Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Soi mình để tiến bước

"Soi mình" hay "phản quang tự kỷ” là một trong những năng lực quan trọng của bất kỳ nhà quản trị hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong mắt thế hệ đi trước như chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, TS. Vũ Minh Khương, nhạc sĩ Dương Thụ..., hình ảnh của người trẻ nói chung và thế hệ doanh nhân tương lai nói riêng vừa "tròn" lại vừa "méo".
Nỗi sợ không thành công
Theo nhạc sĩ Dương Thụ, thế hệ trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, năng động và có những điều kiện mà thế hệ trước không có được. Thế nhưng, điểm yếu lại là không biết sử dụng sự nhanh nhạy, năng động này vào những việc gì, hay nói cách khác là mất phương hướng trong hành động.
Giới trẻ hiện nay rất khát khao thể hiện bản thân, nhưng lại thiếu tư duy độc lập, thế nên thường a dua, bắt chước. Họ không hề sợ thất bại, trái lại còn đủ bản lĩnh để đón nhận thất bại, vậy nhưng, cái mà họ sợ nhất là "không thành công", đặc biệt là không thành công như những bạn bè cùng trang lứa.
"Cũng chính vì tâm lý này mà đa phần giới trẻ hiện nay chưa thể làm được những điều to lớn. Thực sự, đi phượt, ca hát, nhảy múa... không phải là sức sống, mà sức sống thật sự phải là những gì cháy bỏng tự bên trong mỗi người để tạo nên giá trị cho xã hội", nhạc sĩ nhận xét.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận xét giới trẻ bằng hai tính từ ngắn gọn: "nhạt nhẽo và dữ dội". Dữ dội là thái độ dám dấn thân, là quyết tâm tạo nên những điều to lớn, còn nhạt nhẽo là do thiếu một lý tưởng, một định hướng cho cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, không ít bạn trẻ dám dấn thân nhưng chưa thật sự tìm ra một lý tưởng, một định hướng cho mình, và chưa thể thuyết phục cộng đồng cùng đi theo lý tưởng ấy.
"Thế hệ của chúng tôi cũng không thể gọi là dữ dội, bởi nếu dữ dội thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã có thể sánh vai với các dân tộc như Singapore hay Hàn Quốc rồi", ông Trung nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, giáo sư giảng dạy tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Viện Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ, những khác biệt giữa thế hệ trưởng thành và thế hệ trẻ thể hiện ở ba yếu tố: xúc cảm, tư duy và năng lực hành động.
"Soi" vào giới trẻ hiện nay, TS. Khương cho biết, các bạn đang thua thế hệ già về mặt xúc cảm, hơn về năng lực tư duy và tương đồng về năng lực hành động, tức tư duy chiến lược còn yếu, thừa thực dụng nhưng thiếu thực tế và hợp tác kém.
Khoảng cách hai thế hệ
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết, thế hệ những người đi trước như ông không có tuổi trẻ, bởi ai cũng già trước tuổi. Trong khi đó, thế hệ hiện nay sẽ không có tuổi già bởi các bạn cứ trẻ mãi mà không chịu lớn.
Theo ông, một người trẻ cần hội đủ hai yếu tố: cái đầu dám suy nghĩ độc lập, tin và theo đuổi chân lý đến cùng; và trái tim dám ước mơ, sống cống hiến, dám theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn lại giới trẻ hiện nay, đa phần các bạn thích chọn con đường dễ dàng, thích làm giàu nhanh chóng, thích có bằng cấp mà không chịu khó "thực học", thiếu tinh thần sánh vai và chưa tìm thấy hệ giá trị thực nâng đỡ cho mọi hành động.
Cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên Đại học Stanford, hiện là Giám đốc Chiến lược của Viện Yola, và nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế của thế hệ mình như lời chia sẻ của những người đi trước.
Quả thật, thế hệ trẻ hiện nay thừa thông minh, giỏi giang, nhưng vẫn còn thiếu một tiếng nói chung, lý tưởng chung để ra sức phấn đấu, cống hiến.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ, dù có những điểm vượt trội nhưng thế hệ đi trước cũng có những sai lầm, chẳng hạn như cách ứng xử với tài nguyên thiên nhiên, điều mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang đấu tranh để khắc phục.
Như vậy, khoảng cách thế hệ thật sự hiện hữu, nhưng làm thế nào để lấp đầy khoảng cách này, để các thế hệ hiểu được nhau thì mới có sự giao thoa về tri thức giữa các thế hệ, để cùng nhau tạo nên những giá trị mới cho cuộc sống mới là chuyện quan trọng nhất.
Mượn hình ảnh trẻ trung của nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia Giản Tư Trung cho biết, nhà văn hiện đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lướt web, sử dụng iPad thành thạo và có thể nói chuyện "tâm đầu ý hợp" với một sinh viên 20 tuổi bằng chính "ngôn ngữ hiện đại" của họ.
"Vậy vấn đề ở đây không phải là tuổi tác, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng để hiểu những người thuộc thế hệ khác với mình hay không?", ông Trung nhấn mạnh.
Rõ ràng, "sống đậm" hay "sống nhạt" thực ra không phải là bản chất, thuộc tính của giới trẻ, mà chỉ là những biểu hiện tại thời điểm hiện nay. Và, điều quan trọng là người trẻ có quyền lựa chọn lối sống cho chính mình và thế hệ của mình.



