Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Độc, lạ: Thuê 'chú rể'… giá 100 triệu đồng

Thuê…chú rể, làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Độc, lạ: Thuê chú rể… giá 100 triệu đồng
Xu hướng làm bà mẹ đơn thân ngày càng nhiều, vì thế để dễ dàng “qua mặt” người thân, bạn bè, nhiều cô gái đã tìm đến dịch vụ thuê…chú rể, rồi làm đám cưới ra mắt họ hàng.

Do đây là dịch vụ khá mới mẻ và hơi “tế nhị” nên chủ yếu phải được môi giới thông qua người quen thì các chủ tiệm dịch vụ cưới hỏi mới nhận lời giúp. Ngay cả trên mạng internet, các “cò” môi giới dịch vụ cũng chỉ cung cấp địa chỉ email, không có số điện thoại hay địa chỉ liên lạc cụ thể.

Theo lời giới thiệu của một anh bạn thân tên Chinh, chúng tôi tới một cửa hàng chuyên cung cấp các dịch vụ cưới hỏi trọn gói trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một cửa hàng nhỏ, nằm trong ngõ, diện tích khoảng 10m2, của vợ chồng anh Tuấn – chị Hiền (quê ở huyện Ý Yên, Nam Định), bên ngoài chỉ có một tấm biển nhỏ đề “Dịch vụ cưới hỏi trọn gói” và một trái tim màu đỏ lớn cùng một mâm trầu cau (làm bằng nhựa) được bày trên bàn ở ngay trước cửa ra vào.

Do có người quen giới thiệu, nên anh chị khá cởi mở và thân thiện. Vừa thấy tôi bước vào, chị Hiền liền hỏi: “Mấy tháng rồi em?”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu ý chị, thì anh bạn tôi đã nhanh nhảu: “Mới thôi, nhưng cần gấp”.

Thì ra, đa số các khách hàng tìm đến dịch vụ thuê chú rể đều là những cô gái “trót dại” mang bầu hoặc muốn làm “single mom”, nhưng do lo sợ sự đàm tiếu của dư luận và làm “mất mặt” bố mẹ với bà con làng xóm vì quan niệm “chưa chồng mà chửa”, nên nhiều người đã tìm đến dịch vụ này để làm đẹp lòng các bậc sinh thành.

Theo chị Hiền, nếu chỉ thuê chú rể không thì mất khoảng 5 triệu đồng, còn trọn gói thì hơi cao, tầm khoảng 30 triệu đồng bao gồm: bố mẹ chú rể, họ hàng nhà trai, các mâm lễ vật,….tiền trang phục, đi lại cho những người này, khách phải tự lo. Còn việc tập huấn thông tin cho khớp giữa nhà trai và nhà gái sẽ do cửa hàng đảm nhiệm.

Việc tổ chức ăn uống và các chi phí khác cho đám cưới, tất nhiên cũng là do khách hàng phải tự lo. Nếu nhờ cửa hàng thì mức giá sẽ phụ thuộc vào quy mô tổ chức. Việc đặt mâm cỗ nhà hàng sẽ đảm nhận và đưa ra mức giá cụ thể, còn các công việc khác như: Trang trí nhà đám cưới, Mâm quả trọn gói, Cho thuê xe cưới hỏi, Cho thuê bàn ghế, Cổng hoa cưới, Nhà bạt và các trang thiết bị sự kiện, Dịch vụ hoa tươi, Hoa cưới, Hoa sự kiện, Người bê quả, Lễ Tân, Nhóm múa, Người đại diện hai họ, Cắt chữ Mốp Xốp, Phụ kiện cưới, Quà Tặng,…sẽ mất thêm khoảng 10 triệu đồng.

Tóm lại, tổng chi phí khoảng 50 – 100 triệu đồng tùy theo quy mô của buổi đám cưới.

Tuy nhiên, đấy chỉ là tiền thuê các nhân vật cho 1 ngày, còn nếu muốn thuê chú rể cho lễ ra mắt, hay lại mặt, thì phải trả thêm 1 triệu đồng/ngày. Nếu cần thuê thêm nhà trai thì khoảng 5 triệu đồng/ngày. Tất cả đều phải thỏa thuận từ trước vì mỗi người mỗi ngành, nghề, nên sau khi kết thúc đám cưới, rất khó tập hợp mọi người đông đủ.

“Đa số những người tìm đến dịch vụ đều là những người có kinh tế khá, nhưng vì nhiều lý do buộc phải sinh con một mình nên để “qua mặt” gia đình và người thân, họ không ngại phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để tổ chức một đám cưới giả”, chị Hiền cho hay.

Tuy nhiên, theo chị Hiền, không phải là đám cưới nào cũng mất một khoản chi phí lớn như vậy, có nhiều khách hàng là sinh viên, do không có điều kiện kinh tế khá giả, nên họ chỉ chấp nhận thuê chú rể và gia đình chú rể trong vòng 1 ngày, số tiền chưa đến 10 triệu đồng.

Chị Hiền kể, tuy đã được lên kế hoạch khá chỉnh chu, nhưng tại các đám cưới vẫn không ít các sự cố có thể xảy ra.

