Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Thành tỷ phú từ 1 triệu đồng buôn bán kim chỉ

Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng...
Để có được tài sản lên đến 1,5 tỷ đồng, hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng như hiện nay là quá trình lập nghiệp thật không dễ với chàng thanh niên Tẩn A Sếnh (bản Sèng Làng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu).
Mấy ai biết A Sếnh bắt đầu làm giàu từ 1 triệu đồng. Ở xã vùng cao Tả Phìn, người dân ai cũng nghèo. Giao thông từ bản này đến bản khác chủ yếu là đường đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì trơn. Năm 2006, vợ chồng dành dụm được vẻn vẹn 1 triệu đồng, Sếnh mua kim chỉ, bánh kẹo, vải vóc, quần áo về bán cho dân bản. Sau 1 năm buôn bán nhỏ, Sếnh đã có được 5 triệu đồng.
Khu sản xuất gạch bi của Tẩn A Sếnh
Vợ chồng Sếnh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng. Có số tiền kha khá, Sếnh không buôn bán nữa mà mua 10 con bò để chăn thả. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các anh, chị Phòng Nông nghiệp huyện, Sếnh đã có kiến thức chăn nuôi đàn bò. Nhờ đó, đàn bò lớn nhanh và bắt đầu sinh sản. Sếnh bán một số bò lấy tiền mua thêm 5 con ngựa và 12 con dê về nuôi. Thu nhập của gia đình Sếnh ngày càng ổn định.
Ở Sìn Hồ, từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã vùng thấp tới 30-60km. Đi xe máy cũng phải mất một ngày mới tới nơi, mà số hàng hóa vận chuyển cũng chẳng được là bao. Năm 2010, Sếnh bán hết bò, ngựa, dê được 150 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng NNPTNT 150 triệu đồng nữa để mua một chiếc ô tô tải chở hàng phục vụ bà con.
Chăm chỉ làm việc cũng là cơ hội để Sếnh được tiếp xúc với nhiều người, được đi đây đi đó. Nhìn lại thấy thanh niên cùng trang lứa với mình còn khổ lắm, Sếnh nghĩ cần phải làm gì đó để giúp đỡ những gia đình trong bản còn khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, Sếnh bàn với vợ vay thêm tiền để mua máy đóng gạch bi về mở cơ sở sản xuất tại nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Cơ sở làm gạch bi của anh bước đầu giải quyết việc làm cho 10 thanh niên trong bản, với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng Sếnh, mỗi năm sau khi trừ đi các chi phí cũng thu về trên 200 triệu đồng.
Năm 2012, Tẩn A Sếnh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn trao tặng. Tẩn A Sếnh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình với mọi người, đặc biệt là các bạn thanh niên. Điện thoại của A Sếnh: 01647811485.

Những tỷ phú ở làng bán xôi xuyên Việt

Hàng nghìn người Hoàng Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) tỏa đi khắp các tỉnh thành trong nước bán xôi. Nhiều người đã thoát nghèo, thậm chí trở thành tỷ phú nhờ nghề bán xôi độc đáo này.

Cả làng bán xôi        

Khi nhắc đến xôi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng Kẻ Gạ (ở Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhưng ít ai biết rằng, ở trung du miền núi Bắc Bộ còn có một làng làm xôi thậm chí còn lớn hơn Kẻ Gạ, đó chính là làng Hoàng Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.

Nếu như ở Kẻ Gạ, làm xôi như một nghề truyền thống và chủ yếu phục vụ thực khách trong địa bàn Hà Nội thì Hoàng Xá lại khác. Như bao vùng quê Bắc bộ khác, xôi vẫn là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và cả ma chay của người Hoàng Xá. Nhưng phải tới thời điểm khoảng 5 năm trước thì người Hoàng Xá mới coi xôi là một “món hàng” để kinh doanh.

Người Hoàng Xá ít khi bán xôi trên địa bàn làng xã mà chủ yếu là tỏa ra các thành phố lớn để bán. Hiện nay, họ đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam để hành nghề. Cũng chính vì lý do này mà nhiều người vẫn hay trêu đùa rằng, người Hoàng Xá bây giờ đi đến đâu trên đất nước Việt Nam đều không sợ chết đói, vì ở đâu cũng có người làng bán xôi ở đó.
Với những chiếc xe đẩy như thế này, người Hoàng Xá đã có mặt khắp các thành phố lớn trong nước để bán xôi. 
Đến Hoàng Xá vào một ngày giáp Tết Nguyên Đán để tìm hiểu về nghề bán xôi nơi đây, chúng tôi được những người dân trong làng giới thiệu ngay đến nhà anh Nguyễn Hồng Tam ở khu 3. Anh Tam là chủ sở hữu một đại lý chuyên cung cấp các đồ nghề và các nguyên liệu làm xôi, từ xe đẩy, bếp than, xoong nồi cho đến gạo, ruốc, đỗ, lạc… Ngoài ra, anh Tam còn kiêm luôn công việc dạy và tư vấn cách làm xôi sao cho nhanh chín, lại thơm ngon… cho những người mới vào nghề và có nhu cầu học hỏi.

