Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

"Triết lý Sushi" của ông chủ nhà hàng 50m2 nổi tiếng khắp Nhật Bản

Thực đơn sushi ngon nhất thế giới tại nhà hàng 50m2 này cần được đặt trước ít nhất 3 tháng.

Chân dung "nghệ sĩ sushi"

Jiro Ono Sushi, một quán sushi nhỏ với diện tích chỉ hơn 50 mét vuông đã trở thành một nhà hàng nổi tiếng của cả Nhật Bản với thực đơn sushi được cho là ngon nhất thế giới.

Để được thưởng thức tại nhà hàng này, khách hàng cần đặt chỗ trước ít nhất 3 tháng. Jiro Ono, người chủ nhà hàng 85 tuổi được vinh danh là nghệ sĩ sushi hàng đầu Nhật Bản đã có 70 năm làm việc với thực đơn chỉ là sushi.

Đài truyền hình CNBC đã sản xuất một bộ phim tài liệu về cuộc đời và “sự nghiệp sushi” của Jiro Ono mang tên “Jiro Dreams of Sushi” được rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới đón nhận nhiệt tình. Họ bị chinh phục bởi một triết lý khởi nghiệp đầy nhân văn và văn hóa làm việc của người Nhật Bản. Từ một cửa hàng sushi nhỏ, Jiro trở thành một biểu tượng và niềm tự hào ẩm thực của Nhật Bản.

Triết lý khởi nghiệp của Jiro được gọi là “triết lý sushi” đã gợi ý cho chúng ta những bài học quan trọng sau:

Bạn phải yêu công việc của bạn

Jiro tâm sự: “Một khi đã quyết định về nghề nghiệp của mình, bạn phải nhấn chìm chính mình vào công việc, bạn phải yêu say đắm và không bao giờ được phàn nàn về nó. Bạn phải hiến dâng cả cuộc sống của mình để biết hết và làm chủ tất cả mọi kỹ năng cần thiết. Đó là bí quyết của thành công và là chìa khoá của sự vinh danh”.

Có một điều cần ghi nhớ rằng, Jiro không nói “hãy tìm công việc bạn yêu thích”, mà ông nhấn mạnh “bạn phải yêu công việc bạn đã chọn”.

Điều này có nghĩa là với công việc, bạn phải ý thức và nuôi dưỡng tình yêu giống như trong hôn nhân vậy. Điều này hoàn toàn khác sự yêu thích của tuổi trẻ bồng bột, một sáng thức dậy thấy háo hức muốn thực hiện một điều gì đó thế rồi vỡ mộng và chán chường sau đó vài tuần khi va chạm những thử thách. Tình yêu công việc đòi hỏi một sự cống hiến gần như trọn đời.

Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến hai cụm từ phổ biến “làm việc vì tiền” và “làm việc vì lòng say mê”. Niềm đam mê công việc là hành trình thực hiện một ước mơ, có đôi lúc chúng ta phải chịu đựng những điều kiện làm việc cực nhọc, để rồi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống khi thành công.

Không quá tệ nếu chúng ta bị trách là chỉ biết “làm việc vì tiền”, nhưng “làm việc bằng lòng say mê” là một cuộc cách mạng trong mối quan hệ giữa chúng ta và công việc, là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chuyên môn hóa và đơn giản hóa

Sushi được định nghĩa như một món ăn đơn giản, nhỏ gọn. Nhưng chính Jiro đã đưa món ăn này lên một cấp độ mới. Khác với những nhà hàng khác, Jiro không phục vụ các món ăn như khai vị hay tráng miệng, thay vào đó thực khách được phục vụ với 20 món sushi đầy đủ mùi vị, và chỉ sushi mà thôi.

Điều đặc biệt, nhà hàng của Jiro chỉ có 10 chỗ ngồi, điều này giúp cho các nhân viên của ông được tập trung để làm ra các món sushi ngon nhất. Họ cũng có thể giúp họ quan sát chi tiết tính tình của từng khách hàng và phục vụ tốt nhất.

