Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Xử lý rắc rối trong kinh doanh

Khả năng kiếm tiền của một công ty sẽ được thể hiện khá rõ nét qua cách giải quyết những rắc rối nảy sinh đối với khách hàng. Về cơ bản, giải quyết vấn đề cũng giống như là thực hành những suy nghĩ chiến lược nghiêm túc. Chúng khác nhau ở tính tức thì, đột xuất hay dài hạn của vấn đề mà công ty đó phải đối mặt.


Do đó, sự kết hợp hai phương pháp tư duy này sẽ giúp ban lãnh đạo có được định hướng giải quyết các rắc rối phù hợp với chiến lược phát triển chung của toàn công ty.


Dưới đây là 5 bước sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp trở làm chủ những rắc rối, đón đầu và xử lý chúng trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn:

1. Nhận diện

Nhận diện được chính xác vấn đề để đối phó không phải là việc đơn giản thế nhưng nếu bỏ qua bước này công ty đã hoàn toàn "tự sát". Hãy suy nghĩ đến những vấn đề về doanh thu trước tiên. Có tới hàng trăm lý do để giải thích việc cần "săm soi" lĩnh vực này, bởi tính quyết định sống còn của nó đối với công ty. Và đây là điều kiện cần nhất để công việc kinh doanh tồn tại và phát triển. Một người giải quyết tốt sẽ đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất thực sự của vấn đề là gì thay vì suy đoán và ra những quyết định vội vàng.

2. Lên ý tưởng

Lãnh đạo công ty đang có một danh sách ngắn những rắc rối có thể xảy ra và suy nghĩ về tất cả những giải pháp có thể. Cách giải quyết hay nhất có thể xuất hiện từ những ý kiến nảy sinh từ người khác. Hãy tìm những người phù hợp nhất, cùng nhau tập trung lại và nghĩ về rất cả các giải pháp có thể sử dụng được. Đây không phải là thời gian để đánh giá. Quá trình đưa ra những ý tưởng chung không đồng nhất với việc đánh giá chúng. Vì vậy, đừng dập tắt việc lên ý tưởng bằng cách chuyển sang giai đoạn đánh giá.

3. Đánh giá

Đây là lúc dành để đánh giá những ý tưởng mà ban lãnh đạo đã có được trong suốt quá trình lên ý tưởng. Muốn đánh giá một ý tưởng, trước tiên phải dựa vào tác động của nó so với mục tiêu, tính khả thi dựa trên độ phức tạp khi thực hiện. Sự phức tạp ở đây được quyết định bởi yếu tố hai thứ là thời gian và tiền bạc. Tức là ý tưởng đó có mang đến thành công nhanh chóng trong thời gian giải quyết khủng hoảng của công ty không? Nó có những điều kiện để thành công trong quãng thời gian đặc biệt này không. Nó có phù hợp với ngân sách ở thời điểm đó không? Nếu công ty đang cố gắng cắt giảm 1.000 USD ngân sách mà ý tưởng đó chỉ tiết kiệm được 100 USD thì tác động của nó quá thấp. Một ý tưởng tiết kiệm được 1.000 USD là có vẻ khả quan hơn và sẽ có những tác động lớn hơn.

4. Hành động

Đây là bước mà không một người giải quyết tình huống nào bỏ qua. Bởi một ý tưởng rất hay không thể triển khai một cách bất cẩn. Người lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải thực hiện hết tất cả những ý tưởng, nhưng với tư cách là một người giải quyết rắc rối, họ có trách nhiệm đối với việc thực thi những giải pháp đã đề ra.

5. Kiểm tra lại

Đôi khi vấn đề đó vẫn tồn tại bởi vì giải pháp đưa ra không phù hợp. Đừng vội đầu hàng. Hãy trở lại bước thứ hai và thử nghiệm với giải pháp tiếp theo.