Cơ sở kinh doanh của anh Tam được thành lập từ những ngày đầu tiên nghề bán xôi xuất hiện ở đất Hoàng Xá, nên chẳng có điều gì về cái nghề này mà anh không biết. Theo anh Tam cho biết thì vào thời điểm khoảng 5 năm trước, có một số người Hoàng Xá sang đất Hà Tây cũ (nay là Hà Nội – PV), thấy nhiều người ở đó đi bán xôi dạo và có thu nhập cao nên đã học theo cách làm ăn này. Họ trở về làng để sắm đồ nghề rồi cũng ra Hà Nội, ngược Lào Cai, Yên Bái… hành nghề bán xôi. Một thời gian sau, những người này trở về làng và trở nên giàu có, xây được nhà cao cửa rộng.
Bán xôi dạo có thể giúp một người Hoàng Xá bỏ túi tiền triệu mỗi ngày.
Từ đó, bán xôi dạo bỗng nhiên trở thành một nghề “hot”, người Hoàng Xá cứ ùn ùn sắm sửa đồ nghề, dẫn theo vợ con, kêu gọi bàn bè, người thân… ra thành phố để bán xôi với mong ước được “đổi đời”. Bây giờ về làng Hoàng Xá, người ta dễ thấy cảnh nhiều gia đình chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Thậm chí, nhiều căn nhà quanh năm suốt tháng cứ đóng cửa im ỉm vì người nhà đã ra hết thành phố để bán xôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: “Xã Hoàng Xá có 22 thôn xóm thì hầu như thôn nào cũng có người đi bán xôi. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng hiện nay có khoảng gần 3000 người (trong tổng dân số gần 13000 người) trong xã đi bán xôi dạo ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bán xôi là một trong những nghề giúp cho người Hoàng Xá thoát khỏi đói nghèo, thậm chí còn vươn lên làm giàu. “Sau một hai năm đi bán xôi, nhiều gia đình trở về làng và xây được những ngôi nhà 3, 4 tầng khang trang lộng lẫy”, ông Thái nói.

Bán xôi xây nhà lầu

Đúng như lời ông chủ tịch xã, khi chúng tôi dạo một vòng quanh đường làng ngõ xóm Hoàng Xá thì đâu đâu cũng thấy mọc lên những căn nhà 3, 4 tầng, thậm chí là nhiều căn biệt thự sang trọng trị giá hàng tỷ đồng. Phần lớn những căn nhà này là của các “đại gia” bán xôi.
Theo những người dân địa phương cho biết thì chỉ khoảng 5 năm trước đây, Hoàng Xá vẫn còn là một xã nghèo nàn. Khi đó, ngoài con đường trung tâm chạy qua UBND xã thì đi khắp làng Hoàng Xá chỉ toàn thấy những căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Một người Hoàng Xá đang bán xôi trên đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội.
Chính nghề bán xôi đã góp phần làm cho người Hoàng Xá thoát nghèo, có của ăn của để. Chẳng vậy mà nhiều người Hoàng Xá coi bán xôi là nghề “hái ra tiền” ở mảnh đất nghèo khó này. “Với những người nông dân không được ăn học đến nơi đến chốn thì chẳng có công việc gì nhàn hạ mà lại có thu nhập cao như nghề bán xôi. Nếu không có nghề này thì chẳng biết bao giờ người Hoàng Xá mới có thể thoát nghèo được” - ông Đặng Văn Thông, trưởng khu 1 xã Hoàng Xá nhận định.
Theo ông Thông cho biết thì khu 1 do ông quản lý là một trong những khu có ít người đi bán xôi dạo nhất của xã Hoàng Xá. Mặc dù vậy cũng có đến hơn 10 cặp vợ chồng đã rời làng, kéo theo con cái ra ngoài bán xôi và hầu hết những gia đình này đã xây được nhà cửa đàng hoàng.
Bản thân ông Thông cũng có hai người con trai đang đi bán xôi ngoài thành phố. Chỉ vào căn biệt thự khang trang tiền tỷ sắp hoàn thiện ngay trước ngõ, ông thông bảo: “Đấy là căn nhà của vợ chồng đứa cả của tôi (tên Đặng Vũ Kha – PV). Hai đứa bán xôi ở Thái Bình được 3 năm nay. Căn nhà khang trang này cũng nhờ đi bán xôi mà chúng mới xây dựng được.”

