Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Cậu sinh viên năm 3 lập trang web việc làm cho SV

Ở tuổi đôi mươi, Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) đã là "chủ xị" của ClubVieclam.com với số nhân sự chính thức gần 50 người cùng thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) - ông chủ của ClubVieclam.com. Lại Thế Long (sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Thương mại) - ông chủ của ClubVieclam.com.
"Dù đói, dù no nhưng cái chữ thì không thể thiếu"

Gia đình Long có 5 anh chị em, cha là thương binh hạng 3/4 mẹ làm nghề nông nên gặp nhiều khó khăn. Mấy sào ruộng cũng chỉ đủ cho gia đình ăn đến tháng 3. Bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, Long cùng mấy chị em phải lặn lội mò cua, bắt ốc, hái đỗ, mót lạc trên những cánh đồng sau mùa vụ.

Cuộc sống vất vả là thế nhưng mẹ Long vẫn cố gắng thức khuya dậy sớm lo cho anh chị em Long cái ăn, cái mặc những mong con được cái chữ nên người. Dẫu vậy, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến người anh trai và hai chị gái của Long không thể tiếp tục đến trường. Trong gia đình, chỉ có Long và người em út là may mắn được học hành đến nơi đến chốn.

"Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị gái ngồi ôm cột nhà khóc một mình mỗi khi nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường, rồi câu nói của mẹ ngày nào như vẫn còn văng vẳng bên tai: Nhà mình nghèo nhưng mẹ sẽ không để các con thất học, dù đói, dù no nhưng cái chữ thì không thể thiếu", Long chia sẻ.

ClubVieclam.com của "anh chàng vô dụng"

Những ngày mới lên Hà Nội trọ học, Long nói cuộc sống của cậu thực sự nhàm chán. Hằng ngày, cậu chỉ lên lớp rồi tan học lại trở về ký túc xá.

"Tôi thấy chán nản vì thời gian trôi đi vô nghĩa. Bố mẹ vất vả nuôi tôi ăn học, rồi cứ đà này, ra trường, chắc lại phải vất vả mất tiền xin việc. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng", Long nói.

Nghĩ bản thân cần phải thay đổi, Long quyết định tìm việc làm thêm. Thế nhưng không may, cậu bạn lại mất tiền vào tay một công ty "ma". Sau nhiều tháng tìm kiếm, Long được các anh chị khóa trước của trường ĐH Thương mại giới thiệu cho công việc phát tờ rơi với mức lương 50.000 đồng/buổi chiều.

Đầu tiên chỉ là những tờ rơi bình thường, sau dần cậu mở rộng ra nhiều sản phẩm khác như dịch vụ in ấn, cung cấp nhân sự part-time (PG, bê tráp cưới hỏi…), tổ chức sự kiện… Tuy nhiên, sự thiếu ổn định về nhân sự ngày đó khiến Long gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, ý tưởng ClubVieclam.com đã ra đời với mục tiêu tập trung vào việc đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn và phát triển công việc part-time.

"Tưởng lập một club dễ dàng, ai ngờ gặp quá nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng như sụp đổ. Ai dám theo một sinh viên năm thứ nhất như mình?", Long nhớ lại.

Giờ đây, sau gần 2 năm, từ một nhóm bạn chơi thân, ClubVieclam.com đã trở thành tổ chức hoạt động hiệu quả. Đây cũng là một trong số ít những câu lạc bộ sinh viên có nguồn thu lớn về tài chính.

ClubVieclam.com hiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Với sự quyết tâm cùng đam mê kinh doanh cháy bỏng, Lại Thế Long và nhóm bạn đang biến ClubVieclam.com trở thành hình mẫu đáng học hỏi cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Theo Sinh viên Việt Nam

Cô sinh viên mê kinh doanh làm "bà chủ" từ 19 tuổi

Kinh doanh từ năm thứ nhất ĐH khi tay trắng, đến nay Bùi Thị Phương (SN 1989), SV năm 4 khoa Quản trị kinh doanh- ĐH Ngoại thương Hà Nội đang là chủ nhiều shop thời trang nữ có thu nhập hàng ngàn USD/tháng.