Giải quyết khó khăn là một kỹ năng rất rất cần thiết trong kinh doanh. Hãy luyện tập 5 bước kể trên để giải quyết từ những rắc rối nhỏ nhất. Hãy nhớ tính đồng bộ trong việc giải quyết rắc rối là một việc rất quan trọng. Biến những ý tưởng trở thành hành động, biến những kỹ năng trở thành thói quen, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có trong mình hành trang quan trọng nhất để đối diện với những khó khăn trên bước đường kinh doanh.

Một ví dụ hoàn hảo cho việc giải quyết những rắc rối trong kinh doanh chính là những nỗ lực giữ gìn danh tiếng của công ty Johnson& Johnson khi công ty này gặp phải tai tiếng cho rằng Tylenol, một thương hiệu thuốc giảm đau gây ngộ độc chết người. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson& Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trước tình thế đó, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách. Họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà nạn nhân đã uống. Và thu được kết quả là những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm chất độc Xyanua nên mới gây đến tử vong. Tiếp theo, Tổng Giám đốc của Johnson& Johnson đã lên truyền hình xin lỗi về "tai nạn" kể trên và khẳng định sự vô hại của Tylenol. Công ty tuyên bố thu hồi tất cả những sản phẩm ở các đại lý tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín tránh những vụ tiêm độc xảy ra tương tự. Cuối cùng, công ty treo giải thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai cung cấp về thông tin kẻ gây độc.

theo thoibaokinhdoanh.vn

"Triết lý Sushi" của ông chủ nhà hàng 50m2 nổi tiếng khắp Nhật Bản

Thực đơn sushi ngon nhất thế giới tại nhà hàng 50m2 này cần được đặt trước ít nhất 3 tháng.

Chân dung "nghệ sĩ sushi"

Jiro Ono Sushi, một quán sushi nhỏ với diện tích chỉ hơn 50 mét vuông đã trở thành một nhà hàng nổi tiếng của cả Nhật Bản với thực đơn sushi được cho là ngon nhất thế giới.

Để được thưởng thức tại nhà hàng này, khách hàng cần đặt chỗ trước ít nhất 3 tháng. Jiro Ono, người chủ nhà hàng 85 tuổi được vinh danh là nghệ sĩ sushi hàng đầu Nhật Bản đã có 70 năm làm việc với thực đơn chỉ là sushi.

Đài truyền hình CNBC đã sản xuất một bộ phim tài liệu về cuộc đời và “sự nghiệp sushi” của Jiro Ono mang tên “Jiro Dreams of Sushi” được rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới đón nhận nhiệt tình. Họ bị chinh phục bởi một triết lý khởi nghiệp đầy nhân văn và văn hóa làm việc của người Nhật Bản. Từ một cửa hàng sushi nhỏ, Jiro trở thành một biểu tượng và niềm tự hào ẩm thực của Nhật Bản.

Triết lý khởi nghiệp của Jiro được gọi là “triết lý sushi” đã gợi ý cho chúng ta những bài học quan trọng sau:

Bạn phải yêu công việc của bạn

Jiro tâm sự: “Một khi đã quyết định về nghề nghiệp của mình, bạn phải nhấn chìm chính mình vào công việc, bạn phải yêu say đắm và không bao giờ được phàn nàn về nó. Bạn phải hiến dâng cả cuộc sống của mình để biết hết và làm chủ tất cả mọi kỹ năng cần thiết. Đó là bí quyết của thành công và là chìa khoá của sự vinh danh”.

Có một điều cần ghi nhớ rằng, Jiro không nói “hãy tìm công việc bạn yêu thích”, mà ông nhấn mạnh “bạn phải yêu công việc bạn đã chọn”.

Điều này có nghĩa là với công việc, bạn phải ý thức và nuôi dưỡng tình yêu giống như trong hôn nhân vậy. Điều này hoàn toàn khác sự yêu thích của tuổi trẻ bồng bột, một sáng thức dậy thấy háo hức muốn thực hiện một điều gì đó thế rồi vỡ mộng và chán chường sau đó vài tuần khi va chạm những thử thách. Tình yêu công việc đòi hỏi một sự cống hiến gần như trọn đời.

Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến hai cụm từ phổ biến “làm việc vì tiền” và “làm việc vì lòng say mê”. Niềm đam mê công việc là hành trình thực hiện một ước mơ, có đôi lúc chúng ta phải chịu đựng những điều kiện làm việc cực nhọc, để rồi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống khi thành công.

Không quá tệ nếu chúng ta bị trách là chỉ biết “làm việc vì tiền”, nhưng “làm việc bằng lòng say mê” là một cuộc cách mạng trong mối quan hệ giữa chúng ta và công việc, là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chuyên môn hóa và đơn giản hóa

Sushi được định nghĩa như một món ăn đơn giản, nhỏ gọn. Nhưng chính Jiro đã đưa món ăn này lên một cấp độ mới. Khác với những nhà hàng khác, Jiro không phục vụ các món ăn như khai vị hay tráng miệng, thay vào đó thực khách được phục vụ với 20 món sushi đầy đủ mùi vị, và chỉ sushi mà thôi.

Điều đặc biệt, nhà hàng của Jiro chỉ có 10 chỗ ngồi, điều này giúp cho các nhân viên của ông được tập trung để làm ra các món sushi ngon nhất. Họ cũng có thể giúp họ quan sát chi tiết tính tình của từng khách hàng và phục vụ tốt nhất.

Không gian nhỏ của nhà hàng giúp nhân viên có thể quan sát hiểu hiện của từng khách hàng để có thể phục vụ tốt nhất

Yoshikazu, con trai đầu của Jiro - người hiện nay được kế thừa quản lý nhà hàng cho biết, các nhân viên trong nhà hàng làm công việc lặp đi lặp lại hàng ngày như nhau, điều đó tạo điều kiện họ làm chủ đầy đủ các kỹ năng nhỏ nhất và tạo ra các món sushi có chất lượng rất ổn định.

Jiro cũng làm đi làm lại công việc của ông hàng ngày trong suốt 70 năm, điều đó giúp cho ông hiểu rõ tất cả mọi điều về thế giới sushi. Sự sáng tạo của ông cũng chỉ tập trung trong ngành hẹp là sushi thay vì đi theo chiều rộng. Ông đã đưa món sushi của mình thành một môn nghệ thuật đầy hấp dẫn.

Sự hy sinh

Khi các bạn quyết định chọn kịch bản cho cuộc đời mình là “làm công việc mình yêu thích” thì cần chú ý rằng, kịch bản này có chi phí rất cao, đặc biệt là trong thời gian đầu. Một khi bạn chọn con đường này thì phải sẵn sàng trả học phí cho việc nhập học. Vì có thể bạn phải làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được ít tiền hơn so với những người xung quanh.

Ông Jiro OnoJiro là một người thợ làm sushi hạnh phúc, ông yêu công việc và thực hiện nó hầu như suốt cả cuộc đời

Jiro đã phải chấp nhận xa gia đình, xa những đứa con đang lớn của mình để tập trung toàn bộ thời gian vào công việc học hỏi và sản xuất sushi. Có lúc ông phải chống chọi với sự đói nghèo. Những đứa trẻ của ông phải tiết kiệm hàng tháng trời mới đủ tiền mua được một lon coca-cola.

Cuộc sống của Jiro hôm nay lại khác, ông trở thành giàu có và nổi tiếng với chính niềm đam mê của mình. Mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết khi hai con trai của ông quyết định nối nghiệp sushi của cha. Ông kiên trì lót những viên đá thành con đường thành công từ chính cái bếp sushi nhỏ của mình.

Jiro đã thấy được ước mơ của ông không thể thực hiện được qua những giải pháp nhanh chóng, mà là một sự khổ luyện thậm chí đôi khi là đau đớn để hoàn thành.

Khi bạn "kết hôn" với công việc, sống với nó, phần thưởng bạn nhận được luôn luôn xứng đáng.

Theo Nhượng quyền Việt Nam
Flag Counter