Không gian nhỏ của nhà hàng giúp nhân viên có thể quan sát hiểu hiện của từng khách hàng để có thể phục vụ tốt nhất

Yoshikazu, con trai đầu của Jiro - người hiện nay được kế thừa quản lý nhà hàng cho biết, các nhân viên trong nhà hàng làm công việc lặp đi lặp lại hàng ngày như nhau, điều đó tạo điều kiện họ làm chủ đầy đủ các kỹ năng nhỏ nhất và tạo ra các món sushi có chất lượng rất ổn định.

Jiro cũng làm đi làm lại công việc của ông hàng ngày trong suốt 70 năm, điều đó giúp cho ông hiểu rõ tất cả mọi điều về thế giới sushi. Sự sáng tạo của ông cũng chỉ tập trung trong ngành hẹp là sushi thay vì đi theo chiều rộng. Ông đã đưa món sushi của mình thành một môn nghệ thuật đầy hấp dẫn.

Sự hy sinh

Khi các bạn quyết định chọn kịch bản cho cuộc đời mình là “làm công việc mình yêu thích” thì cần chú ý rằng, kịch bản này có chi phí rất cao, đặc biệt là trong thời gian đầu. Một khi bạn chọn con đường này thì phải sẵn sàng trả học phí cho việc nhập học. Vì có thể bạn phải làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được ít tiền hơn so với những người xung quanh.

Ông Jiro OnoJiro là một người thợ làm sushi hạnh phúc, ông yêu công việc và thực hiện nó hầu như suốt cả cuộc đời

Jiro đã phải chấp nhận xa gia đình, xa những đứa con đang lớn của mình để tập trung toàn bộ thời gian vào công việc học hỏi và sản xuất sushi. Có lúc ông phải chống chọi với sự đói nghèo. Những đứa trẻ của ông phải tiết kiệm hàng tháng trời mới đủ tiền mua được một lon coca-cola.

Cuộc sống của Jiro hôm nay lại khác, ông trở thành giàu có và nổi tiếng với chính niềm đam mê của mình. Mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết khi hai con trai của ông quyết định nối nghiệp sushi của cha. Ông kiên trì lót những viên đá thành con đường thành công từ chính cái bếp sushi nhỏ của mình.

Jiro đã thấy được ước mơ của ông không thể thực hiện được qua những giải pháp nhanh chóng, mà là một sự khổ luyện thậm chí đôi khi là đau đớn để hoàn thành.

Khi bạn "kết hôn" với công việc, sống với nó, phần thưởng bạn nhận được luôn luôn xứng đáng.