Cô sinh viên mê kinh doanh làm "bà chủ" từ 19 tuổi

Phương đi làm thêm từ những tháng đầu vào ĐH và gia nhập các CLB chuyên về khởi nghiệp kinh doanh ở trường. Công việc đầu tiên của Phương là bán quần áo, rồi làm gia sư, bán sách, đĩa...

Trong một lần họp ở CLB, Phương đề xuất ý tưởng mở shop bán quần áo nữ nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Phương vẫn quyết tâm tự triển khai ý tưởng. Sau hơn 1 tháng lên kế hoạch, móc nối nguồn hàng, khảo sát xu hướng..., cuối cùng Phương chọn thuê cửa hàng trong ngõ ở đường Láng (Hà Nội) với giá gần 4 triệu đồng/tháng.

Nguồn hàng giá rẻ, địa điểm đều đã có, Phương về quê vay tiền, nhưng bị mẹ mắng vì không lo học lại ti toe kinh doanh. Phương quay ra vay họ hàng, bạn bè và bán đi một số thứ, cuối cùng xoay được gần 40 triệu đồng để khởi nghiệp.
Một cửa hàng thời trang của Phương tại thị xã Tam Điệp
Một cửa hàng thời trang của Phương tại thị xã Tam Điệp.

Nhờ phát tờ rơi, giới thiệu qua internet nên hôm khai trương khách đến rất đông. “Một mình bán hàng cả ngày, dù mệt nhưng phấn khích. Doanh thu mỗi ngày được hơn 3 triệu đồng. Cảm giác được cầm những đồng tiền đầu tiên do mình kiếm được thật lạ”, Phương chia sẻ.

Cửa hàng kinh doanh thuận lợi do hàng hợp thời trang và giá rẻ, tháng đầu tiên Phương kiếm được gần 16 triệu đồng. Những tuần đầu phải tự bán hàng, Phương nghỉ học liên miên. Vì học theo tín chỉ nên Phương chủ yếu tự học ở nhà để đi thi giữa kỳ và cuối kỳ.
 Bùi Thị Phương
Bùi Thị Phương.

Hôm khai trương cửa hàng trùng với lịch thi cuối kỳ môn thể dục, Phương đành bỏ thi, chấp nhận học lại để thử vận may khởi nghiệp. Phương có nhiều bí quyết kinh doanh như lên danh sách khách hàng với những ghi chú thông tin về ngày sinh, kiểu dáng mẫu mã khách thích để có những món quà đặc biệt tặng khách. Vì thế shop dù ở trong ngõ vẫn kinh doanh tốt.

Khi công việc ổn định, thuê được nhân viên, có nguồn hàng thường xuyên, Phương lên lịch học và lịch làm việc cho từng ngày, từng tuần, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Phương vẫn có thời gian đến trường, quản lý kinh doanh và đi chơi.

Hiện Phương có hai cửa hàng mang tên C1 ở Học viện Tài Chính và thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) đều kinh doanh tốt. Phương quyết định đóng cửa shop tại đường Láng để mở shop mặt phố nơi lượng khách hàng đông đúc hơn.

Việc học, việc kinh doanh bận rộn nhưng Phương vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc sách kinh doanh, sách kỹ năng về giao tiếp, bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Bạn bè kể Phương thành công một phần nhờ cá tính liều. Hồi nhỏ, không biết bơi, nhưng thấy các anh chị nhảy xuống nước bơi, Phương cũng nhảy theo suýt chết đuối mấy lần.

Khi bắt đầu kinh doanh, nhiều người can ngăn, nhưng sẵn tính liều, Phương vẫn làm với ý nghĩ: Phải làm mới có kết quả, không thành công thì cũng có kinh nghiệm.

Phương vẫn vừa kinh doanh vừa học CFA (chương trình chuyên gia phân tích tài chính quốc tế). Dự định khi ra trường, Phương sẽ mở một trường mầm non và tiếp tục kinh doanh thời trang.
Theo Hải Yến
Tiền phong
Flag Counter