Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Khởi nghiệp từ rắc rối với bạn cùng phòng

Chỉ vài tuần sau khi dọn vào sống ở ký túc xá Trường ĐH Pittsburgh (Mỹ), Justin Mares (22 tuổi) đã nghĩ đến việc chuyển chỗ. Nguyên nhân chính là... người bạn cùng phòng.

“Bạn ấy chẳng vui vẻ chút nào và sống cô độc. Rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến việc học của tôi” - Mares nhớ lại. Cậu nhận ra những câu hỏi khảo sát dành cho tân sinh viên quá mơ hồ để có thể tìm được người bạn cùng phòng hợp ý nhau. Mares cho rằng các trường có thể dùng công nghệ thông tin để tìm hiểu chuyện trên như cách các website hẹn hò trực tuyến đã làm. Cậu thử nghiệm bằng cách gửi phần mềm trực tuyến RoommateFit đến 100 nhà quản lý các trường cao đẳng. Và kết quả phản hồi rất khả quan. “Các trường rất quan tâm đến phần mềm này. Đó là công cụ giúp tăng mức độ hài lòng của sinh viên” - Mares nói.

Được hỗ trợ giải thưởng 2.000USD từ Hội Doanh nhân Collegiate, Mares đã hợp tác với một nhà tâm lý học để hoàn thiện phần mềm, chi tiết hóa các câu hỏi khảo sát để có thể đánh giá tính cách tiêu biểu của từng người tham gia khảo sát.

Năm 2011, Trường ĐH Ohio đã đồng ý thí điểm dự án này. Ông Jneanne Hacker, phó giám đốc phụ trách nhà ở của trường, cho biết: “Sinh viên đặc biệt quan tâm đến ai sẽ là bạn cùng phòng của mình và mức độ tương hợp. Với 8.000 sinh viên, chúng tôi không thể liệt kê tiểu sử của từng em, rồi kết hợp các em với nhau một cách thỏa đáng nhất. RoommateFit đã giúp sắp xếp chỗ ở khoảng 1.000 tân sinh viên của trường dựa trên đặc tính chung về giao tiếp, quan niệm về các vấn đề xã hội và thói quen cá nhân”. Cuối năm học, Mares khảo sát những sinh viên đã dùng phần mềm và nhận thấy 40% trong số đó dự tính tiếp tục chung sống với bạn cùng phòng của mình vào năm tới. Kết quả này cho cậu thêm động lực tin tưởng vào dự án kinh doanh của mình.

Mares gửi kế hoạch kinh doanh đến Trường ĐH Pittsburgh và nhận được tài trợ 30.000USD cùng văn phòng làm việc. Sáu tháng sau, cậu đã ký hợp đồng với ba trường đại học: Ohio, Bách khoa miền Nam và Kentucky miền Bắc. Cả ba trường đã dùng RoommateFit để sắp xếp chỗ trọ cho 7.000 tân sinh viên năm học 2012-2013. Mỗi sinh viên trả phí từ 2-3USD.
Mares hiện đang tìm cách mở rộng ý tưởng của mình ra ngoài phạm vi trường đại học, với việc phát triển phần mềm dành cho khách hàng có nhu cầu tìm bạn cùng phòng ở TP New York và San Francisco.

Bản thân Mares cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm ra giải pháp đơn giản cho vấn đề mà nhiều người đối mặt. Cậu tâm sự: “Khi nghe những phản hồi như: Tôi rất mến bạn cùng phòng của mình/ Thật hạnh phúc khi được sống cùng nhau... tôi thấy mình đã làm việc đáng làm, nhất là với những rắc rối chính mình đã trải qua”.
Theo TT

Làm giàu từ vỏ trấu

Với 60 triệu đồng, khởi nghiệp với thứ tưởng chừng như bỏ đi là vỏ trấu, giờ đây anh Lương Văn Minh đã trở thành giám đốc của một công ty.

Anh là Lương Văn Minh (42 tuổi, trú tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh chuyên sản xuất củi trấu.

Anh Minh kể: “Tình cờ, một lần ngồi nói chuyện với anh bạn thời còn đi học hiện là chủ một công ty tư nhân, tôi được biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường chất đốt đang tăng giá. Và tôi chợt nhớ lại vỏ trấu ở quê, người ta vẫn hay vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, sao mình không tận dụng?”. Ý tưởng làm củi trấu đến với anh từ đó. Nhiều đêm liền, anh Minh thức để đọc tài liệu, tìm hiểu qua mạng. Rồi anh vào tận Vũng Tàu để học hỏi cách sản xuất củi trấu sau đó về quê mở xưởng vào năm 2009.

Anh gom góp tất cả tiền bạc có được trong nhà để đầu tư một chiếc máy ép trấu trị giá hơn 60 triệu đồng. Hằng ngày, anh đến các điểm xay xát gạo để mua vỏ trấu rồi đem về đúc, ép thành củi. Thành công chỉ đến với anh sau hàng tháng trời mày mò vừa chạy máy vừa sửa chữa, tốn cả mấy tấn vỏ trấu. Anh Minh cho biết: “Củi trấu tôi làm ra được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tìm mua vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt trong các nồi hơi công nghiệp. Củi trấu có nhiều ưu điểm như nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C, đạt yêu cầu nhưng lại rẻ hơn 35% so với than đá. Các xưởng xay xát lúa lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp vỏ trấu cho mình”. Loại củi trấu này được các nhà máy ưa chuộng vì góp phần hạn chế việc sử dụng gỗ, củi khai thác trong tự nhiên, hạn chế khí thải độc hại ra môi trường. Hiện mỗi tháng, công ty anh xuất ra thị trường khoảng 200 tấn củi trấu.

Anh Minh cho biết cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) làm được 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập rất “khủng” đối với nhiều người dân ở đây.

“Cái khó nhất của nghề là tìm được thị trường ổn định. Nhưng khi mình kiên trì tạo được uy tín với bạn hàng thì có khi cung không đủ cầu”, anh Minh nói. Cao điểm là hồi năm 2011, mỗi ngày anh xuất bán vào Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (H.Điện Bàn), Khu kinh tế mở Chu Lai (H.Núi Thành) đến 400 - 500 tấn củi trấu, anh phải nhập thêm hàng về để bán.

Anh Minh cho biết nghề làm củi trấu không khó nhưng để củi đạt chất lượng cao thì người làm phải để ý đến khâu nén vỏ trấu. Thường thì vỏ trấu đem về từ các nhà máy xay xát có thể ép ngay được. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ẩm, lẫn tạp chất nhiều thì phải phơi mới có thể ép được. Tại công ty, quy trình sản xuất gồm trấu được đùn qua máy xay ở nhiệt độ 250 độ C, sau đó được nén lại nhờ chất keo có sẵn trong vỏ trấu. Củi trấu đạt chuẩn phải dài 40 cm, đường kính 8,5 cm, cứng và nặng gần 3 kg/thanh.

“Làm củi trấu, theo tôi, sự kiên trì phải là hàng đầu. Nhiều lúc máy móc hỏng, không biết sửa khiến người theo nghề phải mệt mỏi, dễ bỏ ngang. Nhưng khi làm đã quen, có thị trường ổn định thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho những ai muốn làm nghề này”, anh Minh chia sẻ. Được biết, hiện công ty của anh có 4 máy ép trấu, anh đặt 2 máy ở Quảng Nam và 2 máy khác ở Quảng Ngãi để mở rộng thị trường, chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu.
Theo Thanh niên
Flag Counter