Xinh đẹp, giỏi giang, nhưng Giang (33 tuổi, quê ở Hà Tây), hiện đang làm kế toán cho một ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội vẫn chưa tìm được một đấng mày râu thích hợp để làm chồng.

Điều kiện kinh tế của Giang khá ổn định, nên cô quyết định tự sinh một đứa con để bồng ẵm như bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù có khá nhiều “vệ tinh” vây quanh nhưng cô không muốn kết hôn bất cứ một ai, vì sợ cuộc sống vợ chồng phức tạp.

Tuy nhiên, do bố mẹ cô là những người khá “cổ hủ”, nên việc con gái “không chồng mà chửa” là điều không thể chấp nhận được. Chính vì thế, qua lời giới thiệu của bạn bè, Giang đã tìm đến dịch vụ cho thuê…chú rể để “qua mặt” gia đình và người thân.

Trong đám cưới, mặc dù đã được thống nhất về các thông tin, nhưng họ nhà trai vẫn mắc phải rất nhiều sự cố. Khi được hỏi về chú rể, bên họ nhà trai, ông bác thì nói làm trưởng phòng kế hoạch của một công ty kiểm toán, còn cậu em trai chú rể nói như “đinh đóng cột” là làm trưởng phòng marketing của một ngân hàng.

Sự nhầm lần này dù không phải là lớn, nhưng cũng khiến họ nhà gái tỏ ra ngạc nhiên, nghi ngờ, đặt dấu hỏi về công việc hiện tại của chú rể.

Đặc biệt, sau đám cưới, sự “mất tăm” của chú rể luôn khiến cho nhà gái khó hiểu. Mặc dù, Giang lấy lý do là làm đám cưới gấp vì chồng tương lai sắp phải đi công tác nước ngoài những 2 – 3 năm, nhưng cũng không thể khiến cho bố mẹ cô an tâm và nghi ngờ về thân phận thực sự của chú rể.

Theo Ngọc Vy
VTC News

Những CEO ngân hàng xuất thân từ nghề giáo

Từng có thời gian đứng trên bục giảng, không ít thầy cô giáo rẽ hướng kinh doanh ngân hàng - một trong những ngành lợi nhuận cao song cũng đầy rủi ro.
Nhà băng có đội ngũ lãnh đạo nhiều người xuất thân từ giáo viên nhất phải kể đến Ngân hàng Á Châu (ACB). Từ cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập, trưởng ban kiểm soát, phó tổng giám đốc đến giám đốc các phòng giao dịch, chi nhánh... đều có người xuất thân là giáo viên. Ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).
Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại. Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.
Ông Nguyễn Thanh Toại
Phó tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cũng là một giảng viên tại đại học Kinh tế TP.HCM những năm 1978 đến 1984 và 1991 đến 1993. Bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Á Châu từ năm 1994, đến nay, ông Toại đã có 18 năm gắn bó với nhà băng này. Được bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Thanh Toại cũng được giao trọng trách là người phát ngôn chính thức của ACB. Phó tổng giám đốc ACB là người ghi dấu ấn với cách nói chuyện cởi mở, thân thiện.
Ông Trịnh Kim Quang
Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, ông Trịnh Kim Quang cũng có 10 năm (1978-1988) làm giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM. Sau khi rời trường, ông Quang làm việc thêm 2 năm tại Công ty vàng bạc đá quý SJC, sau đó đến 1993 tham gia vào ACB, nằm trong danh sách thành viên sáng lập và đảm đương nhiều vị trí cốt cán như Phó chủ tịch HĐQT, thành viên Ủy ban nhân sự, thành viên Hội đồng đầu tư. Một CEO cũng nổi tiếng khi chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng là Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình.
Ông Trần Phương Bình
Gắn bó với ngân hàng này từ những năm đầu thành lập, ông Bình cho biết, khó khăn lớn nhất khi chuyển nghề “tay ngang” là chưa có chuyên môn sâu về tài chính ngân hàng. Song nhờ mày mò tự tìm hiểu những "ma trận" của kinh doanh tài chính, ông cũng đưa Ngân hàng Đông Á trở thành một nhà băng hoạt động ổn định.
Bà Trần Thị Việt Ánh
Trong những cái tên CEO nữ chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng, không thể không nhắc tới Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) Trần Thị Việt Ánh. Bà Ánh đã từng có thời gian giảng dạy tại đại học Ngân hàng TP.HCM, từng đảm đương vị trí Phó chủ nhiệm khoa Kế toán ngân hàng. Năm 1994, bà chuyển về SaiGonBank và 10 năm sau, bà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc.
Tổng giám đốc SaiGonBank chia sẻ, với người lãnh đạo ngân hàng, ngoài năng lực quản lý, chuyên môn giỏi còn cần có cái tâm với công việc: “Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, mỗi quyết định của người đứng đầu đều có ảnh hưởng tới hoạt động của cả bộ máy, thậm chí nếu người lãnh đạo cùng đưa ra quyết định mang tính cá nhân thì còn có nguy cơ gây ra những hệ lụy lớn”. 


Nguồn: Zing
Flag Counter