Ngôi biệt thự khang của một “đại gia” làng xôi Hoàng Xá.
Cách nhà ông Thông không xa, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Biên ở khu 7. Bà Biên có con là Nguyễn Văn Mùi đang cùng với vợ bán xôi ở Mộc Châu, Sơn La. Trò chuyện với bà biên thì chúng tôi được biết, trước đây anh Mùi vẫn còn là một thợ mộc, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhưng 3 năm trước, anh Mùi đã bỏ nghề mộc, cùng với vợ theo anh rể lên Sơn La bán xôi dạo. Cuộc sống của vợ chồng anh đã thay đổi kể từ đó. Sau hơn 2 năm đi bán xôi, giữa năm 2012, vợ chồng anh Mùi đã xây được căn biệt thự 2 tầng lộng lẫy nổi bật giữa làng Hoàng Xá.
Gia đình ông Thông, bà Mùi chỉ là một trong rất nhiều người giàu lên từ nghề bán xôi dạo. Đến Hoàng Xá, chúng tôi còn biết đến chuyện gia đình ông Hoàng Văn Chúc, người có 10 đứa con thì 8 đứa đi ra ngoài bán xôi và ai cũng trở nên khá giả. Bên bạnh đó là gia đình ông Đặng Văn Đức (khu 2), bà Nguyễn Thị Lai (khu 7)… đã xóa bỏ được những căn nhà tranh vách đất, thay vào đó là những căn nhà ống vài ba trăm triệu…

Có thể nói, nghề bán xôi dạo đang từng bước làm giàu cho quê hương Hoàng Xá.
Đã 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Biên và 2 đứa cháu nội (một cháu gái 12 tuổi, và cháu còn lại lên 8) vẫn phải ở nhà chăm sóc lẫn nhau vì con trai và con dâu đi bán xôi tận Sơn La.

 “Nghề này lãi lớn mà vốn đầu tư lại không nhiều nên rất thích hợp với những người nông dân Hoàng Xá. Thông thường, một người đi bán xôi chỉ cần đầu tư một chiếc xe đẩy trị giá khoảng 5 triệu đồng và khoảng 5 triệu nữa cho các vật dụng khác như xoong nồi và nguyên liệu như gạo, ruốc… là có thể đi bốn phương bán xôi,” anh Nguyễn Hồng Tam cho biết.  
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu may mắn chọn được địa điểm đông khách, mỗi ngày chủ một xe xôi có thể bán được khoảng 300 gói xôi. Với mức giá trung bình 10.000đ/ gói, trừ các chi phí thì người bán có thể thu về từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ là chuyện bình thường.

Chính nhờ mức thu nhập cao như vậy mà nhiều người Hoàng Xá mới trở nên giàu có. Tuy nhiên, để kiếm được đồng tiền từ nghề bán xôi dạo, người Hoàng Xá cũng phải lao động cật lực và gặp phải nhiều khó khăn mà ít ai biết đến.

Họ không chỉ phải thức khuya dậy sớm đồ xôi để kịp giờ đem bán lúc sáng sớm, mà đôi khi còn đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các quán ăn uống nơi họ hành nghề. “Việc bị tung tin bỏ thuốc phiện vào xôi để hút khách, rồi chuyện bị côn đồ đuổi đánh, đập phá xe hàng là chuyện vẫn thường xảy ra với những người đi bán xôi,” anh Đỗ Hồng Quân, một thợ bán xôi mới “giải nghệ” vì lý do gia đình cho biết.

Khó khăn nhọc nhằn là vậy, nhưng do không được học hành đầy đủ, người Hoàng Xá vẫn phải bám lấy nghề bám xôi và coi đó như một giải pháp cứu rỗi cuộc đời nghèo khó của họ. Đi bán xôi dạo, họ phải xa gia đình, xa mẹ già con thơ nhưng bù lại, họ sẽ có tiền xây nhà xây cửa, có tiền nuôi con cái học hành tử tế, cha mẹ họ cũng sẽ có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn…
Flag Counter