của người trẻ là kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì cần có thời gian, đây là điều mà những người trẻ không thể nóng vội. Tôi nghĩ đánh giá thực lực của một người không nhất thiết chỉ nhìn vào tuổi đời mà phải dựa vào quá trình học tập và đặc biệt là kinh nghiệm hay những việc cụ thể mà họ đã làm. Hơn nữa, phải tiếp xúc trực tiếp thì qua đó các tố chất của họ mới có cơ hội bộc lộ.




Còn việc một công ty quản lý quĩ huy động được vốn là do các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường, vào chiến lược, vào cách tổ chức hoạt động..., quan trọng nhất là họ phải tin vào đội ngũ lãnh đạo công ty, trong đó trình độ, kinh nghiệm, uy tín và vai trò của mỗi thành viên đều được đặc biệt quan tâm. Tôi tin rằng tuy là thành viên lãnh đạo trẻ nhất của công ty nhưng tôi cũng có những đóng góp thiết thực vào việc thành lập, tổ chức, tuyển chọn thành viên thích hợp vào các vị trí then chốt cho VCFM, cũng như huy động vốn cho quĩ đầu tư Viet Capital Fund.

- Quĩ đầu tư Bản Việt (Viet Capital Fund - VCF) là quĩ thành viên với qui mô từ 500 - 800 tỉ đồng chỉ huy động vốn chủ yếu từ các cá nhân và DN tư nhân VN. Chị thấy mình “hợp khẩu vị” với những kiểu doanh nhân như thế nào?

Đơn giản là chúng tôi gặp nhau ở một số điểm chung. Họ là những người có vốn nhàn rỗi lớn, có nhu cầu đầu tư và muốn ủy thác cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, và họ đã chọn chúng tôi. Khi đánh giá một “anh hùng” trên thương trường, theo tôi, không nên chỉ nhìn ngay vào những thành tựu họ đang có mà phải chú trọng hơn vào cả chặng đường mà họ đã đi qua. Những nhà đầu tư góp vốn vào VCF có thể chưa phải là những “đại gia” nổi tiếng, nhưng chúng tôi có sự khâm phục khi nhìn vào mô hình và quan điểm kinh doanh của họ. Họ là những người có tầm nhìn bao quát, biết hướng tới lợi nhuận lâu dài, luôn kiên nhẫn và tin tưởng vào đội ngũ quản lý tài chính chuyên nghiệp mà họ đã ủy thác tài sản.

Trong thời gian này, VCFM cũng đang bận rộn chuẩn bị huy động quĩ công chúng nước ngoài với qui mô dự kiến 100 triệu USD. VN là một thị trường nhiều tiềm năng trong hiện tại và cả tương lai, vì thế khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.

- Khi gây quĩ đầu tư ở nước ngoài, uy tín cá nhân của người đi “gom tiền” rất quan trọng. Chị thường nói gì về mình và về VN để giành được sự tin cậy nhất định?

Tôi là một trong những thành viên trong ban lãnh đạo đứng ra thuyết trình và giải đáp những thắc mắc trong việc đầu tư vào VN. Các nhà đầu tư quan tâm đến từng người trong đội ngũ điều hành. Họ đọc rất kỹ tiểu sử từng vị trí, nền tảng học vấn, kinh nghiệm...Tất nhiên sự lưu loát, khéo léo của người thuyết trình sẽ có tác động khá lớn đến quyết định của nhà đầu tư. VN gần đây đã nổi lên như một tâm điểm đầu tư của thế giới, vấn đề quan trọng là phải trình bày một cách thuyết phục những câu hỏi như: Tại sao đầu tư vào VN? Tại sao đầu tư vào thời điểm này? Và tại sao nên ủy thác cho chúng tôi?...

- Trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều quĩ đầu tư với rất nhiều tên tuổi lớn. Chị có ngại là VCF phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh khốc liệt?

Mỗi quĩ đầu tư luôn có đặc thù và một hướng đi riêng. Ở đây còn là sự khác nhau về lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, chiến lược đầu tư và cả cách tiếp cận nữa. Cũng không thể phủ nhận một điều là thị trường chứng khoán VN còn khá nhỏ về qui mô nên với những quĩ đầu tư lớn, đặc biệt là những quĩ công chúng, đều có chiến lược gần như phải giống nhau. Vấn đề là quĩ nào có đội ngũ mạnh hơn thì sẽ thành công hơn. Đây là điều VCFM quan tâm ngay trước khi thành lập và tôi hiện đang khá tự tin về đội ngũ của mình.

- Chị có cho rằng mình thành công quá sớm?

Tôi luôn tỉnh táo, hay nói cách khác là tôi vẫn đứng trên mặt đất chứ không phải đang bay! (cười). Với tuổi đời như tôi thì phải biết tự nhủ là đường về nhà còn xa lắm. Tôi yêu nghề đầu tư tài chính vì theo quan điểm cá nhân, tôi cho nó là đỉnh cao của rất nhiều nghề. Vì còn trẻ nên theo đuổi nghề này tôi biết mình còn thiếu nhiều lắm, phải tiếp tục học và tiếp tục trải nghiệm. Chắc chắn sẽ có nhiều thử thách phía trước. Tôi luôn học từ công việc, từ các cộng sự, bạn bè trong giới, các doanh nghiệp đối tác...Tôi học ở mọi người và học mỗi ngày. Một ngày đối với tôi sẽ không phải là ngày hiệu quả nếu hôm ấy tôi không học được những điều bổ ích. Ở một góc độ khác, tôi nghĩ có vài điều mà người ta cũng có thể học được từ một cô gái tuổi đôi mươi như tôi. Tóm lại là nên làm nhiều và nói ít thôi! (cười).
Flag Counter