TRUNG ĐẶNG

Giới trẻ táo bạo khởi nghiệp dù 'khát' vốn

Nhiều bạn trẻ quyết từ bỏ việc làm thuê để ra kinh doanh, không ngại ba lần bốn lượt khởi nghiệp bất thành dù hành trình tìm vốn rất gian nan. Thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp cũng lập dự án kinh doanh để thử sức mình.

Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Hồng Đức - sinh viên năm ba trường Đại học Bách Khoa TP HCM, vẫn háo hức muốn thử sức với công việc kinh doanh mà bạn chưa từng có một ngày kinh nghiệm. Học chuyên ngành xây dựng cầu đường, nhưng cậu sinh viên năm ba lại muốn dấn thân vào lĩnh vực dịch vụ giải khát ăn uống. Đức còn băn khoăn có nên tạm dừng việc học để thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hay không.
Đức chia sẻ đã lập dự án mở một quán cà phê có tên "Lặng", phổ biến ngôn ngữ ký hiệu, theo mô hình khác với những quán cà phê thông thường. Đây là ý tưởng kinh doanh hướng đến cộng đồng, vừa tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng vừa là sân chơi cho những bạn trẻ ưa thích ngôn ngữ ký hiệu. Không có vốn, cậu đang trình bày dự án này để tìm kiếm nhà đầu tư.
"Tôi muốn dùng dự án này tham dự cuộc thi Lương Văn Can. Mục đích nhằm thông qua hội đồng phản biện của cuộc thi để làm bài test cho chính mình trước khi bước vào môi trường kinh doanh thực thụ", Đức nói.
Các bạn trẻ đang phát biểu, đặt câu hỏi trong chương trình Câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thanh
Không phải là lính mới như sinh viên Lê Hồng Đức, mới ngoài 30 nhưng anh Hưng đã nhiều lần lăn lộn với không ít ngành nghề khác nhau. Hưng chia sẻ: "Tôi đã 4 lần khởi nghiệp, thành công và thất bại đều đã từng nếm trải nhưng chắc chắn tôi sẽ không bỏ cuộc".
Hưng chia sẻ đang khởi động một dự án phần mềm, đến giai đoạn thử nghiệm áp dụng vào thực tiễn nhưng gặp khá khó khăn ở khâu tìm vốn. Theo anh Hưng, rào cản của những người trẻ khởi nghiệp chính là các nhà đầu tư luôn yêu cầu dự án phải chứng minh được tính hiệu quả ngay từ khi còn nằm trên giấy hoặc chỉ là kế hoạch. "Tôi hy vọng trong thời gian tới thị trường có thêm nhiều quỹ đầu tư, kênh tài chính sẵn sàng bảo trợ, nâng đỡ cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ", Hưng nói.
Có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong tập đoàn Hoa Sen rồi ra gây dựng sự nghiệp riêng, Giám đốc Công ty thép Tuấn Kiệt, Nguyễn Tuấn Khanh đồng quan điểm với anh Hưng về câu chuyện "đói vốn".
Anh Khanh phân tích, ai cũng muốn khởi nghiệp nhưng khó khăn lớn nhất chính là nền tảng tài chính cho giai đoạn đầu tiên của dự án. Các doanh nghiệp trẻ hiện nay vướng mắc ở chỗ họ không có kênh hỗ trợ tài chính đa dạng để làm tiền đề cho những dự án mới. Ngoài ngân hàng, các hiệp hội, doanh nghiệp trẻ hầu như không tiếp cận được với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh táo bạo của họ.
Chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong bước đầu khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, Phạm Phú Ngọc Trai nói: "Những ý tưởng kinh doanh táo bạo và tinh thần vượt khó của các bạn trẻ trong giai đoạn hiện nay là điều đáng quý. Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn eo hẹp nhưng các bạn đã không lùi bước và vẫn giữ được ngọn lửa đam mê".
Tuy nhiên theo chuyên gia này, các bạn trẻ không nên nghĩ khởi nghiệp là bỏ cái cũ để làm cái mới với số tiền vốn vượt khả năng chi trả, cũng đừng ép buộc bản thân phải chuyển đổi sang một công việc khác để bắt đầu sự nghiệp. Quá trình khởi nghiệp được tính từ giai đoạn các bạn trẻ còn ngồi ở giảng đường đại học cho đến lúc tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc rồi sau đó tích lũy vốn, nắm bắt cơ hội bứt phá sang giai đoạn tự làm chủ.
Ông Trai cho biết, trường hợp các doanh nghiệp trẻ, các bạn sinh viên chưa tiếp cận được với các kênh hỗ trợ vốn cho những dự án mới khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp để giới trẻ khắc phục điểm yếu này. Theo ông Trai, đầu tiên, người đề xuất ý tưởng và dự án kinh doanh cần tìm đúng nhà đầu tư thực sự quan tâm đến dự án. Đây là hành trình gian nan, đòi hỏi tính nhẫn nại, kiên trì và sáng tạo của các bạn trẻ. Khi đã tìm được nhà đầu tư, kế đến là công việc thuyết phục nhà đầu tư bằng cách chứng minh hiệu quả của suất đầu tư, khảo sát nhu cầu của thị trường và tính toán được khả năng thu hồi vốn...
"Nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn để rót vốn. Trong khi đó, người đang có dự án kinh doanh lại có rất ít sự lựa chọn. Vì thế, các ý tưởng, dự án kinh doanh phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để giành được suất đầu tư", ông Trai nhận xét.
Vũ Lê
Flag Counter