Theo Nhượng quyền Việt Nam

Soi mình để tiến bước

"Soi mình" hay "phản quang tự kỷ” là một trong những năng lực quan trọng của bất kỳ nhà quản trị hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong mắt thế hệ đi trước như chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, TS. Vũ Minh Khương, nhạc sĩ Dương Thụ..., hình ảnh của người trẻ nói chung và thế hệ doanh nhân tương lai nói riêng vừa "tròn" lại vừa "méo".
Nỗi sợ không thành công
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, thế hệ trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, năng động và có những điều kiện mà thế hệ trước không có được. Thế nhưng, điểm yếu lại là không biết sử dụng sự nhanh nhạy, năng động này vào những việc gì, hay nói cách khác là mất phương hướng trong hành động.
Giới trẻ hiện nay rất khát khao thể hiện bản thân, nhưng lại thiếu tư duy độc lập, thế nên thường a dua, bắt chước. Họ không hề sợ thất bại, trái lại còn đủ bản lĩnh để đón nhận thất bại, vậy nhưng, cái mà họ sợ nhất là "không thành công", đặc biệt là không thành công như những bạn bè cùng trang lứa.
"Cũng chính vì tâm lý này mà đa phần giới trẻ hiện nay chưa thể làm được những điều to lớn. Thực sự, đi phượt, ca hát, nhảy múa... không phải là sức sống, mà sức sống thật sự phải là những gì cháy bỏng tự bên trong mỗi người để tạo nên giá trị cho xã hội", nhạc sĩ nhận xét.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận xét giới trẻ bằng hai tính từ ngắn gọn: "nhạt nhẽo và dữ dội". Dữ dội là thái độ dám dấn thân, là quyết tâm tạo nên những điều to lớn, còn nhạt nhẽo là do thiếu một lý tưởng, một định hướng cho cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, không ít bạn trẻ dám dấn thân nhưng chưa thật sự tìm ra một lý tưởng, một định hướng cho mình, và chưa thể thuyết phục cộng đồng cùng đi theo lý tưởng ấy.
"Thế hệ của chúng tôi cũng không thể gọi là dữ dội, bởi nếu dữ dội thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã có thể sánh vai với các dân tộc như Singapore hay Hàn Quốc rồi", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, giáo sư giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Viện Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ, những khác biệt giữa thế hệ trưởng thành và thế hệ trẻ thể hiện ở ba yếu tố: xúc cảm, tư duy và năng lực hành động.
"Soi" vào giới trẻ hiện nay, TS. Khương cho biết, các bạn đang thua thế hệ già về mặt xúc cảm, hơn về năng lực tư duy và tương đồng về năng lực hành động, tức tư duy chiến lược còn yếu, thừa thực dụng nhưng thiếu thực tế và hợp tác kém.
Khoảng cách hai thế hệ
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết, thế hệ những người đi trước như ông không có tuổi trẻ, bởi ai cũng già trước tuổi. Trong khi đó, thế hệ hiện nay sẽ không có tuổi già bởi các bạn cứ trẻ mãi mà không chịu lớn.
Theo ông, một người trẻ cần hội đủ hai yếu tố: cái đầu dám suy nghĩ độc lập, tin và theo đuổi chân lý đến cùng; và trái tim dám ước mơ, sống cống hiến, dám theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn lại giới trẻ hiện nay, đa phần các bạn thích chọn con đường dễ dàng, thích làm giàu nhanh chóng, thích có bằng cấp mà không chịu khó "thực học", thiếu tinh thần sánh vai và chưa tìm thấy hệ giá trị thực nâng đỡ cho mọi hành động.
Cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên Đại học Stanford, hiện là Giám đốc Chiến lược của Viện Yola, và nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế của thế hệ mình như lời chia sẻ của những người đi trước.
Quả thật, thế hệ trẻ hiện nay thừa thông minh, giỏi giang, nhưng vẫn còn thiếu một tiếng nói chung, lý tưởng chung để ra sức phấn đấu, cống hiến.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ, dù có những điểm vượt trội nhưng thế hệ đi trước cũng có những sai lầm, chẳng hạn như cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, điều mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang đấu tranh để khắc phục.
Như vậy, khoảng cách thế hệ thật sự hiện hữu, nhưng làm thế nào để lấp đầy khoảng cách này, để các thế hệ hiểu được nhau thì mới có sự giao thoa về tri thức giữa các thế hệ, để cùng nhau tạo nên những giá trị mới cho cuộc sống mới là chuyện quan trọng nhất.
Mượn hình ảnh trẻ trung của nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia Giản Tư Trung cho biết, nhà văn hiện đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lướt web, sử dụng iPad thành thạo và có thể nói chuyện "tâm đầu ý hợp" với một sinh viên 20 tuổi bằng chính "ngôn ngữ hiện đại" của họ.
"Vậy vấn đề ở đây không phải là tuổi tác, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng để hiểu những người thuộc thế hệ khác với mình hay không?", ông Trung nhấn mạnh.
Rõ ràng, "sống đậm" hay "sống nhạt" thực ra không phải là bản chất, thuộc tính của giới trẻ, mà chỉ là những biểu hiện tại thời điểm hiện nay. Và, điều quan trọng là người trẻ có quyền lựa chọn lối sống cho chính mình và thế hệ của mình.



TRUNG ĐẶNG
Flag Counter